Nhân Phật giáo khởi động hoạt động giáo dục xã hội: nhìn rộng ra các tôn giáo khác

Minh Thạnh

Chúng tôi bắt đầu thực hiện mục tiêu như tựa đề bài viết nêu ra với đạo Thiên Chúa La Mã, qua việc điểm một quyển sách mới vừa xuất bản gần đây, đó là quyển “Một số vấn đề cơ bản của công giáo ở Việt Nam hiện nay”, tác giả Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, do Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa xuất bản.

Quyển sách đề cập đến nhiều vấn đề của đạo Thiên chúa La Mã tại Việt Nam, nhưng từ mục tiêu nhìn rộng ra hoạt động giáo dục xã hội của tôn giáo khác, nhân việc Phật giáo khởi động hoạt động giáo dục, chúng ta sẽ chỉ chú trọng đến nội dung liên hệ đến hoạt động giáo dục xã hội.

Còn việc Phật giáo Việt Nam khởi động giáo dục xã hội là nói đến việc Phật giáo triển khai một số trường lớp mầm non, lớp tình thương, và nhất là gần đây, Trường Tư thục Trung tiểu học phổ thông Bồ Đề Phương Duy tại Long An.

Việc có thể coi là so sánh dưới đây sẽ giúp cho Phật giáo Việt Nam chúng ta thấy được bức tranh chung của giáo dục xã hội do tôn giáo tiến hành, cũng như thấy Phật giáo Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong lãnh vực này như thế nào.

Theo tác giả Nguyễn Hồng Dương, đạo Thiên chúa La Mã tại Việt Nam đã sớm quan tâm đến hoạt động giáo dục xã hội.

Mọi việc đã được chuẩn bị từ sau khi đất nước đổi mới và chính thức khởi động vào đầu thập niên 1990. Trang 137 sách “Một số vấn đề cơ bản của Công giáo ở Việt Nam hiện nay” cho biết:

“Trước tình hình một số dòng tu nữ “bung ra” hoạt động giữ trẻ, mẫu giáo, ngày 16/9/1990, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy phép hoạt động cho 07 điểm giữ trẻ thuộc các dòng tu nữ, đó là: Mến Thánh giá Thủ Thiêm, Mến Thánh giá Tân Việt, Phaolo, Bác Ái Vinh Sơn (Bình Thạnh và Quận 3), Đức Bà Truyền giáo (Thủ Đức) và Nazareth (Phú Nhuận). Tài liệu thống kê từ phía Giáo hội Công giáo, tính đến thời điểm 2003, 25 giáo phận Công giáo có 799 nhà trẻ, mẫu giáo, nhiều nhất là thành phố Hồ Chí Minh: 167, tiếp theo là Xuân Lộc: 93, Huế: 85. Hoạt động văn hóa – xã hội, từ thiện của của các tôn giáo nói chung của Công giáo (trong đó có các dòng tu) nói riêng nằm trong chính sách xã hội của Nhà nước Việt Nam. Chính sách này hướng tới hai mục tiêu: một là, phát huy tiềm năng, trí tuệ vật chất trong các tôn giáo, huy động chức sắc, tín đồ chăm lo sự nghiệp văn hóa – xã hội, từ thiện; hai là, xã hội, đặc biệt là những người nghèo được hưởng thành quả từ những hoạt động này.”

Bên cạnh những con số thông tin có tính chất tổng quát, sơ lược như trên, sách “Một số vấn đề cơ bản của Công giáo ở Việt Nam hiện nay” còn có một bảng thống kê số liệu cơ bản của Giáo hội công giáo Việt Nam tính đến thời điểm 6/2012. Bảng gồm nhiều nội dung, nhưng ở đây chỉ xin trích phần thông tin cơ  sở từ thiện giáo dục (được gộp chung làm một cột vì phía Thiên Chúa La Mã xem giáo dục trước hết là hoạt động từ thiện).

Dưới đây là bảng trích

Số TT

Giáo phận

Cơ sở từ thiện giáo dục

I

Tổng Giáo phận Hà Nội

 

1

Hà Nội: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định (1/2 thành phố, Mỹ Lộc, Vụ Bản, Hải Hưng)

35

2

Lạng Sơn: Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng

 

3

Hải Phòng: Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên (một phần)

6

4

Bắc Ninh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tp Hà Nội (3 quận, huyện) và một số huyện thuộc các tỉnh Lạng San, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương

49

5

Hưng Hóa: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang

5

6

Bùi Chu: Nam Định (Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Khu vực xứ Khoái Đồng Tp Nam Định)

57

7

Thái Bình: Thái Bình, Hưng Yên (một phần)

 

8

Phát Diệm: Ninh Bình, và một phần tỉnh Hòa Bình

3

9

Thanh Hóa: Thanh Hóa

2

10

Vinh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình

40

II

Tổng Giáo phận Huế

 

1

Huế: Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị

83

2

Đà Nẵng: Đà Nẵng, Quảng Nam

29

3

Quy Nhơn: Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi

 

4

Kon Tum: Kon Tum, Gia Lai

27

5

Nha Trang: Khánh Hòa, Ninh Thuận

 

6

Ban Mê Thuột: Đắk Lak, Bình Phước

64

III

Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh

 

1

Tp. Hồ Chí Minh: TP. Hồ Chí Minh

249

2

Vĩnh Long: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp (Sa Đéc)

 

56

3

Cần Thơ: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau

47

4

Mỹ Tho: Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp

19

5

Đà Lạt: Lâm Đồng

81

6

Long Xuyên: An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ (Thốt Nốt)

21

7

Phú Cường: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Tp. Hồ Chí Minh (Củ Chi)

27

8

Xuân Lộc: Đồng Nai, Bình Dương (huyện Dĩ An)

3

9

Phan Thiết: Bình Thuận

78

10

Bà Rịa: Bà Rịa – Vũng Tàu

 

 

Cộng

981

Nguồn: Vụ Công tác tôn giáo, Ban Dân vận Trung ương

Sách “Một số vấn đề cơ bản của Công giáo ở Việt Nam hiện nay  cũng nêu một vài trường hợp cụ thể, thí dụ hoạt động giáo dục xã hội của tu hội Bác Ái Vinh Sơn (trang 95): “Tính đến thời điểm 2003, tu hội nữ tu Bác Ái Vinh Sơn (42 Tú Xương, P.7, Q.3, thành phố Hồ Chí Minh, có tất cả 7 lớp tình thương: lớp tình thương Vinh Sơn Bình Lợi (469 Nơ Trang Long, P13, Q. Bình Thạnh); lớp tình thương Vinh Sơn Huyện Sĩ (01 Tôn Thất Tùng, P. Phạm Ngũ Lão, Q.1); lớp tình thương Vinh Sơn Vĩnh Hội (158 Bến Văn Đồn, P.6, Q.4); lớp tình thương Mẫu giáo Fatima (212B/A Nguyễn Trãi, P. Nguyễn Cư Trinh, Q1); lớp tình thương Cầu Kho (31/16c Trần Đình Xu, P. Cầu Kho, Q.1); lớp tình thương Mẫu giáo Mai Anh B (159/61 Trần Văn Đang, P.11, Q.3); lớp tình thương Vinh Sơn, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (số 1, Công xã Paris, P. Bến Nghé, Q1)).

Trong 7 lớp tình thương có 6 lớp miễn học phí. Các lớp đều có khả năng tiếp nhận từ trên 100 em đến học. Các lớp tình thương đều do các nữ đại diện.”

Hoặc trường hợp dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn (trang 92): “Đến thời điểm năm 2003, dòng Mến Thánh giá Quy Nhơn cải tổ mở 15 trường mẫu giáo, 9 nhà trẻ, 5 lớp tình thương và kí túc xá.

Để có đủ điều kiện chuyên môn, các dòng tu đã cử người đi đào tạo tại các trường của Nhà nước.

Có thể nói, hầu hết các dòng tu nữ đều tham gia giữ trẻ, dạy mẫu giáo, mở lớp tình thương. Một số dòng tu nam cũng tham gia mở lớp học tình thương, nuôi trẻ em nghèo bán trú, cấp học bổng cho học sinh nghèo như dòng Don Bosco.

Hoạt động giữ trẻ và dạy mẫu giáo của các dòng nữ tu trước hết góp phần giải quyết công việc làm cho các nữ tu nhờ số tiền thu học phí và tiền từ thiện của những nhà tài trợ. Việc các nữ tu tham gia giữ trẻ, dạy mẫu giáo góp một phần nhỏ xã hội hóa ngành giáo dục.”

Hoặc trường hợp dòng Don Bosco: “Ổn định và phát triển không chỉ biểu hiện ở dòng nữ mà còn ở dòng nam. Xin được lấy dòng Don Bosco làm ví dụ. Năm 2002, dòng kỉ niệm 50 năm hiện diện ở Việt Nam với sự trưởng thành về nhiều mặt trong đó có vấn đề nhân sự. Với đường hướng hoạt động như mở trường dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho thanh niên, hỗ trợ học bổng cho các em yên tâm học hành. Ngoài việc chăm lo đời sống vật chất, dòng còn phụ giúp công tác mục vụ ở 17 giáo xứ và giáo điểm tại các giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, Xuân Lộc, Đà Lạt. 50 năm qua, từ con số vài người ban đầu, hiện nay dòng đã có hơn 200 thành viên tại 11 cộng đoàn, trong đó có 68 linh mục và 33 sư huynh”.

Đại hội XI Hội đồng Giám mục Việt Nam họp 4-8/10/2010 đã thành lập “Ủy ban Giáo dục Công giáo” (trang 30 sách đã dẫn).

Sách ““Một số vấn đề cơ bản của Công giáo ở Việt Nam hiện nay” cũng cho thấy giáo dục là 1 trong 3 lãnh vực quan tâm hàng đầu của Đạo Thiên Chúa La Mã tại Việt Nam qua việc dẫn lại đề nghị của Giáo hoàng Bênêdicto XVI với Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết ngày 11/12/2009.

Theo đó, Giáo hoàng “đề nghị Nhà nước Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Giáo hội Công giáo Việt Nam được tham gia đóng góp vào các hoạt động từ thiện, y tế và giáo dục” (trang 257, sách đã dẫn).

Như vậy, qua sách “Một số vấn đề cơ bản của Công giáo ở Việt Nam hiện nay”, tác giả Nguyễn Hồng Dương đã cho chúng ta thấy sự đầu tư mạnh mẽ của đạo Thiên chúa La Mã ở Việt Nam vào hoạt động giáo dục xã hội cũng như những kết quả đã có được. Từ đó, chúng ta có cơ sở để so sánh với hoạt động của Phật giáo Việt Nam chúng ta trong cùng lãnh vực. Điều rõ ràng là tuy Phật giáo chúng ta có một số thuận lợi, chẳng hạn như đã thành lập được trường trung tiểu học, nhưng thành quả đó có tính cá biệt, không đi kịp với tình hình chung. Phật giáo Việt Nam vẫn có một khoảng cách khá lớn so với những gì mà Thiên Chúa giáo La Mã đã làm được trong lãnh vực giáo dục xã hội những năm gần đây. Phật giáo Việt Nam chúng ta phải ý thức điều đó để nỗ lực nhiều hơn nữa.

MT

Chia sẻ: facebooktwittergoogle