Từ Không lượng tử đến Chân Như Phật học

                                                                                 

Đặng Công Hanh

 

 

      * Không lượng tử

      Lịch sử của sự phát triển khoa học nói với chúng ta  rằng cho đến cuối thế kỷ 19 với sự thành công của các nhà khoa học có tầm quan trọng như Galileo và Newton, Copernicus và Kepler, Faraday và Maxwell cùng với những ứng dụng kỹ thuật đáng kinh ngạc, lúc bấy giờ phần đông các nhà khoa học, trong đó có nhà vật lý Lord Kelvin đã tin rằng vũ trụ trong dạng toàn thể của nó đã có thể khám phá và chỉ còn lại những chi tiết nhỏ không đáng kể và ông xác tín một cách lạc quan sớm muộn gì cũng giải quyết xong. Đó là 2 vấn đề:

      1. Vấn đề giả định từ lâu về sự tồn tại của chất ether làm môi trường truyền dẫn sóng điện từ đã bị phủ nhận bởi hai nhà vật lý Michelson và Morley qua các thí nghiệm của 2 ông.

      2. Vấn đề phổ bức xạ do vật đen phát ra không phù hợp với công thức của Wien sau đó là Lord Rayleigh. Vào những năm đầu thế kỷ 20, hai vấn đề thách thức nói trên đã khơi mào cho sự thành công của thuyết tương đối và lý thuyết lượng tử. Có thể nói A.Einstein và Max Planck là hai nhà bác học tiên phong làm cáo chung nền vật lý cổ điển, khai sinh nền vật lý hiện đại dựa trên hai trụ cột kiên cố là “Lý thuyết lượng tử cuả Max – Plank và lý thuyết tương đối của A – Einstein”.

      Với tư cách là triết học tự nhiên, vật lý có vai trò quan trọng trong bản thể luận và nhận thức luận. Trong một thời gian rất lâu, cơ học Newton và quyết định luận Laplace đã chi phối nhận thức và hành động của phần lớn nhân loại (ngoại trừ Đông phương). Vật lý hiện đại, cũng không ngoại lệ ngoài sự khám phá những hiện tượng tự nhiên hay những ứng dụng vào kỹ thuật làm tăng sức mạnh con người đối với tự nhiên, đem lại tiện ích cho con người, làm phồn vinh cho nhân loại, mà còn tính cách mạng của nó trong việc mô tả, diễn giải thế giới tự nhiên và tính chất triết học liên quan đến thế giới quan của con người.

      Giữa hai lĩnh vực cực tiểu (lượng tử) và cực đại (thuyết tương đối) phải chăng có triển vọng tìm được những đơn vị cuối cùng của vật chất trong lĩnh vực cực tiểu và do đó thuyết lượng tử đã phát triển hết sức mạnh mẽ trong thế kỷ 21. Vật lý lượng tử đang đối diện với các vấn đề mang tính triết lý vô cùng cơ bản của nhân sinh: cái gì là thực thể của thế giới vật chất hay tự tính của nó là gì – nó có độc lập với con người, nó có phải bóng dáng của một thực tại sâu kín phóng chiếu vọng tâm con người không. Bản chất của thời gian không gian là gì và tại sao ta lại có những cảm nhận về chuyển động của thời gian.v.v…

      Nhiều khái niệm thật sâu kín, đương nhiên khó lãnh hội, ngay đối với các nhà khoa học tầm cỡ cũng còn không ít băn khoăn. Tuy vậy, người em song sinh của lý thuyết lượng tử là cơ học lượng tử đã được xây dựng do Schrodinger (cơ học sóng) - Heisenberg (cơ học ma trận) và một số nhà khoa học khác đặt trên cơ sở toán học chặt chẽ từ năm 1926 – 1927 bởi F.A.M Dirac, J-Von Neumann v.v… Chính cơ học lượng tử sản sinh ra các ngành công nghệ mới thành công chói lọi như: công nghệ laser, công nghệ transtor, công nghệ viễn thông lượng tử, công nghệ máy tính lượng tử, công nghệ nano.v.v.. Dù nhân loại thừa hưởng tiện ích quá nhiều từ những áp dụng kỹ thuật của nó nhưng đồng thời tỏ ra “không dễ chịu” chút nào với nó.

      Nhà vật lý M-Gell-Man (Nobel 1969) đã than thở: “Cơ học lượng tử, ngành bí ẩn rối răm này, chẳng ai trong chúng ta thực sự hiểu nó, nhưng chúng ta lại biết cách xử dụng nó (năm 1981) R-Feymann (Nobel 1965) nói tiếp “Tôi không hiểu nó, chẳng ai hiểu cơ lượng tử cả”. Có ý sâu sắc hơn, năm 1992 giáo sư Toán – Lý nổi tiếng của Đại học Oxford, đồng nghiệp của S – Hawking. Ông R-Penrose thì cho rằng việc giải thích cơ học lượng tử là “Câu đố vĩ đại nhất” của vật lý học. Nhà vật lý Nobel 1999, ông G’. tHooft đã viết (năm 2005) rằng “Tôi không nói rằng cơ học lượng tử là sai hay đầy đủ, nhưng tôi nghĩ rằng một lý thuyết tối hậu phải không có yếu tố ngẫu nhiên. Tôi đứng về phía A – Einstein, người luôn luôn cho rằng các phương trình thực sự của  tự nhiên không cho phép có may rủi”.

      Phải chăng cho đến hiện nay, cơ học lượng tử vẫn chưa phải là một lý thuyết về thực tại. Thực tại lượng tử nếu có thể gọi là như vậy thì thực tại đó là “thực tại bị bao phủ” ý kiến của D’Espagnat và vẫn cứ luôn luôn bị bao phủ. Phải chăng sự tìm kiếm của chúng ta về một “thực tại khách quan” là vô vọng?

      Theo lý thuyết trường lượng tử, vũ trụ vật lý có thể quan sát được chẳng tạo ra được cái gì khác ngoài những biến động trên một đại dương năng lượng vô hạn. Theo David Bohm, nhà vật lý lượng tử nổi tiếng cho rằng vật chất và ý thức, thời gian không gian và vũ trụ chỉ là một “tiếng vỗ khe khẽ” so với hoạt động vô tân của mặt ‘nằm bên dưới”. Mặt bên dưới đó theo ông chính là khái niệm “không lượng tử”.

      Theo ý kiến của những nhà vật lý lượng tử, không có chân không tuyệt đối mà đặc trưng của nó là hoàn toàn không có vật chất và năng lượng. Trong hiện thực không thể đạt tới mức loại bỏ trường điện từ dư thừa làm cái nền của chân không. Chân không lượng tử được nhìn nhận là trạng thái cơ bản của vạn vật, nó vô hướng, trung hòa mang nặng lượng cực tiểu làm cái nền của “Không lượng tử”. Theo nguyên lý bất định của Heisenberg thì trong cơ học lượng tử, dù ở mức độ đo lường hoàn hảo nhất ta không thể xác định đồng thời chính xác cả hai yếu tố: vị trí và xung lượng của một hạt đang chuyển động, cũng như cả thời gian lẫn năng lượng của một biến cố nào đó. Trong phòng thí nghiệm vật lý lượng tử các nhà khoa học quan sát thấy các hạt thay đổi liên tục tạo ra các hạt ảo, tức thì hấp thu các hạt ảo này khi chúng vừa sinh ra với thời gian cực ngắn để biến thành năng lượng. Nếu chỉ quan sát năng lượng của biến cố ta thấy cả một đại dương năng lượng. Điều này ta thấy số năng lượng sinh ra từ không cũng nằm trong nguyên lý bất định. Năng lượng càng lớn thì hạt ảo sinh ra càng nặng, mỗi hạt xuất hiện như là một tổng thể của tổ hợp các hạt loại khác và xuất hiện với một xác suất nào đó.

Trong phòng thí nghiệm các hạt nguyên thủy sau khi va chạm sẽ sinh ra hạt loại khác, nhưng cũng có khi không tạo nên do sự va chạm mà vẫn có vài ba hạt ở từ đâu đó xuất hiện tác dụng lẫn nhau rồi biến mất thật ma quái và hư vô. Nếu chúng ta đặt vào chân không một năng lượng dư thừa do sự biến đôi trạng thái thì năng lượng này có thể chuyển thành vật chất và phản vật chất, đó chính là những hạt nổi lên từ hư vô. Hiện nay, các nhà khoa học đã kiểm chứng được hai biểu hiện của không lượng tử bằng thực nghiệm đó là hiệu ứng Casimir và hằng số tương tác cơ bản di động.

      Như vậy, chân không lượng tử là sân khấu của một điệu vũ không ngừng của các hạt sinh ra và mất đi trong khoảnh khắc cực kỳ nhỏ con người không nắm bắt được. Theo nhà vật lý Phạm Xuân Yêm - Đại học Liere et Marie Curie,  đã ẩn dụ chân không này như một hư vô mênh mông tĩnh lặng nhưng khi có sự nhiễu loạn của năng lượng thì vật chất được tạo thành, tương tác nhau, phân rã và trở lại không, quá trình này tiếp nối lặp đi lặp lại vô hạn. Theo nguyên lý bất định Heisenberg năng lượng của chân không lượng tử là vô hạn. Chính trên quan niệm này mà David Bohm cho rằng vũ trụ là một biển năng lượng khổng lồ đang vận động trong dạng “trật tự tiềm ẩn” mà dạng hình thế giới vật chất chúng ta thấy chỉ là “trật tự dàn trải” khi dạng “trật tự tiềm ẩn” bị kích động.  Nói cách khác, hiện tượng sự vật đều sinh khởi từ một cội nguồn chung và cội nguồn này khi nhập vào giác quan con người thì khởi mọi sự sai biệt mà thấy ở ngoại cảnh.

      D. Bohm cho rằng vụ nổ lớn (big bang) hình thành vũ trụ cũng chỉ là một gợn sóng nhỏ của biển năng lượng mênh mông đó và thế giới vô sinh (vô tình) và thế giới sự sống (hữu tình) đều ẩn tàng trong “trật tự tiềm ẩn”, lấy trật tự này làm nguồn gốc cho sự vận hành của riêng mình và do đó nó là nguyên lý sáng tạo của mọi tồn tại, nó phổ biến khắp vật chất và là bản thể của vật chất. Nói một cách rốt ráo nó là trạng thái chân thật của vạn hữu trong vũ trụ mà Bohm có khi gọi là “chân như” (that – which – this) và không thể là đối tượng của nhận thức thường nghiệm.

      * Chân như:

      Chân như là một khái niệm quan trọng của Phật giáo Đại Thừa. Chân như được khẳng định là thể tính tuyệt đối cuối cùng của sự vật, là thể tính chân thật của thế giới hiện tượng, nó có tính bất động, thường hằng hoàn toàn ngược với thế giới hiện tượng thuộc về thân tâm và vì vậy nó nằm ngoài mọi suy luận nhận thức của lý trí.

      Chân như đồng nghĩa với Như lại tạng, Phật tính, Pháp thân. Tri kiến được Chân như tức là giác ngộ vượt khỏi thế giới nhị nguyên. Chân như bao trùm mọi hiện tượng, là lý thể bất biến ẩn tàng phía sau hiện tượng và mọi hiện tượng không rời khỏi chân như là do sự hiện khởi tùy duyên của Chân như.

      Nhìn từ góc độ học thuyết Vạn pháp duy tâm, Phật giáo nhận định vũ trụ vạn vật mà chúng sinh cảm nhận qua kinh nghiệm được hiện ra từ tâm thức, từ biến hiện của tâm thức. Tâm thức ở đây là thức A - lại - da thuộc tầng đáy của ý thức. Tác dụng cơ bản của nó chính là chứa nhóm chủng tử (hạt giống). Hạt giống vô lậu trong A- lại – da là tác nhân chính để thành Phật gọi là Phật tính (còn gọi là chân như). Còn hạt giống hữu lậu là tác nhân để thành chúng sinh (gọi là phiền não chướng – hay vô minh). Cả hai loại chủng tử có từ vô thủy.

      Bản thể của A- lại - da và chủng tử vô lậu thanh tịnh và thuần thiện là vô chung vì theo khế kinh đã truyền dạy “nhất thiết pháp đẳng y” có nghĩa là Thức A - lại – da chứa nhóm chủng tử các pháp nên không thể chung tận và nếu ngược lại thì tất cả các pháp mất hẳn vì không có chỗ nương tựa thành ra đoạn diệt. Đạo Phật phủ định thuyết đoạn diệt. Trái lại, hạt giống hữu lậu là “nghiệp nhân” để thành chúng sinh gọi là “phiền não nghiệp chướng” hay là vô minh.

      Khế kinh nói “Vô thỉ thời lai giới” hàm nghĩa là cái nguyên nhân sinh ra chúng sinh đã có sẵn trong A- lại- da thức từ bao giờ và nói tiếp “do thử hữu chư thú” xác định rằng chính các hạt giống hữu lậu tạp nhiễm sinh khởi hiện hành mà có chúng sinh trôi lăn trong sáu đường: Thiên, Nhân, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh.

      Xét từ góc độ chúng sinh, theo định nghĩa của đạo Phật, như một cơ thể sống có thể cử động bằng chính năng lực của nó và như thế phôi mầm (germ) có thể cử động cũng là một chúng sinh. Ngoài chúng sinh hữu hình sống trong dục giới, còn có các chúng sinh trong cõi giới vi tế. Họ vẫn được sinh ra, hiện hữu và mất đi nhưng không mang thân vật chất. Trong tư tưởng Đông phương, với thế giới vật lý trên hành tinh địa cầu đã công nhận một cách rộng rãi: dục giới mà chúng ta đang thấy rõ và còn có cõi sắc giới và vô sắc giới mà ta không thấy bằng thị giác thông thường.

      Như lại tạng tức là Pháp thân ẩn tàng trong tất cả. Tuy chúng sanh bị vô minh trói buộc, nhưng Như lại tạng vốn dĩ thanh tịnh, tràn đầy công đức. Chúng sinh đều có Như lại tạng thanh tịnh, đều có Phật tính và từ quan điểm này chúng sinh hoàn toàn bình đẳng.

      Chủng tử chỉ cho cái khả năng có thể sinh ra tất cả các hiện tượng trong A- lại - da thức. Chủng tử cộng tưởng sinh ra các thể dạng cộng đồng như các hạt vi trần cơ cấu nên sông núi, đất đai, gió, lửa… còn chủng tử tự tướng thì sinh ra các đặc trưng thuộc về cá thể, do vậy chánh báo và y báo là hai mà không phải hai. Chánh báo còn gọi là “biệt báo” chỉ cho quả báo tự thân chúng sinh tạo nghiệp tiếp nhận. Còn y báo còn gọi là “cộng báo” chỉ cái quả báo thọ nhận của chủ thể về môi trường, hoàn cảnh sống, hành vi cá nhân đối với bản thân và với môi trường của mọi người.

      Xuất phát từ luận điểm Y báo và Chánh báo không hai thì tất cả mọi hiện tượng dầu do Chân như duyên khởi, do Duy thức biến hiện nên Phật giáo quan niệm con người và môi trường sống nương tựa và chuyển hóa lẫn nhau và hơn thế nữa, Kinh Thủ Lăng Nghiêm xếp đất đai, cỏ cây, sỏi đá, vàng bạc, sông núi thành loại chúng sinh vô tưởng (loài không có tư tưởng) “bởi vì chúng sinh trong thế giới ngu độn luân hồi, ngu si điên đảo hợp thành 84.000 vọng tưởng khô cằn cho nên có loài vô tưởng luân chuyển trong quốc độ, tinh thần hóa thành cây, vàng, gạch đá… đủ loại tràn đầy trong đó.

      * Điều suy nghĩ?

      Theo thuyết lượng tử thì trong chân không lượng tử, chỉ gồm các khả năng tiềm lực, khuynh hướng không ngừng gia tăng, biến chuyển, đoạn diệt, theo quy luật toán học thuộc phạm trù ứng dụng của phương trình sóng xác suất Schrodinger, tựa hồ các chủng tử được huân tập, huân sinh trong A - lại – da, là kho chứa chủng tử, là thể, là tướng, là dụng của tâm về nhiễm (vọng, hiện tượng) và tịnh (chân, bản thể). A - lại – da được xem như sinh khởi từ Như lai tạng, chính là Chân như còn bị phiền não che phủ.

      Theo Heisenberg, khi quan sát để đo lường chính là thiết lập mối tương quan giữa thế giới lượng tử và thế giới thường nghiệm nhằm hiện hành một khả năng lượng tử. Do đó những hiện tượng quan sát được trong thế giới thường nghiệm xuất sinh từ thế giới lượng tử mà bản chất nguyên thủy của nó là Không. Do vậy   sở cơ bản của thế giới  thường nghiệm, không phải là cái “không trống rỗng” mà là cái “không và bất không”. Trong Kinh Lăng Già, hòa thượng Thích Thanh Từ dịch có ghi bài kệ, ta thử suy ngẫm:

Biển tàng thức  thường trụ

Gió cảnh giới nổi dậy

Lớp lớp các sóng thức

Ào ạt mà chuyển sanh

      Ở Tây phương, nhà hiền triết vĩ đại Platon là một trong những người suy nghĩ sâu sắc về nghịch lý căn bản về sự tồn tại mang tính lưỡng phân giữa cái nhất thời và cái không nhất thời, ông quan niệm rằng có hai cấp độ của thực tại: cái thế giới nhất thời có thể cảm nhận bằng giác quan là một thế giới biến đổi phù du và huyển ảo chỉ là sự phản ảnh mở nhạt, mếu mó của một thế giới đích thực là thế giới ý niệm vĩnh hằng bất di bất dịch. Để minh họa quan điểm của mình ông đưa ra một ẩn dụ về những người bị giam trong hang đá quay mặt nhìn lên vách thấy những cái bóng của các vật ở bên ngoài được in lên vách của hang và tưởng rằng đó là cái  thực tại tồn tại ngoài hang.

      Theo Platon, thế giới cảm nhận qua giác quan là thế giới thể hiện không hoàn hảo của thế giới những ý niệm. Phải chăng cái  thế giới ý niệm mà Platon nói đến chính là biển tàng thức và cái thế giới không đích thực chính là lớp lớp các sóng thức của gió cảnh giới trong bài kệ.

Phật giáo, theo cái triết gia lỗi lạc là tôn giáo thích hợp nhất đối với xã hội khoa học hiện đại dù rằng khoa học không phải là nội dung trong các lời giảng của Đức Phật,  A.Einstein đã có lần phát biểu một cách tiên tri rằng “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó sẽ là Phật giáo. Họ không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học vì Phật giáo bao trùm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học.

      Đức Phật sau khi giác ngộ, đã tuyên bố rằng tất cả các pháp đều vô thường, vô ngã (nonself, anatta) và không có thực thể (egoless); hàm ý cho rằng tất cả hiện hữu đều do các nhân duyên tạo nên và tương duyên với nhau có tính chất vô thường, biến hoại và rổng không. Vạn pháp không có tự tính, biến dịch không ngừng, đủ duyên thì sinh khởi, hết duyên thì đoạn diệt. Tính chất chuyển hóa vô thường của vạn pháp là tự thân của luân hồi . Chừng nào mà thực chứng bằng con đường nội quán thì lúc đó ta mới nhổ gốc rễ của khổ đau, của vô minh vi tế nhất ra khỏi tâm trí để được giải thoát.

      Tư tưởng của Kinh Hoa Nghiêm mô tả vạn pháp do tâm sinh ra. Tâm là thực thể của vạn pháp, tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt, hình hình sắc sắc trùng trùng duyên khởi: cái này có thì cái kia có. Tâm bao trùm khắp pháp giới, thể tính của tâm thu nhiếp tất cả. Tất cả là một, một trong tất cả.

*

*  *

      Gần 25 thế kỷ sau khi Đức Phật nhập diệt, nhiều thế hệ các nhà khoa học mãi mê dấn thân trên đường khám phá thế giới mô và vi mô của vật chất đã góp phần làm tăng trưởng kinh tế và chuyển biến xã hội loài người. Tuy nhiên vũ trụ, tự nhiên vẫn luôn luôn có những bí ẩn được giấu kín mà tri thức thường nghiệm của con người không vươn tới được. Khoa học vẫn là con đường dài hun hút. Những điều mà con người rất khó vượt qua chính là con người với bộ não của họ và vì luôn luôn có sự tác động qua lại giữa  thế giới bên trong và thế giới bên ngoài nên thực tại không tránh khỏi bị thế giới bên trong của các nhà khoa học làm cho biến đổi và chúng ta chỉ còn thấy cái mà chúng ta muốn thấy mà thôi. Thực tại phụ thuộc và gắn kết vào hành  trang khái niệm của nhà khoa học. Điều này có thể thấy được qua định lý về tính không đầy đủ của nhà Toán học Kurt Godel hay còn gọi là định lý bất toàn dẫn đến một hệ quả là lý trí có những giới hạn và nó không thể đạt tới chân lý tuyệt đối được. Ông giải thích: Người ta không chứng minh được một hệ thống là nhất quán và phi mâu thuẩn nếu chỉ dựa trên các tiên đề chứa trong hệ thống này. Để làm được điều này, cần phải ra ngoài hệ thống và áp đặt một hoặc nhiều tiên đề phụ ở bên ngoài hệ thống đó. Nói cách khác chân lý toàn bộ không được khoanh lại trong một hệ thống hữu hạn, toàn bộ hệ thống hữu hạn này là không đầy đủ.

      Định lý Godel đã gây chấn động dữ dội không những trong lĩnh vực Toán học mà còn dư âm đến tận ngày nay trong các lĩnh vực khoa học triết học.v.v… Trên quan điểm Phật học mà nhìn nhận thì cả chủ thể nhận thức lẫn đối tượng nhận thức chỉ là một hệ thống, không thể hai.

      Theo Đại thừa khởi tín luận thì Như lai tạng, Thể Đại thừa tức Tâm của chúng sinh bao trùm hết thảy các pháp hữu lậu và vô lậu thế gian và xuất thế gian. Tâm có hai tướng: Chân như và Sinh diệt (vọng). Chân và Vọng hòa hợp không phải một, chẳng phải hai gọi là A - lại – da, thức này thâu tóm các pháp và xuất sinh tất cả các pháp.

     

Nguồn: Tập san Hoằng Pháp 32


TÀI LIỆU THAM KHẢO

    

     1. Kinh Đại Niết bàn: Dịch giả Hòa thượng Thích Trí Tịnh, NXB Tôn giáo 2010.

     2. Nhận thức và không tánh: Hồng Dương Nguyễn Văn Hai, NXB Tôn giáo 2001.

     3. Thành Duy Thức luận: Tuệ sỹ dịch NXB Phương Đông 2010

     4. Max – Planck, NXB Trí Thức 2009.

     5. Stephen – Hawking, NXB Tia Sáng 2007.

    

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle