Việc cần làm ngay hướng về mục tiêu Đại tạng kinh Việt Nam

Minh Thạnh

Phản hồi bài “Chậm trễ xuất bản Đại tạng kinh Việt Nam là ở chính Phật giáo Việt Nam”, bạn đọc Jimmy Trần cho rằng ý kiến của chúng tôi là “nóng lòng quá đi thôi”.

Dưới đây, chúng tôi sẽ chứng minh rằng việc “nóng lòng” ấy là cần thiết, phù hợp với thực tế, không chủ quan nôn nóng. Một số việc cụ thể sẽ được chúng tôi nêu ra, không chỉ đối với liệt vị tôn đức có trách nhiệm trong Phật sự xuất bản Đại tạng kinh Việt Nam, mà đối với tất cả Tăng Ni Phật tử Việt Nam.

1.      Tất cả mọi Tăng Ni Phật tử Việt Nam, nếu phát tâm và có khả năng, đều có thể đứng ra xúc tiến in ấn Đại tạng kinh Việt Nam trong bối cảnh không bị hạn chế vì lý do bản quyền.

Vì vậy, điều trước tiên là cơ quan sở hữu bản quyền những bản kinh trong bộ Đại tạng kinh Việt Nam xuất bản vào thập niên 1990 (theo chỗ tôi nghĩ là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, dòng chữ được in phía trên trang bìa và trang 1 các quyển kinh) có lời công bố cho phép mọi tập thể, cá nhân, nếu phát tâm, đều có thể đứng ra xúc tiến việc liên kết xuất bản các bản kinh trong Đại tạng kinh Việt Nam.

Có lần, tôi có nêu câu hỏi vì sao không tái bản các bộ kinh dịch từ tiếng Pali trong khi các kinh này đã hết từ rất lâu (có lẽ đã hơn 10 năm), thì một nhà làm sách tư nhân trả lời lý do là vì vấn đề bản quyền (!?)

Nay, nếu giáo hội cho phép về mặt bản quyền, kêu gọi tăng ni Phật tử phát tâm tái bản, có thể trước mắt chỉ từng phần trong Đại tạng kinh Việt Nam, thì sẽ có những bước đi ban đầu tiến tới một bộ Đại tạng kinh Việt Nam, giải quyết được tình trạng đình trệ xuất bản Đại tạng kinh Việt Nam (trước hết là những tựa kinh Pali), trong hơn 10 năm nay.

Thật sự, tôi không biết Giáo hội có giữ bản quyền các bản dịch kinh trong Đại tạng kinh Việt Nam, nhưng nếu có việc giữ bản quyền thì đó là điều không thích hợp cho việc hoằng dương chánh pháp.

Đây chỉ là một hành động bằng lời, một lời công bó rõ ràng về bản quyền Đại tạng kinh Việt Nam, với chi tiết các tựa kinh được phép tự do xúc tiến liên kết xuất bản, hoặc ấn tống. Thiết tưởng, không phải là điều khó làm.

Chúng tôi nghĩ rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thể khó khăn để có lời công bố sách tấn in phát hành, hoặc ấn tống Đại tạng kinh như thế.

Cơ quan tổ chức ấn hành các bản kinh Đại tạng kinh Việt Nam thập niên 1990 là Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Như thế, thiết nghĩ, việc này có trách nhiệm và quyền hạn về điều đã nói ở trên liên quan đến bản quyền, việc cho phép liên kết xuất bản phát hành và ấn tống, sách tấn phổ biến và ấn tống. Chúng tôi sẽ theo dõi thông tin và việc này, sẽ đề cập đến trách nhiệm và đề nghị giải thích nếu việc xúc tiến xuất bản Đại tạng kinh Việt Nam không được tạo những thuận lợi cần thiết từ cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm của Giáo hội trong hoạt động xuất bản, phổ biến Đại tạng kinh Việt Nam.

2. Trong các bản kinh thuộc Đại tạng kinh Việt Nam xuất bản vào thập niên 1990, thí dụ Kinh Tăng chi bộ, tập III, có thông tin về Hội đồng chỉ đạo phiên dịch và ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam như sau:

Hội đồng chỉ đạo

Phiên dịch và Ấn hành

ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM

Chủ tịch

Hòa thượng Thích Minh Châu

-         Phó chủ tịch: Hòa thượng Thích Thiện Siêu

-         Phó chủ tịch: Hòa thượng Kim Cương Tử

-         Phó chủ tịch: Hòa thượng Thích Thanh Kiểm

-         Phó chủ tịch: Hòa thượng Thích Thanh Từ

-         Phó chủ tịch: Hòa thượng Thích Thiện Châu

Trưởng ban Thư ký:

Thượng tọa Thích Chơn Thiện

Trưởng ban Tài chánh:

Thượng tọa Thích Giác Toàn

Trưởng ban In ấn và Phát hành

Cư sĩ Võ Đình Cường

Trưởng ban Từ vựng Phật học:

Cư sĩ Minh Chi

Một số, có lẽ là đa số, chư vị tôn đức và cư sĩ trong Hội đồng nói trên đã từ trần. Vì vậy, kính đề xuất Giáo hội cử nhiệm một Hội đồng chỉ đạo phiên dịch và ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam mới để công việc có thể tiếp tục xúc tiến.

Việc cử nhiệm nhân sự mới cũng là việc trong thẩm quyền và khả năng của Giáo hội, không phải là việc khó khăn, không đòi hỏi tài chính, không phải là việc không thể thực hiện ngay. Theo như việc đã làm trước đây, việc cử nhiệm Hội đồng này là do Hội đồng trị sự. Chúng tôi nghĩ rằng, căn cứ như cầu xuất bản Đại tạng kinh Việt Nam, thì đề xuất thành lập (hoặc bổ sung hoàn thiện) Hội đồng phiên dịch và ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam  mới, với đầy đủ thành viên, là một đề xuất hợp lý. Chúng tôi sẽ theo dõi để thông tin về tiến triển sự việc này đến bạn đọc.

3. Trong Hội sách TPHCM năm 2012, tôi có nhìn thấy một bản dịch kinh Pali Nam truyền trong Đại tạng kinh Việt Nam tái bản được trưng bày (khổ lớn cỡ tờ A4). Tôi rất vui mừng, nghĩ rằng công việc xuất bản Đại tạng kinh Việt Nam đã được tiếp tục. Tuy nhiên, đến nay đã 1 năm, vẫn chưa thấy bản in nói trên trong các nhà sách trong TPHCM. Vì vậy, đề xuất Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tiến hành tái bản ngay các bản dịch kinh từ tiếng Pali, vốn đã rất khó tìm từ khoảng hơn 10 năm nay. Các bản dịch A hàm có thể tái bản sau, vì bản dịch của quý hòa thượng, thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Thích Đức Thắng vừa được phát hành trong những năm gần đây.

Tái bản những bản kinh đã ấn hành là việc dễ dàng, chỉ đòi hỏi mức độ tài chính vừa phải, thiết tưởng, không phải là việc ngoài khả năng của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Việc xuất bản có thể làm dần từng bản kinh một. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm thấy bản in tái bản Đại tạng kinh Việt Nam (bản do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam – Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện, không phải bản của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ…) sớm có mặt trên kệ của các nhà sách. Chúng tôi cũng sẽ thông tin về việc tiến triển của Phật sự này đến bạn đọc. Nếu đã có tái bản thì nên tổ chức phát hành rộng rãi, thay vì chỉ có tại một số ít địa điểm.

4. Cũng là một việc không mấy khó khăn, là đề xuất Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam sớm công bố rộng rãi danh sách các kinh, luật, luận trong Đại tạng kinh Việt Nam và tổ chức tái bản trong khuôn khổ Đại tạng kinh Việt Nam những bản kinh, luật, luận đã sẵn có bản dịch, đã xuất bản riêng lẻ trước đó.

Đây cũng là công việc tái bản, một công việc không khó khăn. Càng dễ hơn nữa với thông báo chi tiết danh mục tựa kinh, luật, luận trong Đại tạng kinh Việt Nam. Chúng tôi tin rằng cũng chỉ sẽ mất một thời gian ngắn.

Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tất nhiên không thể thoái thác một Phật sự đơn giản như vậy. Những bản kinh luật, luận đã được in nhiều lần thì không cần tái bản với số lượng lớn, nên tài chính cần có là tối thiểu Phật tử chúng tôi cũng sẽ rất ngạc nhiên nếu Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam không thực hiện được Phật sự này trong một thời gian ngắn.

Hiện nay, trên trang web Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam chỉ mới đăng tải một số rất ít tựa kinh, luật, luận Bắc Tông và Nguyên thủy. Qua đó, người đọc vẫn chưa thể hình dung cụ thể và chi tiết về Đại tạng kinh Việt Nam.

5. Công việc tiếp theo và rất quan trọng là tổ chức dịch và xuất bản những bộ kinh, luật, luận còn lại được xếp vào Đại tạng kinh Việt Nam. Đây là công việc lâu dài, khó khăn tốn nhiều công sức, để tiến tới hoàn thiện Đại tạng kinh Việt Nam. Có lẽ chỉ không nên nôn nóng ở bước đi này mà thôi.

Tuy vậy, đây vẫn là công việc có thể bắt tay vào ngay và sớm có kết quả.

6. Điều rất lấy làm tiếc là vào trang web “Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam”, truy cập vào mục “Đại tạng kinh”, thì thông tin rất nghèo nàn, không thấy hoạt động xúc tiến một bộ Đại tạng kinh Việt Nam hoàn thiện.

Thông báo phát hành kinh Trường bộkinh Trung bộ có nói tới kế hoạch tái bản Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền”, nhưng không thấy kế hoạch gì trong mục “Đại tạng kinh”. Nếu đã có kế hoạch về Đại tạng kinh Việt Nam, xin được công bố rộng rãi để Tăng Ni Phật tử được biết, cùng theo dõi tiến độ. Không công bố kế hoạch về một việc thực hiện Đại tạng kinh Việt Nam sẽ không có lợi cho việc thúc đẩy Phật sự quan trọng này.

7. Công việc phát hành Đại tạng kinh Việt Nam nên được coi trọng. Lần phát hành đầu tiên Đại tạng kinh Việt Nam vào thập niên 1990, theo tôi, là không thành công. Việc tìm thỉnh Đại tạng kinh Việt Nam không dễ dàng, thuận lợi cho bạn đọc. Đại tạng kinh Việt Nam không có mặt tại các nhà sách lớn ở TPHCM, vì thế, nói gì đến việc phát hành đến các tỉnh. Đại tạng kinh Việt Nam chỉ có thể tìm thấy ở vài địa điểm, hoạt động trong giờ hành chính.

Mới đây, thông báo về việc phát hành kinh Trung bộ kinh Trường bộ được đăng tải trên trang Web Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam như một thông báo hành chính, phát hành chỉ có duy nhất địa điểm là Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam 750 Nguyễn Kiệm TPHCM, và còn có ghi chú trong ngoặc đơn: không chấp nhận đại lý.

Với cách phát hành như vậy, tất nhiên sẽ dẫn tới việc không thể phát hành với số lượng lớn các bản kinh Đại tạng kinh Việt Nam.

8. Ngoài ra, để xúc tiến nhanh chóng Đại tạng kinh Việt Nam, thiết tưởng cần lập Quỹ xuất bản Đại tạng kinh Việt Nam, vận động trên toàn quốc và hải ngoài, thông báo rộng rãi trên website, báo chí Phật giáo.

Phật giáo Việt Nam có thể vận động hàng chục tỷ đồng xây chùa, đúc tượng, nhưng không vận động được đủ tiền in Đại tạng kinh Việt Nam (in để bán, không phải ấn tống) thì sẽ là một việc hết sức khó hiểu, nếu không muốn nói là thất bại lớn.

MT

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle