Phật giáo Việt Nam tại Lào

phat giao lao

Thích Thái Hòa

Đọc các tư liệu nghiên cứu lịch sử liên hệ đến Phật giáo Lào quốc của Paul- évy, công bố năm 1940 và của Henry Deydier công bố 1952, và cũng như của G. Condominas, công bố năm 1958 đã giúp cho ta thấy PG Lào có mặt từ thế kỷ 12, do những người thuộc bộ tộc Môn di cư xuống Tây Lào và truyền bá đạo Phật cho dân chúng Lào vùng nầy.

Nhưng theo công trình nghiên cứu của George Coedes công bố năm 1925, thì PG Lào đã có mặt từ thế kỷ VIII, do người Môn mang nền văn minh của Môn và Đạo Phật từ miền Lavô hạ lưu của sông Mê nam truyền đến cư dân Lào và thành lập hai đô thị Lămpun và Lămpang.

Ngoài những người Môn, còn có các Tăng sĩ PG đến từ Sri Lanka (Tích Lan) truyền bá Phật pháp qua kinh điển, hình tượng đức Phật cho cư dân vùng nầy nữa. Từ đó PG có mặt khắp phần đất phía Tây của Lào.

Vào thế kỷ 13, người Lào Thay chinh phục xong phần đất rộng lớn phía Bắc Lào, họ tiếp thu PG từ trường phái Theravada, tức là Thượng tọa bộ, rồi phát triển rộng khắp cả Trung Lào và Bắc Lào, nên vào thời điểm nầy Phật giáo Lào quan hệ rất mật thiết với PG Thượng tọa bộ của Srilanka. Nhưng, bấy giờ ở phía Nam Lào, cư dân Lào lại chịu ảnh hưởng PG Khmer.

Ngôi chùa biểu tượng văn hóa nước Lào

Tuy nhiên, vào thời kỳ thuộc đế chế Angkor, từ thế kỷ 7 đến 13, PG Lào cũng đã chịu ảnh hưởng nền PG Angkor, tức là nền Phật giáo Đại thừa, nhất là PG Mật tông.

Vào thế kỷ 14, vua Phà Ngừm (1316 – 1373) đã thống nhất toàn bộ lãnh thổ Lào và chọn Phật giáo Thượng tọa bộ từ Campuchia để phát triển nền tín ngưỡng tâm linh và văn hóa khắp đất nước Lào. Bấy giờ vua Phà Ngừm đã mời một phái đoàn nhà sư từ Thượng tọa bộ của PG Campuchia đến Luang Phabang mà bấy giờ gọi là Xiêng đong, Xiêng thong, để truyền bá PG Thượng tọa bộ mà đứng đầu là Ngài Maha Pasaman. Ngài Maha Pasaman là Thầy của Phà Ngừm, khi ông còn lưu vong ở Campuchia. Phái đoàn Phật giáo đến Lào từ Campuchia lúc bấy giờ đã được nhà vua đương triều tặng Phật Ngọc, Phật Vàng và nhiều kinh sách quý báu chuyển đến Luang Phabang để thờ tự và nghiên cứu và truyền bá Phật pháp xứ sở nầy.

Hiện nay PG Thượng tọa bộ tại Lào chiếm đa số và chia thành hai tông phái là Đại Tông và Pháp Tông. Đại Tông được truyền vào từ Thái Lan ở thế kỷ 14. Pháp Tông cũng từ Thái Lan truyền vào do vua Mongkut (Rama IV) của vương triều Chakri (Thái Lan) thành lập khi còn Thái tử. Phái nầy chủ trương cải cách và được hoàng gia cũng như thành phần trí thức Lào ủng hộ.

Phật giáo Đại thừa hiện nay cũng có mặt tại Lào, nhưng không phải là đa số.

Các nhà sư Lào hiện nay vẫn giữ hạnh khất thực mỗi ngày một lần vào buổi sáng. Phật tử Lào đặt bát cúng dường các sư phần nhiều là xôi, bánh và hoa quả. Họ đặt bát để cúng dường các sư bằng tất cả niềm tin thuần cẩn đối với Tam bảo. Nhà sư nhận thực phẩm đặt bát và nói những lời chúc lành đến những phật tử cúng dường.

Phật tử Lào thọ trì ba pháp quy y và năm cấm giới rất cẩn mật. Họ sống và đối xử rất chân thật và hiền lành với nhau. Thấy máu chảy họ rất sợ hãi, điều đó để thấy rằng nghiệp sát sanh và tính cách bạo động cũng như gian dối rất hiếm xẩy ra đối với dân Lào.

Ở Lào, nhà sư không phải chỉ đóng vai trò quan trọng trong lãnh vực tâm linh Tôn giáo mà còn rất quan trọng ở lãnh vực chính trị, giáo dục, văn hóa và xã hội nữa.

Trong chính biến sau triều đại Lạn Khăm Đeng (1416 – 1428), xẩy ra suốt 28 năm dưới công chúa Nang Phim Pha, còn gọi là Nàng Kệt kẹo kê xi, một nữ hoàng dâm loạn, đã giết chết liên tục sáu đời vua, khiến triều đình bấy giờ đắm chìm trong hoảng loạn. Ba năm không có vua, bấy giờ triều đình cung thỉnh hai vị đại sư là Maha Tha Thi ở chùa Keo, tức là chùa Phật Ngọc và Ngài Maha Xamuthakhốt ở chùa Paxamanta lên điều hành việc triều chính. Hai đại sư ổn định xong việc triều chính, lại cử người đi mời Thao văng bury từ Vientiane về lên ngôi vua trị vì đất nước.

Những tư liệu trên đã giúp cho chúng ta thấy được vai trò của nhà sư trong lịch sử đất nước Lào, xuyên suốt các thời đại cho đến ngày nay.

Nhân chuyến đi giảng và nghiên cứu của tôi tại ba nước Lào, Thái Lan và Campuchia hai tuần qua của đầu năm 2011. Tôi xin chia sẻ với quý vị những gì tôi đã thực tế nghiên cứu không những chỉ qua tư liệu sách vở mà còn qua sự trực tiếp chứng kiến.

 

Đến nước Lào, trước hết tôi đến thăm chùa Trang Nghiêm ở thành phố Paksé thuộc tỉnh Chămpasắk.

Chùa Trang Nghiêm ở xóm Tân An, Paksé, do đại sư Nhật Trung, tự An Khang, người họ Đoàn, xuất gia tại chùa Bồ Đề ở đường Chi Lăng – Huế, sau đó tu học tại Tổ đình Quốc Ân Huế và đắc pháp với Hòa thượng Phương trượng thuộc phái thiền Lâm Tế ở nơi Tổ đình nầy, sau đó sang Lào hành hóa và khai sơn chùa Trang Nghiêm năm 1938. Chùa mới đầu chỉ là một thảo am, đến năm 1942, mới xây dựng quy mô và đặt tên là Trang Nghiêm Tự.

Năm 1972, đại sư Thiện Dung đứng ra trùng tu chùa và đến năm 1973 mới hoàn tất. Vào thập niên 90, Hòa Thượng Thích Tánh Nhiếp đã có cơ duyên đến Lào, trú trì chùa Trang Nghiêm, hướng dẫn quần chúng tu học, sửa sang và tu chỉnh cơ sở tự viện, xây dựng khách đường, Tăng xá, cung thỉnh chư Tăng Việt nam đến chùa Trang nghiêm tổ chức trai đàn chẩn tế, cầu an và cầu siêu cho phật tử tại paksé và phật tử tại chùa Trang Nghiêm, người còn kẻ mất đều được lợi lạc và Hòa Thượng cũng còn cung thỉnh chư Tăng Việt Nam sang chùa Trang Nghiêm để an cư, diễn giảng Phật pháp và hướng dẫn cho phật tử Việt Nam tại Lào nói chung và phật tử tại Paksé tu học theo tinh thần Phật giáo Việt nam nói riêng.

Chùa Kim Sơn ở xóm Sân bay Bankhuataphan, thuộc Paksé Chămpasắk. Chùa cấu trúc theo dáng dấp của chùa Thái Lan, Lào và Campuchia, có rất nhiều tháp ở phía trước. Chùa có tượng đài Quan Thế Âm, có thờ thổ địa và có xây dựng cổng tam quan theo kiến trúc Việt nam. Vị tổ khai sáng chùa là Ngài Thích Minh Lý (1915 – 1995). Ngài Thích Minh Lý tên là Nguyễn Phước Ly, hoàng tử con vua Thành Thái (1879 – 1838). Lúc Ngài mới sinh, thì vua cha là Thành Thái bị Pháp bắt đem đi đày.

Năm 15 tuổi hoàng tử Ly theo mẹ đi lánh nạn vào Nam ở Sài gòn, Châu Đốc, rồi sang Campuchia. Ngài xuất gia ở Campuchia với pháp tự là Thích Minh Lý. Sau đó Ngài đi khắp các nước Campuchia, Thái Lan, Lào để học đạo và truyền đạo, xây chùa, đắp tượng, khuyến hóa dân chúng phát khởi niềm tin Tam Bảo. Ngài đã xây dựng chùa Châu giác ở cây số hai Hạ Lào 1952 và xây dựng chùa Hùng Sơn ở Paksong năm 1952. Năm 1962, Ngài về Sài gòn và năm 1963, tham gia đấu tranh đòi bình đẳng Tôn giáo và yêu cầu chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm đáp ứng năm nguyện vọng của Phật giáo đồ việt nam. Năm 1964, Ngài trở lại Lào và năm 1966 ngài xây dựng chùa Kim Sơn và mất năm 1995, thọ 81 tuổi. Vị trú trì hiện nay là sư Thích Minh Quới.

 

Chùa Long Vân ở xóm Nhà đèn, Paksé thờ phụng theo hình thức của PG Bắc Tông của Việt nam, chùa chỉ có một tháp của vị khai sơn, người Việt. Chùa xây dựng cách đây khoảng 70 năm, trên đất của cụ Nan Kíp người Lào phát tâm cúng dường.

Sự xây dựng chùa Long Vân có vương vấn đến chút huyền thoại rằng: Cách đây 70 năm, có một người Pháp tạc một hình tượng của đức Bổn sư ngồi thiền, trên hình rắn Naga. Sau khi người Pháp nầy về nước bỏ quên tượng Phật nầy ở trong một ngôi nhà trong vùng. Ông Trần Quế, người Làng Vĩnh Xương, Thừa Thiên, người giúp việc cho gia đình nầy, phát hiện tượng và ôm tượng Phật đi lang thang khắp nơi, và thường ngồi dưới gốc cây bồ đề. Một hôm, có người phát hiện, nơi chỗ đất ông Trần Quế ngồi, phát ra ánh sáng rất linh thiêng. Dân chúng trong vùng cho vùng đất phát ra ánh sáng ấy là linh thiêng, nên cùng nhau xây dựng chùa để thờ Phật. Bà con phật tử lui tới tu học càng ngày càng đông, chùa đã được Hòa Thượng Trung Quán và Hòa Thượng Nhật Liên bấy giờ yểm trợ xây dựng nên rất khang trang. Hiện nay phía sau của chùa bị sạt lỡ nặng do nước của con sông Se Đôn chảy xiết đổ ra sông Mekong.

Chùa Thanh Quang ở bản Đo xăm xi, do một gia đình Việt kiều tu tập tại gia lập nên, nay họ thỉnh một Ni cô người Việt trú trì.

Ở Savannakhet, cũng có hai chùa Việt nam ở đó là chùa Bảo Quang và chùa Diệu giác. Tôi chưa có dịp để đi đến hai chùa nầy, nên chưa có tư liệu cụ thể để nghiên cứu về thời gian có mặt của hai ngôi chùa nầy, nếu có cơ duyên tôi sẽ bổ sung để chia sẻ đến các độc giả.

 

Tại chùa Trang Nghiêm, Hòa Thượng Tánh Nhiếp đã thỉnh mời tôi nói pháp thoại cho Phật tử tại trú xứ nầy. Trong thời pháp thoại tôi có nói với quý vị Phật tử rằng: “Quý vị là người Việt Nam, vì có nhiều lý do mà phải xa quê hương, xa tổ quốc, tổ tiên ông bà đến đây làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên đừng để đánh mất mình, nếu mình bị đánh mất, thì sự có mặt của mình sẽ là gánh nặng cho đất nước Lào. Muốn không đánh mất mình, thì đừng đánh mất ngôn ngữ, văn hóa, đạo đức tâm linh của mình. Phải biết giữ gìn văn hóa của mình, và đem văn hóa, đạo đức tâm linh Việt đóng góp vào văn hóa đạo đức tâm linh Lào, thì dân tộc Lào sẽ biết ơn và quý trọng mình. Trong Lục Độ Tập Kinh nói: “Thà mất nước không thà mất hạnh”. Trong một hoàn cảnh nào đó, mình không thể giữ được nước, thì phải giữ cho được cái hạnh của mình. Hạnh mà giữ được, thì nước mất, mình có thể phục hồi, đất đai mất mình có thể đòi lại. Nhưng mất hạnh, tức là mất đạo đức, mất tâm linh, mất niềm tin, mất truyền thống, mất văn hóa, dù cho không mất đất đai, thì tự thân đất nước cũng đã bị mất rồi”.

Phần nhiều con em của Việt kiều ở Lào không biết nói và đọc tiếng Việt. Khi một người ở tha hương quên đi tiếng mẹ đẻ sẽ không còn khả năng hay ít cơ hội trở về lại quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình để thăm viếng và tiếp xúc với những gì tốt đẹp ở nơi tiền nhân của họ.

Người Việt ở Lào mà mất gốc Việt và muốn biến mình trở thành người Lào, nhưng nói tiếng Lào không bằng người Lào, hiểu Lào cho cặn kẽ cũng không bằng họ được.

Tại Paksé thuộc tỉnh Chămpasắk có bốn ngôi chùa Việt Nam. Phật tử Việt tại Lào cũng không đoàn kết với nhau cho lắm. Họ không đoàn kết vì khuynh hướng tin Phật và đi chùa có nhiều điểm khác nhau.

Vườn tháp Phật tại nước Lào

 Tại Lào tôi không hề thấy mồ mã, nghĩa địa đâu hết. Chết xong, họ đem thiêu, rồi đưa vào chùa thờ. Tổ tiên của họ do vậy đều được thờ tại chùa cả. Cho nên, hễ chùa tan thì làng nát. Mọi chuyện của họ đều nương vào Tam Bảo. Phước đức tổ tiên họ là nhờ nơi Tam Bảo. Nhà sư của Lào phần nhiều là tu kết duyên, dù tu ba tháng, ba năm hay mười năm, nhưng đều rõ ràng hơn một số nhà sư Việt Nam. Một số sư Việt Nam không rõ ràng trong sự tu tập. Một số mượn hình thức tu sĩ, nhưng nội dung thì không phải. Ở Lào tu sĩ trong thời gian tu tập họ tu tập rất nghiêm túc. Ở Lào muốn làm vua phải đi tu trước khi làm, muốn làm một chức vụ của xã hội trước hết là phải đi tu, vì nếu không biết tu tập, thì xã hội không tin tưởng vào đạo đức của vị ấy để giao phó hay ủy cử trách nhiệm.

Tôi cũng đi thăm một số chùa Lào như chùa Mương, trụ sở tỉnh hội PG Lào ở Chămpasắc để tiếp xúc với cách cấu trúc, thờ phụng, sinh hoạt và tu tập của họ. Ở Paksé và nhất là vùng hạ Lào, có nhiều sư Lào rất giỏi về bùa phép. Qua bùa phép một số Nhà sư Lào đã giúp đỡ cho dân Lào rất nhiều về mặt an ổn tâm linh và bệnh tật. Mật tông chú thuật của một số nhà sư Lào hiện nay có thể do ảnh hưởng và truyền thừa từ nền Phật giáo Angkor ở thế kỷ 8.

Rời Paksé, tôi đến thăm Vientiane, thủ đô của Lào, thăm Tháp Luang, đây là những cấu trúc tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc Lào. Tháp Luang ở giữa thờ xá lợi của Phật và chung quanh là thờ các vua Lào qua các triều đại. Đây là một trung tâm Phật giáo có khả năng chứa tới 100.000 nhà sư cho các lễ hội Phật Giáo. Chùa Thiên Mụ, Quốc Ân, Từ Hiếu ở Huế, không thể nào sánh kịp về mặt cơ sở, lịch sử. “Từ Đàm quê hương tôi” ở Huế, chùa Vĩnh Nghiêm Sài gòn, chùa Quán Sứ Hà Nội, lại càng không thể sánh nổi về mặt không gian, cơ sở vật chất cũng như những bảo vật lịch sử.

Cơ sở vật chất của PG Lào đến giờ phút nầy, thì cơ sở vật chất PG Việt Nam không thể so sánh. Ngay cả tiền tệ 2,7 đồng Việt Nam mới bằng 1 đồng Lào.

Đến Vientiane tôi thấy đây là thủ đô thanh lịch và bản chất người dân Lào rất hiền lành. Ngoài đường xe lớn thường nhường xe nhỏ. Đặc biệt không có tiếng còi. Tôi đứng từ tầng trên của chùa Phật Tích, nhìn thủ đô Vientiane rất đẹp, một thành phố thật bình yên so với Sài Gòn, Hà Nội và ngay cả Bangkok.

Chùa Phật Tích là ngôi chùa Việt khá lớn tại thủ đô Vientiane. Chùa được xây dựng khoảng thập niên 60, và đã được Tăng Ni phật tử Việt tại Lào khởi công trùng tu vào tháng 4 năm 2008, với diện tích 1.300 mét vuông, chùa cao bảy tầng, kinh phí 450.000 USD và đã khánh thành vào ngày 19/11/2010. Hiện nay do Đại đức Thích Minh Quang trú trì. Chùa Phật Tích có mấy câu đối như sau:

- “Phật tại thế gian hóa độ chúng sanh vô số kiếp

- Tích phước tu nhân năng trừ phiên não chứng bồ đề”.

- “Thiền viện khuyến tu bồ tát đạo

- Tự hành tham cứu pháp tâm tông”.

Tôi cũng đã đến thăm ngôi chùa Bàng Long của Hòa thượng Nhật Liên. Chùa hiện nay do quý sư cô đảm trách và hướng dẫn cho phật tử Việt kiều tu học. Bấy giờ Hòa Thượng Nhật Liên là Đạo thống của Phật giáo Việt Nam tại Lào. Tòa đạo thống của ngài hiện nay vẫn còn bảo quản tại chùa như là một di sản lịch sử. Tôi cũng đã đến thăm ngôi chùa của Hòa Thượng Trung Quán và chùa vua Sư ở Vientiane.

Tôi cũng đã đến thăm ngôi chùa Mẹ Xì Mương, chùa thờ tượng Phật Ngọc, đây là một trong những ngôi chùa Thiêng của Lào tại thủ đô Vientiane. Tại đây tôi đảnh lễ Phật và xin về một viên đá đẹp. Dân Lào cũng theo truyền thống Phật giáo Theravada, nhưng cũng rất chú tâm đến sự cầu nguyện. Người trẻ cũng đi chùa cầu nguyện huống nữa là người già.

Khi thăm các ngôi chùa Việt tại Lào, tôi nói với các thầy Việt Nam đang hành đạo trên đất nước Lào là làm sao quý Thầy tập trung người Việt để dạy tiếng Việt cho họ. Phải xem chùa như một trung tâm tín ngưỡng văn hóa Việt trên đất Lào, nếu không sẽ rất uổng cho sự có mặt của mình tại đây. Tòa đại sứ, Tổng lãnh sự Việt Nam ở Lào làm việc rất yếu đối với các mặt nầy. Đáng lẽ họ phải làm việc để phát triển nền tâm linh và văn hóa của người Việt trên đất nước bạn để đóng góp cái đẹp của đất nước mình cho nhân dân đất nước bạn.

Dân Lào rất hiền lành, chân chất, họ có hai đặc điểm khiến cho chúng ta kính nể là không có nạn trộm cắp và không có bệnh nhân tâm thần.

Thư Viện Cổ Pháp

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle