Nguyện cầu cho Đại lễ Phật đản PL 2555 trên tinh thần Kinh Pháp Hoa

le pd

Minh Thạnh

Phật đản tại Huế: ảnh   

  

                                                                                                            Lễ khai kinh pháp hoa-Tuần lễ Phật đản tại Huế

 

1)      Khi đối diện trước những mong cầu gì đó, có thể vì đạo pháp, có thể vì việc riêng, người Phật tử Việt Nam thường có tập quán tụng Kinh Pháp Hoa để nhờ vào công đức của việc tụng kinh, mà hy vọng nguyện ước của mình đạt thành hiện thực.

Tôi, với ước vọng về một lễ Phật đản hoan hỷ, quy mô cho tất cả người con Phật và những người yêu đạo Phật, cũng như tất cả chúng sinh, nên dịp này cũng tìm đọc lại Kinh Pháp Hoa, một trong những bộ kinh gần gũi hàng đầu của người Phật tử Việt Nam, để tìm ở đó những tư tưởng, những nội dung, mà có thể lấy làm cứu cánh, làm niềm hy vọng.

2)      Điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ, theo cách nghĩ chủ quan của mình, là tinh thần đầu tiên mà chúng ta có thể tiếp nhận ở Kinh Pháp Hoa là tinh thần của một pháp hội hoành tráng, vĩ đại, pháp hội của số đông, pháp hội vì số đông, vì mọi người con Phật.

Với hoàn cảnh riêng của gia đình, lớn lên, tôi được tiếp xúc trước tiên với những bộ Kinh Nikaya, do hòa thượng Thích Minh Châu phiên dịch, Tu thư Đại học Vạn Hạnh xuất bản, cũng như một số Kinh A Hàm lược dịch, rút ngắn.

Chúng ta điều biết, phần lớn những hoàn cảnh, mà chúng ta có thể tạm gọi là “pháp hội” mà Phật thuyết những bài kinh Nikaya, là những pháp hội rất nhỏ. Đôi khi chỉ là việc hỏi và trả lời giữa Đức Phật và số ít các vị Tỷ Kheo.

Quen thuộc với những “pháp hội” nhỏ như thế, vì vậy khi có duyên lành được đọc Kinh Pháp Hoa, ở Phẩm Tựa thứ nhất, tôi vô cùng bất ngờ trước sự vĩ đại, hoành tráng với một số đông chúng dự hội đông đảo chưa từng thấy, từ số lượng chúng sinh đến thành phần tham dự gồm các bậc hữu học và vô học, các vị Bồ Tát, các vị Thiên tử, Phạm Thiên, Long Vương, Càn Thát Bà… nhơn và phi nhơn.

Trên tinh thần mở đầu của bộ kinh, nghĩ về lễ Phật đản đang được tổ chức, chúng tôi thấy có nhiều điều phải bàn luận.

Lễ Phật đản tập trung là dịp những người con Phật tụ họp về trùng tụng lời kinh Khánh Đản, là một dạng pháp hội bày tỏ sự kính ngưỡng đối với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thiết tưởng nếu từ tinh thần của Kinh Pháp Hoa, được tổ chức dưới ánh sáng của Kinh Pháp Hoa, phải là một pháp hội rộng mở, hoành tráng, đông đảo, quy tụ một số lượng người lớn người về dự.

Tinh thần pháp hội như vậy hoàn toàn khác với các pháp hội của Kinh Nikaya, với số lượng tham dự phần lớn rất hạn chế.

Chúng ta chú ý đến địa điểm tổ chức Pháp hội Kinh Pháp Hoa, so sánh với các bộ Kinh Nikaya.

Địa điểm diễn ra điều mà chúng ta có thể tạm gọi là “Pháp hội” ở những bộ Kinh Nikaya thường là nội viện các khu vườn, các tinh xá… Đương nhiên phạm vi rất là nhỏ hẹp.

Địa điểm pháp hội tuyên thuyết Kinh A Di Đà cũng là tinh xá Kỳ Viên (Kỳ thọ cấp Cô Độc Viên), tức là trong phạm vi khuôn viên nơi tu hành.

Trong khi đó, địa điểm được đức Phật chọn để tổ chức Pháp hội Kinh Pháp Hoa là núi Kỳ Xà Quật, là một nơi rộng lớn bên ngoài tự viện. Một địa điểm như thế thì mới đáp ứng sự tụ họp nghe pháp của hàng vạn, hàng vạn “nhân và phi nhân”, đủ các thành phần, từ chúng đại tỳ kheo “một vạn hai ngàn người câu hội” cho đến chư vị thiên tử “tám vạn người câu hội” (Kinh Pháp Hoa, Phẩm Tựa)…

Nếu chúng ta làm một bài toán cộng hết tổng số tổng số cá thể “nhân và phi nhân” tham dự Kinh Pháp Hoa, thì đó có thể là một con số vào hàng kỷ lục trong quá trình thuyết pháp của đức Phật.

Tuy nhiên, chúng ta không sa vào tiểu tiết, mà chỉ lãnh hội tinh thần chung của Kinh Pháp Hoa.

Pháp hội của những sự kiện trọng đại là những pháp hội quy mô, rộng lớn, hoành tráng, đông đảo, đủ mọi thành phần…

Trong bối cảnh tu học Kinh Pháp Hoa hướng về Đại lễ Phật Đản, tất nhiên, tất cả những người con Phật tư duy trên tinh thần của Kinh Pháp Hoa, không thể là gì khác hơn là hướng về một Pháp hội ở một địa điểm rộng lớn, được tổ chức quy mô, mở rộng cho tất cả nhân sinh và chúng sinh có nguyện vọng muốn tham dự.

Trong tư duy đó, việc tổ chức Pháp hội Phật đản đi ngược lại bởi tinh thần mở đầu Kinh Pháp Hoa đương nhiên sẽ là một điều khó hiểu.

1)      Một trong những tư tưởng lớn của bộ Kinh Pháp Hoa là tư tưởng “lắng nghe”, tư tưởng của “Quán thế Âm Bồ Tát”, thể hiện trong Phẩm Phổ Môn.

“Quán Thế Âm”, theo tinh thần Phẩm Phổ Môn là lưu tâm, lắng nghe nguyện vọng của mọi người, trong đó trước hết là những người con Phật.

Trong bối cảnh đọc lại Kinh Pháp Hoa để cầu nguyện cho một ngày lễ Phật đản đại chúng đông đảo, hoan hỷ cho số đông, thì trên tinh thần “lắng nghe” của Kinh Pháp Hoa, tất nhiên tất cả mọi người chúng ta đều hi vọng hạnh nguyện “lắng nghe” ở các bậc tôn đức trưởng thượng, đặc biệt là các vị lấy Kinh Pháp Hoa làm nền tảng tu tập.

Đương nhiên, không thể có việc tu tập Kinh Pháp Hoa mà không có hạnh nguyện “lắng nghe” nguyện vọng của chúng sinh, trước hết là nguyện vọng của tăng ni Phật tử về một lễ Phật Đản quy mô, xứng tầm đại chúng, tạo cơ duyên cho đông đảo mọi người con Phật và người yêu đạo Phật tham dự.

Phật tử chúng ta kỳ vọng tin tưởng, vào tinh thần lắng nghe đó từ Kinh Pháp Hoa như đã nói, từ chư vị tôn đức trưởng thượng lấy Kinh Pháp Hoa làm căn bản tu tập

2)      Tầm vóc tư tường của Kinh Pháp Hoa cũng là nền tảng chính của quan điểm Đạo Phật toàn dân, Đạo Phật nhân sinh, Đạo Phật cho tất cả mọi người… mà thượng tọa Bảo Nghiêm thường xuyên nhắc đến trong thời gian gần đây.

Trung tâm của tư tưởng nói trên có thể tìm thấy ở Phẩm Dược thảo dụ.

Phẩm Dược thảo dụ  đưa ra hình tượng một trận mưa pháp “Mây đầy, bủa giăng trùm khắp cõi tâm thiên tại thiên” (Phẩm Dược thảo dụ) và đối tượng thụ hưởng của trận mưa là tất cả, không giới hạn “…khắp nơi nhuần thấm, cây cối lùm rừng và các cỏ thuốc hoặc thứ gốc nhỏ, thân nhỏ, nhánh nhỏ, lá nhỏ, hoặc thứ gốc chỉ vừa, thân vừa, nhánh vừa, lá vừa, hoặc có thứ gốc lớn, thân lớn, nhánh lớn, lá lớn” (Phẩm Dược Thảo Du)

Một lần nữa, trong giới hạn tư duy quảng đại, vì lợi ích cho số đông và tất cả  chúng sinh được xác định một cách rõ ràng.

Trên tinh thần đó của Kinh Pháp Hoa, trong bối cảnh cầu nguyện hướng về Đại lễ Phật đản PL 2555, tất nhiên, nguyện vọng của tăng ni Phật tử là một Đại lễ Phật đản không có những giới hạn nào đó, mà sẽ như là một trận mưa “bủa giăng trùm khắp”, đem lại sự khả năng tham dự, pháp lạc, hoan hỷ, ân đức cho một số đông nhân sinh không hạn chế (như tất cả mọi loài dược thảo, theo cách diễn đạt hình tượng của Kinh Pháp Hoa).

Trên đây là một số suy nghĩ, nguyện vọng về việc tổ chức lễ Phật Đản trên tinh thần của Kinh Pháp Hoa đối với một số địa phương, mà việc tổ chức theo những thông tin đầu tiên có thể có những giới  hạn về số lượng người tham dự do việc lựa chọn địa điểm.

Chúng ta tin tưởng một cách chắc chắn rằng công đức nguyện cầu theo tinh thần vô biên, không giới hạn theo tinh thần của Kinh Pháp Hoa sẽ được thành tựu, đặc biệt nhờ vào công đức tu tập Kinh Pháp Hoa của một số bậc lãnh đạo trưởng thượng tôn túc.

Phật tử chúng ta hãy cùng nguyện cầu một sự thành tựu, vượt qua những giới hạn, với câu niệm “Nam mô Diệu pháp liên Hoa Kinh” trong tâm niệm hướng về Đại Lễ Phật đản PL 2555 với bối cảnh có những vấn đề giới hạn như đã nói.

MT

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle