Một người Phật tử có chí lớn, người ấy không lập thân trên sở học hay nghề
nghiệp, mà lập thân trên hạnh và nguyện của tâm bồ đề.
Tâm bồ đề là tâm tuệ giác. Tâm ấy được tạo nên bởi hai chất liệu của đại bi và đại trí.
Đại trí là sự hiểu biết chính xác và cùng khắp đối với mọi sự
hiện hữu và không hiện hữu, trong mọi không gian và trong mọi thời gian.
Đại bi là sự thương yêu không chiếm hữu và không bị điều động bởi ngã ý, nó có
khả năng dìu dắt tất cả mọi sự hiện hữu và không hiện hữu dẫn sinh đời sống
an bình bằng chất liệu của đại trí. Bi và trí như vậy
là bi và trí của tâm bồ đề.
Người Phật tử thực tập bi và trí bằng hạnh nguyện mỗi ngày trong mỗi động tác,
để thành tựu phước đức và trí tuệ cho tự thân và mở lớn hạnh nguyện ấy, đến với
một người, hai người, nhiều người, mọi người và rộng lớn cho đến cùng hết thảy
mọi loài trong mọi không gian và trong mọi thời gian.
Bởi vậy, bi và trí của người Phật tử không còn bị ngăn cách giữa không gian nầy
với không gian kia; giữa thời gian nầy với thời gian kia; giữa người nầy với
người kia; giữa chủng loại nầy với chủng loại kia. Với trí và bi như vậy, nên
trái tim của người Phật tử không phải chỉ có khả năng dung hóa một mặt trời của
một thái dương hệ, mà có khả năng dung hóa vô biên mặt trời của vô biên thái
dương hệ trong vô biên thế giới. Và trí và bi của người Phật tử như vậy, nên đời
sống và hành hoạt của người Phật tử không phải chỉ cảm nhận sự an bình và tươi
mát của một vầng trăng trong một thái dương hệ mà cảm nhận vô lượng sự an bình
và tươi mát từ vô biên vầng trăng của vô biên thái dương hệ.
Dung hóa ở trong đại trí và đại bi, và từ trí bi ấy, mà người
Phật tử khởi lên đại hạnh và đại nguyện làm lợi ích cho hết thảy muôn loài với
vô số hình thức thuận nghịch khác nhau.
Dù là ở trong thuận cảnh, người Phật tử đang được mọi người và ngay cả chư thiên, hết lòng kính ngưỡng, ca ngợi và tung hoa cúng
dường đuợc biểu hiện dưới vô số hình thức, nhưng tâm của người Phật tử không hề
bị chao động và không hề khởi lên tâm kiêu mạn và thủ đắc. Và, dù đang đi trong
nghịch cảnh, và đang bị vô số sự chống đối, hủy nhục, nhưng không phải vì vậy,
mà người Phật tử khởi tâm nhàm chán để đánh mất tâm bồ đề và hạnh nguyện lớn
rộng của mình.
Mọi hành hoạt của người Phật tử là vì lợi ích cho mọi người và mọi loài mà không
phải vì bản thân, nên thành công không phải là niềm tự hào, thì thất bại cũng
không phải là nỗi đắng cay. Thành công là vì mọi người và mọi
loài có nhiều niệm thiện; thất bại là vì mọi người và mọi loài có nhiều tà ý và
ác tâm, chứ không phải từ nơi hạnh nguyện bi và trí của người Phật tử.
Mọi hành hoạt của người Phật tử không phải vì người thiện mà bỏ người ác hay vì
người ác mà bỏ người thiện, mà người Phật tử hành hoạt theo đại bi và đại trí,
nên đối với người thiện, người Phật tử nguyện thân cận để giúp đỡ cho họ chuyển
hóa từ thiện hữu hạn đến thiện vô cùng, và đối với người ác, người Phật tử
nguyện thân cận để giúp đỡ cho điều ác của họ ngày càng giảm thiểu, để khiến cho
tất cả họ đều hướng về đời sống của đại bi và đại trí.
Nên, thiện hay ác đối với người Phật tử không phải là điều thủ
đắc hay không thủ đắc.
Và, vì sống bằng đời sống của đại trí và đại bi, nên người Phật tử không phải
không biết làm kinh tế, mà còn có khả năng làm kinh tế một cách tài tình, để có
điều kiện giúp đỡ cho những người nghèo khổ không nơi nương tựa vật chất, khiến
cho họ không bị rơi vào những sợ hãi lạnh lẽo, đói khát và nhờ vậy, mà người
Phật tử thành tựu hạnh nguyện tài thí một cách thực tế ngay trong cuộc sống nầy.
Người Phật tử không phải chỉ nỗ lực học hỏi một pháp môn, mà nỗ lực học hỏi và
thông đạt vô lượng pháp môn, để diễn đạt chánh pháp không bị ngăn ngại, giúp cho
những người không nơi nương tựa tinh thần hay tâm linh, khiến cho họ trừ diệt
được hết thảy tà si mà mến yêu chánh kiến, và nhờ vậy, mà người Phật tử thành
tựu hạnh nguyện pháp thí một cách thực tế ngay trong cuộc sống nầy.
Người Phật tử nỗ lực thực tập hết thảy các loại thiền định một cách sâu xa, để
có đầy đủ ý chí và nghị lực, giúp cho những người tà ý, loạn tâm, trừ diệt được
những tâm chí yếu hèn, sợ hãi trước những khó khăn, trước những biến đổi, thăng
trầm, sống chết, và nhờ vậy, mà người Phật tử thành tựu hạnh nguyện vô úy thí,
một cách thực tế ngay trong cuộc sống nầy.
Người Phật tử nguyện không làm điều ác, chỉ làm điều lành và
nguyện phụng sự hết thảy chúng sanh, để cho mình và người đều thành tựu đời sống
đạo đức cao thượng và có sự an lạc ngay trong những hành xử đời thường.
Người Phật tử nguyện nhẫn nhục cả thân, miệng và ý để thành tựu hạnh nguyện giải
tỏa oán kết giữa mình và mọi người, giữa mình và mọi loài và để cùng nhau chung sống hòa bình.
Người Phật tử nguyện thực tập tinh cần theo hạnh và nguyện của đại trí và đại bi, khiến cho mọi tâm
ý buồn chán và giải đãi không thể phát sinh, nhằm thành tựu sự thăng tiến ngay
trong đời sống giác ngộ.
Người Phật tử nguyện thực tập các loại thiền định để thâm nhập
tự tánh thanh tịnh của toàn thể pháp giới và chứng nhập pháp thân thanh tịnh.
Người Phật tử nguyện lắng nghe mọi âm thanh, nhìn sâu vào mọi sắc tướng, ngửi
sâu các hương thơm, nếm sâu các mùi vị, tiếp xúc và nhận biết sâu các đối tượng,
bằng sự quán chiếu sâu xa, để thành tựu tuệ giác siêu việt, ngay trong từng giây
phút của sự sống.
Người Phật tử sống bằng đời sống như vậy, nên họ ở đâu và lúc nào, cũng dùng
chất liệu của đại bi và đại trí để trang nghiêm báo thân và từ báo thân ấy, họ
có vô số ứng hóa thân để hành đạo, đem lại nhiều niềm vui sống cho mọi người và
mọi loài, trong từng ứng xử và trong từng bước đi của đại bi và đại trí trong
mọi thời đại.
Thích Thái Hòa