Những ca khúc in dấu trên những chặng đường lịch sử (phần 2)

nhung ca khuc in dau

 

Tâm Quang Đặng Ngọc Bích

                  

            Gia đình Phật tử chúng ta là một tổ chức có lý tưởng thiêng liêng. Những ca khúc được các nhạc sĩ Huynh trưởng viết ra, thường mang một nội dung rất sâu sắc về lý tưởng giác ngộ và giải thoát. Chúng ta hát là hát để đi dần đến con đường giác ngộ và giải thoát, chứ không chỉ hát thông thường như những ca khúc thiếu “chất Lam”.

 

 

NHỮNG CA KHÚC IN DẤU

        TRÊN CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

 

          I. GIAI ĐOẠN TỪ KHỞI NGUYÊN ĐẾN NĂM 1965

                           Trong suốt 70 năm qua, từ khi ra đời vào năm 1940, cho đến năm 2010, bộ môn Văn nghệ của Gia đình Phật tử, thật sự đã làm cho tôi không thể nào quên đi được NHỮNG CA KHÚC ĐÃ IN DẤU TRÊN CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ vẻ vang của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam.

 

      Ngày mồng 8 tháng 2 năm Nhâm Thân (ngày 14.3.1932) An Nam Phật học hội được thành lập, sau đó một thời gian thì các Ban Đồng ấu cũng lần lượt ra đời. Tại chùa Phước Điền (ở phía Đông múi cầu Đông Ba, Huế) có Ban Đồng ấu do nhạc sĩ Bửu Bác hướng dẫn và dạy nhạc. Trong thời gian nầy, nhạc sĩ Bửu Bác đã sáng tác ca khúc Hải Triều âm (1). Ca khúc Hải Triều âm là bản nhạc lễ Phật giáo đầu tiên được nhạc sĩ Bửu Bác viết bằng phương pháp ký âm Tây phương.

         Với ca khúc nầy, tác giả đã thành công rực rỡ và đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật sáng tác nhạc lễ Phật giáo theo phương pháp ký âm mới. Kể từ đây, trên chặng đường phát triển của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam, thì ca khúc Hải Triều âm sẽ còn ảnh hưởng lớn lao đến chương trình sinh hoạt và nhạc lễ của Gia đình Phật tử. Điều nầy, tôi sẽ tiếp tục trình bày ở giai đoạn sau tháng 4 năm 1944.

 

     Đầu năm 1941, do sáng kiến của ngài Hội trưởng An Nam Phật học hội, Bác sĩ Tâm minh Lê Đình Thám, Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục được thành lập vào ngày 08 tháng 12 năm Canh Thìn (ngày 05.01.1941) (2) Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục là nơi quy tụ một số thanh niên trí thức tân học ở Huế lúc bấy giờ. Ngày đầu thành lập có 12 Đoàn viên, cuối năm 1941, có thêm 3 Đoàn viên nữa, trong số 3 Đoàn viên nầy, có nhạc sĩ Ưng Hội. Đoàn lại được ngài Hội trưởng trực tiếp hướng dẫn và quí vị Tăng già giảng dạy Phật pháp, nên sức sống của Đoàn rất vững mạnh.

 

      Đầu mùa Hè năm 1942, nhạc sĩ Ưng Hội, người Đoàn viên thứ 13 của Đoàn đã sáng tác ca khúc Rangeons-nous mes amis (Hỡi những người bạn của tôi) để làm bài ca chính thức cho Đoàn.

           Ca khúc Rangeons-nous mes amis, nhạc sĩ Ưng Hội viết bằng tiếng Pháp, và khi hát, đoàn cũng hát bằng tiếng Pháp. Ca khúc nầy gồm có 3 lời, ở đây chỉ sử dụng có Lời thứ nhất (3)

 

                 Nguyên văn lời ca 1 bằng tiếng Pháp như sau:

 

                         RANGEONS-NOUS MES AMIS

           Rangeons-nous mes amis, pour chanter gaiement en choeur.

           Portons tous vers Bouddha notre foi et notre ardeur.

           Engageons-nous à tout prix sur la route qui monte et brille,

           Et ce chant s’èlèvera pour unir notre jeune coeur.

           Dịch ra lời Việt:

                       HỠI NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA TÔI

           Hỡi những người bạn của tôi, chúng ta hãy sắp xếp lại, vui vẻ cùng nhau ca hát trong giàn đồng ca.

          Tất cả chúng ta hãy mang niềm tin và sự hăng say hướng về đức Phật.

          Bằng mọi giá, chúng ta hãy khởi sự trên con đường đi lên và tỏa sáng. Và giọng hát nầy sẽ cất lên để kết nối những trái tim trẻ trung của chúng ta.

                                                     Nguyên Giác Trần thị Thục Đoan

                                                             (Khoa ngữ văn ĐH. Sư phạm Huế)

                                                    

          Chắc anh chị em Huynh trưởng chúng ta ai cũng biết rằng: giữa lúc nước nhà đang nghiêng ngữa vì nền văn hóa dân tộc đang bị bứng gốc, trước sự chạy đua mãnh liệt theo cái mới vật chất của tầng lớp thanh niên bị lôi cuốn bởi nền văn hóa ngoại lai (4) , thì ca khúc Rangeons-nous mes amis ra đời, và được hát vang lên giữa không gian mà nền văn hóa dân tộc đang đắm chìm trong sự tối tăm ấy.

 

          Âm điệu và lời ca của ca khúc Rangeons-nous mes amis trong sáng, hùng hồn, mạnh mẽ như những hồi trống giục giã chúng ta:“Tất cả chúng ta hãy mang niềm tin và sự hăng say hướng về đức Phật...”

          Ca khúc Rangeons-nous mes amis mặc dầu là ca khúc khởi đầu, nhưng thật sự đã đặt một nền móng vững chắc cho bộ môn Văn nghệ của Gia đình Phật tử chúng ta phát triển rực rỡ về sau nầy.

          Rangeos-nous mes amis dù đã chuyển tải được phần nào tinh thần trong sáng vào nền văn hóa dân tộc đang bị giày vò bởi nền văn hóa ngoại lai, và đã đánh thức được tầng lớp thanh niên tiến bộ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, Rangoens-nous mes amis vẫn còn vướng mắc vào một chút ngôn ngữ của tập đoàn thống trị, đó là lời ca vẫn còn viết bằng tiếng Pháp.

          Chắc quý anh trong Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục cũng đã thấy rõ điều nầy, nên Rangeons-nous mes amis mới ra đời chưa tròn một năm thì đã được anh Đoàn trưởng Phạm Hữu Bình và anh Đoàn viên thứ 7 Nguyễn Hữu Quán chuyến đổi lời ca ra tiếng Việt, đặt tiêu đề lại là Hoa Sen trắng và vẫn sử dụng làm bài ca chính thức cho Đoàn.

 

          CHUYỂN ĐỔI LỜI CA ở đây, có nghĩa là các anh đã chuyển đổi luôn cả nội dung của ca khúc. Chúng ta thấy, Rangeons-nous mes amis là sự hô hào, mời gọi, là bước tiên khởi cho tầng lớp thanh niên có sự chọn lựa một hướng đi đích thực. Còn Hoa Sen trắng thì không hô hào, mời gọi mà lại mở ra cho chúng ta một khung trời trang nghiêm, thanh tịnh, cho chúng ta thấy:”Một đóa Sen trắng nở ngát thơm mùi hương Đạo. Hình dung đức Bổn sư đang mỉm cười với tấm lòng Từ bi vô lượng và Trí giác vô cùng...”

          Được chiêm ngưỡng tôn tượng thiêng liêng ấy là để cho lòng ta lắng lại mà phát lộ Bồ đề tâm, khi cùng cất cao tiếng hát:”Đồng thề nguyện một dạ theo Phật, nguyện sửa mình ngày thêm tinh khiết, đến bao giờ được tày sen ngát, tỏa hương thơm Từ bi tận cùng”.

 

 

           Có thể nói, sự chuyển đổi lời ca từ Rangeons-nous mes amis sang Hoa Sen trắng là một bước nhảy vọt thật vững chắc của Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục. Các anh đã làm sống lại và tô thắm phần nào nền văn hóa rạng rỡ của dân tộc đang bị lung lay bởi nền văn hóa ngoại lai. Trên tiêu chí ấy, các anh đã đặt một kế hoạch lâu dài và bền vững cho sự phát triển của Gia đình Phật tử Việt Nam về sau nầy.

 

         Do đó, ca khúc Hoa Sen trắng không chỉ in một dấu son tươi thắm trên chặng đường lịch sử của Gia đình Phật tử, mà còn là một bản Tuyên ngôn đầy tâm huyết của tầng lớp thanh niên Việt Nam khi đối diện với một thực trạng đau thương của dân tộc đang quặn mình trong vòng nô lệ của ngoại bang lúc bấy giờ.

 

          Đã 70 năm qua, với bao nhiêu lần Đại hội Huynh trưởng Gia đình Phật tử toàn quốc, để tu chính Nội quy, Quy chế mà lời ca của ca khúc Hoa Sen trắng vẫn không hề bị thay đổi một từ nào. Điều đó cho chúng ta thấy rằng: Ca khúc Hoa Sen trắng đã vượt thời gian, vượt không gian để vĩnh viễn đi vào nơi Bất tử của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam.

 

                                                      &

 

          Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục sau khi thành lập, một trong các hoạt động chính của đoàn là tổ chức, xây dựng và hướng dẫn các đơn vị Thanh, thiếu, đồng niên đã có sẵn từ các Ban Đồng ấu để thành lập các Gia đình Phật hóa phổ.

 

         Trong kỳ Đại hội Thanh, thiếu, đồng niên Phật tử họp tại đồi Quảng Tế, Huế, nhân Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2507 (5), ngày mồng 8 tháng 4 năm Giáp Thân (ngày 30.4.1944) bốn Gia đình Phật hóa phổ đầu tiên được làm lễ ra mắt.

 

          Đó là các Gia đình:

         1. Tâm Minh      -  Phổ trưởng Bác Tâm Minh Lê Đình Thám

         2. Thanh Tịnh    -  Phổ trưởng Bác Tôn Thất Tùng

         3. Tâm Lạc         -  Phổ trưởng Bác Phạm Quang Thiện

         4. Sum Đoàn      -  Phổ trưởng Bác Nguyễn Hữu Tuân

         Sau khi bốn Gia đình Phật hóa phổ nầy thành lập thì nhạc sĩ Bửu Bác đã giản lược ca khúc Hải Triều âm, đổi nhan đề là Trầm Hương đốt và dùng làm bài ca chính thức cho các Gia đình Phật hóa phổ nầy.

         Như thế, là trong hai tổ chức tiên khởi của Gia đình Phật tử chúng ta, đã có hai bài ca chính thức được sử dụng. Đây không chỉ là hai ca khúc đã in dấu trên chặng đường lịch sử mà về sau còn ảnh hưởng rất nhiều đến sự sinh hoạt của tổ chức Gia đình Phật tử. Điều nầy, chúng tôi sẽ tiếp tục trình bày ở giai đoạn các Gia đình Phật hóa phổ được tái thành lập sau tháng 4 năm 1947.

 

          Bốn Gia đình Phật hóa phổ nầy sinh hoạt được một thời gian thì cục diện chính trị đất nước Việt Nam chúng ta có nhiều thay đổi. Ngày 09.3.1945, trên đất nước Việt Nam quân Nhật đảo chánh quân Pháp. Ngày 19.8.1945 cuộc Cách mạng mùa Thu bừng bừng nổi dậy, rồi cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ vào cuối mùa Đông năm 1946, do đó các Gia đình Phật hóa phổ nói trên phải ngưng sinh hoạt. Cũng từ đó “thành phần Đoàn Thanh niên Đức dục hoàn toàn phân tán. Cư sĩ Tâm Minh đi xa, một số các anh trong Đoàn lên đường đi theo tiếng gọi của Tổ quốc...”(6)

         Thời gian lần lữa trôi, cơn biến động của lịch sử vẫn còn sôi nổi, mãnh liệt.Sau mấy tháng gieo rắc lối sống bừa bãi của tàn quân Trùng Khánh do Lư Hán và Tiêu Văn, toa rập với Gracey, thỏa hiệp cho Pháp thực dân tái chiếm Việt Nam. Dân Việt phát khởi phong trào kháng chiến. Không mấy chốc, xương sống nước Việt bị chẻ làm đôi: miền quê của dân, miền tỉnh của địch. Bên ni là chốn hận thù, bên tê là nơi lao khổ. Chính trong không khí đau thương ấy đã tái lập tổ chức Gia đình Phật hóa phổ”.(7)

 

 

          Sau khi hồi cư, một số các anh trong Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục và các Gia đình Phật hóa phổ còn lại, lại nhen nhúm phong trào. Có công nhất với phong trào lúc bấy giờ là anh Đinh Văn Nam, Đoàn phó Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục và anh Võ Đình Cường, người Đoàn viên thứ 6 của Đoàn. Anh Võ Đình Cường lãnh sứ mệnh hướng dẫn phong trào, còn anh Đinh Văn Nam, một thời gian sau đó, xin phát nguyện xuất gia, thọ giáo với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, được Bổn sư đặt pháp danh là Tâm Trí, pháp hiệu là Minh Châu. Sau khi thọ giới, anh trở thành vị thầy Cố vấn cho phong trào.

           “Gia đình Phật tử bắt đầu hoạt động từ tháng 4 năm 1947 tại Thuận Hóa, dưới hình thức một lớp Học Hội tổ chức cho anh chị em thanh niên tin Phật hay có cảm tình với Phật giáo. Những anh chị em ấy dần dần trở thành những Đoàn trưởng trong những Gia đình Phật hóa phổ đầu tiên tại Thuận Hóa”. (8)

 

           Sau đó, các Gia đình Phật hóa phổ lần lượt được thành lập. Đầu tiên là Gia đình Phật hóa phổ Hướng Thiện, Phổ trưởng là Bác Phan Cảnh Tú (thân phụ của Huynh trưởng Phan Cảnh Tuân). Tiếp đến là Gia đình Phật hóa phổ Gia Thiện, Phổ trưởng là Bác Nguyễn Văn Phiên. Rồi đến các Gia đình Phật hóa phổ Hương Từ, Hương Đạo, Tịnh Trang, Chơn Tri, Hương Đàm, Xuân Thiện v.v...được thành lập.

          Sau khi hai Gia đình Hướng Thiện và Gia Thiện thành lập thì các anh trong Ban Hướng dẫn đã sử dụng bài ca chính thức của Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục là ca khúc Hoa Sen trắng để làm bài ca chính thức cho hai Gia đình nầy.

 

          Việc nầy, như tôi đã trình bày ở phần trước là sau tháng 4 năm 1947, thì Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục đã hoàn toàn phân tán, hay nói một cách khác là đã tự động giải tán mà không còn thời   để tụ hội, nên ca khúc Hoa Sen trắng vẫn nằm chờ một cơ duyên thuận lợi.

 

           Hơn nữa, lúc bấy giờ ngoài hai ca khúc Hoa Sen trắng và Trầm Hương đốt ra, tổ chức Gia đình Phật tử chúng ta chưa có thêm ca khúc nào nữa cả.

 

          Do vậy, nếu đem so sánh để chọn làm bài ca chính thức thì ca khúc Hoa Sen trắng được chọn là hoàn toàn phù hợp. Vì ca khúc Hoa Sen trắng “hay hơn” ca khúc Trầm Hương đốt. “Hay hơn” ở đây không phải là nội dung chuyển tải mà ở chỗ nhịp phách ngắn gọn. Ca khúc Hoa Sen trắng có 16 phách, trong khi đó thì Trầm Hương đốt có đến 64 phách, tỷ lệ là ¼. Lời ca cũng thế, Hoa Sen trắng chỉ có 54 từ, còn Trầm Hương đốt lại có đến 125 từ.

 

          Một bài ca chính thức cho một đoàn thể thì không nên dài như ca khúc Trầm Hương đốt, mà chỉ cần ngắn gọn như ca khúc Hoa Sen trắng là đầy đủ và rất phù hợp với sức sống đang lên của lứa tuổi Thanh, thiếu và đồng niên.

          Có lẽ, do đó mà các anh trong Ban Hướng dẫn lúc bấy giờ đã chọn ca khúc Hoa Sen trắng để thay thế cho ca khúc Trầm Hương đốt. Trầm Hương đốt là ca khúc đã được sử dụng làm bài ca chính thức cho các Gia đình Phật hóa phổ từ năm 1944 đến năm 1946 như tôi đã trình bày ở trên.

 

         Tuy chọn ca khúc Hoa Sen trắng làm bài ca chính thức, nhưng các anh vẫn không quên ca khúc Trầm Hương đốt. Ngược lại, các anh còn rất nhớ và đã vô cùng khôn khéo khi chuyển ca khúc Trầm Hương đốt vào làm bản nhạc lễ cho các Gia đình Phật hóa phổ nầy hát để chấm dứt buổi lễ Phật. Phải thành thật nói rằng: các anh đã rất tinh tế khi đặt hai ca khúc đúng vào vị trí mà suốt cả chặng đường dài hơn 70 năm, chưa có động lực nào xê dịch nổi hai vị trí ấy. Thật vô cùng tài tình.

         Từ đó, các Gia đình Phật hóa phổ được Hội Việt Nam Phật học đỡ đầu, nên sự hoạt động mỗi ngày mỗi phát triển vững mạnh.

 

 

          Cho đến ngày Đại lễ Phật thành đạo, Phật lịch 2512 (9) (tức ngày mồng 8 tháng 12 năm Mậu Tý, ngày 06.01.1949) các Gia đình Phật hóa phổ nầy được tổ chức lễ thành lập chính thức tại chùa Từ Đàm, Huế. Buổi lễ được sự chứng minh của Hòa thượng Tòng Lâm pháp chủ Trung Việt Thích Tịnh Khiết (về sau là đức Đệ nhất Tăng Thống GHPGVNTN, 1964-1973). Như thế là từ trong buổi lễ long trọng nầy, hai ca khúc Hoa Sen trắngTrầm Hương đốt đã chính thức được Hội Việt Nam Phật học công nhận.

 

          Trải qua hơn hai năm, sau khi được chính thức thành lập thì một Hội nghị Huynh trưởng Gia đình Phật hóa phổ được tổ chức tại chùa Từ Đàm, Huế vào các ngày 24, 25 và 26.4.1951. Hội nghị gồm có Đại biểu của 9 tỉnh miền Trung là: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẳng, Quảng Nam, Đồng Nai thượng, Bình Thuận, CanRang (nay là Cam Ranh) và Lâm Viên. Đại biểu của miền Bắc thì có hai thành phố là Hà Nội và Hải Phòng. Lúc nầy ở miền Nam Việt chưa có đơn vị Gia đình Phật hóa phổ nào.

         (Xin lưu ý: Hội nghị nầy, được vinh dự tổ chức trước 13 ngày, tính đến ngày khai mạc“Hội nghị Phật giáo toàn quốc Việt Nam” của 6 tập đoàn Tăng già và Cư sĩ ba miền Bắc Trung Nam, tại chùa Từ Đàm, Huế, từ ngày 06 đến ngày 9.5.1951 (tức từ ngày 01 đến ngày 04 tháng 4 năm Tân Mão).

 

          Những sự kiện được thông qua trong Hội nghị nầy đã trở thành những dòng lịch sử sáng chói của tổ chức Gia đình Phật tử là Tổng Trị sự Hội Việt Nam Phật học đã quyết định:”Lấy DANH HIỆU GIA ĐÌNH PHẬT TỬ thay thế DANH HIỆU GIA ĐÌNH PHẬT HÓA PHỔ, như Tổng Hội đồng của Hội đã ấn định trong Biên bản niên khóa năm 1951. (Xin xem Điều thứ Nhất trong Chương thứ Nhất của Bản Nội Quy trình Gia đình Phật tử được Tổng Trị sự Hội Việt Nam Phật học duyệt y ngày 26.4.1951 dưới số 68/HC-TTS, do Thượng tọa Chánh Hội trưởng Thích Trí Thủ ký).

 

 

           Như thế, ngày 26.4.1951, là mốc giới thời gian chuyển hóa Danh hiệu Gia đình Phật hóa phổ thành Danh hiệu Gia đình Phật tử. Có thể nói, đây là một sự kiện lịch sử quan trọng trong tiến trình sinh hoạt của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam chúng ta.

          

          Cũng từ ngày ấy, cái tên “Gia đình Phật tử” nghe nó bình dị, mộc mạc, nhưng đã lan tỏa khắp mọi miền đất nước, đã gắn bó keo sơn với hàng triệu Thanh, thiếu, đồng niên Phật tử suốt trên chặng đường dài hơn nửa thế kỷ. Danh hiệu mộc mạc nầy chắc sẽ còn gắn bó mật thiết với anh chị em Huynh trưởng và đoàn sinh chúng ta mãi mãi...

 

          Tuy danh hiệu đã được thay đổi nhưng ca khúc Hoa Sen trắng vẫn được Đại hội giữ lại và được trân trọng ghi ở Chương thứ Ba, Điều thứ Chín trong Bản Nội quy trình là:”Bài SEN TRẮNG là bài ca chính thức của Gia đình Phật tử”.

 

          Tiện đây, tôi cũng trình bày thêm một chi tiết để quý anh chị Huynh trưởng và các em đoàn sinh được rõ là: Trong Bản Nội quy Gia đình Phật tử được tu chính theo Quyết nghị của Đại hội Huynh trưởng Gia đình Phật tử toàn quốc, lần thứ VI năm 1967, tại Sài Gòn thì ở Chương thứ Ba, Điều 12, lại ghi là:”Bài HOA SEN TRẮNG là bài ca chính thức của Gia đình Phật tử”.

 

          Tôi không được rõ là vì lý do gì lại có sự sửa đổi như vậy ? Nhưng theo thiển ý của tôi thì nhan đề Hoa Sen trắng hay hơn và đúng hơn. Vì nói theo từ Hán thì Sen trắng là Bạch liên và Hoa Sen trắng là Bạch Liên hoa. Liên hoa là Hoa sen. Như thế nếu cắt bỏ từ Hoa thì không tròn nghĩa. Hơn nữa, trong lời ca của ca khúc, hai anh Phạm Hữu Bình và Nguyễn Hữu Quán đã viết rõ ràng là:”Kìa xem ĐÓA SEN TRẮNG thơm...”Từ Đóa, theo Từ điển Việt Nam có nghĩa là Hoa.

 

                                                                                                                   

              Tuy trình bày chi tiết để quý anh chị em rõ, nhưng ngày nay chúng ta muốn gọi tên hay ghi chép ca khúc nầy thì nên gọi là “HOA SEN TRẮNG”, như Quyết nghị của Đại hội Huynh trưởng Gia đình Phật tử toàn quốc lần thứ VI năm 1967, đã ghi rõ, như tôi đã trình bày ở trên. Không nên tùy tiện cắt bỏ một từ nào trái với Nội quy đã được tu chính.

 

          Mười Ba Ngày - sau khi Hội nghị Gia đình Phật tử được tổ chức, là Lễ khai mạc trọng thể “Hội nghị Phật giáo toàn quốc Việt Nam” của 6 Tập đoàn Tăng già và Cư sĩ ba miền Bắc Trung Nam, tại chùa Từ Đàm, Huế, từ ngày 6 đến ngày 9.5.1951 (mồng 1 đến mồng 4.4 năm Tân Mão)

 

          Tiền Hội nghị, Gia đình Phật tử Thừa Thiên được vinh dự nhận nhiệm vụ tổ chức Lễ chào mừng Hội nghị. Nhân dịp nầy, nhạc sĩ Huynh trưởng Tâm Phương Lê Cao Phan, lúc bấy giờ là Ủy viên Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Thừa Thiên, chỉ trong một tuần lễ anh đã khẩn trương sáng tác xong ca khúc “Phật giáo Việt Nam Thống nhất”.

 

           Để chào mừng Hội nghị, trong Chúc từ của Gia đình Phật tử Thừa Thiên đọc trong giờ khai mạc, có đoạn viết: ”Để kỷ niệm ngày lịch sử hôm nay, chúng con xin dâng quý vị một bó hoa mà chúng con mệnh danh là “Bó hoa Thống nhất”và một bài hát mà Gia đình chúng con mới đặt tặng cho Hội nghị, nhan đề là:”Phật giáo Việt Nam Thống nhất”. Sau khi đọc Chúc từ, nhạc sĩ Lê Cao Phan đã điều khiển đoàn sinh đồng hát chào mừng Hội nghị.

 

          Giai điệu và lời ca của ca khúc Phật giáo Việt Nam Thống nhất thật trầm hùng, thanh thoát, rộn rã, tươi vui, đã vang dội không chỉ ở trong lòng Hội nghị mà còn để lại một niềm hân hoan khó tả cho tất cả Huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử Thừa Thiên lúc bấy giờ.

 

          Ngày nay, khi ngồi ghi lại những dòng nầy, tôi không rõ các anh chị em có mặt lúc bấy giờ đang nhớ gì, nghĩ gì! Chứ riêng tôi, khi hồi tưởng lại, không hiểu sao bên tai tôi cứ nghe như có tiếng hát của các anh chị đang vút cao lên rồi lan tỏa ra từ buổi lễ khai mạc long trọng ấy. Ca khúc Phật giáo Việt Nam Thống nhất thật sự là một dấu son chói lọi, đã in dấu trên chặng đường lịch sử mà sứ mệnh thiêng liêng của Gia đình Phật tử Việt Nam đã và đang gánh vác.

          Qua những điều tôi trình bày trên, chắc anh chị em ai cũng biết rằng ca khúc Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời trong một khung cảnh lịch sử rất huy hoàng của Phật giáo Việt Nam. Cái nhan đề Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng được chính tác giả long trọng tuyên bố trước Hội nghị lịch sử nầy.

 

          Trải qua hơn 20 năm sau, vào tháng 7 năm 1973, khi Hội nghị Huynh trưởng toàn quốc lần thứ VII, họp tại thành phố Đà Nẳng, thì Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Cam Ranh, đã cho ấn hành “Nhạc tuyển HƯƠNG LAM”, nhạc tuyển nầy trình bày rất  mỹ thuật và in ấn công phu, để chào mừng Hội nghị.                                                                                                                 

          Trong tuyển tập Hương Lam, cũng chọn in ca khúc Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tiêu đề, âm nhạc và lời ca đều ghi lại đúng như nguyên tác năm 1951.

 

           Đến năm 1992, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng chọn để in trong “Tuyển tập ca khúc Phật giáo 1”, bản ấn hành năm 1992, ở trang 10, thì tôi không rõ vì lý do gì lại cắt bỏ hai từ “Thống nhất”, chỉ còn lại có Phật giáo Việt Nam.

