Thích Nguyên Lộc
Xin nói ngay là nội dung tịnh hóa Phật độ ở đây được trình bày từ
một vài hiểu biết trong phẩm Phật quốc độ của kinh Duy-ma-cật. Kinh Duy-ma-cật
khởi đầu bằng phẩm Phật quốc độ. Theo đó, Bảo Tích và 500 thanh niên, con của
những trưởng giả kinh thành Tỳ-xá-ly, phát tâm Bồ-đề và thỉnh cầu đức Phật chỉ
dạy phương pháp làm thanh tịnh quốc độ của Phật.
Bảo Tích thưa hỏi đức Phật, làm thế nào để thanh tịnh quốc độ của
chư Phật.Đức Phật dạy Bảo Tích và 500 thanh niên rằng, muốn thanh tịnh quốc độ
của Phật thì trước phải thanh tịnh tâm của mìnhvà sau phát nguyện giúp tịnh hóa
tâm của chúng sanh trong quốc độ đó. Hiểurộng ra là tất cả những người con Phật
đã phát tâm Bồ-đề phải tịnh hóa tâm của chính mình và có nhiệm vụ, bằng nhiều
phương cách thiện xảo khác nhau,tịnh hóa tâm của người khác và chúng sanh nói
chung. Khi tâm của tất cả chúng sanh trong thế giới ta-bà này thanh tịnh thì thế
giới này sẽ là thế giới thanh tịnh.
Vậy Bồ-tát phải làm sao cho tâm của mình và của chúng sanh
thanhtịnh để thanh tịnh quốc độ của Phật? Bồ-tát phải phát tâm Bồ-đề và luôn
trưởng dưỡng tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề là tâm trên cầu chứng Phật quả, dưới dấn thân
cứu độ muôn loài. Nghĩa là Bồ-tát phải tu tập cho đến khi chứng đắc tuệ giác như
chư Phật và phát triển lòng từ dấn thân vào đời để tịnh hóa tâm của chúng sanh.
Quốc độ của đức Phật ở đây cụ thể là thế giới ta-bà này. Đức Phật Thích Ca Mâu
Ni giảng kinh thuyết pháp ở thế giới ta-bà lấy con người làm đối tượng chính.
Như vậy, những người con Phật đã phát tâm Bồ-đề thực hành con đường của Bồ-tát,
bên cạnh tự chuyển hóa tâm của mình, phải có nhiệm vụ, bằng nhiều phương cách
thiện xảo khác nhau, chuyển hóa tâm hồn người khác phát triển theo chiều hướng
tích cực để tịnh hóa quốc độ của Phật. Chuyển hóa tâm người khác theo chiều
hướng tích cực có thể hiểu nôm na là chuyển hóa từ những con người với tâm nhiều
xấu ác thành những con người thánh thiện. Cũng có nghĩa là Bồ-tát phải có nhiệm
vụ chuyển hóa xã hội xung quanh chúng ta nói riêng và thế giới nói chung ngày
càng phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Trong kinh này, một trong những ý nghĩa của “tâm tịnh thì thế
giới tịnh” được biểu hiện qua hình ảnh của vườn xoài Ambapali. Và hành động thực
tiễn của Bồ-tát, đặc biệt là mẫu hình Bồ-tát thanh niên, được thấy qua hình ảnh
của Bảo Tích và những thanh niên giàu có.
Như chúng ta biết, đức Phật thuyết giảng bài pháp này tại khu
vườn của nữ Phật tử Ambapali và thuyết cho những chàng thanh niên thuộc dòng họ
quý tộc và giàu có của kinh thành Tỳ-xá-ly. Ambapali là ai? Trước khi quy y Tam
bảo, Ambapali là một kỹ nữ, thường quen gọi là kỹ nữ Vườn Xoài. Ambapali không
phải là kỹ nữ hạng thường mà là một kỹ nữ hạng sang. Đối tượng bàtiếp là những
người thuộc tầng lớp quý tộc và giàu có của thành Tỳ-xá-ly và những kinh thành
lân cận. Theo truyền sử, vua Tần-bà-sa-la của nước Ma-kiệt-đà đã có một người
con với Ambapali. Như vậy, khu vườn của Ambapali, trước khi dâng cúng Tam bảo,
là tụ điểm ăn chơi của giới quý tộc và giàu có. Nhưng sau khi dâng cúng Tam bảo,
khu vườn này đã trở thành tịnh viện già lam. Và đương lúc đức Phật thuyết pháp,
tịnh viện này là nơi vân tập của chư Đại Bồ-tát mười phương, chư Thánh giả Thinh
văn, chư Bồ-tát mới phát tâm cùng hàng chục nghìn thiện tín Phật tử.
Bảo Tích và 500 thanh niên thuộc dòng họ quý tộc của thành
Tỳ-xá-ly kia là ai? Những thanh niên này khiến chúng tôi liên tưởng đến những
thanh niên quý tộc của kinh thành Tỳ-xá-ly được đề cập trong kinh Đại Bát
Niết-bàn thuộc kinh Trường Bộ. Theo kinh Đại Bát Niết-bàn, khi nghe tin đức Phật
đang trú tại vườn xoài của kỹ nữ Ambapali, những thanh niên thuộc dòng họ quý
tộc và giàu có của thành Tỳ-xá-ly vội vàng đến đảnh lễ và thăm viếng đức Phật.
Trên đường đi, họgặp Ambapali đang trên đường từ vườn xoài trở về nhà riêng để
chuẩn bị lễ phẩm dâng cúng đức Phật và chư Tăng. Những thanh niên này và
Ambapali gặp nhau trên đường, vì quen biết nên hỏi thăm nhau. Có nghĩa là trong
số họ, có người đã từng qua lại với kỹ nữ Ambapali.Những chành thanh niên con
nhà quý tộc và giàu có này có phải là 500 thanh niên được đề cập trong kinh
Duy-ma-cật không? Không phải ngẫu nhiên mà kinh
Duy-ma-cật
lấy bối cảnh vườn xoài của Ambapali để làm đạo tràng và 500 thanh niên dòng họ
giàu có làm đối tượng nghe kinh. Nên những chàng thanh niên trong kinh Đại Bát
Niết-bàn cũng có thể là những thanh niên trong kinh Duy-ma-cật. Và phần duyên
khởi của giới thứ 12 của Ni-tát-kỳ Ba-dật đề của Luật Tứ phần cho biết rằng
thanh niên Licchavi của Tỳ-xá-ly “phần lớn là hành tà dâm” (theo bản dịch của
HT. Đổng Minh và TT. Đức Thắng). Như vậy, hoàn toàn có thể, trong số 500 thanh
niên phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo kia, có người, trước kia,đã từng đến vườn
xoài này và ở lại qua đêm với kỹ nữ Ambapali.Những con người này, khi xưa chưa
gặp chánh pháp, họ đến khu vườn này để hưởng thụ dục lạc. Bây giờ khi đã gặp
chánh pháp, phát tâm Bồ-đề, họ cũng đến khu vườn của Ambapali nhưng đến tâm thái
thanh tịnh. Họ đến với tâm thái của những chàng thanh niên đầy tín tâm và nhiệt
huyết muốn kiến lập quốc độ thanh tịnh của Phật.
Như vậy, cũng khu vườn đó, cũngnhững chàng thanh niên kia, ngày
trước là khu vườn bất tịnh, họ đến đó để tạo nghiệp nhân bất thiện. Bây giờ, họ
đến đó, nơi ấy không còn là khu vườn của những kẻ trụy lạc mà là khu vườn với sự
hiện diện của đức Phật và các bậc thánh mười phương; họ đến đó để phát nguyện
tạo nhân thiện lành. Những hình ảnh này biểu hiện rõ nhất tư tưởng “tâm tịnh thì
thế giới tịnh”. Tâm Ambapali thanh tịnh, biến vườn xoài thành tịnh viện, tâm của
những chàng thanh niên kia thanh tịnh, biến thành những Bồ-tát phát nguyện làm
những việc thanh tịnh và thiện lành. Tâm tịnh tất cả đều thanh tịnh.
Hình ảnh những chàng thanh niên trong kinh Duy-ma-cật cũng nhằm
mục đích dạycho những thanh niên chân chánh những việccần làm. Khuyên họ đừng
uổng phí thời gian, sức lực và tiền bạcvà ảnh hưởng của mình cho những việc làm
vô ích và tại hại, hãy sử dụng những điều kiện mình có được dấn thân vào đờigóp
phần kiến tạo xã hội này ngày càng tốt đẹp hơn.Kinh này cũng đưa ra một trong
những mẫu hình lý tưởng của Bồ-tát, cụ thể là thanh niên Bồ-tát. Họ là những
thanh niên
Phật
tử
có tâm Bồ-đề, có nhiều năng lực và lòng nhiệt huyết, phát nguyện
tinh tấn tu tập và dấn thân vào cuộc sống để chuyển hóa khổ đau và mang lại an
vui cho xã hội xung quanh.