Thêm chút nghị lực

them chut nghi luc

Lại Thế Luyện

1.     Hứng khỏi trong công việc

Chúng ta ngày càng quan tâm đến mối liên hệ giữa công việc và lòng hứng khởi. Trong một cuộc sống mà công việc lúc nào cũng quá căng thẳng, chúng ta dễ cảm thấy nhàm chán, cáu gắt, bực bội với công việc của mình. Lòng hứng khởi trong công việc tiêu tan dần đi. Và do đó, hiệu quả của công việc cũng rất thấp. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn chúng ta đến chỗ bế tắc, công việc thì ngày càng chồng chất mà chẳng có việc nào giải quyết ra việc nào. Từ đó, chúng ta đánh mất luôn cả niềm vui cuộc sống. Lẽ ra, công việc phải là niềm vui sống và là cơ hội để thăng tiến, thì nó lại biến thành một nỗi lo nặng nề, luôn làm mình cảm thấy buồn bực, căng thẳng!

Hứng khởi là một trạng thái tâm lý, là một niềm vui bất tận làm cho mình cảm thấy công việc của mình là thú vị, vô cùng tuyệt diệu. Chúng ta không thể nhìn thấy sự hứng khởi, cũng như chúng ta không thể nhìn thấy lương tâm, nhưng chắc chắn một điều là chúng ta cảm nhận được nó. Và nó luôn ảnh hưởng quan trọng lên công việc và cuộc sống của chúng ta.

Hứng khởi ảnh hưởng đến cả sức khoẻ thể xác của chúng ta. Một người luôn sống trong trạng thái hứng khởi thì sẽ gìn giữ được sức khoẻ của bản thân tốt hơn là một người luôn sống trong trạng thái hoang mang, buồn bã. Ngay cả trong công việc, trạng thái hứng khởi cũng làm cho công việc của mình đạt hiệu quả cao hơn bình thường rất nhiều lần!

Vậy làm thế nào để chúng ta tìm thấy hứng khởi và duy trì được niềm hứng khởi dài lâu trong công việc của mình? Trả lời câu hỏi này liên quan đến rất nhiều vấn đề, từ óc tổ chức đến nhân sinh quan của bản thân mỗi người trong cuộc sống!

Hãy luôn tự nhủ rằng, mình không chỉ sống mà còn khát khao sống một cách trọn vẹn với niềm vui cuộc đời. Mình phải có trách nhiệm tạo ra cho mình sự hứng khởi trong công việc, vì công việc là của mình chứ không phải của ai khác, vì cuộc đời mình là của chính mình chứ không phải của ai khác. Niềm vui trong công việc sẽ đem lại cho mình hạnh phúc và thành công trong cuộc đời.

*       Sống chung với những người hứng khởi.

Trong mỗi tổ chức hay một tập thể đều tồn tại cái gọi là “bầu không khí tâm lý của tập thể”. Nếu may mắn được làm việc trong một tập thể tốt, có bầu không khí tràn đầy hứng khởi, tự nhiên bạn cũng sẽ luôn cảm thấy hứng khởi trong công việc. Bởi vì, bầu không khí tâm lý của tập thể có ảnh hưởng, tác động đến tâm lý của mỗi cá nhân. Nếu chẳng may phải làm việc trong một tập thể có bầu không khí ngột ngạt, khó chịu, bạn sẽ khó có thể cảm thấy vui vẻ trong công việc và sẽ chẳng bao giờ thăng tiến được. Tốt hơn hết là bản thân mình nên tìm một công việc khác xứng đáng với khả năng của mình hơn, hay một công việc khác mang tính độc lập cao hơn mà mình không còn phải bị lệ thuộc quá nhiều vào tập thể nơi mình làm việc.

*       Tạo niềm hứng khởi cho người khác.

Nếu như tâm lý của mỗi cá nhân đều bị ảnh hưởng bởi tâm lý của tập thể, thì trái lại, tâm lý của tập thể cũng chịu sự tác động, ảnh hưởng bởi tâm lý của mỗi cá nhân. Thay vì tìm cách chia rẽ, gây căng thẳng lẫn nhau, bản thân mỗi người nên chủ động tạo niềm hứng khởi cho cả tập thể nơi mình làm việc. Điều này đặc biệt có ý nghĩa nếu bạn là người lãnh đạo, người quản lý trong tập thể. Bạn chủ động tạo niềm hứng khởi cho các nhân viên thì công việc quản lý của bạn càng thành công, tổ chức của bạn ngày càng đi lên.

*       Thách thức trong công việc sẽ tạo đà cho hứng khởi.

Đừng bao giờ ngại những khó khăn, thách thức trong công việc, vì bất cứ công việc nào cũng chứa đựng khó khăn của riêng nó. Có thách thức, tức là bạn có cơ hội để chinh phục. Trong khi nỗ lực vượt lên những thách thức, bạn cảm nhận được niềm vui. Sự hứng khởi này rất tuyệt vời, giống như cảm nhận của những người tích cực tham gia một cuộc đua vượt chướng ngại vật vậy! Và cả sau khi đã vượt qua mọi thử thách trong công việc, sự hứng khởi vẫn ngân vang mãi trong tâm hồn của bạn...

*       Hứng khởi là một niềm tự hào của bản thân.

Cái khó nhất trong cuộc sống không phải là đạt được sự giàu sang hay quyền chức, mà là duy trì được sự hứng khởi. Biết bao người luôn cảm thấy đau khổ, buồn bực, không cảm thấy hứng khởi gì trong cuộc sống. Chúng ta phải quyết tâm sống làm sao để khi mọi người nhìn vào mình, bất kỳ ai cũng thèm khát có được sự hứng khởi như mình! Một khi mình luôn duy trì được sự hứng khởi của bản thân trong mọi cảnh ngộ, điều đó chứng tỏ mình là người có nghị lực hơn nhiều người khác, mình biết vượt lên chính mình, và đó chẳng phải là bản thân mình có một nhân cách rất đáng tự hào hay sao?

 

2. Xác định những mục tiêu tốt đẹp

Ước mơ phải được cụ thể hoá rõ ràng thành các mục tiêu khác nhau. Mỗi người trong chúng ta luôn mong muốn đạt được những mục tiêu trong công việc của mình. Chẳng hạn, muốn kinh doanh có hiệu quả hơn, muốn mức thu nhập cao hơn, hoặc muốn tìm một việc làm tốt hơn... Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp chúng ta không đạt được những điều mà chúng ta mơ ước. Tại sao vậy? Tại sao nhiều người rất thông minh, làm việc rất hăng hái, siêng năng chịu khó, nhưng họ vẫn không thành công trong những công việc mà họ dự định? Bởi vì họ chưa biết xác định cho mình những mục tiêu rõ ràng.

Những gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn đề ra cho mình những mục tiêu rõ ràng, tạo tiền đề cho bạn thành công:

*       Xác định rõ những gì mình mong muốn đạt tới:

Mục tiêu phải rất cụ thể. Nếu bạn muốn bán được nhiều hàng hoá hơn, thì có bao nhiêu mặt hàng mà bạn dự định sẽ bán thêm so với lượng hàng hoá lâu nay bạn vẫn bán? Nếu bạn muốn tìm một công việc khác tốt hơn, thì những đặc điểm của công việc mới đó là gì? Năng lực, tính cách của bạn ra sao? Có phù hợp với công việc đó hay không? Cơ hội để bạn tìm được công việc đó như thế nào?

*       Xác định một thời hạn cho mục tiêu đó:

Mục tiêu của bạn phải có thời hạn cuối cùng rõ ràng để bạn thực hiện. Mục tiêu là công việc có thực mà bạn sẽ thực hiện, chứ không chỉ đơn thuần là một niềm ao ước hay giấc mơ.

*       Xác định rõ những điều bạn tin tưởng khi vạch ra mục tiêu đó:

Bạn phải cảm nhận được rằng, mục tiêu mà bạn vạch ra sẽ có khả năng trở thành hiện thực. Nếu bạn còn do dự hoặc nghi ngờ không biết liệu những mục tiêu mình vạch ra có trở thành hiện thực được hay không, thì bạn không bao giờ chủ động bắt tay vào làm những việc cần thiết để biến mục tiêu của mình thành hiện thực.

*       Hiện thời mình đang ở đâu?

Hãy làm ngay một bảng đáng giá lại tình hình thực tế hiện tại của mình. Bạn không thể biết mình sẽ phải bắt đầu khởi sự từ đâu, sẽ bắt tay vào thực hiện những gì, nếu như bạn không xác định rõ tình hình thực tế của mình.

*       Những trở ngại nào mình phải vượt qua?

Những điều gì gây khó khăn cho mình trong quá trình vươn đến mục tiêu? Mặc dù không thể tiên liệu được hết những khó khăn đó, nhưng việc nhận thức trước một phần nào những khó khăn mà mình phải đương đầu sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc vạch ra cho mình một kế hoạch để đương đầu với những khó khăn đó.

*       Mình cần thêm những kiến thức gì?

Để thực hiện mục tiêu này, trình độ kiến thức hiện tại của mình đã đủ chưa, và mình phải học thêm một số kiến thức nào nữa? Chẳng hạn, muốn bán được nhiều hàng hoá hơn, mình phải học thêm những kiến thức nào về thị trường, về tiếp thị?...

*       Mình có thể hợp tác với ai? Với những tổ chức nào?

Bạn khó có thể thành công nếu tự mình làm tất cả mọi chuyện. Bạn cần phải hợp tác với những người khác. Vậy đâu là những người bạn có thể tin cậy và hợp tác được? Và làm cách nào để có thể hợp tác được với họ?

*       Mình sẽ gặt hái được những lợi ích gì?

Viết rõ ra giấy những lợi ích mà mình có thể gặt hái được sau khi đạt được mục tiêu mà mình đã vạch ra. Những hấp dẫn về lợi ích chính đáng đó sẽ thúc đẩy bạn hăng hái nhiều hơn khi bắt tay vào thực hiện mục tiêu mà bạn đã định.

*       Có một kế hoạch chủ động.

Phải xác định những bước đi thật cụ thể mà mình cần phải làm để vươn tới mục tiêu. Sau đó, đem hết sức mình để thực hiện mục tiêu.

*       Hình dung trước một phần kết quả.

Bạn có thể hình dung khá chi tiết hình ảnh về bản thân mình nếu bạn đã sẵn sàng vươn tới mục tiêu. Chẳng hạn như: bạn muốn được lượng hàng hoá nhiều hơn, thì hoạt động kinh doanh của bạn sẽ mở rộng như thế nào? Những hình ảnh này sẽ ăn sâu vào tiềm thức của bạn, thúc đẩy bạn vươn tới mục tiêu đã định.

3. Sống lạc quan

Những va chạm, cũng như những bi kịch của cuộc sống luôn xảy đến với bất cứ ai, với những người lạc quan nhất, cũng như với cả những người bi quan. Nhưng sự khác nhau là ở chỗ, những người lạc quan luôn biết vượt qua những bi kịch đó hơn là những người bi quan.

Những người lạc quan, nhờ nhận thức được tầm quan trọng của việc rút kinh nghiệm từ những thất bại trong quá khứ, nên họ học tập được những bài học quý giá, vượt qua được những trở ngại để rồi từ đó tiếp tục vươn lên. Những người bi quan thì trái lại, thường tìm mọi lý do để bào chữa cho những thất bại của mình, có khi họ còn tự thuyết phục mình rằng việc đó cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều để mà phải cố gắng, nên họ buông xuôi luôn cuộc sống của mình. Tuy nhiên, những người lạc quan không phải ngay từ lúc sinh ra là đã có ngay tính lạc quan quý giá như vậy, mà phải có quá trình rèn luyện. Dưới đây là một vài cách để bạn vượt qua những cạm bẫy của tính bi quan:

*       Đương đầu với những tư tưởng tiêu cực của bạn:

Bạn hãy bắt đầu bằng việc viết ra giấy bất cứ vấn đề tiêu cực nào đang gây rắc rối hoặc ngăn cản bạn đạt được “các mục đích cao đẹp” mà bạn cho rằng mình có thể đạt được một cách chính đáng. Chẳng hạn như: một cái xe mới mà bạn đang rất muốn mua nhưng chưa mua được; mái nhà dột chưa sửa sang lại được; một lô một lốc hoá đơn chưa thanh toán được; gia đình thiếu thốn, túng quẫn; ông “sếp” ở cơ quan có vẻ như đang trù dập bạn... hoặc bất cứ thứ gì mà bạn cho rằng đã đưa đẩy bạn vào “hoàn cảnh tồi tệ” như hiện tại.

Tiếp theo, bạn hãy viết ra trên phần còn lại của tờ giấy những điều mà bạn có thể cân nhắc lại một cách khách quan hơn. Có phải những chuyện này thực sự ngăn cản bạn cải thiện hoàn cảnh hiện tại, hay chúng luôn là nguyên nhân khiến bạn tự dập tắt ngọn lửa hăng hái của mình? Chỉ một khi bạn đánh giá đúng được những vấn đề vướng mắc của mình, thì bạn mới có thể xác định mình cần phải làm gì để tháo gỡ những vấn đề đó.

*       Thường xuyên theo dõi và bổ sung kế họach của mình:

Bạn có tập trung vào mục đích và lý tưởng sống của mình không? Bạn có thiếu lòng tự tin khi theo đuổi các kế hoạch nhằm đạt đến lý tưởng của bạn? Và liệu bạn có từ bỏ những kế hoạch của mình quá sớm ngay khi vừa chạm trán với những trở ngại đầu tiên? Bạn có bền lòng trước những trở ngại từ tuần này sang tuần khác không? Bạn có biết chấp nhận những khó khăn, thiệt thòi trước mắt để phấn đấu cho lý tưởng sống của mình không? Và liệu bạn có dễ dàng từ bỏ những kế hoạch tiếp theo khi đã đạt được một vài mục tiêu trước mắt?

*       Bạn có thực sự tin tưởng một cách đúng đắn vào chính bản thân mình không?

Những người bi quan thường trầm trọng hóa những vấn đề của họ một cách vô lý. Bạn hãy tự hỏi mình xem, mức thu nhập của mình hiện nay liệu có quá tồi? Hay vẫn có thể bảo đảm cho cuộc sống nếu như mình biết tiết kiệm và có kế hoạch chi tiêu một cách hợp lý hơn? Có đúng là “sếp” đang nhắm vào mình thật hay không?... Nhìn chung, bất cứ khi nào bạn có những suy nghĩ vô lý, bạn hãy chỉnh đốn lại những suy nghĩ của mình, bằng cách tìm kiếm những nguyên nhân và giải pháp hợp lý nhằm từng bước giải quyết vấn đề, hơn là cứ tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc nôn nóng muốn rằng mình phải thành công ngay. Khi gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống, bạn phải luôn nghĩ rằng chính mình hiểu rõ hơn ai hết về nguyên nhân của những trở ngại đó, và phải tin rằng mình sẽ tìm được giải pháp cho những trở ngại của mình. Hãy luôn nhớ rằng, những người lạc quan luôn học tập được kinh nghiệm quý giá từ những thất bại của họ, và họ biết dùng những kinh nghiệm này để thay đổi cuộc sống.

*       Không nhất thiết phải chú ý mãi vào những điều trở ngại:

Bạn hãy tự hỏi mình rằng, liệu có thực sự cần thiết không khi mình cứ phải hướng sự chú ý vào những điều trở ngại? Bất cứ ai cũng có thể vạch lá tìm sâu, nghĩa là bất kỳ ai cũng tìm thấy những điều khó khăn, tiêu cực ở xung quanh mình cả! Tuy nhiên, chẳng có lý do gì để chúng ta cứ mãi hướng sự chú ý của mình vào những trở ngại tiêu cực cả! Nếu bạn không thể thay đổi ngay những tình huống tồi tệ trong một sớm một chiều, thì cũng đừng chú ý mãi vào nó, cứ tạm chấp nhận nó và dần dần bạn sẽ thay đổi nó.

*       Vượt lên chính mình:

Sau mỗi lần đương đầu với nghịch cảnh, bạn hãy nhìn lại lòng tự tin của mình. Một khi có lòng tự tin, bạn sẽ nâng cao được khả năng đối phó với nghịch cảnh, thay vì cảm thấy vơ và tuyệt vọng. Thường xuyên đối phó với nghịch cảnh sẽ giúp bạn chủ động tìm ra giải pháp khả thi cho những khó khăn của bạn. Như vậy, bạn trở thành một người có nghệ thuật sống lạc quan trong mọi hoàn cảnh và bạn xứng đáng gặt hái được những thành công chân chính trong cuộc đời.

4. Xây dựng quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp

Bạn có bao giờ cảm thấy chán nản, buồn phiền vì những thất bại trong quan hệ với đồng nghiệp không? Thực ra, những lúc chúng ta lỡ phải lâm vào tâm trạng như vậy thì đấy cũng chính là những khoảnh khắc rất tuyệt diệu của cuộc sống, bởi chúng ta có thể nhìn lại chính mình, nhìn lại quá khứ để rút ra những kinh nghiệm sống hữu ích, ngay trong ngày hôm nay và trong tương lai. Đó cũng là lúc để bạn suy tư về những ý tưởng dưới đây:

*       Biết quý trọng những tình cảm của người khác dành cho mình trong cuộc sống:

Tình yêu thương của người khác làm cho ta tăng thêm sức mạnh tâm hồn. Hãy nhớ lại những lần mình đã lỡ có những ứng xử vụng về, khiến đồng nghiệp hiểu lầm, và mình đã lỡ đánh mất những tình cảm tốt đẹp mà người khác dành cho mình. Sau đó, hãy tự cam kết với chính mình rằng, từ hôm nay mình sẽ luôn biết trân trọng những tình cảm mà các bạn đồng nghiệp dành cho mình, và cố gắng không bao giờ để xảy ra những chuyện hiểu lầm nào nữa!

*       Học tập những điều tốt từ những người bạn đồng nghiệp:

Bất cứ người nào chúng ta gặp trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp với mình, cũng có thể có một điều tốt nào đó đáng để mình phải học tập. Chỉ nên nghĩ đến điều tốt đó của họ thôi, và học tập điều tốt đó, chứ tuyệt nhiên đừng nghĩ nhiều đến những tật xấu của họ. Hãy luôn tìm kiếm, nhận ra điều tốt, học hỏi và thực hành điều tốt.

*       Tìm kiếm những người đồng nghiệp cùng chí hướng:

Trong cuộc sống, có những công việc mà bạn có thể tự mình làm được, nhưng cũng có những công việc đòi hỏi phải có sự hợp tác, chung sức của những người khác. Tìm kiếm được những người cùng chí hướng với mình, bạn chẳng những sẽ có người cùng hợp sức để thành công, mà họ còn có thể chia sẻ cùng bạn những mối lo, những trăn trở trong công việc.

*       Những mối quan hệ tốt với đồng nghiệp:

Làm cùng một ngành nghề, bạn và đồng nghiệp của bạn có thể có sự cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên, sự cạnh tranh ở đây phải được hiểu là sự cạnh tranh lành mạnh, là cơ hội để cùng cố gắng vươn lên chinh phục những đỉnh cao mới trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp, chứ không phải là triệt tiêu lẫn nhau. Những mối quan hệ tốt với đồng nghiệp sẽ làm cho chúng ta luôn cảm thấy thoải mái, dễ chịu và đầy cảm hứng trong công việc.

*       Ích lợi của những xung đột với đồng nghiệp:

Những xung đột với đồng nghiệp trong công việc là khó có thể tránh khỏi. Đó sẽ là những cơ hội để chúng ta nhìn lại chính mình, rèn luyện tính kiên nhẫn, thấu hiểu người khác, chấp nhận và tha thứ cho người khác.

*       Phục vụ người khác tức là phục vụ chính mình:

Bạn phải luôn nghĩ như vậy thì bạn mới thành công và cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình. Chẳng hạn, khi chúng ta tự nguyện giúp đỡ đồng nghiệp, chúng ta sẽ trở thành một người được nhiều bạn đồng nghiệp quý mến, trân trọng. Bạn làm kinh doanh, nếu hết lòng phục vụ khách hàng thì chính khách hàng sẽ đem lại sự giàu có cho bạn.

*       Thân thiện với đồng nghiệp:

Đây không phải là chuyện dễ thực hiện. Dẫu biết rằng, không phải bất cứ đồng nghiệp nào của bạn cũng là người dễ thân thiện, nhưng dù cho anh ta (hoặc chị ta) có là người mang tính cách oái oăm đến mức nào, bạn cũng hãy cứ đối xử tốt, tỏ ra cao thượng và thân thiện với họ trước. Điều này giúp bạn dễ giảm stress, dễ vui cười với mọi người hơn, và cảm thấy thanh thản trong lòng mình. Với thời gian, những đồng nghiệp “khó tính” của bạn cũng sẽ hiểu đúng về bạn. Còn nếu họ vẫn mãi không thể hiểu đúng hoặc không chịu hiểu đúng về bạn thì đó là lỗi của họ.

*       Quy luật của sự quan tâm lẫn nhau:

Hãy nhớ rằng, nếu bạn không quan tâm đến người khác, thì người khác cũng sẽ không bao giờ quan tâm đến bạn. Nếu bao lâu bạn còn thờ ơ với những đau khổ của người khác, thì đừng bao giờ tự hỏi hay trách móc vì sao thiên hạ lại ngoảnh mặt với những khổ đau của mình. Ngay cả khi bạn quan tâm đến người khác, vẫn còn chưa chắc được người khác quan tâm lại, huống hồ gì bạn lại trách móc một cách vô lý như vậy?

*       Biết nhận lỗi:

Khi bạn đã lỡ phạm một lỗi lầm nào đó đối với người khác, đưa ra lời xin lỗi là một hành động hoàn toàn đúng đắn, chứng tỏ bạn có một nhân cách trưởng thành. Hoàn toàn không có gì là yếu ớt, là xấu hổ trong chuyện nhận ra lỗi lầm của mình và biết bày tỏ lời xin lỗi với người khác.

5. Chạy đua với thời gian

Chiếc bánh xe của thời gian đã lăn từ quá khứ đến hiện tại, và đang tiếp tục hướng về tương lai. Thời gian cứ lẳng lặng làm công việc của nó và không chờ đợi một ai. Bạn có bao giờ nghĩ về những vòng quay bất tận của chiếc bánh xe thời gian đang lăn chưa?

Ngay bây giờ, khi bạn cầm tập sách này trên tay, chiếc bánh xe thời gian vẫn tiếp tục lăn bánh...

Do đó, mỗi ngày trong cuộc sống, chúng ta luôn tâm niệm:

*       Ngay khi mình đạt được những mục tiêu sớm hơn mong đợi, mình sẽ không bao giờ “ngủ quên trên chiến thắng” bằng cách khoe khoang nó với người khác. Bởi vì khi làm như thế, mình sẽ vô tình dừng lại và để thời gian trôi qua một cách lãng phí. Trái lại, ngay khi đạt được một mục tiêu, mình sẽ tiếp tục cố gắng vì những mục tiêu mới...

*       Tháng năm của đời người sẽ ngày càng chồng chất trên vai. Có những công việc mà người ta phải cố gắng khởi sự làm ngay từ thời còn trẻ, chứ không thể đợi đến tuổi già...

*       Có một số người luôn nuối tiếc “thời vàng son” của họ đã trôi qua. Nhưng mình sẽ chẳng bao giờ dại dột như vậy. Đời mình luôn hướng nhìn về con đường dài phía trước cùng những trở lực, khó khăn, chông gai, thử thách của nó để mình vượt lên...

*       Bất cứ khi nào mình cảm thấy nuối tiếc thời tuổi trẻ của mình đang dần trôi qua, thì mình lại càng phải biết quý trọng và sống thật có ích giây phút hiện tại, để sau này tuổi già của mình sẽ không còn phải tiếp tục tiếc nuối nữa...

*       Đừng đợi đến khi già mới biết nghĩ đến tuổi già. Ngay khi còn trẻ, hãy biết nghĩ về tuổi già đang chờ đợi mình để biết quý trọng tuổi trẻ của mình và sống thật có ích, thật hạnh phúc với những năm tuổi trẻ của mình...

*       Một trong những điều mà ít ai chịu nói với bạn khi bạn còn trẻ, đó là: tuổi già có thể đến rất nhanh, đến nỗi chính bản thân ta cũng không ngờ...

*       Hạnh phúc của tuổi trẻ là được sống yêu đời, được làm việc say mê và đem lại những điều tốt đẹp nhất cho cuộc đời. Hạnh phúc của tuổi già là được nhìn lại những năm tháng tuổi trẻ đầy ý nghĩa của mình...

6. Nghỉ ngơi đầy đủ

Những mệt mỏi của thể xác sẽ kéo theo những mệt mỏi, chán nản về mặt tâm lý. Nhiều khi công việc hằng ngày bị quá tải, những gian nan vất vả của cuộc sống làm cho chúng ta thấy cuộc sống của mình chẳng hề đáng yêu một chút nào. Những lúc như vậy, bạn cần thiết phải tạm nghỉ ngơi. Không thể phủ nhận việc nghỉ ngơi sẽ đem lại cho chúng ta những ích lợi ở các mức độ khác nhau:

Về thể chất:

Sự nghỉ ngơi giúp chúng ta chống lại ảnh hưởng của những cơn căng thẳng bằng cách giảm mức độ căng thẳng các cơ bắp của toàn bộ cơ thể, giảm nhịp đập của tim cũng như nhịp thở gấp; mạch máu có thể giãn nở, và bộ máy tiêu hoá có thể hoạt động một cách có hiệu quả hơn. Nhìn chung, sự nghỉ ngơi và thư giãn đem đến cho cơ thể cơ hội cân bằng, cho phép ngăn ngừa những ảnh hưởng xấu của những căng thẳng quá mức mà chúng ta phải đương đầu trong cuộc sống hằng ngày.

Về cảm xúc:

Sự nghỉ ngơi, thư giãn cho phép chúng ta giải tỏa những giận dữ, căng thẳng, lo lắng, thay thế chúng bằng cảm giác an tâm và khỏe mạnh. Mỗi người chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi những xúc cảm tiêu cực. Thế nhưng, chính nhờ có sự nghỉ ngơi, thư giãn mà chúng ta giảm được những ảnh hưởng căng thẳng của những xúc cảm tiêu cực này. Khi đó, những cảm xúc của chúng ta sẽ trở nên lành mạnh và tươi sáng hơn.

Về trí tuệ:

Một đặc điểm của sự căng thẳng là mọi thứ đều trở nên trầm trọng, khó khăn đến mức chúng ta không biết xử trí, không biết giải quyết vấn đề nào trước. Thậm chí khó mà tập trung giải quyết bất cứ công việc gì. Chính sự nghỉ ngơi, thư giãn tạo cho chúng ta tâm trạng thông suốt, tạo điều kiện cho những ý tưởng sáng tạo có thể nảy sinh... Bên cạnh đó, trí óc của chúng ta còn có thể tìm kiếm được những giải pháp hợp lý, nhằm tháo gỡ những vấn đề mà lâu nay chúng ta chưa thể giải quyết được.

Về tâm đức:

Sự nghỉ ngơi, thư giãn cho phép chúng ta có thời gian bình tâm suy nghĩ lại về những biến cố đã xảy ra trong cuộc đời mình. Qua đó chúng ta nhận ra được tầm quan trọng và ý nghĩa của cuộc đời mình đang sống. Chúng ta có dịp chăm lo những tư tưởng, cảm xúc và cả thể chất của mình. Trong cuộc sống, thỉnh thoảng mỗi người chúng ta cũng cần có một không gian riêng, không phải bận rộn chuyện gì cả, tạm thời xa lánh những đám đông ồn ào, những công việc bận rộn, những thói quen sinh hoạt cứng nhắc hằng ngày để đầu óc được thảnh thơi suy nghĩ về bản thân mình: “Mình là ai?”, “Mình phải sống như thế nào?”, “Cuộc đời mình đi về đâu?”,... Để rồi sau đó, khi quay trở lại với công việc và cuộc sống thường ngày, chúng ta biết sống có ích, biết hợp tác với người khác một cách hiệu quả và nhân ái hơn!

                               7. Chăm sóc giấc ngủ

Nhịp sống hiện nay mỗi ngày một gấp gáp hơn, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Vì công việc và vì nhiều nguyên do khác trong cuộc sống, nhiều người chúng ta bị thiếu ngủ. Chính vì vậy, chúng ta cần quan tâm đến việc chăm sóc giấc ngủ của mình mỗi ngày:

*       Giảm bớt lượng cafein hằng ngày:

Bạn không chỉ hạn chế uống cà phê mà còn nên tránh dùng những thức uống như: trà, coca cola, và sô-cô-la. Bạn nghĩ gì về những loại thức uống như nước tăng lực chẳng hạn? Trong đó cũng chứa caffein đấy! Nếu lâu nay bạn là một người nghiện cà phê, thì việc hạn chế uống cà phê sẽ khiến bạn có thể bị đau đầu hoặc những triệu chứng khác của việc “cắt cơn nghiện” cà phê. Nhưng nếu bạn có ý chí và quyết tâm, thì việc sớm “cắt cơn nghiện” cà phê, xét về lợi ích lâu dài, sẽ giúp cơ thể bạn tìm được thế cân bằng bình thường trước giờ đi ngủ.

*       Đừng sử dụng những thức uống có cồn:

Đây là một cách để giúp mình dễ ngủ hơn! Uống nhiều loại thức uống có cồn trước khi đi ngủ sẽ khiến cơ thể sản xuất ra một loạt noradrenalin – một loại hoạt chất tự nhiên của cơ thể khiến bạn thức dậy ngay vào lúc 3 giờ sáng và không thể chợp mắt lại được!

*       Nếu bạn có thói quen làm việc vào buổi tối:

Bạn phải ngưng làm việc ít nhất là một giờ trước khi đi ngủ. Điều này tạo cơ hội cho trí óc và cả cơ thể của bạn thư giãn trước khi đi ngủ. Bạn sẽ tránh được việc đưa những nỗi lo âu, trằn trọc vào giấc ngủ.

*       Tắm nước nóng trước khi đi ngủ:

Các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, việc tắm trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn!

*       Đảm bảo bạn sống và làm việc ở nơi có đủ ánh sáng vào ban ngày:

Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, ánh sáng ban ngày như vậy khiến bạn luôn luôn phải tỉnh táo cả ngày, nhờ đó bạn sẽ buồn ngủ và có được giấc ngủ sâu vào ban đêm.

*       Nếu vào ban ngày có quá nhiều chuyện:

Những việc xảy ra khiến bạn phải lo lắng, hoặc bạn sợ rằng mình sẽ quên một điều gì đó... và bạn không sao chợp mắt được. Bạn hãy lấy một mảnh giấy và viết ra mọi chuyện khiến bạn phải lo lắng, rồi đặt mảnh giấy đó vào một chiếc hộp. Sau đó, bạn cất chiếc hộp ấy đi và tự nhủ với mình rằng mọi việc hãy còn nguyên ở đó cho đến sáng ngày mai khi bạn thức dậy.

*       Nghe một đĩa nhạc:

Giai điệu du dương, êm đềm sẽ khiến bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn. Hoặc bạn có thể nghe nhạc vào những giờ nghỉ giải lao, khiến đầu óc giảm bớt căng thẳng cũng khiến bạn dễ dàng đi sâu vào giấc ngủ.

*       Rèn luyện thân thể:

Khi cơ thể bạn thấm mệt sau những buổi luyện tập thân thể đầy hào hứng, bạn sẽ dễ dàng chìm sâu vào giấc ngủ ngon lành.

*       Dùng bữa tối với những món nhẹ:

Tránh dùng sữa hoặc những thức ăn có chất kích thích như tiêu, tỏi, ớt... Không gì dễ khiến người ta tỉnh thức cho bằng cái dạ dày luôn phải làm việc suốt đêm!

*       Trang trí phòng ngủ:

Trong phòng ngủ, bạn nên trang trí bằng những màu sắc dịu, tạo cảm giác nhẹ nhàng để bạn dễ đi vào giấc ngủ.

*       Đừng đặt vô tuyến truyền hình trong phòng ngủ:

Bạn phải đảm bảo rằng, khi mình đã bước vào phòng ngủ thì chỉ còn mỗi một chuyện là nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe lẫn trí óc. Khi đó, bạn không còn phải bận tâm vào bất cứ một phương tiện kỹ thuật hiện đại nào của cuộc sống hằng ngày nữa!

8. Làm gì để vui sống trong hiện tại?

Quan sát cuộc sống chúng ta thấy rằng, trong rất nhiều trường hợp, có những người luôn tỏ ra vui sống và thành công trong công việc hơn so với những người khác. Vì sao vậy? Điều đó không phải chỉ là quà tặng đặc biệt của tài năng, mà là do họ đã biết khai thác những kỹ năng sống của họ. Chúng ta cũng có thể học tập những kỹ năng sống của họ, để luôn vui sống và thành công trong công việc nhiều hơn:

*       Tạm chấp nhận hoàn cảnh:

Mỗi người đều có hoàn cảnh sống khác nhau. Hoàn cảnh sống không phải lúc nào cũng thuận lợi như ý muốn chủ quan của chúng ta. Thái độ sống của bạn có thể là bất mãn hoặc cam chịu với hoàn cảnh sống của mình. Điều đó cũng có nghĩa là bạn để mặc mọi thứ muốn ra sao thì ra ư? Không! Bạn phải lựa chọn một thái độ sống tích cực hơn. Đó là: làm những gì tốt nhất mà bạn có thể làm để từng bước cải biến hoàn cảnh của bạn. Một khi bạn biết tạm chấp nhận hoàn cảnh, bạn sẽ tìm thấy những phương cách để từng bước cải thiện cuộc sống của mình, tạo nên động lực thúc đẩy bạn vui sống.

*       Không chỉ suy nghĩ tích cực, mà còn phải hành động tích cực:

Những suy nghĩ tích cực về hoàn cảnh sẽ giúp bạn tránh được thái độ trầm trọng hóa vấn đề, và nhờ đó bạn có thái độ đánh giá đúng đắn về hoàn cảnh, khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn. Nhưng bạn đừng nên chỉ ngồi suy nghĩ và thụ động chờ đợi những cảm nghĩ tích cực đến với mình, mà phải bắt tay ngay vào hành động. Suy nghĩ và hành động có ảnh hưởng đến nhau. Nếu bạn muốn mình là người hạnh phúc, bạn hãy chủ động đem niềm vui đến với người khác. Nếu bạn muốn mình là người có lòng nhân ái, thì hãy hành động với tất cả tấm lòng yêu thương vì người khác. Nếu bạn muốn mình trở nên thân thiện với mọi người, bạn hãy cư xử với mọi người bằng tấm lòng thân thiện...

*       Hãy tự hỏi: mình cần làm những gì?

Những điều tốt đẹp không phải ngẫu nhiên từ trên trời rơi xuống. Sự phàn nàn, kêu ca chẳng đem lại cho bạn điều gì cả ngoài việc làm cho bạn trở nên thân thiết với những người cũng có tật thích kêu ca, phàn nàn. Nếu bạn tin rằng “những gì mình gặt hái được là do chính bàn tay mình gieo trồng”, thì bạn sẽ xác định được những công việc mà mình cần làm để cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa hơn là cứ kêu ca, phàn nàn, trách móc.

*       Tích cực thay đổi:

Sẽ thật là trái với quy luật phát triển khi mọi thứ cứ dậm chân tại chỗ. Nếu bạn muốn mọi chuyện cứ dậm chân tại chỗ, không muốn thay đổi, thì chắc chắn bạn sẽ phải thất vọng. Nếu bạn để cho “nỗi lo phải thay đổi” ngăn cản bạn vui sống, thì thực chất là bạn đang “đồng tình” từ bỏ những mục đích sống cao đẹp mà bạn mơ ước. Có thể bạn nghĩ rằng, sự thay đổi sẽ gây thiệt hại hay làm xáo trộn cuộc sống của mình và bạn không muốn có sự thay đổi. Tuy nhiên, bạn có thể chờ đợi sự thay đổi và tin tưởng rằng, nó sẽ đem lại cho bạn những điều tốt đẹp hơn. Tất cả đều tùy thuộc ở chỗ, bạn có tin tưởng vào sự thay đổi hay không?

*       Không bỏ cuộc khi gặp thất bại:

Khi bạn gặp những thất bại trước mắt, thì điều đó không có nghĩa là những ước mơ của bạn sẽ không thành hiện thực; nó cũng không phải là bằng chứng thất bại khiến bạn phải bỏ cuộc. Nó chỉ đơn giản có ý nghĩa là bạn cần làm việc nhiều hơn, cần học hỏi, tích luỹ nhiều kinh nghiệm hơn. Bạn vẫn luôn tỏ ra vui vẻ khi mình lỡ phạm sai lầm. Đừng từ bỏ mục đích phấn đấu của mình. Đừng bao giờ để cho những trở lực bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình cố gắng của bạn. Bạn hãy vui với từng bước tiến, dù nhỏ, trong quá trình cố gắng của mình.

*       Sống với giây phút hiện tại:

Nếu bạn sẵn sàng hành động trong hiện tại để chuẩn bị cho tương lai, bạn có thể nắm được nhiều cơ hội thuận lợi. Nếu bạn tiếc nuối quá khứ, mờ mịt về hiện tại, bạn sẽ đánh mất nhiều thành công trong viễn cảnh tương lai. Một cuộc sống hiện tại phong phú là một bảo đảm cho tương lai tốt đẹp. Bạn chỉ có thể đem đến những điều tốt đẹp cho tương lai bằng cách làm tốt những gì của ngày hôm nay.

*       Vạch rõ kế hoạch của mình:

Bạn biết sắp xếp mọi việc có thứ tự, sẽ đảm bảo cho bạn tránh được những bực dọc vô lý. Kế hoạch làm việc là điều kiện thiết yếu để làm tốt mọi thứ. Kế hoạch làm việc chứng tỏ rằng bạn đang sử dụng thời gian cho những công việc ưu tiên, cũng như xác định rõ những việc sẽ làm. Kế hoạch rất quan trọng đối với bạn, giúp bạn tiết kiệm thời gian, tiền bạc, sức khỏe và những nguồn lực khác khi đầu tư cho công việc.

9. Biết lắng nghe người khác

Hình như đây là vấn đề đã làm hao tốn nhiều giấy mực nhất. Đó là một vấn đề quá cũ rích rồi, đến nỗi người ta chỉ mới nghe đến nó là phát chán, muốn bịt ngay hai tai lại để khỏi phải nghe làm gì nữa cho mệt. Đó là một đề tài chẳng có gì thú vị, vì biết bao nhiêu sách vở từ trước đến nay bàn về vấn đề giao tiếp xã hội mà lại chẳng bàn tới kia chứ?

Bạn phản ứng như vậy thì chúng tôi xin chịu như vậy. Nhưng mong muốn của chúng tôi là được bàn luận cùng bạn về vấn đề này, nên chúng tôi vẫn cứ nói. Liệu chúng tôi có thể tiếp tục “gân cổ” lên để nói với bạn như vậy được không? Và liệu bạn có còn kiên nhẫn chịu đựng nổi chúng tôi không? Chắc là không! Rồi nếu cả bạn và chúng tôi cứ tiếp tục tranh cãi với nhau, chẳng ai chịu ai, chắc chúng ta sẽ đi đến chỗ bực mình, và rồi bạn gấp sách lại. Thế là xong!

Quả thực, trong cuộc sống, “cố gắng lắng nghe người khác nói” là một điều khó thực hiện nhất. Đó là một lời khuyên mà hầu như trong bất cứ cuốn sách cẩm nang giao tiếp nào cũng đều “dạy dỗ” chúng ta cả, và lặp đi lặp lại nhiều quá khiến chúng ta chẳng còn thấy nó mang một ý nghĩa quan trọng hay sâu sắc gì nữa!

Ngay từ đầu, lúc chúng tôi chưa kịp nói gì, chỉ mới hé sơ cái nhan đề ra thôi, bạn đã la ầm ỹ lên rằng đó là một đề tài cũ rích. Như vậy là bạn hoàn toàn rơi vào chỗ không biết lắng nghe rồi! Và chúng tôi cũng vậy, nếu chúng tôi thấy bạn phản ứng như vậy mà vội tự ái, “bye bye” bạn luôn, chẳng thèm nói thêm gì nữa, thì tức là chúng tôi cũng rơi ngay vào chỗ không biết cố gắng lắng nghe người khác nói. Nếu bạn chê là đề tài cũ rích, thì ít nhất chúng tôi cũng phải biết kiên nhẫn lắng nghe vì sao bạn lại chê nó là cũ rích chứ, đúng không?

Những lời khuyên giản dị nhất lại là những lời khuyên khó thực hành nhất. Chúng ta ai cũng có những tư tưởng, những suy nghĩ, cách nhìn khác nhau về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Chúng ta sống trong những môi trường khác nhau, có đặc điểm cấu tạo hệ thần kinh, não bộ khác nhau, ăn những chất dinh dưỡng khác nhau, có những tình cảm yêu ghét, những thái độ nhìn nhận mọi sự việc khác nhau... Nhiều khi chúng ta khác nhau cả về nền văn hoá, khác nhau về quan điểm, lập trường chính trị... Do đó, nếu mỗi người chúng ta chẳng ai biết cố gắng lắng nghe người khác, thì đến bao giờ những con người sống gần nhau mới có thể hiểu được nhau? Đến bao giờ những người cùng sống chung trên quả đất này mới tìm được tiếng nói chung?

Không thèm cố gắng lắng nghe người khác, chẳng khác nào nói thẳng vào mặt người khác rằng, anh/chị, ông/bà hãy chấm dứt ngay những suy nghĩ trong đầu óc mình đi và đừng tiếp tục suy nghĩ theo kiểu như vậy nữa! Khi phản ứng như vậy, chúng ta thử tự đặt mình vào vị trí của người đối diện, thử hỏi rằng, chúng ta có cảm thấy bị tổn thương không? Tự ái không?

Sau mỗi lần bị rơi vào tình huống như vậy, người ta dễ cảm thấy e ngại khi bộc lộ mình với người khác, bởi người ta chẳng ai muốn phải bị tổn thương lần nữa. Ai cũng muốn mình được yên thân, và thế là, người ta sống với một thái độ khép kín, không dám cởi mở tấm lòng, không dám nói lên những suy nghĩ thực của mình, lúc nào cũng chỉ cố gắng nói những gì mà mình nghĩ sẽ làm cho người khác vui và chịu lắng nghe, cho dù những điều đó có là giả dối đi chăng nữa!

Một xã hội mà ngày càng ít người biết cố gắng lắng nghe nhau thì thật là nguy hiểm. Lúc đó, dù chúng ta có sống trong một thành phố đông dân, mật độ dân số cao, diện tích đất đai chật hẹp, chúng ta vẫn cảm thấy lòng mình trống trải, cô đơn. Mà nếu cứ phải sống như vậy thì khổ quá, làm sao thanh thản, yêu đời cho được?

Cố gắng lắng nghe người khác, đó là cả một nghệ thuật sống đòi hỏi ở ta ý chí mãnh liệt và một tấm lòng thực sự biết quan tâm đến người khác.

 

Trích từ sách: Chìa khóa sống thanh thản

ảnh chỉ mang tính minh họa, Hải Trang

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle