Chìm dưới cơn mưa

Chìm dưới cơn mưa
  • | Đặng Công Hanh

 

“Lòng thật bình yên mà sao buồn thế

Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ…”

Nhạc sĩ Trịnh Công sơn đã viết như thế. Cũng như mọi thanh niên cùng trang lứa đang còn trên ghế nhà trường, tuổi đời chưa pha sắc màu tục lụy, tôi đã mến mộ nhạc sĩ ngay khi tài năng ông mới chớm nở qua các ca khúc: Ước mi, Phôi pha, Nắng thủy tinh, Diễm xưa, Nhìn những mùa thu đi…

Tôi kính trọng sự rung cảm trầm buồn chân thành trong tâm hồn ông về cái thân phận mong manh trước cuộc sống và cái chết, trước nỗi buồn và ám ảnh cô đơn muôn thuở của kiếp người. Hình như nhạc sĩ đã mang vết thương định mệnh trong hành trang vào đời nhưng đồng thời là tố chất dinh dưỡng của tâm hồn. Ông đã lựa chọn và sự chọn lựa như một định nghiệp, một đỉnh cao của sự im lặng. Chính trạng thái tâm hồn đó ông đã hòa điệu và đồng vọng cùng với cái bí ẩn, cái sâu thẳm, cái siêu hình vi diệu tinh tế của đất trời: Bình yên mà lại buồn, khóc trước khi giật mình thấy mình khóc tự lúc nào. Sự cảm xúc của ông quá sâu sắc và tinh tế đến nổi đưa thế giới nội tâm bao phủ tràn ngập cả thế giới ngoại cảnh và thế giới ngoại cảnh trở nên mịt mù sương khói của diễm ảo siêu thực. Có lẽ chính tác giả cũng chưa ý thức hết rõ ràng điều mình cảm xúc và chính nhờ thế mà tính cách mông lung đã làm rung động lòng người. Ông đã viết:

“ Trên đời người trổ nhánh hoang vu

Trên ngày đi mọc cành lá mù

Những tim đời đập lời hoang phế

Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa”

          

Trong một lần khác ông lửng lờ các lời ca hay quá, nghe ra đã bâng khuâng xao xuyến, gợi nhớ cái mênh mông chập chùng đầy cảm xúc một chiều sâu triết lý:

Mưa có còn buồn trong mắt trong

Từ lúc đưa em về

Là biết xa nghìn trùng…”   

 

Sự im lặng trong nỗi cô đơn đặt vào không gian sương khói nhuộm màu kỳ bí, không còn tạp âm của vọng động để rồi ông trực cảm được: đất trở mình / gió tự tình / gió thở dài. Nghe cả tiếng khóc cười của bào thai từ thời khắc uyên nguyên. Nghe cả được tin buồn từ ngày mẹ mang cho nặng kiếp người.

Sự cô đơn của ông không mang sắc thái của văn chương lãng mạn hay trong những áng thơ trữ tình ngàn xưa mà lại bộc lộ cái bản ngã rất riêng tư, nó phô diễn như một nỗi ám ảnh, ông viết: “Làm sao thấu những nỗi đời riêng / Tự mình biết riêng mình và ta biết riêng ta”. Điều kỳ lạ và cũng là chỗ đứng riêng của ông, chỗ đứng trên nỗi ám ánh của mong manh. Mong manh của đóa quỳnh trong vườn khuya vừa chớm nở đã vội chóng tàn. Ông chân thành bày tỏ một cách nhìn về cuộc đời, không lẩn trốn vào nỗi đau của mình mà trải lòng với đời, trong sự đón nhận và chấp nhận.

“Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người

Tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi…”

 

Tôi đã cảm xúc tất cả điều đó, đã sống trọn tuổi học trò với tâm hồn nhẹ nhàng dào dạt lãng mạn như ông đã viết. Trên gác trọ tôi cũng hát các khúc tình ca của ông hát rất hồn nhiên, để ru mình phiêu du vào cõi mộng nhằm lãng quên đi nhọc nhằn xa nhà, phiêu bạt trong nỗi bi kịch chiến tranh.

Cuối những thập niên 60, chiến tranh đã gia tăng cường độ chuyển sang giai đoạn khốc liệt. Bom đạn cày xới không những đồi núi ruộng vườn xa xôi mà ngay trong lòng phố thị, báo hiệu một giải pháp chính trị nào đó đối với cuộc chiến. Nỗi cô đơn và nỗi buồn thân phận đã chìm sâu vào quên lãng nhường chỗ cho những lo lắng tai bay vạ gởi của bom đạn. Sự cảm xúc của tâm hồn đang trở nên lổi nhịp với ngoại cảnh.      

Tôi không còn thấy “chiều tím loang vỉa hè”, thấy “áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều”, không còn nhận ra “cỏ cây ráng pha màu hồng” và nhớ nỗi có bao nhiêu lần “thu sang chiều công viên” cho cuộc tình dang dỡ.

 

Tôi chợt nhận ra các cảm xúc đó đi qua tâm như một dòng sông dậy sóng và đã gây bao nhiêu trạng thái hạnh phúc và khổ đau. Theo tâm lý học đạo Phật, mọi hoạt động của tâm thức bao gồm cả suy tư đều kết hợp với một cảm xúc thích thú, lảnh đạm hay đau khổ. Cũng như vậy hầu hết tình cảm như yêu thương, ghét bỏ, giận hờn đều kèm với suy . Tôi yêu thích đóa hoa hồng là vì tôi nghĩ nó đẹp rực rỡ và ngược lại vì thấy đóa hồng đẹp nên tôi yêu thích.   

Đối với đạo Phật cảm xúc thường gây ảnh hưởng đến tâm thức và làm cho tâm thức phải chấp nhận một cách nhìn, một quan điểm về ngoại cảnh vạn vật. Cảm xúc nào tác dụng củng cố tâm an lạc và hướng về tha nhân thì nó là tích cực, ngược lại nó gây rối loạn tâm trí hay làm hại người khác là cảm xúc tiêu cực. Nhìn dưới góc độ Phật học về hậu quả của cảm xúc là sự an lạc hoặc đau khổ do chúng gây ra qua ba nghiệp thân, khẩu và ý đối với chính bản thân hay người khác.

Kinh nghiệm sống nói với chúng ta những điểm gì:

- Cảm xúc tiêu cực có khuynh hướng gây rối loạn, bóp méo cách nhìn về thực tại không cho tiếp cận được bản chất chân thật của nó, khiến ta tưởng cái đẹp, cái hay là thuộc tính cổ hữu của con người hay là sự vật, dẫn đến thái độ yêu thích, hay ghét bỏ đã tạo ra một khoảng cách giữa cái bề ngoài vạn vật so với thực tại của chúng.

- Trái lại, cảm xúc tích cực giúp chúng ta minh mẫn, đánh giá thực tại đúng đắn hơn, do vậy tình cảm vị tha phản ảnh sự phụ thuộc giữa hạnh phúc bản thân với hạnh phúc người khác, giảm trừ được chủ nghĩa vị ngã nguồn gốc của sự ngăn cách giữa mình với mọi người.

Trong đạo Phật, khổ cũng như vui thích là cảm thọ (cảm xúc). Đối với con người, trong đời sống luôn cảm thấy thiếu một cái gì, cái gì đó chưa trọn vẹn, chưa thỏa lòng.

Thi sĩ Bùi Giáng viết:

Trời đất lạnh và lòng anh không thỏa

Gởi hồn đi phương hướng hút theo ngàn

Hồn ngơ ngác loay hoay về hỏi dạ

Có bao giờ dạ thỏa giữa không gian

 

Cái khổ cần trở nên đậm đà sâu thắm hơn khi ta nghiền ngẫm nó, đặt tên cho nó, xem nó là “tôi” và “của tôi”. Trong kinh Đại Bát Nhã, Phật dạy rằng đặc tính của cảm thọ nơi con người là do “nhận lãnh thu nhập vào mình” nên phải khổ vì tâm luôn luôn dao động bởi những cuộc thăng trầm.

 

Khi nhìn ra bên ngoài, chúng ta củng cố khái niệm về thế giới bằng cách gán cho nó những thuộc tính chẳng liên quan đến nó. Khi nhìn vào bên trong chúng ta dừng lại trên dòng chảy của ý thức bằng cách tưởng  tượng một “cái tôi” làm chủ cho rằng cái này đẹp thì ưa thích, cái kia xấu nên ghét bỏ. Sự nhầm lẩn của tâm thức tạo nên tấm màn che khuất ta không nhìn rõ thực tại khiến không hiểu rõ được bản chất của vạn hữu và bị lôi kéo vào ảo ảnh do phóng chiếu của tâm thức.  Tâm thức chính là cái sân khấu của vô số những trải nghiệm về tình cảm và nhận thức.

Chúng ta đã quá quen việc gắn cái tôi vào dòng chảy tâm thức đến một mức độ quá sâu sắc đồng hóa mình vào cái tôi đó: tư tưởng của tôi, bạn bè của tôi, thân thể của tôi… và kinh nghiệm sống không khác gì hơn là nội dung của dòng chảy tâm thức của ý thức và ngỡ rằng có một cái ngả xuất hiện như một thực thể riêng biệt trong dòng chảy đó.

Trên nền tảng này chúng ta đã nhìn nhận thế giới qua cái vọng tưởng của mình và liên tục bất hòa với bản chất chân thực của nó nên thấy đau khổ. Đạo Phật nhìn trên tổng quát là giải phóng chúng ta rời khỏi những nhân tố cơ bản đưa tới khổ đau và chỉ ra đó là dục vọng (tham), sân hận, ngu si (làm sai lệch cái nhìn về thực tại) và ba độc tố này phô diễn qua 84.000 cảm xúc tiêu cực, con số nói lên tính phức tạp của tâm thức mà sự chuyển hóa phải có nhiều cách cho phù hợp. Vì lẽ đó, các kinh điển có nói đến 84.000 cánh cửa mở ra để chuyển hóa nội tâm.

Bằng cách nào đi nữa thì ta cũng xuất phát từ sự nhận dạng nó và thấy rằng nó chỉ là một gợn sóng trên dòng chảy của tâm thức. Các ý niệm chỉ là sản phẩm của một tổ hợp thoáng qua của nhiều yếu tố và hoản cảnh khác nhau, tự nó không tồn tại. Vì vậy, khi một ý niệm vừa khởi lên ta hãy nhận ra bản chất trống rổng của nó mà đạo Phật gọi bằng thuật ngữ “tính không”, vì lúc đó ta giữ được bản tính thanh tịnh và trong sáng của tâm. Hầu hết, không phải những sự kiện ngoại cảnh mà chính là những cảm xúc tiêu cực khiến ta không giữ được tâm thanh tịnh và bị suy sụp. Hạnh phúc bị cuốn đi một khi nguồn tâm lực không đủ mạnh để duy trì một số yếu tố cơ bản của trạng thái an lạc. Chẳng hạn hiểu biết về bản chất phù du của vạn vật, về đời người quá ngắn ngủi và không “có cái chết đầu tiên” hay “cái chết sau cùng” (TCS).

Trên phương diện thực tại tuyệt đối, cả hạnh phúc lẩn khổ đau đều không thật có, chúng thuộc về thực tại tương đối do tâm thức tạo dựng ngày nào còn bị vô minh che phủ. Bản chất tối hậu của vạn vật như những áng mây, tụ rồi lại tan trong không gian trống rổng, vọng niệm rồi cũng như vậy, khởi lên trong một giây lát rồi biến đi trong trạng thái rổng không của tâm thức. Chẳng có gì thật sự đã xảy ra.

Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông

Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông

                                                          (TCS)

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle