Tại sao phải báo hiếu bằng tiền?

TTO - Dù đàn ông có lên tiếng thì hình như phần đông phụ nữ vẫn cho rằng mình thiệt thòi hơn trong mối quan hệ nội - ngoại

TTO - Dù đàn ông có lên tiếng thì hình như phần đông phụ nữ vẫn cho rằng mình thiệt thòi hơn trong mối quan hệ nội - ngoại.

Nhiều ý kiến cho rằng "nói lý thuyết" thì dễ nhưng nếp nghĩ con trai và con dâu phải gánh vác trách nhiệm tài chính cho cả gia đình chồng vẫn còn khá nặng nề chứ không hề ...nhẹ nhàng. Và nó làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của nhiều gia đình nhỏ.

Bạn có đồng ý như thế không? Báo hiếu- trong thời buổi hiện đại - nên như thế nào là hợp lý?

 

Quan hệ mẹ chồng - con dâu vốn dĩ thường chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp - Ảnh minh họa: từ Internet

Báo hiếu bằng tiền bao nhiêu cho đủ?

Tôi thường hỏi chồng tôi: "Tại sao anh phải báo hiếu cha mẹ bằng tiền?". Anh ấy chu cấp tiền cho mẹ ruột anh ấy mà tôi thấy mẹ anh vẫn khổ sở, rách rưới và lúc nào cũng cần... tiền.

Tôi và anh lấy nhau được 10 năm. Cha mẹ tôi và cha mẹ anh đều ở quê nên chúng tôi gần như hoàn toàn tự lập. Tôi nhớ những năm đầu còn ở nhà trọ, vợ chồng tôi lúc nào cũng phải giải quyết những việc khó khăn của gia đình hai bên. Nào là em út đi học, nào là nợ nần đến mức anh ấy phải tự kế hoạch vì sợ có con sẽ không lo được hết.

Tôi nhớ có lần tôi tranh luận gay gắt với cha mẹ chồng vì bất đồng trong việc vợ chồng tôi dự kiến mua miếng đất nhỏ, cha mẹ chồng tôi buộc chồng tôi phải xây nhà cho họ, mặc dù chồng tôi đã bỏ tiền sửa chữa trước đó. Họ nói vì chồng tôi là con trai trong nhà thì phải lo. Tôi thật sự thấy thua thiệt vì anh ấy cho rằng mẹ anh ấy cực khổ cả đời vì chồng con, thì làm con phải nghe lời.

Tôi nhìn thấy rất nhiều cha mẹ ở quê khi có con sống ở thành phố thì họ coi đứa con đó là "nhà giàu" và họ phải có trách nhiệm "cân bằng" nghèo giàu giữa những đứa con. Mẹ chồng tôi là một ví dụ cụ thể. Từ cái bình nước uống cho tới cái điện thoại bị hư, cái nón bảo hiểm của con gái... bà cũng lấy tiền chồng tôi để sắm, dù con gái bà nay đã đi làm.

Nhà mẹ chồng tôi cũng không phải thuộc diện xóa đói giảm nghèo vì có nhiều đất đai, nhưng lúc nào bà cũng cho là con gái bà nghèo, và câu nói "con trai trong nhà là phải lo" luôn ở cửa miệng bà. Nhiều lúc thấy chồng phải quán xuyến hết mọi việc, tôi định hỏi bà: "Con rể má có phải đàn ông không?" nhưng tôi chưa dám nói vì sợ chồng tôi lại nói: "Má cả đời cực khổ vì chồng con ...".

Đúng là đến bây giờ bà vẫn còn cực khổ thật vì số tiền mà chồng tôi cung cấp mỗi tháng bà đã bù đắp vào cô con gái và đứa cháu "nghèo" của bà. Tôi vẫn nhiều lần khuyên anh ấy mua cho má thức ăn, hay là dắt má đi du lịch nhưng chồng tôi nói bà không thích những thứ đấy.

Bây giờ tôi biết mình không thể làm thay đổi anh, nhưng tôi sẽ lấy câu chuyện Vì sao tôi phải lén vợ gửi tiền về cho mẹ?

 làm bài học riêng cho mình. Tôi không nhận bất kỳ sự cho tặng bằng vật chất nào từ cha mẹ ruột vì tôi biết mẹ tôi cũng là mẹ chồng của người phụ nữ khác. Tôi cố gắng làm việc để sau này không lấy tiền của con trai tôi, vì tôi muốn được con dâu tôn trọng và con trai tôi phải là "người đàn ông trong nhà của chính nó".

TRUONG LINH

Tôi nợ gia đình chồng từ... kiếp trước?

Nhà chồng tôi cứ làm như tôi lãnh tiền trước của họ từ kiếp nào vậy. Tôi không thừa hưởng bất cứ tiền bạc hay vật chất gì của mẹ chồng. Lo cho cha mẹ chồng đã đành rồi vì đó bổn phận của con cái, nhưng đằng này còn phải phục vụ cho mấy cô  em chồng nữa.

Mẹ chồng tôi thì lúc nào cũng hãnh diện và tự hào về con gái mình nên lúc nào cũng cung phụng mấy cô. Nhưng tuổi già sức yếu nên mẹ chồng không chiều chuộng nổi mấy cô con gái gái nên bà muốn tôi thay thế bà làm việc này.

Tôi lúc nào cũng chịu thiệt từ tiền bạc đến công sức. Với con dâu thì mẹ chồng dòm ngó tiền bạc đủ thứ và tính toán với các dâu chi li, còn với con gái ruột thì lúc nào bà cũng xuất tiền ra ào ào để mua sắm này kia cho nó đủ thứ. Con gái chưa kịp đua đòi thì bà đã đòi trước rồi. Hễ thấy ai có gì mới là bà phải mua cho con gái mình liền mới được ,dù không có tiền cũng đi mượn để mua cho bằng được.

Con gái bà thì ăn mặc quần áo, dép giày và xe cộ như bà hoàng, còn tôi - con dâu mà không được xài tiền của mình làm ra, quần áo thì cũ rích và nhẵn xì, tiền lương đổ vào chợ búa ăn uống hàng ngày... Tháng nào tôi cũng phải đi mượn tiền trước khi tới ngày nhận lương. Các cô em chồng chỉ biết hưởng thụ và có bao giờ cho mẹ ruột của mình vật gì xứng đáng đâu.

Cha mẹ tôi cũng cực khổ nuôi tôi ăn học thành nghề chứ đâu phải tôi từ trên trời rơi xuống? Con gái mình là người thì dâu cũng là người vậy? Vì lương tâm và tội phước nên tôi cố gắng nhẫn nhịn...

SAD MOON

Nếu còn sức, cha mẹ nên tự lo

Phận làm con thì tôi đồng tình là khi có cuộc sống riêng thì phải có bổn phận lo cho cha mẹ già, nhưng mức độ nào thì tùy hoàn cảnh mỗi người. Nếu cha mẹ già không tự lo được thì con cái phụng dưỡng từ A tới Z. Nếu cha mẹ còn sức khỏe thì con cái tùy hoàn cảnh mà biếu quà để ông bà ăn bánh, chứ nếu ngồi không mà quàng vào cổ con cái gánh nặng thì cũng không nên.

Một khi quan tâm chia sẻ như thế thì cả hai vợ chồng cùng biết và chia sẻ chứ không ai âm thầm làm một mình, ngoại - nội phải như nhau, không thiên vị. Làm cha mẹ cũng nên thấu hiểu con cái, nên tránh những lục đục không đáng có cho con gái và con rể, hay con dâu với con ruột. Phải lấy hai chữ hi sinh mà sống cho nhau tốt hơn.

VŨ THỊ NGỌC VÂN

Theo: tuoitreonline

Chia sẻ: facebooktwittergoogle