Thế giới vật chất và phi vật chất

the gioi

Hoang Phong

 

Chúng ta sống trong một thế giới gồm có hai thể dạng : vật chất và phi vật chất. Tuy mang hai thể dạng khác biệt nhau nhưng thật ra thế giới ấy khá đồng nhất mà Phật giáo gọi chung là thế giới luân hồi hay ta bà. Tuy thế người ta lại thường tách rời hai thể dạng ấy và xem chúng thuộc vào hai « thế giới » riêng biệt : thế giới vật lý và thế giới tâm linh, còn gọi là thế giới vật chất và thế giới tinh thần. Sự phân biệt sai lầm hay thiếu chính xác đó còn có thể trở nên tệ hai hơn khi người ta tưởng tượng ra một thế giới tâm linh phi vật chất biệt lập bên ngoài tâm thức gồm có ma quỷ, thần linh, thiên đưòng, địa ngục..., và không ngờ rằng cái thế giới tâm linh phi vật chất ấy cũng có thể đang chuyển động trong tâm thức của chính mình.

Bài viết này nhắm vào chủ đích xác định hai thể dạng vật chất và phi vật chất trong cái thế giới mà chúng ta đang sống dưới các khía cạnh triết học và khoa học để làm đề tài suy tư và để so sánh với quan điểm của Phật giáo, và sau cùng sẽ rút tỉa những gì thiết thực và hữu ích góp thêm vào việc tu tập của một người Phật tử.

Định nghĩa về thế giới vật chất và phi vật chất

 Trước hết cũng nên định nghĩa thế nào là vật chất và phi vật chất. Đối với thế giới vật chất, có thể ta yên trí nghĩ rằng khỏi cần phải định nghĩa hay tim hiểu gì cả vì cái thế giới đó đang hiện hữu sờ sờ trước mắt và bất cứ ai cũng biết. Tuy nhiên cái thế giới ấy thật ra đã bị thu hẹp rất nhiều bởi khả năng cảm nhận của các cơ quan giác cảm, một người cận thị sẽ không nhìn thấy được các vật thể ở xa chẳng hạn. Tuy nhiên khoa học đã góp phần không nhỏ làm gia tăng khả năng hiểu biết của con người về thế giới vật chất bằng các dụng cụ như kính hiển vi, viễn vọng kính hoặc các máy móc đo đạt khác, và từ đó đã mở rông thêm cái thế giới vật lý chung quanh, kể cả việc theo dõi bằng máy móc sự vận hành của tâm thức dưới một một vài khía cạnh nào đó.

Những gì vượt ra ngoài « thế giới vật chất » thì chúng ta gọi chung là « thế giới phi vật chất » bao gồm tất cả những hiện tượng không hình tướng, không màu sắc, không âm thanh và không sờ mó được, có nghĩa là vượt khỏi khả năng cảm nhận của ngũ giác. Vậy thế giới ấy gồm có những gì ? Nói một cách tổng quát thì tất cả mọi hiện tượng, dù là vật chất hay phi vật chất trong thế giới này đều được sinh khởi hay tạo tác bằng cách lệ thuộc vào nhiều điều kiện. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma phân chia các hiện tượng trong thế giới luân hồi thành ba thể loại : các hiện tượng hình tướng, các hiện tượng tri thức và các hiện tượng không phải hình tướng cũng không phải tri thức. Các hiện tượng hình tướng gồm các vật thể có hình dáng, màu sắc, v.v..., có thể nhìn thấy bằng mắt hay sờ bằng tay. Các hiện tượng tri thức thì không có hình thể, không màu sắc..., nói chung là không có đặc tính vật lý và không thể đo đạt dược bằng dụng cụ. Nhóm thứ ba gồm các hiện tượng không hình tướng cũng không tri thức, tức là các khái niệm mang tính cách trừu tượng, chẳng hạn như nghiệp (karma), thời gian, không gian, vị thế, thứ tự, các con số, cá thể, sự sống, vô thường, sự sinh, già nua... Theo cách phân loại trên đây thì thể loại thứ nhất thuộc vào lãnh vực vật chất, hai thể loại thứ hai và thứ ba thuộc vào lãnh vực phi vật chất.

Tóm lại, tất cả những gì đang biến động trong tâm thức, kể cả những khái niệm của sự hiểu biết dùng để xác định những hiện tượng bên ngoài tâm thức đều thuộc vào thế giới phi vật chất. Những xúc cảm như lo âu, sợ sệt, thương yêu, giận dữ, khổ đau, hạnh phúc..., là những thành phần của thế giới phi vật chất. Đồng tiền giấy hay đồng tiền bằng vàng ta đang cầm trên tay là vật chất, nhưng giá trị của chúng có tính cách quy ước thì lại thuộc vào lãnh vực phi vật chất. Những cơn ác mộng trong giấc ngủ hay những ám ảnh khiếp đảm trong tâm thức một người bị bệnh tâm thần hoặc những ảo giác thích thú của một người dùng ma túy... đều thuộc vào « thế giới phi vật chất ». 

Theo cách phân loại của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma như được trình bày trên đây thì thời gian và không gian thuộc vào thế giới phi vật chất, chúng không có hình tướng và cũng không phải tri thức. Vậy thời gian và không gian thật sự là gì ? Câu hỏi có thể làm cho nhiều người sửng sốt vì số đông trong chúng ta vẫn yên trí rằng thời gian và không gian là những gì quá « đương nhiên » và bất cứ ai cũng biết. Nhưng thật ra cho đến nay chưa có một triết gia hay một khoa học gia nào hiểu được thời gian và không gian là gì. Từ thời cổ đại cho đến nay đã có không biêt bao nhiêu triết gia và khoa học gia thay nhau đưa ra các giả thuyết và khái niệm về không gian và thời gian. Nhà toán học Hy Lạp Euclide (~450 ~380 trước tây lịch) đề nghị không gian có ba chiều, và gần đây hơn thì nhà bác học Albert Einstein (1879-1955) gán thêm cho cái không gian toán học của Euclide một chiều nữa là thời gian. Nhà bác học Isaac Newton (1643-1727) cho rằng không gian có tính cách tuyệt đối, nhà bác học Gottfried Liebniz (1646-1716) thì khẳng định không gian chỉ có tính cách tương đối, và nhà toán học kiêm vật lý và triết gia Henri Pointcaré (1854-1912) lại cho rằng hình học không gian chỉ đơn giản là một quy ước mà thôi. Đối với thời gian thì lại còn phức tạp hơn nữa vì thời gian có tính cách « trừu tượng » hơn không gian rất nhiều. Tóm lại, những gì vừa được trình bày cho thấy chúng ta có xu hướng tin vào những sự kiện có vẻ như hiển nhiên được cảm nhận qua kinh nghiệm thường nhật của các giác quan, nhưng thực sự thì chúng không quá hiển nhiên như chúng ta tưởng. 

Đọc thêm: ● TRÍ TUỆ TRONG PHẬT GIÁO - Hoang Phong

Sự cấu hợp giữa thân xác và tâm thức :

Thân xác vật chất còn được kết hợp với một thành phần vô cùng quan trọng nữa, đó là tâm thức. Kính sách nói rằng cá thể con người có ba cửa ngõ : đó là thân xác, ngôn từ và tâm thức. Có thể không đến nỗi quá khó khi cần khép hai cửa ngõ thân xác và ngôn từ để cho chúng nghỉ ngơi, tuy nhiên đối với cửa ngõ tâm thức thì hết sức gay go. Thí dụ một người ngồi thiền có thể giữ cho thân xác bất động, miệng khép lại, nhưng tâm thức thì không mấy khi chịu nghỉ ngơi. Vì thế tâm thức là thành phần mà người tu tập khó nắm bắt và chủ động nhất. Sau đây là vài lời giảng liên quan đến tâm thức của một đại sư Tây tạng là ngài Dilgo Khyentsé Rinpoché (1910-1991), rất uy tín đối với giới Phật tử Tây phương :

« Tâm thức đi ngang thân xác giống như một người khách bước vào một gian nhà. Xuyên qua thân xác ấy, tâm thức nhận biết được hình tướng, âm thanh, mùi, vị, cảm giác. Khi tâm thức ra đi thì thân xác sẽ hóa thành xác chết. Nó sẽ không còn quan tâm đến cái đẹp hay cái xấu, lời lăng nhục hay ngợi khen, không thích thú khi được mặc quần áo lụa là, cũng không đau đớn khi bị hỏa táng. Trong tình trạng đó, thân xác là một vật thể không khác gì đất và đá. Khi thân xác và tâm thức tách rời nhau, ngôn từ giữ một vị trí trung gian giữa hai thể dạng cũng biến mất, giống như một tiếng vang im bặt. Giữa ba thành phần thân xác, ngôn từ và tâm thức, thì tâm thức quan trọng hơn hết, tu tập Phật pháp (Dharma) chính là cách biến cải tâm thức ». (trích từ quyển Le trésor du coeur des êtres eveillés, Dilgo Khyentsé Rinpoché, Sueil, 1996)

Ta hiểu rằng tâm thức không phải là thân xác, tuy nhiên ta không thể tách rời nó khỏi thân xác. Mỗi khi ta muốn nắm bắt nó thì ta cũng không biết nó ở đâu. Nếu muốn tìm hiểu và xác định nó thì ta cũng không biết nó thật sự là cái gì. Nó không hình tướng, không màu sắc, không hàm chứa một đặc tính vật chất nào. Ngài Long Thụ thì xem tâm thức đơn giản chỉ là một danh xưng.

Những gì vừa nêu lên cho thấy việc tìm hiểu tâm thức rất khó và việc tìm hiểu ấy giữ một vị trí quan trọng trong việc tu tập Phật pháp. Tâm thức sẽ được trình bày trong các phân đoạn dưới đây liên quan đến ngũ uẩn. 

Sự chuyển tiếp liên tục giữa các thể dạng vật chất và phi vật chất :

Hầu hết chúng ta đều hiểu là thân xác một cá thể con người được hình thành từ sự kết hợp giữa tinh trùng của cha và noãn cầu của mẹ. Tuy nhiên ta vẫn có thể thắc mắc tại sao lại xảy ra sự kết hợp đó để làm phát sinh ra sự hiện hữu của ta hôm nay ? Tại sao chỉ có một con tinh trùng nào đó trong số hàng triệu tinh trùng do cha ta phóng ra lại chui lọt vào một cái noãn cầu của mẹ ? Đấy là một biến cố gần như vô nghĩa so với trùng trùng điệp điệp các hiện tượng khác đang chuyển động trong thế giới này, tuy nhiên đối với ta biến cố đó có thể là nguồn gốc của cả một vũ trụ vì lý do là sự hiện hữu của vũ trụ này phát sinh tùy thuộc vào sự cảm nhận của chính ta. Dù cho ta không quan tâm và thắc mắc về biến cố đó đi nữa, nhưng  các khoa học gia, triết gia, tư tưởng gia, các nhà thần học... đã đưa ra không biết bao nhiêu triết thuyết để cố gắng giải thích các hiện tượng trong thế giới này, trong số đó có sự kết hợp giữa một tinh trùng và một cái noãn cầu. 

Đối tượng của khoa học giới hạn trong thế giới vật chất và các thể dạng biến động của thế giới đó, vì thế quan điểm của các khoa học gia cũng trở nên hạn hẹp hơn và thông thường thì họ chỉ nêu lên các thuyết chính yếu như ngẫu biến (hasard), hoặc thuyết quyết định (déterminisme) liên quan đến quy luật nguyên nhân và hậu quả. Các triết gia thì thả cho sự suy luận tung hoành mạnh hơn và đưa ra nhiều triết thuyết đa dạng khác, chẳng hạn như các thuyết định mệnh (fatalisme), thuyết tất yếu (nécessitarisme), thuyết vô định (indéterminisme – một thuyết chủ trương ngược lại với thuyết quyết định), thuyết hỗn độn (chaos), thuyết tự chủ (liberté), thuyết sáng tạo hay tạo hóa (créationisme) v.v... 

Người tu tập không nên rơi vào những cái bẫy như thế, nếu rơi vào đó thì cũng giống như một con hổ vướng vào lưới, một con nai rơi xuống một cái hố ngụy trang, hay một con cá chui vào rọ. Thay vì đi tìm sự giải thoát thì ta lại rơi vào sự vướng mắc. Đức Phật luôn luôn cảnh giác các đồ đệ của Ngài không được tham gia vào những biện luận vô bổ và thuần lý như thế. Trước những câu hỏi được nêu lên thuộc vào các lãnh vực ấy thì Đức Phật giữ yên lặng và không trả lời. Thật ra những biện luận siêu hình theo lối đó chỉ là cách nhào nặn một vài ý tưởng dựa theo kinh nghiệm và sự hiểu biết cá nhân của mỗi triết gia để trình bày dưới những hình thức phức tạp và cầu kỳ. Nếu ta cố tình tham gia vào đấy để tự nhào nặn tư duy của mình thì cũng rất có thể ta sẽ khám phá ra một thế giới muôn màu và muôn vẻ, những thật ra thì cái thế giới ấy rỗng tuếch. Phần lớn các triết thuyết không hàm chứa điều gì thiết thực, đấy là chưa nói đến một số triết thuyết đã từng làm phát sinh những chủ nghĩa tai hại gây ra không biết bao nhiêu đỗ vỡ và đau thương cho nhân loại.

Vì vậy trước sự kiện một con tinh trùng này chui vào một cái noãn cầu kia để làm phát sinh ra sự hiện hữu của ta hôm nay thì ta phải hiểu như thế nào ? Tất nhiên là khó cho ta tin có một vị thánh nhân hay một vị thần linh nào đó ngồi bên cạnh giường cha me ta để chờ đúng lúc thuận tiện mà tuyển chọn cho ta một con tinh trùng và một cái noãn cầu. Cha mẹ ta cũng không nghĩ đến việc ấy vì họ còn bận công việc của họ, dù cho họ có muốn thì cũng không làm được. Riêng phần ta thì lúc đó ta « chưa » hiện hữu vậy làm thế nào để tự chọn cho ta.

Thói thường ta chỉ sống xuyên qua những kinh nghiệm của giác cảm liên quan đến thế giới vật-chất và không hề quan tâm đến những gì thuộc vào thế giới phi-vật-chất. Chúng ta hãy lấy thí dụ về hình ảnh một đứa bé cắp sách đến trường, nếu trước kia đứa bé không chịu cố gắng học hành thì hôm nay ta sẽ không biết đọc ? Hình ảnh đứa bé đã hoàn toàn thuộc vào thế giới phi-vật-chất, tuy nhiên ta vẫn cảm thấy có một sự liên tục nào đó giữa đứa bé và sự hiện hữu của ta hôm nay. Hành động của đứa bé trước đây liên hệ đến những gì mà ta đang thừa hưởng. 

Sở dĩ ta cảm nhận được một sự liên tục nào đó trong quá trình hiện hữu chính là nhờ vào tâm thức, và tâm thức thì nhờ vào sự hoạt động của não bộ. Tuy nhiên ta không thể nào bảo rằng một cá thể chỉ hiện hữu liên tục trong các giai đoạn mà não bộ hoạt động, ngoài các giai đoạn đó ra thì sự hiện hữu của ta không có. Tất cả các giai đoạn như phôi, thai nhi, ấu nhi, vị thành niên, trưởng thành, già nua, bệnh tật... đều dự phần vào quá trình hình thành và hủy hoại của một cá thể, tuy nhiên khả năng ý thức được sự liên tục giữa các thể dạng ấy chỉ có thể phát hiện trong thời gian mà não bộ hoạt động bình thường. Trong các giai đoạn phôi, thai nhi thì não bộ chưa có hoặc chưa hoạt động hữu hiệu, cũng thế trong các trường hợp não bộ bị chấn thương, đứt mạch máu não, hôn mê hay là trường hợp bị bệnh tâm thần, bệnh alzheimer thì não bộ không còn hoạt động hữu hiệu nữa. Mặc dù chưa có não bộ hay não bộ không hoạt động hữu hiệu thì sự liên tục trong quá trình hiện hữu của một cá thể vẫn tiếp tục không gián đoạn. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma gọi đó là dòng tiếp nối liên tục (continuum) của tri thức, dòng liên tục đó không mang tính cách khởi thủy và nó kéo dài xuyên qua các chu kỳ hiện hữu. 

Sự chuyển tải của nghiệp :

Phần trình bày trên đây giải thích về sự liên tục của các thể dạng vật-chất và phi-vật-chất của một cá thể giới hạn trong một chu kỳ hiện hữu duy nhất. Tuy nhiên các thể dạng hiển hiện liên tục của một cá thể cũng chuyển tiếp và liên kết với nhau từ chu kỳ này sang chu kỳ khác. Nghiệp cũng theo đó mà hoán chuyển theo, từ chu kỳ này sang chu kỳ khác.

Nếu sự tương quan giữa nghiệp và quả tương đối dễ nhận thấy xuyên qua các thể dạng thuộc chung một chu kỳ, thí dụ như trường hợp đứa bé đến trường – người lớn biết đọc, thì sự hoán chuyển của nghiệp từ chu kỳ này sang chu kỳ khác có vẻ khó nhận thấy hơn. Chúng ta đều hiểu rằng quy luật nguyên nhân – hậu quả có tính cách vững chắc và toàn cầu, tác động trên tất cả các thể dạng vật-chất và phi-vật-chất, xuyên qua không gian và thời gian, vì thế nó không thể bị hạn chế và chỉ có giá trị trong giới hạn của mỗi chu kỳ. Nếu quả chưa phát sinh trong chu kỳ hiện tại thì nó sẽ phát sinh trong chu kỳ tiếp theo, hoặc trong những chu kỳ xảy ra thật xa sau này khi đã hội đủ cơ duyên, tức các điều kiện thích nghi. Trên phương diện « kỹ thuật » thì sự liên hệ giữa nghiệp và quả xảy ra như thế nào ? Nghiệp được chuyển tải ra sao từ một thể dạng này sang một thể dạng khác, từ chu kỳ này sang chu kỳ khác ?

Nghiệp là một hành động và tất cả mọi hành động đều để lại dấu vết. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma giảng rằng những dấu vết do nghiệp tạo ra có thể hình dung như những « vết hằn » in đậm trên dòng tiếp nối liên tục của tri thức. Dòng tiếp nối ấy là cơ sở chuyển tải của nghiệp. Nhờ vào một thể dạng nào đó một cá thể hành động và tạo ra nghiệp, nghiệp lưu lại dấu vết trên dòng tiếp nối. Cũng như tất cả các hiện tượng khác, thể dạng đó không thoát khỏi các nguyên lý vô thường và duyên sinh và sẽ biến đổi khi các điều kiện tạo tác ra nó đổi thay. Tuy nhiên vết hằn của nghiệp trên dòng tiếp nối vẫn còn nguyên vẹn cho đến khi gặp được những điều kiện hay cơ duyên thích nghi để phát hiện thành quả trùng hợp với một thể dạng mới của cá thể ấy. Sự phát hiện đó có thể xảy ra trong thể dạng kế tiếp hay các thể dạng khác thuộc vào các chu kỳ khác... Sự cố gắng học hành của một đứa bé trước đây hôm nay giúp cho ta biết đọc. Những xúc cảm phát sinh từ những gì ta đang đọc và có thể cả những hành động cụ thể phát sinh từ những xúc cảm đó sẽ làm phát sinh ra quả trong một thể dạng tiếp theo sau, thuộc vào chu kỳ hiện hữu này hay trong những chu kỳ hiện hữu xa hơn và trùng hợp với một thể dạng « khác » của chính ta trên dòng tiếp nối.

Sự phối hợp giữa tinh trùng và noãn cầu là một cơ duyên giúp cho thể dạng phi-vật-chất cuối cùng trong quá trình hiện hữu trước đây của ta hiển hiện trở lại thành một thể dạng vật-chất khi tinh trùng phối hợp với noãn. Sự tham gia của cha mẹ ta vào biến cố đó chỉ là những điều kiện phụ thuộc còn gọi là cơ duyên. Nhìn trên một khía cạnh khác, đó là cách mà cha mẹ ta tạo nghiệp mới cho mình và đồng thời nhận lãnh hậu quả phát sinh từ những nghiệp khác trong quá khứ của họ. Sinh ra ta họ phải nuôi nấng và dạy dỗ, và sau này nếu ta trở thành một người con thông minh và hiếu thảo hay là một người con ngu đần và khuyết tật... thì đều tùy thuộc một cách « hợp lý » vào nghiệp trước đây của cha mẹ ta và đồng thời của ta nữa. Tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ đều tương liên với nhau, nghiệp của cha mẹ ta và ta liên kết với nhau một cách chặt chẽ. Không có một sức mạnh siêu nhiên nào chen vào những biến cố ấy để sắp xếp, xét xử hay thưởng phạt cha mẹ ta và ta cả.

Nếu suy luận xa hơn nữa và trên một bình diện khác, thì ta sẽ hiểu rằng nhờ vào biến cố một tinh trùng phối hợp với một noãn cầu mà ta được hưởng gia tài ADN (DNA) từ những gien di truyền của cha và mẹ. Sự di truyền đó phù hợp với nghiệp của ta trong quá khứ, có nghĩa là ta có thể sinh ra cao lớn hay thấp lùn, xinh đẹp hay xấu xí, nhân từ hay hung dữ, khoẻ mạnh hay khuyết tật... Và nếu tiếp tục nhìn xa hơn nữa thì cha mẹ ta cũng thừa hưởng những gì từ ông bà ta phù hợp với nghiệp của họ. Sự lệ thuộc như vừa kể tiếp tục mở rộng ra cho đến gia tài di truyền ADN chung của chủng loại, và xa hơn nữa là của tất cả chúng sinh và sự sống, sự lệ thuộc đó buộc chặt ta với môi trường, với thế giới vật-chất và phi-vật-chất..., có nghĩa là với tất cả những gì đang chuyển động trong vũ trụ này....

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle