Chúng
ta ai cũng biết lo xa và chuẩn bị cho ngày mai.
Trước khi đi đâu, ta thường xem những dự báo thời tiết để biết
mình cần nên sửa soạn như thế nào. Trong cuộc sống cũng vậy, ta muốn đoán trước được những gì có thể
xảy ra để mình hành xử cho thích ứng.
Một người bạn thân kể nhiều
năm trước chị có lần bị trộm vào nhà lục tung hết đồ
đạc, tuy không mất gì quý giá, nhưng sau lần đó chị gắn trong nhà một hệ thống
báo động (alarm system). Trước khi ra khỏi nhà, hay mỗi
đêm trước khi đi ngủ, chị mở hệ thống báo động lên để bảo vệ hết những lối ra
vào. Chị kể, có những đêm khuya thức dậy, nhìn ánh đèn nhỏ tí của
hệ thống vẫn sáng, không gian yên lặng, chung quanh mọi
người đều ngủ yên, chị cảm thấy mình rất có an ninh. Nhưng chị chợt nghĩ
đến trong cuộc sống thì dầu mình có dự đoán và chuẩn bị đến đâu,
đời sống bao giờ cũng có những đổi thay bất ngờ mà không ai có thể bảo vệ cho ta
được, như là tuổi già, tai
nạn, bệnh tật… Chúng đến tuy rất thầm lặng nhưng xảy ra lại
rất bất ngờ, chỉ trong phút chốc. Chị nói, ánh đèn
leo lét bé tí kia cũng chỉ là một ảo tưởng mà thôi.
Tôi
nghĩ, trong cuộc sống có lẽ ta cũng không cần phải đoán biết được ngày mai, vì
đó cũng là một chuyện không tưởng.
Đôi khi ta chỉ cần tập tiếp xúc với những gì xảy ra trong giờ
phút hiện tại cho thật trọn vẹn mà thôi, và nhờ vậy mà mình lại thật sự có được
nhiều hạnh phúc hơn. Tôi có đọc được một bài viết
này của anh Pico Iyer. Anh là một nhà văn đã du hành khắp
nơi, và thường viết về đời sống ở các tu viện Phật giáo xa xôi khắp nơi trên thế
giới. Có người gọi đùa anh là "Thomas Merton on a frequent flier pass." Anh chia sẻ như sau.
Đừng xem những dự báo thời tiết
"Tôi
đã học được là không bao giờ đọc những đoạn toát yếu in ngoài bìa những quyển
sách mà tôi cầm lên. Tôi
không đọc những bài điểm sách hoặc phê bình cho đến khi nào tôi đã đọc xong
quyển sách, hay xem xong truyện phim ấy. Không phải là tôi không
tin những gì người ta viết, nhưng tôi không tin là tâm ý mình có thể sử dụng
những dữ kiện ấy cho có ích lợi. Tôi khám phá ra rằng, tâm ý ta rất là tài giỏi trong việc biến một vấn
đề thật đơn sơ và rõ ràng thành ra một cái gì phức tạp và rắc rối.
Nó có thể lấy một chi tiết nhỏ nhặt nhất và dựng lên thành một tấn tuồng hoặc là
một thế giới tưởng tượng đầy màu sắc.
Tôi không muốn nghe kể về cuộc đời của cô Anne Frank trước khi
gặp cô, vì nếu không thì tôi sẽ chỉ gặp một hình ảnh chủ quan của một người khác
về cô ta, thay vì là cái thực tại đầy mới lạ và kỳ diệu của chính Anne Frank.
Người
Phật tử nào cũng biết được điều đó, tôi nghĩ vậy, nhưng cũng phải mất một thời
gian dài tôi mới học được bài học ấy.
