Sarvodaya
do tiến sĩ A.T. Ariyaratne, một giáo viên khoa học tại một trường trung học Phật
giáo danh giá ở Sri Lanka, thành lập vào năm 1958, khi ông cùng với một số giáo
viên và những học sinh của mình khởi xướng những “trại làm việc vào các ngày
nghỉ” tại những ngôi làng nghèo ở đất nước này. Ý muốn ban đầu của Ariyaratne là
để giúp các học sinh thành thị trải nghiệm thực tế về tình cảnh và điều kiện
sống của người dân tại các ngôi làng, qua đó đánh thức trách nhiệm bản thân, dấn
thân làm việc vì con người và cộng đồng xã hội. Khởi đầu, công việc mà
Ariyaratne và những thành viên của ông thực hiện vào các ngày nghỉ là xây dựng
những nhà vệ sinh công cộng, đắp đường, xây dựng và tu sửa trường học, đền chùa,
làm vườn và trồng trọt… tại những ngôi làng.
Công việc của
Ariyaratne và nhóm của ông đã tạo nên những kết quả thiết thực từ bước đầu, do
đó đã nhận được sự hưởng ửng của nhiều người. Và chỉ sau một vài năm, những “trại làm việc vào các ngày nghỉ” đã
có mặt tại nhiều ngôi làng trên khắp đất nước Sri Lanka.
Chương trình hoạt động của tổ chức này dần được chuyển đổi và
mở rộng. Sau hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, Sarvodaya hiện đang
là tổ chức phi chính phủ lớn nhất ở Sri Lanka với các chương trình làm việc đa
dạng ở 15 ngàn ngôi làng trên tổng số 38 ngàn ngôi làng ở đất nước này. Và tổ
chức này cho rằng đã có 11 triệu người được hưởng lợi ích từ một trong các đề án của họ.
Nền Tảng Triết Học của
Tổ Chức
Tên đầy đủ của tổ chức là Sarvodaya Shramadana. Khái niệm Sarvodaya được Ariyaratne vay mượn lại từ Mahatma Gandhi.
Sarvodaya, với nghĩa đen “nâng lên tất cả”[1],
được Gandhi giải thích trong tự truyện của mình với ý nghĩa “làm lợi ích tất cả”,
đã trở thành một khái niệm đạo đức xã hội then chốt trong công cuộc đấu tranh
của Mahatma Gandhi.
Ở một gốc độ, Ariyaratne đã chịu ảnh hưởng những tư tưởng của
phong trào Sarvodaya của M. Gandhi. Quan điểm về một xã hội bảo đảm sự độc lập, tự
trị và tự phát triển bằng việc đi theo những nguyên tắc không truy đuổi chủ
nghĩa vật chất, thực hiện con đường tâm linh bất bạo động, cống hiến và tôn
trọng lẽ phải của phong trào Sarvodaya ở Ấn đã tạo cảm hứng cho Ariyaratne.
Cách sử dụng lại khái niệm Sarvodaya cũng thể hiện một phần sự ảnh hưởng đó.
Tuy nhiên, cho dù một mặt thừa nhận có sự vay mượn tư tưởng từ phong trào
Sarvodaya ở Ấn, Ariyaratne cho rằng tổ chức của ông được đặt nền tảng nơi triết
học Phật giáo và văn hoá Phật giáo Sri Lanka. Việc ông giải thích khái niệm Sarvodaya là “thức tỉnh tất cả” một
phần thể hiện điều này.
Mahatma Gandhi xây dựng nền tảng triết học xã hội của mình trên
Bhagavad-gita. Triết học Bhagavad-gita hướng con người tìm về
một Tự Ngã chân thật. Và theo M. Gandhi, thấy được Tự
Ngã chân thật là giúp thực hiện rốt ráo Karma Yoga, hành động xả kỷ tuyệt đối,
và đây là cơ sở để người ta hành động xã hội vì lợi ích của tha nhân bằng một
tinh thần không thủ chấp.
A.T Ariyaratne xây dựng
nền tảng triết học hành động xã hội của mình chính yếu trên triết học Phật giáo,
với các giáo lý như Vô thường, Vô ngã, Duyên sinh, Trung Đạo, Bất bạo động và Tứ
diệu đế. Và những giáo lý này đã được Ariyaratne giải thích
theo cách của ông để có thể thích ứng với ngữ cảnh xã hội.
Thấy rõ khổ là một điều quan trọng trong con đường tu đạo, nhưng
đó cũng là một điều cần thiết để tiến đến thực hiện những việc làm vì lợi ích
của con người và cộng đồng. Từ thời điểm khởi đầu,
Ariyaratne đã để các học sinh của mình trải nghiệm thực tế về những điều kiện
của người dân tại các ngôi làng, lắng nghe người dân và thấy rõ được những khổ
đau của họ, và sau đó dấn thân làm việc vì lợi ích của người dân ở đó.
Nguyên nhân của khổ đau không chỉ có gốc rễ từ những trạng thái tâm thức, hay
được nhìn từ cái nhìn triết học, mà còn có liên hệ đến những điều kiện thực tế
của xã hội ngoại tại. Ariyaratne đã nói như sau: “Thứ nhất, bên trong tâm
thức hay tiến trình suy nghĩ của chúng ta có một số những ô nhiễm mà chúng ta
cần nhận diện và tẩy trừ nó. Thứ hai, chúng ta phải nhận thấy
rằng có những dây xích kinh tế xã hội bất công và thiếu đạo đức xiềng phần đông
người ta vào trong vòng nô lệ.” (Gombrich & Obeyesekere,
tr. 245). Ở một nơi khác, Ariyaratne cho rằng nguyên nhân của khổ đau là
do thói tự kỷ, ngờ vực, tham lam và cạnh tranh. Và để giải trừ
khổ đau người ta cần “chia sẻ lao động” (shramadana) để qua đó một mặt
thúc đẩy sự phát triển xã hội, và mặt khác nhận thức sự vô ngã ở nơi mình.
Kinh nghiệm về vô
thường và sự tương thuộc (duyên sinh) để phát triển một nhận thức sâu sắc hơn về
bản chất con người và xã hội. Những nguyên nhân khổ đau của con người và xã hội
là có thể thay đổi được. Và vì giữa con người và con người, giữa con người và xã
hội đều có sự tương thuộc, nên người ta phải có trách nhiệm đối với người khác,
đối với xã hội và đối với môi trường sống. Châm ngôn của Sarvodaya là, “chúng ta
xây dựng những con đường, và những con đường xây dựng chúng ta.” Đây là một cái
nhìn theo giáo lý “duyên sinh”. Người ta cần
giúp tha nhân và xã hội trở nên tốt hơn, và chính nơi một cồng đồng tốt, người
ta sẽ có những điều kiện thuận lợi để phát triển bản thân. Con người và
con người, con người và xã hội luôn tương tức.
Giáo lý vô ngã là nền tảng cho việc phát khởi lòng từ bi. Với tâm thức vô ngã, những thành viên của tổ
chức sẽ làm việc với tinh thần xả kỷ, không thủ chấp, tất cả vì lợi ích của tha
nhân và cồng đồng. A.T Ariyaratne giải thích học thuyết vô ngã nghiêng về phương diện
tâm lý, hơn là siêu hình.
Sarvodaya cũng nhấn
mạnh vào nhưng giáo lý khác như Tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ và xả.
Nhưng từ bi không chỉ là một thứ tình cảm đạo đức, mà hơn thế là hành động đạo
đức. Thương yêu tha nhân thôi không đủ, cần phải làm
việc vì người khác.
Thiền định là một phương diện quan trọng trong sinh hoạt của
Sarvodaya, và thiền định được kết hợp với hành động xã hội. Các thành viên của tổ chức thực hành thiền
định mỗi ngày ba lần, vào đầu ngày, giữa ngày và cuối này, để làm thanh tịnh tâm
thức, qua đó “thức tỉnh” nhận thức và hành động của họ. Sarvodaya chú
trọng vào phương pháp thực hành từ bi quán, để qua đó, theo
A.T Ariyaratne, nhằm làm sanh khởi một “năng lượng yêu thương.” Và với tâm thức
trong sáng, tỉnh giác và năng lượng yêu thương, người ta dấn thân làm việc vì
lợi ích của tha nhân và cộng đồng.
Tinh thần không gây hại
và bất bạo động (ahimsa)
được xem là nguyên tắc căn bản để xây dựng và phát triển một xã hội hoà bình. A.T Ariyaratne được xem là “Gandhi của Sri Lanka” bởi vì đã lấy cảm
hứng xây dựng một xã hội bất bạo động từ M. Gandhi.
Tuy nhiên, tinh thần bất bao động của phong trào do M. Gandhi khởi xướng vốn có
gốc rễ của nó từ Kỳ-na giáo và Phật giáo. Chính M. Gandhi cũng
thừa nhận rằng tinh thần bất bạo động của ông là kế thừa từ đức Phật Thích Ca.
Bố thí (dana) cũng được Sarvodaya nhấn mạnh. Nhưng bố thí đã được
giải thích theo một nghĩa rộng hơn. Bố thí được giải
thích như là sự chia sẻ và hiến tặng thời gian và công sức để
lao động vì lợi ích của tha nhân và cộng đồng. Sarvodaya nhấn mạnh vào khái niệm Shramadana mà nó được ghép vào đặt
tên cho tổ chức.
Khái niệm này được hiểu như là sự “chia sẻ lao động”, hay định
nghĩa rộng hơn là “chia sẻ công việc, tri thức, năng lực và thời gian.”
Và khái niệm này đã được chuyển thành những hành động cụ thể, và được cho là đã
ảnh hưởng mạnh mẽ đến những tổ chức xã hội khác ở Sri Lanka.
Bên cận, Sarvodaya đặt
ra những nguyên tắc và bổn phận làm việc cụ thể cho những thành viên của mình,
mà cho thấy những điều này đã được rút ra từ các kinh sách Phật giáo, đặc biệt
kinh Sigālovāda (Gombrich & Obeyesekere, tr. 249).
Những Lĩnh Vực Phát
Triển
A.T Ariyaratne đã đồng nhất khái niệm phát triển với khái niệm
tỉnh thức, phát triển đồng nghĩa với việc làm tỉnh thức. Có 6 lĩnh vực mà
Sarvodada tập trung vào: tâm linh, đạo đức, văn hoá, xã hội, kinh tế và chính
trị. A.T Ariyaratne cho rằng “Một cách lý tưởng và cơ bản, sự phát triển là tiến
trình làm thức tỉnh các cá nhân, các gia đình, các cộng đồng nông thôn, các nhóm
thị thành, quốc gia và thế giới nói chung. Việc đánh thức này gồm sáu lĩnh vực, đó là: tâm linh,
đạo đức, văn hoá, xã hội, kinh tế và chính trị. Cần có sự phát triển cân đối
đồng bộ các lĩnh vực này, mặc dù, tại một thời điểm cụ thể, một số trong các
lĩnh vực này có thể được nhấn mạnh hơn.”
Lĩnh vực đầu tiên mà Sarvodaya tập trung vào là con người, và đây
là lĩnh vực quan trọng nhất quyết định những lĩnh vực còn lại.
Căn nguyên của nghèo đói, theo cách nhìn của
Ariyaratne, là do sự bất lực của cá nhân và cộng đồng. Làm thức tỉnh con người
là khơi dậy lại năng lực nơi họ.
Đặt cơ sở trên nền tảng
triết học và đạo đức xã hội Phật giáo, thức tỉnh con người là thức tỉnh những
đức tính từ bi hỷ xả, và khuyến khích con người thực hành theo tứ nhiếp pháp,
gồm chia sẻ (bố thí sức lao động, tri thức, năng lực và thời gian), dùng từ ngữ
hoà ái để tạo nên các mỗi liên hệ xã hội tích cực (ái ngữ), làm việc vì lợi ích
của người khác (lợi hành), và cùng chung làm việc để phát triển con người và xã
hội (đồng sự).
Nhưng để phát triển
những đức tính tốt nơi con người, trước hết cần phải nhận diện điều kiện sống và
những nhu cầu căn bản của con người. Vì Sarvodaya tập trung vào việc phát triển
những ngôi làng nông thôn, nên những nhu cầu căn bản của người dân mà tổ chức
nhằm đến là: một môi trường sạch đẹp, cung cấp đủ nước uống sạch, có đủ quần áo,
chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng và cân bằng, nhà ở đơn giản, chăm sóc sức khoẻ căn
bản, phương tiện thông tin cơ bản, đủ điện dùng, giáo dục toàn diện, nhu cầu văn
hoá và tâm linh.
Ở Sri Lanka, cộng đồng
dân cư ở những ngôi làng chiếm đến 90 phần trăm dân số quốc gia. Và các cộng
đồng làng xã đóng chức năng quan trọng trong xã hội, được ví như là “trái tim của quốc gia” và là nguồn của các giá trị đạo đức và tâm
linh (Bond, tr. 7). Do đó việc phát triển các cộng đồng nông thôn cũng được xem
là phát triển cộng đồng xã hội nói chung.
Chương trình phát triển
tại một ngôi làng được Sarvodaya thực hiện bao gồm năm bước:
Bước 1: Tìm hiểu về
ngôi làng và thiết lập một trại shramadana (tức một nhóm làm việc
theo
các chương trình của Sarvodaya) ban đầu cho làng, và trong thời gian này các vấn
đề và những nhu cầu của làng sẽ được xem xét và nhận diện.
Bước 2: Thiết lập những
nhóm khác nhau, xây dựng các trung tâm phát triển trẻ em và huấn luyện thành
viên, chính yếu là huấn luyện lớp trẻ để họ trở thành những người tổ chức cho sự
phát triển ngôi làng.
Bước 3: Chương trình
đáp ứng những nhu cầu cơ bản và thành lập các cơ sở.
Bước 4: Tạo
thu nhập và công ăn việc làm; thiết lập sự tự lực và tự hạch toán.
Bước 5: Hỗ trợ những
ngôi làng khác.
Những đề án và chương
trình phát triển nông thôn của Sarvoday có thể tập trung vào những điểm chính
sau: xoá đói nghèo và trao quyền cho người nghèo; chương trình phát triển trẻ
em; dịch vụ kỹ thuật nông thôn; chương trình xí nghiệp nông thôn; uy ban hành
động của người lớn tuổi; xây dựng các cơ sở từ thiện và giáo dục; phục hồi những
người nghiện và những người phạm tội vị thành niên; phát triển đội ngũ thanh
niên tham gia vào việc phát triển quốc gia; thành lập những đề án sinh lợi như
lập nhà máy in và xưởng chế tạo xe lăn; thành lập quỹ tín dụng và ngân hàng, và
những chương trình hoạt động khác.
Sarvodaya xây dựng một
mô hình kinh tế theo cách của họ để phát triển các ngôi
làng nông thôn. Tuy nhiên, theo Ariyaratne, kinh tế
không phải là mục đích sau cùng của tổ chức. Nó chỉ được xem như là “phương tiện” để đi đến việc xây dựng một xã
hội có văn hoá và đạo đức.
Người dân cần có đời sống vật chất căn bản, để qua đó có thể dễ dàng phát triển
đời sống đạo đức và tâm linh, bởi vì “người ta không thể nghe Pháp (dhamma)
khi dạ dày trống rổng” (Macy, tr. 32).
Kinh tế là cần thiết, nhưng nó chỉ là một phần của tổng thể đời
sống con người chứ không phải là tất cả.
Ariyaratne viết, “Đời sống kinh tế của một người không thể bị tách ra khỏi đời
sống và sinh hoạt của người ấy. Phật pháp xem cuộc sống là một tổng thể. Sự thật, toàn thể
thế giới được xem như một tổng thể theo giáo pháp đức Phật. Không có một sự hiểu tổng thể về đới
sống, sẽ khó khăn cho chúng ta theo đuổi một con đường hạnh phúc.
Kinh tế chỉ là một mảng của đời sống.
Do đó những hàm ý đạo đức và xã hội của hoạt động kinh tế không thể được xem nằm
ngoài kinh tế.” (Bond 2003, tr.49).
Do đó, Sarvodaya thường
phê bình việc phát triển kinh tế theo hướng cạnh tranh, khơi gợi lòng tham, khuyến khích tiêu
thụ và khai thác tài nguyên vô độ. Phát triển kinh tế, cũng như hành động xã
hội, chỉ được xem như một phương tiện để qua đó phát triển những giá trị con
người. Và đứng trên nên tảng triết học Phật giáo, là phương
tiện mà người ta cần có để phát triển đời sống tâm linh và cuối cùng đạt đến
giải thoát.
Hoạt Động Hoà Bình
Cuộc nối chiến giữa hai sắc tộc Tamil và Sinhala trong những thập
niên qua đã khiến cho nhiều người thiệt mạng và tạo nên một sự chia rẽ xã hội
sâu sắc. Với mục đích xây dựng một xã
hội bất bạo động, Sarvodaya đã có rất nhiều nỗ lực trong việc giải quyết sự xung
đột và kiến tạo hoà bình cho Sri Lanka. Sarvodaya cho
rằng hoà bình là một mục đích xã hội cũng như là một mục đích tâm linh cho mỗi
cá nhân (Bond 2006, tr. 226).
Theo A.T Ariyaratne,
nguồn gốc của xung đột bạo lực sắc tộc hiện nay của Sri Lanka là kết quả của một
tính toán có chủ đích của chế độ thực dân trước đây. Và để
giải quyết được vấn nạn này, cần phải có thời gian lâu dài và sự kiên trì của
mỗi cá nhân và cả cộng động.
Để có được hoà bình, theo
ông, Sri Lanka cần đến “một cuộc cách mạng xã hội tổng thể cải đổi những giá trị
và cấu trúc tạo nên bạo lực.” (Bond 2006, tr. 226).
Đứng trên nền tảng triết học Phật giáo, Sarvodaya tin rằng “lấy
hận diệt hận thù, đời này không có được.” Và để thiết lập được một xã
hội hạnh phúc, mỗi cá nhân trước hết cần phải thiết lập hoà bình ở nơi chính
mình. Người ta cần có nhận thức về sự tương thuộc giữa người với người và
bản chất vô ngã của họ. Tuệ quán về điều đó được cho là yếu tố cần thiết giúp vượt qua sự
chấp thủ các quan kiến mà chúng thường gắn liền với xung đột và bạo lực.
Và Ariyaratne cho rằng, bất bạo động không phải là sự thụ động hay không hành
động, nhưng là hành động bằng một cách thức phi bạo động và vượt qua phe phái.
Và để làm được điều điều đó, người ta cần đến một năng lực tâm linh lớn lao (Bond 2006, tr. 228).
Trong những nỗ lực hoà
giải sắc tộc và giải quyết xung đột, Sarvodaya nhằm đền các chương trình giáo
dục cho học sinh và giới trẻ về hoà bình, cách ngăn chặn và giải quyết xung đột,
cũng như những hiểu biết về quốc tế. Đối tượng mà Sarvodaya
quan tâm đến là trẻ em và lớp trẻ, vì họ là những người quyết định tương lai của
đất nước.
Sarvodaya cũng tổ chức những buổi thảo luận về hoà bình và tín
ngưỡng ở các ngôi làng và những cộng đồng tôn giáo, huấn luyện và thành lập
những nhóm trẻ có nhiệm vụ ngăn chặn và giải quyết xung đột giữa các ngôi làng.
Trong thời kỳ xung đột sắc tộc, Sarvodaya cũng đã thiết lập những trại tỵ nạn
cho những người Tamil. Tổ chức này cũng thực hiện những
buổi tuần hành kêu gọi hoà bình cho đất nước.
Có lẽ nỗ lực có ý nghĩa nhất của Sarvodaya về vấn đề hoà bình là
tổ chức những buổi thiền tập thể cho tất cả dân chúng từ các truyền thống tôn
giáo và sắc tộc khác nhau, với số lượng tham dự có khi lên đến gần một triệu
người. Những buổi thiền tập thể này là dịp để người
dân xoá bỏ những hạt giống xung đột nơi tâm thức, phát khởi tâm từ bi đối với
nhau, để các đảng phái chủ trương bạo lực chuyển đổi sự nhận thức của họ, qua đó
cùng nhau thiết lập một đất nước Sri Lanka hoà bình.
Vai Trò Của Các Tỳ-kheo
Đối Với Tổ Chức
Các tăng sĩ Phật giáo
giữ vai trò quan trọng trong xã hội truyền thống Sri Lanka, nơi văn hoá Phật
giáo là thành tố chính của văn hoá dân tộc. Ở những khu vực
miền Nam và miền Trung, chùa chiền có mặt ở hầu hết mọi ngôi làng và đóng vai
trò tâm linh văn hoá chính yếu trong đời sống của người dân.
Sarvodaya nhận thức rõ vai trò của những ngôi chùa cũng như vị trí của các nhà
sư và ảnh hưởng văn hoá Phật giáo trong cộng đồng.
Trong quá khứ, các nhà sư giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá, giáo dục
và chính trị.
Nhưng trong thời kỳ thuộc địa và kể cả sau đó, vị trí của họ
hầu như giới hạn vào trong việc thực hành nghi lễ ở địa phương (Rahula 1974,
tr.90). Sarvodaya muốn các tăng sĩ không nên giới hạn vai trò của mình
như là những người hướng dẫn thiền định và đảm nhiệm các nghi lễ tại những ngôi
chùa. Ngoài những công việc ấy, họ cần đảm nhận thêm những công việc xã
hội để làm lợi ích cho cộng động. Quan điểm của Sarvodaya là “các tăng sĩ cần phát triển kinh tế và xã
hội” (Gombrich & Obeyesekere, tr. 253).
Vào thế kỷ 20, những tăng sĩ nỗi tiếng của Sri Lanka như
Dharmapāla và Walpola Rahula nhấn mạnh rằng Phật giáo cần nên dấn thân vào các
hoạt động xã hội. Hoà thượng Walpola Rahula
cho rằng “Phật giáo về bản chất là phục vụ xã hội,” và các tỳ-kheo cần có bổn
phận trong việc phát triển quốc gia. Ariyaratne ít nhiều chịu ảnh hưởng
tư tưởng của Dharmapāla, rằng Phật giáo cần nên “cách tân” và các tăng sĩ phải
được đào tạo thêm những lĩnh vực khác ngoài Phật pháp để họ có thể thực hiện
những công việc cộng đồng.
Năm 1974, Sarvodaya
thành lập Viện Đào Tạo Tăng, với mục đích đào tạo nên các tăng sĩ ngoài việc đảm
trách những công việc truyền thống ở các ngôi chùa làng, có thể dấn thân vào các
công việc khác của cộng đồng ở nông thôn. Theo Hoà thượng H. Gnanaseeha, người
được Sarvodaya mời làm viện tưởng của học viện này, việc đào tạo các tỳ-kheo về
công tác xã hội là để giúp họ có thể làm việc “không chỉ vì sự phát triển tâm
linh ở những ngôi làng… mà cũng vì sự phát triển đời sống vật chất của cộng
đồng” (Nithiyanandam 2004, tr. 93).
Những khoá đào tạo tăng của Sarvodaya được cho là không thành
công (Nithiyanandam, tr. 94-95). Tuy
nhiên, Sarvodaya đã tập hợp được nhiều tăng sĩ dấn thân làm việc cho mình. Và sự thực rằng, các tỳ-kheo thường là những người giới thiệu các
chương trình hoạt động của Sarvodaya đến với cộng đồng dân làng.
Và khi Sarvodaya khởi đầu một công việc tại một ngôi làng, họ thường tìm đến các
nhà sư để tìm sự giúp đỡ.
Các tăng sĩ đã cùng làm
việc với dân làng, từ những công việc chân tay như làm
đường, xây nhà đến việc tư vấn những vấn đề xã hội. Nhưng trong hầu hết các
trường hợp, họ là người cố vấn hướng dẫn những đề án ở những ngôi làng. Và chùa chiền là nơi
tập hợp dân làng để triển khai những chương trình của Sarvodaya.
Sarvodaya bị một số
người phê bình là đã phát triển một lớp tăng sĩ mang khuynh hướng “hiện đại” và
“thế tục”. Joanna Macy, một phụ nữ Hoa Kỳ từng có thời gian sống với Sarvodaya
để nghiên cứu về tổ chức này, trong một lần trở lại Sri Lanka đã cảm nhận rằng
những tăng sĩ dấn thân làm việc cộng đồng này đã không nhận được sự kính trọng
của xã hội như những tăng sĩ “truyền thống”. Ở Sri Lanka, những tăng sĩ chuyên
tu thiền định trong rừng, hay những người làm việc trong các thư viện và đại học, được kính trọng hơn.
Khi Macy hỏi các sư làm việc cho Sarvodaya về điều đó, thì các sư đã trả lời một
cách thành thật rằng “đó là sự thật.”
Kết Luận
Khởi đầu chỉ là một
phong trào giúp các học sinh thấy rõ hiện thực đời sống của dân chúng tại những
ngôi làng và những khu vực nghèo của đất nước, qua đó dành thời gian vào những
ngày nghỉ làm việc cho các cộng đồng này, Sarvodaya đã trở thành một tổ chức phi
chính phủ có ảnh hưởng lớn ở Sri Lanka.
Hiểu rõ và nắm bắt được
thực trạng xã hội, A.T Ariyaratne đã xây dựng nên một mô hình phát triển theo
cách của mình, mà theo ông là một mô hình phát triển “thay thế” những mô hình
phát triển trước đó, và được cho là phù hợp với xã hội nông thôn Sri Lanka. Tổ
chức Sarvodaya, ngoài việc gặp phải một số chỉ trích,[2]
đã đón nhận được nhiều khen ngợi cũng như nhận được sự viện trợ của nhiều tổ
chức khác nhau từ khắp mọi nơi. Nó cũng tạo nên “nguồn cảm
hứng” cho những tổ chức Phật giáo nhập thế khác hình thành ở Sri Lanka.
A.T Ariyaratne và tổ chức của ông cũng được trao nhiều giải thưởng cả ở trong
nước lẫn quốc tế./.
Thích Nguyên Hiệp
Hình : Một góc
vườn Hoàng Gia Botanical., Tích Lan
Sách tham khảo:
- Bond, George,
Buddhism at Work: Community Development, Social Empowerment and the Sarvodaya
Movement, Kumarian Press 2003.
- Bond, George,
“Sarvodaya’s Pursuit of Peace”, in Buddhism, Conflict and Violence in Modern
Sri Lanka, Routledge 2006.
- Cathrin Thodock, The Sarvodaya Shramadana Movement in Sri Lanka,
Culture Mandala, Vol. 7 no. 1, December 2005.
- Jones, Ken,
Buddhism and Social Action: An Exploration, Kandy: Buddhist Publication
Society 1981.
- Macy, Joanna,
Dharma and Development: Religion as Resource in the Sarvodaya Self-Help Movement,
West Hartfold: Kumarian Press 1991.
- Rahula, Walpola, The Heritage of the Bhikkhu. New York: Grove
Press 1974.
- Gombrich, Richard &
Obeyesekere, Gananath, Buddhism Transformed: Religious Changes in Sri Lanka,
Delhi: Motilal Banarsidas 1990.
- V. Nithiyanandam,
Buddhist Philosophy of Social Activism, Delhi: Global Vision Publising House
2004.
-
http://www.sarvodaya.org
[1] Sarvodaya được kết hợp từ hai từ sarva (tất
cả) và udaya (nâng lên, đưa lên).
[2] Một số điều luật của Sarvodaya bị phê bình là
đã vay mượn từ Bà-la-môn giáo; và một số khác lại bị cho là chỉ thích hợp với
tầng lớp Phật tử có học ở thành thị, mà không phù hợp với tất cả Phật tử nói
chung (Xem R. Gombrich & G. Obeyesekere, tr. 247-251).