Tâm lý Tôn Giáo trong việc ngăn chặn giới trẻ tội phạm

Lam Yên

Hiện nay tình trạng tha hóa đạo đức ở một số tầng lớp người trong xã hội. Oái ăm thay, theo thống kê của giới nghiên cứu tâm lý học và xã hội học, trên bình quân lứa tuổi thì thanh thiếu niên là lứa tuổi vướng vào tội phạm hiện nay cao nhất, đây là thực trạng đáng quan tâm hơn bao giờ hết. Vì sao tầng lớp thanh thiếu niên, những mầm non mà lẽ ra các em vẫn còn đang hồn nhiên ngây thơ trên ghế nhà trường, hãy còn đang trong sự giáo dưỡng của gia đình, dưới sự giám sát của thầy cô, cùng sự quan tâm đúng mực của ngành giáo dục, lại trở thành những kẻ phạm pháp?

Chúng ta hãy thử điểm lại những hiện trạng đã và đang xảy ra hàng ngày trong xã hội, gia đình và học đường, thì sẽ cảm nhận “Tội phạm do đâu, và cách ngăn chặn thế nào?” nguyên nhân nào đưa đẩy con em chúng ta lún dần vào tội phạm xã hội? biện pháp nào để ngăn chặn tội phạm? đó là điều cần nên giải quyết, dù có nan giải hay mất thời gian lâu dài.

Những khiếm khuyết thực tại là nguyên nhân khiến thanh thiếu niên lún sâu vào con đường tội phạm.

1. Yếu tố giáo dục.
Phải chăng ngành giáo dục vì quá đề cập đến các môn học ngoại ngữ cũng những môn học kỹ năng mà không mấy chú trọng đến môn đạo đức học, hay môn giáo dục công dân. Ngoài ra một số phụ huynh cũng chú trọng đến các môn ngoại ngữ, và chủ trương cho con em mình học các môn ngoại ngữ hay các môn tự nhiên như toán, lý, hóa mà không chú trọng đến các môn như địa lý, lịch sử, văn học… Thiết nghĩ, con em chúng ta là công dân Việt Nam, điều trước tiên nên trang bị cho mình kiến thức về quốc gia mình, như văn hóa, lịch sử, địa lý một cách kỹ càng. Nhưng đáng buồn thay, hiện nay các môn này dường như không còn được chú trọng cho mấy. Đây là vấn đề mà ngành giáo dục và nhà trường nên xem xét.

Chúng ta đều biết những tội trạng mà lớp trẻ gây ra hiện nay thật là đáng quan ngại. Hệ quả đã rõ, nhưng theo tôi, lỗi không phải hoàn toàn tại con em chúng ta, mà cần nhìn nhận từ nhiều  góc độ và nguyên nhân sâu xa. Cụ thể, môi trường giáo dục là môi trường phong phú nhất khi con trẻ tiếp xúc để bước vào đời. Do vậy, môi trường này phải hoàn toàn trong sạch trên mặt “chất” lẫn mặt “thể”. Thầy Cô giáo chỉ dạy các em học tập một cách máy móc như “một cộng một bằng hai hay hai nhân hai bằng bốn” mà không giúp các em suy tư về những vấn đề khác có liên quan đến tâm sinh lý của chúng, thì không sớm muộn gì ngành giáo dục cũng sẽ như chiếc bong bóng có thể vỡ ra bất cứ lúc nào, đặc biệt là vấn đề đạo đức, một khi các em đã bị mất phương hướng, bước vào đời lại không có động lực lành mạnh, cộng thêm sự trác táng đua đòi của xã hội, tiếp thu văn hóa trụy lạc dẫn tới nảy sinh chiều hướng tiêu cực là điều đương nhiên có thể xảy ra. Nói thì vô kể, nhưng dù sao chúng ta cũng phải chung vai, cùng động não giải quyết, đây là vấn đề phải dài lâu và đầy thử thách, nhưng ta không làm thì hậu quá còn trầm trọng hơn.

2. Yếu tố đạo đức
Tuổi trẻ tuy các em nhanh nhạy nhưng khi cần lựa chọn đúng sai cho đời mình thì các em còn chậm, chưa đủ già dặn hay kinh nghiệm để chọn hướng đi chân chánh cho riêng mình...vì đa số các em chưa đủ thuần thục để cảm nhận và ý thức mình trên vai trò là công dân của xã hội.

Trên thực tế, việc chúng ta lo lắng và báo động là điều không hề thừa, trong xã hội hiện nay, với ngành giáo dục, đang tồn tại vấn nạn đáng lo sợ là một số tầng lớp thanh thiếu niên con em chúng ta đang có nguy cơ tha hóa đạo đức, a dua theo những luồng văn hóa xấu, học đòi những thói nghịch ngợm thiếu tính nhân văn. Cụ thể: đánh bạn tập thể, hiếp dâm tập thể, thực hiện hành vi “tính dục đàn bầy”, lợi dụng lòng tin của bạn thân chiếm đoạt tài sản, hoặc cho đến “xâm hại” tiết hạnh của bạn mình; lại còn có một số học sinh, sinh viên không trực tiếp hành thực hiện những hành động đồi bại trên nhưng lại kích động bạn bè thực hiện để mình có dịp tận mắt chứng kiến những thứ vui vô văn hóa ấy, đồng thời đưa những video clip đáng kinh sợ ấy lên những trang mạng xã hội như youtube, Witters, facebook… hòng làm ô nhục danh tánh của người khác cho thoải mãn tâm lý đê tiện của mình.

3. yếu tố gia đình.
Nên chăng Bố mẹ cần giáo dục con cái về ý thức đạo đức, và cha mẹ phải là người làm tấm gương đạo đức cho con mình noi theo thì mới có thể dạy con cái đạo lý làm người, thế nào là “sống sạch” để con em mình lấy đó làm đẹp bản thân. Cha mẹ cần nên hiểu, con trẻ thường lấy gương cha mẹ mình để học hỏi, nếu cha mẹ có đầy đủ đạo đức, tác phong thì con em mình ít nhiều sẽ có được ảnh hưởng.

Trên thực tế, khảo sát học sinh trung học và sinh viên đại học tại một số trường trong nước, cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai thành phố lớn của đất nước, kết quả khảo sát cho thấy, trong số không ít các em học sinh, sinh viên đã không mấy đồng tình về cách sống và sự giáo dục con cái của cha mẹ mình, cụ thể cha mẹ thiếu đi tính mô phạm của người gia trưởng, thiếu yếu tố tâm lý để dạy con, mà là dạy con theo quan niệm áp đặt, áp đặt con em theo quan điểm cố hữu của mình, thiếu đi yếu tố tâm lý khi truyền đạt kinh niệm vào đời cho con.

4.
 yếu tố xã hội.
Vấn đề tồn tại đáng quan ngại vẫn là sự quản lý thiếu tính nghiêm minh của pháp luật. Theo bản thân, nền giáo dục hiện nay chưa đủ chuẩn, cộng với chế tài của pháp luật còn quá lỏng lẻo, thiếu tính nghiêm khắc thì hậu quả về đạo đức xã hội sẽ còn khó lường hơn hôm nay. Thiết nghĩ ngành giáo dục cần đưa ngay môn tâm lý học vào trong học đường khi con em còn rất nhỏ, vì trên góc độ tâm lý học, mọi hành vi của con người đều có ý thức tham gia. Nhà tâm lý học người Mỹ William James đưa ra trong cuốn “The Principles of Psychology” (Cơ sở tâm lý học) xuất bản năm 1890, Ý thức Thuật ngữ tiếng Anh “stream of consciousness” cho rằng “ ý thức là một dòng chảy, một dòng sông mà ở đó những tư tưởng, cảm xúc, liên tưởng bất chợt luôn lấn át nhau và đan bện một cách kỳ quặc, “phi logic”. Ở một phương diện khác, có thể nói dòng ý thức là mức tối hạn, là dạng cực đoan của độc thoại nội tâm.” Như vậy, chúng ta nên quan tâm đến tâm lý ý thức khi con trẻ bắt đầu cảm nhận sự việc tùy theo độ tuổi cũng như môi trường xã hội mà các em đang tiếp xúc. Do vậy, nếu như các em sớm được tiếp xúc với môn tâm lý thì ý thức của các em sẽ phát triển theo chiều hướng lành mạnh, trên cả yếu tố thân vật lý và tâm sinh lý.

5. yếu tố Tôn giáo
Những yếu tố quan trọng đã nêu, thì yếu tố tâm lý Tôn giáo cũng không thể là phần nhỏ trong vấn đề ngăn ngừa tội phạm.

Đứng trên góc độ tâm lý, nếu một người có đức tin, hay họ đã lựa chọn cho mình một đức tin, thì ít nhiều yếu tố tín ngưỡng sẽ có sự gò thúc vô hình đối với họ, khi đó tính chất của giới luật sẽ ngăn chặn họ thực hiện hành động phi nhân tính. Có Tôn giáo sẽ tốt hơn, hay ít nhất ít phạm pháp hơn. Nếu ai cũng có một đức tin để theo, để tu thì xã hội sẽ bớt đi gánh nặng, đó là sự thật mà các nước đều áp dụng.

Người viết nêu ra những nguyên nhân khiếm khuyến gần xa mà các nhà chức trách của chúng ta có lẽ chưa thực sự quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng tội phạm trẻ hóa ngày một gia tăng, làm thế nào để ngăn chặn những mầm móng nguy hại này có lẽ cần đến biện pháp hỗ trợ của Tôn giáo. 

Tâm lý tôn giáo trong việc ngăn ngừa giới trẻ tội phạm

Phương pháp ngăn ngừa có lẽ sẽ đem lại hiệu quả nhất đó là áp dụng tâm lý Tôn giáo vào ngay trong học đường hoặc các nhà chức trách tại sở tại nên tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các Tôn giáo có cơ hội mở lớp giáo lý, thông qua những vị Tu sĩ, họ sẽ tiếp cận với các em, giảng dạy cho cho thanh thiếu niên thinh thần “Từ bi” , hay “Bác ái”, nhờ đây các em sẽ ý thức giá trị đạo đức thông qua tâm lý Tôn giáo, đồng thời tâm lý Tôn giáo giúp các em nhận thức giá trị sinh mạng là điều cần trân quý.

Các bậc phụ huynh hãy khuyến khích con em mình đến với các “khóa tu mùa hè” cho thanh thiếu niên do các tự viện Phật giáo tổ chức. Nhờ có tín ngưỡng, nhờ tiếp thu những lời Phật dạy như: làm lánh dữ, thực hiện tính từ bi với đồng loại, bảo vệ tánh mạng người khác, xem mạng sống người khác như mạng sống của mình … , nhờ đây não bộ các em sẽ được gieo vào những hạt giống lành, và nhanh chónng đơm hoa kết quả thiện. Cụ thể, nhà Phật có phương pháp “Quy y”. Nếu các em đã được quy y, thì với các em hiểu và tôn trọng mạng sống của người khác là điều các em đã nhận giữ và tuân thủ khi đã thọ “năm giới của nhà Phật” .

Mỗi lần tôi nghe các vị giảng sư Phật giáo giảng cho tín đồ, để tránh đọa lạc vào cảnh địa ngục ngạ quỷ chúng ta cần phải quy y 5 giới cấm của nhà Phật, cụ thể là: “không sát sanh”, “không trộm cướp”, “không tà dâm”, “không nói dối”, “không uống rượu”. Nếu tránh được những điều này sẽ giúp tránh khỏi đau khổ về thể xác và thăng hoa tâm linh, giữ được 5 giới này đồng thời xa lìa ác đạo (tức xa lìa địa ngục khổ đau). Nhưng có lẽ giá trị đích thực của những lời dạy này phần nhiều hãy còn nằm trên ngôn ngữ văn tự, chưa thực sự có tác động mạnh vào tầng lớp thanh thiếu niên, nếu có chăng cũng chỉ được áp dụng cho một số ít tín đồ có tín ngưỡng Tôn giáo mà thôi, và cụ thể tính tích cực của giới cấm này sẽ được áp dụng bao nhiêu phần trăm vào cuộc sống hiện thực với hơn 88 triệu công dân như hiện nay.

Do vậy, để ngăn ngừa tội phạm có hiệu quả trong đó sự ủng hộ và đóng góp của Tôn giáo là cần được chú trọng. Tôn giáo là đại diện cho đạo đức, cho nhân quả, vì tín ngưỡng vẫn luôn có sức mạnh vô hình có thể ngăn ngừa ác niệm sanh khởi. Nếu như con người đã thực sự có tâm lý tín ngưỡng và hiểu đúng giá trị tín ngưỡng thì ít nhất họ cũng tránh được những điều bất thiện. Bởi vậy, chúng ta hãy sớm nghĩ cách ngăn ngừa tội phạm hóa vị thành niên.

Mỗi tôn giáo đều có luân lý đạo đức riêng, những luân lý ấy ít nhiều cũng góp phần làm tốt xã hội. Như ở Nhật Bản, người dân Nhật lấy tâm lý Tôn giáo làm thước đo giá trị đạo đức, và cụ thể giáo lý Đạo Phật được áp dụng trong các công ty xí nghiệp, cho người quản lý doanh nghiệp và cả công nhân thực hiện. Ở nước Mỹ “Thánh Kinh” cũng được người công dân áp dụng như yếu tố tâm lý Tôn giáo cần được tôn sùng. Học giả Trung Quốc-Trương Chánh Bình, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Nhật, năm 2006, ông đã phát biểu: “Nhật Bản, Tôn giáo không chỉ ảnh hưởng đến luân lý đạo đức quốc gia mà còn là giá trị hướng thiện của con người. Tôn giáo được ứng dụng trong xí nghiệp, nhà máy, công sở… Do vậy Tôn giáo được xem là vần đề quan trọng hàng đầu trong việc thiết lập trật tự quốc gia và vấn đề phát triển xí nghiệp, có như thế thì thủ đoạn lợi nhuận không thể thực hiện nơi xí nghiệp, đó cũng là phương cách bảo tồn tính đạo đức và bảo đảm sức khỏe cũng như tính mạng của người tiêu dùng khi xí nghiệp tạo ra sản phẩm”. Đến Thái Lan mới mục thị tận tường xã hội Thái Lan, luôn rất quan tâm đến vị thành niên, họ có tổ chức rõ ràng, mang tính cộng đồng rèn luyện các vị thành niên vào tổ chức kinh doanh, nghề nghiệp, hoặc tu dưỡng bản thân ở chùa chiền để có đầy đủ đạo đức bước vào xã hội, những mong định hướng tốt cho bản thân và làm ích lợi cho xã hội. Việt Nam thì sao? vẫn còn tình trạng mạnh ai đạt được thì được, không thì để đó, có tổ chức nào cho các em vị thành niên phạm sai lầm, phạm tội hình sự  có thể làm lại cuộc đời không? Có tổ chức nào tạo điều kiện, ưu ái, khuyến khích các em vô gia cư, lang thang, cơ nhỡ, hư hỏng tìm cái nghề nghiệp sinh tồn hay không? Đây cũng là vấn nạn cần có giải pháp. Tôi thấy, một hiện tượng lạ mắt có thể tồn tại một cách lạ lùng mà được trân trọng ở nước ta hiện nay là các quán nhậu, cafe, Karaoke mọc như nấm… nhưng thực tế những nơi đây có thể là nơi tụ tập cho các thói hư, tội phạm phát triển.... Ôi! nếu nói thì bao giờ mới hết, chủ yếu các giới chức đã từng đi ra nước ngoài nhiều, cần học hỏi những cái hay bên nước bạn để làm đề tài suy nghĩ và áp dụng cho xã hội Việt Nam là tốt nhất.

Mọi Tôn giáo đều mang xu hướng nhập thế, không phải xa lìa thế tục mà tồn tại, hòa nhập để thấu hiểu nỗi thống khổ tinh thần, sự nghèo nàn cả vật chất và đạo đức đều chính là những động cơ gây nên những cảnh đau lòng cho xã hội. Tâm lý Tôn giáo nếu được triển khai và áp dụng trong học đường thì  tội phạm có thể sẽ được giảm đi. Tôi luôn hy vọng sự phát triển xã hội nên đồng hành với vấn đề giáo dục, mà trong đó yếu tố đạo đức luôn phải được đặt lên hàng đầu, yếu tố tâm lý Tôn giáo cần được triển khai đúng chỗ, đúng lúc và hợp thời, có như thế thì nhà chức trách chúng ta cũng đỡ phần lao nhọc vì hiện tượng tiêu cực luôn phát triển theo cấp số nhân, đất nước Việt Nam ta sẽ ngày càng giàu đẹp và xã hội sẽ thanh bình khắp mọi hang cũng ngõ hẻm của cuộc đời nếu tội phạm ngày một thuyên giảm.

Sau cùng, để đất nước luôn rộng mở đón chào bình mình mới thì những bóng đen của tội lỗi và tội ác phải bị lùi dần, những công dân bất chánh phải sớm được giáo dục dù đó là nhà chức trách hay người đại diện cho dân nếu vi phạm. Có thế con em chúng ta mới không học theo cái thói hư tật xấu của “kẻ bề trên” đừng để “thượng bất chánh, hạ tất loạn” trên có nghiêm thì dưới mới nể nang.

Lam Yên

http://phapluanonline.com  

Chia sẻ: facebooktwittergoogle