Tuần lễ Văn hóa Phật giáo tại TPHCM: nên tập trung vào mục tiêu kỷ niệm Pháp nạn lịch sử 1963

tuan le

Minh Thạnh

Để kỷ niệm Pháp nạn lịch sử 1963, Hòa thượng Quảng Đức và liệt vị thánh tử đạo Phật giáo Việt Nam, ngoài Hội thảo khoa học “50 năm phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam”, chỉ còn có một hoạt động nữa được nhắc đến vào thời điểm hiện nay (3/2013). Đó là “Tuần lễ văn hóa mừng Phật đản sinh”, mà tên gọi dường như chưa thống nhất (có tài liệu gọi là “Tuần lễ Văn hóa Phật giáo tại TPHCM (Kính mừng Phật đản PL 2557 và kỷ niệm 50 năm ngày Bồ tát Quảng Đức tự thiêu)”. Theo tôi, vì bối cảnh đặc biệt của lễ Phật đản năm nay, PL 2557, với việc lễ Phật đản PL 2507 là sự kiện mở đầu Pháp nạn lịch sử 1963, nên Tuần lễ Văn hóa Phật giáo tại TPHCM cần tập trung vào chủ đề Kỷ niệm 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963.

Trong cả 2 Phật sự có liên hệ đến kỷ niệm Pháp nạn lịch sử 1963, Hội thảo khoa học “Năm mươi năm phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam” và “Tuần lễ Văn hóa Phật giáo tại TPHCM”, Tăng ni Phật tử đều thấy vai trò của Thượng tọa Thích Nhật Từ, trong 2 chức vụ khác nhau, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM và Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TPHCM (qua các bản tin đăng trên các trang mạng Phật giáo). Cố gắng của Thượng tọa Thích Nhật Từ là rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, kỷ niệm 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963 với 2 sự kiện như trên quả là không đủ và không xứng tầm. Đây là sự kiện trọng đại của lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại, đánh dấu mốc thời gian tròn nửa thế kỷ. Việc tổ chức kỷ niệm thiết tưởng, là nên trên phạm vi toàn quốc, và do Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự chủ trì. Nếu các hoạt động kỷ niệm chỉ do cấp Học viện và cấp Thành hội Phật giáo tiến hành, thì rõ ràng là không phù hợp.

Vì vậy, nên coi Tuần lễ Văn hóa Phật giáo mừng ngày Phật đản sinh, có kết hợp kỷ niệm 50 năm Bồ tát Quảng Đức, hoặc dù tập trung hẳn kỷ niệm Pháp nạn lịch sử 1963, vẫn là một cố gắng chưa tương xứng với yêu cầu sự kiện kỷ niệm 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963.

Nếu tại TPHCM đã tổ chức một tuần lễ văn hóa như vậy, thì với quy mô của dịp kỷ niệm 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963, các tỉnh thành trên cả nước cũng cần có hoạt động tương ứng. Mà đây chỉ là hoạt động văn hóa, không thể coi là hoạt động chủ yếu kỷ niệm 50 sự kiện Pháp nạn lịch sử 1963 được.

Ngoài đề xuất xác định tên gọi rõ ràng là Tuần lễ Văn hóa kỷ niệm Pháp nạn lịch sử 1963, nội dung của mục đích của Tuần lễ Văn hóa cần đưa việc kỷ niệm Pháp nạn lịch sử 1963 lên hàng đầu. Nếu vẫn chỉ nhắc lại chung chung nội dung mục đích như các tuần lễ văn hóa Phật giáo trước đây, thì quả là không thích hợp, không nêu được tính chất đặc biệt của tuần lễ văn hóa Phật giáo lần này.

Vì là Tuần lễ Văn hóa Phật giáo kỷ niệm Pháp nạn lịch sử 1963, nên phần chủ đề cũng nên nhấn mạnh đến yếu tố lịch sử dân tộc và Phật giáo trong lịch sử dân tộc.

Vì là Tuần lễ Văn hóa Phật giáo kỷ niệm Pháp nạn lịch sử 1963, nên ngoài những địa điểm tổ chức hoạt động văn hóa, thiết tưởng cần chú ý đến những địa điểm lịch sử Phật giáo, đó là Tượng đài Bồ tát Quảng Đức (nơi Bồ tát Quảng Đức tự thiêu), công viên Quách Thị Trang (nơi liệt nữ Phật giáo Quách Thị Trang hy sinh), chùa Xá Lợi (Trụ sở Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo trong Pháp nạn lịch sử 1963, nơi hứng chịu các cuộc đấu tranh đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm)…

Vì là Tuần lễ Văn hóa Phật giáo kỷ niệm Pháp nạn lịch sử 1963, nên hoạt động thuyết pháp, thuyết trình, giao lưu, tưởng niệm, chiếu phim, văn nghệ hoa đăng… nên tập trung vào nội dung kỷ niệm Pháp nạn, với các nhân chứng lịch sử, phim ảnh, hiện vật tư liệu lịch sử, hồi ức lịch sử, văn nghệ đề tài lịch sử truyền thống tưởng niệm các nhân vật lịch sử Phật giáo tiêu biểu hoạt động tại Thành phố Sài Gòn – Gia Định trước đây như Bồ tát Quảng Đức, liệt nữ Quách Thị Trang, Thánh tử đạo Thích Nguyên Hương…, chuyển tên gọi “hoa đăng” (nếu có) thành hoạt động thắp và thả nến tưởng niệm liệt vị thánh tử đạo.

Vì là Tuần lễ Văn hóa kỷ niệm Pháp nạn lịch sử 1963, nên việc chú ý quảng bá hình ảnh Bồ tát Quảng Đức và liệt vị thánh tử đạo nên được chú trọng, xem đây là điểm nhấn hình thức của Tuần lễ Văn hóa Phật giáo. Bên cạnh đó, khẩu hiệu của Tuần lễ văn hóa được đề nghị là “Tuần lễ văn hóa Phật giáo thành kính kỷ niệm Pháp nạn lịch sử 1963”.

Trong hoạt động văn hóa, bên cạnh ca nhạc, phim ảnh thuyết trình, giao lưu, phát hành sách…, do tính chất lịch sử của Tuần lễ văn hóa Phật giáo lần này, đề xuất nên có thêm hoạt động bảo tàng, kết hợp với Bảo tàng TPHCM trưng bày di vật về Bồ tát Quảng Đức và liệt vị Thánh tử đạo. Đặc biệt, trái tim bất diệt của Bồ tát Quảng Đức, một báu vật thiêng liêng của Phật giáo Việt Nam, đã lâu tăng ni Phật tử Việt Nam chỉ nghe nói mà không hề được nhìn thấy, có thể được xem xét tôn trí để Tăng ni Phật tử chiêm ngưỡng trong dịp Tuần lễ văn hóa Phật giáo kỷ niệm Pháp nạn lịch sử này.

Việc trưng bày quả tim bất diệt của Bồ tát Quảng Đức, ngoài ý nghĩa hoạt động bảo tàng nhân tuần lễ văn hóa, đây còn có ý nghĩa là một hoạt động tôn giáo, thờ phượng một bảo vật thiêng liêng của Phật giáo Việt Nam trong dịp kỷ niệm lịch sử, và cũng góp phần đánh tan tin đồn thất thiệt, rằng quả tim bất diệt của Bồ tát Quảng Đức chỉ là việc giả mạo.

Qua việc tổ chức các tuần lễ văn hóa Phật tại các địa phương, chúng tôi thấy trong hoạt động các tuần lễ văn hóa Phật giáo, bên cạnh việc tổ chức tại các địa điểm cố định, cần tăng yếu tố di động của các hoạt động như thiền hành, đi bộ vì các mục tiêu vận động khác nhau, đạp xe, rước nến, diễn hành, rước cờ nước và cờ Phật giáo, rước di ảnh Bồ tát Quảng Đức và liệt vị thánh tử đạo. Lộ trình có thể nhắm vào các điểm đến là các địa điểm lịch sử Phật giáo trong Pháp nạn lịch sử 1963 (đã nói ở trên).

Trong các kế hoạch tổ chức tuần lễ văn hóa Phật giáo nói chung, không riêng gì lần tổ chức này, hoạt động truyền thông cổ động nên được coi trọng. Xin đề xuất lưu ý đến các phương thức “cổ điển” như băng rôn, pano, bích chương, cờ trang trí, xe cổ động. Tổ chức tuần lễ văn hóa Phật giáo là một việc, tổ chức làm sao để toàn thành phố chìm ngập, tràn đầy không khí văn hóa Phật giáo là một chuyện khác và cũng hết sức quan trọng. Có làm thật tốt việc truyền thông, cổ động, nhiều người biết đến Tuần lễ văn hóa Phật giáo, thì tuần lễ văn hóa Phật giáo, thì tuần lễ văn hóa Phật giáo mới thành công.

Vì vậy, nhân sự việc tổ chức tuần lễ văn hóa Phật giáo, ban tổ chức cần xin phép treo băng rôn, dựng pano, dán bích chương trên khắp các nẻo đường, giao lộ trong thành phố, làm sao để thành phố bừng lên sắc màu Phật đản. Hình thức xe phát loa thông báo, cổ động, phân phát tờ bướm là một hình thức có chi phí thấp, nhưng khả năng tác động rất mạnh.

Việc sử dụng truyền hình, phát thanh, internet quảng bá cho việc tổ chức tuần lễ văn hóa Phật giáo cũng là điều đáng quan tâm.

Theo tôi, nên đưa một số sự kiện trong các tuần lễ văn hóa Phật giáo từ tổ chức trong tuần lễ văn hóa, thành sự kiện tiền sự kiện. Những sự kiện như vậy được tổ chức trước khi khai mạc các tuần lễ văn hóa Phật giáo để gây tiếng vang truyền thông, tác động đến công chúng, gây sự chú ý của đông đảo mọi người đối với tuần lễ văn hóa được tổ chức sau đó.

Thời điểm diễn ra các hoạt động chính trong các tuần lễ Phật giáo nên tránh bố trí vào giờ hành chính (thí dụ như buổi chiều, 15g), mà nên tập trung vào buổi tối, giờ rảnh để thu hút nhiều cử tọa.

Đặc trưng từng địa phương tổ chức tuần lễ văn hóa cần được xem xét đến trên quan điểm lịch sử cụ thể.

Thí dụ, tổ chức tại Nghệ An, một địa phương mà việc thuyết pháp còn là mới mẻ, thì nên dành nhiều thời gian cho hoạt động thuyết pháp, tô đậm màu sắc tôn giáo. Còn tại TPHCM, nơi việc thuyết pháp đã quá quen thuộc, thì nên dành nhiều thời gian cho các sinh hoạt văn hóa mang tính quần chúng, mà giảm đi màu sắc tôn giáo.

Trong hoạt động ở các tuần lễ văn hóa, nên giảm các hoạt động có tính một chiều, hoạt động một phía, và ngược lại, nên tăng các hoạt động hài chiều, tương tác, các bên cùng tham gia (thí dụ trong nghi lễ chẩn tế, Phật tử chỉ đứng xem thụ động, một chiều. Còn trong nghi lễ tụng kinh, tất cả mọi người tham dự đều tham gia tụng đọc). Hoạt động hai chiều đa chiều, mọi người cùng tham gia làm tăng tính sinh động, tăng khả năng thu hút công chúng của sự kiện.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến những hoạt động lạ mắt, thu hút được sự chú ý của người tham dự (ở đây, chẩn tế lại là một hoạt động tương đối lạ mắt với nhiều người).

Chú ý đến đối tượng giới trẻ, vốn là nhóm có số lượng đông đảo, nên là điều quan tâm của các tuần lễ văn hóa Phật giáo.

Nên xem các tuần lễ văn hóa Phật giáo là cơ hội để hướng về đối tượng người ngoài đạo Phật. Nếu tham dự tuần lễ văn hóa Phật giáo chỉ là tăng ni Phật tử, thì đó là chưa thành công.

MT

Chia sẻ: facebooktwittergoogle