Bản sắc Việt trước "thảm họa" ngoại lai

ban sac viet

Tác giả: Trần Thị Trường

Phải chăng ngày nay tình trạng thiếu vắng người tài, hay người tài chưa xuất hiện, còn bị che khuất là một trong những lý do khiến cho rất nhiều "thảm họa" xảy ra, từ lai căng, nhái nhép, copy sống sượng đến bát nháo, lộn xộn trên nhiều lĩnh vực của văn hóa đang lũng đoạn cuộc sống hàng ngày?

Chưa khi nào như từ ngày đất nước một lần nữa đổi mới và mở cửa ra thế giới hiện đại, chủ điểm bản sắc văn hóa của dân tộc lại không ngừng ám ảnh các tâm trí ưu dân ái quốc, bức thiết không kém gì những vấn đề phát triển kinh tế và bảo tồn môi sinh Việt Nam đặc thù.

Bản sắc văn hoá của một dân tộc được hình thành từ vận động nội tại của chính dân tộc ấy và tiếp biến, dung hội, giao thoa với các nền văn hoá khác. Một quá trình học hỏi cái khác biệt, sáng tạo cái mới và khẳng định cái đã có.

Vừa tiếp nối cái đã định hình, vừa phát triển thích ứng với các giá trị đương thời. Đó là những vận động lịch sử bắt buộc, không thể cưỡng lại được của bất cứ dân tộc nào. "Văn hoá là sức sống giao hòa, được lặp đi lặp lại trong ứng xử, giống như một vùng lau lách được người ta đi mãi thì thành đường mòn, viết mãi thì thành thi thư".

Để thấy bản sắc văn hóa một dân tộc, người ta thường nhìn nhận ở các lĩnh vực ( thể hiện ra trong vật thể và phi vật thể): Ngôn ngữ, kiến trúc, nghệ thuật, trang phục, âm nhạc, ẩm thực, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán, cách giao tiếp ...

Hiện đại mà không lai căng, hổ lốn?

Sẽ rất ngạc nhiên và buồn cười nếu có ai đó đòi chúng ta hôm nay nói- viết như tổ tiên chúng ta cách đây ngàn năm (từ tiếng Việt thuộc dòng Môn-Khmer- ngữ hệ Đông Nam Á, sau chuyển biến thành tiếng Việt-Mường rồi Hán- Nôm, Nôm và chữ quốc ngữ), hoặc thường ngày phục trang khăn đống áo the...

Vậy, nhu cầu làm mới và thích ứng với cái mới, cái đương thời luôn là nhu cầu có thật và rất quan trọng. Nếu người Việt cho đến nay có được nét tinh hoa văn hóa thì một phần là nhờ ở việc vừa giữ gìn tiếng Việt vừa bồi tích thường xuyên từ mới và ngữ dụng mới vào kho từ ngữ đã có.

Cũng như thế với các loại hình nghệ thuật từ kiến trúc, đến trang phục, từ âm nhạc đến phong cách ứng xử giao tiếp, từ sinh hoạt tôn giáo đến cảm nhận tâm linh...cái cốt lõi (đã định hình như nguồn tạo sinh, xem như là bản sắc), luôn là cái trụ để thu nhận cái tiếp biến giao thoa làm cho phong phú thêm lên mà vẫn tồn tại, vẫn không mất đi.

Một ví dụ để minh chứng: Không phải chỉ ở Việt Nam mới có Chùa Một Cột, các nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc...cũng có. Kiến trúc Chùa Một Cột đầu tiên được sinh ra ở quốc gia nào, chưa có câu trả lời chính xác nhưng chắc chắn ở Việt Nam, Chùa Một Cột khác ở chỗ được xây trên một cái cột tròn, mọc giữa hồ nước vuông (quan niệm vũ trụ đất vuông- trời tròn).

Chùa thờ Phật bà Quan âm (tục thờ Mẫu- đặc trưng Việt Nam). Kiến trúc ở đây không thuần chỉ là tạo hình, mà hình được tạo ra với ý nghĩa dịch lý và tâm linh ở bên trong. Nó biểu hiện  vũ trụ quan, (qua tượng Linga - Yoni, tức Âm Dương vật thể). Nó là hai nguyên lý mâu thuẫn khởi thuỷ, phối hợp để sinh sinh hoá hoá ra vạn vật theo đạo Càn Khôn.

Vật thể mang yếu tố vũ trụ ấy được nghệ thuật hoá một cách độc đáo tạo thành biểu tượng "Hoa sen" mọc giữa bùn lầy, phù hợp tâm lý Việt. Dịch lý sâu xa biểu thị cho lòng yêu thương bác ái của người Mẹ vũ trụ hoá thân vào biểu tượng Hoa sen.

Một biểu tượng của nền văn minh lúa nước với tục thờ "Mẫu" - Mẹ lúa. Một ý nghĩa uyên thâm, minh chứng tinh thần Việt độc đáo của người dân Việt có khả năng dung hoà tất cả khuynh hướng mâu thuẫn thành một hoà điệu của đạo nhất thể Âm Dương tiềm ẩn trong tâm khảm người Việt.

Không phải chỉ ở Việt Nam mới có Chùa Một Cột

Vừa mạnh, vừa yếu?

Có người nói bản sắc văn hóa Việt vừa mạnh vừa yếu. Yếu ở chỗ không biết (không thích, không chấp nhận) sự cực đoan mãnh liệt.

Song nếu nhìn ở khía cạnh khác, tôi lại thấy văn hóa Việt rất mạnh, chỉ mạnh mới có thể bao dung, tiếp nhận, nhân ái, dĩ hòa với những cái khác biệt, để rồi từ đó dung nạp chuyển hóa thành cái của mình, bản sắc mình.

Có văn hóa mới có bản lĩnh. Văn hóa làm nên bản lĩnh. Người Việt có bản lĩnh chống ngoại xâm, chống đến cùng để bảo vệ độc lập tự chủ nhưng bên cạnh đó lại là một phong cách ứng xử nhân đạo, nhân văn đầy bao dung với chính kẻ đã gieo tai họa cho mình. Mạnh là như vậy.

Từ trước tới nay, trong các lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc, văn chương, lễ nhạc, y phục, ca vũ, tôn giáo của người Việt có bao nhiêu phần trăm ảnh hưởng từ Trung Hoa, từ Chăm, sau này từ Pháp, từ các nước La tinh? Nhưng bao nhiêu ảnh hưởng thì cũng là bấy nhiêu cái bị thay đổi, bị Việt hóa để trở thành văn hóa Việt.

Ngay như địa hạt tín ngưỡng tôn giáo, đạo Phật đến Việt Nam từ Trung Hoa và Ấn Độ hay đạo Ki tô đến từ phương Tây, nhưng vào đến nước Việt, người Việt chỉ chấp nhận cái tinh túy, còn cái hình thức, hay cái cực đoan đã được thay đổi.

Hoặc gần đây nhất về âm nhạc, mặc dù nghệ thuật giao hưởng (của phương tây) chiếm lĩnh vị trí số một trong thang giá trị âm nhạc toàn thế giới nhưng đã và đang được các nghệ sĩ Việt Nam thổi vào đó những hợp âm chứa đựng tâm hồn Việt, và khá thành công.

Trải suốt chiều dài lịch sử, Việt nam đã có ba lớp văn hóa chồng lên nhau là lớp văn hóa bản địa, lớp văn hóa giao lưu với Trung Quốc và khu vực, lớp văn hóa giao lưu với phương Tây. Nhờ gốc văn hóa bản địa vững chắc (thể hiện ra bằng vật thể và cả phi vật thể) nên đã không bị ảnh hưởng văn hóa ngoại lai đồng hóa, trái lại còn biết sử dụng và Việt hóa các ảnh hưởng đó làm giầu cho nền văn hóa dân tộc.

Một ví dụ cho thấy: Trên thực tế một phụ nữ Âu mặc áo dài, đội nón lá, nói vài câu tiếng Việt, không bao giờ trông như một người Việt. Nhưng không ít người Việt mặc đồ "tây", nói tiếng "tây", phong cách ứng xử như "tây" được không ít người nhầm là "tây" chính hiệu.

Đó là một loại hiện tượng không biểu thị nỗi lo sẽ mất chất, mất bản sắc, mà biểu thị suy nghĩ rằng người Việt có khả năng tiếp biến cao. Chỉ có điều, tiếp biến rồi mất hẳn hay tiếp biến để thích nghi, còn cái cốt lõi thì chẳng bao giờ mất lại là một vấn nạn luôn luôn được đặt ra, luôn luôn mới mẻ theo từng thời kỳ khi những đòi hỏi thích nghi dấy lên từ các bối cảnh biến chuyển.

Người tài là trụ cột...

Đọc lại lịch sử thời Lê, ta thấy Nguyễn Trãi và Lương Đăng, người thì dâng nhạc mới phỏng theo quy chế của nhà Minh (Trung Hoa), người thì làm mới trên cơ sở cái cũ mang cốt cách truyền thống dân tộc. Những gì Nguyễn Trãi đưa ra muôn đời được nhớ, những gì Lương Đăng làm mới nhưng mất gốc đã bị tẩy chay và lãng quên.

Để giữ được cốt lõi trong tiếp biến phải có những người có tài, tầm, tâm, đức. Thời đại nào thiếu vắng những người như vậy thì xảy ra khủng hoảng tâm lý, khủng hoảng niềm tin... Và đó chính là những lúc các câu hỏi về nguy cơ bị mai một, bị đồng hóa, bị tan biến lại được nêu ra cấp thiết, từ một "bản năng xã hội-văn hóa" rất đặc trưng của nòi giống Việt, vốn đã dạn dày một truyền thống bảo tồn cộng đồng cả về căn bản vật chất và căn bản tâm linh.

Vậy, để giữ được cốt lõi trong tiếp biến phải có những người có tài, tầm, tâm, đức. Thời đại nào thiếu vắng những người như vậy thì xảy ra khủng hoảng tâm lý, khủng hoảng niềm tin... Và đó chính là những lúc các câu hỏi về nguy cơ bị mai một, bị đồng hóa, bị tan biến lại được nêu ra cấp thiết, từ một "bản năng xã hội-văn hóa" rất đặc trưng của nòi giống Việt, vốn đã dạn dày một truyền thống bảo tồn cộng đồng cả về căn bản vật chất và căn bản tâm linh.

Phải chăng ngày nay tình trạng thiếu vắng người tài, hay người tài chưa xuất hiện, còn bị che khuất là một trong những lý do khiến cho rất nhiều "thảm họa" xảy ra, từ lai căng, nhái nhép, copy sống sượng đến bát nháo, lộn xộn trên nhiều lĩnh vực của văn hóa đang lũng đoạn cuộc sống hàng ngày?

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle