Diệu Âm

Minh Mẫn

 

 

Như đã nói, âm thanh là một yếu tố quan trọng song hành với ánh sáng. Ánh sáng là dương thì âm thanh là âm. Thiết định âm dương cũng được áp dụng cho hai giới Nam và Nữ. Con mắt là dương thì lỗ tai là âm. Ông bà thường nói: con gái có lỗ tai, con trai có con mắt, nghĩa là con gái thích nghe lời dịu ngọt, con trai thích ngắm nhìn sắc đẹp; vì thế, Phật Giáo Hòa Hảo có câu: “Mắt thấy sắc thường ưa bận bịu, tai thích nghe những điệu âm thanh” chính vì thế mà con mắt và lỗ tai, ánh sáng và âm thanh luôn là hai đối cực quấn quýt lẫn nhau, đắp đổi nhau để thiên biến vạn hóa theo dục tính của sanh loại.

 

Thường cư Nam Hải nguyện

 

Các pháp môn tâm linh, tuy hình thức pháp hành khác nhau, chung quy cũng y cứ trên âm thanh và ánh sáng để thành tựu giải thoát. Con đường trau dồi tâm linh có khác với con đường thế gian khi sử dụng con mắt và lỗ tai, ánh sáng và âm thanh. Ánh sáng và âm thanh của thường tục là hai đối cực quấn quyện lẫn nhau, lúc cương lúc nhu để sanh biến; ngược lại, ánh sáng và âm thanh trong lãnh vực tâm linh là một hợp thể nhuần nhuyễn, đi đến kết cuộc của giải thoát, âm thanh ánh sáng chỉ là một, nghĩa là con mắt và lỗ tai đều có công dụng giống nhau, không những thế, cả lục căn đều có tác dụng như là một. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển thứ 9, Phật dạy: về cấp độ Thiền đưa đến quả vị như Tam Thiền thiên, Hào quang biến thành âm thanh, dùng âm thanh tỏ bày diệu lý, hạng nầy gọi là Thiểu Tịnh Thiên. Nguyên nhân nào đạt kết quả như thế? Hãy xem qua kinh điển của nhà Phật. Trong kinh Pháp Hoa có phẩm Bồ Tát Diệu Âm:

 

“....lúc đó, trong nước Nhất Thiết Tịnh Quang Trang Nghiêm có một vị Bồ Tát tên là  Diệu Âm, từ lâu đã trồng các cội công đức, cúng dường gần gũi vô lượng trăm nghìn muôn ức các Đức Phật, mà đều đặng trọn nên trí tuệ rất sâu, đặng môn Diệu Tràng Tướng tam muội, Pháp Hoa tam muội, Tịnh Đức tam muội, Tú Vương Hý tam muội, Vô Duyên tam muội, Trí Ấn tam muội, Giải Nhất Thiết Chúng Sanh Ngữ Ngôn tam muội, Tập Nhất Thiết Công Đức tam muội, Thanh Tịnh tam muội, Thần Thông Du Hý tam muội, Huệ Cự tam muội, Trang Nghiêm Vương tam muội, Tịnh Quang Minh tam muội, Tịnh Tạng tam muội, Bất Cộng tam muội, NHật Triền tam muội v.v…đặng hàng trăm ngàn muôn ức tam muội như thế…”

 

Sự xuất hiện của Bồ Tát Diệu Âm trong cỏi ta bà nầy do thần lực hào quang của Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni phóng ra từ nhục kế và từ lông trắng giữa chặng mày soi đến  hằng hà sa cỏi nước Phương Đông, trong đó có thế giới tên  Tịnh Quang Trang Nghiêm, do Đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai làm  giáo chủ,  ánh sáng đó đã soi đến thân của Bồ Tát Diệu Âm, do vậy Bồ Tát bạch Phật xin qua đãnh lễ Đức Thích Ca Mâu Ni đương kiêm giáo chủ tại cỏi ta bà.

 

Qua công đức của Bồ Tát Diệu Âm, có vô số hạnh môn mà 16 đặc tính trên tiêu biểu cho vô số công hạnh. Một cỏi nước tên Nhất Thiết Tịnh Quang Trang Nghiêm, hàm ý là một cảnh giới mà tất cả các loại ánh sáng đều thuần khiết, không một bợn nhơ ô nhiễm, đã cấu thành nên cỏi như thế, trong biển ánh sáng phủ trùm, tồn tại một Bồ Tát Diệu Âm, có nghĩa một âm thanh vi diệu ẩn tàng trong nguồn sáng siêu thức đó. Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni từ cỏi ta bà phóng quang giao tiếp với cỏi nước Tịnh Quang Trang Nghiêm, soi đến đức Bồ Tát Diệu Âm, nghĩa là trong cỏi ô trược nầy, một vị Phật đã câu thông với cảnh giới ánh sáng và âm thanh để dẫn hiện một âm thanh vi diệu từ tự tánh của mọi chúng sanh. Dĩ nhiên, ai có duyên mới cảm nghiệm và khai ngộ được với tự tánh đó.

 

Trong quá trình chuyển hóa tâm thức của pháp môn lắng nghe âm thanh, lắng nghe bản chất của tánh nghe để đi đến tự tánh thường trụ vượt ngoài căn và thức, hành giả trở thành tự tánh của diệu âm, của Phật tánh, của tánh giác…

 

Quá trình công hạnh và chuyển hóa của hành giả Diệu Âm, cho chúng ta thấy: Phẩm Diệu Âm đứng sau phẩm Duợc Vương, vì Dược Vương hiện tướng Nhất Thiết Sắc Thân tam muội sau khi đoạn trừ nhục tướng phàm nhân, đó là công hạnh loại trừ sắc ấm, thì hành giả Diệu Âm có công hạnh đoạn trừ thọ ấm  về thanh trần để đi thẳng vào tự tánh diệu âm.

 

Khi hành giả thành tựu hạnh môn sẽ nhập vào bổn môn, từ đó tùy cơ ứng hiện hóa độ quần sanh. Vì thế Bồ Tát Diệu Âm đã sử dụng  mười muôn ức kỷ nhạc khác nhau, khởi xuất từ diệu âm tự tánh, để cúng dường mười phương chư Phật, đồng nghĩa diệu âm tánh giác phủ trùm khắp mười phương vạn loại.

 

Tự tánh diệu âm

Hành giả hành trì pháp môn phản văn văn tự tánh, không cần thông qua thế gian âm, đi thẳng vào tánh nghe thường trụ để nhiếp tâm, gần giống với pháp tham thoại đầu, trì niệm vào một công áng không ngưng nghỉ. Lăng Nghiêm Đại Định tu chứng viên thông cũng thế, gần giống với phản văn văn tự tánh; một số pháp hành phát xuất từ Lăng Nghiêm do chư tổ sáng tạo cho thích hợp với căn cơ đương chúng, đều dùng âm thanh để thâm nhập vào tự tánh, đi từ thế gian âm tiến đến sinh thức âm, siêu thức âm nhập vào diệu âm  tánh giác. Vì vậy, “tiếng vỗ của một bàn tay” là bước nhảy thẳng vào năng lượng siêu âm để cảm nhận âm thanh vượt ngoài âm thanh, vô thanh là loại âm thanh siêu thức, chỉ có những hành giả tâm chứng mới cảm nhận được. Khi đạt được âm thanh siêu thức, hành giả là một Bồ Tát Diệu Âm, đủ năng lực tiết tấu mọi âm thanh tương thích với âm thanh của từng loại chúng sanh, có khả năng thấu hiểu mọi âm thanh của thế gian. Bồ tát thành tựu Diệu Âm tức đủ năng lực hiển thị mọi âm thanh sắc tướng của thế gian mà không bị chướng ngại, vì đã vượt qua mọi chướng ngại về âm thanh sắc tướng mới đạt đỉnh của Diệu âm.

 

Một số hành giả quán âm không nắm vững tiến trình kinh qua những giai đoạn nội âm, liền bám vào những thành tựu, tự cho là đã đắc pháp, là sở chứng, tự xem mình là Thánh nhân hiện tiền. Giai đoạn đầu tiên của những hành giả tu pháp quán âm, nghe được âm thanh trần tục, tiếng động cơ, tiếng côn trùng, tiếng nhạc, tiếng người…cho dù được cách ly hẳn với ngoại âm. Tạm gọi là đảng cấp một; cũng như đứng ngoài biển, dù bịt kín tai vẫn nghe tiếng rì rào của hải triều, do cộng hưởng từ trường tại chỗ, cũng vậy, khi hành giả dù bịt kín tai ở phòng cách âm mà vẫn nghe mọi thứ tiếng, về đêm nghe cả trùng dế, dù đang ở phố thị, tức hành giả tự thân vẫn còn giao cảm với thế gian âm, chấn động lực thế gian âm và sóng âm hạ não vẫn còn tương thích. Tạp âm đã tích tụ trong tiềm thức, khi tu tập, công phu hành trì chưa đủ lực để đoạn trừ, chúng khởi hiện cộng hưởng với ngoại âm. Đó là âm thanh vật lý.

 

Đến một giai đoạn hành giả tương đối nhiếp niệm, tâm tư ít bị chi phối, thân thể khiết tịnh thì chấn động lực nội thể do đường dẫn của sinh khí lực tác động hệ thần kinh tạo nên những độ rung của giây đàn, hay của phong linh trước gió, chuông nhà thờ, tiếng đại hồng chung… Đó là âm thanh nội thể tâm lý. Tạm gọi là đẳng cấp thứ hai.

 

Thân thể thuần tịnh với tâm nhiệt thành hướng thiện tu tập, hành giả còn ảnh hưởng tâm lý vọng tưởng, nhưng tâm thức có phần sáng sủa hơn, lúc bấy giờ năng lượng siêu thức võ não tiếp cận với năng lượng sóng âm vũ trụ, nghe nhiều âm thanh thánh thoát vượt khỏi không gian trần tục mà một  số nhạc cụ cao cấp thế gian diễn tấu. Bởi vì âm lưu vũ trụ thuần khiết nên âm thanh nhẹ bổng êm dịu. Đó là âm thanh siêu  . Tạm gọi là đẳng cấp thứ ba. Hành giả mong muốn nghe được âm thanh hay thấy ánh sáng là một vọng tưởng bị trói buộc không thể tiến xa hơn. Ánh sáng và âm thanh không phải cái đích để đến mà là hiện tượng trãi nghiệm trên con đường tu tập. Vì thế, kinh Kim Cang đã cảnh báo hành giả: Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”, còn trụ vào âm thanh ánh sáng là không thể giải thoát khỏi tam giới, vì ánh sáng và âm thanh là phân cực của tục đế. Kinh Lăng Nghiêm, Phật cũng đã cho biết trên 50 loại ấm ma xuất hiện từ tâm thức vọng trần của hành giả, thiếu kinh nghiệm sẽ bị dẫn dắt sai lạc.

Đến giai đoạn gà sắp mổ võ, nói theo Đạo gia là đã kết Thánh thai, tiểu châu thiên hòa hợp với đại châu thiên, hành giả quán âm đôi khi không còn cảm nhận âm thanh nữa, nhưng âm lưu vẫn bàng bạt trong ngoài vũ trụ. Hành giả sẽ cảm nhận được sự khác thường của tự thân; cái thấy cái nghe, cái biết và mọi hành trạng không còn như xưa. Đây là trạng thái siêu thức chuẩn bị nhập lưu thánh tính. Tạm gọi là đẳng cấp thứ . Trong tiến trình tu tập, hành giả thường quên nhiều thứ nhưng không phải cái quên của kẻ mất trí; đó là giai đoạn thanh tẩy vọng tưởng, cho đến khi thức thứ tám trở thành “bạch tịnh thức” thì trí tuệ phát sanh và nhớ rõ mồn một quá khứ vị lai vô số kiếp.

- Nhãn nhĩ tỉ thiệt thân thức sau khi giác ngộ sẽ biến thành Thành sở tác trí,

- Ý thức sau khi giác ngộ sẽ biến thành Diệu Quán Sát trí

- Mạt-na thức khi giác ngộ sẽ biến thành Bình Đẳng Tánh trí

- Alaya thức khi giác ngộ sẽ biến thành Đại Viên Kính trí

- Trí Huệ toàn mãn gọi là Pháp Giới Thể Tánh trí

Giai đoạn hành giả chưa đạt trí tuệ toàn giác, nếu hành giả không được vị thầy đắc đạo ấn chứng, sẽ hoang mang trước ngã ba đường, cũng không phải là không rõ con đường mình đang đến, nhưng chưa biết vị trí mình đang đứng ở đâu mà thôi. Nói theo Phật giáo, đó là cảnh giới “không vô biên xứ”. Hành giả tiếp tục tu tập miên mật,  thân thể nhạy cảm với mọi tầng sóng và tần số, có thể hiểu được tâm ý của mọi đối tượng. Cảm ứng với sự hướng tâm hay lời cầu nguyện của ai đó đến với mình, tâm hành giả phủ trùm vạn vật, đây gọi là “Thức vô biên xứ”.

 

Các giai đoạn tiến hóa tạm gọi là đẳng cấp, thật ra đó là chứng từng phần chứ tâm linh không có đẳng cấp; còn trụ vào đẳng cấp là tự trói mình vào ngã chấp.

 

Khi vượt qua giai đoạn cuối để phá vỡ hố đen vây quanh tâm thức như hố đen sẵn sàng nuốt chửng vũ trụ, vượt qua được bức tường đen đó, hành giả hoát nhiên đại ngộ, mình và vũ trụ là một, hành giả và chư Phật là một; vượt thoát sanh tử vĩnh viễn. “Phi tưởng, phi phi tưởng xứ” là trạng thái hành chứng của hành giả đạt đến “Tứ thánh quả”. (quan điểm Đại thừa về quả vị nầy ám chỉ quả vị A La Hán chứ chưa phải toàn giác ). Cũng như Đức Bổn sư Thích Ca trước khi Thành Đạo, cũng phải vượt qua mọi thử thách hiện tướng của sắc thọ tưởng hành thức, đối diện với màn đêm phủ trùm để khi sao mai chợt tỏ cũng là lúc đại ngộ hoát nhiên.

 

Năng lượng siêu thức và âm thanh siêu thức bấy giờ là một, âm thanh và ánh sáng là một. diệu dụng của lục căn thanh tịnh là một. Ý thức sau khi giác ngộ sẽ biến thành Diệu Quán Sát trí. Ánh sáng trí tuệ của Đức Thích Ca phóng quang giữa chặng mày là một trí tuệ vượt khỏi nhị biên. Câu thông với diệu âm như câu thông với bồ tát Diệu Âm ở cỏi Tịnh Quang Trang Nghiêm. Bồ Tát địa là cảnh giới của một hành giả với ánh sáng thuần tịnh, trong ánh sáng vẫn là âm thanh, sóng quang và sóng  âm là một nguồn gốc khi chưa phân hóa; như giả thuyết Big Bang khi sự nổ phát ra ánh sáng đồng thời cũng phát ra âm thanh, cho dù giả thuyết nầy sai hay đúng thỉ thực tế âm thanh và ánh sáng khi chưa phân hóa, cũng là một. Hành giả tu giải thoát là vượt cái một để trở về  chân như tự tánh.

 

Kể cả thuyết vũ trụ giản nở hay co cụm, thuyết “Big crumch” (cuộc sụp đổ lớn) đều là quy trình thành - trụ - hoại – không mà Đức Phật đã xem như một định luật. Thế thì, một khi vọng niệm móng khởi, vô vàn chủng tử bất thiện phóng xuất, khởi đầu cho một vụ Big Bang xuất hiện trong tâm thức tạo nhân để đủ duyên sanh quả biến thiên hiện tướng. Đó là sự giản nở tạo ra vô số linh thức và chúng sanh vạn loại mỗi ngày một tăng trưởng trên tinh cầu. Nhưng một lúc nào đó sự giản nở cực đỉnh, chúng sẽ ngưng tụ và co cụm, cũng vậy, sự phóng đãng của tâm thức, một lúc nào đó cũng phải hồi đầu quy hướng nẻo thiện. Nhà Phật thường nói “hồi đầu thị ngạn” hay là đồ tể buông dao thành Phật. Ông bà bảo: cọp dữ mới tu chứ thằn lằn rắn mối có tu bao giờ! Nguyên lý cực đại sẽ thành cực tiểu. Lỗ đen vũ trụ ( black hole )là sự quy nạp mọi tổng thể để xóa mọi thể trạng mà cái còn lại duy nhất là sóng thức; cũng thế, trong quá trình hướng nội, đỉnh điểm tâm linh, mọi tạp thức bị xóa sạch, bị delete, lúc bấy giờ bạch tịnh thức xuất hiện để cho ánh sáng chân như hiển hiện. Các khoa học gia chỉ là người quan sát vũ trụ chứ không tác động xen vào sự vận hành vũ trụ, cũng thế, một hành giả tâm linh bất cứ pháp môn nào, cũng chỉ là người quan sát khách quan những hiện tượng tâm linh trong tiến trình tu tập chứ không bám chấp, thủ đắc hay toại nguyện với những giai đoạn đang có, vì như thế sẽ dẫm chân tại chỗ, đôi khi thụt lùi và lệch hướng.

Sự tìm hiểu giản nở hay co cụm cũng chỉ là vọng thức suy diễn của trần tục. Ta hãy nghe đức Phật giảng cho Anan và đại chúng trong kinh Thủ Lăng nghiêm, quyển hai: Phật bảo A Nan:

Tất cả sự vật lớn, nhỏ trong, ngoài trên thế gian đều thuộc về tiền trần, chẳng nên nói rằng cái thấy có co giãn, ví như trong khuôn vuông thấy có hư không vuông, ta lại hỏi ngươi: Hư không vuông ở trong khuôn vuông này là vuông nhất định hay chẳng nhất định? Nếu vuông nhất định, đặt lại khuôn tròn thì hư không ấy chẳng thể tròn; nếu chẳng nhất định thì trong khuôn vuông chẳng có hư không vuông. Ngươi nói chẳng biết nghĩa này thế nào, nghĩa tánh như thế, đâu còn thế nào nữa! A Nan, nếu muốn hiển bày chẳng có vuông tròn, chỉ cần trừ bỏ khuôn vuông, hư không vốn chẳng có hình thể vuông tròn, chớ nên nói "trừ bỏ tướng vuông của hư không" (khuôn dụ cho vọng thức phân biệt, hư không dụ cho bản tâm).

Qua phẩm Bồ Tát Diệu Âm cho ta thấy khả năng diệu dụng  của bổn môn và tích môn thể hiện qua hạnh môn, dưới mọi sắc tướng và âm thanh vô ngại của một hành giả Bồ Tát. Vì thế, kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn nói, diệu âm tự tánh vượt khỏi mọi âm thanh thế gian   đó là Phạm âm hay hải triều âm. Công hạnh của Bồ Tát Quán Âm phát xuất từ bổn môn diệu âm.

 

Âm lưu nội thể và âm lưu vũ trụ

Âm lưu nội thể và âm lưu vũ trụ luôn giao thoa, nhưng năng lượng vũ trụ bị hạn chế khi thâm nhập vào cơ thể bởi vọng tưởng và hoạt náo của con người, nhất là tâm tưởng đen tối sẽ  chiêu nạp từ trường xấu, cản trở khí tiên thiên trong sáng của vũ trụ. Các hành giả tâm linh đã hạn chế được những vọng tưởng đó, nhất là khi Thiền định, trì tụng, mật niệm, cầu nguyện…năng lượng vũ trụ thẩm thấu qua các đại huyệt để nuôi dưỡng khí lực, sung mãn thần sắc. Điều nầy dễ hiểu cho một thiền giả luôn khỏe mạnh sau khi nạp năng lượng nhiều giờ qua thiền định và tu tập. Giấc ngủ cũng giúp năng lượng vũ trụ giao thoa với năng lượng sinh học dễ dàng hơn, do vậy, sau một giấc ngủ, con người tỉnh táo khỏe ra. Trong dĩa VCD “ sự thật về linh hồn” đã giới thiệu cho thấy năng lượng vũ trụ phủ trùm khắp vạn vật, nuôi dưỡng mọi sinh vật, riêng động vật thượng đẳng như con người, biết tiếp nhận để hỗ trợ cho hệ thần kinh võ não phát triển, kích hoạt tuyến tùng khai phát trí tuệ.

 

Một sinh vật bị hủy hoại các đại huyệt thì sinh vật đó sẽ chết, vì không còn chỗ tiếp nhận năng lượng vũ trụ để nuôi dưỡng sự sống, bởi lẽ sự sống không chỉ nuôi dưỡng bằng thực phẩm, chính vì thế mà có những người nhịn ăn hàng chục năm vẫn sống, sự sống đó nhờ vào tiếp nhận khí tiên thiên. Đối với các hành giả tâm linh, họ có khả năng loại trừ mọi bệnh hoạn bằng năng lượng vũ trụ kết hợp với năng lượng sinh thức. Chẳng những thế, họ còn dùng năng lượng tự thể để hoán chuyển nghiệp bệnh cho tha nhân nếu cảm thấy đủ duyên, với điều kiện bệnh nhân phải thành tâm hướng về tu tập, giải trừ nghiệp sát.

 

Năng lượng vũ trụ là loại diệu âm vi tế ẩn tàng qua dạng sóng và hạt khi xuyên vào khí quyển, nhưng tự thể, không là sóng, hạt, mà sóng và hạt là hiện tướng khi vũ tụ được phóng xuất qua thuyết Big bang. Cái đích cuối mà khoa học không thể tìm thấy hạt cơ bản, cho dù là hạt Higgs được phát hiện vào năm 1964 mang tên khoa học gia Ái Nhỉ Lan tên Peter Higgs, cũng chưa phải là nhân tố cơ bản hình thành vũ trụ. Khoa học gia căn cứ vào vật chất để tìm nguyên nhân của vũ trụ chỉ là trò chơi cút bắt so với các tôn giáo tâm linh. Chính vì thế mà Đức Phật từ chối trả lời những vấn nạn về vũ trụ từ đâu mà có, sẽ đi về đâu. Thật vô ích khi biết rằng hiện tượng giới phát sanh từ vọng tưởng, một đại mộng vô duyên cớ!

 

Tại sao Đức Phật gần ba ngàn năm trước không cần khí cụ khoa học mà vẫn thấy được dạng thể của từng thiên hà, ngân hà vận hành như bánh xe, như giòng nước xoáy, như  đóa hoa nở…phải chăng chúng xuất hiện từ tâm thức, cộng nghiệp của mọi chúng sanh??? Phật thấy rõ ba đời quá khứ, hiện tại vị lai của từng sinh mạng mà không phải bỏ công suốt đời tìm tòi của một nhà khoa học để rồi mù mờ, bó tay trước sự bí hiểm của vũ trụ. Vì khoa học gia là những người phóng xuất tâm thức, luôn hướng ngoại nên càng đi xa thực chất. Các nhà tâm linh là hành giả hướng nội, quy tâm tìm ra nguyên nhân của nghiệp thức để chuyển hóa thực tại. Một người uống nước sẽ được giải khác, thực tế hơn là một người truy nguyên hydro và oxy cấu tạo thành nước. Đó là hai trạng thái khác nhau để giải quyết chung một vấn đề.

 

Mật âm

Kim Cang thừa và một số trường phái thần chú, bùa phép, linh phù đều dùng mật ngữ để thành đạt mục đích. Các thần chú bùa phép mang tính lợi ích trần tục, can thiệp vào nhân quả kẻ khác khi mà đương sự chưa giải quyết hết nghiệp nhân của mình, do vậy các thầy pháp thường lãnh hậu quả hoặc con cháu nhiều đời phải tiếp tục trả quả. Riêng các mật pháp chú hướng giải thoát, tự thân hành giả có mục đích rõ ràng, vì thế khi hành trì không vọng tâm sở cầu.

 

Mật âm là loại năng lượng được thiết kế phần mềm tồn tại trong vũ trụ, có tác dụng theo chủ đích của người có khả năng tâm linh. Cũng như sóng âm điện thoại, tác dụng theo phần mềm thiết kế của kỷ sư, chỉ cần bấm đúng tần số sẽ liên lạc được. Các hành giả Kim Cang thừa vận hành theo thanh trần để đi vào siêu âm võ não. Những người chưa hiểu tác dụng của âm lực, nên chứng kiến nghi lễ của Tây Tạng cảm thấy hoạt náo. Mật thừa là sự hòa phối bởi pháp cổ  của Ấn Độ và triết học Đại thừa Phật giáo, để phân biệt các loại mật giáo của Ấn hay đạo Jaina, đạo Bon…người ta dùng chữ Kim Cang thừa.

 

Mật thừa Phật giáo xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ V khi giáo lý Đại thừa xuất hiện tại Bắc Ấn. Ngài Long Thọ được xem là tổ khai sáng Mật giáo. Truyề vào Trung quốc vào thế kỷ thứ 7, vào Tây Tạng vào cuối thế kỷ thứ 8 bở Đức Liên Hoa Sanh. Đầu thế kỷ 9, đạo sư Không Hải người Nhật đem về Nhật Bản, gọi là Đông mật, lấy tên là Chân ngôn tông. Mật tông Tây Tạng có 4 giòng phái chính: Cổ Mật - Kagyu – Gelug – Sakya. Từ đây phát triển nhiều chi phái khác. Tùy căn cơ hành giả mà Mật tông có những trường phái thiên về ngoại tướng và nội thể. Chính nghi cách ngoại tướng mà có vẻ rườm rà, nhưng rồi cũng quy hướng nội thể bằng âm thanh sắc tướng. Thanh trần và sắc trần là phương tiện để nhập vào trí tánh chân như. Riêng Mật ông Tối Thượng Du già đi thẳng vào nội thể “ tức thân thành Phật” như thiền đốn ngộ -“kiến tánh thành Phật” Nhưng Mật thừa dùng quán tưởng về tướng vũ trụ thông qua đồ hình Mạn đà La để nhập vào chân tánh.

 

Tuy Mật thừa nặng về âm thanh sắc tướng nhưng vấn đề đặt trên căn bản giáo lý Tánh không và Bát Nhã, vận dụng tinh thần Hoa Nghiêm – sự sự vô ngại, lý sự vô ngại nên chuẩn đích Mật thừa đi vào đúng lộ trình tâm linh giải thoát. Quan điểm về thế giới Hoa Tạng của vũ trụ thông qua ngũ căn thức  để thăng hoa, vì thế năm vị Phật biểu tượng cho sự thăng hoa của năm căn thức gọi là Ngũ Trí Như Lai khi căn thức được chuyển hóa giác ngộ. Để nhiếp niệm ngũ trần thức, Mật âm dùng miên tục hầu thanh tịnh hóa căn trần và căn thức của hành giả.

 

Mật âm có một năng lực phi thường do thần lực của mỗi vị giáo chủ đảm nhiệm. Nói cách khác, khi hành giả sơ khai thủ đắc một trần thức khai ngộ, lực lượng căn thức đó tự hiển lộ, biến thành mật âm để hỗ trợ cho hành giả kế thừa trên đường tu tập. Từ đó Mật âm, thủ ấn, linh phù và bao động tướng khác phát sanh để đối trị và hỗ trợ. Mật âm nhờ lực lượng tâm linh mà có một chấn động lực mạnh tác động vào tâm thức, hệ thần kinh của hành giả hành trì mật pháp. Khi mật âm ngoại vi hành trì có hiệu quả do định lực của hành giả, căn trần và thức sẽ là một, sóng âm vỏ não tiếp nhận chấn động lực từ trường vũ trụ để thăng hoa, hòa nhập vào ánh sáng tâm thức. Âm thanh mật ngữ bấy giờ trở thành ánh sáng tâm linh. Mật âm là một chấn động lực tùy thuộc vào âm tiết, cường độ phát âm và sự rung động của sóng âm. Thông thường Mật âm được tiết tấu qua nhạc lễ hoặc xướng tụng, nhưng hành giả chuyên sâu nội thể, mật âm được phát ra từ tư tưởng có một năng lực phi thường. Linh phù thủ ấn họ chỉ cần quán tưởng bằng mắt cũng đạt hiệu quả cao. Bấy giờ mật âm và tâm thức là một. Ý trụ đâu là khí trụ đó, ý lực và khí lực tạo thành một lực lượng bất khả tư nghì. Mật âm là tiếng nói của linh thức, không thể giải nghĩa để đáp ứng nhu cầu trí thức.

 

Hành giả  diệu âm được biểu tượng bởi Bồ Tát Diêu Âm phẩm 24 trong kinh Pháp Hoa, đấng thành tựu vượt thoát mọi thọ tưởng và sắc ấm  để thể nhập tự tánh quán âm. Tự Tánh quán âm là một trong 25 pháp hành được kiểm chứng trình bày của 25 vị Bồ tát và A La Hán trong kinh Thủ Lăng Nghiêm quyển thứ 5 và thứ 6, khi Phật còn trụ tại tinh xá Kỳ Hoàn, thành Thất La Phiệt:

Phật hỏi về viên thông, con từ Nhĩ Căn vào Viên Chiếu Tam Muội, Tùy Tâm tự Tại, Từ Sự Nghe Nhập Lưu, cho đến Đắc Tam Ma Địa, Thành Tựu Bồ Đề là hơn cả.

Thế Tôn! Như Lai khen con khéo được pháp môn viên thông, ở trong hội thọ ký cho con hiệu là Quán Thế Âm, do con quán âm sáng tỏ mười phương, nên danh hiệu QUÁN ÂM khắp mười phương thế giới.

Diệu âm là bản thể tánh giác, âm lực vũ trụ và âm lưu nội tại là tướng và dụng. Đi từ tướng đến tánh là hạnh nguyện quán âm. Như vậy, âm thanh vẫn là con đường đưa đến tuệ giác như bao pháp môn khác, tùy căn cơ thích hợp mà trạch pháp hành tri.

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle