Mặc dù tất cả giáo pháp của
Đức Phật đều có chung một mục đích, nhưng các giáo pháp này lại vô cùng khác
biệt trên phương diện đề tài cũng như sự tu trì. Mỗi quyển
kinh sẽ nhấn mạnh một điểm nào, trên một chiều hướng nào đó. Vì đức Phật rất quan tâm việc làm sao giúp các đệ tử Thanh văn đương
thời của Ngài một cách hữu hiệu nhất, bằng cách ban cho họ những tư liệu mà họ
có thể dùng được và không nhận chìm họ với những dữ kiện dư thừa.
Ngài không hề tìm cách giảng về một đề tài từ đầu đến tận cùng rốt ráo để rồi
không bao giờ trở lại nữa. Ngài thường phân bố các điều giải thích dần
dần trong các bài Pháp, và không ngại nhắc lại nhiều lần các ý niệm quan trọng,
nếu cần thì thêm một sắc thái, một sự soi sáng hay mở bày mới hơn.
Theo cách đó, trong quyển "Kinh Đại thừa nói về các diệu trí
vô thượng lúc cận tử", một lần nữa đức Phật tuyên thuyết về các trạng thái tâm
thức mà chúng ta nên phát khởi lúc gần nhắm mắt lìa đời.
Lần này có năm tâm thức.
Có một số trong năm tâm thức này đã được đề cập trong bản kinh
trước, nhưng lại được phát biểu một cách hơi khác đi, như quý vị sẽ thấy.
Theo thông lệ, trước tiên tôi sẽ truyền dạy kinh này bằng cách đọc lên [toàn văn
kinh] một lần:
"Quy mạng nhất thiết chư
Phật và chư Bồ Tát.
Tôi nghe như vầy, một thời Bạc Già Phạm tại Sắc Cứu Cánh thiên cung, thuyết Pháp
cho đại chúng. Lúc ấy Hư Không Tạng Bồ Tát, vị đại anh hùng, lễ Bạc Già Phạm và
hỏi rằng:
– Bạc Già Phạm, Bồ Tát phải quán như thế nào vào lúc cận tử?
Bạc Già Phạm dạy:
– Hư Không Tạng Bồ Tát, lúc cận tử, Bồ Tát phải quán các diệu trí lúc cận tử.
Thế nào là các diệu trí lúc cận tử?
1) Vì tất cả các pháp bản thể đều thanh tịnh, nên quán tưởng viên mãn nhất là
quán về tánh Không của tất cả các pháp.
2) Vì tất cả các pháp đều có trong tâm Bồ-đề, nên quán tưởng viên mãn nhất là
quán tâm đại bi.
3) Vì tất cả các pháp bản thể là quang minh, nên quán tưởng viên mãn nhất là
quán vô nhất vật trong các pháp.
4) Vì tất cả các pháp đều vô thường, nên quán tưởng viên mãn nhất là quán tâm vô
chấp.
5) Vì tâm là nhân của trí huệ bát-nhã, đừng tìm tánh Phật ở đâu khác.
Bạc Già Phạm lặp lại bằng kệ rằng:
Các Pháp vốn thanh tịnh,
Hãy quán về tánh Không.
Đầy đủ Bồ-đề tâm,
Hãy quán tâm đại bi.
Các pháp vốn quang minh,
Quán pháp vô nhất vật.
Các Pháp vốn vô thường,
Hãy quán tâm vô chấp.
Tâm sinh diệu trí huệ,
Phật tánh tìm đâu xa?
Bạc Già Phạm thuyết Pháp như thế rồi, Bồ Tát Hư Không Tạng và
đại chúng vô cùng hoan hỉ tán thán.
Phật thuyết Kinh Đại thừa nói về các diệu trí vô thượng lúc
cận tử."
Kinh Đại thừa này đã được tuyên thuyết trong điều kiện nào?
Đó là một ngày đức Phật có các vị đệ tử vây quanh, nhất là các
vị Bồ Tát. Một trong các vị Bồ Tát này tên là Hư Không Tạng (Tạng ngữ:
Namkhai Nying Po) đảnh lễ đức Phật và hỏi: Lúc cận tử, các vị Bồ Tát nên quán
như thế nào?
Trong lời giải đáp, đức Phật dùng chữ "diệu trí vô thượng" để
nói về năm trạng thái tâm thức mà Ngài đặc biệt sách tấn.
Chúng ta đã thấy rằng mình không bắt buộc phải áp dụng cả năm. Ngược lại,
mục đích là để có sự lựa chọn và áp dụng vào từng trường hợp riêng, tùy
theo
điều mà người lâm chung có thể hay không thể tư duy: tánh Không, hoặc tâm đại bi
v.v...
1.
Quán tánh Không
Lời dạy rất ngắn
gọn này thật ra nói lên sự không có thực của vạn vật, tức là tánh Không của
chúng. Lúc lâm chung, khởi lên trong tâm trí tuệ
về tánh Không của các pháp là một điều vô cùng lợi ích. Để
giảng rộng lời kinh, "các pháp" nghĩa là các hiện tượng, "bản thể vốn hoàn toàn
thanh tịnh" nghĩa là bản thể của chúng hoàn toàn không có tự tánh hay thực thể.
Vì thế, chúng ta phải quán xét, phải phát triển hiểu biết về sự vắng mặt của tự
tánh [tự tồn] trong tất cả hiện tượng như nói trên.
Tôi nghĩ rằng quý vị nghe câu này có vẻ quen thuộc, vì chúng
ta đã gặp lại niệm tưởng thứ mười trong mười một niệm tưởng đã được nêu rõ trong
quyển kinh đề cập trước đây.
Không cần phải nói, lời khuyến dụ này không phải dành cho bất
cứ ai cũng được.
Người nghe phải từng được học tập trước đó, phải có một hiểu biết căn bản. Nhưng
nếu đã có được sự hiểu biết cần thiết, việc có thể quán xét về tánh Không trong
giờ phút ấy sẽ mang đến một sự lợi ích lớn lao, bởi rất
nhiều lý do. Chúng ta đã đề cập qua, nhưng nhắc lại về khái niệm này cũng không
phải là một sự dư thừa.
Trong Phật giáo, "phàm phu" là người còn ở trong cõi Ta-bà, còn luân hồi trong
các cảnh giới hữu vi quyết định bởi nghiệp và phiền não. Cho
rằng đó là trường hợp của chúng ta, thì nguyên nhân là từ vô thủy chúng ta đã bị
đánh lừa bởi nhận thức sai lầm về cái gì là có. Thế
nhưng, nếu phân tích một cách đúng đắn thì chúng ta có thể nhận ra rằng sự vật
được nhận thức – bất cứ một hiện tượng nào – có thật đấy, nhưng chắc chắn không
phải dưới dạng thức mà nó trình hiện. Đúng vậy, cái hình tướng trình hiện trong tâm trí chúng ta là một sự
kiện được nhận thấy một cách biệt lập với sự vật khác.
Chúng ta có cảm tưởng là nó xuất hiện bằng chính khả năng của nó, không tùy
thuộc vào bất cứ sự kiện nào khác, vào một nhân hay một duyên nào, trong khi sự
thật lại khác hẳn.
Các hiện tượng có là một điều đương nhiên, nhưng chúng luôn
luôn đến từ một nhóm nhân tố, nói giản dị là từ một nhóm nhân duyên. Thế
mà tâm trí ta lại thấy ngược hẳn, và trong khi cảm nhận của chúng ta hoàn toàn
sai lầm, ta lại tin đó là chân thật đến nỗi ta chấp vào sự vật dưới cái hình
tướng chung ấy. Chúng ta tin rằng sự vật tự có, và có một cách độc lập, ta gán
cho chúng một tính cách tuyệt đối. Chính cái thấy sai lầm đó của chúng ta đối
với tất cả các sự hữu đã tạo nên cái vô minh gọi là căn bản, vì vô minh này đã
trói chặt chúng ta vào cõi Ta-bà từ vô thủy cho đến nay.
Cho nên, hiểu theo hướng ngược lại, thấy được sự thật,
nhận thức được sự vắng mặt của tự tánh là rất có ích cho chúng ta. Nhất là nếu quán xét được như thế ngay trước khi chết thì thật là
kịp lúc.
Tốt hơn hết là hãy lấy một thí dụ có ý nghĩa vì gần với ta
nhất, đó là cái "tôi", cái "ta", và cách thức mà chúng ta tự nhận thức về mình.
Suốt ngày chúng ta dùng đến chữ "tôi", chữ "ta": "Tôi làm cái này, tôi làm cái
kia", "tôi đi đến chỗ đó" v.v... Khi chúng ta đang nghĩ như
thế, "ta đến, ta đi" v.v… và khả năng thực hiện điều đó tùy thuộc vào cái cấu
tạo cá nhân chúng ta, nghĩa là vào thân và tâm ta. Ấy vậy mà chúng ta không thấy khía cạnh đó, và ta không hề nghĩ rằng
mọi sự vốn diễn tiến như thế.
Thật ra, thỉnh thoảng chúng ta nên dành một ít thì giờ để quan sát cách ta nhận
thức về chính mình khi nghĩ đến những gì ta làm, điều này khá quan trọng. Khi
chúng ta đang nghĩ đến chương trình "ta sẽ đi đến đó", thì ta hình dung cái "ta"
đó như thế nào? Phải chăng là chúng ta hình dung nó như một cái "tôi" hoàn toàn
độc lập, tự hữu, không tùy thuộc vào bất cứ gì khác, ngay cả thân và tâm của nó?
Phải chăng đó là hình ảnh được thành lập trong trí của chúng ta?
Hình ảnh một cái "tôi" độc lập đối với tất cả, và nhất là đối
với thân và tâm, là cái mà ta gọi là "chấp ngã", biểu trưng của sự vô minh.
Rõ ràng chúng ta hiện hữu như một cá nhân, nhưng để hiện hữu, chúng ta phải có
một thân và một tâm đã chứ! Không biết chúng ta sẽ làm cách
nào để hiện hữu như một cái "tôi" nếu hoàn toàn không kể đến thân tâm và không
tùy thuộc vào chúng?
Ấy vậy mà chúng ta nào có nhận thức sự vật như thế đâu! Thật thế, khi chúng ta
nghĩ "tôi sẽ đi đến chỗ đó", ta nhận thức về cái "tôi" ấy rất giản dị, nếu không
nói là đơn giản hoá quá mức! Chúng ta hài lòng với ý nghĩ "tôi" trong tâm, không
hề đặt nghi vấn, cho đến nỗi không một chút nghi ngờ rằng cái "tôi" ấy không hề
độc lập như mình tưởng!
Để lấy một thí dụ rõ rệt hơn, hãy tưởng tượng là có người công kích hay lăng nhục chúng ta. Thường thì chúng ta
phản ứng như thế nào? Hãy thú nhận rằng chúng ta rất phật ý và cảm thấy có chút gì tức
giận. Vì chúng ta phẫn nộ, có thể chúng ta nảy sinh ý nghĩ: "Nó dám nói
thế với ta! Với chính ta!"
Và cái "ta" ấy có vẻ tự áp đặt lên chúng ta.
Nó hiển hiện như một thực tại, tự hữu, một hiện thể tuồng như độc lập. Chắc chắn không phải trong những lúc như thế mà chúng ta có thể tự
nhận ra rằng cái tự xưng là "ta" tuyệt đối ấy hoàn toàn không hề tuyệt đối.
Phải, chúng ta hiện hữu như một cái "ta", như một "cá thể", nhưng là tùy thuộc
vào thân và tâm của mình. Không có thân và tâm, chúng ta là
cái gì?
Xét trường hợp ngược lại.
Lần này chẳng những người đối diện không công kích ta mà còn đưa ta lên mây: "Tôi
phục ông (hay bà) quá! Ông thật là tài trí vẹn toàn! Ngoài sự hiểu biết uyên
thâm, ông còn tỏ ra thật là tốt đối với người khác! Đã vậy mà còn sang trọng quá!"
Trước những lời tâng bốc như thế, có người vẫn có thể giữ tâm bất động và biết
rõ mình thật sự như thế nào, nhưng phần đông sẽ cảm thấy khoái chí, êm tai. Thay vì nhận thấy đó chỉ là những lời nói làm đẹp lòng,
thường thì họ lại dễ dàng nảy sinh ý nghĩ: "Nghĩ cho cùng, ông ta nói đúng! Ta
đây cũng khá lắm chứ!" Đồng thời, ý niệm chúng ta có về chính mình như là một cá
nhân có thật, rõ ràng hiện hữu bằng chính khả năng của mình. Hắn có đó, hoàn toàn có đó. Chúng ta thấy như vậy và không đi tìm xa hơn.
Một thí dụ khác rất thông thường. Cho
là chúng ta có một ngôi nhà. Nhưng mái nhà bị thủng và
chúng ta phát hiện có nước dột. Là một tay thợ gan dạ, chúng ta quyết định tự sửa lấy.
Vì chỗ dột nằm ngay bên cạnh máng nước, chúng ta bèn mạo hiểm trèo lên gần mé.
Thình lình chân ta trượt trên mái nhà, chúng ta hoảng hồn, sợ điếng người.
Thật ra chúng ta chưa ngã, chỉ bị trượt chân thôi, nhưng lập tức chúng ta hãi
hùng nghĩ rằng "Tôi ngã!" Và dĩ nhiên, cái "tôi" đó rất thật
có đối với chúng ta. Chúng ta thấy đó là một cái gì hoàn toàn tự nó hiện
hữu, chứ không hề nghĩ rằng cái "tôi" ấy, nghĩa là cá nhân của chính ta đây, là
một hiện tượng hoàn toàn tương đối và giả danh. Trong giai đoạn hiện thời, chúng
ta không có khả năng nghĩ như thế!
Khi ở bờ mé của mái nhà hay của một hố thẳm chúng ta hoảng hốt kêu lên "tôi ngã",
hay trước mặt mọi người, sung sướng với những lời tâng bốc quá khích chúng ta tự
bảo "nghĩ cho cùng, ta cũng khá lắm chứ!", cái khái niệm "tôi" hình thành trong
trí chúng ta [theo cách đó] có phải là một sự "chấp thật có" không?
Không, chưa hề. Bề ngoài nó có vẻ như thật một cách
tuyệt đối, nhưng chúng ta chưa nảy sinh tâm chấp trước vốn đi đôi với sự thật
sai lầm ấy. Tuy nhiên, một nhận thức về một sự việc mà tướng trạng
chung có vẻ như hiện hữu độc lập theo lý thuyết lại thường kéo theo một
tâm chấp trước đối với tướng trạng chung ấy. Thế là chúng ta tin rằng cá nhân
thật sự hiện hữu dưới bề ngoài ta nhìn thấy được, hay nói cách khác, đúng như
tướng trạng chung mà họ trình hiện. Vậy thì, sự chấp thật tức là sự tin tưởng
rằng đối tượng được nhận thức – ở đây là cái cá nhân dưới dạng cái "tôi" – tự nó
hiện hữu, không tùy thuộc vào bất cứ gì khác.
Để miêu tả từ đầu đến cuối tiến trình này, trong trường hợp một kẻ phàm phu, thì
người này hình dung bất cứ đối tượng nhận thức nào của mình, và đặc biệt là cái
"tôi", hoàn toàn biệt lập với tất cả mọi nhân duyên. Trên căn bản của những sắc
tướng bên ngoài như thế, họ bèn "chấp" mọi vật dưới dạng ấy: Họ tin chắc rằng
mọi sự vật, và đặc biệt là chính con người của họ, hiện hữu thật sự dưới hình tướng mà họ nhận thấy.
Đó là cái mà Phật giáo gọi là "chấp ngã", hay nói cách khác là "chấp thật".
Sự chấp ngã ban cho đối tượng bị chấp (cái sở chấp) một quyền lực rất lớn, chấp
ngã càng nặng bao nhiêu thì quyền lực càng lớn bấy nhiêu: cái cá nhân có vẻ như
thật có (với nghĩa là biệt lập với mọi nhân duyên) được thành lập như một cái gì
tuyệt đối và có một tầm quan trọng tối cao đối với người chấp ngã (năng chấp).
Khái niệm về "tôi" càng chắc chắn bao nhiêu thì khái niệm về "người khác" cũng
đồng thời chắc chắn và rõ rệt bấy nhiêu. Sự ngăn cách giữa "tôi" và "người
khác" trở nên rất rõ ràng và triệt để, và không hề có một mối tương quan hay một
nhịp cầu nào giữa hai bên.
Kết quả là, một cách rất tự nhiên và không thể tránh được, ta
cảm thấy đắm luyến mãnh liệt đối với cái "tôi" mà ta cho là tối thượng, cùng với
tất cả những gì mà ta nghĩ là đứng về phe ta. Và cũng không tránh được,
điều đó làm khởi sinh ác cảm với "kẻ kia" và những gì dính dấp tới hắn. Từ đó –
sự đắm luyến đối với chính mình cùng những gì thuộc về mình, và ác cảm đối với
kẻ khác lẫn những gì thuộc về họ – nảy sinh tất cả mọi phiền não của tâm thức.
Và mỗi lần các phiền não khởi sinh, dầu là vì đắm trước hay vì ác cảm, chúng sẽ
tác động lên ba bình diện (thân, khẩu và ý) và kéo theo sự tích lũy trong tâm những chủng tử tương đương.
Sau đó, các chủng tử ấy sẽ biến thành nghiệp báo đưa chúng ta đi vào những kiếp
tái sinh mới trong cõi Ta-bà.
Đó là cách phàm phu cứ thế mà xoay vần trong thế giới Ta-bà, do phiền não và
nghiệp thức đưa đẩy đi từ cõi hữu vi này đến cõi tạo
tác khác. Khi ta tự bảo là nên, hay nói cách khác là phải, cấp bách thoát khỏi
cái vòng lẩn quẩn ấy, cái vòng luân hồi vô tận đưa ta đến những kiếp tái sinh
đồng loại ấy, thì chỉ có một cách duy nhất là chấm dứt ngay những yếu tố nuôi
dưỡng nó. Phải trừ diệt vô minh, và chính xác hơn là cái vô minh ngã chấp.
Đó là lý do vì sao trong bản kinh này đức Phật đã nhấn mạnh ngay từ đầu là người
hấp hối mà tư duy được, tức là hiểu được "vạn pháp đều không",
với
nghĩa là chúng không "có" một cách biệt lập và có thật tánh – thì thật là tốt
cho người ấy.
Một người phàm phu chắc chắn có chấp ngã, nhưng điều đó không
có nghĩa là sự chấp ngã lúc nào cũng hiện diện trong tâm thức họ. Điều đó
không phải lúc nào cũng rõ ràng minh bạch. Chỉ trong những
trường hợp như vừa đề cập trên thì nó mới xuất hiện một cách rất rõ nét.
Vậy thì chính những kinh nghiệm hơi tế nhị, tốt hay xấu, khởi động niệm tưởng về
ngã khiến cho sự chấp ngã công khai phát xuất. Nếu
không, dĩ nhiên là sự chấp ngã hiện hữu nơi mỗi người, nhưng rất thường xuyên
một cách tiềm tàng.
Tại sao tư duy về tánh Không, về sự vắng mặt của tự tánh vào
lúc cận tử lại là điều đáng làm và phải lúc?
Vì là phàm phu, nên từ vô thủy chúng ta đã quen chấp ngã, tức
là cái vọng tưởng chấp lấy mọi sự vật và ngay cả chính mình, như những thực thể
tuyệt đối. Lúc giờ chết gần kề, sự chấp ngã trở nên mãnh liệt bội phần.
Nó sẽ nổi lên với một sức mạnh vô song, một là do thói quen cố hữu, hai là vì
cái giờ phút tế nhị đang trải qua. Thế nhưng, sự chấp ngã tăng
cường sẽ củng cố tất cả những gì mà nó phát sinh.
Với thời gian, chúng ta đã chấp trước khá nhiều vào chính
chúng ta và thân tâm của mình.
Trong những giây phút quá đặc biệt này, sự chấp trước tăng lên rất mạnh vì chúng
ta biết rõ rằng mình sẽ không còn ở lâu trong cõi đời này nữa.
Thân xác chúng ta sẽ không còn nữa. Chúng ta sẽ phải bỏ
nó lại phía sau vì nó sẽ bị tiêu diệt, tan biến. Một
người phàm phu, trong viễn cảnh ấy gần như không thể nào không bị chìm đắm trong
một sự chấp trước vào thân thể của mình mãnh liệt hơn lúc trước rất nhiều.
Càng thấy mình sắp mất nó, mình càng bám chặt vào nó.
Sự khát ái và tham luyến đối với thân thể sẽ làm cho một chủng
tử nghiệp trở nên thành thục, đó là nghiệp đưa ta đi tái sinh, vì chính nghiệp
này sẽ phóng ta vào một kiếp sống mới trong cõi Ta-bà.
Một người lâm chung sẽ ở trong trạng thái tâm thức nào?
Họ thường tự nhủ: "Ta sẽ biến mất! Ta sẽ bị tiêu diệt!" Thật
ra, cái sẽ biến mất là thân xác của họ, nhưng họ lại không thấy như thế.
Họ sẽ không thể phân tích như thế nếu họ không đã từng miên mật huân tập từ
trước. Phản ứng tự nhiên sẽ là "Tôi đang biến mất" chứ chắc chắn không phải
là "chỉ có thân thể tôi đang bị hủy diệt chứ không phải tôi".
Người lâm chung tự đồng hóa một cách rất tự nhiên với
thân thể, và đó là bởi vì quá chấp chặt vào thân thể của họ.
Sự chấp trước vào thân thể của họ mạnh đến nỗi họ thấy mình với nó là một.
Họ không thể làm khác hơn được. Đó là những phản xạ tự nhiên. Vào cuối đời, sự đắm trước đối với chính họ sẽ bùng lên một cách tự
động, trừ những trường hợp ngoại lệ.
Thật thế, điều gì xảy ra cho những người đã nhờ thiền định mà
trực tiếp hiểu được tánh Không, sự vắng mặt của một cái ngã tự hữu và tuyệt đối?
Những vị đã chứng đắc điều này được gọi là bậc thánh (arya), nhưng các ngài
không có cùng chung một trình độ. Có
nhiều cấp bậc khác nhau. Hai cấp bậc đầu bao gồm các vị
thánh còn phải sinh vào Dục giới, tức là cõi mà chúng ta đang sống.
Thuật ngữ Phật giáo gọi là "nhập lưu" và "nhất lai" (tức là các bậc thánh Thanh
văn chỉ còn mỗi một kiếp tái sinh nơi Dục giới).
Mặc dầu thật chứng được tánh Không, nhưng ngay cả những vị này
cũng còn nảy lên một niệm chấp ngã trong tâm lúc cận tử. Sự khác biệt với
phàm phu – những người chưa chứng được tánh Không – nằm ở chỗ là nhờ ý thức được
sự vắng mặt của tự tánh nơi vạn pháp và nhất là nơi con người, các vị thánh này
không nhượng bộ tâm chấp trước. Trong tâm họ nảy sinh niệm
chấp ngã, nhưng họ không để cho niệm này trói buộc. Họ không bị niệm chấp trước khống chế, vì họ không tin vào nó.
Họ hiểu rất rõ rằng những điều hiện ra trong trí họ toàn là những vọng tưởng
tai
hại, hoàn toàn sai lầm.
Những vị thánh đã đạt đến một trình độ cao hơn, tức là những vị không bao giờ
còn phải tái sinh trong Dục giới, đã vượt qua sự chấp trước cho đến mức, dẫu
trong phút lâm chung, niệm ấy cũng không còn có thể nảy sinh trong tâm họ.
Như vậy, khi chưa đạt đến trình độ cao của quả vị thánh, chắc
chắn là lúc cận tử tâm của chúng ta bị xâm chiếm bởi sự ái luyến bản thân.
Một trong các hậu quả là niệm chấp ngã rất mãnh liệt trong tâm người lâm
chung. Vì thế mà đức Phật đã khuyên rằng, nếu được thì lúc ấy nên tư duy
về tánh Không, và quán "sự vắng mặt" – hiểu theo
nghĩa đen – của mọi hiện tượng, tức là [tính chất] "Không, vô tự tánh" của mọi
hiện tượng, dẫu chỉ trong khoảnh khắc.
Mục đích là để đối trị tâm chấp ngã, chấp trước vào bản thân, và để hạn chế
những tai hại về sau của các tâm ấy.
Diệu Hạnh