Những ca khúc in dấu trên những chặng đường lịch sử (phần 3)

nhung ca khuc in dau

Tâm Quang Đặng Ngọc Bích

 

Tiếp sau ca khúc Vui dựng Gia đình của nhạc sĩ  Kim Bảng, trên sân sinh hoạt của các Gia đình Phật tử lại nghe vang lên ca khúc Dây Thân Ái của nhạc sĩ Lê Lừng.

 

         Ca khúc Dây thân ái ra đời từ năm nào thì tôi chưa có tư liệu để xác định, nhưng hiện có một nguồn tư liệu có giá trị cho biết, chính nhạc sĩ Lê Lừng là người đã vẽ mẫu “Huy hiệu Hoa Sen trắng tám cánh trên nền tròn màu xanh dương đậm” để làm Huy hiệu cho Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục. Huy hiệu nầy, đến ngày vía Phật thành đạo, mồng 8 tháng 12 năm Mậu Tý (ngày 06.01.1949) khi các Gia đình Phật hóa phổ được làm lễ chính thức thành lập tại chùa Từ Đàm, Huế, thì Ban Hướng dẫn Gia đình Phật hóa phổ Thừa Thiên có quyết định thay đổi màu xanh dương đậm, thành màu xanh lá mạ, như chúng ta đang sử dụng hiện nay.

         Thời gian vẽ mẫu Huy hiệu Hoa sen có lẽ là vào khoảng cuối năm 1942 hoặc đầu năm 1943. Vì đầu năm 1941, Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục mới thành lập, đến đầu năm 1943, nhạc sĩ Lê Lừng mới bắt đầu sinh hoạt cảm tình với Đoàn. (Nhạc sĩ Lê Lừng không sinh hoạt chính thức với Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục). Chính trong thời gian nầy, anh đã vẽ mẫu Huy hiệu Hoa sen cho Đoàn, và cũng trong tinh thần sáng tạo vì cảm tình ấy, anh đã sáng tác ca khúc Dây thân ái để làm bài ca chia tay cho Đoàn.

 

 

          Tuy nhiên, ở vào giai đoạn nầy, ca khúc Dây Thân ái chỉ mới được mười lăm anh em trong Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục hát, nên chưa được phổ biến rộng rãi. Vì thế, sự ra đời của ca khúc Dây thân ái không mấy ai chú ý. Mãi cho đến đầu mùa Hè năm 1944, khi bốn Gia đình Phật hóa phổ đầu tiên được thành lập như đã nói trên, thì ca khúc Dây thân ái mới được các anh trong Đoàn đem ra tập hát cho Huynh trưởng và đoàn sinh ở bốn Gia đình nầy, nhưng cũng chỉ trong phạm vi hạn hẹp, vì số lượng Huynh trưởng và đoàn sinh của bốn Gia đình nầy chỉ vẻn vẹn có 70 người  (10)

 

          Trải qua khoảng thời gian gần hai năm - từ năm 1944 đến cuối năm 1946 - khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam phát khởi, Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục và các Gia đình Phật hóa phổ phải ngưng sinh hoạt thì ca khúc Dây thân ái lại nằm im lìm trong quên lãng.

           Mãi cho đến giữa năm 1948, sau khi hồi cư được một năm, các Gia đình Phật hóa phổ lần thứ hai thành lập, thì các Gia đình nầy mới đem ca khúc Dây thân ái ra sử dụng lại. Thế nhưng cũng chưa được rộng rãi lắm, vì ở giai đoạn nầy, chỉ có 6,7 Gia đình sinh hoạt, số lượng Huynh trưởng và đoàn sinh vẫn còn khiêm tốn.

 

          Đến khi cuộc Hội nghị Huynh trưởng Gia đình Phật hóa phổ toàn quốc, được tổ chức vào tháng 4 năm 1951, tại chùa Từ Đàm, Huế. (Sau nầy thường gọi là Hội nghị Gia đình Phật tử Việt Nam lần thứ Nhất).                                                                                                                    

 

          Danh hiệu Gia đình Phật hóa phổ được thay thế bằng danh hiệu Gia đình Phật tử. Từ đó, phong trào Gia đình Phật tử phát triển mạnh mẽ, số lượng Huynh trưởng và đoàn sinh đã vượt lên trên con số ngàn. Chính thời gian nầy là thời gian ca khúc Dây thân ái được hát rộng rãi khắp cả miền Trung đến miền Bắc (Thời kỳ nầy ở miền Nam chưa có Gia đình Phật tử nào. Đến cuối năm 1952 mới có vài Gia đinh sinh hoạt).

 

 

         Vì lẽ đó mà nhiều anh chị em Huynh trưởng và đoàn sinh chúng ta cứ ngỡ rằng ca khúc Dây thân ái đã được nhạc sĩ Lê Lừng sáng tác vào khoảng những năm 1950 hoặc 1951.

 

         Tiện đây, tôi cũng xin trình bày thêm một vài ý kiến đóng góp về từ GiâyDây trong ca khúc nầy. Có ý kiến cho rằng, từ Giây ở đây là Giây phút chia tay nhau trong tình thân ái, chứ không phải là Dây. Ý kiến nầy, mới nghe qua thì cũng có lý. Nhưng có ý kiến lại cho rằng từ Dây ở đây phải là Sợi dây, chứ không phải là Giây phút.

         Bởi lẽ, ca khúc nầy, nếu chỉ cùng nhau hát khi chia tay mà không có động thái nào diễn tả, thì có thể hiểu đó là Giây phút. Nhưng ở đây lại khác, trước lúc chia tay, anh chị em trong Gia đình Phật tử bao giờ cũng nắm chặt tay nhau, tay phải đặt trên tay trái, muốn nói là mạnh bao giờ cũng phải bảo vệ cho yếu) kết thành một sợi dây trong vòng tròn, rồi mới cất cao tiếng hát:

 

                    ”Dây thân ái lan rộng muôn nhà...

                      Ca hát trong không gian đơm hoa...”

 

          Động thái nầy biểu thị cho chúng ta thấy một ý nghĩa rất rõ tình cảm của anh chị em, dù đến lúc chia xa, nhưng luôn luôn được kết nối bằng một sợi dây thâm tình qua đôi bàn tay ấm áp và nụ cười nở thắm trên môi. Có thể nói, không có ca khúc chia tay nào thể hiện tình cảm chan hòa và thắm thiết hơn ca khúc nầy.

 

          Ý kiến thứ hai nghe có tính thuyết phục hơn. Chúng tôi nghiêng về ý kiến thứ hai, khi ghi chép ca khúc nầy. Nếu có ý kiến nào hay và đúng hơn, xin quý anh chị em hoan hỷ đóng góp, để chúng ta cùng thấu hiểu rõ ràng hơn về hai từ nầy.

          Như anh chị em chúng ta đều biết, Dây thân ái là ca khúc chỉ hát lúc chia tay nhưng âm điệu và lời ca của Dây thân ái thì thật mặn nồng, thắm thiết. Vui tươi thì cũng hết sức vui tươi mà xao xuyến cũng thật vô cùng xao xuyến.

          Không có tuần nào mà anh chị em Huynh trưởng và đoàn sinh lại không nắm chặt tay nhau để hát trong niềm lưu luyến lúc chia tay sau giờ sinh hoạt, hay sau mỗi lần hội họp:

                      “...Tay sắp xa nhưng tim không xa,

                       Đường tuy xa, nhưng tình bao la...”

           Lời ca anh viết nghe sao nó ngọt ngào, dung dị, đôi khi như đượm chút bùi ngùi, nhung nhớ! Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, mà ca khúc Dây thân ái vẫn không phai nhạt trong vòng tay trìu mến của anh chị em Huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử. Nó cứ mãi vút cao và vang vọng giữa không gian bao la... Dây thân ái lan rộng muôn nhà. Tay sắp xa, nhưng tim không xa...”.

 

           Chúng ta có thể khẳng định được rằng: Dây Thân ái là ca khúc đã đi vào nơi Bất tử của nền ca nhạc Gia đình Phật tử Việt Nam. Dây thân ái đã khắc sâu vào tâm khảm anh chị em chúng ta biết bao nhiêu kỷ niệm êm đềm, trong sáng. Ngày nay, dù người nơi góc bể, kẻ chân trời nhưng hơi ấm từ đôi bàn tay siết chặt trong vòng Dây thân ái ấy, chắc chẳng bao giờ nhạt nhòa trong ký ức.

 

           Có một điều xin nói thêm, là gần đây, tôi thường thấy trong các trại huấn luyện, hay các cuộc họp bạn đông vui, lại có hiện tượng khi chia tay, anh chị em chúng ta không chỉ hát bài Dây thân ái, mà còn “mào đầu” thêm một ca khúc khác nữa. Theo chỗ tìm hiểu của tôi, thì ca khúc mà các anh chị em sử dụng để mở đầu cho ca khúc Dây thân ái là ca khúc của tổ chức Hướng đạo Việt Nam từ trước ngày 30.4.1975.                                                                                                                  

          Ca khúc nầy, tuy giai điệu và lời ca khá hay, nhưng nó hoàn toàn không phải là “sản phẩm” của Gia đình Phật tử. Việc Gia đình Phật tử chúng ta “mượn” các ca khúc ngoài đời để làm giàu cho sinh hoạt của Gia đình Phật tử, từ trước đến nay vẫn thường xảy ra, nhưng đó là những ca khúc trong Gia đình Phật tử không có. Đằng nầy, đã có rồi mà còn “mượn”nữa, là điều không cần thiết.

 

              

           Nội dung của ca khúc Dây thân ái đã quá hay và quá đủ để thầm nói cho nhau những điều cần nói trước khi chia tay giã từ. Vay mượn thêm một ca khúc để mở đầu như thế xem ra có vẻ ôm đồm! Trong khi đó, các tổ chức khác họ vẫn sử dụng ca khúc nầy để hát lúc họ chia tay. Như thế thì chúng ta cần gì phải gom thêm một bài nữa, nó vừa dài, lại vừa mang tiếng là đi “vay mượn”cho nó thêm phiền.

          Theo thiển ý của tôi thì chúng ta chỉ nên hát bài Dây thân ái là đủ. Phải tự hào mà nói rằng: chưa có ca khúc nào hát lúc chia tay mà âm điệu và lời ca lại tha thiết, mặn nồng và toàn vẹn ý nghĩa như ca khúc Dây thân ái của nhạc sĩ Lê Lừng.

 

          Một ca khúc đã trải qua hơn 70 năm mà chưa thấy có tổ chức tôn giáo hay xã hội nào “dám mượn” để hát. Vì sao thế? Có phải vì “hơi Lam” đã thấm sâu trong từng chữ, từng câu, nên khi hát lên nghe sực nức “mùi chia tay”của Gia đình Phật tử. Vì thế cho nên chẳng ai dại gì mà vay mượn để mang tiếng! Các anh chị em thử nghĩ xem có đúng như điều chúng tôi trình bày không?

                                                     &   

                                                      

          Xuất hiện sau ca khúc Dây thân ái của nhạc sĩ Lê Lừng là ca khúc Gia Đình Thân Ái của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên. Hai ca khúc đã không hẹn mà lại gặp nhau ở thời gian tiếp nối, ở Nhịp phách trung bình và ở từ “thân ái”.“Thân ái” là biểu thị tình cảm của anh chị em Huynh trưởng và đoàn sinh chúng ta, là tinh thần yêu thương, đoàn kết để tiến bộ của lý tưởng Gia đình Phật tử.

 

          Phải mạnh dạn nói rằng: Gia đình Phật tử là một tổ chức mà anh chị em Huynh trưởng và đoàn sinh đã gửi gắm cho nhau một tình cảm vô cùng thắm thiết, khó có tổ chức nào có thể so sánh được. Do đó, mà trong hai ca khúc nầy, các anh đã thể hiện thứ tình cảm thiêng liêng và cao quý ấy một cách rất đằm thắm, chan hòa, đáng trân trọng!

 

          Nếu Dây thân ái làm cho lòng ta bùi ngùi, xao xuyến, rung động lúc chia tay thì trái lại Gia đình thân ái lại làm cho lòng ta rộn rã hơn, tươi vui hơn:

                       Ta ca mừng ngày xanh bao hăng hái,

                      Ánh hào quang rạng chiếu khắp núi sông...

 

          Lời ca dạt dào và cuồn cuộn ấy, đã un đúc cho lý tưởng của Gia đình Phật tử chúng ta dõng mãnh và trường tồn. Gia đình thân ái đã giục giã chúng ta bền tâm, vững chí, giai điệu mạnh mẽ như lời hịch gọi ba quân:

                          “Tay trong tay xin nguyền,

                            Quyết cố gắng tiến lên,

                            Điểm tô đời huy hoàng cùng Đóa sen”.

 

           Nếu chúng ta khẳng định ca khúc Dây thân ái đã đi vào nơi Bất tử của nền ca nhạc Gia đình Phật tử Việt Nam, thì ca khúc Gia đình thân ái lại mở đầu cho công cuộc xây dựng một kỷ nguyên mới của tổ chức Gia đình Phật tử. Với khẩu hiệu Tinh Tấn và châm ngôn Bi Trí Dũng mà bản Nội quy của Gia đình Phật tử đã long trọng ghi ở Điều 3 và 4, chương thứ Nhất, sau bao nhiêu lần được tu chính.

    

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác