Tết lạnh và Tết ấm ở đây không phải là tên gọi của văn hóa Tết
“mới mẻ - đặc sắc” ở một vùng đất hay thuộc về một dân tộc xa lạ nào đó. Cách gọi này đơn giản
chỉ nhằm biểu đạt sự trái ngược, tương phản giữa cảm xúc của một cái Tết nơi đất
khách với không khí ngày Tết đầm ấm ở quê nhà.
Tết lạnh
|
Ảnh: An Phạm
|
“Chỉ một lần lủi thủi đón Tết một mình, xa nhà
là đủ để... không bao giờ muốn điều đó lặp lại lần nào nữa”, Cún, một cô nàng
cựu du học sinh Úc, hồi tưởng về năm đầu tiên “cắp sách đến trường” nơi đất
khách quê người.
Cô kể về cái Tết ba
không: không người thân, không bạn bè và không “celebrate” (nguyên văn của Cún -
cách dùng từ có lẽ chịu ảnh hưởng bởi quá trình tu nghiệp). Cún đã quen Tết phải
sum vầy, quây quần cùng người thân nên lúc đó cô cảm nhận rõ bản thân trân trọng
đến nhường nào cái không khí họp mặt gia đình, tất tả dọn dẹp nhà cửa đến mức
hối hả, rồi đi chợ hoa...
Lần đó, Cún tranh thủ
lên mạng internet để được nói chuyện và chúc Tết bố mẹ, nhưng giờ ngẫm lại không
nhớ câu chúc năm ấy ra sao. Trong Cún còn đọng lại ấn
tượng về một đứa bạn đã gởi cho Cún bài Xuân này con không về làm mắt Cún ngấn
lệ.
Chàng Bắp, một cựu du
học sinh Úc khác theo
đuổi chủ nghĩa... hoàn hảo, tất cả hoặc không gì cả, nên đã không làm bất cứ
điều gì để đón Tết một mình, ngoại trừ điện thoại về thăm hỏi gia đình.
Mặt khác, qua đôi kính cận dày cộm, Bắp tỉ mỉ gõ phím và cho than thở tuôn trào
trên yahoo 360 (ngày xưa) hay Facebook (ngày nay).
Bắp nhớ ở Sài Gòn những
ngày trước Tết có thể tha hồ vi vu độc hành xe máy đến
đủ cửa hàng, siêu thị, chợ... chỉ để ngắm đồ (vì đồ Tết thì để mẹ sắm sửa là
chính).
Quê bố mẹ ở xứ Huế mộng
mơ nên khi ở xứ người, Bắp còn mơ về cái Tết quê với bà con dòng họ nhà thường
san sát nhau gần như thành cả làng, cả ấp, nên mỗi dịp nấu bánh chưng hay sáng
mồng Một, không khí sum họp gia đình dễ dàng xua tan cái giá rét miền Trung.
Búp Bê nhỏ nhắn, xinh
xắn nên được mọi người gọi là Búp Bê.
Cô cũng là người có “thâm niên” đón Tết nơi xứ người nhất trong cả ba, bởi Búp
Bê từng du học ở Malaysia, sau đó qua Trung Quốc làm việc.
Thế nên, năm đầu tiên
đón Tết ở Trung Quốc, cô tỏ ra khá “bài bản” khi vẫn mua đồ cúng, dọn mâm cơm...
ăn một mình và thức tới 1 - 2 giờ sáng mùng Một Tết.
Nhưng trong thâm tâm
Búp Bê không thể giấu được nỗi nhớ gia đình và nhớ mẹ. Vì muốn khám phá bản thân và tự lập, cô lựa
chọn học tập và lập nghiệp nơi xứ người. Búp Bê kể lại, dịp Tết trời lạnh
cắt da cắt thịt, người Trung Quốc cũng nấu bánh chưng nhưng gói giống bánh ú của người Việt, pháo bông trong
đêm giao thừa thì hoành tráng hơn nhiều.
Trong lúc chen chúc xem pháo bông, Búp Bê bị xô lấn và được một người
phụ nữ trung niên ôm đỡ lấy. Ngay thời điểm ấy, nỗi nhớ mẹ,
nhớ nhà, cảm giác muốn được về nhà chực trào, cô tâm sự.
Điểm chung của cả ba người bạn trên là ngay sáng mồng Một, họ phải
trở lại với nhịp sống bình thường, đi học, đi làm như thường lệ (Búp Bê tuy ở
Trung Quốc nhưng làm việc tại một công ty làm theo thời gian biểu của trụ sở
chính ở Singapore).
Tết ấm
Cún đã cho ngày Tết vào năm đầu tiên cô sang Úc
du học đi vào lịch sử. Những năm học tiếp theo cho đến
khi Cún trở về lập nghiệp tại quê hương, cô luôn đón Tết cùng gia đình và người
thân.
Cô vẫn tiếp tục lên
mạng internet vào đêm 30 Tết để gởi thiệp hay lời nhắn chúc Tết cho bạn bè
phương xa và tuyệt nhiên không gởi bài hát Xuân này con không về.
Sài Gòn đầu Xuân nhiều
lúc cũng không thoát khỏi không khí nắng nóng của vùng nhiệt đới nhưng với Cún,
tiết trời lạnh hay nóng cũng chẳng ảnh hưởng gì.
Cô cảm thấy hoàn toàn
bình an khi được bao bọc bởi những giá trị đích thực mà
cô mong muốn. Ý của Cún là, dù Tết nào cũng được sum họp gia đình, đôi lúc đến
mức “lạm phát”, thì cô vẫn luôn trân trọng “món quà” đầy ý nghĩa này của cuộc
sống.
Với Bắp, cuộc sống của
anh giờ đang rẽ sang trang mới. Bắp tìm được một công việc ở
Hà Nội. Tết này, anh về Sài Gòn sum họp gia đình, một
tay xách vali, một tay... nắm tay người yêu đưa về ra mắt bố mẹ. Vậy coi
như Bắp không còn có thể độc hành vi vu dạo phố bằng xe
máy rồi, mà giờ sẽ là song hành.
Sau nhiều năm du học ở
nước ngoài, Bắp đón cái Tết đầu tiên ở quê nhà. Anh có dịp tự tay
dọn dẹp nhà cửa, đi chợ hoa, đưa người yêu tham quan Sài Gòn và chụp ảnh...
Tết Nhâm Thìn 2012 cũng
là năm đầu tiên Búp Bê đón Tết cùng gia đình sau thời gian bôn ba xứ người. Thực ra, với Tết xa quê hay
Tết ở quê nhà cô đều có “thâm niên” nên sẽ không bỡ ngỡ gì mấy.
Mâm cơm giờ vang lên
nhiều tiếng lách cách của chén dĩa, đũa muỗng - tín hiệu cho biết Búp Bê không
còn phải ăn một mình nữa. Âm thanh đó bình dị nhưng là
thứ cô cần hơn rất nhiều so với tiếng nổ lụp bụp náo hoạt của những ngọn pháo
bông, chúng có thể một mình bay lên rồi bung ra rực rỡ giữa trời đêm để rồi sau
đó tắt ngấm và gần như tan biến.
Tết mang nhiều ý nghĩa
tích cực và tốt đẹp của cuộc sống.
Mỗi người có thể trải qua nhiều cái Tết trong cuộc đời.
Đó có thể là dịp họp mặt gia đình, bạn bè: đó là lúc mọi người nhìn lại mình, bỏ
qua nỗi buồn quá khứ để hướng đến tương lai tốt đẹp hơn: Tết là niềm vui của con
trẻ, là dịp lễ hội mỗi năm chỉ có một lần...
Nhưng Tết theo ý nghĩa đơn giản, gần gũi nhất là mỗi người tự tạo ra
cái Tết cho riêng mình. Tết dù ở đâu thì điều quan trọng là
bạn phải luôn đặt niềm tin vào cuộc sống và chia sẻ mọi điều tốt đẹp với những
người bạn yêu thương.
NGUYỄN QUÂN
Theo DNSG