Vai Trò Đạo Đức Tôn Giáo Theo Quan Điểm Của B. Ambedkar
Cái
tên Babasaheb Ambedkar đã trở nên quen thuộc với nhiều Phật tử. Việc ông cải đạo sang Phật giáo, và việc ông
dẫn dắt phong trào đấu tranh cho những người Dalit, đã trở thành một huyền thoại.
Sự ảnh hưởng của B. Ambedkar ở Ấn thực sự rất lớn, không chỉ vì ông là cha đẻ
của hiến pháp Ấn, mà còn bởi phong trao do ông khởi xướng vẫn còn đang được tiếp
nối và có sự tác động sâu sắc vào xã hội Ấn. Đối với các Phật tử ở Ấn, ông là
một bậc thầy lớn, một vị Bồ-tát đã làm hồi sinh lại những giá trị Phật giáo ở
đất nước này.
Lý do vì sao ông theo Phật giáo đã được nhiều người nói đến. Và có thể tóm tắt
ngắn gọn rằng, ông theo Phật giáo bởi vì ông thấy Phật
giáo thoả mãn được những đòi hỏi của ông, có thể giúp ông trong sứ mệnh đấu
tranh cho những người Dalit. Hẳn chúng ta đã biết rằng, trước khi
theo Phật giáo, B. Ambedkar là một người Hindu. Và sau
khi từ bỏ Hindu giáo với phát ngôn “Tôi sinh ra đã là một người Hindu, nhưng sẽ
không chết như một người Hindu” ông đã có ba thập niên tìm kiếm cho mình một tôn
giáo mới. Trong thời gian đó, B. Ambedkar đã tìm hiểu
và so sanh nhiều tôn giáo khác nhau, mục đích tìm cho mình một tôn giáo tốt nhất,
phù hợp nhất. Xin đọc một phát biểu so sánh tôn giáo của B. Ambedkar, qua
đó cho thấy một phần vì sao ông đã chọn Phật giáo:
“Điểm đầu tiên tách đức Phật ra khỏi những người còn lại chính là
sự xả kỷ của ngài. Khắp Thánh kinh, Jesus khẳng định rằng ngài là
con của Thiên chúa và rằng những ai mong được vào nước Chúa, nếu không xem ngài
là con Thiên chúa, sẽ không thể vào. Mohammad bước thêm một bước.
Giống như chùa Jesus, ngài cũng tuyên bố rằng ngài là thiên sứ của Chúa trời ở
trên trái đất. Nhưng ngài còn khẳng định rằng ngài là vị thiên sứ cuối cùng.
Trên cơ sở đó, ngài tuyên bố rằng những ai muốn cứu rỗi không chỉ chấp nhận rằng
ngài là thiên sứ của Chúa trời mà cũng cần chấp nhận rằng ngài là thiên sứ cuối
cùng. Krishna bước thêm một bước vượt qua cả Jesus và
Mohammad.
Ngài không thoả mãn với việc chỉ là con của Thiên chúa hay là thiên sứ của Thiên
chúa; ngài cũng không bằng lòng là thiên sứ cuối cùng của Thiên chúa. Ngài thậm chí không thoả mãn với việc gọi mình là một vị Thiên chúa.
Ngài tuyên bố rằng ngài là Parameshwa, hay như những tín đồ của ngài mô tả ngài
là Devadhideva, Thần của các Thần. Đức Phật không bao giờ nhận vơ những địa vị
như vậy vào mình. Ngài sinh làm con của một con người, hài lòng giữ địa vị một
con người và thuyết giảng giáo pháp của mình như một con người. Ngài không bao
giờ tuyên bố bất cứ nguồn gốc siêu nhiên hay năng lực siêu nhiên nào, ngài cũng
không thực hiện những phép mầu để chứng minh những quyền năng siêu nhiên của
mình. Đức Phật thực hiện một sự phân biệt rõ ràng giữa một Margadata (người thầy)
và một Mokshadata (người cứu rỗi). Jesus, Mohammad và Krishna
khẳng định vai trò Mokshadata của họ. Đức Phật hài lòng
với việc đóng vai trò của một Margadata.”[1]
Có thể thấy rằng việc
B. Ambedkar chọn theo
Phật giáo không phải là việc chọn lựa một con đường tâm linh thông thường với
mong muốn nhận lấy sự cứu rỗi từ một đấng quyền năng siêu nhiên nào đó. Tôn giáo theo cái nhìn của ông, không chỉ để thoả mãn những nhu cầu
tâm linh mà còn có thể giúp xã hội ổn định và phát triển, nếu đó là một tôn giáo
đúng đắn. Và ngược lại, tôn giáo cũng có thể trói buộc con
người, làm rối loạn và ngăn cản sự phát triển xã hội. B. Ambedkar đã phát
biểu:
“Trong khi tôi kết tội
một tôn giáo giáo điều, đừng hiểu tôi có quan điểm rằng tôn giáo là không cần
thiết. Trái lại, tôi đồng ý với Burke khi ông nói ‘tôn giáo đúng đắn là nền tảng
của xã hội, là cơ sở mà trên đó tất cả những chính quyền dân sự đích thực đặt
nền tảng.’ Vì vậy, khi tôi nhấn mạnh rằng các luật lệ sống cổ xưa cần phải được
bãi bỏ, tôi mong muốn rằng vị trí của nó sẽ được nắm giữ bởi một tôn giáo có
nguyên tắc, chỉ điều đó có thể tuyên bố là một tôn giáo đúng đắn.”[2]
Một tôn giáo có nguyên
tắc, theo cái nhìn của B. Ambedkar, là tôn giáo có
những luật lệ đạo đức mà chúng có thể giúp duy trì sự ổn định xã hội.
Và một tôn giáo như thế thực sự cần thiết.
Nhưng trước hết, thế nào là tôn giáo? B. Ambedkar viết:
“Tôn giáo là gì? Tại sao nó cần thiết?
Trước hết chúng ta hãy cố gắng hiểu.
Nhiều người đã cố gắng định nghĩa tôn giáo. Nhưng trong tất cả những định
nghĩa này, chỉ một định nghĩa có ý nghĩa nhất và thích hợp đối với tất cả: “Điều
mà nó kiểm soát con người là tôn giáo”. Đây là định nghĩa đích
thực về tôn giáo. Nhưng đây không phải là định nghĩa của tôi. Chính lãnh đạo
lỗi lạc của những người Hindu Sanatani, ông Tilak, là tác giả của định nghĩa
này. Vì vậy chớ ai vội kết tội tôi đã suy diễn về định nghĩa
tôn giáo. Tuy nhiên, tôi không chấp nhận nó chỉ vì mục đích tranh luận. Tôi chấp nhận nó như một nguyên tắc.
Tôn giáo có nghĩa là nhưng luật lệ được đặt ra cho việc duy
trì xã hội.
Tôi cũng có khái niệm như vậy về tôn giáo. Mặc dù định
nghĩa này cho thấy là hợp lý, nó lại không hiển lộ hay làm sáng tỏ bản chất của
các luật lệ kiểm soát xã hội. Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ về những
gì nên là bản chất của các luật lệ kiểm soát xã hội.
Câu hỏi này quan trọng hơn câu hỏi về định nghĩa. Bởi vì câu hỏi tôn giáo
nào cần thiết cho con người, không tuỳ thuộc vào định nghĩa của nó mà tuỳ thuộc
vào động cơ và bản chất của các luật lệ mà nó ràng buộc và kiểm soát xã hội.
Trong khi quyết định câu hỏi này, câu hỏi khác nảy sinh. Những gì nên là mối
liên kết giữa con người và xã hội.”[3]
Mối liên kết giữa con
người và xã hội là luật và đạo đức. B. Ambedkar viết:
“Xã hội phải có cả luật và đạo đức để giữ lấy nó. Không có hai điều này xã hội
chắc chắc bị phân mảnh. Trong tất cả các xã hội luật
đóng vai trò rất nhỏ. Nó chỉ để giữ thiểu số vừa với phạm vi kỷ luật xã hội. Số đông bị bỏ lại và
phải bị bỏ lại để duy trì đời sống xã hội của nó bằng những quy định và giải
pháp đạo đức. Tôn giáo ở trong ý nghĩa của đạo đức, do đó, phải duy trì
nguyên tắc điều khiển trong mỗi xã
hội.”[4]
Theo cái nhìn của Ambedkar, việc xem xét bản chất của các luật lệ
đạo đức mà tôn giáo đặt ra là rất quan trọng. Vậy các luật lệ mà tôn giáo
đặt ra cần được đặt trên nền tảng nào? B. Ambedkar cho rằng một “tôn giáo
đúng đắn” phải được đặt cơ sở trên ba nguyên tắc: phù hợp với khoa học, tôn
trọng những giá trị phổ quát của loài người, và không khuyến khích nghèo khó. Và
các điều luật mà tôn giáo đặt ra phải được xem xét trong cái khung này:
1. “Tôn giáo đó phải
phù hợp với khoa học. Tôn giáo bị trói buộc để đánh mất đi sự kính trọng của nó,
và vì thế, trở thành đề tài nhạo báng thì theo đó không chỉ đánh mất đi sức mạnh
của nó như là nguyên tắc kiểm soát đời sống mà có thể tan rã theo dòng thời gian
và ngã sụp nếu nó không thích hợp với khoa học. Nói cách khác, tôn giáo nếu nó
phải đóng chức năng, thì phải phù hợp với lý trí, một tên gọi khác của khoa học.
2. “Tôn giáo đó, là một
bộ luật đạo đức xã hội, phải thừa nhận những nguyên tắc căn bản là tự do, bình
đẳng và tình anh em. Nếu một tôn giáo không thừa nhận ba nguyên tắc căn bản của
đời sống xã hội này, nó sẽ bị kết tội.
3. “Tôn giáo đó phải
không thánh hoá sự nghèo khó. Việc từ bỏ giàu có của những
người có nó thì có thể là một thái độ cao quý. Nhưng
nghèo khó thì không bao giờ có thể. Tuyên bố nghèo khó là cao quý là
xuyên tạc tôn giáo, là duy trì tội phạm, là làm cho trái đất trở thành một địa
ngục sống.”[5]
Người theo tôn giáo một mặt vừa tuân thủ theo những giáo thuyết của
tôn giáo của họ, nhưng mặt khác phải biết xem xét bằng lý trí những gì là phù
hợp và những gì không phù hợp. Một tín đồ tôn giáo, theo
B. Ambedkar, không nên trở thành “nô lệ” của chính tôn giáo mà mình đang theo.
Phát biểu dưới đây của B. Ambedkar mang hơi hướng tinh thần “khai phóng” của
kinh Kalama, nhưng nó có phần “quyết liệt” hơn:
“Tôi gọi một người,
người với ý thức sáng suốt thấy rõ các quyền, trách nhiệm và bổn phận của mình,
người không trở thành nô lệ của những hoàn cảnh và luôn luôn nhất quyết thay đổi
chúng, tôi gọi người ấy là tự do. Người không trở thành nô lệ của các tục lệ,
tập quán và truyền thống, hay của của những giáo thuyết bởi chúng được truyền
lại từ tổ tiên, ngọn lửa lý trí không bị dập tắt, tôi gọi người ấy là một người
tự do. Người, không bị chi phối, không hành động theo
lời dạy của kẻ khác, không tin vào bất cứ điều gì trừ khi nó được xem xét có phê
bình dưới ánh sáng của học thuyết nhân quả, là một người tự do. Người luôn sẵn
sàng bảo vệ các quyền của mình, người không sợ sự phê bình của đám đông, người
có đủ trí tuệ và lòng tự trọng để không trở thành công cụ trong
tay của kẻ khác, tôi gọi một người như vậy là người tự do. Người, không
sống đời mình theo sự điều khiển của kẻ khác, tạo ra mục đích
của đời mình theo lý trí của chính mình và quyết định bản thân theo cách ấy, và
theo
cách mà đời sống của mình nên sống, tôi gọi người ấy là một người tự do. Tóm
lại, một người tự làm chủ chính mình, tôi gọi người ấy là một người tự do.”[6]
Tôi không đi vào trình bày chi tiết về cuộc đời, sự nghiệp cũng
như đóng góp của B. Ambedkar đối với Phật giáo. Ở trước chỉ là một trình bày
ngắn về những phát biểu của ông về vai trò của đạo đức tôn giáo đối với xã hội.
B. Ambedkar là một luật sư, một nhà cải cách xã hội. Việc ông chọn lấy Phật giáo
thay thế tôn giáo trước đó của ông, như được thấy qua những gì ông viết, là bởi
trước hết ông xem đức Phật là một vị giáo chủ vĩ đại nhất, thứ đến Phật giáo có
những giá trị đạo đức có thể giúp ông trong công cuộc cải cách xã hội, và thêm
nữa là tinh thần bao dung, khai phóng và bình đẳng của Phật giáo./.
Nguyên Hiệp
[1] B.R. Ambedkar, “Annihilation of Caste with A Reply to Mahatma Gandhi” in Dr. Babasaheb Ambedkar
Writtings and Speeches, Government of Maharashtra: Education Department,
1979, Vol.1, tr. 44.
[2] B. R. Ambedkar, “Caste in India: Their
Mechanism, Genesis and Development” in Dr. Babasaheb Ambedkar Writtings and
Speeches, Government of Mharashtra: Education Department, 1979, Vol. I, tr. 6.
[3] B. R. Ambedkar, “What Path Freedom”, in Dr.
Babasaheb Ambedkar Writtings and Speeches, Government of Maharashtra:
Education Department, 1979, Vol.1, tr. 352-353.
[4] B. R. Ambedkar, “Buddha and The Future of His Religion” in Dr. Babasaheb Ambedkar
Writtings and Speeches, Government of Maharashtra: Education Department,
1979, Vol.17, tr. 437.
[5] Sđd, tr. 437-438
[6] Sđd, tr. 358.