Quy Y Tam Bảo

quy y tam bao

Đạo Sinh

Cuộc sống đích thực của người Phật tử bắt đầu với việc quy y Tam Bảo. Vào thời đức Phật, ý nghĩa quy y được trình bày qua ba phát biểu sau:

Buddha śaraa gacchāmi.

Dharma śaraa gacchāmi.

Sagha śaraa gacchāmi.

Gacchāmi là động từ chia ở ngôi thứ nhất số ít thì hiện tại, có nghĩa tôi đang đi; Buddha là danh từ dùng ở đối cách, bổ túc cho động từ gacchāmi, có nghĩa là đến Phật; śaraa là từ đồng cách với Buddha, có nghĩa đến nơi trú ngụ. Hai câu còn lại có cùng cấu trúc trên vì thế cả ba câu có thể dịch sát là “Phật, nơi trú ngụ, tôi đang đi đến”; “Pháp, nơi trú ngụ, tôi đang đi đến”; “Tăng, nơi trú ngụ, tôi đang đi đến.”

Sau thời đức Phật, mặc dù Ngài không còn tại thế, giáo pháp không còn được chính Ngài tuyên thuyết bằng thanh ngữ và Tăng-già không còn được Ngài trực tiếp dẫn dắt, nhưng nghi thức quy y dành cho Phật tử vẫn được duy trì cho đến ngày nay; tất nhiên là duy trì với nội hàm được triển khai theo chiều hướng phát triển chung của tất cả các hoạt động khác của Phật giáo. Nói rõ hơn, ý nghĩa quy y đã được mở ra trên một bình diện phổ quát hơn, mang nhiều tính biểu tượng và siêu hình. Trong đó, Phật không còn chỉ cho một đức Phật Thích-ca bằng xương bằng thịt để chúng ta có thể tận mắt nhìn thấy mà đã trở thành biểu tượng cho sự giác ngộ viên mãn; Pháp không còn chỉ cho những lời lẽ trực tiếp từ chính đức Phật để chúng ta có thể tận tai nghe thấy mà trở thành biểu tượng cho những phương tiện giải thoát thù thắng cấu thành toàn bộ lộ trình tu chứng; và Tăng không còn chỉ cho các bậc Thanh văn như Kiều-trần-như, Xá-lợi-phất mà đã trở thành biểu tượng cho một nhân cách thanh tịnh trong quá trình áp dụng các phương tiện thù thắng để thành tựu giác ngộ giải thoát. Rõ ràng là chúng ta ngày nay, trong khi phát nguyện quy y, sẽ không còn nhận được nhiều sự hỗ trợ trực tiếp từ tha lực như các Phật tử Nguyên thủy; tuy nhiên, nếu biết áp dụng khéo léo các chỉ dẫn của Tăng-già thì hành động quy y vẫn có những tác dụng nhất định đối với thân tâm chúng ta trong suốt tiến trình tu học.

Các phẩm tính giác ngộ, giải thoát, thanh tịnh được biểu thị qua Phật-Pháp-Tăng không phải là những gì chúng ta mất công tìm kiếm ở bên ngoài. Đạo Phật không chủ trương có sẵn một quả vị hay một năng lực bí nhiệm nào đó đang chờ đợi chúng ta trong một không gian và thời gian nào đó. Trái lại, tất cả đều tùy thuộc vào tâm thức chúng ta. Đây là nền tảng cho sự khẳng định của đức Phật về khả năng thành Phật của mỗi người chúng ta, và cũng là kinh nghiệm thực chứng của tất cả A-la-hán và Bồ Tát trong suốt hành trình dẫn đến giải thoát.

Tuy nhiên, nếu tất cả các phẩm tính nói trên đều có đủ trong mỗi người chúng ta, tại sao chúng ta không được giải thoát mà vẫn phải trôi dạt trong dòng luân hồi sinh tử? Đây là câu hỏi then chốt và có ý nghĩa vô cùng đối với Phật tử chúng ta. Quả thật tất cả ba phẩm tính nói trên đều có công năng đoạn tận vô minh, chặt đứt các chướng ngại gây ra bởi phiền não và tri kiến nhị nguyên, và giúp chúng ta siêu việt thân phận phàm phu để nhập vào hàng thánh giả; nhưng chừng nào chúng ta chưa khơi dậy được tiềm lực của chúng thì chúng vẫn chỉ là những khả tính. Điều này cho thấy ý nghĩa hệ trọng của việc quy y Tam Bảo đối với đời sống của bất kỳ Phật tử nào. Giống như gã “cùng tử” có viên ngọc quý trong người nhưng vì ngu muội nên phải chịu đói khổ ngày này qua ngày khác; chúng ta cũng có đủ các năng lực tiềm tàng có thể giúp chúng ta thoát khỏi khổ đau của luân hồi sinh tử nhưng chúng ta không hề biết để tận dụng chúng. Trong ý nghĩa này, quy y Tam Bảo là cơ hội khơi dậy ý thức vốn mê muội của chúng ta về ba kho báu mà chúng ta đang gìn giữ; đồng thời vạch ra cho chúng ta một hướng đi mới trong cuộc sống, hướng đi có thể dẫn đến một đời sống thật sự an lạc và hạnh phúc.

Gacchāmi không phải là quay về mà là đi đến, là lên đường, là tiến về phía trước. Hành động này nói lên tính cách kiên quyết, tự tin, dũng mãnh, sẵn sàng vượt qua mọi chướng ngại để nỗ lực không ngừng cho đến khi tới đích. Và śaraa không phải là nương tựa mà là nơi ở, nơi trú ngụ. Trong lúc sự nương tựa gợi lên trong chúng ta hình ảnh của sự bạc nhược, yếu đuối, của sự ỷ lại, mong chờ, thì trú ngụ lại chứa đựng ý nghĩa của sự thể nhập, sự đồng nhất bất khả phân. Đức Phật dạy chúng ta hãy tự thắp đuốc lên mà đi chứ không dạy chúng ta quay lui và cũng không ban cho chúng ta ngọn đuốc nào cả. Tất cả chúng ta đều có sẵn.

Một khi đã khơi dậy được ý thức rõ ràng và niềm tin xác quyết về ba phẩm tính cao quý đang hiện hữu trong chính mình từ vô thủy thì đó cũng là lúc chúng ta xóa tan ảo tưởng về sự phân ly cố hữu giữa chúng ta và Phật-Pháp-Tăng. Có thể nói rằng vào giây phút chúng ta phát thệ quy y Tam Bảo thì đó cũng là lúc tâm thức chúng ta đã xuất gia cho dù chúng ta vẫn mang trên mình thân tướng phàm phu. Phát nguyện đi đến an trú trong ánh sáng của giác ngộ, của giải thoát, của thanh tịnh đồng nghĩa với quyết định từ bỏ ngôi nhà của vô minh, của trói buộc, của nhiễm ô đã giam hãm tâm thức chúng ta trong nhiều đời nhiều kiếp.

Đến đây chúng ta có thể hiểu được tại sao hành động quy y lại cần thiết như thế đối với Phật tử. Những người không hiểu được ý nghĩa và giá trị của việc làm này có thể cho rằng đó chỉ là một hành động thuần tính chất tôn giáo và tín ngưỡng, vì thế họ có thể nghĩ rằng quy y cũng giống như việc xin “rửa tội” hay “tuyên thệ” để chính thức trở thành thành viên của một tổ chức tôn giáo hay chính trị nào đó. Chính vì hiểu lầm như thế, không ít người trong chúng ta đã mắc phải hai loại mặc cảm lớn liên quan đến sự kiện quan trọng này.

Có người dù có thiện duyên sinh ra trong một gia đình có truyền thống Phật giáo nhưng không bao giờ dám nghĩ đến việc quy y. Những lý do thường được đưa ra để biện minh cho thái độ ngần ngại này là họ cảm thấy còn nhiều tội lỗi hoặc chưa đủ điều kiện để giữ giới sau khi quy y. Có người rất mạnh dạn trong việc quy y; nhưng sau khi quy y lại có ảo tưởng rằng mình sẽ gặp rất nhiều may mắn, lợi lạc trong đời sống vì đang được Pháp-Pháp-Tăng phù hộ độ trì, đang được chia sẻ ân đức của Phật-Pháp-Tăng, đang trở nên thanh tịnh giải thoát hơn vì đã đứng được trong hàng ngũ của những bậc thanh tịnh, giải thoát. Những ảo tưởng như thế dễ khiến họ sinh tâm ngã mạn, khinh thị những người không phải Phật tử, hoặc ngay cả những Phật tử chưa có điều kiện quy y hoặc đã quy y nhưng việc quy y không được tổ chức theo một nghi lễ hoành tráng, nơi một đạo trường trang nghiêm lộng lẫy, với sự chứng minh của những vị Tăng nổi tiếng.

Hai loại mặc cảm như thế đều có những tác hại lớn lao đối với Phật tử chúng ta. Mặc cảm tự ti khiến chúng ta bỏ lỡ cơ hội cải thiện đời sống của chính mình; và mặc cảm tự tôn khiến chúng ta dừng lại trên con đường phát triển mới mà lẽ ra chúng ta phải nỗ lực không ngừng để tiếp tục đi đến đích. Nếu gạt qua một bên tất cả các hình thức mang tính tôn giáo tín ngưỡng được hình thành trong quá trình phát triển thì tự thân đạo Phật là một lối sống đã và đang đem lại sự an lạc và hiểu biết cao nhất cho những người đi theo nó. Như trên đã nói, quy y là điểm khởi đầu của một lối sống như thế. Và để đạt được an lạc và hạnh phúc thật sự thì chúng ta phải nỗ lực vượt qua hai chướng ngại chính là những phiền não và những hiểu biết lệch lạc của chính chúng ta. Để đạt được điều này, chúng ta không thể làm một mình mà phải có sự hỗ trợ của Tăng-già. Có thể nói rằng nếu không có sự hướng dẫn trực tiếp của Tăng-già, Phật tử chúng ta sẽ không bao giờ có thể bước đi trên con đường này. Đây là điều không ít chúng ta vẫn đang còn nhiều ngộ nhận tai hại. Khi nói đạo Phật là một lối sống, có nghĩa rằng nó được lập thành không phải bằng kiến thức, bằng lý thuyết suông mà bằng kinh nghiệm thực chứng của những người đang thể hiện lối sống đó. Những kiến thức Phật học, cho dù có quảng bác đến đâu, cũng chỉ là những mô tả về kinh nghiệm chứ không phải tự thân kinh nghiệm. Tác dụng lớn nhất của chúng chỉ có thể giúp hình thành trong chúng ta những ý tưởng, những khái niệm về con đường chúng ta đang đi, chứ không phải là những kinh nghiệm của tự thân chúng ta trên con đường đó. Vì thế việc tìm ra một hay những người thầy có kinh nghiệm để hướng dẫn chúng ta đi trên con đường này là vấn đề sinh tử của chúng ta. Nói một cách dễ hiểu hơn, chúng ta chỉ có thể hy vọng đạt đến quả vị A-la-hán khi người thầy của chúng ta có những kinh nghiệm tâm linh ngang với kinh nghiệm của ngài Xá-lợi-phất. Và chúng ta sẽ phải mãi mãi ở vào vị trí của phàm phu hoặc thấp hơn nếu thầy của chúng ta là một Danh-tự-bí-sô.

Đến đây có lẽ chúng ta đã thấy được một nghịch lý bi đát cho những người mang mặc cảm tự ti đối với việc quy y Tam Bảo. Trường hợp này giống hệt như có người nào đó phát biểu rằng “tôi chỉ dám uống nước khi nào tôi cảm thấy mình đã hết khát.” Thật ra, nếu chúng ta thành tâm mong muốn cải thiện đời sống của mình theo chiều hướng đi lên trong Phật pháp, thì ngay cả khi chưa quy y chúng ta vẫn có rất nhiều cơ hội tiếp cận và kinh nghiệm được một số điểm Phật pháp căn bản để điều chỉnh những cái nhìn lệch lạc của chúng ta; và từ đó có thể tự mình tránh được những mặc cảm nói trên.

Dưới cái nhìn của Phật giáo, (1) tất cả các trạng thái, các hoạt động tâm lý của một con người luôn luôn sinh khởi có điều kiệnluôn luôn biến đổi. Nói sinh khởi có điều kiện là vì không phải một “cái tôi” nào đó trong con người chúng ta muốn sinh ra chúng, mà vì chúng sinh khởi từ những điều kiện cần và đủ cho sự sinh khởi của chúng. Nói một cách dễ hiểu hơn, không phải "chúng ta cảm thấy thoải mái", mà sự thật là một cảm giác thoải mái đang hình thành trong chúng ta từ một số điều kiện nào đó. Chẳng hạn như trời không quá nóng hoặc quá lạnh, bầu không khí nơi chúng ta ngồi rất yên tĩnh, tư thế ngồi của chúng ta không bị vật gì chèn ép, ý tưởng về những công việc chúng ta cần phải làm không xuất hiện trong đầu chúng ta, sự nhìn thấy một món đồ ăn hoặc đồ uống chúng ta thích đang nằm sẵn trên bàn, v.v... Tuy nhiên cảm giác thoải mái đó chỉ xuất hiện trong thoáng chốc rồi biến mất để nhường chỗ cho một cảm giác khác bởi vì các điều kiện hình thành cảm giác đó cũng luôn luôn biến đổi. Nhưng nếu cảm giác sau đó có những tính chất tương tợ như cảm giác trước đó, chúng lại giúp phát sinh trong đầu chúng ta một ảo tưởng rằng đó là một cảm giác duy nhất không thay đổi và chúng ta đang tận hưởng sự thoải mái trong một thời gian dài. Sự sinh khởi và biến mất của các cảm xúc khác, cũng như của các ý tưởng, ước muốn, sự nhận biết trong chúng ta đều xảy ra theo cách như thế, đúng như định luật vô ngã và vô thường. (2) Tất cả các trạng thái, các hoạt động tâm lý một khi đã vận hành đều để lại một cái gì đó trong tâm thức chúng ta. Duy Thức tông gọi cái đó là hạt giống (bīja), tức những lực tiềm ẩn vừa là quả được hình thành từ sự hiện hành của các trạng thái tâm đã qua, vừa là nhân chính sinh khởi các trạng thái tâm sau đó. Điều này tương đối dễ hiểu đối với chúng ta; bởi vì nếu không có những hạt giống như thế, chúng ta sẽ không thể nào nhớ lại chuyện quá khứ, hoặc mọi thứ sẽ chấm dứt theo cái chết của chúng ta, sẽ chẳng có nghiệp lực, quả báo, luân hồi, tái sinh các thứ. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là trong tâm chúng ta luôn tiềm ẩn đủ loại mầm mống cho sự sinh khởi các trạng thái tâm khác nhau, cho dù là thiện hay bất thiện, tích cực hay tiêu cực. (3) Giá trị đích thực của bất kỳ hiện tượng nào, dù là Phật pháp hay thế pháp, cũng phải được tìm thấy, không phải trên danh tướng, mà trên chính ý nghĩa và nội dung của nó. Một lời nói hay một hành động, cho dù có phù hợp với các giá trị quy ước của thế tục đến thế nào đi nữa nhưng nếu xuất phát từ một ý định bất thiện, vẫn là một nghiệp ác cần phải từ bỏ. Tất cả các quả vị, các thành tựu được nói đến trong Phật giáo không được xem như các học hàm, học vị, địa vị, chức tước, danh phận, có thể đạt đến bằng kiến thức hay công trạng được công nhận bởi đám đông, mà chỉ là những tên gọi nhằm chỉ cho các mức độ khác nhau trong quá trình triệt tiêu các năng lực tiêu cực đang duy trì vòng quay của sinh tử và phát triển các năng lực tích cực dẫn đến giác ngộ giải thoát trong tâm thức của một Phật tử. Trong Phật giáo, những cái nhìn xuyên suốt sự vận hành nội tại của bất kỳ hiện tượng nào đang diễn ra trong thân tâm chúng ta cũng như thế giới chung quanh được gọi là những cái nhìn đúng vì tự thân chúng chính là sự hiển hiện như thực lý duyên khởi của tất cả các pháp. Trong khi Sankhara, một triết gia lỗi lạc của Ấn giáo vào thế kỷ thứ 9, cho rằng sợi dây phải được nhìn thấy như sợi dây, thay vì là một con rắn, mới được gọi là cái thấy biết đúng như thật, thì Phật giáo không dừng lại ở đó. Cái được gọi là sợi dây là một tồn tại được cấu thành bởi các điều kiện. Nếu chúng ta có thể nhìn xuyên suốt được sợi dây thì chúng ta có thể nhận ra rằng không có điều kiện cấu thành nào của nó có đủ các yếu tố để có thể gọi đó là sợi dây như chúng ta tưởng. Một tập hợp mà tất cả các yếu tố tạo thành nó đã không thể gọi là sợi dây thì dựa vào đâu để có thể gọi tập hợp đó là sợi dây, nếu không phải đó chỉ là một ảo tưởng của chúng ta.

Với một vài kiến thức sơ đẳng trên, chúng ta hãy thử một lần sử dụng chúng như một lưỡi gươm để chặt đứt một vài nhận thức méo mó mà chúng ta đã tập nhiễm từ trước đến nay để từ đó có thể hình thành những cái nhìn mới về chính bản thân mình cũng như thế giới chúng quanh. Chỉ khi nào làm được như thế, chúng ta mới thấy được giá trị cao quý của hành động quy y Tam Bảo mà chư Tổ đã bỏ bao tâm huyết để gìn giữ từ thời kỳ Nguyên thủy cho đến nay.

Chính vì đồng nhất sự hiện hành của chỉ một trạng thái tâm thiện hoặc bất thiện của một người vào một phút giây nào đó với toàn bộ nhân cách của người đó mà chúng ta đã vội vàng hình thành những phán đoán hời hợt để từ đó thốt ra những lời ca tụng hay miệt thị một cách ngu xuẩn.

Chính vì tưởng rằng các trạng thái tâm bất thiện như tham, sân, si là những trạng thái thường hằng bất biến nên chúng ta mới bỏ lỡ cơ hội thanh tẩy thân tâm để có thể trở thành một hiện hữu có ích cho chính mình và cộng đồng. Có thể nói rằng trong tất cả các hệ thống giáo lý, các ý thức hệ, các chủ thuyết đã và đang hiện hành trên thế giới thì Phật pháp là phương tiện tối ưu có thể giúp chúng ta loại bỏ tận gốc các độc tố tham sân si đang tàn phá cơ thể con người và thế giới. Không tiếp cận được Phật pháp mà mơ ước trừ bỏ tham sân si mãi mãi là một điều không tưởng.

Trên đây chỉ là một vài điều sơ đẳng được nêu làm ví dụ về khả năng chuyển đổi của Phật pháp đối với những nhận thức và hành động sai lạc của chúng ta trong cuộc sống. Với sự dẫn dắt của một vị thầy có kinh nghiệm và luôn quan hoài đến từng bước đi của chúng ta trên con đường khó khăn này, mỗi ngày chúng ta sẽ có nhiều cơ hội làm sống dậy những phẩm tính cao quý đang bị chôn vùi bởi vô minh và phiền não trong thân tâm chúng ta qua nhiều đời nhiều kiếp. Chúng ta đừng quên rằng, mục đích duy nhất của Phật pháp là giúp chúng ta có được một cái nhìn đúng về con người và thế giới. Chừng nào chưa có được cái nhìn như thế thì tất cả những gì chúng ta nhận được từ Phật pháp cũng đều như huyễn như mộng.

         

Nguồn: Hoằng Pháp 33

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle