Tháng Bảy Việt
Nam đã vào Thu mà ở Mỹ thì tháng Tám vẫn còn mùa Hè; Cali cơm chiều thì Huế điểm
tâm. Khái niệm thời gian và ngày tháng tưởng như là những quy ước khách
quan nhưng thực tế nó co giãn theo con người và hoàn
cảnh. Cũng tương tự như thế, các cuộc chơi mùa Hè như chạy bộ,
leo
núi, bơi thuyền, cắm trại ngoài trời... cuốn hút tuổi trẻ; nhưng tuổi già thì
lắc đầu mệt mỏi.
Bé Na và nhóm bạn độc
thân từ New York qua Pháp ghé làng Mai, về Cali... để học hỏi thêm về tôn giáo ở
các thiền viện và học viện tôn giáo. Năm nào cũng vậy, nhóm trẻ nầy thường dành
ra vài ba tuần “hành hương” để du lịch và tạo hoàn cảnh cho những sinh hoạt tinh
thần với nhau. Căn nhà hơi bị rộng của chúng tôi ở Sacramento thời gian gần đây
trở thành vắng vẻ vì con cháu cuối tuần mới tụ về chơi, nay lại vang vọng tiếng
cười của Bé Na vã lũ
bạn. Cái nhà chỉ là cái nhà, nhưng nó sẽ trở thành cái tổ ấm
hay tổ trống khi có một nếp sinh hoạt động và tĩnh hài hòa.
Người Mỹ về hưu vẫn thường e ngại cái tâm lý cô đơn, có khi hụt hẫng, về cái “tổ
trống” (empty nest) khi con cái trưởng thành đều ra riêng. Tôi
đem ý nghĩ này nói với tụi nhỏ. Andy lên tiếng:
- So, living the
Middle Way is the best!
Bé Na liền dịch ra
tiếng Việt để biểu diễn cái tài... Việt ngữ cho bố già của nó nghe chơi:
- Bởi vậy, “sống giữa
đường” là tốt nhất!
Tôi
bật cười vì nhóm chữ “sống giữa đường” sao nghe ra có vẻ bụi đời và giang hồ
lãng tử quá. Nhưng nếu gọi là “sống đời trung đạo” thì
lại dính mắc vào khái niệm Hán tự nhà Phật nghe ra khó hiểu cho tuổi trẻ và có
vẻ to tát cho tuổi già quá.
Thấy bố già lắc đầu
cười, bé Na được dịp cười theo khoái chí. Nó thì thầm
vào tai bạn Sonya rồi nói cho cả nhóm đều nghe::
- Ba ơi, sư Chanda có
lần giảng cho tụi con nghe về cái “Sống giữa đường” thật là vui và dễ hiểu.
Sư nói rằng, trạng thái “Không” (emptiness) ví như hình ảnh cái đu khi đứng yên.
Khi cái đu nằm yên ở chính giữa là trống không, là đang ở
“Middle Way” (Trung đạo - giữa đường). Nó chẳng tạo ra một sự động đậy để
bị dính hay bị đẩy về phía bên nào cả. Nhưng khi nó nhúc nhích
chút xíu về phía bên phải thì liền sau đó phải nhúc nhích trả lại phía bên trái. Cái đu đưa qua phía trái mạnh chừng nào thì khi đập qua lại phía
phải cũng mạnh như thế. Cái đu cũng như tâm con người ta.
Nó vốn nằm yên lặng.
Nó không nghiêng về bên phải hay bên trái. Cái đu đong đưa vì
có người đẩy, vì loài vật đi ngang đụng vào, vì gió thổi đưa qua đưa lại, vì
nhiều thứ khác nữa đó thôi. Những “conditions” (Duyên) từ đâu kéo tới làm
cho cái đu không còn đứng “vô tư” nữa mà phải chuyển động lúc nhanh, lúc chậm;
khi cao, khi thấp. Cả mùa Hè năm ngoái, sư Chanda tập cho tụi
con “sống giữa đường” thích quá.
Nghe con nói hồn
nhiên, tôi nghĩ thầm rằng, người ta vốn có thất tình lục dục: vui, buồn, thương,
ghét trước mỗi hoàn cảnh mặn, nhạt, chua, cay, ngọt, bùi... mà sống
theo
đường trung đạo là sống làm sao đây. Khoảng thời gian tiếp
theo, tôi không bàn thảo gì thêm mà thường im lặng xem các cháu có “sống
kiểu giữa đường” không.
Sớm họp mặt đầu tiên,
sau khi chúng nó cùng tập Yoga từ 5 giờ sáng trong thư
viện gia đình thì họp nhau ở phòng ăn uống cà phê. Cả nhóm lại
xoay qua đề tài được nói tới thường xuyên là những chuyện về tôn giáo. Nhóm bảy đứa thì đã có 5 tôn giáo khác nhau.
Bé Na và Hạnh Chi: Phật, Thi: Chúa, Sony: Sikh, Hamas: Hindu (Ấn Độ giáo) và
Andy: Judaism (Do Thái giáo). Chúng tôi thích thú nghe tuổi trẻ chúng nó nói về
tôn giáo bằng đầu óc cởi mở, cảm nghĩ thân tình với lòng khao khát đi tìm cái
mới để học hỏi và trân trọng nên không có thái độ khích bác hay kỳ thị tôn giáo
của nhau. Trong các cuộc chuyện trò trao đổi, khi có một đứa
nêu ý kiến về tôn giáo của mình thì cả nhóm chăm chú im lặng lắng nghe.
Khi có “chiếc đu” nào động đậy dấy lên một đề tài dễ dàng đưa tới tranh luận,
tôi lưu ý là những đứa khác trong nhóm bình thản chờ lắng nghe sự giải thích
rạch ròi cho ra lẽ hơn là thắc mắc hay phê phán.
Hỏi
làm sao để tạo ra một “điệu sống trung đạo” trong nhóm với nhau, Sony nói rằng,
nhóm có“3 dos & 3 don’ts” (3 làm và 3 không làm) thật đơn giản. Ba
điều nên làm là: Vui (happiness), An (tranquility), Hòa (harmony). Ba điều tránh là: Ác
(cruel, Dối (lying), Hỗn (rude). Nhờ vậy mà các thành viên
trong nhóm thương mến, vui vẻ và thành thật với nhau.
Tránh phê phán để khỏi bị phê phán. Tránh dối
trá để khỏi bị dối trá. Tránh nói lời hung dữ để khỏi nghe lại lời hung
dữ.
Bé Na kể chuyện:
- Trước khi bay từ
Paris về đây thăm Ba Mẹ, tụi con có tới dự buổi nói chuyện của Dr. Trịnh Xuân
Thuận và thầy Thích Nhất Hạnh ở Xóm Hạ, Làng Mai. Tụi con thích lắm vì bác Thuận
và thầy Nhất Hạnh nói về khoa học và Phật giáo. Lúc đầu tụi con hơi ngại vì sợ
phải nghe đi nghe lại bắt mệt rằng, “Phật giáo rất khoa học” giống như quảng cáo
trên TV vì sợ Phật giáo mê tín dị đoan, không khoa học. Nhưng lần nầy thì khác...
Thấy Bé Na bỏ lửng
câu nói, tôi tiếp lời gợi ý:
- Khác về chuyện chi
con?
Quay qua cô bạn bên
cạnh, Bé Na cầu viện:
- Dạ khác nhiều lắm.
Hey, Hạnh Chi, “dzu” nhớ giỏi, nói cho ba của mình nghe đi!
Hạnh Chi cũng làm
nghề thầy thuốc Tây chữa mắt như Bé Na, nhưng tiếng Việt và sự hiểu biết đạo
Phật giỏi hơn Bé Na vì tới Mỹ ở tuổi trưởng thành và đã từng sinh hoạt trong Gia
Đình Phật Tử và các Đạo tràng Phật giáo Việt Nam.
Hạnh Chi lên tiếng:
- Dạ thưa bác, giáo
sư Thuận là một nhà vật lý học Việt Nam nổi tiếng chắc bác biết rồi. Theo bác
Thuận thì có một nội dung giống nhau giữa Phật giáo và khoa học về nhiều lý
thuyết như:
Tính không hay tính rỗng lặng của Phật giáo giống với Tính Rỗng Không
(vacuity, emptiness) về yếu tính sự vật trong cái nhìn của vật lý bây giờ. Sự vô
thường của Phật giáo không khác tính Không Thường Xuyên, chẳng đều đặn
(impermanence) của khoa học. Nguyên lý duyên khởi hay hợp duyên trong Phật giáo
không khác bà con dính chùm và tùy thuộc vào nhau của mọi hiện tượng vật lý gọi
là “convergence” tức là điểm tụ họp của các điều kiện lại với nhau. Cháu kể lại như vậy có gì sai sót không ạ?
Tôi trả lời:
- Bác có được nghe
giáo sư Trịnh Xuân Thuận thuyết trình đâu mà biết có gì sai sót. Những điều cháu
vừa kể thì mấy năm trước đây đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã có nói tới rồi...
Nhưng với một nhà khoa học có tiếng như bác Thuận chắc có nhiều điều khác hơn.
Trong lúc Hạnh Chi và tôi nói thì Bé Na giải thích cho mấy bạn trong nhóm đang
chăm chú lắng nghe. Anh Việt đề huề. Câu chuyện tiếng Anh bên cốc cà phê sớm lại
xoay qua nói về đấng Vua Trời, đấng Sáng Tạo, đấng Toàn Năng, Thượng Đế. Các tôn
giáo khác đều có một Đấng Khởi Đầu, nhưng riêng đạo Phật thì không.
Andy hỏi một cách e
dè:
- Như vậy Phật giáo
không có một Thượng Đế hay sao?
Sonia góp ý:
- Bạn phải nói là
Thượng Đế – God – nào và Thượng Đế của ai? Đạo Sikh của mình
thì cho “God” là người làm nên tất cả gọi là “Mool Mantar”.
Mool Mantar ở đâu rất xa trên trời mà cũng chính ở ngay trong mình.
Ngài là sự thật, không ghét, không sợ, không màu, không sắc, tự sinh ra và không
bao giờ chết. Còn Thượng Đế của các bạn thì thế nào?
Hamas theo Ấn Độ giáo lên tiếng:
- Thượng Đế trong tôn
giáo Ấn Độ của mình là Brahman. Ngài được xem là “Vua Trời”, là Sự Thật Tuyệt Đối, là đấng Tạo Hóa.
Nhưng cũng có khi Brahman được hình dung như là “Mẹ” với tính bao dung, quán
xuyến mọi việc trong trời đất; và cũng có khi Brahman lại hình dung như “Con”
với sự khởi đầu, hồn nhiên trong sáng ngây thơ.
Đến khi các bạn đều
đã nói đến Thượng Đế trong tôn giáo của mình, Bé Na hỏi:
- Ba ơi! Như vậy thì quả thật là đạo Phật mình không có một Thượng Đế mở đầu
hay sao Ba?
Tôi nghĩ là không thể
trả lời máy móc và đơn giản rằng “có” hay “không”, nên đi vòng
vo
một chút; nhưng phải đơn giản vì tiếng Việt của Bé Na chỉ tạm đủ trong giới hạn
chuyện trò thường ngày.
- Thượng Đế trong các
tôn giáo của các bạn con vừa nói đến, tuy khác nhau về nhiều cái riêng, nhưng
cái chung đều giống nhau. Đó là một đấng Sáng
Tạo ra muôn loài và đó cũng là Sự Thật hoàn toàn. Đạo Phật nói đến sự
sáng tạo ra muôn loài là do vô số điều kiện hợp nhau lại mà thành gọi là Duyên
Khởi và Sự Thật của vạn vật là chẳng có vật nào tự nó đứng riêng lẻ mà thành gọi
là Tánh Không. Nếu không đứng riêng mà dùng chung các danh từ với các tôn giáo
khác thì chúng ta có thể nói rằng, Tánh Không và Duyên Khởi chính là chân dung
về một “Thượng Đế” của Phật giáo vì đó là Sự Thật tạo tác ra mọi sự của vũ trụ
nầy gọi là vạn pháp.
Sau
khi trao đổi bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh thì cả nhóm có vẻ trầm lặng hơn.
Andy đưa ra ý kiến:
- Có lẽ tên gọi và
cách tưởng tượng, mô tả khác nhau nhưng tất cả đều trở về với cái “Oneness” (một
thể chung nhất). Đó là Sự Thật của một Thể Tính Rỗng
Lặng chung cho vạn vật.
Hạnh Chi liên tưởng
tới cuộc đàm luận của Giáo sư và Thiền sư, lên tiếng:
- Theo Hạnh Chi thấy
thì Phật giáo và Khoa học gần nhau nhưng lại khác nhau như hai đàng trong một
cuộc chơi Cút – Tìm (Hide and Seek). Theo tinh thần Phật giáo thì Sự Hiểu Biết
do kiến thức hay vốn hiểu biết sách vở là một chướng ngại trên đường đi tìm trí
tuệ giác ngộ. Tất cả những điều nhân loại đã biết đều như cái xác đã bị đóng nắp
nằm trong quan tài với tiểu sử do người khác viết lại và đọc lên.
Muốn biết một người khác ngoài quan tài, mình phải tự mắt mình nhìn thấy.
Nhất định không giữ hình ảnh một người nào khác để so sánh.
Cần phải tìm một trạng thái “trống không”; giữ cho đầu óc trong veo như trẻ thơ
và đừng để cho trí óc dựa vào đâu cả mới mong có được đường vào trí tuệ, đưa tới
giác ngộ. Trong lúc khoa học lại đòi hỏi cần phải sử dụng lý trí và sự
hiểu biết đã có sẵn để tìm hiểu và khám phá thế giới và vũ trụ
chung quanh mình.
Bé Na với đầu óc ham
vui, lau chau đưa ra sự ví von, minh họa cho những điều Hạnh Chi vừa nói:
- Nè, Hạnh Chi, mình
đồng ý với bạn về cái chuyện đem kiểu chơi Cút – Tìm để nói ví dụ về đạo Phật và
Khoa học. Người tu đạo Phật giống với người “cút” trong cuộc
chơi Cút – Tìm. Chỉ khi nào núp ở đâu kín mít, không hé cho thấy, không
nói gì, không động đậy, xí xoá hết chính mình mà vẫn biết rõ mình đang đứng giữa
cuộc chơi thì đó là lúc đứa làm “con” đang thắng và đang “thấy” mọi cái đang
diễn ra xung quanh mình. Còn đứa làm “cái” thì phải dùng đủ
mọi cách để tìm cho ra “con” đang núp kín đâu đó thì mới thắng. Hì... hì!
Thiền sư là “phía đi cút”; phải trốn cho thật hay, xa lánh mọi sự dính mắc để
không ai tìm ra được.
Giáo sư khoa học tài giỏi là “phía đi tìm”; phải tìm cho thật
hay để kiếm cho ra người ẩn núp.
Hạnh Chi vỗ
tay:
- Ơ
mình nhớ ra rồi. Hôm ở Làng Mai, thầy Trịnh Xuân Thuận đã hỏi thầy Nhất
Hạnh rằng phía đạo Phật thì cho sự hiểu biết gây ra chướng ngại vì nó thường làm
cho người ta đeo cứng vào sách vở kiến thức nên không thực hành, chẳng đưa chính
cái tâm mình đến trực tiếp với Đạo. Trong lúc khoa học thì phải dựa trên những hiểu biết đã tìm ra để đi
tìm cái mới.
Cả
nhóm nhao nhao. Bé Na thắc mắc:
- Ồ đúng đó! Mình
cũng có nghe thầy Nhất Hạnh trả lời về hai phía là “ultimate truth” và “ordinary
truth” mà gọi bằng tiếng Việt là “đế... đế” gì đó.
Nghe con bé cà lăm,
bố già nó nhắc khéo:
- Có phải là “chân
đế” và “tục đế” không?
Con bé như mở cờ
trong bụng:
- Dạ, phải đó.
Vậy chân đế, tục đế ấy là gì hở ba?
-
“Đế” là cái gốc, cái nền của sự thật.
Chân đế (ultimate truth) là sự thật chân chính, rốt ráo tận
cùng và chỉ có những bậc thánh đã mở được hết mọi cánh cửa của trí tuệ mới thấy
được. Trong lúc tục đế (ordinary truth) là sự thật thường tình hiện ra
trước mắt mà người trần mắt thịt như chúng ta ai cũng thấy được.
Vì ai cũng có khả năng thành Phật nên ai cũng có thể vén được cánh cửa che chắn
sau cùng để tự mình thấy được sự thật chân chính đó.
- Như thế thì sự nhìn
thấy của khoa học và sự nhìn thấy của Phật và các ông thánh
khác
nhau ở chỗ nào. Như ngày xưa Phật nói trong một chén nước đã
có nhiều vạn sinh trùng và trời đất có nhiều nghìn thế giới ... thì ngày nay
khoa học cũng chứng minh như thế.
Vậy thì những con sinh trùng trong chén nước theo cái “thấy” của Phật có giống với những con vi trùng thấy
bởi các ông khoa học không?
- Ha, ha. Ba chịu
không trả lời được vì ba có “chứng ngộ” hay làm “ông khoa học” đâu mà biết để so
sánh và kể lại cho các con nghe.
Hạnh Chi... giải vây:
- Khoa học và Phật
giáo có thể có những điểm “hội tụ” chỉ ở trong phạm vi hiện tượng, nằm trong
giới hạn thuộc về thế giới phàm tục mà mình đang sống. Nhưng
khi bước qua hay bước lên cái khung khác của thánh đế, hay chân đế thì khoa học
ở lại với thế giới hình tướng nầy; tiếp tục đưa ra những giả thuyết để tìm kiếm
và chứng minh. Sự trống không, tính chất vô thường định và lý thuyết tụ
hội gọi là Symbolic Convergence
Theory (SCT) trong ngành Vật lý hiện đại mới nghe qua rất giống với Lý
Duyên Khởi, nhưng cũng chỉ mới ở mức độ thế giới vật chất tương đối nầy mà thôi.
Trong lúc đó, đạo Phật tiếp tục tiến tới một chốn tuyệt đối khác mà các bậc
thánh giác ngộ đã thấy và biết được. Đến đây mỗi bên
đều có một vũ trụ riêng.
Tôn giáo là một chân trời mở rộng của lòng tin và cảm nhận.
Thật là tuyệt vời vì cái nhìn của Phật lý có nhiều điểm tương đồng với lý thuyết
khoa học. Nhưng nếu cứ đeo mang khoa học vào tôn giáo – hay ngược lại –
thì đâu khác gì là cột cục đá nặng vào chân con vịt trời đang bay qua núi xanh
và mây trắng thì tội cho nó quá. Hì... hì. Con nghĩ chi nói nấy, bác đừng la con nghe.
-
“Nó” là ai vậy? Tôi hỏi đùa con bé.
Cháu trả lời ngay:
- Dạ, cả khoa học và
con vịt trời nữa ạ!
Tôi
cảm thấy vui vui vì sự thẳng thắn và tươi tắn nhẹ nhàng; nhưng cũng đầy suy tư
độc lập của tuổi trẻ.
Đạo Phật đang mạnh mẽ đi vào thế giới phương Tây và thu
hút tuổi trẻ trí thức cũng do tính chất sinh động đó.
Nếp
sống tinh thần và tâm linh thông thoáng, linh hoạt biến ảo như mây khói.
Nếu đủ duyên lành gần với “điệu sống giữa đường” theo
tinh thần tuổi trẻ như thế thì dẫu những cánh cửa định kiến, cực đoan và vọng
động có cài khóa lâu năm chầy tháng tới đâu cũng sẽ thành Cửa Không.
Khi cửa thiền là cửa không thì tâm mình là trung đạo.
Điệu sống giữa đường từ đó mà sinh ra.
Sacramento,
tháng Tám Trung Thu 2012
Trần Kiêm Đoàn