Tác giả: Vũ Quốc Tuấn
Trong lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc ta, nhân tài thời nào cũng có.
Mỗi thời đại đều có nhân tài của thời ấy, đáp ứng đúng yêu cầu của thời đại đó;
và nếu như thời đại sinh nhân tài, thì đến phần mình, nhân tài thúc đẩy đất nước
sang một thời đại mới. Khi nhân tài được trọng dụng, thì đất nước giữ được bờ
cõi, xã hội hưng thịnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Trong công cuộc phát triển
đất nước ngày nay, việc trọng dụng nhân tài lại càng có ý nghĩa quyết định.
Phát
hiện nhân tài
Hiện
nay, nhiệm vụ phát triển đất nước bền vững đang đòi hỏi phát huy hơn nữa tài
năng, trí tuệ của toàn dân, trước hết là của đội ngũ
nhân tài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho nhân tài phát huy tài năng, cống
hiến cho đất nước, dân tộc.
Như kinh nghiệm của các nền kinh tế thị trường, có ba lĩnh
vực rất cần nhân tài, đó là những lĩnh vực có ý nghĩa quyết định sự phát triển
của một đất nước.
Đó là: (i) Lĩnh vực hoạch định chính sách; (ii) Lĩnh vực văn hóa, khoa học, công
nghệ; (iii) Lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong ba nhóm nhân
tài trên đây, nhóm nhân tài trong lĩnh vực hoạch định chính sách giữ vị trí quan
trọng nhất. Đó là vì những người trong nhóm này có nhiệm vụ quyết định
đường lối, quan điểm, chiến lược phát triển đất nước; quyết định thể chế, chính
sách, pháp luật, v.v... tức
là họ có quyền quyết định những vấn đề hệ trọng liên quan đến sự thịnh hưng hoặc
tụt hậu của đất nước. Nhóm người này nhất thiết phải là những
nhân tài.
Do
đó, khi chúng ta nói "phát hiện và trọng dụng nhân tài" là nói đến trách nhiệm
của bộ phận lãnh đạo, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý
nhà nước đối với nhân tài. Đó là trách nhiệm trước lịch sử,
trách nhiệm đối với sự phát triển của dân tộc.
Về phía các nhân tài, đất nước ta không thiếu, vì nhân tài nảy sinh trong lòng
dân tộc, do sự phát triển tất yếu của xã hội trong mỗi thời đại.
Nhân
tài thường có ý thức tự trọng, không màng danh lợi, họ không đợi cơ quan có
trách nhiệm "phát hiện" họ; họ cũng không cần hạ mình để được "sử dụng" hoặc để
được "tôn vinh".
Người tài thường bộc trực, thẳng thắn, nói thẳng ý kiến của
mình, có khi cứng rắn, không uốn éo phỉnh nịnh, lấy lòng cấp trên. Nhân
tài rất tự hào khi được tin dùng, sẵn sàng cống hiến với người lãnh đạo có tâm,
biết tôn trọng họ; lại rất khổ tâm khi phải đặt dưới quyền của người kém tài kém
đức. Họ không thích những gì phù phiếm, hình thức, không thực
chất. Khi không được sử dụng, họ sẵn sàng ra đi vì có nhiều cơ hội tìm
những việc phù hợp, nơi môi trường thuận lợi, họ có thể cống hiến.
Trong thời đại ngày nay, "đất dụng võ" của nhân tài đang rất thênh thang, nhân
tài có thể phát huy tài năng trong nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn, không chỉ
trong khu vực nhà nước, mà còn là khu vực tư nhân đang ngày càng phát triển và
có nhiều triển vọng. Hiện tượng nhân tài rời cơ quan nhà nước
là rất đáng quan ngại, vì có thể dẫn đến tình trạng bộ máy nhà nước yếu kém, ảnh
hưởng đến chất lượng của các thể chế, chính sách.
Anh rminh họa: ccp.vn
|
Trách nhiệm phát hiện nhân tài trước hết là ở các vị lãnh đạo. Thực tế cho thấy việc này không thể chỉ dựa vào một số cán
bộ làm công tác tổ chức - cán bộ, mà người phụ trách cơ quan, đơn vị phải đích
thân thực hiện. Muốn phát hiện đúng nhân tài, người đứng đầu cơ quan, đơn vị (i)
phải có tầm nhìn, có "con mắt tinh đời", biết ý kiến nào là đúng đắn, người nào
đích thị là nhân tài; phải khuyến khích những ý kiến mới mẻ, có tính đột phá;
(ii) cũng phải có cái Tâm vì dân, vì nước, vượt lên chính mình mới có thể khắc
phục tư duy hẹp hòi, bè phái, địa phương, hoặc sợ mất ghế; (iii) người lãnh đạo
phải là người tự nhận được rằng kiến thức của mình có hạn, cần luôn luôn lắng
nghe, chịu học hỏi, vì sự nghiệp chung; đây chính là phẩm chất, đức độ của người
lãnh đạo, bởi vì "người có tài mới phát hiện được nhân tài"; (iv) phải biết dựa
vào dân, qua sự giám sát, đánh giá của dân mà phát hiện nhân tài.
Trọng dụng nhân tài
Để
phát huy nhân tài vào công cuộc phát triển đất nước, nhất thiết phải trọng dụng
nhân tài, coi lãng phí nhân tài là sự lãng phí lớn nhất, nghiêm trọng hơn lãng
phí tiền bạc, là có tội đối với đất nước. Từ thực tế, xin đề
xuất một số giải pháp về việc trọng dụng nhân tài trong bộ máy nhà nước như sau.
-
Trước hết là về nhận thức. Cần có nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò của tri thức
trong công cuộc phát triển đất nước khi hội nhập ngày càng sâu, khi cạnh tranh
ngày càng quyết liệt. Trong thời đại mới này, phát triển nhất thiết phải dựa trên trí tuệ,
dựa vào tri thức, và như vậy, phải dựa vào nhân tài.
Điều quan trọng là cái Tâm của người lãnh đạo, lấy sự phát
triển của đất nước làm trọng, giữ vững tinh thần đổi mới, khắc phục triệt để
những tư duy giáo điều, cũ kỹ.
Chỉ có chuyển biến thực sự về nhận thức, mới biết quý nhân tài,
phát hiện được nhân tài, mới có thể có những đột phá về chính sách trọng dụng,
tôn vinh nhân tài.
-
Cần có niềm tin ở đội ngũ
nhân tài nước ta. Họ là những người yêu nước, tâm huyết, tha thiết với sự nghiệp
phát triển đất nước, những người có tài năng, trình độ đóng góp vào những vấn đề
then chốt của quốc kế, dân sinh... Không nên có tư tưởng bè phái, phe nhóm, nghi
kỵ họ, càng không nên quy chụp tràn lan. Với các nhân
tài trong đồng bào định cư ở nước ngoài, cũng cần có thái độ cởi mở, tin tưởng,
tinh thần hòa hợp dân tộc, biết khai thác thế mạnh của từng người, tránh thành
kiến, hẹp hòi.
-
Thực hiện công khai, minh bạch việc sử dụng và tôn vinh nhân tài. Không nên coi
công tác tổ chức - cán bộ như một loại công tác bí mật, khép kín trong nội bộ cơ
quan, tổ chức, đơn vị hoặc khép kín trong một số người. Cách làm như vậy chắc
chắn không thể thu hút được người tài. Phải đề ra những
tiêu chí rõ ràng, thực hiện công khai các cuộc tuyển chọn, bầu cử, bổ nhiệm, kể
cả có tranh cử, để đặt người vào đúng chỗ, nhất là để khắc phục tình trạng "mua
quan, bán chức". Điều quan trọng là thu hút người dân, các tổ chức xã hội vào việc tuyển chọn,
đánh giá hiệu quả công việc của nhân tài, nhất là của những người lãnh đạo cơ
quan, đơn vị. Việc tôn vinh nhân tài (qua các giải thưởng,
danh hiệu) cũng cần được chấn chỉnh, sao cho đúng thực chất, tránh những hiện
tượng tiêu cực, ban phát, xin-cho.
-
Thể hiện trong thực tế tinh thần dân chủ, tự do tư tưởng. Quan trọng nhất là
thái độ "lắng nghe" của người lãnh đạo, không "quy chụp"; đối với những vấn đề
chưa nhất trí, thì cần thảo luận công khai, tranh luận thẳng thắn. Có như vậy, nhân tài mới "nói thật", phát biểu những gì mình suy
nghĩ, hiến những kế sách luôn luôn đổi mới cho lãnh đạo. Đối với những
vấn đề "nhạy cảm", càng cần phải phát huy tự do tư tưởng, khuyến khích thảo
luận, tranh luận, không nên né tránh. Cơ quan nhà nước nên chủ động cung cấp
thông tin cho giới trí thức, cho các nhân tài, giúp cho họ có những thông tin
chính thống, tin cậy.
- Sử
dụng nhiều hình thức để phát huy trí tuệ của nhân tài. Cần thực hiện rộng rãi
việc cơ quan, đơn vị đặt hàng cho tổ chức hoặc cá nhân nhân tài về những chương
trình, đề tài, dự án cần nghiên cứu, hoặc đề án cần có ý kiến phản biện.
Cần phát huy tính tích cực của trí thức - nhân tài, động viên họ chủ động đề
xuất những vấn đề cần nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu.
Rất nên khuyến khích hình thành các tổ chức tư vấn độc lập - các "think tank",
qua đó tập hợp, khuyến khích và phát huy trí tuệ của đội ngũ
nhân tài vào sự nghiệp phát triển đất nước. Đức độ của người lãnh đạo tổ chức,
đơn vị là một yếu tố quyết định việc thu hút, "thu phục" người tài; thái độ chân
thành, cởi mở, đức "lắng nghe" của họ là sức cảm hóa rất tự nhiên đối với nhân
tài.
-
Phải có đột phá trong hệ thống cơ chế, chính sách sử dụng nhân tài trong bộ máy
nhà nước. Các chính sách phải bảo đảm thu hút nhân tài, giữ chân họ trong bộ máy
nhà nước, để họ tập trung sức lực và thời gian cho công việc được giao; trong
đó, chính sách tài chính cần được sửa đổi trước hết, không thể duy trì chế độ
tiền lương quá lạc hậu như hiện nay. Nên sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp
luật cần thiết cho việc khuyến khích, phát huy nhân tài, như Quy chế dân chủ
trong nghiên cứu khoa học, Luật về quyền thông tin, Luật về tư vấn, phản biện và
giám sát xã hội, Luật về Hội.
Trên đây là một số ý kiến rất tóm tắt về những giải pháp quan
trọng nhất cho sự trọng dụng, phát huy nhân tài vào công cuộc phát triển đất
nước. Cần nâng cao hơn nữa tầm tư duy, đồng thời có đột phá về thể
chế, chính sách; song điều quan trọng là người lãnh đạo, quản lý phải là người
có tâm trong sáng, dám "vượt lên chính mình" để phát hiện và trọng dụng nhân
tài.
- Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối
tuần