Nghiệp Đức
Trong mười hai con giáp, rắn được xếp sau rồng; tuy nhiên cũng có thể nói ngược
lại là rắn đứng trước rồng đến mười bậc, trong vòng tròn mười hai địa chi. Và
trong khi rồng là một ‘sinh vật’ chúng ta không thể nhìn thấy, ít nhất vào thời
điểm này, và mang đầy màu sắc huyền thoại, thì rắn lại là một sinh vật có thực
và hiện diện xung quanh ta. Cũng trong khi rồng là ‘sinh vật’ chỉ tồn tại (nơi
niềm tin) ở một vài xứ sở, chẳng hạn như ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và
Việt Nam, thì rắn tồn tại khắp nơi, trừ những nơi rắn không thể sống được do
những điều kiện nào đó.
Khác với Trung Quốc và một số quốc gia khác, rồng không hiện hữu nơi niềm tin
của người Ấn; nhưng rắn thì có, với đầy đủ các cung bậc. Trong tiếng Sanskrit,
rắn được gọi là nāga. Nhưng từ nāga trong tiếng Sanskrit và Pāli không chỉ có
nghĩa là rắn, mà cũng có nghĩa là con voi. Mặc dù trong Phạn ngữ nāga có nghĩa
là rắn nói chung, thì lắm lúc khi đề cập đến từ này người ta liền liên tưởng
ngay đến một loại rắn chúa, rắn thần. Có một từ khác trong tiếng Sanskrit cũng
chỉ cho rắn, đó là từ sarpa, nhưng rắn sarpa này thường ít mang màu sắc huyền bí
hơn là rắn nāga. Trong niềm tin dân gian của người Ấn, trước thời kỳ Phật giáo,
nāga là một loại rắn hổ mang bành có bảy đầu.
Như
vậy, từ nāga vốn có nghĩa là rắn. Nhưng rồi khi từ này được truyền vào một vài
quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc… thì thường được dịch là rồng (long), hơn là
rắn (xà), nhất là trong những ngữ cảnh khi nāga được đề cập đến như là một sinh
vật thiêng liêng. Điều này có lẽ do sự ‘tiếp biến’ văn hoá, nơi tín ngưỡng rồng
phổ biến, và khi rồng được xem là một ‘sinh vật’ thiêng liêng và hình ảnh của nó
cũng được dùng trang trí ở những nơi chốn trang nghiêm.
Giống như rồng (龍) là sinh vật huyền bí (một trong tứ linh) của Trung Quốc,
rắn (nāga) được xem là một sinh vật linh thiêng trong đời sống văn hoá và tôn
giáo Ấn Độ. Nāga được xếp vào một trong ‘bát bộ’, là á thần, bởi vì được cho là
có những ‘thần lực’ nhất định. Bát bộ bao gồm: Deva (thiên), Nāga (rồng, rắn),
Yaksa (thần dạ-xoa), Gandharva (càn-thát-bà: nhạc thần), Asura (thần a-tu-la),
Garuda (ca-lâu-na: chim đại bàng), Kinnara (khẩn-na-la: nhạc thần của Đế Thích),
Mahoraga (Ma-hầu-la-gia: thần đầu rắn mình người).
Nơi
niềm tin của người Ấn, nguồn gốc của rắn được cho là có liên hệ với thần linh.
Theo Varāha Purāṇa, một trong các
thánh thư của Ấn giáo, con trai của Phạm vương (Brahma) là Kashyapa có bốn người
vợ. Người vợ đầu sinh ra các Deva (thiên), người vợ thứ hai sinh ra Garuda
(chim), người vợ thứ ba sinh ra Nāga (rắn), và người vợ thứ tư sinh ra Daitya
(quỷ). Từ câu chuyện được để cập ở trong cuốn sách này, rắn như vậy có những
liên hệ ‘huyết thống’ với thần linh. Thêm nữa, theo vũ trụ luận của người Ấn,
Núi Meru là ngọn núi trung tâm của vũ trụ, và là nơi cư trú của Phạm thiên và
những thần linh khác, và rắn (nāga) là sinh vật bảo vệ ngọn núi này bằng cách
cuốn mình quanh ngọn núi.
Không biết có phải từ nguyên nhân này hay không mà rắn được tôn kính và thờ
phụng như một vị thần ở trong Ấn giáo. Ở trong nhiều ngôi đền của Ấn giáo, người
ta đã thờ phượng rắn như là một vị thần thực thụ. Và tại nhiều ngôi làng ở Ấn,
người ta tôn trí trong nhà những tranh tượng rắn, và thậm chí dâng cúng trứng và
sữa cho những tranh tượng rắn này. Người Ấn giáo cũng có lễ hội về rắn thần,
tưởng niệm ngày sinh của rắn thần và ngày này được gọi là
Nāga Panchami. Rắn cũng trở thành vật gần gủi và thân cận với các vị thần
của Ấn giáo. Ví dụ như Thần Shiva thường quấn một con rắn ở nơi cổ; còn sàng toạ
của Thần Krishna lại là một con rắn.
Rắn
trong Ấn giáo cũng biểu tượng cho sự tự do, bởi vì nó là một sinh vật được cho
là không thể thuần hoá. Nhưng điều này chưa hẳn đã đúng, bởi vì nhiều nơi trên
nước Ấn, các đạo sĩ và ngay cả những thường dân, đã ‘thuần hoá’ được rắn. Họ có
thể sai bảo rắn huýt gió hay điều khiển rắn múa theo điệu kèn hoặc sáo…. Không
rõ là người ta có sử dụng ‘phép thuật’ hay nhưng bí quyết gì để bắt rắn phải
phục tùng theo ý muốn của họ như vậy hay không, nhưng rõ ràng là rắn có thể bị
thuần phục bởi con người. Người Ấn giáo cũng tin rằng rắn (thần) có thể đem đến
tài sản, sức khoẻ, hạnh phúc cho con người, và sẽ giúp con người khi họ gặp phải
những khó khăn trong đời sống. Nhưng dù rắn thần được xem là sinh vật thiêng
liêng, thì sinh vật này vẫn ở dười sự điều khiển của hai vị thần Shiva và
Krishna.
Nơi
cư trú của nāga thường được cho là gắn liền với nước, chẳng hạn như dưới đáy sâu
của đại dương, sông, hồ… Vì đời sống gắn liền nước, nên nāga cũng biểu trưng cho
sự sinh sôi nảy nở. Và cũng vì là sinh vật gắn liền với nước, nên theo huyền
thoại, nāga có thể tạo nên mưa gió.
Tuy
nhiên rắn không phải luôn được coi là một sinh vật hiền thiện ở trong Ấn giáo,
mà đôi khi cũng bị coi là một sinh vật nguy hiểm. Trong Mahabharata, một thánh điển quan trọng
của Ấn giáo, rắn được miêu tả như là một sinh vật hung ác và có khuynh hướng làm
hại kẻ khác. Rắn (nāga) cũng có kẻ thù không đội trời chung của nó, đó chính là
chim Garuda. Cả Nāga và Garuda có cùng cha là Kashyapa, nhưng do vì sự bội bạc
của Kadru, mẹ của Nāga, mà hai sinh vật này trở thành kẻ thù truyền kiếp của
nhau.
Trong Phật giáo, rắn (nāga) xuất hiện khá thường xuyên trong kinh điển. Chúng ta
có lẽ đều biết đến câu chuyện rắn thần Mucalinda (Muchalinda nāga) đã che mưa
bão cho Đức Phật khi Ngài thiền định bên một gốc cây trong những ngày mưa gió.
Chuyện kể rằng, vào tuần thứ sáu sau khi giác ngộ, khi Đức Phật đang thiền định
bên gốc cây Mucalinda thì mưa to ập xuống và kéo dài trong bảy ngày liền. Ngay
khi ấy, một con rắn chúa từ dưới đất bò lên đã che mưa gió cho Ngài bằng cách
cuốn bảy vòng quanh mình Ngài và vươn đầu phòng to ra để che ở phía trên, với
suy nghĩ: không để Đức Thế Tôn bị mưa lạnh. (Xem thêm Udana 2.1, kinh
Mucalinda). Từ câu chuyện này, những người tạc tượng về sau đã tạc hình Đức Phật
ở tư thế ngồi thiền, có một con rắn bảy đầu che ở bên trên. Rắn ở đây như là một
sinh vật khôn ngoan, biết hộ trì những bậc thánh, và cũng có thể được cảm hoá.
Trong
Buddhacarita saṃgraha sūtra, cũng có
kể lại câu chuyện tương tự với câu chuyện trong
Udana, nhưng ở đây có thêm một số tình tiết: sau khi Đức Phật giác ngộ bên
cội Bồ-đề ở Bodhgaya, có một con rắn (nāga) chúa màu đen bò đến đảnh lễ Đức Phật
và sau đó thỉnh Ngài viếng thăm nơi cư trú của mình. Đức Phật chấp nhận lời
thỉnh cầu và trú tại nơi của nāga suốt bảy ngày liền. Sau đó Đức Phật quy y cho
rắn chúa, truyền cho nó Tam quy và Ngũ giới. Và rắn chúa này là sinh vật, không
thuộc loài người, đầu tiên quy y Tam bảo. Sau đó một rắn chúa khác có tên là
Mucilinda viếng thăm Đức Phật và đã che mưa bão cho Ngài trong suốt bảy ngày. Và
sau bảy ngày thiền định của Đức Phật và khi mưa gió chấm dứt, rắn chúa này thỉnh
mời Ngài đến trú xứ của mình và sau đó quy y Tam bảo.
Nhưng trong kinh điển Pāli, qua những ẩn dụ và những trường hợp cụ thể, rắn cũng
cho thấy là một sinh vật có thể gây hại, không hoàn toàn thân thiện và huyền bí.
Hẳn nhiên là với những loài rắn độc, nếu không thêm thắt những màu sắc huyền bí,
chúng có thể tấn công và gây hại cho ta khi ta vô tình dẫm đạp, hay có hành động
tấn công chúng. Kinh Tăng chi có đề cập đến trường hợp một
Tỳ-kheo đã bị rắn cắn chết (Tăng chi bộ IV: 67). Và khi biết được vấn đề này,
Đức Phật nói rằng nếu vị Tỳ-kheo ấy trải lòng từ đến loài rắn, thì đã không bị
con rắn ấy cắn chết. Và lòng từ, theo bài kinh này, là phương cách ngăn chặn các
loài rắn, cũng như những ác thú khác, làm hại.
Trong kinh sách, rắn cũng được đem ra làm ẩn dụ cho việc đọc, hiểu và thực hành
kinh điển. Một người học giáo pháp với mục đích khoái khẩu biện luận, để chỉ
trích người khác, không học pháp với mục đích tu tập cho việc giác ngộ giải
thoát, thì người này được coi là bắt rắn ở lưng hay ở đuôi, có thể bị con rắn đó
quay lại cắn. Tức muốn nói rằng, một người học pháp với mục đích như vậy thì chỉ
tạo thêm khổ đau mà không được ích lợi gì. Còn người học pháp không vì mục đích
khoái khẩu biện luận hay chỉ trích người khác, mà học pháp với mục đích áp dụng
tu tập để đạt đến giác ngộ giải thoát, thì người này được cho là đang bắt rắn
nơi cổ, không bị rắn gây hại (Xem Trung bộ, kinh
Ví dụ con rắn, số 22).
Trong Phật giáo, rắn (nāga) đôi khi được mô tả như là một sinh vật có tâm hộ trì
kinh sách. Theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, kinh Bát-nhã (Prajñāpāramitā) mà Đức Phật
thuyết trên núi Linh Thứu đã được nāga (thường được dịch là rồng, hơn là rắn)
lưu giữ ở dưới Long cung (nāgarāja). Và về sau Bồ-tát Long Thọ (Nāgārjuna) đã
xuống Long cung để mang những kinh sách này lên cho loài người.
Ở
Ấn Độ, một vài nơi chốn linh thiêng đôi khi được cho là nơi có nāga cư ngụ.
Trong Đại Đường Tây Vực Ký, khi nói về Đại học
Nalanda, ngài Huyền Trang cho rằng tại khu vực Đại học Nalanda toạ lạc, trước đó
có một hồ nước và có một con rồng/ rắn (nāga) chúa tên là Nalanda sống, nên ngôi
tự viện được xây dựng ở đây đã được đặt tên theo tên con rồng/ rắn này. Và về
sau, ngôi tự viện này đã trở thành một trung tâm học thuật nỗi tiếng của Phật
giáo đó là Đại học Nalanda.
Xa
hơn nữa, nāga cũng được phân chia thành năm ‘đẳng cấp’ tương ứng với năm đẳng
cấp: Brahmin (tu sĩ), Kshatriya (chiến sĩ), Vaishya (thương nhân), Shudra (lao
động chân tay), và Chandali (thành phần cùng đinh). Tuy nhiên, qua các tài liệu
mà tôi đọc được, đã không thấy đề cập đến những loại rắn nào thì tương ứng với
đẳng cấp Bà-la-môn, và những loài nào thì tương ứng với đẳng cấp Thủ-đà-la…
Trong Tăng chi bộ (IV: 67) ta thấy có đề cập
đến bốn loại rắn chúa, đó là: Virupakkha, Erapatha, Chabyaputta, và Gotamaka. Và
trong Trường bộ, kinh Ðại hội (Maha-samaya Sutta, kinh số 20),
Virupakkha được cho là ‘Chúa tể loài Nāga’, tức là vua của các loài rắn.
Như
vậy, từ những gì được trình bày ở trên, ta thấy hình ảnh của rắn được con người
thể hiện khá sinh động. Rắn vừa là một sinh vật ít nhiều gây cho con người sự sợ
hãi bởi nòng độc của nó, nhưng cũng vừa là một sinh vật gắn liền với những huyền
hoại, và lắm khi được gán cho là sinh vật biết tu luyện. Rắn đôi khi còn được
phong ‘thần’ và trở thần rắn thần, và mỗi khi trở thành ‘thần’ thì hẳn nhiên sẽ
trở thành đối tượng thờ bái của một số người.