Hôn nhân, hôn nhân đồng giới, ly dị, ngừa và phá thai theo một cách nhìn từ Phật giáo
Minh Thạnh
Có một số tôn giáo lớn
trên thế giới có những quan điểm rất rõ ràng về những vấn đề xã hội, cụ thể là
những vấn đề như đầu đề bài viết nêu ra (hôn nhân, hôn nhân đồng giới, ly dị,
ngừa và phá thai).
Từ đó, họ nhìn về đạo Phật, một tôn giáo hướng nhiều hơn về xuất thế, với một
cách nhìn cho rằng Phật giáo thiếu cách lý giải cần thiết về những vấn đề như
vậy.
Mỗi một tôn giáo có cách nhìn đời khác nhau, và Đức Phật chỉ nói chi tiết về
những việc lợi lạc cho mục tiêu tối hậu là giải thoát sinh tử.
Nhưng không đi vào chi tiết không có nghĩa đó là thiếu sót, hạn chế hay né tránh. Đạo Phật có
những quan điểm căn bản để từng người có thể soi rọi vào đó liên hệ khi phải đối
diện với những vấn đề khi gặp phải nó, không phải đó là khoảng trống. Người
theo đạo Phật có những cách ứng xử trên nền tảng căn bản, không lúng túng,
bị động, lẫn tránh. Dưới đây là sự vận dụng của một Phật tử
đối với những quan điểm cơ bản của đạo Phật trong việc giải quyết những vấn đề
cụ thể như đã nêu trên.
Quan điểm hạnh phúc
chồng vợ, quan điểm cấm không được tà dâm là những quan điểm rõ ràng trong đạo
Phật có liên hệ đến vấn đề hôn nhân. Do đó, có thể nói đạo Phật hướng tới quan
hệ hôn nhân trong sáng, hạnh phúc, thủy chung, tự
nguyện, lợi lạc cho cả hai bên vợ chồng. Ở điểm này, chúng ta không cần bàn
nhiều, nhưng thiết tưởng cần nhấn mạnh hôn nhân trong đạo Phật không phải là sự
trói buộc
thiêng liêng. Mọi sự ràng buộc, áp đặt đều xa lạ với đạo
Phật.
Quan điểm nhân duyên
cũng là một quan điểm căn bản của Phật giáo. Có nhân duyên thì
tác hợp nên vợ chồng trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận, lợi lạc cho cả hai phía.
Do không có quan điểm một sự ràng buộc thiêng liêng nào đó, mà phụ thuộc vào
nhân duyên, nên đạo Phật không coi việc ly dị là cấm kỵ như tôn giáo
khác. Mọi việc tan rã khi hết nhân duyên là theo
quy luật. Những ràng buộc đạo đức xã hội, trách nhiệm tâm lý… cũng là những mối
nhân duyên mà thôi. Trong cách nhìn nhận về cái khổ của đạo Phật, sống trong
hoàn cảnh đối mặt, gần
gũi với người mình không yêu hoặc phải chia lìa với
người mình yêu đều là đau khổ. Quan điểm nhân duyên và tùy duyên hoàn toàn có
thể ứng dụng vào quan hệ vợ chồng và trên cơ sở đó chúng ta có một quan hệ văn
minh và tiến bộ. Mọi sự trói buộc nghiệt ngã bất di bất dịch
đến từ bất cứ đâu, không kể đến hoàn cảnh cụ thể (nhân duyên) đều không là quan
điểm của đạo Phật.
Chúng ta có thể suy ra quan điểm như thế trong vấn đề ly dị. So
với các tôn giáo khác quan điểm như thế là nhân bản, rộng mở, thực sự coi trọng
quyền lợi con người. Trong hôn nhân, đức Phật không đưa ra những tín hiệu
ràng buộc cụ thể, thiết tưởng là vì những lý do đó. Tùy theo hoàn cảnh quốc độ, luân lý, xã hội… mà mọi người ứng
dụng những giá trị đạo Phật sao cho đem lại hạnh phúc, hòa ái, từ bi.
Đây không phải là một khiếm khuyết của đạo Phật, mà trái lại, nó chính là những
ưu điểm của Phật giáo.
Trong đạo Phật, ly dục là một trong những quan điểm chính. Đạo Phật coi dục
lạc như trở ngại trong bước đường thăng tiến tâm linh.
Vì vậy, đạo Phật không chủ trương chấp nhận mọi hình thức cần thiết để có được
dục lạc. Có thể liên hệ quan điểm ly dục của đạo Phật
trong hiện tượng hôn nhân đồng giới.
Tuy nhiên, trong đạo Phật cũng còn một quan điểm cơ bản, đó là quan điểm sự thật.
Việc chuyện không nói có, chuyện có nói không là điều cấm theo
quan điểm Phật giáo. Vì vậy, Phật giáo đương nhiên không chấp nhận việc ghi nhận sự việc
trái với sự thật, chối bỏ sự thật hay cụ thể là nói sai sự thật. Chấp
nhận hay không chấp nhận, có thể tùy nhân duyên, nhưng việc đã diễn ra trong
hiện thực, thì không thể nói là vì nó trái với ý muốn của một đấng tạo hóa nào
đó, để phủ nhận nó cũng như từ chối giải quyết nó. Theo suy
nghĩ riêng của chúng tôi, vận dụng quan điểm nhân duyên về quan điểm sự thật của
Phật giáo về quan hệ đồng giới sẽ cho thấy những giá trị nổi trội của Phật giáo
so với tôn giáo khác. Có quan niệm tùy duyên và chân
thực thì thấy hở ra là cấm, là chống vốn không thỏa đáng.
Có quan niệm ly dục thì thấy việc buông thả, cho phép mọi thức cần thiết để đạt
dục lạc cũng không được. Rồi trở về quan điểm nhân
duyên, thì bối cảnh xã hội, luân lý đạo đức là những yếu tố cần được tính đến.
Đối với vấn đề ngừa thai
và phá thai, thì quan điểm về bất sát, về nhân duyên,…
là những quan điểm có thể vận dụng.. Đạo Phật dứt khoát không chấp nhận việc
giết và bảo người khác giết hại mọi sinh vật, thì việc loại trừ
thai nhi, tước đi sự sống của một người sơ sinh, là điều không thể chấp
nhận. Ở đây, vạch đỏ rất rõ ràng với giới trọng cấm đầu tiên của Phật giáo: cấm
sát sinh. Nhưng Phật giáo có thể có những cách nhìn rộng rãi hơn trong việc ngừa
thai, từ quan điểm nhân duyên. Nếu vì lý do gì đó mà không muốn tượng
thai, thì thiết tưởng cứ đi từ nhân duyên mà giải quyết. Để tránh một hậu
quả nào đó không muốn, có thể tránh việc tạo duyên cho nó, nhưng tuyệt đối không
được sát sinh.
Chúng ta băn khoăn
vì Phật
giáo không nêu những tín điều rõ ràng về những vấn đề kể trên như đối với những
tôn giáo khác. Đó dứt khoát không phải là một hạn chế của Phật
giáo khi đối chiếu với các tôn giáo. Khi cần có những
liên hệ cụ thể, đạo Phật đã có những quan điểm nền tảng. Vấn đề dễ dàng
có câu trả lời khi người Phật tử chúng ta đặt mọi sự việc dưới những quan điểm
cơ bản của đạo Phật, dùng những quan điểm căn bản của đạo Phật soi sáng những
biểu hiện muôn mặt của đời sống. Có thể có những cách lý giải khác, nhưng những
quan điểm nền tảng của Phật giáo như bất sát, tôn trọng sự thật, nhân duyên, an
lạc, khổ, ly dục… là những chân lý không thể sai chạy. Vận dụng được nó vào đời
sống đa dạng, chúng ta mới thấy hết cái hay, cái tuyệt diệu của đạo Phật. Phật
giáo không giáo điều mà rất thuyết phục với những quan điểm ưu việt, không tách
rời với hiện thực đời sống.
Sự mầu nhiệm của đạo Phật dựa trên tổng thể một nền tảng giáo lý ưu việt, không
phải ở chỗ đi vào những tín điều rạch ròi cụ thể, bất chấp mọi hoàn cảnh nhân
duyên.
Trên hết trong đạo Phật là mục tiêu giải thoát. Chính
vì tập trung vào mục tiêu đó, đạo Phật không sa vào
những tín điều cụ thể. Nhưng khi cần, một nền tảng giáo lý
căn bản ưu việt như thế vẫn cung cấp cho chúng ta những quan điểm
cần thiết để giải quyết mọi vấn đề (1).
Cũng xin nói rõ, người
viết không có ý định phát biểu những vấn đề trên nhân danh đạo Phật, mà chỉ muốn
trình bày cách hiểu của riêng mình về đạo Phật khi tìm cách giải quyết những vấn
đề được đặt ra như trên cũng như ý tưởng về những cách vận dụng những quan điểm
cơ sở của đạo Phật trong cuộc sống. Và trên đây chỉ mới là
những gợi ý sơ lược, tổng quát.
(1)
Trong một số trường hợp, Đức Phật đã đi vào những ví dụ rất cụ thể. Chúng ta có
thể từ những ví dụ như vậy khái quát thành những quan điểm. Chẳng hạn, khi đề
cập đến quan hệ sau hôn nhân, có kinh Uggaha, Người gia chủ, Kinh
Tăng Chi bộ, Viện Nghiên cứu Phật học ấn hành năm 1996, trang 358.