Nhiều năm trước đây, tôi có rủ một người bạn lâu năm về một Tu
Viện rất tuyệt vời mà tôi tìm được, nơi ấy rất thích hợp với một cuộc sống ẩn
dật và tĩnh tâm. Tôi kể với người bạn mình, "Khi
anh bước chân về đến đó rồi thì tất cả những suy nghĩ về quá khứ và tương lai sẽ
rơi rụng hết. Anh sẽ hoàn toàn có mặt trong giây
phút hiện tại, và sống giữa một vùng đại dương của sóng nước và các vì tinh tú.
Anh sẽ cảm thấy mình tan biến đi và trở thành rộng lớn, mênh mông như vũ trụ
chung quanh mình. Và nơi ấy không có muộn phiền,
không có lo nghĩ, vì dường như là có một cái gì đó thanh lọc hết những điều bất
tịnh trong ta."
Và lẽ
dĩ nhiên là người bạn rất phấn khởi vì những lời diễn tả của tôi, anh rất muốn
về thử nơi ấy.
Anh gọi ghi danh trước mấy tháng, và chọn cùng thời gian mà
tôi cũng sẽ về nơi đó. Tôi về đến Tu Viện trước anh, mỗi sáng thức
dậy giữa sự thinh lặng, và chờ đợi người bạn đến, tôi đã nhìn mọi vật với đôi
mắt của anh ta. Tôi cầu nguyện - mặc dù tôi ít khi nào
cầu nguyện - cho những ngày ở đây trời sẽ luôn được trong xanh và thời tiết ấm
áp hơn. Tôi lo lắng - mặc dù nơi này ta không thể nào lo
âu được - rằng nó sẽ bị ồn ào hơn bình thường, hoặc là một vị Thầy nào đó không
dễ thương sẽ đứng bán hàng trong tiệm sách... Tôi lo rằng con đường lên
đây sẽ bị đóng, hoặc là sẽ có những nhóm học sinh ồn ào ghé sang thăm.
Tôi bắt đầu sợ rằng nơi này sẽ không giống với một nơi mà
người bạn đã tưởng tượng qua sự diễn tả của tôi.
Và ngày này sang ngày khác,
ngay trong một sự tĩnh lặng ngời sáng, tôi đã tự đẩy mình ra khỏi cái không gian
nhiệm mầu ấy, bằng cách sống trong sự tưởng tượng
của tôi về những phản ứng của người bạn, thay vì là có mặt ngay trong giây phút
hiện tại này. Tôi làm hư hao cõi cực lạc của tôi, trong khi cứ lo sợ rằng nó sẽ
không phải là của anh ta. Và lẽ dĩ nhiên, sự đời bao giờ cũng vậy,
vào những ngày cuối của tôi sau 2 tuần ở nơi ấy, người bạn gọi lên và hủy bỏ
chuyến đi của anh. Và tôi chợt hiểu rằng, những diễn tả của tôi về nơi ấy không hề làm
người bạn cảm thấy sự tĩnh lặng của anh bớt đi chút nào, hay có gì là thiếu thốn
(vì anh đã không bao giờ lên tu viện), nhưng nó lại đã làm cho tôi mất mát khá
nhiều.
Đó
chỉ là một ví dụ nhỏ, nhưng qua những điều nhỏ nhặt ấy mà tôi kinh nghiệm được
những sự dính mắc rất tức cười của mình. Đa số những lần tôi lo âu hay bực mình về một buổi hẹn nào
đó, thì người ta lại hủy bỏ nó. Đa số khi tôi lo sợ về
một việc gì sắp sửa đến thì nó lại không bao giờ xảy ra. Tôi thấy rằng, thật ra tôi không cần phải thay đổi thế giới này, mà
tôi chỉ cần ý thức được ảnh hưởng của tâm ý tôi đối với những gì xảy ra mà thôi.
Tôi không đọc những bản tin
dự báo thời tiết, và tôi cũng ít mở máy tính xách tay (laptop) của mình lên, vì
tôi biết rằng tất cả những bản tin ngắn, kiến thức vụn vặt, trò tiêu khiển,
những xao lãng, những học thuyết vĩ đại, và bao nhiêu là những dữ kiện khác... đang
chờ đợi tôi nơi đó. Chúng không phải là những gì tôi đã mơ tưởng khi mình còn bé, háo hức giở những
trang từ điển bách khoa hay lật từng trang sách thơm.
Ngày nay, đối với tôi thì không-biết-gì
lại là một trạng thái rất hạnh phúc mà tôi biết.
Cho dù ngày mai này trời sẽ ngập tuyết, hay là một bình minh rực rỡ, mỗi giây
phút xảy ra cũng sẽ đều là một sự kiện mới lạ và nhiệm mầu.
Và bạn biết không, không đọc những tiên đoán
thời tiết lại chính thật là một cách chắc chắn nhất để tôi nhận thấy rằng đa số,
mặc dù không phải hết tất cả, những ngày sắp tới đều là những ngày nắng đẹp."
Để Phật thở, để Phật
đi
Trong
cuộc sống, ta không thể nào biết trước được việc gì sẽ xảy ra, mà chỉ có thể có
mặt trong giây phút này và bước tới mà thôi. Có một vị thiền sư dạy là trong
mỗi bước đi, ta hãy đặt hết trọn ý thức vào mỗi bước chân của mình và niệm thầm
“Để Phật thở, để Phật đi. Phật đang thở, Phật đang đi.
Mình được thở, mình được đi.” Mỗi bước
chân, mỗi hơi thở của mình trong giây phút này, ta giao phó trọn vẹn hết cho
Phật. Ta để Phật thở cho ta những hơi thở ý thức, ta nhờ Phật bước
dùm ta những bước chân chánh niệm. Mình thở
với Phật, mình đi với Phật, bài tập ấy hay và kỳ diệu quá phải không bạn?
Tôi cố học
theo bài thực tập ấy, không phải chỉ trong mỗi bước chân, mà là trong mỗi
hoàn cảnh mới. Và những lúc trong cuộc sống, khi mình cảm
thấy mệt mỏi, lo âu, thất vọng, ta cũng có thể tập giao phó hết cho Phật.
Ta hãy để Phật có mặt và sống dùm mình, đau dùm ta, bệnh cho ta..
Bây giờ, mỗi khi đi
đâu xa tôi vẫn sửa soạn trước, tôi vẫn nhớ mang theo
chai dầu và chiếc áo ấm phòng những khi trời trở mưa gió bất ngờ. Nhưng tôi
biết trong cuộc sống có những ngày mà dầu ta có chuẩn bị trước cũng vậy thôi, sẽ
có những lúc mà mình không-biết-gì
hết, và tôi nhớ trở về với hơi thở trong giây phút này để nhờ Phật đi dùm ta,
ngồi cho ta, tiếp xử dùm ta…
Nhưng
vấn đề khó, có lẽ là ta biết phải tìm Phật ở đâu để nhờ Ngài bây giờ đây bạn
nhỉ? Nhớ đến một bài thơ của Sư cô Hạnh
Chiếu,
Đêm
tròn một giấc qua,
Dậy thắp hương thất lá,
Quanh bên làn khói tỏa,
Con thỉnh Phật... uống trà.
Trà
thất một chung pha,
Con, Phật ở chung nhà,
Làm sao tách riêng được?
Thôi mình uống chung nha.
Phật
cười chẳng nói ra,
Con thấm hương đậm đà,
Giờ này ai biết được?
Có con, Phật, chung trà!
Phật
và mình có bao giờ tách riêng ra được đâu mà tìm kiếm, phải không bạn? Thực tập quay trở về trong giây phút hiện tại này mới là khó.
Đừng để ngày mai làm mất hạnh phúc của ngày hôm nay bạn nhé,
vì tôi nghĩ đa số những ngày sắp tới sẽ là những ngày nắng đẹp.
Nguyễn Duy Nhiên