Mang quê hương theo cùng

mangquehuong

Tác giả: Lê Lành

Cũng là đã đứng tuổi, cũng là có địa vị trí thức, lại hàng chục năm tha phương, ấy vậy hắn vẫn giữ nguyên cái tánh bằng nhắng, như khi còn cùng tôi ngày ngày cắp cặp hai buổi tới trường. Tôi với hắn thành bộ đôi thân thiết, hệt như cặp bài trùng diễn viên hài Laurel và Hardy. Tôi khẳng khiu, ít nói, hắn mập mạp, tháo vát, nhất là mau mồm mau miệng. Hắn luôn được mọi người mến, vì cái lối ăn nói mặn mà, lại nhanh chân nhanh tay.

Vừa xuống sân bay, hắn đã bô lô ba la:

- Đừng có nhìn đây bằng nửa con mắt khinh kẻ vong gia thất thổ đó nghe. Còn Việt hơn cả người Việt ấy chứ.

Trên đất người, dân ta vẫn giữ nguyên cái nếp quần tụ đượm tình làng nghĩa xóm. Sáng sáng, ở quán Lee's Sandwiches, dẫu chẳng quen biết gì, các ông vẫn cứ sà xuống ngồi chung bàn, uống với nhau tách cà phê, tíu tít chuyện trò. Ngày nghỉ, bày bàn cờ làm vài ván "cờ ngoài bài trong" om sòm cả một góc, quên hết thời gian, kệ các bà mặc sức đi chợ, đi chùa làm công quả.

Mới tháng 5-2004, khu Midtown giữa thành phố Houston, bang Texas, trương biển Little Sài Gòn. Nay lại thêm đặc khu Bellaire người Việt cả một miệt Tây Nam thành phố, với những chung cư gọi tên là làng Tre, làng Thái Xuân, khối cư dân làm sếp lớn sếp nhỏ tập đoàn máy tính hàng đầu HP Hewlett-Packard.

Ngày 25-3 năm ngoái, tổng lãnh sự quán Việt Nam khai trương đình đám ở Houston - dân số người Việt đã ngót nghét nửa triệu, cả ngàn hãng dầu - khí của các ông chủ gốc Việt.

Hai học giả uyên bác Christopher Arriess và David Clawson kết luận trong tập công trình dày cộm là hơn bất kỳ chủng tộc nào khác, người Việt bao giờ cũng nỗ lực tạo bằng được khung cảnh quê hương nơi định cư. Cứ mười gia đình người Việt ở Houston, chín nhà tận dụng mảnh vườn con, huy động cả những chậu cây cảnh, trồng rau xanh - mùng tơi, dền cơm, mướp hương, khổ qua, bạc hà, húng quế, gừng củ, nghệ vàng... đủ thứ. Nếu rộng rãi, khóm trúc vàng nhuộm màu đầu nhà, đằng sau tốt tươi gốc mía ngọt, như một dấu hiệu nhà người Việt không lẫn vào đâu. Ký giả John Blake coi đó là tâm lý sắc màu quê hương, là hương vị dân tộc của cộng đồng người Việt hôm nay ở Hợp chủng quốc.

Hiroyuki Oki

Rau muống ngày trước ở Mỹ là cỏ dại, phải diệt trừ. Trên kênh rạch, mỗi ngày nó dài ra 4-5 inch, ken thành mảng dày đặc, ngăn chặn dòng chảy, lấn áp cây cỏ, làm thay đổi sinh thái - lắm muỗi. Vậy mà nay Học viện công nghệ MIT ở Massachusetts, nơi tập trung nhiều sinh viên người Việt, tự hào nghiên cứu thành công quy trình công nghệ tiên tiến trồng rau muống - rau "dân tộc" của người Việt đã lên ngôi chính danh tiếng Anh water spinach (spinach là loại rau rất được chuộng ở Mỹ), để cung ứng cho thị trường. Người Mỹ nay cũng thành thạo trộn rau muống chẻ quăn tít với dầu ôliu, giấm chua làm xà-lát cho món sở trường bít-tết lòng đào. Đại học Georgia được hạ viện liên bang cấp phép sử dụng tài nguyên phát triển hệ thực vật Hoa Kỳ nhằm trọng tâm cộng đồng người Việt, như một tiền đề duy trì, phát triển một nền văn hóa cội nguồn đậm bản sắc dân tộc.

Chợ xanh ở Houston họp chồm hỗm mỗi sáng Chủ nhật, ngay trên hè đường dẫn đến Nhà thờ Đức mẹ La Vang. Đâu chỉ là cùng mua cùng bán mà cái chính là gặp gỡ, hàn huyên trăm thứ chuyện trong nhà ngoài ngõ, chuyện xưa chuyện nay. Giá thêm được hàng quán để có chỗ ngồi nghỉ chân, uống bát nước chè xanh, đãi nhau cái bánh, cái kẹo cho chuyện thêm rôm rả như ở chợ quê ngày xưa thì xôm tụ biết mấy.

Giáo xứ La Vang cố mỗi năm đều đặn làm hai cái chợ phiên mang tên Xuân yêu thương và Hạ quê hương với đủ các trò diễn, hát múa, vui chơi có thưởng, có cả hàng quà bánh, thu hút khối dân cư địa bàn. Đã quen cảnh dân Mỹ khéo léo cuốn bánh tráng với bún trắng, rau sống, tôm hồng, thịt ba rọi luộc, gọn gàng chấm nước mắm pha đường, chanh, vài lát ớt đỏ. Đã quen tai lời khen "số dzách" thịt dê nấu nhựa mận ăn với lá mơ tam thể ngon "bá cháy". Rau diếp cá được dịch "bồi" là fish leaf cũng được dân Mỹ "OK".

Nhưng hắn lại coi truyền thống hiếu học của dân ta mới là bản sắc dân tộc thượng thặng số một. Hẳn nghiệm từ chính hắn - được học hành tử tế nên người tử tế. Đó cũng là lời giải thuyết phục trong nghiên cứu của Đại học Michigan. Nhiều người Việt di cư tới Mỹ đâu có mấy học vấn. Số đông lại phải kiếm sống bằng tiền công mạt hạng trả theo giờ. Thế mà hết thảy con cái họ đều được học hành đến nơi đến chốn và học giỏi. Điểm trung bình của chúng là ba phẩy mấy trên thang bốn điểm học đường Mỹ, học trò Mỹ trắng thường chỉ trung bình hai điểm hơn. Không hẳn học trò Việt thông minh hơn, cái chính là thời gian bố mẹ rèn chúng học và làm bài ở nhà ít nhất cũng gấp rưỡi, so với chúng bạn cùng lớp. Đại học Michigan còn thấy ba phần tư các gia đình Việt chỉ nói tiếng mẹ đẻ ở nhà. Thế là thế hệ thứ hai thông thạo tiếng Anh mà vẫn lưu loát tiếng Việt. Từ cái nền nhị trùng ngôn ngữ ấy mà chúng thông minh cũng nên. Trong cuộc thi tiếng Anh toàn liên bang Spelling Bee ở thủ đô Washington, trẻ con Việt luôn nổi trội, nếu không vướng những từ gốc Latin, Hy Lạp, Do Thái... hẳn đã đoạt hạng nhất, nhì.

Hắn tự hào về người bạn gốc Bình Định, kết thân ở Houston. Năm 1984, Bùi Tiến Khôi được phong danh hiệu Nhà thơ công huân thành phố Houston - Houston's Poet Laureat, với chức trách danh dự đọc diễn từ chính thức trong phần lễ các ngày hội văn hóa - xã hội địa phương. Bà thị trưởng Kathy Whitmire vừa cất tiếng giới thiệu thi hào great bard Bùi Tiến Khôi lên đọc diễn văn vận động gây quỹ từ thiện, Warren Buffet ngồi bên liền níu ngay Bùi Tiến Khôi lại, hỏi "bard" có nghĩa là gì. Nhà tỉ phú số hai nước Mỹ, có bằng thạc sĩ MS này chỉ biết mỗi từ poet là nhà thơ, còn bard là thi hào thì mù tịt.

Bữa ra sân bay về lại Mỹ, hắn cứ cố làm ra vẻ thật bắng nhắng. Nâng niu hai cây cau giống mà bọn tôi thật khốn khổ khốn nạn mới kiếm được và chạy đủ giấy tờ thủ tục cho hắn mang theo. Hắn mua một chai nước tinh khiết, chốc chốc lại vảy từ lá đến cái bàu bã chè phơi ải tơi xốp, chỉ sợ nó héo lá, tàn thân, chết rễ. Huyên thuyên với cô tiếp viên hàng không là sẽ cho dây trầu không quấn lấy thân cau, bên hòn non bộ đá vôi, y chang sự tích trầu cau. Sau này, thằng cháu đích tôn làm đám hỏi, cưới vợ, dứt khoát có buồng cau dẫn lễ... Nhưng giấu sao nổi cái bứt rứt, cái bịn rịn phải lên đường. Hắn cứ cố khỏa lấp bằng câu hát "Hoa cau rụng trắng ngoài thềm", bằng vần thơ "Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên". Tội nhất, hắn như muốn khóc hỏi mượn cây viết, nguệch ngoạc lên mặt sau tờ khai hải quan khổ thơ sáu chữ của Thanh Trúc để nhẩm trên máy bay: "Gởi anh nắm cỏ ven đê. Chút hương là hương cau trắng. Sáo diều là diều đê mê...".

Trong hành lý của hắn có nguyên một con diều tre phết giấy dó. Nhưng chắc chỉ để treo trong phòng sinh hoạt gia đình, chứ làm sao thả được ở Houston.

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle