Nhật ký hành hương 3: Thế hệ kế thừa

the he

                                               

 

Thế Hệ Kế Thừa

 

Ngày 01-8-2011

 

“Những đứa Mỹ con” khác với những đứa con của Mỹ (Americanized kids VS American’s kids). Đó rất có thể là một dáng vẻ điển hình cho thế hệ thứ hai của người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Vỏ ta, lòng người; hay lá chuối xanh gói bánh dày nhân Hot Dog!

Những bậc cha mẹ người Việt thường cảm thấy buồn buồn pha một chút xót xa khi con cái mình sinh ra và lớn lên trên xứ người bị đồng hóa toàn diện bởi hoàn cảnh sống xung quanh. Phụ huynh Việt thường gọi con em mình là “Tây con” hay “Mỹ con”... khi các em bị Tây hóa hay Mỹ hóa hoàn toàn.

Dăm ba năm đầu mới định cư ở nước ngoài, phụ huynh người Việt thường trầm trồ khen con em mình nói tiếng Tây, tiếng Mỹ nhanh và giỏi. Nhưng rồi mười, hai mươi, ba mươi năm sau, sự trầm trồ khen ngợi ấy lại quay qua dành cho các em bé còn nói được ít nhiều tiếng Việt vì tiếng nước ngoài trở thành tiếng mẹ đẻ là nhu cầu, là lẽ sống trước thực tế đương nhiên.   Sự thâm nhiễm tính dân tộc và văn hóa là một dòng chảy luân lưu không thể vay mượn tạm thời mà có. Nó là một quá trình sinh, thành, hoại, diệt khách quan. Cũng thế, tuổi trẻ Việt Nam ở nước ngoài cũng tương tự như hạt giống quýt Hương Cần, cam Bố Hạ, bưởi Năm Roi mang qua trồng ở những vùng nhiệt đới Florida, Hawai. Chất và lượng sẽ không còn giống cũ. Thế hệ kế thừa hoàn toàn thay đổi theo những điều kiện xã hội và “thổ nhưỡng” nơi vùng đất mới.

Nhiều bậc phụ huynh dần dần xa lạ với con em mình. Xa lạ từ ngôn ngữ, nếp nghĩ, lối nhìn, cách ứng xử... đến dáng vẻ và nhu cầu tâm tình, tâm lý và tâm linh.

Như những chiếc thuyền nan cố bơi ngược dòng nước lũ để... về nguồn, thế hệ đàn anh – đang lần lượt ra đi về đất – cũng cố gắng tìm nhau kẻ chống, người chèo để lôi đoàn tàu thế hệ tuổi trẻ Việt Nam đang chạy băng băng nơi đất khách nhích về phía “đất nhà” được chút nào hay chút ấy. Trong âm thầm và lặng lẽ, cảm động biết bao với những chiến sĩ vô danh đang đầu tư nhiều thời gian và công sức vào những lớp Việt Ngữ, những sinh hoạt đoàn thể và tôn giáo, những cuộc lễ hội, họp mặt, họp bạn, khóa tu học để nhắc nhở, phát huy và giới thiệu văn hóa Việt cho chính con em Việt của mình đang thành người... của họ!

          Sáng nay, 29 tháng 7 năm 2011, nhân dịp viếng chùa Tam Bảo tại Baton Rouge, tôi được dự một cuộc họp mặt của tuổi trẻ Mỹ Việt - Việt Mỹ. Cố ý nhấn mạnh nét tiêu biểu “Mỹ Việt - Việt Mỹ” vì khi quan sát, tiếp cận và khơi chuyện, tôi nhận ra rằng trong tổng số hơn 70 em thanh thiếu niên tại địa phương và từ các vùng đất xa xôi khác như Canada, Michigan, California... mới tụ hội về đây hầu hết là người Việt thuần chủng, còn lại số ít là Việt lai Mỹ và Mỹ toàn ròn. Tất cả các em đều chỉ nói tiếng Anh. Nét “Đại Việt” điển hình của các em là dáng người châu Á với tóc đen, da vàng, mũi không cao (như ông Cao Bích trong báo Thiếu Nhi đã tủm tỉm cười đoán “phịa” rằng, thế hệ sau vì đã phỗng mũi thở nhiều khói xe và nở mũi ngửi nhiều chất béo nên mũi đỡ tẹt hơn là thế hệ trước ?!). Khó mà tìm thấy ngôn ngữ hay cung cách Việt Nam nơi lớp đàn em sinh ra và trưởng thành tại nước ngoài. Từ giọng nói, điệu cười, chơi đùa, làm việc tới cách chào hỏi bên ngoài cũng như tình cảm, tâm lý, lối suy nghĩ, lý luận bên trong đều đã Tây hóa, Mỹ hóa. Chính những nhà tâm lý và xã hội học thời danh nhất của thế kỷ nầy cũng đều đồng ý với nhau rằng, tiến trình hội nhập và đồng hóa của tuổi thơ trong hoàn cảnh mới là tấm vé một chiều trôi xuôi theo sự phát triển tự nhiên không có gì cản lại được. Tác dụng của môi trường văn hóa và xã hội đã hình thành một con người mới. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đôi ba ngày, có “phép lạ” nào đưa được các em trở về với nguồn cội chính mình?!

          Tiêu đề chính của cuộc họp mặt 3 ngày đêm là “Khóa tu học Thân Tâm An Lạc bằng tiếng Anh cho tuổi trẻ không phân biệt tôn giáo” (Peaceful Mind and Body Retreat for young people regardless of their religious beliefs). Người có sáng kiến và đứng đầu tổ chức cho khóa tu học nầy là thầy Thích Đạo Quảng, trụ trì chùa Tam Bảo, với sự cộng tác và hỗ trợ của các nhà chuyên môn Việt Mỹ trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, tâm lý, tôn giáo, tham vấn và yoga.

          Khóa tu học có nhiều đề mục sinh hoạt, nhưng chủ đề trung tâm vẫn là Chánh Niệm (Mindfullness). Chánh Niệm là trái tim của sự sống. Chánh Niệm giúp con người sống thật trong hiện tại của đương niệm hiện tiền. Thế hệ đàn anh đang bị rơi vào hai trạng thái cực đoan làm suy giảm trầm trọng ý nghĩa và chất lượng của đời sống: Đó là tình trạng quay về quá khứ đầy ảo ảnh hay mơ mộng tương lai cho con cháu mai sau làm lẽ sống, nên hiện sinh thường vắng bóng. Bằng hữu ngồi lại với nhau để say sưa sống chuyện quá khứ; bà con họp mặt nhau để nói toàn chuyện viễn vông của tương lai là hiện tượng phổ biến trong cộng đồng người Việt lớn tuổi. Căn bệnh tâm lý trầm kha nầy đã làm nứt rạn chiếc cầu thế hệ. Hiện trạng phụ huynh và con em càng ngày càng xa nhau trong đời sống tinh thần sẽ dẫn tới tình trạng thế hệ kế thừa mất hết động cơ và lý do tìm về nguồn cội. Tình trạng “hồn Trương Ba, da hàng thịt” hay da Việt hồn Tây sẽ khó lòng tránh khỏi.

          Ngày đầu tham gia sinh hoạt với các em, sáng sớm làm thủ tục ghi danh, giới phụ huynh – trong đó có kẻ đang gõ những dòng nầy – không tìm thấy sự tươi mát tự nhiên trong thế giới hoa niên người Mỹ gốc Việt. Cảm giác thiếu thuần nhất; tâm lý “lổn chổn sắn khoai” chiếm lĩnh hết bầu không khí mở đầu. Trong lúc phụ huynh cố gắng nói tiếng Việt với con em – được tiếng nào hay tiếng đó – thì các em cứ “vô tư” nói với cha mẹ bằng tiếng Mỹ thẳng băng, thoải mái như nói với chú Sam.

          Thế nhưng chỉ trong vòng nửa buổi sinh hoạt, khi tất cả các em thực hành Chánh Niệm thì biên giới phân ranh ngôn ngữ giảm dần. Khi một tiếng chuông nhắc nhở Chánh Niệm gióng lên, tất cả mọi ngôn ngữ khác nhau sẽ hòa hợp lại thành một ngôn ngữ duy nhất: Tĩnh lặng. Im lặng là một loại “thân ngữ” (body language) thật vẹn toàn. Những tâm hồn dù nổi loạn thế nào, những tạp niệm dù hoang vu lãng đãng đến đâu cũng hiểu nhau tròn đầy trong im lặng. Người ta không ai cần phải hùng biện, thuyết phục, gào thét hay năn nỉ ỉ ôi cũng hiểu nhau qua thân ngữ: Nụ cười là hoan hỷ, chắp tay là từ bi, định thần là trí tuệ.

          Một ngày đã qua. Đêm về ngồi quây quần bên nhau trong thiền đường, các em bé và “người lớn” có cùng niềm an lạc, lòng thương mến và tính cảm thông. Đôi câu phát biểu ngây thơ của những em bé lên tám, lên mười cũng dường như nói lên được nỗi lòng của các cụ già thất thập cổ lai hy khi cùng sống trong Chánh Niệm. Cái chắp tay cúi chào của em bé được đáp lại bằng cái chắp tay vái trả của cụ già quả thật không có gì hơn kém hay khác nhau vì cả hai có cùng bản chất tâm lành và hướng thiện.

          Mới có 3 ngày ngắn ngủi nhưng dòng đời như lắng đọng trong một vị hỷ lạc không riêng cho các em mà cả với phụ huynh. Tuổi trẻ khám phá ra cái Tịnh từ trong cái Động; nhận biết được sự tương đồng từ trong cái khác biệt và sống gắn bó với những người bạn bốn phương xa lạ mà đã từ lâu em không hề hay biết hoặc cách xa. Đặc biệt nhất là tuổi thơ học được sự tỉnh thức lạ lùng từ trong sự mặc nhiên hưởng thụ từ bao nhiêu năm qua như: Biết trân trọng cảm ơn thiên nhiên và con người đã tạo ra miếng ăn, phương tiện cho cuộc sống. Biết sự ăn uống không phải là nhai và nuốt lạnh lùng để làm đầy bụng đói mà là một hoạt động có ý thức tìm nguồn sống để vươn lên. Biết tự rửa sạch cái bát mình ăn mà từ lâu các em đã giao khoán cho cha mẹ và người khác. Biết lợi ích của đức tính kiên nhẫn giúp thân tâm được an lạc.Và, quan trọng nhất là biết có thể làm việc, học hỏi hay chạy nhảy vui chơi trong Chánh Niệm. Chánh Niệm không phải chỉ có trong sự im lìm, tĩnh lặng mà Chánh Niệm là sự tỉnh thức hiện tại trong chính mình. Các em có thể giữ Chánh Niệm khi chơi thể thao, khi ca hát, khi chuyện trò và trong mọi sinh hoạt lớn nhỏ đời thường. Chánh Niệm là biết mình có mặt trong dòng sống và ngược lại là quên mất mình để chỉ nhìn thấy “họ”!

          Trong đời sống tinh thần truyền thống, thế hệ đàn anh, đàn chị Việt Nam thường quên mình để sống cho người. Văn hóa làng xã và Nho giáo đã xây dựng mối tương quan ngoại tại: Tam tòng là đạo cho người và tứ đức là đạo quên mình. Rút cuộc, con người chưa hề được sống tỉnh thức trong hiện tại vì đôi tay chỉ biết lo phục vụ và đôi mắt chỉ biết đăm đăm nhìn vào sự buồn vui của đối tượng mà mình hy sinh phục vụ. Một chủ thể chưa sống thực cho mình thì biết dựa vào đâu để an trú trong Chánh Niệm.

          Trong xã hội Âu Mỹ, thế hệ đàn em lại rơi vào một cực đoan đối nghịch. Các em chỉ biết sống cho cá nhân mình mà bất chấp đối tượng đang hy sinh phục vụ cho mình. Tuổi trẻ phương Tây thường thản nhiên hưởng thụ những tiện nghi vật chất và sự chăm chút tinh thần của cha mẹ như một việc làm bình thường theo chu kỳ tự nhiên của đời trước thì phải chăm sóc đời sau. Do vậy, lòng biết ơn sự hy sinh của cha mẹ không mang một sức mạnh của lòng hiếu thảo. Trong ngôn ngữ phương Tây không có chữ “Hiếu” mang cùng một khái niệm tương tự với văn hóa phương Đông. Cụm từ “filial piety” để dịch “lòng hiếu thảo” thật ra là một ý niệm tôn giáo như lòng kính ngưỡng đối với Chúa chứ không phải là tinh thần phụng dưỡng của con cái đối với cha mẹ theo ý nghĩa phương Đông. Nếu tuổi trẻ sống theo chủ nghĩa cá nhân và thực dụng, chỉ biết cá nhân mình và dựa vào mình với cái tâm ích kỷ không buông xả thì chẳng khác gì con gà nằm trong trứng. Không lọt ra khỏi vỏ trứng thì không gian trong hay đục, chánh niệm hay vọng động, bồ đề hay tà kiến cũng chỉ là một tuồng ảo hóa như nhau.

          Thế giới phương Tây đang mở rộng tầm nhìn và tầm với để tiếp cận với đạo Phật. Các nhà sư Tây Tạng, Đài Loan và Nhật Bản thường xuyên mở nhiều trung tâm hành thiền và tổ chức thường xuyên các khóa tu học cho tuổi trẻ phương Tây. So với họ, đạo Phật Việt Nam ở nước ngoài còn quá mỏng về mặt tổ chức và đào tạo nhân sự trong vai trò hoằng pháp tiếp cận với thế hệ kế thừa, nhất là đối với giới trẻ trí thức.

Trung bình ở Mỹ, cứ hàng chục ngôi chùa Việt Nam mới tìm được một chùa có đơn vị Gia Đình Phật Tử sinh hoạt. Hệ thống Gia Đình Phật Tử là chiếc cầu thế hệ có nề nếp và chất lượng nối kết giữa hai thế hệ già và trẻ đáng tin cậy của Phật giáo Việt Nam mà đạo Phật tại nhiều quốc gia châu Á khác đang mong muốn xây dựng. Thế nhưng vai trò của Gia Đình Phật Tử không phát huy được tác dụng tích cực trong tình thế của Phật giáo Việt Nam hải ngoại hiện nay. Nguyên nhân có nhiều mặt nổi cũng như góc khuất; nhưng trực tiếp nhất vẫn là hiện trạng phân hóa nghiêm trọng giữa các hình thức tổ chức giáo hội “sư nói sư phải, vải nói vải hay” của một tình trạng “giáo hội không có giáo hội”. Bên cạnh đó, khả năng chuẩn bị về kiến thức văn hóa và ngoại ngữ của các tăng sĩ hoằng pháp còn quá giới hạn nên phải dựa dẫm vào một lối thoát tu học nặng tính chất lễ nghi trang hoàng hình thức hơn là thực dụng truyền giáo. Hệ quả tất nhiên là tôn sư hoằng pháp và đệ tử trẻ tuổi mất đi những chiếc cầu giao cảm.

Đạo Phật vẫn thường được truyền thừa qua lăng kính trí tuệ. Nhưng trí tuệ sẽ thiếu đất nấy mầm, đâm nhánh trong lòng tuổi trẻ trước tình trạng kinh điển Phật giáo Việt Nam còn tối tăm và khó hiểu đối với giới trẻ vì ảnh hưởng nặng nề của Hán Tạng. Ngôn từ chùa viện phát triển “tùy duyên” nếu tránh không muốn nói là tùy tiện. Quý tu sĩ trẻ tuổi chưa đủ bề dày công hạnh đang có khuynh hướng lấy Kệ thay Kinh; đem phụ chú và suy diễn của các học giả và luận sư thay cho lời Phật dạy để đánh động dễ dãi vào cảm tính của tín đồ nhất thời hơn là khơi nguồn và làm sáng đạo lý lâu dài.

Và, khuynh hướng phát triển mạnh mẽ đáng lo ngại nhất là khát vọng chạy theo tiền bạc vật chất của xã hội phương Tây nặng tính thực dụng. Những phương trời cao rộng của đạo Phật bị vây bủa trong giới hạn hình tướng của chùa to tượng lớn, nghi lễ rình rang nặng tính chất bùa chú, cầu khẩn của hàng Phật tử xuất gia và tại gia. Sự nhầm lẫn giữa phương tiện hoằng pháp độ sinh và cứu cánh giải thoát giác ngộ của thế hệ đàn anh đã khiến tuổi trẻ ngại đến chùa, xa Thầy và chao đảo niềm tin tâm linh.

Xin đừng quên là cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và tốc độ phát triển chóng mặt của ngành thông tin truyền thông đại chúng đã giúp tuổi trẻ ngày càng “khôn trước tuổi” nhanh gấp nhiều lần thế hệ đàn anh. Chỉ có thực chất mới lôi kéo được thế hệ kế thừa về với Đạo. Ảo tưởng dùng huyền thoại tôn giáo để hoằng pháp cho tuổi trẻ ngày nay là vô tình rút đi những chiếc cầu thế hệ đang chông chênh, ọp ẹp dưới sức nặng của Sự Thật đối mặt với giáo điều Tâm Linh trong thời đại mới.

          Như người xưa đã thấy: “thà thắp một ngọn nến nhỏ vẫn còn hơn ngồi im mà nguyền rủa bóng tối”. Ước mong những ngọn nến tu học thắp sáng cho thế hệ kế thừa sẽ luân lưu ngày một tỏa sáng hơn dưới những mái chùa.

  NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG 3

  Trần Kiêm Đoàn

 

 

                                                            Baton Rouge mùa Vu Lan 2011

                                                                             Trần Kiêm Đoàn

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle