Sắc tức thị không, không tức thị sắc và thế giới lượng tử

sac khong

 

Đặng Công Hanh

v     Thế giới Lượng tử

Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng bị chiếm lĩnh bởi khoa học và công nghệ. Đồng thời với mô hình tư duy do nó tạo ra, lối sống nặng khuynh hướng trục vật. Hơn thế nữa, dường như những trí thức bắt nguồn từ khoa học - công nghệ ngày càng đối lập với trật tự sâu xa của những xác tín ở cái thiêng liêng, ở cái siêu hình và ngôn từ triết học, ngôn từ tôn giáo đã mất đi sức mạnh chân lý như trong thế kỷ trước đây.

Theo ý kiến chung của các nhà khoa học thì trước năm 1900, ý niệm về vật chất thật đơn giản: nếu đem nghiền nát một hòn đá thì kết quả trong đám bụi cực nhỏ sinh ra là các phân tử, phân tử đó bao gồm các nguyên tử được xem như không thể phân chia được nữa và xem đó là viên gạch xây nên "ngôi nhà" vật chất. Với tư duy khoa học đơn giản này đã dựng lên một ranh giới tự nhiên giữa khoa học với niềm tin tôn giáo, giữa tinh thần và vật chất. Vật chất thông thường được biết là cấu tạo bởi các nguyên tử và phân tử.

Tất cả những vật bao quanh chúng ta: từ cái bàn, cái ghế, lọ hoa, kể cả bản thân chúng ta nữa, đều được tạo nên bởi thứ vật chất đó.

Thế nhưng, vào đầu những năm 1900 - sự xuất hiện của lý thuyết lượng tử xác định rằng muốn hiểu được cái hiện thực quanh ta thì cần phải từ giã các khái niệm truyền thống về vật chất với các đặc trưng cụ thể cảm nhận được qua các giác quan. Rằng không gian và thời gian chỉ là ảo ảnh, rằng hiện thực là không thể nhận thức được. Cái hiện thực của những thực thể lượng tử đã làm thăng hoa các ý niệm thông thường về không gian và thời gian. Theo Jean Guitton, Viện sĩ Hàn lâm Pháp: chúng ta tồn tại qua một cái gì đó mà chúng ta không nắm bắt được bản chất và những thuộc tính đáng kinh ngạc của nó, nhưng lại tiến tới tinh thần hơn là tới vật chất truyền thống.

Ta thử bắt đầu từ việc quan sát một giọt nước chẳng hạn, theo ước định của các nhà vật lý thì giọt nước này có 1 ngàn tỉ phân tử, mỗi phân tử có kích thước 1/109 mét. Mỗi phân tử chứa các nguyên tử có kích cỡ nhỏ hơn nửa, khoảng 1/1010 mét. Mỗi nguyên tử gồm một hạt nhân càng nhỏ hơn, khoảng 1/1014 mét và những electron quay quanh nhân. Mô hình này do nhà vật lý Nhật Hantaro Nagaoka đưa ra năm 1904 và được Rutherford kiểm chứng năm 1911.

Đi sâu vào trong lòng hạt nhân ta gặp thấy một đám những hạt mới, trong đó hạt quan trọng là proton và neutron nhỏ kỳ lạ, có kích thước 1/1015 mét. Từ vài mươi năm sau này, người ta còn khám phá thêm các hạt nhỏ hơn nữa gọi là các hadron và các hadron bản thân chúng cũng gồm các thực thể cực nhỏ không thể tưởng tượng được, cỡ 1/1018 mét, gọi là quark. Năm 1964, hai nhà vật lý Murray Gell -Mann và George Zweig đưa ra giả thuyết quark là viên gạch cơ bản tạo nên các hạt.

Phần đông các nhà vật lý chấp nhận ý tưởng cho rằng không thể nào biết được kích thước vật thể của quark, người ta đã đi tìm chúng khắp trong các tia vũ trụ hay trong phòng thí nghiệm nhưng không hề bắt gặp. Mô hình quark xuất hiện như một hư cấu toán học nhưng lại có ưu thế vận hành hiệu quả nhưng không có thực.

Lý thuyết về hạt giả định này lần đầu tiên vào năm 1964 do nhà vật lý Murray Gell Mann đề xuất, theo ông thì tất cả các hạt được biết đến là sự kết hợp một vài quark cơ bản khác nhau. Các nhà vật lý đã nghĩ đến nhiều loại quark khác nhau, mỗi thứ có hai đặc tính khác nhau tạm gọi là "màu" và "vị" theo nghĩa trừu tượng. Có ba loại quark khác nhau, mỗi loại có 2 vị và 3 màu, như vậy có 18 chủng loại quark. Vật chất thông thường gồm những quang tử và trung hòa tử của các nhân nguyên tử. Đối với con người hay các loại hoa chỉ gồm các loại quark chỉ chứa 2 vị: "vị trên" và "vị dưới". Một quark vị trên có thể biến thành quark vị dưới và ngược lại khi điện tích của nó thay đổi (theo Giáo sư thiên văn học Trịnh Xuân Thuận). Và điều xác quyết sau cùng là các quark bị dồn về phía bên kia ranh giới của hiện thực quan sát được và sự hiểu biết của chúng ta về hiện thực chỉ dựa vào một kích thước "phi vật chất", một tập hợp thực thể không kiểu thức, không hình thức, một không thời gian siêu việt, mà thực chất của nó chỉ là một đám mây của những con số (ý tưởng nhà vật lý I. Bogdanov).

Có lẽ do sự hiện hữu đầy dẫy bí ẩn của các quark mà các nhà vật lý đã định danh là "ma trận s". Ma trận này không nhằm mô tả tự thân của các quark mà chỉ cho phép nắm bắt cái hình bóng của nó qua các tương tác. Vì vậy, các hạt cơ bản không tồn tại bởi tự bản thân nó như những vật thể mà chỉ được biết qua những "hệ quả" do chúng tạo ra mà thôi. Tập hợp hệ quả ấy gọi là "trường lượng tử tương đối". Theo I. Bogdanov thì "trường" thực chất là dao động, đó là một tập hợp những dao động tiềm tàng mà các hạt cơ bản có bản chất khác nhau gắn vào. Các hạt này đến lượt nó là những biểu hiện "vật chất" của "trường" có thể di chuyển trong không gian và đi vào sự tương tác không ngừng, nhiều vô số của chúng với nhau.

Vì vậy, truy cho đến tận cùng thì không còn tìm thấy đâu là vật chất ít ra dưới hình thức một vật, một mẫu cuối cùng của hiện thực.

Những nhận thức lượng tử về vật chất làm cho chúng ta hiểu rằng chẳng có gì bền vững ở cấp độ cơ bản, mọi cái đều ở trạng thái vận động vĩnh hằng, mọi cái đều biến đổi không ngừng. Điều mà chúng ta tưởng bất động, im lìm thật ra gồm vô số vận động, những phân rả, hay những gắn kết lộn xộn. Sau cùng, các vật bao quanh ta chỉ là khoảng chân không, là những rung động cuồng nhiệt của các nguyên tử.

Thử quan sát cơ thể con người chẳng hạn: Cơ thể được cấu trúc bằng sự kết hợp các mô. Mô lại do các tế bào, tế bào lại do các phân tử, các phân tử do kết hợp của các nguyên tử. Nguyên tử do sự kết hợp các hạt cơ bản và rốt cuộc không thấy cái thực chất nào tạo ra hạt cơ bản đó. Nhiều nhất là thấy các hệ quả do sự gặp gỡ của các hạt cơ bản đó sinh ra, thoáng qua một cách ma quái mà các nhà khoa học gọi là "sự tương tác". Theo quan điểm của Einstein: hạt là năng lượng - sự gặp gỡ giữa các hạt là sự tương tác năng lượng với năng lượng.

Cái vật chất mà các nhà vật lý cổ điển tưởng như tồn tại hóa ra chỉ là những sát na sinh diệt miên viễn. Các hạt xuất hiện từ không, rồi biến mất sau khi có. Đến lúc này khoa học phải cần đến triết học, nhận thức học và bản thể học để trợ giúp tìm hiểu "hiện thực", nằm về phía bên kia tri thức thường nghiệm.

v     Sắc tức thị không, không tức thị sắc

Một trong những điểm giáo lý quan trọng của Phật giáo phát triển là "thực tại tính không", một hệ thống giáo lý được bàn cãi khá nhiều trong một thời gian dài, thậm chí còn bị hiểu lầm là một loại hư vô luận và bị phê phán như là loại triết lý mông lung không hơn, không kém. Điều đó xảy ra bắt nguồn từ quá trình diễn dịch không chu đáo, và làm xuất hiện một số mâu thuẫn về mặt nhận thức khi nói đến Không. Chẳng hạn cách đặt vấn đề sau đây:

- Những gì xuất hiện lồ lộ trước mắt là đối tượng của nhận thức như cây cối, nhà cửa, sông núi, xe cộ và các vật dụng khác, đều được xem là hiện thực không thể chối bỏ. Một sự phán quyết rằng thế giới này, thực tại này rỗng không hoặc mang đặc tính không là quá gượng ép, dễ bị phê phán bởi nhận thức thông thường.

- Khi tính Không được hiểu là bản chất của thế giới hiện thực, và như vậy sẽ đồng nghĩa với Niết-bàn. Vì hầu hết các giáo thuyết về Niết-bàn được gợi lên một sự tương đồng với cảnh giới: tịch diệt, vô tướng, bất sinh, bất diệt v.v... Đó là một mâu thuẫn vì Niết-bàn vẫn được quan niệm là cảnh giới tối thượng của bậc Thánh trí nên không thể nói Niết-bàn đồng nhất với Không.

Vậy phải hiểu thế nào?

Không là tự tính rỗng không. Mọi hiện hữu do duyên hợp (kết hợp bởi nhiều thành phần) mà hình thành thì chúng không có tự tính, nên gọi là Không. Chẳng hạn, nước là do hydro kết hợp với oxy hợp thành. Như vậy nước là không có tự tính nên không thể là một thực thể bất biến, nó là rỗng không.

Do vậy, Tính Không không có nghĩa là không có gì cả hay là hư vô, mà cơ bản nhất là sự phủ định tính cá biệt tự tính được xem là một thực thể bất biến, là tự ngã v.v...

Ta có thể nhận ra rằng: những gì mà đức Phật nói ra đều mang tính 2 mặt: công ước và tuyệt đối, bản chất và hiện tượng để giúp chúng sinh nhận diện được chân lý qua phương tiện truyền giáo. Bởi vì chân lý tự thân nó là bất khả thuyết, những gì ta nói về chân lý đều không phải là chính bản thân chân lý.

Tâm Kinh nói rằng: Hễ cái gì là sắc thì cái đó là Không. Ở đây sắc thuộc về thế giới vật lý, thế giới sự vật hiện tượng. Có thể ở dạng biểu hiện như cứng, mềm, nóng, lạnh v.v... hoặc dạng không biểu hiện như vô thường, vô ngã của sắc tướng, chịu sự diễn biến của sinh, trụ, dị, diệt v.v... Còn Tính Không là một danh từ dùng để giải nghĩa cái thuộc tính của thế giới sự vật hiện tượng dựa trên hai tính chất nội hàm và ngoại diện.

Theo Bồ Tát Long Thọ, Tính Không có nghĩa là tất cả sự vật, hiện tượng chỉ là hiện hữu tương quan, do đó không có tự tính. Tuy vô tự tính nhưng vạn pháp vẫn tồn tại hiện hữu. Như vậy, sự vật được hình thành là do duyên khởi, không mang một bản tính cá biệt nào và hình thành trong tương quan với nhận thức nên chúng được gọi tên, tên đó là giả danh. Chẳng hạn khi mặt trời vừa khuất núi, ánh sáng trở nên vàng vọt yếu đuối ta gọi đó là hoàng hôn. Hoàng hôn chỉ là giả danh.

Mặt khác, mọi hiện tượng, sự vật hiện hữu là do duyên khởi thì không có tự tính dị biệt tức là duyên sinh vô tính nên duyên sinh là Không. Đó là ý nghĩa Trung đạo.

Vậy, Tính Không phải được nhìn nhận từ hai phía: Giả danh và Trung đạo.

Nói "Trung đạo" là nói về chân lý của hai bình diện: tương đối và tuyệt đối. Đấy là một loại chân lý, theo quan điểm của Đại thừa là bất khả phân ly, một loại chân lý "Hãy tìm Niết-bàn trong sinh tử".

Nếu đem đối chiếu hai danh từ Không và Duyên khởi với danh từ Trung đạo thì Trung đạo khẳng định hơn nhưng tựu trung chỉ là một phát biểu của Bồ Tát Long Thọ nhằm phủ định tính thực hữu của thế giới hiện tượng mà thôi.

Trung đạo là không chấp có, không chấp không, không khẳng định, không phủ định. Nó có vai trò chuyển từ Duyên khởi qua Không, rồi trở lại có Duyên khởi dưới dạng thức giả danh.

Vậy, khi nói đến tính Không thì phải đồng thời nói đến Duyên khởi, Giả danh và Trung đạo. Đây là hai bình diện chân lý của tương đối và tuyệt đối.

LỜI KẾT

Hai câu kinh Phật viết ở đề bài được trích từ Tâm kinh Bát-nhã. Về mặt lịch sử, kinh Bát-nhã là bộ kinh đầu tiên truyền bá tư tưởng Phật giáo Đại thừa, bắt nguồn từ Ấn Độ và trung tâm của kinh là Tính Không. Bản kinh Bát-nhã được cô kết lại gần 300 chữ và được phổ biến rộng trong các nước Viễn Đông châu Á. Khởi thủy, kinh này được Phật thuyết giảng lúc Ngài đã ngoài 60 tuổi, có nghĩa là cách đây 26 thế kỷ. Về nội dung, kinh Bát-nhã được xem là "Trái tim" của tư tưởng Phật học, được nói ra bởi tuệ giác vô thượng của Phật nhằm dẫn dắt chúng sanh đi vào thực tại giải thoát.

Ngài đã dạy mọi pháp môn tu học để chúng ta lãnh hội tùy theo căn cơ và trình độ giác ngộ nhằm thức tỉnh cái "tính giác" tức giác quan nội tại ẩn chìm trong bản tính sâu thẳm nhất của chúng ta. Một khi đạt được cái "tính giác" ấy thì chúng ta vượt lên trên quan điểm nhị nguyên về hiện hữu để nhận ra tường tận vạn pháp không thật, như huyễn như hóa. Khi đó, chúng ta mới nhổ hết gốc rễ mọi khổ đau, của vô minh vi tế ra khỏi tâm trí. Đó là giáo lý từ bi cứu khổ của đạo Phật.

Đứng trên lập trường Trung đạo, chân lý tương đối và tuyệt đối được thiết lập để giải thích hai mặt có và không có của mọi sự vật hiện tượng. Theo các luận sư Phật giáo, chính theo Tục đế mà đức Phật nói tất cả pháp có được là do nhân duyên, nhưng theo Chân đế thì nói tất cả các pháp đều Không.

Đứng trên Tục đế (hay chân lý tương đối) thì thực hữu được xác nhận và kiểm chứng bằng trí thức thường nghiệm. Đó là đích và mục tiêu phát triển của khoa học - công nghệ, khi đó vạn hữu bị chi phối bởi nguyên lý tương đối và được nhận thức trên bình diện nhị nguyên Hữu và Vô. Từ đó khoa học, công nghệ gặt hái những thành quả rực rỡ, đồng thời chứng minh được tính phi lý của những tư tưởng siêu hình.

Nhưng còn "Tính không" của Trung luận thì sao đây? Các nhà vật lý lượng tử đã lặn sâu vào thế giới cực vi cũng chỉ thấy cái "Không lượng tử" - mang năng lượng do "tương tác ma quái" và do những nhiễu loạn của năng lượng trong Không lượng tử mà vật chất và phản vật chất được sinh ra, tương tác lẫn nhau, phân rã rồi trở về lại không. Nhà vật lý kỳ tài người Mỹ sau Einstein là Richard Feynman đã nói vui rằng: "Từ chân không mà sinh hủy, hủy sinh, ôi quá phí phạm thời gian!"

Phải qua trải qua gần 25 thế kỷ, sau khi đức Phật thuyết giảng: "Sắc tức thị không, Không tức thị sắc", các bộ óc tài năng, xuất sắc của nhân loại mới minh thị được cái chân lý tương đồng đó.

Ta thử ngắm nhìn một đóa hoa vàng trên chậu hồng. Một người tuổi ở độ thanh xuân thấy như một biểu tượng hứa hẹn, hy vọng và mơ mộng. Một người luống tuổi đã trải nghiệm hay trầm tư thấy nó biểu hiện cái gì mong manh và trực cảm như một lời chia tay. Một nhà vật lý lượng tử nhìn thấy chúng chỉ được tạo bởi những hạt quark một sản phẩm của trí óc, không hiện thực xét đến cùng.

Mục đích của Phật học qua thuyết giảng của đức Phật là xóa bỏ sự gắn bó (chấp thủ) với tính hiện thực của cái xuất hiện trước mắt chúng ta: chúng sinh, các sự kiện, sự vật và cả chúng ta nữa. Sự gắn kết, bám víu đưa đến sự vui, buồn, yêu, ghét v.v... mà thực chất là những nhãn hiệu của khái niệm. Rốt cuộc chỉ là sự đau khổ và cái đau khổ thật mênh mông diệu vợi. Trong "Mưa Nguồn" được sáng tác ở thời trai trẻ tràn đầy nhựa sống, thi sĩ Bùi Giáng đã lầm lũi bước trên nỗi bơ vơ, lạc lõng trong cõi nhân sinh:

“Miền cát lạnh chân lạc đà bé bỏng

Bóng hình ai tơi tả dưới trăng rằm”

            Đến khi tuổi đời chồng chất, đè nặng trên đôi chân, nhà thơ bắt đầu "ngộ" ra một điều gì đó trong sâu thẳm, tâm thức đã mở rộng vượt qua những khổ đau thật nhẹ nhàng:

"Tôi ngó mãi những chiều về trở lại

Mang những gì về trong cõi trăm năm”

            Và ông trở nên bình an, vui vẻ hơn:

"Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau”.

Đồng thời, thể nhập vào được cảnh giới của Tính Không:

"Ta đã hái nhành hoa kia của đá

Và đã trao cho nham thạch phiêu bồng”

                                                                       

Tài liệu tham khảo:

1. Nhận thức và không tính: Hồng Dương Nguyễn Văn Hai, NXB Tôn giáo 2001

2. Thiền và Bát nhã: Tuệ Sỹ dịch, NXB Quang Thắng 2006

3. Max Planck: Phạm Xuân Yêm, NXB Trí Thức 2009

Nguồn: Tập san Hoằng pháp 31

Chia sẻ: facebooktwittergoogle