Tác giả:
Võ Hoàng Nguyên
Trong một hội thảo tôi
từng tham dự, có diễn giả đã đề cập đến mối quan hệ giữa Túi văn hoá và Túi tiền. "Mỗi người đều có hai cái túi.
Nếu túi văn hoá đầy trước khi túi tiền đầy thì tiền của họ sẽ đem lại điều tốt
cho xã hội. Ngược lại, nếu túi tiền đầy trước, đầy thật
nhanh, mà túi văn hoá còn cạn rỗng, thì tiền của họ sẽ được tiêu pha vô bổ, có
khi đến mức khuynh đảo xã hội".
Suy ngẫm về hai chiếc túi này, có lẽ càng cần
thiết khi gần đây hàng loạt những câu chuyện liên quan đến việc xài sang của đại
gia, scandal đại gia trả dâu... làm xôn xao dư luận.
Người đầy cả hai túi
Theo tôi, đó là những người làm "đầy túi"
theo
phương thức chân chính và có thái độ ứng xử, đặc biệt là ứng xử với đồng tiền
một cách văn hóa. Không ai có quyền hoài nghi hay "dè bỉu" sự giàu có chính đáng,
bởi nó được xây dựng trên một nền tảng vững chắc, là kết tinh mồ hôi, trí tuệ
của một người.
Chẳng hạn, một doanh nhân gia tăng giá trị cho
doanh nghiệp mình, đồng thời cũng đóng góp cho phát triển vĩ
mô của nền kinh tế nước. Một người buôn bán, nhờ đầu óc nhạy
bén, phát hiện được chênh lệch cung - cầu, để tìm cách đáp ứng, qua đó đem lại
lợi ích cho xã hội. Một quan chức mẫn cán phục vụ người dân
theo
tinh thần dân là người trả lương cho mình... Họ có những cách thức làm "đầy túi"
khác nhau tùy theo vị trí của mình, nhưng tựu chung lại
là đều chính đáng, và góp phần xây dựng cái chung.
Với đồng tiền khó nhọc mới kiếm được, những người
này hiếm khi tiêu xài phung phí, hay khoe của hợm hĩnh. Bởi đối với họ siêu xe, hàng hiệu, hay biệt thự không tạo nên giá trị con người.
Cái họ hướng đến là sử dụng tài sản của mình theo cách tạo ra giá trị tối đa không chỉ cho bản thân mà còn
cho nhiều người nhất có thể.
Người ta sẽ không thấy
những người này rầm rộ đi làm từ thiện, công tác xã hội với tiền hô hậu ủng, và
những phát ngôn khoa trương trên truyền thông. Nhưng mọi việc họ làm dù rất âm thầm, luôn hướng đến hiệu quả cuối
cùng và đến đối tượng cần trợ giúp (chứ không phải để tôn vinh họ trong mắt mọi
người).
Không chỉ vậy, với danh tiếng, địa vị được xã hội
công nhận, họ góp phần động viên, nêu gương cho nhiều người khác, đặc biệt là
lớp trẻ, biết cách đóng góp cho xã hội để làm giàu chân chính.
|
Túi tiền đầy có bù đắp được túi văn hóa rỗng?
Ảnh minh họa
|
Túi tiền đầy mà túi văn
hoá rỗng
Ngày nay, khi chúng ta
ngày càng được "thoáng đãng" hơn về mặt thể hiện cá nhân và sự giàu có, mọi
người đều được khuyến khích làm giàu, vấn đề chênh lệch hai túi lại càng thể hiện
rõ. Đối với không ít người giàu có, dường như túi văn hóa đang phải...
tuyệt vọng đuổi theo túi tiền của họ.
Hàng loạt những tin giật gân trên báo đăng tải về
những trò phô trương, khoe mẽ một cách phản cảm của giới "đại gia" trong một xã
hội mà vẫn còn biết bao đứa trẻ không đủ miếng cơm qua ngày. Báo giới cũng đã
đua nhau khai thác những thông tin này để thu
hút độc giả. Và liệu những thông tin giật gân ấy có vô hình
trung cổ suý những cách làm đầy túi tiền mà bỏ mặc túi văn hoá đang cạn dần,
đang thủng đáy? Liệu thế hệ kế thừa chúng ta nghĩ gì về
hiện tượng này?
Cách vung tiền của những
người này dễ khiến người ta hoài nghi về cách đồng tiền được làm ra. Bởi trong xã hội ngày nay, không thiếu những doanh nhân "bắt thóp"
được những kẽ hở chính sách quản lý vĩ mô của nhà nước
để làm giàu. Không thiếu quan chức nhà nước làm lợi dụng địa vị để tham nhũng,
lợi dụng ưu thế thông tin để "đón gió", chớp thời cơ làm giàu.
Túi tiền kiếm được theo cách thức đó có đầy lên cũng không bù đắp lại được sự
khiếm khuyết về nhân cách trong túi văn hoá, và chẳng đem lại lợi ích nào dài
hạn cho cộng đồng, cho cái chung. Thậm chí, túi tiền của họ
càng đầy chỉ càng đục khoét, làm mục ruỗng xã hội, đất nước.
Với những người này, đồng
tiền là công cụ vạn năng, là thang bậc đánh giá con người, và khẳng định uy thế
của họ.
Hai túi đều rỗng
Từ trước đến nay, chúng
ta mới chú ý nhiều đến những đối tượng đầy túi tiền, rỗng túi văn hóa. Nhưng không phải không có một vấn đề đặt ra là
có những người rỗng... cả hai túi. Không chỉ cái giàu
khiến người ta dễ biến chất, mà cả cái nghèo cũng có thể dẫn đến những bức bách,
hạn chế tầm văn hóa của con người.
Có lẽ đó là lí do tại sao, khó có thể nói đến xây
dựng một xã hội văn minh khi người dân còn nghèo đói. Những mưu sinh, vật lộn
hàng ngày để kiếm miếng cơm, manh áo đôi khi có thể làm con người ta làm trái
với bản chất tốt đẹp của mình, tìm đủ mọi cách lấp đầy túi tiền đang rỗng.
Những "nạn nhân" này sẽ hướng giấc mơ của mình vào đâu?
Vận may trên tờ vé số, trong những cuộc đỏ đen, hay tệ hại hơn là trộm cắp, mại
dâm, v.v...?
Hệ luỵ ít được cảnh báo
là lớp công dân trẻ của đất nước. Họ hầu hết là những người còn
đang rỗng cả hai túi, và chưa đủ trải nghiệm để vượt qua những cám dỗ của xã
hội. Liệu họ có bị lôi cuốn vào cái vòng xoáy khát
tiền, và thay vì nỗ lực vươn lên, lại tìm cách để giàu lên nhanh chóng, bất chấp
cách thức?
Những cơ hội làm giàu
ngày càng mở ra, và không ít cơ hội giàu nhanh. Nhưng đối với những người trẻ, phải chăng việc
cần làm là sớm trang bị cho họ một nền tảng văn hóa vững vàng, để không bị hoa
mắt trước sự giàu có, và để khi đã làm đầy được túi tiền của mình, họ sẽ trở
thành những "đại gia" có văn hóa, những công dân hữu ích cho xã hội?
Ngoài ra, còn phải kể đến
những cậu ấm cô chiêu chưa biết cách sống mà túi tiền lại được bố mẹ nâng niu
rót cho lúc nào cũng đầy ắp. Túi tiền mình rỗng mà lại xài túi của bố mẹ,
thoả sức tung
hoành trong những cuộc ăn chơi thác loạn.
Hình ảnh này cũng rất
giống với những người lớn hai túi rỗng, nhưng túi tiền thì xài "ké" túi của xã
hội. Một ván cờ ăn thua nhau hàng tỷ đồng thì
tiền đó chỉ có lấy ở túi dân mà ra. Những trường hợp này nếu không bị lên
án và xử lý thích đáng thì sẽ trở thành gương xấu cho giới trẻ.
Liệu chăng đã đến lúc chúng ta đều nên "cân" lại
hai chiếc túi của mình, để biết mình đang đứng ở đâu, và quyết định cần làm đầy
cái túi nào trước để không gây ra những hậu quả lâu dài cho nhiều thế hệ sau?
tuanvietnamnet