Phật giáo trong quan hệ với chính quyền: trường hợp Pháp nạn lịch sử 1963

Minh Thạnh

Bàn luận vấn đề mà chúng tôi nêu ra, Phật giáo quan hệ tốt với chính quyền trong mọi thời đại, có bạn đọc nhắc đến sự kiện Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu, tức Pháp nạn lịch sử 1963, coi như là đặt một dấu chấm hỏi ở đó.

Vì vậy, trong bài này chúng tôi sẽ bước đầu tìm hiểu Pháp nạn lịch sử 1963, trong vấn đề quan hệ Phật giáo với chính quyền mà chúng ta đang bàn luận.

Pháp nạn lịch sử 1963, thoạt trông, có vẻ là Phật giáo đối kháng với chính quyền (ở đây là chính quyền Ngô Đình Diệm). Vậy phải chăng đây là trường hợp ngoại lệ của vấn đề Phật giáo quan hệ tốt với chính quyền trong mọi thời đại, hay chính là một trường hợp phủ nhận vấn đề đã nói ở trên?

Mục từ “Religious war” (thánh chiến hay chiến tranh tôn giáo) trong từ điển mở Wikipedia không ghi nhận chiến tranh tôn giáo do Phật giáo tiến hành, nhưng có phần “Buddhist uprising” ghi nhận 2 cuộc đấu tranh của Phật giáo miền Nam Việt Nam vào năm 1963 và 1966, 2 sự kiện Phật giáo đối kháng với chính quyền ở Nam Việt Nam lúc bấy giờ (1).

Chúng ta tìm hiểu trước Pháp nạn lịch sử 1963, xem đây có đúng là một cuộc đối kháng với chính quyền, dẫn đến những hệ quả như nói ở trên?

Pháp nạn lịch sử 1963 được giải trừ triệt để sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1/11/1963, do quân đội Sài Gòn tiến hành, cầm đầu là các tướng lĩnh trong “Hội đồng Quân nhân Cách mạng”.

Nhiều tài liệu lịch sử cho thấy trong cuộc đảo chính này, Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn đóng vai trò quan trọng. Mỹ là phía bật đèn xanh cho cuộc đảo chính, và hỗ trợ cuộc đảo chính từ phía sau, kể cả tài chính. Trong các Sách giao khoa lịch sử, chúng ta thường thấy cụm từ “thay ngựa giữa dòng” để chỉ hành động vào năm 1963 của Mỹ, thế lực cầm quyền chủ chốt ở miền Nam.

Cuộc đảo chính 1/11/1963 là cuộc giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm quyền ở miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng kết thúc Pháp nạn đối với Phật giáo miền Nam Việt Nam.

Qua việc này, chúng ta có thể thấy rằng, mâu thuẫn trước đó của Phật giáo miền Nam Việt Nam với chính quyền Sài Gòn thực chất không phải là mâu thuẫn giữa Phật giáo với toàn bộ chính quyền Nam Việt Nam, mà chỉ là mâu thuẫn với tập đoàn gia đình trị Ngô Đình Diệm và những kẻ theo chúng. Sau cuộc đảo chính 1/11//1963, Pháp nạn được giải trừ hoàn toàn, nhưng chính quyền Sài Gòn, trừ những thay đổi ở cấp cao, còn lại vẫn tồn tại hầu như nguyên vẹn.

Chính quyền Sài Gòn sau đảo chính 1/1/1963 chuyển thành một chính quyền ủng hộ Phật giáo bằng một số việc làm rất cụ thể, như cấp đất bằng hình thức bán tượng trưng để xây dựng Việt Nam Quốc tự, cho công binh xây dựng lễ đài Phật Đản năm 1974 và hỗ trợ việc tổ chức đại lễ ở Trung tâm thành phố, cúng dường những ngân khoản lớn cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (thành lập năm 1964)… Phía Phật giáo khi đó không từ khước sự ủng hộ từ chính quyền Sài Gòn sau đảo chính.

Những nhà lãnh đạo cuộc đấu tranh của Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, ngay từ đầu, cũng thấy mâu thuẫn chính không phải là mâu thuẫn giữa Phật giáo miền Nam với toàn bộ lực lượng cầm quyền ở miền Nam, mà chỉ là mâu thuẫn giữa Phật giáo và bộ phận chính quyền trung thành với gia đình họ Ngô. Do vậy, bên cạnh hướng đấu tranh với Diệm còn là hướng vận động tướng lĩnh, sĩ quan, công chức chính quyền Sài Gòn, tức là phát triển mối quan hệ với một bộ phận chính quyền Sài Gòn.

Nhưng hướng vận động quan trọng hơn là hướng tập trung vào người Mỹ, thế lực chi phối chính quyền Sài Gòn.

Sách Lửa trong lòng hồ, tác giả Frances Fitsgerald, đã viết về sự kiện hòa thượng Quảng Đức tự thiêu: “Trong những phút giây tưởng kéo dài bất tận khi mà ngọn lửa nhảy múa liếm láp áo choàng của Quảng Đức, che khuất khuôn mặt của ông ta, và trong suốt quá trình sụp đổ từ từ thi thể đã hóa thành than từ tư thế ngồi thẳng đứng, một hòa thượng trẻ tuổi đã cầm micro không ngừng hô vang bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, “Một hòa thượng Phật giáo đã tự thiêu. Một hòa thượng Phật giáo đã tử vì đạo”. Các nhà sư đã kêu gọi các nhà báo Mỹ đến chứng kiến cảnh tượng này. Sau đó, họ đã trưng bày trái tim của Quảng Đức trong một cái hộp bằng thủy tinh và mua bảo hiểm cho việc truyền hình đưa tin về khoảng sáu cái chết quyên sinh khác” (2).

Tổ chức truyền thông như thế là định hướng vận động vào người Mỹ (3).

Sách “Trí Quang tự truyện” cũng chép khá chi tiết việc Thượng tọa Trí Quang lúc bấy giờ đến Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn tỵ nạn và sự tiếp đón của Tòa Đại sứ. Ở đây không có mâu thuẫn với người Mỹ.

Như thế, Pháp nạn lịch sử 1963 không phủ nhận nguyên tắc Phật giáo quan hệ tốt với chính quyền trong mọi thời đại mà chúng tôi đã nêu, cũng như không là một ngoại lệ cho nguyên tắc đó.

Năm 1963, trong khi Phật giáo miền Nam Việt Nam mâu thuẫn với gia đình lãnh đạo chóp bu chính quyền Sài Gòn (Ngô Đình Diệm) thì vẫn có những quan hệ tốt đối với một số thành phần trong chính quyền Sài Gòn bấy giờ, kể cả thế lực quan trọng nhất là Tòa Đại sứ Mỹ.

Đối với những lực lượng như thế, Phật giáo đã tranh thủ  được sự ủng hộ. Cho nên, việc đàn áp Phật giáo đã đưa đến những xung đột lớn trong nội bộ chế độ Sài Gòn, dẫn đến cục giải quyết bằng cuộc đảo chính 1/11/1963, đồng thời đưa đến kết quả giải trừ hoàn toàn Pháp nạn lịch sử 1963.

Pháp nạn lịch sử 1963 và việc kết thúc nó thể hiện mối quan hệ giữa Phật giáo miền Nam Việt Nam với chính quyền lúc bất giờ trong một dạng thức hết sức đặc biệt. Phật giáo mâu thuẫn cao độ với một bộ phận chính quyền, trong khi lại được sự hậu thuẫn từ một lực lượng cầm quyền khác. Lực lượng chính quyền ủng hộ Phật giáo đã giải quyết mâu thuẫn phức tạp trên bằng một cuộc đảo chính, để sau đó chuyển đổi cơ bản toàn bộ bộ máy chính quyền đàn áp Phật giáo trước đảo chính thành bộ máy chính quyền cơ bản mâu thuẫn Phật giáo trong những năm đầu sau đảo chính.

Điều cốt lõi là ở đây vẫn có nhân tố Phật giáo quan hệ tốt với lực lượng cầm quyền. Nhân tố đó tồn tại song song với tiến trình đàn áp Phật giáo từ một lực lượng khác cũng trong chính quyền đó và đang nắm cấp chi phối hệ thống.

Trong thực tế, chỉ riêng Phật giáo thì không là lực lượng lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Phật giáo đấu tranh cho những nguyện vọng của mình, không tiến hành lật đổ. Chỉ thành phần ủng hộ Phật giáo trong lực lượng cầm quyền mới tổ chức và thực hiện cuộc đảo chính quân sự 1/11/1963.

MT

(1)  Một số tài liệu có kể đến cuộc xung đột giữa Phật giáo Tây Tạng với chính quyền Trung Quốc vào năm 1959 như là một cuộc nổi dậy Phật giáo, nhưng các sử gia không thống nhất vì đó cũng có thể coi là một cuộc xung đột sắc tộc, một cuộc nổi dậy giành độc lập quốc gia hơn là cuộc chiến tranh tôn giáo. Có lẽ vì vậy mà mục từ trên Wikipedia không ghi nhận cuộc xung đột Tây Tạng trong phần “Buddhism Uprising”, mà chỉ có 2 sự kiện ở Nam Việt Nam.

(2)  Frances Fitzgerald: Lửa trong lòng hồ, Người dịch: Lê Sỹ Giảng, Nguyễn Nam Sơn, Nhà Xuất bản Công An Nhân dân, 2004.

(3)  Sách Lửa trong lòng hồ có đoạn: “Cuối cùng người Mỹ đã phản ứng. Tháng Tám, chỉ sau cuộc tấn công chùa Xá Lợi, vị đại sứ mới Henry Cabot Lodge, chỉ đạo một nhân viên CIA liên hệ với các tướng lĩnh và thông báo rằng Washington sẽ ủng hộ cuộc đảo chính. Các tướng lĩnh nghi ngờ cả Harkin lẫn Richardson và yêu cầu có sự đảm bảo chắc chắn hơn. Sau đó vào tháng Mười, sau một cuộc tranh cãi nội bộ tương đối gay gắt, chính quyền Kennedy quyết định ngừng Chương trình Nhập khẩu Thương mại – nguồn viện trợ chủ yếu của chính phủ - và công khai tự tách mình ra khỏi chính quyền họ Ngô. Những cuộc biểu tình dữ dội hơn, những sự đảm bảo chắc chắn hơn cùng với âm mưu của các quan chức khác đã đẩy các tướng lĩnh vào hành động. Ngày 1 tháng Mười một, khi xe tăng tiến vào Dinh Tổng thống, không một quan chức cao cấp nào còn ở đó cùng với các vị lãnh đạo của mình”.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle