Một kết quả của mưu toan cắt rời thiền ra khỏi Phật giáo

Minh Thạnh

Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã có dịp nói đến mưu toan cắt rời thiền ra khỏi Phật giáo, xóa bỏ dấu ấn Phật giáo trong thiền, xem thiền hoàn toàn không có liên hệ gì đến Phật giáo, thậm chí coi thiền là hoạt động của một tôn giáo khác.

Mưu toan này là nhằm loại trừ ảnh hưởng Phật giáo, triệt tiêu một trong những giá trị hàng đầu của Phật giáo là thiền, tước đoạt giá trị của Phật giáo, hạn chế sự truyền bá Phật giáo, gồm cả việc đi đến cải đạo tín đồ Phật giáo bằng cách thu hút họ sang tôn giáo khác bằng chính những giá trị đã chiếm đoạt bất minh từ Phật giáo.

Hoạt động này đã có một số kết quả. Những bản tin về thiền nhưng không nói gì về đạo Phật, từ nhiều nước trên thế giới, đã bắt đầu trở nên quen thuộc. Thiền bắt đầu được tiếp nhận độc lập, như một đại lượng ngoài đạo Phật, như một thứ thể dục trí não.

Báo chí đưa tin thủy quân lục chiến Mỹ ngồi thiền, thượng nghị sĩ Mỹ ngồi thiền, mà không nói gì đến Phật giáo, là một dạng của cung cách này.Trong những trường hợp như vậy, người ta đã thành công khi cắt thiền ra khỏi đạo Phật, dấu hẳn đạo Phật đi, chỉ còn để lại thiền.

Cũng tiêu biểu cho kiểu làm này là thiền Minh triết của Duy Tuệ. Duy Tuệ nhận thứ thiền đó của mình, rồi vừa mạt sát Đức Phật, người khai sáng thiền, vừa cao giọng giảng dạy thiền.

Thiền của Thanh Hải cũng là một kiểu thiền ăn cướp như vậy. Thanh Hải dạy thiền Phật giáo, nhưng nói do bà ta khai ngộ ra.

Họ làm vậy, nhưng ảnh hưởng tới đâu thì chưa xác định được.

Nhưng mới đây, khi đọc đến mục “Thiền” trong Từ điển Tâm lý học, biên soạn Viện Tâm lý học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, GS. TS Vũ Dũng chủ biên (nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, Hà Nội xuất bản, 2008) thì quả là đáng quan tâm.

Đây là hiện tượng đã có những nhà khoa học Việt Nam bị đầu độc bởi luận điệu cướp đoạt thiền Phật giáo.

Chúng tôi xin dẫn lại dưới đây nội dung định nghĩa “Thiền” của quyển từ điển nói trên, để bạn đọc tham khảo về nguy cơ đã trở thành hiện thực tiêu cực trong thực tế.

Định nghĩa thiền nhưng các tác giả quyển từ điển (gồm đến 30 nhà tâm lý học ở các trường, viện, bệnh viện, cơ sở thực nghiệm tâm lý) đã không nhắc gì đến Phật giáo cả mà lại nhắc tới… “Chúa trời”.

Việc dẫn lại ở đây xin coi là việc báo động hiện tượng Phật giáo bị ăn cướp giá trị của mình.

THIỀN

Sự phong tỏa mạnh mẽ vào vật thể bằng trí tuệ, bằng ý tưởng, diễn ra bên trong suy tưởng, có thể đạt được bằng cách tập trung tối đa vào một khách thể và loại trừ mọi yếu tố gây xao nhãng sự chú ý, cả các yếu tố bên ngoài (tiếng ồn, ánh sáng) và các yếu tố bên trong (các căng thẳng về thể lực, cảm xúc và những căng thẳng khác).

Thiền là một hình thức luyện tập tâm lý, đã ứng dụng những hình thức khác nhau, phụ thuộc vào bối cảnh văn hóa – lịch sử. Thiền được ứng dụng nhiều ở các nước phương Đông như: Ấn Độ, Trung Quốc và các nước có nền văn hóa tương đồng khác ở khu vực này. Kiểu thiền của phương Đông (bao gồm tất cả các hình thức Yoga của Ấn Độ, Đạo giáo ở Trung Quốc) có giả định rằng sự hòa tan mang tính tôn giáo thần bí của ý thức cá nhân trong cái tuyệt đối vô bản ngã, tương tự như đại dương-tình huống được thực hiện bằng hình ảnh của con bươm bướm đã bị ánh lửa của ngọn nến thiêu cháy hoặc con búp bê muối bị hòa tan trong nước biển. Một khuynh hướng tôn giáo thần bí khác của thiền, được sùng bái bởi Ki tô giáo, đã lý giải thiền như sự dung hợp của 2 nhân cách: con người và Chúa Trời. Trong thế kỷ XX, các phương pháp thiền được phát triển ở một số trường phái của phân tâm học, và của tâm lý học phân tích, cũng như hệ thống luyện tập tâm vật lý, có tính đến hiệu quả trị liệu và không liên quan đến bất cứ một tư tưởng tôn giáo thần bí nào (ví dụ: hệ thống “mối liên hệ sinh học ngược)”.

MT

Chia sẻ: facebooktwittergoogle