Thích Thái Hòa
Thưa đại chúng!
Chúng ta hãy ngồi yên lắng để
tiếp xúc một cách sâu sắc với lịch sử của đất nước qua niềm vui và nỗi buồn của
từng triều đại, nhất là triều đại nhà Nguyễn mà chúng ta đang có mặt tại
lăng Gia Long, nơi Minh Thành điện hôm nay.
Thưa
đại chúng! Nhìn vào tự thân của mình, từ khi sinh ra đến khi
lớn lên, mỗi chúng ta đều có lịch sử vui và buồn của chính mình. Một triều đại cũng thế. Trong một giai đoạn, trong một đất nước nào đó cũng có những khó
khăn, rồi cũng có những thuận lợi. Ta tiếp xúc với triều đại nhà Nguyễn,
với vị vua đầu tiên của triều Nguyễn để thấy được sự gian nan, thấy được công
lao của Người trong việc xây dựng nên cơ đồ nhà Nguyễn và để lại một sự nghiệp
to lớn cho chúng ta ngày hôm nay, từ kinh thành, lăng tẩm, đền đài, văn hóa, tín
ngưỡng,… đã tạo nên lịch sử của đất nước Việt Nam nói chung và của cố đô Huế nói
riêng.
Vua Gia Long tên thật là Nguyễn
Phúc Ánh, sinh ngày 25 tháng 1 năm Nhâm Ngọ (8/2/1762), con của cụ Nguyễn Phúc
Luân và bà Nguyễn Thị Hoàng.
Đức vua mồ
côi cha khi mới 4 tuổi. Nguyễn Phúc Luân đã bị Trương
Phúc Loan thao túng và ám hại. Vì vậy, đức vua Gia Long
ở với chúa Nguyễn Phúc Thuần tại nội cung.
Sau chính biến chúa Trịnh tấn công Phú Xuân năm 1774, đức vua
theo chú vào Quảng Nam. Sau đó, khi quân Tây Sơn từ Bình Định đánh chiếm
Quảng Ngãi, Quảng Nam, rồi chiếm thành Phú Xuân, đức vua Gia Long (bấy giờ là
Nguyễn Ánh) cùng với chú (Nguyễn Phúc Thuần) chạy vào Gia Định, sau đó về Long
Xuyên.
Vào năm 17
tuổi, đức vua chiêu quân, trở thành nguyên soái, nhằm khôi phục lại những gì
chúa Nguyễn đã mất.
Sau nhiều lần giao chiến với
quân Tây Sơn, thành công có, thất bại có, trải qua 26 năm nằm gai nếm mật, có
khi lánh nạn sang Xiêm La, tức là Thái Lan ngày nay, có khi bôn ba ra hải đảo,
rồi cầu viện Pháp (thông qua giám mục Bá Đa Lộc). Đức vua đã phải giao hoàng tử
Cảnh cho giám mục Bá Đa Lộc đem sang Pháp làm con tin (Hoàng tử Cảnh là con của
bà Thừa Thiên Hoàng Thái Hậu, tên thật là Tống Thị Lan), sau khi Pháp hứa yểm
trợ cho đức vua để khôi phục lại vương triều, nhưng sự hứa hẹn đó cũng chỉ được
nửa vời.
Sau một thời gian chiến tranh
với Tây Sơn, năm 1801 vua Gia Long chiếm lại được thành Phú
Xuân- tức là thành phố Huế hiện nay. Đầu năm 1802 ngài lên ngôi Hoàng đế,
định thưởng tướng sĩ có công, có tội, ưu đãi cho các vị trong triều Lê và các vị
trong thời chúa Trịnh. Sau đó, đức vua kéo quân ra Bắc để dẹp các biến loạn còn
lại và thống nhất sơn hà.
Năm 1804 đức vua sai đại thần
Lê Quang Định sang cầu nhà Thanh phong vương và đổi tên nước là Nam Việt, nhưng
vua Thanh sợ hai chữ ấy trùng với thời Triệu, nên không đồng ý mà sắc phong là
Việt Nam. Sở dĩ vua dùng hai chữ "Nam Việt" là muốn ghép hai tên An Nam và Việt
Thường. Như vậy, tên Việt Nam có từ thời vua Gia Long. Từ thời Hùng Vương, Việt Thường từ Thanh Hóa trở ra.
Trong thời kỳ Việt Nam còn lệ thuộc Trung Hoa từ thế kỷ 7 đến cuối thế kỷ 10,
nước ta có tên là An Nam Đô hộ Phủ, tức chỉ là một quận huyện của Trung Hoa mà
thôi.
Đến đời Lý mới có tên An Nam Quốc.
Trong sử ghi
lại, vua Gia Long là vị canh tân đất nước đầu tiên. Nhà
vua là người ham học, chịu khó, và rất thông minh.
Đức vua Gia Long lên ngôi đầu tiên là ở tại phủ Dương Xuân, tức là vùng Lịch Đợi
ngày nay, đến năm 1804 mới thiết định và xây dựng kinh thành.
Cuộc đời vua
Gia Long có những điều cực kỳ khó khăn. Vì non sông đất
nước, vì pháp tổ mà đã hy sinh người con đầu là Hoàng tử Cảnh, giao cho giám mục
Bá Đa Lộc làm con tin. Đó là một sự hy sinh to lớn.
Không những vậy, sau này, khi truyền ngôi cho vua Minh Mạng là con của bà Thuận
Thiên Hoàng Thái Hậu (thứ phi Trần Thị Đan) cũng là một sự hy sinh to lớn nữa.
Lẽ ra hoàng tử Cảnh mất thì phải truyền ngôi cho con của hoàng tử Cảnh là dòng
đích. Nhưng đức vua đã không làm. Tại
sao như vậy? Vì đức vua biết rằng nếu đặt con hoàng tử Cảnh lên ngôi
nhiếp chính thì đất nước này, triều đình này sẽ rơi vào tay
Thiên chúa giáo. Thiên chúa giáo đã đưa Hoàng tử Cảnh sang Pháp, muốn sau này sẽ
thế vua Gia Long. Nhưng không may hoàng tử Cảnh mất trước, nên người ta tiếp tục
nuôi dưỡng và đào tạo con của hoàng tử để sau này thay vua Gia Long nắm triều
chính, để thay đổi đất nước đi theo hướng của Thiên chúa giáo.
Như vậy, quý
vị có thể thấy được đức vua đối với đất nước, với tổ tông như thế nào.
Còn nếu mình đọc lịch sử một cách hời hợt, rồi một số người lên án khơi khơi
nữa, thì đúng là chúng ta không thấy được sự thật của vấn đề
Năm 1817, vua Louis XVIII của
Pháp sai hải quân đánh vào Đà Nẵng, buộc vua Gia Long thi hành hiệp ước nhường
Đà Nẵng và Côn Lôn như đã ký với Bá Đa Lộc, nhưng nhà vua không chấp nhận, vì
hiệp ước đó đã không được Pháp tôn trọng và thi hành một cách nghiêm túc.
Như vậy quý vị có thể thấy được tinh thần ái quốc của đức vua.
Bây giờ đặt lại trường hợp của
mình cũng vậy, giả như mình đảm nhận vai trò của vua Gia Long thời đó, trong
tình trạng chiến tranh với Tây Sơn, lẽ đương nhiên mình yếu thì mình phải cầu
viện nước ngoài. Nhưng sau khi được giang sơn rồi thì thái độ
của mình phải như thế nào. Ngày trước, quý vị cũng học sử như tôi, người
ta lên án đức vua Gia Long là "cõng rắn cắn gà nhà", lên án như thế là không
chính xác, không có trí tuệ. Vậy nên sau này lịch sử được người ta xét lại rất nhiều.
Công đức của
vua Gia Long đối với đất nước mình rất là lớn. Nhà vua là người thống
nhất sơn hà đầu tiên, và đã khiến nhà Thanh, Xiêm La, Campuchia,…đều
phải kính nể. Đức Vua đã mở mang bờ cõi ra tận đến các hải đảo Trường sa, Hoàng sa và đã cho gặm mốc giới tại các hải đảo nầy.
Nguyễn Huệ tuy là vị anh hùng
dân tộc, đã chiến thắng 20 vạn quân Thanh, nhưng nội bộ anh em Tây Sơn bất hòa.
Khi Nguyễn Nhạc xưng vương ở Bình Định, Nguyễn Huệ kéo quân vào đánh, nhưng vì
Nguyễn Nhạc nói lời thống thiết, nên Nguyễn Huệ đã kéo quân ra.
Khi vua Gia
Long thống nhất đất nước đã sai Nguyễn Văn Thành đọc lại bộ luật Hồng Đức của
đời Lê và bộ luật của nhà Thanh để thiết lập nên bộ luật Gia Long.
Các người Pháp phụ giúp triều đình, đức Vua buộc họ phải đặt Họ và tên Việt.
Họ và tên Việt phải để trước tên Pháp.
Như Nguyễn văn Chấn – Philippe Vannier; Trí – Dpyot, Tín – Olivierde Puymanel,...
Điều nầy cũng cho ta thấy lòng ái quốc và chủ quyền lãnh đạo đất nước của vua.
Và vào thời vua Gia Long trị vì, có bốn điểm cần lưu ý.
Thứ nhất, vua không bao giờ
thiết lập chức tể tướng, bởi vì vua rút được kinh nghiệm rằng, tể tướng là người
hay chuyên quyền và lấn lướt triều chính, như thời chúa Nguyễn Phúc Thuần và
Trương Phúc Loan chẳng hạn.
Thứ hai là không lập hoàng hậu,
bởi vì rút kinh nghiệm lịch sử từ thời Lý, Trần, hoàng hậu là người hay khuynh
loát triều chính.
Thứ ba, vua
dạy quan rất nghiêm, không hối lộ, tham nhũng, ức hiếp dân.
Thứ tư, vua dạy dân rất giỏi:
dân không được lợi dụng thần thánh để bày ra yến tiệc, ăn uống linh đình, chè chén.
Bốn điểm này
quý vị thấy có đáng quý không? Những điểm này trở thành ra phép tắc, nét đặc thù để trị vì đất
nước, thiết định ra một triều Nguyễn suốt một trăm bốn mươi ba năm.
Nhưng có một điều đáng buồn là
hai vị đại thần có công nhất với nhà vua là Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường
là những người cùng nằm gai nếm mật với nhà vua, cùng nhà vua xây dựng và phát
triển đất nước, nhưng đã bị giết vì những lời dèm pha, chẳng khác nào Nguyễn
Trãi cùng Lê Lợi dựng nên triều Lê, nhưng cuối cùng bị triều Lê tru di tam tộc.
Đó là nỗi đau lớn nhất của một đời làm vua, đôi khi nghe các nịnh thần, và sợ
các công thần ảnh hưởng đến uy quyền của mình, nên ra tay
trước. Đọc những điều này trong lịch sử khiến mình thấy xót
xa. Giá như không có những điều đó xảy ra thì mình vinh
dự biết mấy.
Một nỗi đau
nữa là sau khi thống nhất sơn hà, vua Gia Long xử lý những vị vua quan Tây Sơn
hơi nặng tay. Cũng phải thôi, vì khi Nguyễn Huệ lên ngôi đã "xài xể" các
chúa Nguyễn rất dữ, thậm chí đào mả Nguyễn Phúc Luân là thân phụ của vua Gia
Long. Cho nên vua Gia Long khi lên ngôi cũng ra lệnh đào mả dòng dõi Tây Sơn.
Ước chi mấy vị vua của mình đừng làm chuyện đó, thì hôm nay con cháu của mình có
thể ngẩng mặt mà đi, vì thấy được đức vua của mình thật sáng chói.
Nhưng chính những điều đó khiến cho lịch sử đất nước có những nỗi buồn.
Thêm một điểm nữa là đức vua
Gia Long đã nạp Lê Thị Ngọc Bình, vợ của Nguyễn Quang Toản làm đức phi và có bốn
người con với bà này, hai hoàng tử và hai công chúa. Giả như
đức vua đừng có chuyện đó thì thật là hay. Mình đã
chiến thắng cả sơn hà rồi thì không cần phải như thế.
Nhưng ở đời
mà đòi hỏi sự hoàn hảo thì thật khó. Đó chỉ là ước muốn
của mình, ước muốn cha ông mình khi nào cũng là hoàn hảo.
Tuy nhiên, quý vị phải biết vua
Gia Long là vị có công rất lớn đối với triều Nguyễn nói riêng, lịch sử dân tộc
nói chung. Với chúng ta ngày hôm nay, nếu cha mình, mẹ
mình, tổ tiên mình có những vinh dự nào thì đó là vinh dự cho trái tim của mình; nếu cha ông mình có những sơ suất nào thì mình
phải chấp nhận, vì mình là con cháu. Mình chấp nhận những vinh
dự của cha ông mình thì mình cũng phải chấp nhận những vụng về, sơ suất của cha
ông mình. Chấp nhận để làm gì?
Để thế hệ con cháu chúng ta trong tương lai đừng mắc phải
những sơ suất như các bậc tiền nhân đã sơ suất.
Chúng ta học lịch sử, thì phải biết ứng dụng cái hay của lịch
sử vào trong đời sống hiện tại của chúng ta.
Vào năm Kỷ Mão -1820, trước
ngày băng hà khoảng một tháng, đức vua Gia Long truyền ngôi lại cho vua Minh
Mạng. Vua Gia Long không thích người Tây Phương, vì họ lợi dụng các linh mục
Thiên chúa giáo để truyền đạo và nhòm ngó đất nước. Điểm này sang đến thời Minh
Mạng, Tự Đức, càng rõ nét hơn.
Về văn minh
khoa học, thời Gia Long đã chế ra thuyền đồng để đi tuần tra. Đức vua có tâm thương dân rất nhiều. Cứ
khoảng 10km nhà vua cho dựng một ngôi nhà trạm, để người dân đi đường có thể
dừng chân nghỉ ngơi. Nhà vua cũng ra lệnh giảm thuế.
Ngoài ra, Vua còn yểm trợ cho hoàng thái hậu, các vương phi, công chúa trong
việc tu học. Chính Hoàng thái hậu là người đã trùng tu
lại chùa Báo Quốc, Huệ Lâm ở kinh đô.
Như chị Phước Ý đã nói,
lăng Gia Long được khởi công xây dựng vào năm 1814. Nhà vua đã cho tập hợp tất cả các nhà phong thủy học của đất nước về
đây để nghiên cứu vùng đất, tập hợp các nhà kiến trúc để nghiên cứu và thiết
trí. Cho nên, chúng ta đến đây, tiếp xúc với đức vua là
chúng ta cũng tiếp xúc được với nhiều mặt của một giai đoạn lịch sử đất nước.
Quý vị biết,
đức vua Thiệu Trị đã nói rằng suốt đời làm vua, đức vua chỉ thực tập bốn điều mà
còn làm không nổi nữa.
Bốn điều đó là gì?
Thứ nhất là
"kính thiên", nghĩa là muốn làm vua, phải biết kính trọng quy luật tự nhiên của
trời đất, của tự nhiên. Hôm nay chúng ta học về môi
trường học, chúng ta phải khai thác điểm này của vua Thiệu Trị. Vậy nên quý vị
đừng nghĩ rằng bộ môn sinh thái học, môi trường học là ở bên Tây, chứ nước mình
không có. Hiểu như vậy là sai lầm. Môn học ấy đã
có từ thời vua Thiệu Trị, đó chính là tư tưởng "kính thiên", tức là kính trọng
quy luật của thiên nhiên.
Thứ hai, làm
vua là phải giữ gìn "pháp tổ". Pháp tổ nghĩa là luật pháp, nguyên tắc của tổ tiên.
Tổ tiên mình đã đặt ra các quy tắc, quy ước nào cho dân tộc mình, đã tạo nên
pháp quy thế nào cho đất nước thì hôm nay mình phải tôn trọng và bảo vệ.
Điểm thứ ba là "cần chính",
nghĩa là phải siêng năng, cần mẫn với chính sách an dân,
với việc lãnh đạo quốc gia.
Thứ tư là "ái
dân", tức là thương dân, mến dân.
Vua Thiệu Trị
đã nói rằng, bốn điều này là vương đạo, tức là đạo đức của một người làm vua, mà
một bậc thiên tử, bậc quốc chủ phải thực tập.
Do đó, chúng ta tới đây, tiếp
xúc và xem thử bản thân mình có kính thiên không, có có pháp tổ không, cần chính
không, ái dân không. Con nếu chỉ tới đây để mà chơi, chỉ đến một cách hời hợt
thì thật là uổng phí thời gian và tiền bạc. Chúng ta đến đây
là tiếp xúc cho được với niềm vui và nỗi buồn của một triều đại, của một ông vua,
để từ đó có thể tiếp xúc được với niềm vui, nỗi buồn của chính mình trong kiếp
sống con người này. Bởi vì vua- có tiểu sử của vua; dân- có tiểu sử của
dân; họ- có tiểu sử của họ; làng- có tiểu sử của làng; nước- có tiểu sử của nước;
thế giới con người thì có tiểu sử của con người. Trong tiểu sử
đó lúc nào cũng gắn liền hai chất vui, buồn lẫn lộn. Đó là kiếp sống con
người.
Chúng ta có
mặt ở đây, chính là xương là máu do tổ tiên để lại cho mình.
Chúng ta không thể hời hợt được.
Trên đường đi
từ thành phố Huế đến đây, giang sơn cẩm tú, quê hương rất đẹp. Dòng sông
Hương phục vụ cho con người. Chiếc thuyền phục vụ con người. Ngay cát dưới sông
cũng phục vụ con người. Vậy con người phục vụ ai? Hay chỉ biết gây nhau,
ăn rồi xả rác. Vậy con người phải biết sống như thế nào để xứng đáng là
con cháu của tiền nhân.
Đó là bài
pháp thoại chúng tôi xin chia sẻ với đại chúng ngày hôm nay.
(Thuviencophap.org)
lăng
vua Gia Long