Dạt dào ngày của mẹ

Hạnh Phương

 

Cảm nhận thơ Trụ Vũ

 

 

Ai bảo em cuộc đời không đẹp

Khi em còn có mẹ trong tâm.

Đã là con thì luôn có mặt trong trái tim của mẹ, trong tâm thức của mẹ, nơi bầu vú sữa của mẹ, nơi vòng tay âu yếm, nơi bốn tao nôi ngày đêm chao nhịp, nơi lời ru hát ví dầu cầu ván đóng đinh…

Con luôn có mặt trong lòng mẹ! Há cớ gì mẹ không có mặt trong tâm con. “Mẹ hiền là chuối ba hương, là xôi nếp một là đường mía lau”. Trầm tư, suy tưởng về mẹ, bổng dưng tôi bạo gan uốn lại câu ca dao muôn thuở… Cớ gì phải đợi đến “mẹ già”… rồi mới thấy lớp lớp hàng trăm hàng ngàn các bà mẹ, bắt đầu học tập làm mẹ, thì đã làm mẹ hiền, mẹ hiền ngay, mẹ hiền lập tức… ngay khi mẹ biết mình có đứa con đầu lòng trong bụng. Cớ chi phải đợi đến già. Và sao phải là NHƯ mà không là LÀ. Em bé lọt lòng, chưa hề có khái niệm so sánh. Em bé chu môi ngậm vú mẹ, nút dòng sữa ngọt, lập tức em bé đã “ăn” được chuối ba hương, ăn được xôi nếp một, uống được đường mía lau…

Đúng là mẹ thì nguyên sơ, nguyên chất nguyên vị, em trọn quyền sở hữu, em trọn quyền hưởng thụ, em trọn quyền ôm lấy làm một vào mình. Dễ gì ai chiếm đoạt của em.

Tôi lảng đảng ca dao, tôi biết tôi lạc đề, nhưng lại là thứ lạc đề thú vị, vì lạc đề ấy minh thị rằng, ngay khi em lọt lòng, vỡ tiếng khóc chào đời oa oa, lập tức em đã có mẹ trong mình, em đã có mẹ trong tâm. Mối “tương sinh cảm cách” ấy là một điều huyền nhiệm, điều huyền nhiệm ấy, là phúc phần thượng đẳng, chỉ có ở thế giới loài người. Nhân thân nan đắc. Thân người khó có. Nên đã có là lập tức có một giá trị tuyệt đối, vượt trên muôn loài.

Ai bảo em bảo rằng vũ trụ

Chỉ nguyên sơ cái sự tình cờ

Không, có mẹ trong trời đất chứ

Để cho mình mãi mãi như thơ…

Nhà thơ Trụ Vũ, qua bài thơ Ngày Của Mẹ minh thị cho ta thấy, cái thân người khó gặp, mẹ cha cho mình đấy, ngay giữa thiên hà vũ trụ mênh mông nầy không bao giờ là một sự tình cờ có mặt cả. Vì tự bao giờ mẹ đã có mặt trong trời đất kia rồi. Mẹ có mặt trong khói sương mơ màng nọ nên con luôn có mặt trong lòng mẹ, nơi trái tim mẹ, nơi câu hát ru “ru em em théc cho muồi…” Đã có mẹ từ thuở ban sơ xa xôi ngàn dặm luân hồi, thế nên, bao giờ đời con cũng: “mãi mãi như thơ”.

Vâng thơ đấy, chính là thơ đấy

Cả đất trời là cả tình yêu

Từng hạt cát, bông lau, cành sậy

Bao trang nghiêm cho bấy yêu kiều.

Trong từng hạt cát, từng bông lau cành sậy, mỗi mỗi cành dâu, mỗi vầng trăng sáng, trong bất cứ hình thái vật thể hiện hữu nào giữa vũ trụ này, Trụ Vũ cũng tìm thấy, trông thấy hình bóng mẹ hiền mình trong ấy. Khái niệm không gian đã có tất nhiên khái niệm thời gian liền có. Ngày nào trên mặt đất, không là ngày của mẹ? Ngày nào giữa thế giới loài người không là ngày Vu Lan? Ngày nào chẳng là ngày con có mẹ trong tâm. Ngày nào chẳng là ngày con báo ân báo hiếu.

Mẹ như thế, như rằm tháng bảy

Như hoa vàng tháng bảy, như mưa…

Mẹ như thế, như rằm mọi tháng

Và như đêm, đêm của vì sao…

Ơi những cánh thiên đường của mẹ

Của ngày rằm tháng bảy Vu Lan

Ngày mẹ đấy, nhớ về em nhé

Và nhớ cài hoa nhé, em ngoan…

 

Truyền thống Vu Lan đã trở thành truyền thống  báo hiếu báo ân của đại đa số người Việt, dân tộc Việt Nam. Văn hóa Vu Lan đã nghiễm nhiên vượt ra khỏi phạm trù tôn giáo vốn có của riêng Phật giáo, lan tỏa thành nguồn, thành nền, thành sinh hoạt của văn hóa Việt Nam, với tất cả ý nghĩa tri ân, báo ân tốt đẹp của nó. Bởi vì, tự thuở nào:

Trăng tháng bảy, gương tròn bóng mẹ

Mà tháng nào trăng chẳng tròn gương

Quê ta đó một trời hoa lệ

Bao nhiêu trầm, cho bấy nhiêu hương.

Nhớ cái thuở tiên rồng gặp gỡ

Bước cha hùng như nhịp triều xuân

Trên đỉnh núi Ba Vì hoa nở

Áo mẹ ngời thông điệp tường vân.

 

Khắp vũ trụ thảy ngời thông điệp

Kể từ ngày tiên gặp rồng kia

Mỗi con kiến sâu từng địa huyệt

Thảy hoan ca điệp khúc Ba Vì…

 

Ngày Vu Lan rõ ràng trong truyền thống văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đã trở thành Ngày Của Mẹ. Mà ngày của mẹ ở người Việt Nam mình nó đẹp hơn ngày của mẹ trong truyền thống văn hóa Tây Phương. Vì ngày của mẹ của ta đặt nền tảng cơ bản trên tư tưởng báo ân báo hiếu Kinh Vu Lan Bồn và hình tượng người con hiếu thảo Mục Kiền Liên đã trở thành điển hình làm gương sáng cho nhân loại. Và do đó, chắc chắn ngày Vu Lan sẽ là viễn ảnh bao trùm ngày của mẹ trên các nền văn hóa khác. Vì sao?

Vì:         

Mẹ như thế, như rằm mọi tháng

Và như đêm, đêm của vì sao

Của nguyên lý hòa hài tỏa rạng

Khắp thiên hà diễm lệ chiêm bao.

 

Cái nguyên lý của tình yêu đấy

Của trái tim mẹ ấm mười phương

Không có mẹ sao trời xanh vậy

Có trời xanh để có thiên đường

Bản thân mẹ là tình yêu. Nguyên lý mẹ bao hàm nguyên lý tình yêu. “Nhân chi sơ, tính bản thiện” Chính mẹ là người sinh thành nguyên lý ấy. Ngay khi con vừa có mặt trong bụng mẹ chỉ như một hạt sương tròn vừa mới kết tụ, mẹ đã trao cái nguyên lý tính bản thiện ấy cho con rồi, lắng nghe từng cái búng quẫy, chồi đạp trong bụng, mẹ cũng đã dùng đôi bàn tay mình ôm lấy bụng – ôm lấy con – dỗ dành, an ủi và trao cái nguyên lý tình thương, nguyên lý tình yêu, nguyên lý tính bản thiện của “nhân chi sơ” cho con rồi. Nguyên lý ấy, do đó nó trở thành trường cữu. Và cái nguyên lý ấy:

… hòa hài tỏa rạng

Khắp thiên hà diễm lệ chiêm bao…

 

Đã hơn vài ba mươi năm nay, ngày Vu Lan báo ân báo hiếu trong dòng sinh hoạt văn hóa tâm linh Việt Nam gắn liền tập tục “bông hồng cài áo”. Những đóa hoa được cài lên ngực áo mình, nơi phía trái tim, chính là hình ảnh cụ thể mà tuyệt vời, sờ mó được mà vẫn cảm nhận thấy nó mênh mông diệu vợi. Chính vì đóa hoa kia thầm nhắc cho ta thấy tình thương dạt dào của mẹ, mẹ đang còn, hay mẹ đã khuất thì tình thương như nước biển đông lai láng của mẹ luôn có mặt trong ta. Vì vậy nhà thơ Trụ Vũ nhắc nhở:

Ngày mẹ đấy, nhớ về em nhé

Ôi cái ngày đẹp nhất bình sinh

Hoa mẹ đấy, cài lên áo nhé

Cài lên em, giữa trái tim mình.

Những đóa hoa được cài lên ngực áo ấy, cho ta thấy

      Dù còn mẹ, hay dù mất mẹ

      Thì em ơi, em vẫn là con

      Xin ấp ủ trọn đời, em nhé

      Bóng mẹ hiền giữa trái tim son.

 

      Xin mãi mãi là con của mẹ

      Phải không em? Như thế trọn đời

      Xin mãi mãi vẫn là đứa trẻ

      Và, không bao giờ cả, mồ côi.

 

      Nếu mẹ có vườn dâu khuất bóng

      Thì trong ta, mẹ vẫn còn đây

      Trong ngọn lửa tình con nóng bỏng

      Mẹ thương yêu vĩnh viễn sum vầy.

 

Cảm nhận được tình thương của mẹ như nước suối nguồn vi diệu dạt dào trong ta, thì vũ trụ quanh mình thôi hết điêu tàn, bầu trời mặt đất chung quanh ta thôi hết thê lương. Mẹ là trời là đất, mẹ luôn có mặt giữa đất trời kia, thế nên mỗi mỗi ngày của tháng mỗi mỗi ngày của năm, mỗi mỗi ngày suốt cuộc đời ta đều mỗi mỗi là ngày Vu Lan.

      Ai bảo em, bảo rằng vũ trụ

      Chỉ thê lương mỗi sự điêu tàn

      Không, có mẹ trong trời đất chứ

      Để cho mình, mãi mãi Vu Lan…

 

 Bài thơ Ngày Của Mẹ của nhà thơ Trụ Vũ, gồm mười tám khổ thơ, bảy mươi hai câu; Nhưng khi đọc tôi cảm thấy như mình đang đọc một bản trường ca. Vì dung lượng tư tưởng, tình cảm của từng câu chữ quả là mênh mông dạt dào thơ chảy tự nguồn cao xuôi về biển cả.

3.6.2009

Hướng về Vu Lan Phật lịch 2553

 

 

 

 

 

 


 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle