Thái Kim Lan
(Đôi điều về Con Đường Mẹ Đi)
Trước tiên, khi thử nhìn lại con
đường của Mẹ - Đạo Mẫu, tôi lại muốn đánh dấu chéo gạch bỏ những khái niệm “Đạo
Mẫu”, Tiên Thánh Liễu Hạnh, Thánh Cô và một loạt những nhân vật được tôn sùng
cho sức mạnh, thế lực hàng đầu của nữ giới Việt, thường được hóa thánh, sùng
thượng một thời.
Tranh: Lê Minh Phong
Làm chuyện này tôi nghĩ mình không
phạm thượng, và tin chắc người mỉm cười đầu tiên với tôi là bà chúa Liễu. Bởi vì
bà là vị nữ nhân đã thấu hiểu hơn ai thể chất đích thực của “đàn bà” nói chung
và phụ nữ Việt nói riêng: không thần tiên, không đúc tượng mà sống chân thực ở
đời bằng khúc dạ của mình. Câu chuyện tiên hạ giới vào gia đình thường dân, làm
con đôi vợ chồng phúc đức, lớn lên, lấy chồng sinh con rồi… chết, rồi ước nguyện
tái sinh, chỉ để… lấy chồng, sinh con, làm trọn chức năng đàn bà, rồi lại… chết
nhưng… trở thành bất tử. Ba lần trở về hạ giới cũng chỉ vì một chữ “tình”, tình
yêu đất, tình yêu người, - vị được phong “Mẹ của muôn dân”-, “Thánh mẫu” ấy trở
nên bất tử, bất tử trong nghĩa hầu như vẫn còn hiển hiện đâu đây nơi những hình
hài nữ nhi, chưa một lần hiển thánh vĩnh viễn, còn mãi trong kiếp “đàn bà”. Liễu
Hạnh đã biểu hiện giới tính Việt nữ không ở đâu khác hơn là chính ở trong bản
chất “Hoá Thân”. Khác hẳn với nam giới hầu như đồng dạng, và đồng điệu (monotonne),
người nữ có thể hiện thân muôn vẻ, như những cánh bướm muôn màu, như những…nàng
tiên hạ giới. Tiên phải chăng là hình hài của bướm, của hoa hoá thân, hoá kiếp
và đã là tiên ắt phải đẹp?
Câu chuyện mẫu hệ Việt Nam có thật trong lịch sử từ khi mảnh đất chữ S có lá sen,
lá chuối, chiếc nón đi về, trong khi huyền thoại tiên bướm là khởi đầu cuộc hoá
thân sáng tạo của Mẹ muôn loài. Hóa thân không ngừng trong giòng đời, trong muôn
nghìn ức vạn thế hệ, để sinh và dưỡng muôn người. Sinh thành, nuôi dưỡng, giữ
gìn, hình hài người phụ nữ Việt in bóng trên dải đất chữ S đã uyển chuyển đi
những đường nét đậm tình nhân ái, sáng tạo, chân tình và bi ai. Đi, biến đổi,
trở thành, người phụ nữ Việt linh động ảo hóa, dù gian nan đọa đày, ma chiết
trắc trở. Từ Bà Trưng, Bà Triệu, Thuận Thiên, Ỷ Lan, Từ Dũ Thái hậu, hay Huyền
Trân, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, cho đến Nhà mẹ Lê, Mẹ Hồ Dzếnh, chị Dậu,
ngay cả Thị Nở như những số phận hẩm hiu, nàng Kiều, Chinh phụ, bà mẹ Cúc Hoa…
để nêu ra một vài tiêu biểu những con người với thiên chức đàn bà, người phụ nữ
không ngừng tảo tần, không ngừng hoá kiếp với bầu sữa ngọt, với cảm hứng sáng
tạo từ trái tim và đôi bàn tay sẵn sàng biến cải, đổi khác, nhào nặn từng hình
hài, tạo dựng cuộc sống, gầy dựng mô hình xã hội yêu thương bằng cấu trúc gia
đình.
Không ngạc nhiên chút nào khi “Gia huấn ca” của Nguyễn Trãi, tác phẩm thành văn
về giáo dục con người Việt thực hiện đạo làm người, ở thế kỷ 14 đã dành 15 trong
toàn thể 16 chương của tác phẩm, về việc giáo dục người phụ nữ trong gia đình,
bởi vì gia đạo nằm chính trong sự cầm cương nẩy mực của người phụ nữ: làm con,
làm em, làm chị, làm mẹ, làm dâu, làm bà, đối với bà con, vợ lẽ, bạn bè của
chồng, đối với người ngoài trong xã hội, đối với người cơ hàn thấp kém, đối với
gia đình, thờ cúng tổ tiên… đến điều chi li với mọi chi tiết cách ăn ở đứng ngồi,
công dung ngôn hạnh, bởi vì mọi phẩm chất đời sống của mỗi một con người được
sinh ra và lớn lên đều bắt nguồn từ cái kén đức hạnh của người đàn bà. Con tằm
nhả tơ cuộc sống, như lời hát ru “cocon de soie, source de vie”, con tằm biết
sống theo đạo tằm nhả tơ, đức hạnh nằm trong nhả tơ, không phải trong thần tượng.
Điều kiện sống và hành vi sống của người đàn bà là nguồn gốc của con người, của
xã hội, đến nỗi, không lạ, một thời xa xưa, mẫu hệ là hình thức tổ chức xã hội
đi trước phụ quyền và cũng không lạ khi J.J. Bachofen với tác phẩm “Das
Mutterrecht” (“Mẫu quyền”) 1861 đã làm xôn xao giới nghiên cứu trí thức của thế
kỷ 19, trong đó lời trao tặng cao quý nhất dành cho Mẹ “Bao lâu còn sống trên
đời con sẽ không ngừng nói về phẩm hạnh tốt và lòng tin yêu của Mẹ” (“Solange
ich lebe, werde ich nie aufhören, von Deiner Güte und Deinem Vertrauen zu
sprechen”), với niềm đam mê chứng minh “mẫu quyền là nguồn gốc của xã hội”, đã
đánh đổi mọi tham vọng thế lực khoa học mang tính hàn lâm trí thức của thời ông.
“Mẹ” đi trước muôn loài. Mẹ là cốt tủy của tâm tình nước non từ khi sóng vỗ bên
bờ Kreta (Hy Lạp)1, Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Trung Hải, Biển
Đông. Mẹ Kreta cầm rìu hai lưỡi, mẹ Liễu Hạnh tiên hoá bướm, đều là những khởi
đầu của khởi sự “con người”.
Có thể nói trước mọi quyển huấn ca, mỗi người con đã đọc Mẹ từ khi còn nằm trong
bụng Mẹ. Quyển sách đời nằm trong những nét Mẹ viết CON, vẽ CON, bừng sáng trên
từng khoảnh khắc, không phải chỉ trong hạnh phúc mà ngay trong gian khổ bi ai.
Con đường mẹ đi, mẹ dẫn con đi, đi theo cách nào đi nữa, gian nan, khổ ải, đắng
cay, ngọt bùi nhung lụa, vẫn là con đường “gia đạo”, con đường đi và quay về tổ
ấm, hợp quần nhân loại, con đường nâng bước chân người đến gần với nhau vì
thương nhau, như mẹ thương con. Trên con đường ấy, sáng tạo hiện sinh mang ý
nghĩa nhân quần, nhân tính của mái nhà yêu thương, của tụ hợp, quây quần bên
nhau, từ đó con người trở thành người, không còn là những thú dữ gầm thét, cấu
xé nhau. Hằng mấy mươi thế kỷ bể dâu, thương hải tang điền, mẫu gia đình biến
đổi theo cấu trúc xã hội, mẫu quyền rồi phụ quyền, nhưng gia đạo thì chỉ có một,
một con đường đi do người phụ nữ khai phá và đảm trách, bền bỉ, hiện diện nơi
từng nhịp thở của con, trên đó người đàn ông khó có thể thay thế để gầy dựng nên.
Mẹ có thể dịu dàng như cánh bướm mà cũng có thể sắc bén như cây rìu hai lưỡi. Là
rìu để bảo vệ con người, là bướm để làm đẹp nhân tính. Cả hai đều là biểu tượng
nữ phái và sự quân bằng nằm ở trái tim nhân ái, rộng lòng biết thương “lòng ái
từ như bể như non”. Gia đạo của người phụ nữ nằm trong hành trình mang nhiều chữ
“thương”, thương chồng, con, cháu, nuôi lớn khôn, tạo bền vững, vun trồng hợp
nhất. Gia đạo dù gian nan, Mẹ vẫn sắt son nhẫn nại tô bồi “Vườn xuân một cửa để
bia muôn đời”. Nỗi mong ước hoá thân của Liễu Hạnh, người mẹ của muôn dân mang ý
nghĩa chuyển hoá trên “đường đi”, làm cho “con” trở nên người trưởng thành và
đứng vững trong xã hội. “Con” trở nên “Người”, từ dã tính trở nên nhân tính, mỗi
lúc một được cải thiện đạo đức hơn và trở nên con người của hoàn vũ, của nhân
loài. Đức hạnh của Mẹ nằm trong sự chuyển hoá, chuyển hoá bằng hơi ấm và trái
tim sẵn sàng hi sinh.
Khác với chế độ phụ quyền nổi trên bề mặt ở các nước Âu cũng như Á, và cũng khác
với cấu trúc mẫu quyền chuyên chế của thời xa xưa, trong đó người phụ nữ hoặc bị
khinh rẻ như nô lệ, hay độc đoán bạo động như nam giới, phụ nữ Việt đã có một vị
trí cao trong gia đình và được mọi người trong gia đình tôn trọng như là bà tổ
của gia tộc: người phụ nữ là “nội tướng”, là phên dậu của cái nhà, và người đàn
ông trong gia đình vẫn chỉ là “đứa con” lớn nhất, dù là con trời, trong tổ chức
do người phụ nữ xếp đặt nên. Gia đạo bền vững nơi nhịp đong đưa giữa êm ái và
sắt gan của người phụ nữ “Liễu Hạnh”, ở đạo hạnh nữ phái mềm mỏng mà trung kiên.
Gương bền bỉ, can trường, sẵn sàng chịu đựng của người phụ nữ Việt Nam trong
việc giữ gìn gia đạo của thế hệ trước vẫn còn ấm trong văn chương và ấm trái tim
của những người con nay đã trở nên già. Làm sao quên được hình ảnh của Bà, của
Mẹ, đầy thương yêu mà cũng đầy sức mạnh chống đỡ, lèo lái gia đình trong những
lúc hoạn nạn, khi mất chồng, khi mất con, khi chiến tranh, khi đói khát lao khổ?
Làm sao quên được bà Tú Xương2
vẫn tươi cười nuôi con khi chồng “dài lưng tốn vải”? Làm sao quên được cảnh Bà
nội tôi vẫn ngâm thơ và ru con trong lúc gạo châu củi quế, phải nhịn bụng dành
tiền cho con trai đi học, như mẹ Hồ Dzếnh một thời? Cũng không thể quên được
cảnh Bà ngoại tôi ôm con của vợ lẻ vào lòng, nuôi nấng và che chở khỏi những cơn
giận dữ của Ôn tôi, công dung ngôn hạnh hơn cả tứ đức tam tòng vì tất cả
đến từ trái tim đơn giản.
Đối với mẹ của mẹ của mẹ của mẹ của mẹ của mẹ của… mẹ của con thì hoá bao nhiêu
kiếp cũng sẵn lòng, độ lượng mười phương tám hướng, vẫn lồng lộng đi về bên con
như Cúc Hoa hiển hiện, nâng con thành người của người. Cánh bướm của Liễu Hạnh
vẫn còn đập mềm mại như cơn mộng ru con, dệt tơ nhân ái, và đôi tay vẫn chuyên
cần thoăn thoắt như hai cánh dũa sắt của chiếc rìu3 sẵn sàng bảo vệ
mọi đe doạ hiểm nguy xâm hại phẩm chất con người, dành tin yêu cho đàn con mai
sau. Cầm rìu cũng như cầm kim thêu hay cầm bút viết, người phụ nữ Việt có thừa
năng lực và trí tuệ để chuyển hoá chính mình và người trong cuộc hành trình nhân
thế - cuộc giải phóng khỏi áp lực định kiến xã hội bên ngoài vẫn còn đằng đẳng,
cho nên đức hạnh người phụ nữ nằm chính trong năng lực sáng tạo hoá thân mộng
đời thành hiện thực bằng chân tình Mẹ Con, luôn chảy không ngừng, không dừng một
giây để đừng hoá đá, dù là hoá đá chờ người thương…
T.K.L
(SDB8/3-13)
(Tapchisonghuong)
..............................................
1. Rìu hai lưỡi là biểu hiệu nữ giới được tìm thấy tại đảo Kreta (Hy Lạp).
2. Thơ “Thương vợ” của Trần Tế Xương.
3. Bươm bướm và rìu hai lưỡi là biểu tượng nữ giới Trong bài viết hai dấu hiệu
này được sử dụng như một lối chơi chữ, lấy cảm hứng từ Tác phẩm của Gíela Ble-
ibtreu - Ehrenberg có tựa đề:
Vom Schmetterling zur Doppelaxt - Die Umwertung von Weiblichkeit in unserer
Kultur
“Từ bươm bướm đến chiếc rìu hai lưỡi- Sự đảo ngược giá trị nữ giới tính trong
văn hóa của chúng ta"