Thích
Thái Hòa
Bây giờ mình qua
phần Tứ tất đàn liên hệ đến Tứ diệu đế.
Một điều mà tất
cả những người học Phật đều thắc mắc là tại sao, sau khi đức Phật thành đạo,
Ngài đi tới vườn Nai không nói cái gì
khác, mà lại nói về Tứ diệu đế, và Ngài nói điều thứ nhất “đây là khổ”. Đức Phật
nói “đây là khổ” là vì Ngài muốn đệ tử của mình đối diện với cái khổ, đối diện
với sự khổ đau, là một sự thật của con người, dù con người có trốn chạy nó đi
nữa, thì đó vẫn là một sự thật hiển nhiên, có nhắm mắt thì cũng không thoát
khỏi. Vì vậy mà cần phải mở mắt thật to mà nhìn vào sự thật của khổ đó, để chấp
nhận và chuyển hóa. Cho nên, đầu tiên, đức Phật nói “đây là khổ”, đó là Ngài nói
về khổ đế, tức là sự thật của khổ. Sự thật ấy là gì? Đó là khổ khổ, nghĩa là từ
nơi khổ nhân này mà sinh ra quả khổ, rồi từ quả khổ mà huân tập thành nhân, từ
nhân mà thành quả,…cứ như thế mà từ cái khổ này tới cái khổ khác. Từ nơi cái bị
tái sinh mà sinh ra cái bị già, bị bệnh, bị chết; rồi từ nơi cái bị chết mà dẫn
đến cái bị tái sinh; từ cái bị tái sinh, sinh ra cái bị già; từ cái bị già, sinh
ra cái bị bệnh ; từ cái bị bệnh, sinh ra cái bị chết; từ cái bị chết, sinh ra
cái bị tái sinh,…cứ như vậy, mà từ cái khổ này đến cái khổ khác, nên gọi là khổ
khổ. Và khổ như thế là một sự thật của thế gian, nên gọi là Thế giới tất đàn.
Nếu mình nói thế gian vui, thế gian thường tại là sai với thế gian, vì trong thế
gian không có cái gì vui mà không khổ, và không có cái gì là thường tại hết. Thế
gian là của nhân và quả, của nhân và duyên. Mà nhân đã ác thì quả phải khổ, và
nhân mà sinh ra quả được là nhờ duyên tác động. Vì vậy, nhân quả là vô thường.
Nói tóm tắt thế gian là vô thường. Nói như vậy có nghĩa là nói về khổ đế. Cho
nên vô thường nằm trong khổ đế.
Thế gian là vô
ngã, nghĩa là không do một chủ thể nào tạo nên thế gian hết mà do nhân duyên,
nhân quả tạo ra thế gian. Vì vậy, vô ngã nằm ở trong Thế gian tất đàn, nằm ở nơi
khổ đế.
Vì nhân duyên
sinh khởi nên bản thể của nó là “không”, không có tự tính. Nên “không” cũng nằm
nơi khổ đế.
Thấy rõ khổ đế
qua bốn mặt khổ, không, vô thường, vô ngã, đó là cái thấy về Thế gian tất đàn.
Sau khi đức Phật
nói “đây là khổ”, Ngài nói “đây là Tập”. Tập có nghĩa là tập khởi, tức là sự
tích lũy và biểu hiện. Tập đế là sự thật về tập khởi. Khổ là do gì? Do tích lũy
các hạt giống tham, sân, si, kiêu mạn, nghi ngờ, tà kiến huân tập thành chủng
tử, khi có duyên tác động thì khởi hiện, dẫn sinh khổ quả. Cho nên tập đế là
nhân, khổ đế là quả. Mỗi người, mỗi loài đều có tham, sân, si khác nhau là do
điều kiện khác nhau, xã hội khác nhau, học tập khác nhau, nghiệp báo khác nhau,…
cho nên ai cũng tham, nhưng không có cái tham nào giống cái tham nào. Cái tham
của kẻ đói là được ăn, còn cái tham của người có học là được danh thơm tiếng
tốt, quyền lực; cái tham của người buôn bán là được lãi suất nhiều. Con cọp dữ
tham ăn, đói thì nó đi tìm, gặp bất cứ mồi nào cũng ăn hết, nhưng khi ăn no thì
nó nằm. Còn cái tham của con người là cái tham vô độ, bởi vì cái tham có ý thức,
cho nên ăn no rồi, mà vẫn đi tìm đủ thứ, no rồi thì phải ăn ngon, đã ngon rồi
thì khai thác các món ăn để hưởng thụ cảm thọ. Do đó, cái tham của con người là
tùy theo mức độ hoạt động của ý thức. Một người có học, đỗ đạt rồi, ra làm quan
, làm được trưởng phòng rồi, thì muốn làm giám đốc; được giám đốc rồi thì thích
làm thứ trưởng; được thứ trưởng thì muốn làm bộ trưởng; được bộ trưởng thì muốn
làm thủ tướng; được thủ tướng thì muốn làm tổng thống; đã được làm tổng thổng
của một quốc gia thì lại ưa điều khiển toàn vùng, rồi cả toàn thế giới; và khi
đã điều khiển được cả thế giới rồi, lại cũng thấy chán, nên ưa làm thượng đế để
sinh ra muôn loài. Bởi thế, cái tham của con người là vô hạn.
Ứng dụng Tứ tất
đàn phù hợp là phải biết cái tham của con người, cái tham của chúng sinh trong
từng không gian, từng thời đại của từng xã hội để ứng dụng. Đó gọi là Vị nhân
tất đàn ở trong Tập đế.
Thứ ba là Diệt
đế. Diệt đế là chân lý có nội dung vắng mặt của khổ và tập, nghĩa là vắng mặt
nhân quả thế gian. Vì vậy, Diệt đế được gọi là hạnh phúc, an lạc, niết bàn. Các
anh/chị/em nên nhớ rằng, niết bàn ở đây nghĩa là trạng thái tâm thức vắng mặt
khổ và tập. Cho nên mình tu tập mà vắng mặt Tập đế bao nhiêu thì mình thành tựu
được Diệt đế bấy nhiêu; Tập đế trong mình vắng mặt bao nhiêu thì Khổ đế trong
mình giảm thiểu bấy nhiêu và mình thành tựu được Diệt đế bấy nhiêu. Vì vậy, Diệt
đế thuộc về Đệ nhất nghĩa tất đàn.
Thứ tư là Đạo đế,
đó là sự thật về con đường giải thoát khỏi Tập đế và Khổ đế; là con đường giúp
mình chuyển hóa Tập đế, đế làm thay đổi Khổ đế. Cho nên, Đạo đế thuộc về Đối trị
tất đàn.
Đạo đế nhắm tới
trị liệu Tập đế, chuyển hóa Tập đế. Khi Tập đế được chuyển hóa thì Khổ đế tự
thay đổi, chứ mình không cần để ý nơi Khổ đế làm gì, cũng không cần nghĩ tới
Niết bàn làm gì. Mình chỉ cần thực tập Đạo đế, thì Niết bàn tự có và Khổ đế tự
động rơi rụng. Có nhiều người đi tìm hạnh phúc, thích tới Niết bàn, cực lạc,
nhưng không thực tập Đạo đế, thì cái thích đó chỉ là mơ hồ, là ước muốn viễn
vông, không thực tế. Nên, Diệt đế có mặt ngay trong Đạo đế, và Khổ đế được thay
đổi ngay ở nơi Đạo đế, Tập đế được thay đổi ngay ở nơi Đạo đế; sinh tử, khổ đau
được thay đổi và chuyển hóa ngay nơi Đạo đế. Do đó, Đạo đế được xem như là Đối
trị tất đàn: đối trị với khổ đau, đối trị với sinh tử, đối trị phiền não.
Khi chúng ta hiểu
được Tứ thánh đế qua cái nhìn của Tứ tất đàn, thì chúng ta mới tự mình tu tập
cho có kết quả và mới có thể hoằng pháp lợi sinh ở mặt giác tha có kết quả.
Sự liên hệ giữa Tứ tất đàn
với Tứ hoằng thệ nguyện
Tiếp theo Thầy sẽ
nói về sự liên hệ giữa Tứ tất đàn với Tứ hoằng thệ nguyện.
Thệ nguyện thứ
nhất là “chúng sanh vô biên thề nguyện độ”. Rõ ràng, mình tu tập không phải chỉ
cho bản thân mình. Mình giữ giới là giữ giới cho chúng sinh, là để làm đẹp cho
cuộc đời, nếu mình giữ giới chỉ để làm đẹp cho mình, chỉ để mình đàng hoàng thôi
thì chưa đủ. Mình đàng hoàng là để hiến tặng cái đàng hoàng đó cho mọi người. Các anh/chị/em ăn chay là ăn chay cho
chúng sinh, ăn chay cho mọi người, ăn chay để mình có sự điềm đạm, để mình có sự
từ bi, để mình có tình thương rộng lớn. Khi mình có sự điềm đạm thì mình không
hành xử một cách nóng nảy, vụt chạc; mình có tình thương rộng lớn, thì mình
không có hận thù với ai. Cho nên, mình tu tập, giữ giới là vì chúng sinh mà giữ,
vì mình thương chúng sinh mà tu, thương chúng sinh mà học. Các anh/chị/em, vì
thương đời mà làm gia đình phật tử, thương đời cho nên giờ này mà có đôi người
đang bán cơm chay để yểm trợ cho Phật Ngọc tới Hoa Kỳ, quý vị vì thương chúng
sinh, thương đời, muốn cho ai cũng được thấy, được chiêm ngưỡng Phật ngọc, từ đó
mà họ phát sinh niềm tin đối với Phật Pháp Tăng, mà tu tập để bản thân họ bớt
khổ và cuộc đời cũng bớt khổ ra, nếu mình không thương đời, không thương mọi
người, thì mình không mắc chi làm mấy chuyện đó cho mệt. Nhưng, mình làm như
vậy, là vì mình thương chúng sanh, mình muốn ai cũng thấy được Phật và chiêm
ngưỡng được từ dung của Ngài, để cho họ tăng trưởng niềm tin Tam bảo, và từ đó
khiến cho họ có phước đức. Việc làm ấy, đi từ nguyện chúng sinh vô biên thề
nguyện độ, và nguyện ấy liên hệ đến Thế giới tất đàn.
Nhưng độ chúng
sinh không phải dễ đâu! Kinh Địa Tạng nói rằng, chúng sinh rất can cường, nan
điều nan phục. Cái tham, sân, si, kiêu mạn ở nơi chúng sinh rất là can cường,
rất khó điều phục. Cho nên muốn độ chúng sinh, mình phải lập hạnh, lập nguyện.
Mà muốn lập hạnh, lập nguyện thì mình phải hiểu thế gian, phải hiểu chúng sinh,
vì chúng sinh là thế gian. Phải hiểu thế gian thế nào rồi, mình mới thõng tay
vào chợ để giúp đời. Cho nên, chúng sinh vô biên thề nguyện độ, liên hệ chặt chẽ
đến Thế giới tất đàn. Thành tựu về mặt thế gian là thành tựu về mặt nhìn nhận
chúng sinh và giáo hóa chúng sinh để đưa chúng sinh từ chỗ chúng sinh trở thành
phi chúng sinh, trở thành bậc thánh, trở thành bậc giác ngộ.
Thứ hai là “phiền
não vô tận thề nguyện đoạn”. Đây là liên hệ đến Vị nhân tất đàn. Mỗi người có
một nỗi buồn riêng, một ưu tư riêng, một khắc khoải riêng, một tâm trạng riêng,
một hoàn cảnh riêng, không có chúng sinh nào giống chúng sinh nào. Ai cũng có
mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, nhưng không có người nào giống người nào hết,
thậm chí có cùng huyết thống hay thậm chí là sinh đôi cũng không giống nhau. Vì
vậy, đức Phật nói “nhất thế chúng sinh tâm tưởng dị cố, tạo nghiệp diệc dị”,
nghĩa là vì hết thảy chúng sinh có hình tướng khác nhau là do tưởng khác nhau,
do tâm ý khác nhau, tạo nghiệp khác nhau, nên đi đến quả báo mắt, tai, mũi,
lưỡi, thân và ý khác nhau. Khác nhau như vậy đi từ nơi sự phiền não. Do đó, một
vị đi vào đời giáo hóa, thì phải biết phiền não ở nơi tâm chúng sinh rất nhiều
loại khác nhau, sai biệt nhau để mà giúp họ. Cái biết như vậy, gọi là Vị nhân
tất đàn, tức là thành tựu về mỗi con người. Khi biết được như vậy, mình có thể
giúp họ chuyển hóa phiền não nơi tâm.
Quý vị biết, tứ
sanh bao gồm noãn sanh (là những loài sinh ra từ trứng như gà, vịt), thai sinh
(là loài sinh ra từ bào thai như người, trâu, bò…), hóa sanh (là loài sinh ra từ
sự biến hóa như chư thiên sắc giới, vô sắc giới, vì họ không còn dục nhiễm, thấp
sanh (loài sinh ra từ sự ẩm ướt). Các loài chúng sinh như vậy có gốc rễ từ các
loại phiền não khác nhau mà sinh ra. Do tính tham dục nơi mỗi loài, tùy theo mức
độ sâu cạn, mãnh liệt, yếu ớt mà sinh ra những loài như thế. Nói cách khác là từ
các phiền não sai biệt mà sinh ra các loại chúng sinh có hình thức khác nhau.
Phải hiểu được như vậy mới giáo hóa được, mới giúp chúng sinh đoạn trừ được
phiền não ở nơi họ. Cái đó gọi là Vị nhân tất đàn.
Thứ ba là “Pháp
môn vô lượng thề nguyện học”. Đây là Đối trị tất đàn.
Người tu, nhất là
người thực tập hành Bồ tát đạo phải tu học hết thảy các pháp môn. Kinh Kim Cang
đã dạy “nhất thế pháp giai thị Phật Pháp”- tất cả pháp đều là Pháp giác ngộ, tất
cả các pháp đều là đối tượng để mình thâm nhập và thấy được chân như của vạn
hữu. Cho nên, pháp nào mình cũng cần phải học, cần phải chiêm nghiệm, để thấy
mỗi pháp có một tự tính riêng, có nhân duyên quả báo, thể tánh nghiệp dụng
riêng. Người tu hành Bồ tát đạo thì Thiền cũng học, Tịnh cũng học, Mật cũng học,
Hiển giáo cũng học, Kim cang thừa,…, gì cũng học hết. Học hết để có đầy đủ
phương tiện, pháp môn mà giáo hóa chúng sinh. Bởi vì chúng sinh này đến với mình
có nhu cầu tu học mặt này, chúng sinh khác lại có nhu cầu tu học mặt kia, thì
mình phải có đủ khả năng để giúp cho họ. Thậm chí ngay cả những việc như toán
học, lịch số, thiên văn, địa lý…, người hành Bồ tát đạo cũng phải thông hiểu.
Đối với Thanh văn đạo thì đức Phật cấm, nhưng đối với Bồ tát đạo thì đức Phật
lại khai, đó là vì lợi ích chúng sinh. Nói rõ như vậy để giải đáp thắc mắc của
những vị hỏi rằng, sao trong Kinh Di Giáo, đức Phật cấm chuyện thiên văn dịch
số, mà bây giờ Thầy Thái Hòa lại nói chuyện đó cũng cần phải học. Chuyện thiên
văn địa lý, dịch số, toán số, bói quẻ không phù hợp đối với đời sống của một vị
Thanh văn, vì sợ những cái đó dẫn sinh ra lợi nhuận, mà có lợi nhuận thì tâm
tham nhiểm, mà tâm tham nhiểm thì phế bỏ đạo nghiệp. Nên đối với hàng Thanh văn,
đức Phật cấm những chuyện đó. Nhưng đối với Bồ tát, tức là Thanh văn hạnh đã
hoàn chỉnh, đang hướng đến Đại thừa, nên có thể học hết tất cả các Pháp môn để
giáo hóa chúng sinh. Học là để giáo hóa chúng sinh, chứ Bồ tát không phải học để
mà tu, vì Bồ tát đã có Pháp môn nhất định để tu rồi. Bồ tát học vô lượng Pháp
môn để đối trị với những ước vọng, những nhu cầu mà chúng sinh cần ở nơi Bồ tát.
Đáp ứng như vậy để làm gì? Để đưa họ về với Đệ nhất nghĩa tất đàn, tức là Đệ
nhất nghĩa đế, chân lý rốt ráo, chân lý tối hậu, là Phật đạo.
Thứ tư là “Phật
đạo vô thượng thề nguyện thành”. Đại nguyện này chính là Đệ nhất nghĩa tất đàn.
Các anh/chị/em
thấy rằng, chúng sinh vô biên thề nguyện độ. Mình độ vô biên chúng sinh, đưa họ
đi về đâu? Đưa họ đi về với Phật đạo vô thượng.
Phiền não vô tận
thề nguyện đoạn. Phiền não đoạn rồi, thì cái gì sinh ra? Đoạn trừ phiền não rồi,
thì Phật đạo vô thượng sinh ra. Cho nên, đoạn phiền não cho chúng sinh và đoạn
phiền não cho chính mình là Phật đạo vô thượng sinh ra nơi chính mình và nơi
chúng sinh. Đó là đưa Vị nhân tất đàn đi về với Đệ nhất nghĩa tất đàn.
Pháp môn vô lượng
thề nguyện học. Mình học hỏi vô lượng Pháp môn để làm gì? Để đối trị với phiền
não của chúng sinh, để đối trị với tất cả các căn cơ chúng sinh và đưa họ đi về
với Phật đạo vô thượng, tức là sử dụng Đối trị tất đàn để đưa họ về với Đệ nhất
nghĩa tất đàn. Như vậy là mình đã ứng dụng Tứ tất đàn vào xã hội một cách toàn
diện và một cách chi tiết qua Tứ tất đàn và Tứ hoằng thệ nguyện.
Cho nên, khi mình
thề nguyện độ chúng sinh, nghĩa là ngay giữa biển khổ mà mình phát khởi đại
nguyện, chứ không phải mình từ ngoài biển khổ mà đi vào. Ngay ở nơi phiền não mà
mình phát khởi đại nguyện đoạn trừ phiền não. Ngay ở nơi vô lượng Pháp môn mà
mình phát khởi tâm học hỏi để thành tựu. Và ngay nơi mình đang sống mà buông bỏ
mọi phiền não mà thành tựu Phật tính.
Đó là mối liên hệ của Tứ tất đàn đến bốn hoằng
thệ nguyện. Và bốn hoằng thệ nguyện thì đương nhiên là liên hệ đến xã hội- tức
là lục đạo chúng sinh, là cả ba cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới dưới cái
nhìn của đạo Phật - rất nhiều. Đừng đem xã hội chủ nghĩa, xã hội tư bản mà so
sánh với xã hội Phật giáo rộng lớn. So sánh như vậy rất là sai lầm. Nhiều Phật
tử học chưa đến nơi đến chốn, thích đem cái này so sánh với cái kia. So sánh như
vậy là sai, vì nó không đúng với nguyên tắc so sánh. Bài chú Bát nhã có nói “vô
đẳng đẳng chú”, nghĩa là thần chú không còn có sự so sánh. Tuệ giác của Phật, từ
bi của Phật thì không còn có ai ở trong thế gian này có thể ngang bằng để mà so
sánh. Cho nên, đừng đem đạo Phật so sánh với khoa học, so sánh với xã hội hiện
đại Tây phương, với triết học của Kant… Đó là những cái làm tào lao, cái làm
không hiểu gì Phật Pháp, tưởng rằng mình trí thức nhưng đó lại là trí ngủ.
Bây giờ mình nói đến
phần kết luận. Và Thầy để các
anh/chị/em tự làm phần này vì Thầy kết luận thì hỏng.
Các anh/chị/em sau khi đã học với Thầy rồi, thì tự kết luận lấy.