          Đến năm 2001, Phân Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Thừa Thiên Huế, cho ấn hành tập tài liệu “Thừa Thiên Huế kỷ niệm 50 năm GĐPT. Việt Nam”, cũng chọn in ca khúc Phật giáo Việt Nam Thống nhất và cũng cắt bỏ hai từ “Thống nhất”như Tuyển tập ca khúc Phật giáo 1 đã làm (xin xem trang 52 ở tập tài liệu nầy).

 

                                 

          Qua hai sự việc nêu trên, tôi thấy rằng: Tuyển tập ca khúc Phật giáo 1 của Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tập tài liệu “Thừa Thiên Huế kỷ niệm 50 năm GĐPT. Việt Nam” của Phân Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Thừa Thiên Huế, có sức phổ biến rộng rãi không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới, cho nên việc cắt bỏ từ “Thống nhất” trong giai đoạn nầy, chắc là có sự hiểu nhầm về từ Thống nhất của “Hội nghị Phật giáo toàn quốc Việt Nam“ năm 1951 và sự hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” năm 1964 hiện nay.

          Tuy nhiên, ở đây tôi không có ý lạm bàn đến “vấn đề” vì sao hai từ “Thống nhất” lại bị cắt bỏ, mà chỉ xin thẳng thắn nói rằng: Việc làm của Ban Văn hóa Trung ương và của Phân ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Thừa Thiên Huế là đã không tôn trọng nguyên tác, đã xem thường một tác phẩm vốn đã in một dấu son rực rỡ trên chặng đường lịch sử của Gia đình Phật tử chúng ta. Hoặc có thể nói thêm rằng: việc cắt bỏ hai từ “Thống nhất” là đã cố tình quên đi một quá trình lịch sử mà chư Lịch đại Tổ sư đã dày công khai sáng và vun đắp nên. Chính nhờ công lao vô lượng ấy mà ca khúc Phật giáo Việt Nam Thống nhất mới có cơ hội ra đời.

 

          Ra đời - để trở thành một ca khúc lịch sử. Như thế thì cái gì của lịch sử cứ để nguyên cho lịch sử. Xin đừng tùy tiện chối bỏ lịch sử.

          Một điều đáng nói hơn nữa là trong ca khúc nầy, Phân Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Thừa Thiên Huế, đã tự tiện sửa đổi hai từ cuối cùng ở câu cuối cùng trong ca khúc nầy là:”Chắp tay ta cùng dưới đài sen thắm KẾT ĐOÀN”, thành “Chắp tay ta cùng dưới đài sen thắm HUY HOÀNG”.

         Tôi cho rằng đây là một sự việc diễn ra khá lạ lùng, có thể làm mọi người ngạc nhiên, vì thế tôi xin phân tích hai từ nầy để quý anh chị và các em rõ thêm cái đúng, cái sai của cách sử dụng hai từ nói trên. Từ KẾT ĐOÀN hay ĐOÀN KẾT là động từ.

 

 

         Theo Từ điển tiếng Việt có nghĩa là: liên hiệp nhiều phần tử lẻ tẻ hoặc nhiều bộ phận lại thành một khối nhất trí. Từ HUY HOÀNG là tĩnh từ. Theo Từ điển tiếng Việt có nghĩa là: đẹp đẽ, nguy nga, tráng lệ.

         Như thế trong câu “Chắp tay ta cùng dưới đài sen thắm KẾT ĐOÀN” thì chúng ta ai cũng hiểu rằng: Tất cả chúng ta cùng chắp tay dưới Phật đài để tạo nên một khối đoàn kết nhất trí”. Câu nầy là câu kết của ca khúc Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Do đó, từ Đoàn kết rất trọn nghĩa và vô cùng súc tích đối với nội dung đã được tác giả thể hiện trong ca khúc từ đầu đến cuối.

 

         Còn câu “Chắp tay ta cùng dưới đài sen thắm HUY HOÀNG”, thì nó vừa thừa ý, lại vừa vô nghĩa. Thừa ý vì ”Dưới đài sen thắm” thì cụm từ nầy, tự nó đã huy hoàng rồi. Vô nghĩa vì ”chúng ta cùng chắp tay dưới đài sen thắm để Huy hoàng”, thì câu văn nghe nó ngô nghê đến buồn cười. Đọc câu văn nầy, phải nói rằng chỉ có những người không thông thạo tiếng Việt mới dám viết. Còn tự tiện sửa đổi lời ca trong ca khúc Phật giáo Việt Nam Thống nhất thì chỉ có những người xem thường lịch sử mới dám làm.                                                                                                                 

 

         Việc tự tiện sửa đổi lời ca nầy, tôi không rõ các anh có suy nghĩ gì không? Hay chỉ là một lối “chơi chữ” vụng về, tưởng chữ Huy hoàng hay hơn chữ Kết đoàn, nên mới sửa đổi cho vừa cái vụng về của mình mà thôi! Nhưng dù với lý do gì đi nữa, thì việc sửa đổi nầy cũng là một việc làm thiếu ý thức, xem thường dư luận, không tôn trọng nguyên tác, bôi nhọ lịch sử và nhất là đã chà đạp lên tấm lòng mến mộ của hàng triệu chư vị Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đối với ca khúc Phật giáo Việt Nam Thống nhất nầy.

 

          Trong tổ chức Gia đình Phật tử chúng ta, việc ứng dụng tinh thần giáo dục Gia đình Phật tử vào các bộ môn sinh hoạt là điều vô cùng cần thiết.

 

                                                                                           

 

         Do đó, trong tài liệu tu học Bậc Trì, Ban Hướng dẫn Trung ương Gia đình Phật tử Việt Nam cũng đã nêu rõ:”Chúng ta cần sưu tầm, ghi lại đúng lời, đúng nhạc. Nhiều đơn vị hiện nay hát bất chấp nguyên bản, hát sai nhạc. Những nhạc sĩ sáng tác những bản nhạc nầy hầu hết là những Huynh trưởng kỳ cựu, thâm nhập nhiều tinh thần Gia đình Phật tử, nhiều khi ta chỉ đổi lời đôi chút (hoặc vô tình hát sai lời) là đã đi ra ngoài ý nghĩa mà tác giả muốn có trong tác phẩm của mình”.

          Cùng với ý kiến trên đây, nhạc sĩ Nguyên Định Bửu Ấn, trong bài:”Văn nghệ Gia đình Phật tử Việt Nam cho tuổi trẻ hôm nay”, bản in năm 2003, tại Leesburg Virginia, Hoa Kỳ, anh cũng có nhận định khá chính xác như sau:”Chúng tôi thấy một số bài ca Gia đình Phật tử hiện nay đang còn hát ở các đơn vị Gia đình quả là quá ít ỏi, chưa nói là sai lạc! Như vậy, ngay đến cách làm tiêu cực nhất của chúng ta là:”chỉ bảo tồn nguyên xi”, cũng không làm được! Bao nhiêu bài đã được Ban Hướng dẫn các cấp sưu tập lại, in ra phổ biến đến các đơn vị. Nhưng các nơi tập hát kiểu truyền khẩu - không đọc đúng được nốt nhạc! Đàn thì rầm rộ, có thể đúng tên nốt mà chẳng đúng nhịp...”

          Qua đó, chúng ta thấy ca khúc Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã đi vào lịch sử. Vì thế, cho nên chính tác giả cũng không được tự tiện sửa đổi lời ca hay phần ký âm trong đó.

 

         Vì sao vậy?

         Vì như chúng ta ai cũng biết, chính tác giả đã thay mặt cho toàn thể Huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử Thừa Thiên, long trọng đọc Chúc từ trước Hội nghị lịch sử của Phật giáo Việt Nam năm 1951 rằng:”Để kỷ niệm ngày lịch sử hôm nay, chúng con xin dâng quý vị một bó hoa mà chúng con mệnh danh là “Bó hoa Thống nhất” và một bài hát mà Gia đình chúng con mới đặt Tặng cho Hội nghị” nhan đề là “Phật giáo Việt Nam Thống nhất”.

 

          “Tặng cho Hội nghị”, là tặng cho 51 vị Đại biểu gồm chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa cùng quý vị cư sĩ thiện tri thức, Đại diện cho toàn thể Tăng Ni và Phật giáo đồ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Như thế có nghĩa là tặng cho toàn thể chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và Phật giáo đồ Việt Nam.

          Nay muốn sửa đổi, tác giả phải xin phép, bằng cách thông qua một Hội nghị Đại biểu Tăng Ni và Phật tử Việt Nam. Sau khi được Hội nghị phê chuẩn mới có quyền sửa đổi. Không thể nói, nó là của tác giả, nên tác giả muốn sửa đổi thế nào là tùy ý. Nếu tác giả cứ để nguyên tác phẩm của mình trong tủ, lúc nào thấy cần sửa đổi thì cứ lấy ra mà sửa đổi tùy thích, chẳng cần xin phép ai cả. Nay đã tặng cho Hội nghị, Hội nghị đã nhận thì tặng vật ấy là của Hội nghị, chứ không phải là của tác giả nữa. Tôi lập luận như vậy nghe có vẻ trẻ con, nhưng không nói như thế e các vị đã dám cầm bút sửa đổi lời ca sẽ không hiểu.

          Tác giả đã không được quyền sửa đổi, thì thử hỏi Phân Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Thừa Thiên Huế, lấy tư cách gì để sửa đổi? Một ca khúc bình thường, còn không được quyền sửa đổi, huống hồ ca khúc Phật giáo Việt Nam Thống nhất là một ca khúc lịch sử. Đã là của lịch sử mà còn bị sửa đổi nữa thì rõ ràng là Phân Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Thừa Thiên Huế muốn sửa đổi luôn cả lịch sử. Lịch sử Phật giáo Việt Nam chứ đâu phải là trò đời mà lại dễ dàng đổi trắng thay đen!

          Chắc anh chị em chúng ta ai cũng biết rằng, suốt bao nhiêu năm tháng, các bậc tiền bối hữu công của Giáo hội đã bỏ biết bao nhiêu công sức, bao nhiêu ưu tư, lo lắng để làm nên một giai đoạn lịch sử cho dân tộc và Phật giáo Việt Nam, để 50 năm sau, lại bị lớp hậu thế đem ra làm trò ngâu vọc! Làm như vậy, ai đó có biết rằng mình đã đắc tội với tiền nhân không? Thử nghĩ, người nào trong anh chị em chúng ta, có ai lại không cảm thấy xót xa khi phải chứng kiến những dòng lịch sử vẻ vang của cha ông gây dựng nên, đã bị chà đạp một cách vô duyên cớ.

 

 

          Tôi thiết nghĩ, nếu có tài thì ai đó nên sáng tác một ca khúc khác, để tha hồ ưa viết gì thì viết, cần gì phải mất công sửa đổi một ca khúc mà cả dân tộc và Phật giáo Việt Nam đều biết rõ là nó ra đời trong một Hội nghị lịch sử vô cùng vẻ vang cách đây trên 50 năm!

 

          Chúng tôi xin đặt giả thiết, nếu cứ qua một cơ quan, một đơn vị hay một tổ chức Phật giáo nào, khi cho ấn hành ca khúc nầy, lại tùy tiện sửa đổi một vài từ như thế, thì thử hỏi “Bộ mặt thật” của ca khúc lịch sử nầy nó sẽ bị nham nhở và biến đổi ra sao? Điều nầy, chắc tất cả mọi người, kể cả anh chị em trong Gia đình Phật tử chúng ta không ai có thể chấp nhận được, nếu không muốn nói là sẽ nặng lời phê phán! 

                                                

         Tôi hoàn toàn không có ác ý gì khi đề cập đến việc ai đó đã tự tiện sửa đổi một vài từ trong lời ca của ca khúc đã in một dấu son chói lọi trên chặng đường lịch sử của Gia đình Phật tử Việt Nam chúng ta. Chỉ xin nêu lên và phê bình một vài điểm sai phạm đối với những người đã vô tình hay cố ý, khi cầm bút sửa đổi lời ca của ca khúc nầy mà không trình bày lý do xác đáng.

          Tôi nêu lên như thế, để cho những người có trách nhiệm ở bất cứ tổ chức hay đơn vị Phật giáo nào sẽ thận trọng hơn khi cầm bút sửa đổi một vài từ, hay một vài câu trong những ca khúc mang tính lịch sử như ca khúc Phật giáo Việt Nam Thống nhất nầy.

   

          Sau Hội nghị Phật giáo toàn quốc Việt Nam năm Tân Mão, 1951, tại chùa Từ Đàm, Huế. Tổng Hội Phật giáo Việt Nam đã khai nguyên công cuộc giáo dục Thanh, thiếu, đồng niên bằng hệ thống trường Bồ Đề.

         Đầu mùa Hè năm 1951, trường BỒ ĐỀ HUẾ được khởi công xây dựng. Đây là cơ sở giáo dục theo tinh thần Phật giáo, được xây dựng đầu tiên trên toàn lãnh thổ Việt Nam, việc xây dựng có sự góp công, góp sức của toàn thể Huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử Thừa Thiên.

 

          Chắc anh chị em còn nhớ, theo Thông tư của Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Thừa Thiên lúc bấy giờ là:”Để đóng góp vào công cuộc xây dựng trường Bồ Đề Huế, mỗi Huynh trưởng phải góp 5 viên gạch, đoàn sinh mỗi người mỗi viên, loại gạch vồ, cùng mỗi người một ngày công. Gia đình nào đều tự tìm phương tiện chuyên chở số gạch đã góp đến nơi công trình và cùng ở lại làm công tác một ngày do Ban Hướng dẫn ấn định”.

 

           Hai năm sau khi xây dựng xong ngôi trường nầy thì Tổng Hội Phật giáo Việt Nam lại quyết định xây dựng thêm một trường Bồ Đề ở phía Hữu ngạn sông Hương, và đặt tên là trường BỒ ĐỀ HỮU NGẠN. Vì thế, cho nên trường Bồ Đề Huế cũng được đổi tên là trường BỒ ĐỀ THÀNH NỘI. Sau ngày 30.4.1975, chính quyền trưng dụng cả hai ngôi trường nầy, và đổi tên trường Bồ Đề Thành Nội thành trường Cơ sở Thống nhất. Nay vẫn còn nằm trên đường Đặng Dung, thuộc phường Thuận Thành, thành phố Huế.Còn trường Bồ Đề Hữu Ngạn thì đã biến thành nơi ở của Cán bộ công nhân viên nhà nước.

         Trong dịp khởi công xây dựng trường Bồ Đề Huế, nhạc sĩ Kim Bảng (tức Huynh trưởng Đỗ Kim Bảng), đã sáng tác ca khúc Vui Dựng Gia Đình. Tôi còn nhớ, chính nhạc sĩ Kim Bảng đã đứng trên bục máy phóng thanh, anh tự đàn và hát để bắt giọng cho tất cả Huynh trưởng và đoàn sinh chúng tôi đang lao động hăng say trên công trường cùng hát theo.

 Lời ca reo vui, cuốn hút, dồn dập thật là sôi động, náo nức.

 Hai bè hát đuổi nhau nghe râm ran cả một góc trời:

 

                    “...Gai cùng chông, mình coi thường,

                         Mưa cùng sương, Mình không sờn,

                        Gia đình kia ta chung đắp xây...”

 

   

         Tiếng hát cứ dồn dập, vút cao, lan tỏa làm cho mọi người hả hê, nôn nao, phấn chấn. Nhìn trên khuôn mặt các anh chị Huynh trưởng và đoàn sinh dù thấm đẫm mồ hôi nhưng tất cả đều lộ rõ nét hân hoan, vui sướng. Cái nắng gay gắt của mùa Hè ở Huế vẫn không làm chùn tay mọi người trong công việc.

         Có thể nói, Vui dựng gia đình là một ca khúc dạt dào sinh lực tuổi trẻ, tràn đầy tinh thần Bi Trí Dũng của Huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử Thừa Thiên lúc bấy giờ.

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác