Sunthorn
Na-Rangsi
Phật giáo được xem là quốc giáo ở Thái Lan, và sự thăng trầm trong quá trình phát triển của nó gắn
liền với vận mệnh của đất nước này. Mặc dù vương quốc Thái được hình thành ở bán
đảo Đông dương vào năm 1238, thì mối liên hệ của nó với Phật giáo bắt đầu từ thế
kỷ thứ I (TL), khi dân chúng Thái sống ở vương quốc cổ đại Ailao ở Yunnan, với
sự quy ngưỡng Phật giáo của vua Khung Luang Mao. Có thể rằng Phật giáo ở thời kỳ này thuộc về một bộ phái Tiểu thừa (Hinayana).
Khi vương quốc Ailao bị người Trung Quốc xâm chiếm vào năm 255 (TL), người dân
Thái đánh mất nền độc lập của mình; và trong khi đại bộ phận dân chúng vẫn ở lại
quê hương của mình chịu sự cai trị của người Trung Quốc, thì một số đã di chuyển
về phía Nam, và theo thời gian nhiều người trong họ đã di chuyển đến lưu vực
sông Chao Phraya của nước Thái ngày nay.
Cảnh thiên đường trong show diễn Siam Niramít: văn hóa Thái lan
Vào năm 651, người Thái ở Yunnan đã nỗi dậy chống lại Trung Quốc và thiết lập
vương quốc Nanchao; và vương quốc này đã giữ được nền độc lập cho đến khi bị
quân đội của Kublai Khan xâm chiếm vào năm 1253, gây nên một cuộc di dân lớn lần
thứ hai về phía Nam. Tông phái Phật giáo thịnh hành ở vương quốc Nanchao là Đại
thừa, được truyền bá từ Trung Quốc sang dưới triều đại nhà Đường. Biên niên sử
đời Đường chép rằng, “Dân chúng Nanchao có văn hoá cao, kính
tin Phật giáo, và họ tụng đọc kinh với sự kính ngưỡng sâu sắc.” Biên niên sử đời
Tống thì ghi rằng người Nanchao có thể sang Ấn Độ tương đối dễ dàng; rằng trong
mỗi nhà dân đều có bàn thờ Phật, giàu cũng như nghèo; và rằng dân chúng Nanchao,
già cũng như trẻ, luôn đeo sẵn một xâu chuỗi nơi tay để sử dụng cho việc cầu nguyện hàng ngày.
Vào năm 1238, dân Thái khởi nghĩa chống lại Khmer, người đã
cai trị vùng đất mà ngày nay là đất nước Thái, và thành lập vương quốc
Sukhothai. Những người Thái sống ở bán đảo Đông dương nhiều thế hệ hoặc
theo Phật giáo Theravada được người Mon tiếp nhận, hoặc theo Phật giáo
Đại thừa mà người Khmer thực hành.
Công trạng trong việc truyền bá tông phái Phật giáo chiếm ưu
thế ngày nay là thuộc về vua Ramkamhaeng, trị vì từ năm 1297, và là người đã mở
rộng vương quốc Thái. Ấn tượng bởi phong thái điềm tĩnh và kiến thức uyên
bác của các tăng sĩ Srilanka, những người đã đến truyền bá Phật giáo Theravada ở
Nakorn Sridhammaraj (cách Bangkok khoảng 800 km về hướng Nam), ông đã mời một số
vị trong họ thiết lập Phật giáo Theravada ở thủ đô của mình.
Khi biết họ thích sống ở một nơi yên tĩnh, ông đã ra lệnh xây một tòng lâm cho
họ. Vua Ramkamhaeng đã ban tước hiệu Sangharaja (người lãnh đạo tăng đoàn)
cho người đứng đầu phái đoàn truyền giáo. Nhóm này cũng đã
truyền giới cho một số lớn những thanh niên Sukhothai, và Phật giáo Theravada
của bộ tộc Ceylon
như vậy được thiết lập vững chắc ở vương quốc này.
Đây là khởi điểm cho một lịch sử quan hệ tôn giáo lâu dài giữa Srilanka và Thái
Lan. Vào triều đại vua Lithai (1347-1374), một tỳ-kheo người Srilanka,
trưởng lão Sumana, được nhà vua nghênh đón và được mời đến an cư mùa mưa tại một
tinh xá được xây dựng trong vườn xoài. Bản thân vua Lithai
cũng xuất gia trong một thời gian, triều đại vua Thái đầu tiên đã thực hiện điều
này. Điều này có thể là nguồn gốc của tập tục được duy trì cho đến ngày
nay: những thanh thiếu niên thực hành xuất gia trong 3 tháng
an cư. Vua Lithai được tôn vinh là một học giả Phật giáo. Nghiên cứu
Tam tạng Pali, các luận giải, và khoảng 30 tác phẩm Pali khác, ông đã viết một
luận giải có tên là Tebhumikatha (Luận giải về Tam giới), mô tả ba cõi hiện hữu
theo vũ trụ quan Phật giáo và nghiệp dẫn dắt vào các cõi đó.
Sau triều đại này, vương quốc Sukhothai suy tàn mãi cho đến năm 1438 nó bị vương
quốc Ayudhya thôn tính, vương quốc do vua Uthong thành lập vào năm 1350.
Ayudhya thừa hưởng Phật giáo Theravada từ Sukhothai và đời sống tôn giáo ở thời
kỳ này tiếp tục hưng thịnh. Phật giáo tiếp tục đóng vai trò
quốc giáo và là nguồn mạch đạo đức quan trọng của xã hội. Vua Boromkot
(1733-1758) đã đáp lại thâm tình của Srilanka đối với Thái Lan bằng việc gửi
Upali đến tái thiết lập một Tăng đoàn thanh tịnh và hợp luật ở đó, trong việc
đáp lại lời thỉnh cầu của Kittisirirajasiha, vua của Kandy.
Khi Ayudhya bị người Miến đánh phá vào năm 1767, vua Tak Sin, rồi sau đó là một
vị tướng của quân đội Thái, đã giải phóng quê hương trong vòng 7 tháng.
Ông thiết lập Thonburi, đối diện Bangkok
ngày nay, làm thủ đô, và lên ngôi. Mặc dù cố gắng phục hồi Phật giáo trở
lại tình trạng ban đầu của nó và xoá bỏ những thiệt hại chiến tranh, thì sự ngắn
ngủi của triều đại đã không cho phép ông thực hiện được nhiều. Phật giáo đã tìm
lại được sự hưng thịnh và ổn định trước đây của mình vào thời kỳ Bangkok trở thành thủ
đô. Mặc dù phải tiến hành chiến tranh chống quân thù xâm lăng,
vua Rama I, người chọn Bangkok
làm thủ đô, đã dành thời gian xiển dương Phật giáo. Ông bảo
trợ một Hội nghị Phật giáo cho việc san định Tam tạng Pali được viết trên lá cọ.
Nhiều chùa lớn ở Bangkok được xây dựng
theo lệnh của ông; sự nghiên cứu và thực hành Phật giáo được khuyến khích
rông khắp.
Một sự cải cách thực hành giới luật được vị vua kế tiếp là Mongkut thực hiện
trong suốt 27 năm sống đời tăng sĩ của mình, điều đưa đến hình thành nên phái
Dhammayuttika, một bộ phái Phật giáo mới tuân thủ nghiêm ngặt những giới luật
đức Phật chế định. Phật giáo Thái từ đó phân thành hai phái: Dhammayuttika, và
Tăng già truyền thống Mahanikaya - phái mà phần lớn các tăng sĩ tham gia vào. Là
quốc chủ, vua Mongkut, mặc dù là người sáng lập phái Dhammayuttika, đã ủng hộ cả
hai phái mà không có sự thiên vị nào. Người nối ngôi ông, vua
Chulalongkorn (1868-1910), tiếp tục truyền thống ủng hộ Phật giáo của hoàng gia.
Ông đã thành lập hai viện Phật học: Mahamakuta-rajavidyalaya thuộc phái
Dhammayuttika, và Mahachulalongkorn-rajavidyalaya thuộc phái Mahanikaya, mà về
sau phát triển thành hai đại học Phật giáo. Và ông cũng đã
khởi xướng bản in Tam tạng Pali bằng chữ Thái đầu tiên.
Có thể nói rằng nếp sống của người dân Thái không hề tách rời
khỏi Phật giáo từ khi sinh cho đến lúc qua đời. Khi một đứa bé được sinh
ra, cha mẹ mang đến một vị tăng nhờ đặt tên lành cho nó. Những đứa trẻ được dạy
cầu nguyện Tam bảo trước khi đi ngủ, và tỏ lòng tôn kính chư
tăng. Nhiều gia đình Phật tử đã cúng dường thực phẩm cho chư
tăng mỗi sáng - cách thức gieo trong phước lành và thực hiện bổn phận của người
Phật tử tại gia. Khi một chàng trai đến tuổi hai mươi, cha mẹ sẽ sắp xếp cho
chàng ta xuất gia, và chàng ta sẽ sống đời tu sĩ ít nhất trong ba tháng an cư.
Giáo dục công ở Thái Lan trước đây được thiết lập ở các
tự viện mà chúng có mặt tại hầu hết các ngôi làng. Tự viện thực hiện chức năng của trường học phổ thông, cao đẳng và cả
đại học. Phụ huynh muốn con cái mình được giáo dục về kiến thức văn học
hay hướng nghiệp thì đưa chúng đến tự viện, nơi vừa cung cấp chỗ lưu trú lẫn chỗ
học. Giáo dục được miễn phí cho mọi cấp học. Thời gian biểu hàng ngày không được hệ thống, bởi vì nó tuỳ thuộc
vào thời gian rảnh của mỗi vị tăng. Hệ thống giáo dục hiện đại ở Thái
Lan
bắt đầu từ triều đại vua Chulalongkorn.
Vì hầu hết các trường tiểu và trung học đều nằm trong khuông
viên chùa, các tăng sĩ Thái vẫn có trách nhiệm trong việc giáo dục quốc gia.
Ảnh hưởng của Phật giáo vào kiến trúc và nghệ thuật Thái cũng
rất sâu rộng. Kiến trúc chùa viện đã được thúc đẩy không chỉ vì tâm linh mà cũng
vì mong muốn trưng bày một công trình nghệ thuật đến với công chúng và hậu thế.
Những kiến trúc sư và những nghệ sĩ dành nhiều công sức cho các công trình tự
viện, chùa tháp. Như là những nơi chốn thiêng liêng cho mọi hạng người, các tự viện
đống vai trò quan trọng trong việc giữ gìn kiến trúc quốc gia và tác phẩm nghệ
thuật qua lịch sử lâu dài của quốc gia này.
Nguyên Hiệp dịch