Tình thương của mẹ

Hạnh Phương

 

Ý niệm tình thương con người có được nơi trái tim có lẽ được khơi nguồn từ tình thương của mẹ. Nói đến mẹ là nói đến tình thương. Con trẻ vừa lọt lòng là được tiếp xúc ngay với nguồn suối tình thương của mẹ. Vừa rút ruột quằn quại sinh con, nghe tiếng khóc oa oa đầu đời của con, dù mệt bả người, mẹ cố cúi xuống, nằm ngoái nhìn con, đôi môi mềm nở nụ cười hạnh phúc, lòng mẹ dạt dào một niềm thương. Con vừa mới cắt cuống rốn, mới ráo khô nước nhờn nước ối là đã được bầu vú mẹ cho bú những giọt sữa non ngòn ngọt, tiếp sức cho con mở mắt nhìn đời.Tình thương của mẹ là chất liệu nuôi dưỡng cho con từng bước từ sơ sinh đến lúc cứng cáp trưởng thành. Từng ngày từng đêm, bao năm bao tháng, biết bao nhiêu dịu ngọt, êm đềm tình thương mẹ  cho con hưởng thụ. Vì thế, khi tình thương của mẹ được thăng hoa vào thi ca, bởi các nhà thơ, thì nó chuyển hiện thành bao nhiêu đường nét, hình tượng, âm giai cung bực.Với nhà thơ Phạm Như Vân, khi tình thương của mẹ rót vào lời ru, thì lời ru ngọt lịm vị phù sa:

 

Con đi tìm vị phù sa

Trong lời ru mẹ chảy qua tâm hồn

Tìm trong nỗi nhớ mỏi mòn

À ơi tiếng mẹ ru con dịu dàng.

(Phạm Như Vân – Men vị phù sa)

            Có một nhà thơ, “nhất niên tam nguyệt phiêu bồng”, nhà thơ Tâm Nhiên, cứ chín tháng dạy học ở hải đảo Phú Quốc, đến dịp Tết và Hè, anh lại vào đất liền dong ruỗi ba miền từ Nam chí Bắc, thăm anh em bạn thơ, thăm và lễ bái các  bậc tôn túc, già lam, am viện… Ấy vậy, hình như Tâm Nhiên đã từng có diễm phúc, mở mắt ra thì đã “ngộ” được tình thương của mẹ:

Mẹ như tia sáng mặt trời

Khơi dòng máu chảy nồng hơi thở nầy

Mẹ là bóng lặng trăng soi

Xua tan u tối dặm dài con đi.

Mẹ sinh ra cõi tự do

Cho con chạy nhảy tha hồ dạo rong

                                                     (Tâm Nhiên – Mẹ ơi !)

 

Và phải chăng nhà thơ Huệ Thành Mang Viên Long cũng đồng cảm với Tâm Nhiên khi anh viết:

Trăng là mẹ, những mùa trăng là mẹ…

Không phút nào con có thể nguôi quên !

Bởi vì trăng đã sống mãi trong tim

Vầng trăng mẹ soi đời con tăm tối.

            (Huệ Thành Mang Viên Long – Trăng là mẹ)

Xin thưa, nói đồng cảm là chỉ nói đến nét phác thảo, khắc họa tương đồng của hai hình ảnh mẹ được tượng trưng. Nói sâu hơn thì vầng trăng tượng trưng trong thơ Mang Viên Long đã là vầng trăng linh thoại, vầng trăng cổ tích, vầng trăng điển tích… Vầng trăng Rằm tháng bảy đã tròn từ thuở Đức Thích Tôn còn tại thế, vầng trăng đã tròn từ thuở Tôn giả Mục Kiền Liên thực hành hiếu hạnh:

Từ mùa trăng hai ngàn năm trăm năm trước….

Đến mùa trăng nầy xa cách biết bao

Nhưng trăng vẫn sáng. Vẫn dịu dàng đúng hẹn

Vẫn là mẹ yêu- con mãi hướng tâm về.

 

Từ mùa trăng thuở ấy, có mùa trăng Thắng Hội…

Có trăng Vu Lan cho con nhớ nguyện cầu

Cho ân nặng được báo đền muôn một

Cho lòng con và trăng mãi thâm sâu!

(Huệ Thành – Mang Viên Long)

 

Vâng, chính từ vầng trăng linh thoại, mùa trăng hiếu hạnh, ánh trăng tự tứ, trăng Phật hoan hỉ ấy chính là vầng trăng có động lực mầu nhiệm, khơi gợi cảm xúc, cảm hứng sáng tạo cho người nghệ sĩ; các thi nhân Phật tử được tắm tưới bởi suối nguồn ánh sáng tình thương và hiếu hạnh; thế nên cứ đến mùa Vu Lan là các tao nhân cảm xúc dạt dào tuôn chảy những vần thơ niệm ơn cha mẹ, nhớ nghĩa cù lao chín chữ… Những vần thơ ngọt ngào hương vị chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía lau.

 

 

Lạ nhỉ? Nhà thơ Kim Hoa cũng từng khái quát, khái niệm hình tượng người mẹ, cũng bằng những sắc màu ánh sáng lung linh, rạng rỡ:

Mẹ như vạt nắng bình minh

Đem nguồn nhựa sống vẫn dành cho con

Sáng soi như mảnh trăng tròn

Hành trình mẹ vẫn… đầu non cuối ghềnh.

                                                            (Kim Hoa – Mẹ)

 

Bà mẹ của Nhà thơ Vũ Đức Tô Châu thì cũng vậy. Đây hình ảnh khu vườn, căn nhà nơi quê hương; căn nhà ấy, khu vườn ấy không lẫn vào đâu được; nó là của Việt Nam, của bà mẹ quê hiền từ, giản dị, chất phác:

Nhà mẹ hàng cau vương mái tranh

Chiều mây khói bếp quyện xây thành

Dây trầu vàng lá rơi từng bữa

Gậy trúc lần theo dáng ngập ngừng

                       (Vũ Đức Tô Châu – Người mẹ của tôi)

 

Nơi căn nhà ấy, khung cảnh vườn quê ấy, bao giờ cũng tồn tại một hình ảnh chân thực, mộc mạc, tự ngàn xưa có thế cho đến cả ngàn sau: một bà mẹ hiền dõi mắt trông con những buổi chiều lên, đêm xuống mỗi khi con đi xa :

Người mẹ của tôi tóc trắng ngần

Lệ mờ đôi mắt đã bao năm

Rưng rưng giọt nhớ thời tan vỡ

Thương đứa con đi bởi cuộc trần.

 

Các chị có chồng xa xứ hết

May nhờ chị lớn – cũng ven sông!

Cảnh tình mẹ khổ con thương quá

Ai hiểu cơ trời quê bão giông.

                 (Vũ Đức Tô Châu – Người mẹ của tôi)

 

 

Tình thương mẹ dành cho con bao la như biển thái bình, mênh mông như trời với đất, dạt dào như suối như sông, ngân nga đủ cung bực ngũ âm xàng xê liu cống, ạ ời, ầu ơ… nhập vào giai điệu hát ru lan tỏa khắp cả ba miền non nước. Thế nên chúng ta không lấy làm lạ khi thấy nhà thơ Từ Xuân Lãnh biểu hiện cảm xúc, hoài niệm tri ân hiền mẫu qua bài thơ mang tên “Lời ru”.

Từ con vừa mới chào đời

Mẹ ru con tiếng “à ơi”… ngọt ngào

Giọt tình nhỏ xuống ca dao

Giọt thương đọng lại lắng vào hồn quê

Một dòng lục bát đi về

Mênh mang điệu hát câu thề nước non

Lời ru rót xuống đời con

Xanh trang cổ tích ngọt nguồn quê hương

                                                                                                                                    (Từ Xuân Lãnh – Lời ru)

 

            Mẹ đã phổ tình thương con vào cung bực lời ru, nên bao nhiêu giọt tình, giọt thương của mẹ chao theo tao nôi nhịp võng mà nhuận thấm đời con. Và hơn thế nữa tình thương ấy lắng đọng lại thành hồn quê hồn nước. “Giọt thương đọng lại lắng lại hồn quê”. Và cũng chính vì thế, tình thương của mẹ dãi dầu bốn ngàn  năm văn hiến đã sinh thành nên bao triệu triệu người con “trung quân, ái quốc”; thương nước , thương dân:

Lời ru rót xuống đời con

Xanh trang cố tích, ngọt nguồn quê hương.

(Từ Xuân Lãnh)

 

Cảm thụ sâu lắng thâm trầm lời hát ru của mẹ, nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã thấy trong lời hát ru của mẹ có tầng sâu triết học ngôn ngữ, ngôn ngữ tình yêu :

Trong đôi mắt bóng in vầng trăng chảy

Vào tận cùng ngôn ngữ của bao dung

Mẹ ru con bằng lời ru vô tận

Lời núi non… lời cây cỏ khắp phô.

 

Ôi ! Bàn tay Mẹ, như thảo nguyên hùng vĩ

Ẩm vầng trăng trìu mến  chạm hoàng hôn

Vì trong mẹ thức dậy tình hoan hỉ

Dành cho con dù nông nổi sống mòn…

             (Nguyễn Thánh Ngã – Người mẹ dòng sông)

 

Lời ru của mẹ trầm lắng ngân nga giữa núi non cỏ cây sông nước. Sức mạnh kỳ vĩ ấy dư năng lực, thừa trữ lượng  để chan rưới mưa móc ân tình cho cả đất trời đang đại hạn, cho cả khát bỏng đời con. Tình thương mầu nhiệm nhập vào bàn tay thì bàn tay thành “thảo nguyên hùng vĩ” đủ sức mạnh, thừa năng lực để “Ẳm vầng trăng trìu mến chạm hoàng hôn”. Vì bao giờ cũng vậy, muôn thuở vẫn như  , như thị:

Vì trong mẹ thức dậy tình hoan hỉ

Dành cho con dù nông nỗi sống mòn.

                                                                                                                        (Nguyễn Thánh Ngã)

 

Dù con hư đốn đến hoang đàng, dù con khổ đau tuyệt vọng mẹ luôn đem và lấy tình thương nâng đỡ, uốn nắn, dắt dìu; ít khi mẹ giận hờn trách cứ. Bản thân tình thương mẹ là tất cả cho con:

           

Ý thức được chân lý hiển nhiên ấy, thế nên dòng cảm xúc thơ Vu Lan trong lòng người thi nhân Phật tử luôn dạt dào tuôn chảy, tràn trào nên những câu thơ, những bài thơ mượt mà, chân thành và lâng lâng cảm xúc ngọt ngào:

Ngày Vu Lan báo hiếu

            Con tặng mẹ gối hoa

            Con của mẹ hiền hòa

            Lo gần xa chu đáo.

 

            Như là con chim sáo

            Đã vỗ cánh sang sông

            Các con vẫn hướng lòng

            Chăm sóc thương yêu mẹ.

 

            Mong mẹ cha mạnh khỏe

            Nào thuốc sữa, bánh trà

            Còn nhớ cả gối hoa

            Vỗ về từng giấc ngủ.

            Đôi gối mềm lông vũ

            Cả tấm lòng con đây

            Mẹ ru giấc nồng say

            Thấm tình con thơm thảo

        (Bích Bửu – Nét đẹp tâm hồn Việt Nam)

Đó là con đã biết thương mẹ, hạnh phúc thay cho những bà mẹ, từng ngày đang ăn đang thở hồn nhiên, an lạc, vui sống, lại được thấy con mình hiếu thảo, đang thể hiện những việc làm cụ thể thiết thực báo ân, báo hiếu.    

Với nhà thơ Liên Thao, dù đã là người thiên cổ, nhưng cứ mỗi Vu Lan về, bạn đọc quý thơ anh, nhớ đến anh, tự thấy còn văng vẳng đâu đó những câu hát anh “Ru mẹ”

Con ru giấc ngủ Tiên Rồng

Lá vàng ngõ trúc, bụi hồng dặm sương

Tiếng thơ khắc khoải đoạn trường

Tiếng thương nức nở trùng dương đôi bờ.

                                                                                                                        (Liên Thao – Con ru mẹ ngủ giấc tròn)

Những câu thơ khúc hát Vu Lan thấm đẫm tình thương mật ngọt. Dù mẹ còn trẻ, hay mẹ đã già, dù mẹ đang thanh xuân hay đã đường xa vạn dặm thì mỗi mỗi Vu Lan, mỗi khi con lắng lòng nghĩ tới liền có mẹ nơi con, liền có con nơi mẹ. Có tình yêu bao la giữa mẹ với con nên có bầu khí hậu tình thương bao trùm cả vũ trụ đất trời. Hạnh phúc thay Vu Lan. Đẹp biết bao hình tượng và tình thương của đấng Mẹ hiền.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle