Thích Nhất
Hạnh
Có những nước Á Châu như nước Sri Lanka, vào
ngày Phật Đản không có ai bị đói bụng hết. Tại vì nhà nào cũng để mâm cơm ở
trước cửa và bất cứ ai đói bụng cũng đều được mời ăn cơm đó. Trong ngày Phật Đản
không có ai bị đói vì nhà nào cũng cúng dường cơm, chùa nào cũng cúng dường cơm.
Đây là một truyền thống có từ mấy ngàn năm trước, từ thời Đức Thế Tôn.
Tại thành phố Huế ở Việt Nam, vào ngày Phật
Đản không ai giết một con gà, một con vịt. Ngày đó tất cả mọi người đều ăn chay,
khi ra chợ những người bán hàng cũng chỉ bán đồ chay thôi. Đó là một ngày không
sát sinh. Trong ngày Phật Đản và từ trước đó, nhiều người đã thả chim, thả cá
tạo niềm vui và hiến dâng sự sống cho nhiều loài hữu tình. Đó là cách thực tập
từ bi để báo ơn Bụt. Ngày này, chúng ta thực tập từ bi bằng nhiều cách: Không
sát sinh mà lại phóng sinh, không trừng phạt mà lại tha thứ. Ngày Phật Đản là
một cơ hội để cho các nhà cầm quyền có cơ hội phóng thích tù nhân.
Có một người sinh cách đây hơn 2600 năm mà cách sống của người ấy vẫn còn
ảnh hưởng sâu đậm trong xã hội loài người, người đó phải có một nhân cách rất vĩ
đại. Chính vì vậy cho nên chúng ta xưng tụng người đó là Đức Từ Bi. Những người
Phật tử sống ở châu Âu và châu Mỹ đã chấp nhận ngày Giáng Sinh là một ngày lễ
của người Phật tử. Đối với người Phật tử thì không khó khăn gì để chấp nhận đức
Kitô là một vị Bồ Tát. Vì vậy người Phật tử sẵn sàng để ăn Noel. Thay vì giết
một con gà lôi (gà tây) để ăn Noel thì người Phật tử ở phương Tây lại ăn chay để
khỏi phải sát sinh. Nếu người Phật tử cứ thực tập như vậy một hồi thì ở châu Âu
và châu Mỹ người ta sẽ chuyển hướng, họ cũng sẽ không giết một con gà lôi mỗi
khi ngày Giáng Sinh tới.
Ở Việt Nam, ngày này Phật tử làm lễ đài rất
lớn, có những xe hoa được trang hoàng công phu. Nhưng phải làm sao để đừng bị
tốn kém, đừng phung phí, vì thiểu dục vốn là một truyền thống của Phật giáo. So với lễ Noel thì lễ Phật Đản
ít tốn kém hơn nhiều. Nếu quý vị Phật tử ở các nước châu Âu, châu Mỹ mà làm lễ
Noel cho đàng hoàng theo tinh thần Phật Đản thì sẽ gieo được những hạt giống
tốt. Các thân hữu Kitô sau này cũng sẽ chịu ảnh hưởng và sẽ tôn trọng sinh mạng
của các loài cầm thú và cỏ cây.
Chúng ta là những người con Bụt, đã quy y, tức
là đã quay về nương tựa Bụt. Nhưng từ nhỏ tới lớn chúng ta đã có nhiều quan niệm
về Bụt khác nhau, cái quan niệm về Bụt của chúng ta cứ thay đổi hoài. Khi còn là
một em bé, quan niệm về Bụt của chúng ta khác. Lớn lên, tìm hiểu, đọc sách về
Bụt thì quan niệm của chúng ta về Ngài lại khác hơn. Theo năm tháng, ý niệm của
chúng ta về Bụt ngày một thay đổi. Nếu tu tập tinh tấn thì tới một ngày nào đó
chúng ta có một ý niệm về Bụt rất gần với sự thật. Ví dụ mình tu hành sáu mươi
năm, hay sáu mươi lăm năm thì mình có thể trải qua bẩy mươi hay tám mươi cái
quan niệm về Bụt. Nhưng nhờ sự tu chứng, mình sẽ đi qua một cái ý niệm về Bụt
sát với sự thật hơn. Nếu mình có một quan niệm về Bụt thì có thể quan niệm đó
chưa gần với sự thật lắm đâu. Chúng ta phải sẵn sàng để buông bỏ cái ý niệm đó
đi.
Trong Cơ đốc giáo cũng như Phật giáo, người ta nghĩ
đến đức Kitô hay đức Thích Ca với những tư liệu mà người ta có được trong Thánh
Kinh và trong Kinh Bụt, rồi dựa vào những tư liệu đó mỗi người có một ý niệm về
Chúa hay về Bụt cho riêng mình.
Cái đó cũng đúng thôi, nếu chúng ta thực tập
cho sâu sắc thì chúng ta biết rằng Bụt cũng vô thường mà Chúa cũng vô thường. Vô
thường đây không có nghĩa là sau khi chết không còn nữa, vô thường đây có nghĩa
là sau khi chết thì vẫn tiếp tục, nhưng tiếp tục dưới hình thức khác. Cho nên đi
tìm Chúa đi tìm Bụt là trách vụ của người tu học. Mà tìm Bụt ở đâu? Tìm Chúa ở
đâu? Bụt và Chúa có phải là những thực tại nằm ngoài chúng ta không? Đó là vấn
đề cần phải đặt ra.
Chúng ta có một hình ảnh về đức Thích Ca qua
những tư liệu mà chúng ta thu nhập được từ kinh điển. Đó là hình ảnh một vị thái
tử thành Ca Tỳ La Vệ, lớn lên trong nhung lụa, tới khi trưởng thành thì bỏ nhà
đi xuất gia, tu khổ hạnh, sau đó thành đạo và đi thuyết pháp bốn mươi chín năm.
Đó là hình ảnh về đức Thích Ca của chúng ta. Khi tạc tượng hay vẽ hình thì chúng
ta căn cứ trên dữ liệu đó. Ta phải biết rằng đó chỉ là hình ảnh đầu của đức
Thích Ca mà thôi, sau khi ngài nhập diệt thì hình ảnh đó trở nên khác. Cho nên
mình phải thực tập như thế nào để đừng bị dính mắc vào cái hình ảnh của Bụt mà
mình đã tạo dựng ra từ những tư liệu mà mình đã sử dụng trong kinh điển.
Ban đầu thì đó là sự thật hết, chúng ta cần có
một hình ảnh, và những hình ảnh đó mình tìm thấy được trong kinh điển. Chúng ta
cần cái hình ảnh, nhưng nếu chúng ta bị vướng mắc vào cái hình ảnh đó và nghĩ
rằng Bụt bây giờ cũng vẫn như xưa thì chúng ta sai lầm. Nếu cứ tưởng rằng Bụt
bây giờ vẫn giống như Bụt của hai ngàn sáu trăm năm trước. Rằng sau khi chết
tướng của Ngài không thay đổi, Ngài vẫn đang ở đâu đó trên trời hay dưới biển
thì chúng ta lầm to. Chúng ta bị rời vào một cái kiến chấp gọi là thường kiến.
Còn nếu nói rằng: Sau khi chết Bụt không còn nữa thì đó là rơi vào đoạn kiến. Mà
rơi vào đoạn kiến hay thường kiến thì cũng đều sai lầm cả.
Vậy thì chúng ta phải đi tìm Bụt như thế nào
để thấy được Bụt, để tiếp xúc được với Bụt như là một thực tại mà không phải là
một ý niệm. Nếu quý vị tới từ truyền thống Cơ Đốc Giáo thì quý vị cũng biết như
vậy. Nếu mình đi tìm Bụt như thế nào thì mình cũng đi tìm Chúa như thế. Nếu mình
kẹt vào ý niệm thường thì mình không tìm được Bụt được Chúa, mình kẹt vào ý niệm
đoạn thì mình cũng không tìm thấy Chúa, thấy Bụt. Cái ý niệm đó nó giam hãm
mình.
Trong cuốn Sám Pháp Địa Xúc, đoạn đầu chúng ta
quán Bụt như một vị thái tử, có vợ, có con rồi đi xuất gia và thành đạo. Nhưng
phần tiếp theo của cuốn sách, chúng ta đã đi khá hơn, chúng ta đã thấy được sự
tiếp nối của Bụt sau khi thành đạo. Thấy được hình ảnh giáo đoàn của Ngài, và
sau nữa thấy được hình ảnh của Bụt khi Ngài già yếu. Đó chính là một phương pháp
hành trì gọi là quán Bụt. tức là nhìn sâu để thấy được Bụt. Ban đầu thì mình có
thể nương vào những hình ảnh của Bụt mà mình có được từ những tư liệu trong kinh
điển. Nhưng sau đó mình phải đi xa hơn. Mình phải thấy cái hình ảnh ban đầu đó
nó vô thường, và mình phải tìm thấy sự tiếp nối của Bụt một cách rõ ràng, chắc
chắn mà đừng nương vào những tưởng tượng.
Đọc kinh điển chúng ta thấy rất rõ Bụt là một
con người mà không phải là một vị thần linh. Nếu chúng ta nghĩ Bụt là một vị
thần linh không hề thay đổi thì chúng ta lạc vào tà kiến. Chúng ta biết rằng
không phải khi hình hài của chúng ta tan rã thì chúng ta mới bắt đầu tiếp tục mà
chúng ta tiếp tục ngay trong khi hình hài này còn nguyên vẹn chưa bị tan rã.
Tại Làng Mai chúng ta đã từng nghe nhiều lần
câu nói: “trong từng giây phút của đời sống hằng ngày, chúng ta chế tác những tư
duy, những ngôn ngữ, những hành động”. Không có giây phút nào mà chúng ta không
chế tác những tư duy, những ngôn ngữ, những hành động. Những tư duy, ngôn ngữ
hành động đó mang chữ ký của chúng ta, đó là ba nghiệp. Đó là sự nối tiếp rất
đích thực, rất cụ thể của mỗi chúng ta.
Bụt cũng vậy, Bụt cũng có sự tiếp nối bằng
những tư duy, ngôn ngữ và hành động của Ngài. Đọc trong kinh chúng ta thấy được
những tư duy của Bụt. Những tư duy của Ngài được ghi chép lại, được diễn tả bằng
một cái cách nào đó, một ngôn ngữ nào đó. Nếu chúng ta thông minh một chút,
chúng ta không bị mắc kẹt thì chúng ta có thể tiếp xúc được với cái tư duy của
Bụt. Những tư duy của Bụt được gọi là Chánh Tư Duy. Tức là những tư duy đi theo
Chánh Kiến. Chánh Kiến là tuệ giác về vô thường, vô ngã, tương tức, bất sinh bất
diệt, vô khứ vô lai. Có những tư tưởng ghi chép trong kinh có thể chưa phản
chiếu được cái tuệ giác thâm sâu đó (tuệ giác vô thường, vô ngã, vô khứ, vô lai,
vô sinh bất diệt). Nhưng nó cũng có thể là những tư duy của Bụt tại vì tư duy
cũng có nhiều cấp bậc. Có những người chưa thể đi sâu vào sự quán chiếu thì cần
cái tư duy đơn giản hơn để bám víu vào mà đi tới.
Ví dụ khi chúng ta niệm Bụt thì đức Thế Tôn là
thầy của chúng ta. Là bậc đã qua tới một cách nhiệm mầu; là bậc đã hiểu thấu thế
gian; là bậc nhân sĩ cao tột có khả năng điều phục con người; là bậc thầy của cả
hai giới thiên và nhân; là bậc tỉnh thức toàn vẹn; là bậc đáng tôn sùng và quý
trọng nhất trên đời. Đó là những quan niệm về Bụt. Đó là những đức tính của Bụt,
là những danh hiệu mà người ta nói về Ngài. Nhưng nếu ta quan niệm về Bụt như
vậy thì Bụt trở thành một cái ngã, một thực tại nằm ngoài ta và ta phải cầu
nguyện vì ta không có những cái đó. Như thế thì chúng ta chưa đi sâu lắm. Đó
chưa phải là tư duy đi đôi với tuệ giác vô thường, vô ngã và tương tức.
Trong khi chúng ta chắp tay lại quán tưởng thì
chúng ta nói rằng: “Bụt ơi! Con biết rằng Ngài và con là hai thực tại, nhưng
không phải riêng biệt. Con thấy rõ ràng là Ngài có trong con và con cũng có
trong Ngài. Tại vì Ngài và con đều có tính cách tương tức, cho nên sự cảm thông
giữa con với Ngài trở thành sâu sắc. Đó là một phép quán tưởng trước khi lạy để
mình có thể tiếp xúc được với tự thân của Bụt chứ không phải với cái ý niệm về
Bụt. “Năng lễ sở lễ tính không tịch” tức là chủ thể lạy (mình) và đối
tượng lạy (Bụt) bản chất đều là không. Không tức là không có một cái ngã riêng
biệt mà cái này có trong cái kia, cái kia có trong cái này. Bụt có trong ta và
ta có trong Bụt. Lễ Bụt như vậy sẽ đánh tan được cái ý niệm Bụt là một thực tại
riêng biệt nằm ngoài mình và mình phải đi cầu xin, tìm kiếm.
Các bạn theo truyền thống Cơ Đốc Giáo cũng có
thể cầu nguyện với Chúa Giêsu như vậy. Nếu các bạn thấy Chúa như là một thực tại
hoàn toàn khác biệt nằm bên ngoài mình thì các bạn không tiếp xúc được với thực
tại hiện tiền. Hôm trước có một vị linh mục Công Giáo đặt câu hỏi như sau:
"Tại sao trong đạo Bụt không thiết lập một
biểu tượng ở ngoài mình để cầu nguyện ? Cầu nguyện như vậy mới có ý nghĩ chứ."
Vị linh mục ấy đã hỏi tôi như vậy. Ý ông ta là
cầu nguyện thì phải có đối tượng. Cầu nguyện phải là cầu nguyện với ai. Tôi đã
trả lời rằng: Mình có thể nói chuyện với em bé 5 tuổi ở trong mình hay không? Em
bé 5 tuổi cũng là mình, em bé 5 tuổi bị thương rất nặng, nhưng vì mình bận rộn
quá nên không có thời gian đoái hoài tới. Bây giờ mình đã biết quay trở về để
nhận diện em bé 5 tuổi trong mình. Khi mình muốn nói chuyện với em bé thì liền
nói chuyện được ngay chứ sao không. Em bé đó với mình là môt hay hai? Mình có
thể so sánh bức ảnh của mình khi lên năm và một bức ảnh mới nhất của mình trong
hiện tại và hỏi : em bé năm tuổi là tôi ấy với tôi đã trưởng thành là một hay là
hai ? Theo tuệ giác của đạo Bụt thì hai con người ấy không phải một cũng không
phải hai. Em bé nhỏ xíu đó không giống mình bây giờ. Em bé đó với mình không
phải là một (vì không giống nhau), nhưng mà cũng không phải là hai (vì mình là
sự tiếp nối của em bé). Mình có thể nói chuyện với em bé rằng: “Em bé ơi tôi
biết là em bé đang còn đó, em bé đã từng bị thương tích, đã từng bị khổ đau, em
bé cần tới tôi, em bé cần sự nuôi dưỡng và trị liệu. Nhưng mà tôi bận rộn quá,
tôi ít có thì giờ trở về với em bé, nói chuyện với em bé."
Đó là nói chuyện, đó là một sự cầu nguyện. Em
bé đó không cần phải là một thực tại ngoài ta. Cho nên sự cầu nguyện là như vậy.
Khi cầu nguyện Bụt hay Chúa cũng vậy. Ta không
hẳn phải có một đấng hoàn toàn ở ngoài ta thì mới cầu nguyện được. Vì vậy cho
nên trong đạo Bụt mỗi khi mình chắp tay lạy Bụt thì phải cẩn thận. Đừng có coi
Bụt là một vị thần linh có ở ngoài mình. Câu quán tưởng “năng lễ sỡ lễ tánh
không tịch” rất là hay. Người lạy và người được lạy đều có tính cách tương
tức, người này có trong người kia vì vậy cho nên sự cảm thông mới có thể có được
và có một cách sâu sắc. Lạy Bụt như vậy không phải là một cái sự cầu xin, không
phải là một quỵ lụy. Lạy Bụt như vậy là để tiếp xúc với Bụt, mà Bụt này không
phải là một thực tại nằm ở ngoài mình, Bụt này cũng chính là mình.
Mỗi khi ta chế tác được một chánh tư duy, một
tư tưởng mà biểu lộ được tuệ giác vô thường, vô ngã, từ bi, trí tuệ và tương tức
thì ta là Bụt. Khi ta chế tác một tư tưởng hận thù, kỳ thị, hay ganh tỵ thì ta
không phải là Bụt. Khi ta nói ra được lời nói có yêu thương, có tha thứ, gây
được niềm tin cho người thì ta là Bụt. Khi ta nói một câu dữ dằn, ác độc, chua
cay thì ta không phải là Bụt. Tại vì Bụt cũng ở trong ta mà ma cũng ở trong ta.
Và sự thực tập là làm thế nào để ta có nhiều cơ hội chế tác ra chánh tư duy.
Những tư duy có từ bi, có hiểu biết, có thương yêu mà không có kỳ thị, ganh tỵ ;
Làm sao để mỗi giây phút ta nói ra được lời thương yêu ; làm sao để mỗi giây
phút có được một hành động chăm sóc, bảo vệ thì mình là Bụt rồi, đi kiếm Bụt đâu
nữa! Cho nên tổ Lâm Tế mới nói: “Phật và Bồ Tát hả? Phật và Bồ Tát là ai? Là
các vị đây chứ ai, các vị đang ngồi đây nghe pháp chứ ai”. Khi ta chế tác ra
được một chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp tức là mình đã là Bụt rồi tại sao
phải đi tìm đâu xa xôi. Vì vậy cho nên Bụt tại tâm là rất đúng.
Ta thấy rõ ràng là ta tìm thấy Bụt ngay trong
tự tâm của mình, mà ta cũng tìm thấy Bụt ở trong tăng thân của mình. Tăng thân
của mình là gì? Tăng thân là một đoàn thể đang thực tập để có thể chế tác được
chánh tư duy, chánh ngữ và chánh nghiệp. Tăng thân của ta có thể không hoàn hảo,
nó còn có lên xuống, còn khổ đau, còn hờn giận…Nhưng tất cả mọi người trong tăng
thân đều có ý chí muốn tu học. Cho nên người nào tu giỏi thì có thể mỗi ngày chế
tác ra được nhiều chánh tư duy, nhiều chánh ngữ và nhiều chánh nghiệp. Thì người
ấy đang đại diện cho Bụt, đang tiếp nối Bụt, đang cống hiến chất Bụt cho tất cả
những người khác trong tăng thân. Đó là Bụt. Những người xuất sĩ nam hay xuất sĩ
nữ, những người tại gia nam hay tại gia nữ. Người nào mà thực tập chánh niệm hay
chánh định; người nào mà nhìn sâu để có một cái thấy biểu lộ được tính vô
thường, vô ngã, tương tức, không kỳ thị và chế tác được những tư duy có chất từ,
chất bi, chất hỷ, chất xả thì người đó là một sự tiếp nối của Bụt. Bụt không ở
đâu xa, Bụt rất rõ ràng và cụ thể và mình có thể tiếp xúc với Bụt bất cứ lúc
nào, bất cứ ở đâu. Mỗi khi có những khó khăn, những buồn khổ kéo tới thì mình
nói: “Bụt ơi! Con biết Ngài có đó, con muốn tiếp xúc với Ngài để cho con khỏe
nhẹ”.
Với phương pháp theo dõi hơi thở và bước chân,
ta ôm ấp được những nỗi khổ niềm đau của chính mình. Bụt cũng vậy, khi nào có
những nỗi khổ niềm đau thì Ngài biết trở về với hơi thở. Và hơi thở đó giúp cho
Bụt ôm ấp và lìa bỏ được những nỗi khổ niềm đau của mình.
Quý vị cũng vậy, mỗi khi quý vị có một sự bất
an trong lòng, có một chướng ngại làm cho mình không có hạnh phúc thì cách hay
nhất là trở về hơi thở. Hơi thở giúp mình chạm được vào nỗi khổ niềm đau, chạm
được vào cái cảm giác bất an, mông lung của mình để ôm ấp và chuyển hóa. Không
những mình tiếp xúc được bằng hơi thở mà mình còn có thể tiếp xúc được bằng bước
chân. Rất là hay.
Bụt cũng có thể có những khó khăn, khó khăn
của Bụt cũng có thể đến từ bên trong hoặc từ bên ngoài. Nhưng mỗi khi có khó
khăn tới thì Bụt biết tiếp xúc với những khó khăn ấy và mỉm cười với chúng rồi
tìm cách chuyển hóa chúng. Nếu khi những khổ đau tìm tới với ta mà ta biết sử
dụng hơi thở và bước chân để chạm vào và xoa dịu những khổ đau ấy thì ta cũng
đang là một vị Bụt. Còn nếu khổ đau tới với ta mà ta không biết thực tập thì ta
không phải là Bụt. Bụt có mặt 24 giờ đồng hồ trong một ngày.
Thế nên trong ngày lễ Phật Đản, chúng ta có cơ
hội quán chiếu để thấy rằng có thể tiếp xúc với Bụt một cách rất cụ thể. Tôi
nghĩ rằng nếu thấy được Bụt như vậy rồi thì Bụt không còn là một cái gì mơ hồ
nữa, không còn là một đấng thần linh ở trên mây nữa. Chúng ta là đệ tử của thiền
sư Lâm Tế thì chúng ta phải nhớ lời này: “Phật và Bồ Tát hả? Phật và Bồ Tát
là ai? Là các vị đây chứ ai, các vị đang ngồi đây nghe pháp chứ ai”.
Mỗi chúng ta đều có khả năng ôm ấp niềm đau,
chuyển hóa niềm đau của mình và giúp cho người khác ôm ấp niềm đau, chuyển hóa
niềm đau của họ. Chúng ta đang làm công việc của Bụt, chúng ta đang là sự tiếp
nối của Bụt.
Mỗi chúng ta đều có khả năng chế tác ra những
tư duy lành, những ngôn ngữ lành và những hành động lành đó là chúng ta đang nối
tiếp sự nghiệp của Bụt – sự nghiệp thương yêu, sự nghiệp hiểu biết, sự nghiệp từ
bi. Ai trong chúng ta cũng có thể làm được điều đó.
Thông thường, Bụt ở đâu thì quốc độ của Ngài ở
đó. Ngài đi tới đâu cũng mang theo quốc độ của mình. Chúng ta cũng vậy, chúng ta
cũng là Bụt, chúng ta là sự tiếp nối của Ngài nên chúng ta cũng phải có cõi Bụt
quanh mình. Ví dụ ta ngồi nhìn ra cửa sổ thấy mùa xuân vẫn còn đang phơi phới,
cỏ cây xanh mướt, hoa đua nhau khoe sắc thắm, ta thấy những thứ đó rất mầu
nhiệm. Tiếp xúc được với những màu nhiệm đó thì ta thấy cuộc đời này đẹp đẽ quá.
Ta có thể ngồi trên một góc cỏ nhìn ngắm mọi thứ trong tâm trạng không có đau
buồn. Ta ngắm một cái lá sen, ngắm một cái lá tre trong bình an thì lúc đó ta là
Bụt.
Nếu bị giam hãm trong những cơn buồn giận, ta
không tiếp xúc được với những mầu nhiệm của thiên nhiên thì ta không phải là
Bụt, ta đang không có cõi Bụt bao quanh. Bụt ở đâu thì cõi Bụt ở đó. Khi ta có
an lạc, hạnh phúc thì quang cảnh xung quanh cũng có an lạc, hạnh phúc. Khi một
sư anh, sư chị hay sư em không dễ thương mà mình ôm được cái không dễ thương đó,
mình nhìn sư anh, sư chị, sư em của mình với con mắt từ bi thì mình là Bụt và sư
anh, sư chị, sư em ấy là cõi Bụt của mình. Nhìn bằng con mắt từ bi thì mình khỏe
và cõi của mình trở thành cõi tịnh độ. Nhìn bằng con mắt đau buồn trách móc thì
mình không phải là Bụt và cõi xung quanh của mình không phải là cõi Bụt. Đó là
sự thực tập của chúng ta. Một tăng thân được thiết lập ra là để tiếp nối Bụt.
Một người thực tập cũng là sự tiếp nối của
Bụt. Nhưng nếu được sống trong tăng thân, được cùng tăng thân thực tập thì chúng
ta sẽ được che chở, được yểm trợ nhiều hơn. Vì vậy tu tập mà có tăng thân thì dễ
dàng hơn rất nhiều. Nương vào anh, vào chị, vào em, và vào những người bạn đồng
tu để mỗi giây phút mình có thể chế tác được chánh tư duy, chánh ngữ và chánh
nghiệp. Khi chế tác ra được ba cái đó thì trong người mình có Bụt và xung quanh
mình là cõi Bụt. Còn khi chế tác ra những chất liệu ngược lại thì trong người
mình không có Bụt và xung quanh mình cũng không có cõi Bụt.
Chúng ta có thể đã từng nghĩ rằng các chương
trình sinh hoạt tại Làng Mai khá dày đặc: Buổi sáng phải thức dậy sớm đi ngồi
thiền, phải ăn sáng, làm việc, đi thiền hành, ăn trưa, rồi đi theo các lớp học,
rồi ăn chiều, rồi lại ngồi thiền tụng kinh vào buổi tối. Vừa kết thúc khóa tu
hai mươi mốt ngày đã sang khóa tu mùa hè, rồi đi Ý, đi Đức, đi Đông Nam Á… Giống
như không có thì giờ để chơi. Chúng ta có cảm tưởng như là chúng ta bị một sức
ép phải đi theo. Chúng ta cảm thấy chúng ta không có đủ không gian. Khi chúng ta
cảm thấy mình bị ép theo thời khóa, chúng ta cảm thấy mình thiếu không gian, thì
trong chúng ta lúc ấy không có Bụt, không có tăng thân và hoàn cảnh xung quanh
ta cũng không phải là cõi Bụt.
Ở đời có những người rất thích hát. Họ không
có phải là người tu nhưng buổi sáng thức dậy họ muốn hát một bài. Trong khi xả
nước tắm, họ vừa tắm vừa hát. Nhưng có những người khác khi thức dậy không hát
được, lúc tắm họ cũng không hát được, tại vì họ bị kéo đi bởi hàng trăm thứ lo
toan, dự tính trong lòng. Thường thì đó đều là những lo toan không đáng có như
tại sao mình cứ phải dậy sớm đi làm? Không biết hôm nay ở công ty ra sao? Chết
rồi, tí nữa phải nhớ đi đổ xăng v.v… Cùng thức dậy vào buổi sáng nhưng hai người
này khác nhau: một người thì có niềm vui trong lòng do biết an trú, một người
thì không có niềm vui do bị những lo toan kéo đi. Khi ta có niềm vui trong lòng
thì thế giới xung quanh trở thành cõi Bụt. Khi có phiền não trong lòng thì thế
giới xung quanh trở thành cõi Ta Bà.
Trong tu viện, mỗi sáng ta đều thức dậy đi
ngồi thiền. Ngồi thiền làm cái gì? Ngồi thiền tức là khỏi làm gì hết, lúc ấy
không có ai sai mình phải làm cái này hay làm cái kia. Chỉ ngồi yên thôi thì
sướng biết bao nhiêu. Thử hỏi trên thế gian này có biết bao nhiêu người thức dậy
được ngồi yên trong vòng nửa giờ hay một giờ? Được ngồi thiền rất yên vào buổi
sáng giống như có tiếng hát trong lòng và ngồi thiền không phải là một cái áp
lệnh nữa, mà là một niềm vui. Khi ngồi thiền mình có thể tiếp xúc được với Thầy,
với sư anh, sư chị hoặc sư em đang ngồi chung với mình và mình được nuôi dưỡng.
Cũng như có người khi thức dậy mở cửa sổ ra là có thể hát được. Ta cũng vậy. Khi
thức dậy ta thấy được ngồi thiền, được đi thiền hành là một niềm vui. Ngồi thiền
và đi thiền hành đó không phải là công việc, không phải là một áp lực, không
phải là lao tác cực nhọc mà mình phải trả nợ như là một người công dân.
Ở bên ngoài đa phần mọi người đều rất bận rộn
không có cả thời gian để ngồi yên, trong khi đó tại tu viện, mỗi ngày chúng ta
đều được ngồi yên không phải làm gì cả, đó là những cơ hội rất quý. Thế nhưng có
lúc ta lại cảm thấy đó là một sự lao tác mệt nhọc, cảm thấy bị ép buộc. Khi ngồi
thiền hay đi thiền hành mà ta biết cách an trú trong mỗi bước chân, mỗi hơi thở
thì ta có an lạc, thảnh thơi. Lúc ấy ngồi thiền như là ngồi chơi, đi thiền hành
như là đi chơi và xung quanh ta là cõi Bụt. Còn khi ngồi thiền hay đi thiền hành
với tâm trạng bị ép uổng thì rất tội nghiệp và rất uổng.
Trong cùng một khung cảnh nhưng có người thì
thảnh thơi, thư thái, có người lại cảm thấy gò bó, cảm thấy không có không gian,
không có thời gian để sống cho mình. Có những người thấy rất hạnh phúc được ngồi
thiền, được đi thiền hành, được nấu cơm cho đại chúng, được tổ chức và hướng dẫn
khóa tu v.v... Trong khi đó lại có những người cảm thấy phải ngồi thiền, phải đi
thiền hành, phải tổ chức khóa tu. Đối với những người ấy thì ngồi thiền, thiền
hành không phải để sống cho mình, quét nhà, làm vườn không phải để sống cho
mình. Cho nên tất cả là tùy theo cách mình nhìn. Cũng giống như ở ngoài, có những người họ rất thích đi làm vì họ yêu nghề.
Lại có những người rất ngao ngán khi thức dậy thấy có một ngày làm việc trước
mặt.
Thiền Sư Lâm Tế có nói với chúng ta rằng: “Quý
vị đừng có tưởng tượng quá, đừng có nghĩ rằng cung trời Đâu Suất và đức Di Lặc ở
trên mây. Quý vị đừng đi tìm báo thân, pháp thân, ứng thân và cũng đừng đi tìm
Tịnh Độ, mất thời gian lắm. Quý vị chính là Bụt là Bồ Tát đó, nếu quý vị nhận ra
được đời sống là những cái nhiệm mầu”.
Có sáu đạo thần quang tức là sáu thức khiến
cho mình có thể tiếp xúc được với tất cả những cái mầu nhiệm đó. Cung trời Đâu
Suất của đức Bụt Di Lặc, hay cõi Tịnh Độ hay tam giới có mặt hiện tiền để mình
có thể tiếp xúc liền ngay được. Tam giới là tam giới của mình chứ đâu nữa? Người
ta lặp đi lặp lại một cách máy móc câu: “Tôi tu học để mau thoát khỏi tam giới”.
Tổ Lâm Tế nói: “Đừng nói rằng quý vị đi tu là để thoát khỏi tam giới (cõi dục,
cõi sắc và cõi vô sắc). Thoát khỏi tam giới thì quý vị đi đâu. Ở ngay trong tam
giới này đã có đủ Bụt, Pháp, Tăng, có Tịnh Độ, cõi Bụt, có đủ hết”. Khi tâm mình
có ham muốn thì tức là mình đang ở trong cõi dục. Khi tâm có từ bi, hiểu biết
thì mình đang ở trong cõi bồ tát, cõi Bụt.
Chúng ta đã có cơ hội được nghe những lời
giảng, những lời khai thị rất nhiệm mầu của chư Tổ. Và chúng ta có cơ hội để
được sống thật sâu sắc những giây phút của đời sống hằng ngày của chúng ta.
Chúng ta có thể tiếp nối sự nghiệp của chư Bụt. Chư Bụt rất gần chúng ta để được
tiếp nối một cách đẹp đẽ.
Sư ông Làng Mai
thuyết giảng nhân Đại lễ Phật Đản lần thứ 2629
Rằm tháng Tư năm Tân Tỵ (22-05-2005).
Nguồn: PSN