Một nét đặc thù của Phật
giáo khác với nhiều tôn giáo khác là sự thích ứng của nó trong từng xã hội, một
tôn giáo luôn đặt nền tảng căn bản vị nhân sinh, hướng đến hạnh phúc cho con
người bằng cách do chính con người tạo lấy. Bởi sự thích ứng mang tinh thần khế
lý khế cơ như thế nên Phật giáo cũng là một tôn giáo đa dạng về màu sắc văn hóa,
nhờ sự kết hợp hài hòa của nó với dân tộc mà nó đang đồng hành. Có lẽ cũng chính
vì điều này mà khái niệm Giáo lý Phật giáo và Văn hóa Phật giáo thường không mấy
ai chú ý để phân định. Điều đó đã hoàn toàn không có vấn đề gì cho đến thời đại
hôm nay, khi mà cái xu hướng thế giới quanh ta đang trở nên phẳng dần và hẹp dần.
Sự thuận tiện của thời hiện đại như thế đang là thách thức lớn của các nền văn
hóa nói chung, nhất là những nền văn hóa cùng tiếp nhận một đầu nguồn tư tưởng
tôn giáo. Và như thế, để các nền văn hóa khác nhau giữ được sắc màu riêng biệt
của mình đòi hỏi dân tộc đó phải có đủ sự trưởng thành và lòng tự tôn dân tộc
vừa mức cần thiết. Phật giáo Việt Nam
với chiều dài hai ngàn năm lịch sử, lấy nền tảng căn bản giáo lý Phật đà và phát
triển theo văn hóa Phật giáo của dân tộc Việt, chắc chắn tôn giáo ấy là một tôn
giáo đặc thù của dân tộc Việt Nam. Và Văn hóa Phật giáo ấy là Văn
hóa Phật giáo Việt.
1. Những dòng truyền đầu tiên của Phật giáo Việt
Đại thừa Phật giáo được truyền vào nước ta
trong khoảng thời gian trước và sau Dương lịch, khi phong trào đại thừa đang
hưng khởi ở Ấn Độ. Ở đây sẽ không bàn chi tiết về lịch sử, vì hẳn đã không còn
mới mẻ đối với Phật tử Việt Nam khi nói về nguồn gốc Phật giáo nước nhà, là một
sự thật không chỉ là các học giả Việt Nam mà các học giả nước ngoài cũng đã nhìn
thấy. Phải nhắc lại điều này là để gợi nhớ lại một điều: gia tài Phật giáo của
dân tộc Việt Nam hôm nay là sự kết tinh cả hai
nền văn minh đồ sộ của Đông phương mà trong đó đầu tiên là nền Phật giáo Đại
thừa từ Ấn độ.
Sau bước khởi đầu từ Phật giáo Ấn độ, theo sự cắm rễ ban đầu ấy người Việt tiếp
tục đón nhận nguồn Phật giáo từ Trung Hoa, mà nói cho đúng hơn đó là cái thời kỳ
trào lưu tiếp nhận văn minh chung của các nước trong khu vực. Không chỉ riêng
Việt Nam, các nước đã tiếp nhận, thừa hưởng nền văn minh đó và lấy làm của riêng
cho dân tộc mình, biến đổi thành văn hóa riêng của mình như cha ông Việt Nam ta
đã làm. Và dấu tích văn minh Hán học ấy ta còn thấy được hôm nay là Nhật Bản,
Hàn Quốc, Triều Tiên, Đài Loan…, Hán học đã trở thành như là một thứ gia tài
chung của các nước đã từng được ảnh hưởng, nhất là từ khi China định hướng diện
mạo mới của mình và thay đổi luôn cả dòng chữ viết như đang hiện hành ngày nay.
Thời kỳ tiếp nhận Phật giáo tiếp theo của Việt Nam
đã kiện toàn hơn cho Phật giáo Việt Nam một hệ thống
Phật giáo với những chủ trương khác nhau về các tông phái mà chủ yếu thuộc hai
tư tưởng chính của Phật giáo là thiền và tịnh. Trong đó, đặc biệt tư tưởng thiền
được triển khai với nét đặc sắc rất riêng của Việt Nam. Bên cạnh đó,
trong khi các nước cùng tiếp nhận chung một Phật giáo từ Trung Hoa đều mang dáng
dấp tông phái như ban đầu, không chỉ trong mối quan hệ chùa viện mà quyết định
đến cả pháp môn tu học, thì ở Việt Nam lại được diễn biến theo một xu hướng khác.
Điều đó cho thấy pháp môn tu học ở Việt Nam không hạn định trong tư tưởng tông
phái mà được diễn biến theo xu hướng tinh thần cởi mở khế thời khế cơ của Phật
đà, pháp môn tu học là sự lựa chọn tùy căn cơ, rộng rãi trong ba tàng kinh điển
vốn là nguồn cảm hứng chủ đạo chung cho Phật giáo. Chỉ riêng yếu tố này đã đặc
biệt cho thấy, quá trình tiếp nhận Phật giáo theo cách ấy là một sự sàng lọc đầy
chủ quan, bởi một điều cơ bản nhất, sau khi vào Việt Nam nó đã được xiển dương
và truyền trì bởi chính những cao tăng và Phật tử việt nam.
Những ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa xưa là dòng chảy chung đối với các
nước trong khu vực và Việt Nam cũng không là ngoại lệ, dòng chảy đó đã đóng lại
khi đế chế Trung Hoa suy yếu và nó đã ngắt dòng hoàn toàn khi đế chế này sụp đổ,
các nước độc lập đã sử dụng dòng văn hóa đó thành của riêng mình. Và cha ông ta
cũng đã làm như thế. Và như vậy, tất nhiên, cái nền văn minh ngàn năm chữ Hán
Việt mà ta đang có không hề là sự vay mượn mà là sự tiếp nhận và sáng tạo, nó
chứa đựng tinh túy của cả dân tộc, của cha ông ta. Cha ông ta đã sử dụng nó như
ngôn ngữ mẹ đẻ của mình cả trong hành văn và trong cách nghĩ. Gia tài của mấy
ngàn năm mẹ để lại đó, những đứa con Tây học bây giờ muốn dập tắt, muốn bỏ đi,
muốn từ chối vì cho rằng nó thuộc của Trung Quốc, được học về từ nền văn minh
Hán học mà quên rằng Hán học là nền văn minh trải dài khắp lưu vực Đông Á, Đông
Nam Á lúc bấy giờ. Những đứa con Tây học ấy nói cho đúng cũng bắt đầu từ ý hướng
thoát ra khỏi hệ tư tưởng lệ thuộc Hán học. Nhưng cũng như các nước đã hấp thụ
nền văn minh Hán tự đã làm, chúng ta cần tỉnh táo để không bị thiệt thòi. Chắc
chắn, từ chối một nền văn minh ngàn năm cha ông ta vun đắp là sự phủ định dại
dột nhất, để từ sự phủ định ấy, những đứa con trẻ không biết đặt chân vào đâu và
ngây thơ rơi vào một nền “thuộc” khác, bởi khi ta không có nền tảng, không có
một quan điểm vững chắc tạo thành lập trường của chúng ta thì sự phủ định một
điều này sẽ trở thành khẳng định một điều khác, hay nói rõ hơn, phủ định những
thứ còn lại của thời Bắc thuộc liệu có rơi vào sự chơi vơi, liệu có rơi vào dòng
xoáy hiện đại hóa đến vong bản?
Có một điều mâu thuẩn mà ta đang thấy, trong khi hô hào bỏ hẳn nền văn minh Hán
Việt của cha ông, thì hầu hết những người cầm bút, những nhà phiên dịch luôn
luôn để những thói quen hết sức vô lý khi phiên dịch những danh từ riêng như tên
địa danh, tên người… của China bây giờ ra Hán Việt không đúng với đà chung của
thế giới một cách khách quan. Nếu bảo là để cho dễ nhớ thì không phải là lý do
chính đáng vì ngày nay người ta không còn chỉ biết đến mỗi tiếng mẹ đẻ của mình.
Nếu bảo đó là cách làm giàu ngôn ngữ tiếng Việt thì hết sức vô lý, vì chắc chắn,
không ai bỗng dưng làm giàu bằng cách lấy của người khác làm của mình, tiếng
Việt không thể giàu thêm với những cái danh từ riêng, vì danh từ riêng thì chỉ
được hạn định trong cái riêng duy nhất của nó. Chúng ta không can cớ gì bỗng
dưng biến những thứ không liên quan đến ta thành như thể là của ta. Điều này
không phải là không có tác dụng ngược lại. Chắc chắn không bao giờ của họ là của
ta nhưng của ta đã từng là của họ, thuộc họ trong lịch sử.
Đạo Phật với đặc trưng giáo lý cơ bản, với tam tạng kinh luật luận đang được coi
là kho tàng Phật giáo chung. Phật giáo Việt với đặc trưng địa lý, lịch sử của
mình, có cơ duyên mang tính chất căn để hội tụ hai nguồn tư tưởng tinh hoa của
phương Đông, Phật giáo ấy khi được hình thành và phát triển ở Việt Nam tự thân
nó đã hình thành nên một nét đặc thù đầy tố chất Việt. Và như thế, những gì được
truyền đến đây đã không phải là sự sao chép mà nó là nguồn cảm hứng để Việt
Nam
phát triển nền tư tưởng Phật đà theo hướng riêng trên tinh thần khế lý, khế cơ,
khế thời của Phật giáo.
2. Giữ gìn một bản sắc cho Phật giáo Việt Nam
Nói đến một bản sắc tức nói đến một tinh thần tự tôn dân tộc, điều này chắc
chắn là thứ không cần bàn cải hay khẳng định lại ở Việt Nam, bởi ai cũng biết,
điều gì đã làm nên sự quật cường trong quá trình dai dẳng giành độc lập, mất rồi
được, được rồi mất, mà không phải là lòng tự tôn dân tộc của cha ông ta.
Tuy nhiên, những tố chất cơ bản của nền Phật giáo lịch sử dân tộc đang chưa được
ý thức để triển khai triệt để, với sự thiếu hụt nền tảng căn bản đó, ta đang tự
mình làm mờ bản sắc, và đôi khi sử dụng những thứ vay mượn từ bên ngoài như là
những học trò sao chép ngoan ngoãn, điều dễ nhận thấy nhất trong những thực
trạng ấy của hôm nay mà ít nhất là những thứ có thể thấy được bên ngoài, đơn cử
nhất là hình thức xây dựng chùa chiền, sắc phục của Tăng Ni Phật tử và gần đây
nhất là những nội dung chương trình các sự kiện mang tính cộng đồng.
Ta có thể hình dung một ngôi chùa bề thế uy nghiêm sừng sững giữa dân làng với
cánh cổng lúc nào cũng đóng sẽ có ý nghĩa gì trong lòng người dân. Chắc chắn đó
là một vật thể nào đó mà không phải là thứ liên quan đến Phật giáo Việt. Bởi lẽ,
ngôi chùa trong lòng dân tộc Việt là của dân làng, cảnh chùa là cảnh Bụt (Đất
vua, chùa làng, phong cảnh Bụt). Tất nhiên, tình thế của hiện đại với sự đô thị
hóa làm ngôi chùa khó thể giữ được nét xưa, nhưng vị trí ngôi chùa trong lòng
người dân luôn được coi là “cửa từ bi luôn rộng mở” cả về nghĩa đen và nghĩa
bóng thì nhất định không thể nào để mất. Điều này đòi hỏi phía Phật giáo cần có
một tầm nhìn đủ để cân bằng trong việc đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người
hiện đại mà cũng có thể giữ được nét chùa trong tương lai, bởi những việc làm
công đức để ngôi chùa trông bề thế, trang nghiêm, tượng Phật quý hiếm… nếu không
biết cân bằng sẽ dẫn đến một hệ quả tất yếu là sợ kẻ cắp, nó đồng nghĩa với một
tương lai đóng kín cửa chùa.
Bên cạnh những khó khăn khách quan từ hoàn cảnh hiện đại thách thức hình ảnh
ngôi chùa truyền thống của Phật giáo, thì còn có những hiện tượng thật khó lý
giải khi ta bắt gặp những ngôi chùa mới kiến tạo không hề mang dáng dấp của văn
hóa Việt, hay sử dụng những vật dụng trang trí ngoại lai, không mang sắc thái
Phật giáo Việt. Ắt hẳn đây là một sự mô phỏng từ ngôi chùa nào đó ngoài nước ta.
Điều này, nếu là thứ cần làm, thì ít nhất chúng ta cũng cần nhận thức một cách
rõ ràng rằng đó không phải là ngôi chùa truyền thống của Việt Nam, bởi một điều
cơ bản, ngôi chùa truyền thống của Phật giáo Việt là nơi hội tụ văn hóa Việt và
có vai trò giữ gìn văn hóa của dân tộc.
Hình thức đáng đưa ra đơn cử thứ hai là sắc phục của Tăng Ni Phật tử. Phật giáo
Việt Nam như đã đề cập trước, có những đặc trưng rất riêng, khác biệt với các
nước cùng có truyền thống Phật giáo Đại thừa, đó là sự phân chia giáo phái theo
nhóm lớn của Phật giáo gốc, theo đặc điểm bắc nam tông của một đất nước gồm năm
mươi tư dân tộc.
Sự thống nhất một cách hòa hợp các tông phái vốn có nhiều quan điểm khác biệt đã
đem đến cho người con Phật ở xứ sở này niềm tự hào to lớn về sự thống nhất của
Tăng già trong tinh thần hòa kỉnh. Hình ảnh ba sắc màu nâu, lam, vàng trong
những sự kiện Phật giáo hay trong các trường học Phật giáo là những sắc thái
mang tín hiệu vui và đầy tự hào của người Phật tử. Nhưng, niềm tự hào ấy chưa
được vuông tròn thì xuất hiện những tín hiệu đáng lo về sự hòa tan khi các giáo
phái không giữ đúng màu sắc pháp phục của mình mà đặc biệt nhất là các sư thuộc
truyền thống Phật giáo Bắc tông.
Hình ảnh một nhà sư với áo nâu sòng giản dị hay với áo lam hiền gần gũi với
người dân cả trong sinh hoạt đời thường lẫn trong văn chương bỗng dưng trở nên
vàng rực rỡ mà không phải là pháp phục trong khi hành lễ, hay có khi là màu cà
phê, màu vàng mơ! phải chăng ta đang muốn đánh mất vị trí vốn có của mình hay
đang mong hoán đổi một hình thức mới lạ bắt mắt hơn, hay nếp sống hiện đại yêu
cầu nhiều tiện lợi? chắc chắn và không thể tồn tại những lý do đó trong lòng
Phật giáo Việt, bởi hình ảnh một nhà sư là hình ảnh tôn giáo đang mang sứ mệnh
giữ gìn văn hóa của dân tộc, một người giữ gìn văn hóa liệu có phù hợp không khi
tùy tiện thay đổi màu sắc của chính cha ông mình?
Không chỉ dừng lại ở việc tùy tiện sử dụng màu sắc, một vài hiện tượng đang được
nhìn thấy ở Việt Nam liên quan đến pháp phục hành lễ, hình ảnh thiêng liêng cho
đời sống tâm linh con người, đang được mang về từ một truyền thống Phật giáo
khác ngoài nước Việt. Chẳng nhẽ là hễ cái gì có liên quan đến Phật giáo, bất kể
thuộc truyền thống văn hóa Phật giáo của quốc gia nào, thì chúng ta cũng đang
chấp nhận và sử dụng như thể là của chung? Dĩ nhiên Phật giáo là của chung với
nền giáo lý cơ bản, nhưng văn hóa Phật giáo thì là thứ đặc trưng riêng của từng
quốc gia độc lập. Và Việt Nam,
một đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời thì không có lý do gì để nói
thiếu những thứ làm nên sắc màu Phật giáo Việt Nam, có chăng
cái thiếu ấy nằm ở tinh thần tự tôn dân tộc? Ở đây chúng ta có quyền hy vọng
điều này chỉ là hiện tượng và sẽ được sàng lọc hay chấn chỉnh một khi nó được
lưu tâm.
Thêm một điều gây trăn trở không kém cho những ai nghĩ về một linh hồn Phật giáo
Việt khi gần đây chứng kiến những chương trình mang tính chất sự kiện có tính
ảnh hưởng đến công chúng, với sự đầu tư và dàn dựng hình thức xứng tầm Phật giáo
của hiện đại. Đó là những sự kiện mang nhiều sắc thái vui và đầy tự hào cho
những người con Phật từ khắp nơi hướng về linh hồn Việt Nam. Tuy nhiên,
nội dung chương trình thi thoảng hao hao có cái gì đó đã được nhìn thấy từ Phật
giáo nước bạn. Chương trình mang tính sự kiện của Phật giáo Việt
Nam
rất cần phải có nét riêng của Phật giáo Việt
Nam. Nó cần phải được hoàn thiện nhiều hơn nữa,
biên tập chương trình cần thận trọng và cân nhắc nhiều hơn nữa, bởi tính ảnh
hưởng của nó đến số đông. Điều này đòi hỏi đến một trình độ chuyên môn nhất định
cả về Phật học và Văn hóa Phật giáo, nhất là cần có tầm nhìn vừa đủ để thấy “đâu
là nét riêng của văn hóa Phật giáo Việt Nam”.
Một vài điều đơn cử đưa ra như thế để chúng ta suy ngẫm về một hình thái Phật
giáo của Việt Nam,
nguồn gốc căn để ấy là phải có sự nhận thức rạch ròi giữa giáo lý Phật giáo và
văn hóa Phật giáo. Giáo lý Phật giáo là gia tài tôn giáo chung, nhưng văn hóa
Phật giáo là văn hóa của riêng từng dân dộc mà tôn giáo ấy đang đồng hành.
Dân tộc nào cũng thế, quốc gia nào cũng thế, để người khác nhận biết đây là Việt
Nam, đây là Phật giáo Việt
Nam
thì trước tiên người ta nhìn vào cái hình tướng, những thực thể đang tồn tại
quanh ta. Tất nhiên, cố chấp là khái niệm Phật giáo luôn dạy rằng cần loại bỏ,
nhưng việc giữ gìn bản sắc của một dân tộc không nằm trong khái niệm trên, mà
ngược lại, đó là việc thiết thực cần làm trước tiên nhất của Phật giáo.
Đã đến lúc chúng ta đối thoại với Phật giáo nước bạn với vai trò là người bạn và
giới thiệu nét đẹp của truyền thống Phật giáo Việt Nam đã có và đang có cho bạn
hữu quốc tế chứ không phải với tư cách những người học trò và truyền bá truyền
thống nước bạn cho Phật tử Việt Nam. Nếu việc giới thiệu văn hóa Phật giáo nước
bạn là việc cần làm, thì chí ít Phật tử của chúng ta cũng nên được cho biết để ý
thức một cách vừa đủ, “đây là văn hóa của Phật giáo nước ngoài”.
Giao lưu văn hóa để thấy thế giới quanh ta muôn màu muôn sắc, thấy các dân tộc
ngoài dân tộc ta có gì, hay chỗ nào để nghĩ nhiều hơn cái đang có của chúng ta,
điều đó cần phải là thứ cơ bản để ta bước vào cuộc chơi của thế giới phẳng. Nếu
giao lưu để học hỏi, để bắt chước, để sử dụng,… thì chắc chắn ta đang chứng tỏ
cho thế giới thấy rằng, ta tự ti, ta nhược tiểu, ta không có gì để cho thấy đây
là cái của riêng ta, ta không có gì để góp vào cho thế giới muôn màu muôn sắc.
Và điều này cũng sẽ tự khẳng định rằng ta đang tự đồng hóa mình, và đồng hóa sẽ
mang theo ý nghĩa tự mình triệt tiêu. Tự mình khẳng định ta đang không có gì hấp
dẫn, không có gì xứng đáng để tự tin, để bước vào thế giới phẳng như là một
thành viên độc lập.
Hơn hai ngàn năm Phật giáo đồng hành lận đận cùng dân tộc, cha ông ta đã để lại
cho gia tài Phật giáo Việt
Nam
một thứ tài sản phi vật thể nằm trong chính lòng dân tộc Việt. Đủ vững vàng để
thừa sức khẳng định mình. Với một bề dày hình thành và phát triển suốt chừng ấy
chiều dài lịch sử, với những đặc trưng độc đáo của một Phật giáo thống nhất đầy
ôn hòa của Việt Nam. Đã đến lúc Phật giáo Việt Nam phát triển bằng nội lực của
chính mình và trân trọng một cách vừa đủ trung thành để duy trì và phát triển
giá trị văn hóa của cha ông, bởi văn hóa ấy là văn hóa Phật giáo Việt.
Thế giới này đang phẳng dần và hẹp dần cũng là lúc những giá trị văn hóa đứng
trước đôi bờ còn-mất. Những giá trị nào được quan tâm để giữ đúng nét riêng sẽ
trở thành những đóa hoa rực rỡ tỏa hương bay xa, những thứ nào không được quan
tâm sẽ bị nhập nhằng nhầm lẫn, sẽ bị mờ dần và bị cuốn vào trong góc khuất nhạt
nhòa. Phật giáo Việt Nam có thể trở thành bông hoa mang giá trị văn hóa Phật
giáo Việt, khoe sắc và tỏa hương trong rừng hoa Văn hóa Phật giáo thế giới hay
không, chắc chắn câu trả lời đang nằm mỗi chúng ta, những người con Phật mang
trong mình dòng máu Việt.
Khải Tuệ
Nguồn: Tập San Pháp Luân 81