Minh Thạnh
Mời bạn đọc tiếp tục cuộc thảo luận về quan hệ Phật giáo với
chính quyền. Theo tôi, đây là đề tài có ích, vì nó quan trọng với Phật giáo,
giúp người Phật tử có quan điểm rõ ràng về một vấn đề thiết yếu.
Nói
đây là vấn đề thiết yếu, vì nó dường như chưa đi đến một kết luận rõ ràng, dứt
khoát trong đạo Phật. Chính vì vậy, nên mới có các ý kiến chưa thống nhất, cần
phải thảo luận thêm.
Đây là chúng ta đang bàn luận về nội dung có liên quan đến Phật
pháp, nên không phải là hý luận. Hý luận là bàn luận những điều vô ích, không
cần thiết cho việc tu học.
Để tránh việc hý luận, ở đây chúng ta liên hệ vấn đề với một
trường hợp Phật giáo quan hệ với chính quyền, được kinh sách ghi chép lại.
Đó là trường hợp với vua A Xà Thế.
Một trong những ý kiến bàn luận, là liệu từ phía Phật giáo có cần
thẩm định, đánh giá chính quyền trước khi xây dựng quan hệ tốt. Đây là vấn đề
khá xác đáng, khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Đức Phật không dạy chúng ta trực tiếp về điều này (từ phía Phật
giáo đánh giá trực tiếp phẩm chất của chính quyền), nhưng trong cuộc đời Đức
Phật, có những sự kiện mà từ đó, chúng ta có thể rút ra những lời dạy gián tiếp.
Ở đây, chúng tôi muốn nói đến trường hợp vua A Xà Thế.
A Xà Thế (Ajatasatru) là một người nắm chính quyền đương thời Đức
Phật. Vương triều A Xà Thế đã có những quan hệ trực tiếp đối với Đức Phật và
giáo đoàn, đã phát sinh ra nhiều sự kiện, giải quyết nhiều vấn đề, mà qua đó
chúng ta có thể rút ra bài học cho quan điểm về mối liên hệ giữa Phật giáo với
chính quyền.
Những ý kiến bình luận của chúng tôi là chủ quan, nhưng sự kiện
lịch sử là sự thật khách quan và cách giải quyết của Đức Phật cũng thể hiện quan
điểm rõ ràng, rạch ròi. Chúng tôi nghĩ rằng, hiển nhiên, quan điểm luôn có
một mối quan hệ tốt với chính quyền, luôn tạo cơ hội thuận lợi cho một chính
quyền hộ pháp là đúng theo những cách thức mà Đức Phật đã theo đó mà giải quyết
vấn đề trong quan hệ với vua A Xà Thế.
Vương triều A Xà Thế
A Xà Thế nắm chính quyền ở Đông Bắc Ấn Độ, trong một châu thổ
rộng lớn có được do xâm chiếm, gọi là nước Ma Kiệt Đà (Magadha), thời gian từ
492 tr CN đến 460 tr CN. Câu chuyện về vua A Xà Thế được biên chép trong Kinh
Phật và Kinh của đạo Jain.
Việc nắm chính quyền của vua A Xà Thế là bất minh. Trong việc
này, vua A Xà Thế là tội phạm giết cha (vua Tần Bà Sa La) đoạt ngôi vua, trong
một cách hành xử tàn ác. A Xà Thế đã giam cha mình, bỏ đói để giết cha. Chỉ xét
về mặt lên ngôi, A Xà Thế là một tội phạm.
Công việc nội trị và ngoại giao của vua A Xà Thế có nhiều vấn đề.
A Xà Thế huy động toàn lực quốc gia vào chiến tranh xâm lược. Việc theo đuổi
chiến tranh xâm lăng đối với vua A Xà Thế là trường trực. Những cuộc chiến tranh
liên miên đã khiến cho vua A Xà Thế chinh phục đến 36 vương quốc. Theo
Wikipedia, vương quốc Magadha của A Xà Thế trải dài qua nhiều bang hiện nay của
Ấn Độ như Bihar, Chandigarh, Hyryana, Uttaran Chal, Himachal Pradesh, Dehli,
Ulta Pradesh, một phần Madhya Pradesh, Chattsgarth, Jarkhand, Tây Bengal và
Nepal. Sự rộng lớn của lãnh thổ khiến chúng ta hình dung quá trình xâm lược của
triều đại A Xà Thế có qui mô đến như thế nào.
Người dân ở một vương quốc luôn theo đuổi mục tiêu xâm lược không
thể sống trong cảnh thanh bình, thịnh trị. Điều tất yếu là chính sách đối nội
không tránh khỏi vấn đề. Chiến tranh xâm lược đương nhiên hao tiền, tốn của, tổn
thất sinh mạng, đất nước kiệt quệ.
Đối với Phật giáo, vua A Xà Thế ủng hộ Đề Bà Đạt Đa, một tăng sĩ
cầm đầu việc ly khai, chống phá, thậm chí ám hại Đức Phật. Là người ủng hộ mạnh
mẽ Đề Bà Đạt Đa, A Xà Thế đã gián tiếp gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với
Đức Phật và tăng chúng.
Trong một bối cảnh như vậy, mâu thuẫn giữa Đức Phật và tăng đoàn
đối với vương triều A Xà Thế đã phát sinh trong thực tế. Đức Phật đã giải quyết
mâu thuẫn này như thế nào?
Không hướng đến tình trạng gia tăng mâu thuẫn, dẫn tới đối kháng
trực tiếp, Đức Phật vừa không can thiệp vào chính sự của vương quốc, vừa duy trì
khả năng có thể thực hiện được việc hóa độ đối với người đứng đầu vương triều.
Quan hệ từ phía Phật giáo
Quan hệ của Đức Phật đối với vương triều A Xà Thế vừa thể hiện
tính chất xuất thế của đạo Phật, lại vừa thể hiện tính chất tích cực của đạo
Phật.
Là đạo thoát tục, Phật giáo không tác động vào vương triều như
một lực lượng chính trị xã hội.
Giữ vai trò định hướng đạo đức, Đức Phật, trong kinh Đại Bát Niết
Bàn, Trường bộ kinh, cũng đã đánh giá cao những tiêu chuẩn đạo đức mà nước Bạt
Kỳ áp dụng, để khuyên bảo vua A Xà Thế đừng xâm lăng. Tuy nhiên, đây là lời
khuyến cáo, không phải sự cản ngăn trực tiếp vào chính sách của vua A Xà Thế.
Trên hết trong vai trò định hướng đạo đức, là mục tiêu hóa độ vua
A Xà Thế.
Ảnh hưởng của Đức Phật đối với quan lại của vương triều A Xà Thế
là môi trường cho việc hóa độ. Điều này, giải thích tại sao vị cận thần Kỳ Bà đã
xúc tiến ngay cuộc gặp giữa Đức Phật và vua A Xà Thế (Kinh Samannaphala, Sa
Môn Quả, Trường bộ kinh)
Vua A Xà Thế trở thành Phật tử. Vương triều A Xà Thế trở thành
một vương triều hộ pháp. A Xà Thế đã có những đóng góp trong vai trò Hộ pháp
vương đối với Đại hội Kết tập kinh điển lần thứ I.
Như vậy, vấn đề chúng tôi muốn ghi nhận đã theo tiến trình ghi
nhận như trên mà định hình. Cốt lõi của đạo Phật là ở chỗ hóa độ, hoằng hóa,
chuyển hóa. Đó là mục tiêu trên hết. Quan hệ với những vương triều, với Đức
Phật, vẫn là
tạo môi trường tốt cho việc hóa độ.
Đức Phật không cô lập, xa lánh vua A Xà Thế, mà là mở cơ hội cho
vua đến với Đức Phật. Phật giáo cố sự đại toàn chép lời Đức Phật đón vua
A Xà Thế: “Đại vương! Ông tới đúng lúc. Ta đợi ông đã lâu”.
Đối với trường hợp vương triều A Xà Thế, với một vị vua tàn nhẫn,
độc đoán, hiếu chiến, Đức Phật đã tạo môi trường hóa độ như thế. Trường hợp vua
A Xà Thế là câu trả lời chung cho câu hỏi về mối quan hệ giữa chính quyền với
Phật giáo trong mọi thời đại.
Dù là chính quyền như thế nào, đối với Phật giáo, đó vẫn là mối
quan hệ mở cửa, hóa độ, mối quan hệ cho những gì tốt đẹp nhất nẩy mầm, sinh sôi.
Bài viết về trường hợp vua A Xà Thế trong quan hệ với Đức Phật và
tăng đoàn chắc rằng sẽ định hình những nét chính trong bức tranh quan hệ Phật
giáo và chính quyền mà chúng ta đang thảo luận.
A-xà-thế
(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia )
A-xà-thế (zh. 阿闍世, sa. ajātaśatru, pi. ajātasattu, bo. ma skyes
dgra མ་སྐྱེས་དགྲ་) là Vua xứ Ma-kiệt-đà
miền Bắc
Ấn Độ (sa., pi. magadha), người trị vì trong 8 năm cuối cùng tại thế
của Phật Thích-ca Mâu-ni
và 22 năm kế tiếp (khoảng 491 - 461
trước Công nguyên). Ông là người giết hại vua cha Tần-bà-sa-la (sa., pi. bimbisāra) và cùng Đề-bà-đạt-đa
(sa., pi. devadatta) định ám hại Đức Phật, nhưng
không thành. Cuối cùng ông giác ngộ theo Phật và phụng sự đạo Phật.