I3. GIẢN DỊ TRONG CUNG
CÁCH ỨNG XỬ
Chuyện giao tiếp, ứng xử
trong cuộc sống quả thực rất phức tạp và tế nhị. Bao
nhiêu buồn vui, hạnh phúc của chúng ta phần nhiều cũng từ đó mà ra.
Mọi giao tiếp thường ngày, nếu được diễn ra với cung cách ứng xử giản dị, sẽ là
một cách thức đầy sức mạnh để chia sẻ những kinh nghiệm, để tạo ra sự thân tình
và xây dựng tốt mối dây liên kết giữa người với người.
Hãy là chính mình
Để có thể giản dị trong cung cách ứng xử với
người khác, trước hết bản thân mỗi chúng ta phải dám sống thật với chính mình!
Trong cuộc sống, phải thừa nhận một thực tế là, nhiều người không dám sống thật
với chính mình, với những gì mình đang có, với hoàn cảnh thực tế của mình!
Giữa những mối quan hệ xã hội phức tạp đan xen chằng chịt, có những người trong
một ngày phải mang không biết bao nhiêu chiếc "mặt nạ" khác nhau, để giao tiếp
với đủ mọi loại người. Lúc nào họ cũng phải sống trong tâm trạng canh chừng, đề phòng người
khác.
Không dám sống thật với mình là một điều đau khổ nhất! Tại sao
lại phải khổ như vậy? Tại sao không là chính mình?
Các nhà tâm lý học nhận thấy, trong mỗi con người, có khi tồn tại cùng một lúc
ba cái Tôi, đó là "cái Tôi chân thực" (tức cái Tôi mà bản thân chúng ta thực sự
đang có), "cái Tôi ảo tưởng" (tức cái Tôi mà chúng ta tưởng rằng mình có) và "cái
Tôi lý tưởng" (tức cái Tôi mà chúng ta đang khao khát vươn tới, muốn trở thành).
Trong ba cái Tôi kể trên, thì "cái Tôi ảo tưởng" (hay còn gọi là ngụy ngã) chính
là cái tôi nguy hại nhất. Nó làm cho con người không dám sống thật là chính mình.
Quan sát cuộc sống, bạn sẽ thấy có vô số biểu hiện khác nhau của cái Tôi ảo
tưởng.
Biểu hiện trước tiên của cái Tôi ảo tưởng chính là căn bệnh "không đủ". Trong
cuộc sống, tiền bạc, địa vị cùng danh vọng là ba cái có sức mạnh quyến rũ biết bao người. Con người ta, ai lại chẳng mong có được
những thứ này! Căn bệnh này khá phổ biến ở nhiều người trong giao tiếp ngày nay. Cảm giác "không đủ" đó luôn luôn hiện hữu trong họ.
Những người mắc phải "căn bệnh" này luôn tự nhủ rằng: mình không đủ bằng cấp,
mình không đủ thông minh, không đủ giàu có, không đủ địa vị, không đủ xinh đẹp...
Chao ôi! Danh sách của sự ham hố, tham lam cứ thế mà tiếp tục... Nhiều người luôn cảm thấy thiếu thốn và thèm muốn đủ mọi thứ trong
cuộc sống. Lúc nào họ cũng thầm nghĩ trong lòng: "Tôi cần nhiều hơn nữa,
những thứ đã bị bỏ lỡ. Liệu tôi có nên thay đổi công việc?
Hay là quay trở lại trường học để kiếm thêm bằng cấp?
Đổi chỗ ở? Làm sao để thăng tiến?..."
Một số người khác lại thích bắt chước những kiểu áo quần, kiểu tóc, cách cư xử
và lối sống của người khác. Họ hoàn toàn không dám sống như chính bản thân mình! Lúc nào họ cũng muốn "sao chép" lại người khác, muốn là một "bản sao"
của người khác.
Bên cạnh căn bệnh "không đủ" nêu trên, thì ham địa vị và háo danh cũng là "căn
bệnh" của nhiều người trong xã hội. Biểu hiện của căn bệnh này ở nhiều người là
họ luôn thèm khát lời khen của thiên hạ đến mức đê mạt! Không phải chỉ có con
nít mới ham được khen đâu! Có nhiều người tuy đã lớn tuổi,
mang danh là trí thức hẳn hoi mà vẫn huếnh hoáng, khoe khoang, đấu đá, đòi hỏi,
rất tầm thường và thiếu văn hoá.
Phải có một đầu óc rất trưởng thành, con người mới may ra thoát khỏi được thói
háo danh. Sau những vất vả, lo toan của cuộc sống, sau những thấm thía của bề
trái cuộc đời, con người mới có thể bớt đi những ham muốn danh vọng hão huyền và
sẽ nhận ra điều gì là quan trọng, đáng quan tâm trong cuộc sống. Quả thực, cuộc
sống của chúng ta có nhiều điều quan trọng, đáng quan tâm hơn danh vọng rất
nhiều!
Tất cả những con người trên đây đã quên mất một điều rằng: Con người ta không
thể đứng vững bằng sự ảo tưởng về bản thân! Con người chỉ trở thành đáng kính
trọng một khi đã bước qua được những chuyện tầm phào, thói háo danh cùng vô số
những chuyện vô bổ của đời thường... để sống thật với lòng mình.
Điều đáng sợ nhất trong cuộc sống là không hiểu được mình là
ai, nhất là sợ mình trở thành lố bịch trước mặt mọi người mà không biết.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta không dám sống thật
với chính mình.
°
Muốn vươn tới cái Tôi lý tưởng, trước hết con người phải có đủ can đảm sống với
cái Tôi chân thực của mình!
Mỗi người là độc nhất vô nhị trên cuộc đời này! Thế thì, tại
sao chúng ta không sống như chính những gì mình đang có?
Thay vì luôn có suy nghĩ rằng mình "không đủ", chúng ta có thể
tiến tới một sự khẳng định chân thật hơn – rằng mình "có đủ".
Hãy thay đổi suy nghĩ của bản thân. Nếu lâu nay bạn vẫn nghĩ, "Mình không
đủ bằng cấp, mình không đủ thông minh, không đủ giàu có, không đủ địa vị, không
đủ xinh đẹp..." thì nay bạn hãy thay thế bằng ý nghĩ: "Tôi có đủ thông minh, tôi
đủ mảnh mai, tôi đủ giản dị!". Chỉ có
cách đó, tôi mới chính là tôi.
Nói cách khác, bạn hãy tự hào về bản thân như những gì mình
đang có. Hãy bước đi với lòng can đảm và ngẩng cao đầu để nhìn mọi người.
Hãy sống thành thật với chính mình. Hãy tin vào chính mình và chú tâm vào
những gì tích cực. Những điều này sẽ trở thành nền tảng vững
chắc cho tương lai của bạn.
Đừng mãi thu mình vào vỏ ốc
Nhưng tại sao, trong cuộc
sống, nhiều người cứ luôn tự tìm cách che giấu mình? Nhiều người khác lại cảm thấy
ngại ngùng, không dám bày tỏ những cảm xúc thật của mình.
Họ không dám sống thật, không dám thể hiện bản thân trước mặt người khác bằng
những gì như mình vốn có?
Chắc hẳn là có rất nhiều lý do. Hoàn cảnh của con người ta không ai là hoàn toàn
giống ai cả, nên mỗi người đều có thể có lý do riêng. Trước hết, có thể vì mang
nặng mặc cảm tự ti, nên mới phải tự che giấu mình! Có khi vì tính tình nhút nhát, chưa biết cách ứng xử tế nhị trong
cuộc sống hằng ngày.
Có khi vì ngại bị người khác xét đoán, gán nhãn, cho nên phải
tự tìm cách che giấu mình.
Có những người tìm cách thu mình vào vỏ ốc thường là vì
họ hoặc muốn tránh né hoặc lo sợ về một điều gì đó. Nhiều người khác lại nghĩ, nếu mình sống thật như những gì mình có,
mình sẽ bị người khác xem thường, chỉ trích hoặc làm cho mình bị bẽ mặt.
Hoặc cũng có khi là do trước đây đã từng gặp phải một tổn thương tâm lý nào đó,
nên nay không còn muốn mở lòng với người khác. Hoặc có khi vì bị mất niềm tin vào người khác, mất niềm tin vào cuộc
sống, cũng tự tìm cách che giấu bản thân.
Ngoài những lý do trên, còn một lý do nữa là sự ảo tưởng về bản thân.
Thường khi chúng ta nghĩ rằng, chúng ta bị thiên hạ chú ý nhiều quá nên chúng ta
phải tự che giấu mình. Nhưng thực ra, thiên hạ chẳng mấy ai chú ý đến
chúng ta nhiều như chúng ta nghĩ! Một lúc nào đó, chúng ta sẽ
khám phá ra bản thân mình cũng quá bình thường, mờ nhạt như mọi người.
Một khi bản thân mình đã quá bình thường, mờ nhạt thì có gì đâu để mà che giấu!
Trong khuôn khổ cuốn sách này, chúng ta khó có thể liệt kê đầy đủ mọi lý do
khiến người ta tự chui vào "vỏ ốc". Nhưng điểm chung nhất của tất cả những lý do nêu trên phải chăng chính
là mối lo sợ ở trong lòng. Mối lo sợ trong lòng khiến con người ta muốn giấu
mình khỏi cái nhìn của người khác, của cuộc đời. Có thể nhiều người nghĩ rằng,
tìm cách giấu diếm bản thân mình – trốn tránh vào "lớp vỏ" nơi người ta không
thể nhìn thấu được thì họ sẽ được an toàn hơn. Do vậy,
họ không bao giờ dám để cho người khác thật sự hiểu được họ là người như thế
nào.
Chính vì lo sợ nên mới phải tìm cách giấu diếm mình.
Nhưng khi chúng ta càng tự thu mình vào vỏ ốc, thì nỗi sợ hãi của chúng ta chỉ càng trở
nên lớn thêm. Thực ra, khi sống chân thật với những gì bên trong lòng mình thì dễ
chịu cho chúng ta hơn. Và nhiều khi chính vì chúng ta cứ tự thu mình vào
"vỏ ốc", nên người khác không biết phải ứng xử như thế nào, đành tự thu mình vào
"vỏ ốc" tương tự như chúng ta. Ước gì những ai lâu nay không dám sống thật sẽ
nhận ra ích lợi của việc tự chui ra khỏi "vỏ ốc" và dám bày tỏ những cảm xúc
chân thật của lòng mình.
Đành rằng, trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng
phải "phơi bày" mọi chuyện của chúng ta cho thiên hạ thấy.
Mỗi người đều có thể có những bí mật riêng tư nào đó cần giữ
kín mà người khác phải tuyệt đối tôn trọng.
Có những người mang nhiều nỗi khổ đè nén trong lòng nhưng vì nhiều lý do không
thể thổ lộ cùng ai, đành "sống để dạ, chết mang theo".
Đó là những điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà lúc nào chúng ta cũng tự khép kín, không chịu
cởi mở tấm lòng với người khác về những vấn đề khác.
Suy cho cùng, dù với bất cứ lý do gì, chúng ta cũng không cần thiết phải tạo ra
một lớp vỏ bọc khiến mình trở nên phức tạp trong mắt kẻ khác. Bạn cứ mãi
thu
mình vào vỏ ốc thì đừng trách tại sao thiên hạ thường hiểu lầm về bạn. Bởi vì, khi bạn giấu mình, người khác sẽ không thể thấu hiểu nội tâm
bạn.
Chúng ta đều là những con người có khát vọng được người khác thấu hiểu và thừa
nhận. Khi giữa người với người có sự thấu hiểu thì cuộc sống sẽ trở nên chan hòa
hơn, an bình hơn. Tất cả những gì
khiến bạn có thể đánh mất đi khát vọng này chính là sự ngại ngùng và nỗi lo sợ
của chính bạn. Do vậy, từ nay đừng tự chui vào vỏ ốc nữa, mà hãy tạo cơ
hội cho người khác thấu hiểu bạn. Nếu bạn nhất quyết can đảm bước ra khỏi "vỏ
ốc" lâu nay, bạn có thể tham gia một cách trọn vẹn vào cuộc đời không có sự sợ
hãi bất cứ điều gì khác. Từ đó, bạn có thể biểu lộ tình yêu thương qua cách ứng xử giản dị,
chân thành và bạn sẽ thấy mình xứng đáng được hạnh phúc như thế nào. Người giản dị sẽ dễ đi vào lòng người, dễ được người khác thấu hiểu.
Dám sống thật với người
khác
Trong giao tiếp hằng
ngày, khi không dám sống thật với mình, chúng ta khó có thể sống thật với người
khác. Xa hơn và có sự khác
biệt về chất so với việc tự thu mình vào vỏ ốc, còn có thêm một biểu hiện rất cụ thể của
việc không sống thật với người khác, đó chính là thói giả dối.
Những người có thói giả dối, trước hết thường cố ý tự tạo cho
bản thân mình một lớp "vỏ bọc".
Lớp vỏ bọc này còn nguy hiểm và đáng sợ hơn so với những người tự
thu
mình vào vỏ ốc rất nhiều. Đối với những người chủ trương sống
giả dối, lớp "vỏ bọc" này không phải là để trốn tránh người khác, mà là để ngụy
trang.
Trong giao tiếp, lòng họ không hề quý mến bạn, nhưng họ luôn
tạo được nơi bạn cảm giác bạn được họ quý mến. Ngoài miệng, họ không ngớt
lời khen bạn xinh đẹp, nhưng trong lòng họ lại nghĩ bạn xấu xí chẳng kém gì Thị
Nở. Đối với bất cứ ý tưởng nào mà bạn nêu ra, họ luôn gật gù, tỏ ý hoàn toàn ủng
hộ bạn. Lúc nào họ cũng tỏ vẻ thân thiện với bạn, nhưng bên
trong họ có thể có những mưu đồ ngấm ngầm làm hại bạn.
Trước mặt bạn, họ có thể hết lời tâng bốc bạn và nói xấu sau lưng người khác.
Nhưng khi đứng trước mặt người khác mà vắng mặt bạn, họ lại hết lời tâng bốc kẻ
mà họ vừa nói xấu và không ngại gì mà không nói xấu sau lưng bạn.
Với bất cứ việc làm nào của bạn, họ không ngớt lời khẳng định bạn là người có
năng lực, nhưng trong lòng họ luôn để tâm rình rập những sai sót của bạn nhằm
hất cẳng bạn. Nói tóm lại, họ không hề yêu thương người
khác, nhưng lại luôn tỏ vẻ yêu thương.
Có thể nói, thói giả dối là nguyên nhân làm cho đời sống của chúng ta trở nên
phức tạp nhiều nhất! Nó làm cho chúng ta luôn phải sống trong
tâm trạng bất an, không biết đâu là thật, đâu là giả? Nó khiến chúng ta
lúc nào cũng phải căng mắt, căng óc ra để phân biệt, mà trong rất nhiều trường
hợp, khó mà phân biệt nổi!
Tại sao nhiều người không sống chân thật?
Giả dối để làm gì? Sao họ không nghĩ đến những tác hại
của thói giả dối đối với chính bản thân họ? Với những người thích tạo cho
bản thân mình một lớp vỏ bọc ngụy trang, họ đã quên tục ngữ có câu: "Chiếc
kim trong bọc lâu ngày cũng lộ." Tìm cách giấu giếm một điều gì đó thì
sớm muộn gì điều ta giấu giếm cũng bị tiết lộ bằng cách này hay cách khác.
Cố gắng tạo cho mình một "vỏ bọc hoàn hảo" nhưng rồi thì sớm muộn gì thiên hạ
cũng sẽ phát hiện ra chân tướng của ta. Đến khi đó thì
ta còn mặt mũi nào để nhìn thiên hạ nữa? Đến khi đó thì còn ai tin tưởng
chúng ta nữa? Đến khi đó thì chúng ta còn giao tiếp với ai
được nữa? Và nhất là, đến khi đó thì chúng ta còn có thể chung sức với ai để
làm việc được nữa?
Bên cạnh tác hại của thói giả dối đối với cuộc sống của chính người có thói giả
dối, chúng ta không thể kể hết những tác hại của thói giả dối đối với cuộc sống
xã hội cũng như cuộc sống của từng cá nhân con người.
Thói giả dối, đầu tiên có thể chỉ là một kiểu ứng xử đánh lừa
người khác, nhưng dần dần nó trở thành thói quen, ngấm sâu vào tận bản chất thì
sẽ làm xói mòn nhân cách con người. Con người khi đó khó mà trở lại như
bình thường được nữa. Họ sẽ ứng xử phi nhân tính một cách hết
sức tự nhiên, làm điều ác mà không bao giờ nghĩ là mình đang làm điều ác. Điều đó rất nguy hiểm.
Chỉ có sự giao thiệp vồn vã, hời hợt bên ngoài mà không có sự
thành thật, thì giữa người với người vẫn chỉ là hố thẳm cách ngăn.
Thói giả dối làm mất niềm tin giữa người với người, làm mục ruỗng nền tảng đạo
đức xã hội, kìm hãm xã hội phát triển. Thói giả dối khiến cho nhân cách
con người thành hèn hạ. Con người ta buộc lòng phải sống không phải với chính
mình, buộc lòng phải sống mưu mẹo, gian trá với mọi người.
Tóm lại, những dối trá, lọc lừa khiến cho cuộc sống thêm phức
tạp, hỗn loạn. Tránh được thói giả dối nhiều chừng nào
thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn chừng nấy. Chúng ta hãy thử hình dung
một xã hội mà ở đó con người ta đến với nhau bằng một thái độ cởi mở, chân
thành, bằng khiếu hài hước, trí thông minh hóm hỉnh... thì xã hội sẽ thanh bình,
yên ổn, đẹp đẽ và vui tươi hơn biết bao! Không có mưu mẹo xảo trá, không có dối
gạt, không có khoe khoang, tự phụ, giả vờ... Khi đó, những
chiếc "mặt nạ" sẽ bị cởi bỏ hết, và con người sẽ được sống chân thành, giản dị
như chính những gì bản thân mình đang có.
°
Không nhất thiết phải
chứng minh mình đúng!
Trong giao tiếp thường
ngày, nhiều khi giữa người với người có sự hiểu lầm, chỉ vì chúng ta chưa cởi mở
tấm lòng, không có đủ kiên nhẫn để lắng nghe những gì được nói ra giữa các bên. Thậm chí, trong cuộc sống xảy ra những chuyện
cãi vã kịch liệt có khi chỉ vì ai cũng tranh nhau nói và liên tục tìm cách bảo
vệ cho ý kiến riêng của mình. Đây là một khía cạnh khá phức tạp trong
giao tiếp, trong cuộc sống thường ngày!
Có thể con người ta không chịu lắng nghe nhau vì tự cho rằng, điều người khác
đang nói thì mình đã biết hoặc mình đã suy nghĩ đúng về nó.
Tuy nhiên, có thực sự là mình đã đúng hay không? Điều đáng sợ nhất là
nhiều khi chúng ta không hiểu được những suy nghĩ của người khác hoặc hiểu một
cách quá hời hợt, thành ra chúng ta đả kích họ một cách vô cùng thiển cận, bằng
những suy nghĩ có phần nông cạn của mình!
Không ai trong chúng ta có thể suy nghĩ đúng đắn về mọi vấn đề
trong cuộc sống. Nếu ta suy nghĩ đúng về vấn đề này,
thì biết đâu chúng ta sẽ suy nghĩ không được đúng lắm với những vấn đề khác.
Thái độ chủ quan của mỗi cá nhân đều có thể có mặt trong đời sống sinh hoạt hằng
ngày cũng như mọi vấn đề khác của cuộc sống. Thế thì, chúng ta đừng nên
tự thu hẹp phạm vi nhận thức của mình bằng cách khăng
khăng luôn tự cho mình là đúng! Bởi vì, khi mình đã tự nghĩ
rằng mình đúng rồi, thì làm sao mình có thể còn chịu lắng nghe và học hỏi được
thêm điều gì khác từ người khác? Nếu lúc nào người khác cũng đồng ý với
mình, thì những suy nghĩ của mình chỉ dừng lại và bó hẹp mãi trong phạm
vi
vốn có mà thôi!
Mọi cái đúng trên đời, thực ra cũng chỉ đúng một cách tương
đối mà thôi. Xét trong bối cảnh, thời gian, điều kiện
này, một điều nào đó có thể là đúng; nhưng khi xét trong bối cảnh khác, thời
gian khác, với những điều kiện khác, thì chưa hẳn là nó đã đúng.
Tính chất đa chiều, phức tạp của cuộc đời đòi hỏi phải có
nhiều cách tiếp cận, nhiều con đường đi tới chân lý. Có những vấn đề mà
trước đây chúng ta có thể nhìn bằng cái nhìn một chiều, đơn giản, nhưng nay nhờ
có "sự va chạm tư tưởng" với người khác, chúng ta lại có dịp nhìn một cách xác
thực hơn, đầy đủ hơn. Nếu chỉ khăng khăng với cái đúng của
mình, chúng ta sẽ không thể nghe được tiếng nói nào khác ngoài tiếng nói của
chính mình.
Mỗi người có cái đúng riêng của mình và điều đó thống nhất với
bản thân họ, với hoàn cảnh của họ, với lòng mong muốn, ước ao của họ.
Mỗi người chúng ta có những tầng bậc nhận thức khác nhau và nên biết mình là ai,
mình đang ở đâu trong cuộc đời này. Chúng ta không có quyền đòi hỏi người
khác phải thấy con đường của mình, hoặc phải chấp nhận lý lẽ của mình, chỉ nhằm
làm cho mình cảm thấy dễ chịu. Cái đúng của ta là cái đúng của
ta, còn người khác cũng có những cái đúng của họ. Cố gắng chứng minh cái
đúng của mình quan trọng hơn hay là chinh phục lòng người quan trọng hơn?
Điều bạn nên quan tâm không phải là cố gắng chứng tỏ mình là
đúng, mà là để sống hài hòa với người khác. Do vậy, bạn không cần phải cố
gắng tranh luận để chứng minh lẽ phải, cũng không cần tìm những lý lẽ khác nhau
để bài bác người khác. Cố gắng làm như thế chỉ chứng tỏ tính
ngoan cố của chính bạn. Bạn càng ngoan cố chứng minh cái đúng của mình, thì người khác cũng
sẽ tiếp tục ngoan cố chứng minh cái đúng của họ.
Bạn càng tìm cách bài bác họ, thì họ cũng sẽ tìm mọi cách để
bài bác ngược trở lại bạn. Tệ nhất là khi đã lỡ vướng vào chuyện tranh
cãi, bài bác lẫn nhau, con người không còn ý thức được mình đang đứng ở đâu nữa!
Mọi xung đột về mặt nhận thức cứ như thế tiếp diễn, không có hồi kết. Trái lại, khi bạn không còn ngoan cố chứng minh cái đúng của mình,
thì người khác cũng sẽ giảm bớt tính ngoan cố, không tìm mọi cách chứng minh cái
đúng của họ.
Phải giải quyết vấn đề nan
giải này như thế nào đây? Câu trả lời thỏa đáng nhất ở đây phải chăng là, hãy
biết mở lòng lắng nghe nhau, biết đâu chúng ta sẽ bình tĩnh, học hỏi được cái
đúng của nhau nhiều hơn, tiến gần đến chân lý hơn! Được như vậy thì may ra chân
lý mới có thể hiện ra với tất cả ánh sáng của nó. Từ đó, chúng
ta mới có thể nhìn cuộc sống với những màu sắc mới lạ hấp dẫn, khác hẳn với
những điều quen thuộc mà trước đây có thể mình chưa nhận ra.
°
Trong giao tiếp, bạn có để ý đến điều này không: Nhiều khi người khác cố "cãi"
bạn không phải là vì họ không nhận ra được điều gì đúng, mà vì đã trót bị bạn
làm cho bẽ mặt rồi nên mới cố cãi lại để nhằm gỡ gạc lại một chút sĩ diện nào
đó. Thế thì, tại sao bạn không tế nhị mở một lối thoát cho
người khác? Sao bạn không tinh ý tìm cách gìn giữ thể
diện cho người khác? Khi bạn đã chinh phục được lòng người, thì người khác sẽ âm thầm học
hỏi cái đúng của bạn. Người ấy sẽ đồng ý với bạn, sẽ
trở nên tốt đẹp như những gì mà bạn khuyến khích họ, chứ không phải như những gì
bạn cố thuyết phục hay ép buộc họ.
Thế thì, để tránh gây tổn thương cho người khác, trước hết
chúng ta phải nhìn lại chính mình. Nếu tôi đã lỡ tranh
luận góp thêm vào sự bất hoà, thì sau đó tôi phải gánh chịu trách nhiệm về hành
động của mình và chủ động xin lỗi người khác. Đừng bao giờ chỉ vì thái độ
cố chấp mà tự biến mình trở thành vật cản khiến người khác không muốn mở lòng
lắng nghe và đối thoại với ta!
Đối với nhiều vấn đề phức tạp trong cuộc sống, việc tranh cãi
nhau về nguyên nhân của vấn đề để đổ lỗi hoặc quy trách nhiệm cho nhau không
quan trọng bằng việc cùng nhau nỗ lực tìm cách tháo gỡ vấn đề. Khi đó,
điều quan trọng không phải là "lỗi của ai?" mà là "ai đã tìm ra giải pháp trước?".
Những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống chỉ thuộc về những con người biết kiên trì
để đạt được sự hiểu biết lẫn nhau và biết hợp tác tốt với nhau. Nếu bạn có lỗi
mà bạn tự mình tìm ra giải pháp để tháo gỡ, giải quyết ổn thỏa, thì người khác
cũng sẽ không mất thời gian để tìm cách chứng minh lỗi là do họ hay do bạn nữa!
Trên đời này, thường thì những người có học vấn thực sự và biết sống cao thượng
sẽ chọn lựa cách ứng xử như vậy!
°
Nhìn chung, trong giao tiếp và cuộc sống hằng ngày, chúng ta phải học cách để những "yêu sách của tôi" và nhu cầu
chứng tỏ mình "đúng" trôi đi. Hãy tin rằng, lẽ phải sẽ luôn
luôn được biểu lộ là chính nó vào đúng nơi và đúng lúc.
Điều bạn cần quan tâm chỉ là sống chân thật đối với chính bản thân mình và hãy
chấp nhận sự có mặt của người khác với những cá tính cùng những suy nghĩ của họ. Hãy biết tôn trọng bản sắc của người khác, nếu bạn muốn người khác
cũng tôn trọng bản sắc của bạn. Bên cạnh đó, hãy thường xuyên đánh giá lại những tư tưởng, lời nói
và hành động của chính mình xem chúng có ích lợi cho hoàn cảnh mà mình đang
sống, cho người mà mình đang giao tiếp hay không. Tóm
lại, bản thân chúng ta biết chú ý đến những gì tốt đẹp mà mình có thể làm cho
người khác thì hữu ích hơn là cố tranh cãi lý lẽ đúng sai với họ.
Hãy sống thật tốt và
yêu thương người khác
Sống trên cõi đời này, con người chúng ta có thể
khác nhau về giống nòi, về màu da, quốc tịch, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, tôn
giáo... Tất cả những khác biệt ấy là lý do để con người đến với nhau, yêu thương
nhau, chứ không phải là những bức tường ngăn cách để chia rẽ, cách xa nhau.
Tiếc rằng lịch sử nhân loại đã không tránh khỏi những nhận thức sai lầm, thậm
chí còn dẫn đến những cuộc chiến đổ máu – chỉ vì chưa biết dung hòa những sự
khác biệt trên đây.
Trong cuộc sống, hạnh phúc của bản thân ta phụ thuộc vào hạnh
phúc của người khác. Con người sống trên đời là để xây dựng hạnh phúc yên
vui của mình giữa mọi người! Đây là lẽ sống giản dị nhất,
khiến chúng ta dễ cảm nhận hạnh phúc trong cuộc sống nhiều nhất.
Nhưng cũng chính vì tình yêu thương là lẽ sống giản dị nhất, nên việc thực hành
nó mỗi ngày trong cuộc sống là điều khó nhất! Con người ta có khuynh hướng tự
nhiên ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mình, lợi ích của riêng mình. Có một câu hỏi
mà rất có thể bất kỳ ai cũng băn khoăn: "Khi tôi sống tốt, bản thân tôi có được
gì không? Nếu tôi cứ cố gắng sống tốt, trong khi cuộc sống quanh tôi đầy những
kẻ xấu, thì liệu đó có phải là một thiệt thòi cho tôi không?"
Nếu lúc nào bạn cũng luôn tự hỏi mình hoặc hỏi người khác những câu đại loại như
vậy, thì bạn khó có thể sống yêu thương! Thậm chí, nhiều người còn dựa vào "lập
luận" đó để bào chữa cho những hành vi không tốt của
bản thân mình.
Thế thì, về phần chúng ta, chúng ta sẽ lựa chọn thái độ sống
nào?
Chắc chắn những câu hỏi trên đây không phải là lý do để chúng ta không thật sự
biết sống yêu thương người khác. Chúng ta không thể mãi quanh
quẩn với những câu hỏi đại loại như vậy. Hãy thử nhìn
vấn đề này trong viễn cảnh thực tế nhất. Bạn hãy thử đến với những con
người trong giây phút hấp hối, họ nói gì với bạn? Khi sắp phải từ giã cõi đời,
những gì người ta nói ra thường là những điều chân thật nhất!
Họ thường nói gì?
Hẳn bạn đã thấy nhiều người trong lúc lâm chung thường
trăn trối lại cùng con cháu những tâm nguyện mà họ chưa thực hiện được, hoặc
chưa thực hiện được trọn vẹn khi họ còn sống. Lúc này, người ta thường nhớ về
những người thân yêu, thường tỏ ra ân hận vì trước đây mình đã lỡ có những hành
vi cư xử không phải với người khác, lỡ gây ra những hiểu lầm, xích mích, những
chuyện buồn cho người khác... Người ta chỉ còn muốn được nói lời tạ lỗi cùng
người khác, trước khi có thể thanh thản trút hơn thở cuối cùng!
Thế nhưng, đáng tiếc là nhiều người cho đến nay vẫn không nhận
ra thực tế hiển nhiên đó, vẫn không nhận ra rằng mình phải sống tốt và biết yêu
thương người khác. Họ nhận thức rất nông cạn, hời hợt,
thành thử cách sống của họ đã gây ra bao đau đớn, bất hạnh cho người khác.
Một kiếp người ngắn ngủi, làm quá nhiều điều xấu sẽ có lúc phải ân hận. Chỉ sợ rằng khi biết ân hận thì đã muộn, không thể chuộc lỗi được mà cũng không
còn kịp thời gian để làm điều gì tốt nữa! Một kiếp người như vậy là hoàn toàn trống rỗng, vô nghĩa, không đem
lại hạnh phúc cho ai cả - kể cả cho chính mình.
Đời ta ngắn ngủi lắm! Thế thì tại sao ta không cố gắng sống
đẹp đẽ một kiếp người? Tại sao chúng ta không nghĩ rằng, bản thân mình
phải cố gắng sống tốt để gieo trồng niềm tin cuộc sống nơi tâm hồn người khác? Biết bao người chỉ vì nhìn thấy những tội ác, những cái xấu trong
đời sống hằng ngày mà niềm tin cuộc sống đã không còn?
Nếu chúng ta chưa làm được điều gì tốt cho người khác, thì trước mắt, cũng đừng
làm mất niềm tin nơi người khác. Hãy sống tốt để còn gieo niềm tin cuộc
sống cho bao người khác!
Cuộc sống của mỗi chúng ta trên cõi đời này đều có những nỗi khổ riêng, những
nỗi khát khao chưa được thỏa nguyện... Do vậy mà càng phải biết yêu thương nhau
nhiều hơn! Chúng ta đừng bao giờ dựa vào những nỗi đau mà mình đang chịu đựng để
lấy đó làm lý do biện minh cho bản thân, bào chữa cho lối sống không biết yêu
thương người khác.
Khi chúng ta đau khổ, chúng ta có thể than trách vì sao mình
đau khổ quá thế? Nhưng chỉ cần biết nhìn xa hơn bản
thân mình một chút thôi, chúng ta sẽ thấy nỗi bất hạnh của biết bao người khác.
Những đứa trẻ lang thang không nơi nương tựa, những
thanh niên thất học, những trí thức nặng lòng với thời cuộc, những người già ốm
đau không có tiền thang thuốc, những tai nạn giao thông thảm khốc mỗi ngày...
Bất cứ nơi đâu chỉ có sự lạnh nhạt, thờ ơ, thì cuộc sống trở nên thật đáng sợ.
Chính những đau khổ đã đưa con người đến gần nhau hơn, dễ đồng cảm với nhau hơn
và biết yêu thương nhau nhiều hơn.
Nếu lúc nào chúng ta cũng chỉ nghĩ đến nỗi khổ của mình thì ta
càng có khuynh hướng tự phóng đại chúng lên. Nhưng trái lại, nếu chúng ta
mang một tầm nhìn lớn lao hơn, biết nhìn vào nỗi khổ của rất nhiều người quanh ta,
thì nỗi khổ của bản thân ta sẽ tự nhiên thu nhỏ lại!
°
Sự cảm thông, tha thứ và tình yêu thương trên cõi đời này là những thứ không cần
đến bất cứ điều kiện nào cả. Trong vật lý học, nhà bác học Archimedes (287 - 212
TCN) có thể tuyên bố rằng: "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi có thể nâng bổng cả
trái đất lên!" (Give me a firm place to stand, and I will move the earth.) Thế
nhưng, riêng trong lĩnh vực yêu thương, lẽ nào bạn lại nói: "Mọi người hãy đóng
góp phân nửa số tài sản đang có cho tôi, để tôi trở thành tỷ phú giàu có nhất
thế giới, rồi tôi sẽ yêu thương mọi người!" Nói như thế thì còn gì khôi hài hơn!
Nếu bạn yêu thương mà lại đòi hỏi những điều kiện đi kèm theo,
thì tức là bạn không còn yêu thương nữa. Bạn có thể yêu thương
hết thảy mọi người bạn gặp trong cuộc sống mà không phải đòi hỏi một điều kiện
nào cả. Mọi con người đều xứng đáng được đối xử với lòng tốt và lòng trắc
ẩn, thế thôi!
Nhờ có tình yêu thương con người mới có thể sống tốt với nhau.
Tình yêu thương không phải là một khái niệm trừu tượng, mà nó được biểu hiện qua
nhiều hành động muôn màu muôn vẻ của cuộc sống thường ngày.
Cuộc sống quanh bạn không thiếu gì những người tốt. Họ
sống tốt và cư xử với người khác bằng lòng tốt một cách rất giản dị, tự nhiên,
không hề có điều gì bắt buộc họ phải sống tốt như vậy cả, ngoại trừ tình cảm từ
sâu thẳm trong lòng họ.
Trong cuộc sống, mọi việc chúng ta làm đều phải dựa trên nền
tảng vững chắc của yêu thương. Lòng yêu thương người
khác giúp chúng ta tự giải thoát mình khỏi vỏ bọc chật hẹp của lòng ích kỷ.
Nhờ có tình yêu thương mà chúng ta sống một cuộc sống hạnh phúc phong phú hơn,
tràn đầy hơn... Chúng tôi tin rằng,
trong mỗi con người đều tiềm ẩn một khả năng yêu thương vô hạn.
Những gì tốt đẹp mà chúng ta làm cho người khác, bắt nguồn từ
tình yêu thương, đều trở thành phần thưởng vô giá cho chính bản thân ta.
Chắc chắn cuộc sống trên trái đất này của chúng ta sẽ trở nên yên bình hơn bằng
cách đó.
°
Mẹ tôi thường tóm gọn triết lý của mình trong những cụm từ ngắn gọn. Một trong
những câu nói mà Người ưa thích nhất là: "Quà tặng quý giá nhất trên cuộc đời
này không nên giữ hoặc giấu diếm cho riêng ai". Quà tặng mà mẹ tôi muốn nói đến ở đây chính là tình yêu thương.
Khi bạn yêu thương người khác, bạn xứng đáng có được một mối quan hệ tốt đẹp.
Mối quan hệ này không chỉ khiến bạn hạnh phúc, mà bạn còn có thể chia sẻ sự
phong phú của bản thân bạn với người khác.
Trong mỗi một mối quan hệ, chúng ta nhận ra rằng, bản thân
mình đã mang đến những giá trị tốt đẹp nào đó cho người khác khi họ cần, nhằm
làm cho mọi thứ trong cuộc sống này trở nên hoàn thiện hơn.
Tại sao chúng ta không chịu định nghĩa bản thân mình như là một thành viên tích
cực nhất của cộng đồng?
Ngày hôm nay, hãy bước ra ngoài, hòa mình vào cuộc đời và yêu
thương mọi người mà bạn gặp gỡ. Hãy để cho sự hiện diện của bạn để lại
ánh sáng trong tim người khác. Và hãy luôn nhớ rằng, chỉ có tình yêu thương
chân thật mới tạo cho ta cảm giác viên mãn hạnh phúc.
Lại Thế Luyện
ảnh Hải Trang