Nguyên
Cẩn
Lời
người viết: Tình cờ trong lúc lần giở lại những trang báo xưa, Bồ-đề Tân
Thanh, số 96 ngày 25 tháng 7, 1953, tôi đọc được bài viết “Ngày Hội Tây với Đạo
Phật” của tác giả Thế Hùng. Trong đó tác giả không chỉ giải thích câu nói của
Phật lúc sinh ra mà còn đề cập đến một vấn đề khá nhạy cảm lúc ấy là “nhân quyền”
khi quê hương còn chìm trong vòng đô hộ, cuộc chiến tranh giành độc lập còn đang
diễn ra… Hôm nay, mạn phép lạm bàn đôi điều quanh bài viết trên.
Ngã tâm hay nhân quyền?
Theo tác giả thì Nhân quyền sinh ra đã
có ngay bởi lẽ nó vốn có trước khi sinh ra.
Thái tử Siddharta gọi nhân quyền ấy là Ngã tâm vì Người đã tuyên bố: “Thiên
thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Thế Hùng cũng giải thích: “Theo chính
nghĩa bộ Phật học đại từ điển và dẫn giải liễu nghĩa kinh Đại Niếtbàn, thì chữ
“Ngã”có nghĩa là “Đại tự tại”. Tức là tuyệt đối tự do có tám quyền hành chủ tể,
muốn làm gì cũng được. (Bát đại tự tại Ngã). Ngã độc
tôn là Đại tự tại ngã, là Ngã pháp thân, là biến nhất thiết xứ (vairocana), là
Ngã chân tâm thường trụ bất diệt… vì “ta sinh ra ta đã có ngay cái Ngã
độc tôn, tất cả mọi người sinh ra đã bình đẳng, đã có ngay cái ngã độc tôn,
chỉ vì mê muội, mà không biết rằng vốn sẵn có trong mình. Phật nói: Tất cả chúng
sinh đều có Phật tính, đều là Phật sẽ thành.”
Tác giả suy từ đấy: “Phật tính của tôi, Phật tính của anh,
Phật tính của chư Phật, Phật tính của các loài chúng sinh đều bình đẳng, to bằng
cả hư không, đều có quyền được sống, được tự do, được độc lập, được mưu cầu hạnh
phúc.” Vậy thì, cái nhân quyền nói u7903 . trong
Bản Tuyên ngôn ngày 4 tháng 7, năm 1776 của Mỹ và ngày 14 tháng 7, năm 1789 của
Pháp, nhân quyền ấy, theo đạo Phật chỉ là cái Ngã độc tôn hay là cái Đại tự tại
ngã của thái tử Siddharta đã tuyên bố, lúc sơ sinh... ta có thể nói nhân quyền
ấy là Ngã quyền (quyền chủ tể của ta) hay là Ngã tâm, ngã tính, tự tâm, tự tính
cũng được. Tác giả cũng đưa ra trường hợp có ai chất vấn sao tôi lại không biết
cái tâm Bồ-đề ấy thì hãy đọc lại kinh Pháp hoa, phẩm Tín giải khi
gã cùng tử kia không sao nhận ra bố mình vì đã xa nhà quá lâu, bỏ cha đi mất chứ
nào phải là không có bố. Hay như gã say không hay mình có ngọc Mani trong
tay áo. Thế nên, con người ta mới trầm luân trong bể đời đau khổ si mê.
Từ đó tác giả suy diễn các dân tộc nhược tiểu không ai biết đến nhân quyền của
mình, hoặc biết mà không giữ được, để cho kẻ khác xâm phạm, chiếm đoạt.
Tác giả nhận xét khá chua xót “Chả thế mà trong lịch sử nhân loại mới chỉ có
hai dân tộc là Pháp và Mỹ có khả năng giữ vững được Nhân quyền gần hai thế kỷ
nay”.
(Thật ra tác giả chưa nghiên cứu hết tình trạng kỳ thị chủng tộc của Mỹ hay tình
trạng người nhập cư ở Pháp, cũng như chưa có điều kiện tìm hiểu các nước Bắc Âu,
vốn tôn trọng nhân quyền hơn cả Mỹ và Pháp).
Chủ nghĩa nhân bản đi
về đâu?
Chủ nghĩa nhân bản phương Tây vốn đề cao nhân quyền và tôn
trọng tự do, bình đẳng trong các cơ hội dành cho con người.
Tuy nhiên, không phải họ đã thực sự thành công trong thực tế và ngay cả trong
khái niệm nhân bản cũng còn nhiều bất cập. Nói theo
Trần Xuân Kiêm trong phần “Khai lộ” cho bản dịch “Thư về Nhân bản chủ nghĩa” của
Martin Heidegger thì: “Chủ nghĩa nhân bản lấy con người (nhân) làm nền tảng
(bản). Muốn thế, chủ nghĩa nhân bản phải lập ước trên một quan niệm về thể tính
tính yếu (Wessen) của con người. Vấn đề nhân bản do đấy là vấn đề thể tính của
con người. Thể tính ấy khi thành tựu viên mãn sẽ làm cho con người là con người
trọn vẹn, con người nhân tính homo humanus, chứ không phải là con người vật tính
homoanimalis hay con người man dã homo barbarus”. Cũng theo Trần Xuân Kiêm thì: “tư tưởng truyền thống từ chủ
nghĩa Hy Lạp hậu thời qua Descartes, Kant, Hegel,… và các triết gia Kitô giáo đã
thất bại trong việc thiết định một chủ nghĩa nhân bản chính thực, vì quan niệm
cốt yếu về thể tính con người hay nhân tính (humanitas) của họ đã dựa trên một
giải thích sai lệch về nhiên giới, về lịch sử, về thế giới, về nền tảng của thế
giới.” Theo Heidegger thì, “Nếu ta hiểu chủ nghĩa nhân bản nói chung là
làm cho con người thành tự do vì nhân tính con người và làm cho con người khám
phá ra phẩm giá của mình, thời chủ nghĩa nhân bản khác biệt nhau tùy quan niệm
ta có về tự do và nhiên tính hay bản tính con người…”
(Heidegger, Thư về Nhân bản chủ nghĩa).
Chúng ta sẽ không sa lầy vào các cuộc tranh cãi nhân quyền
hay nhân bản ấy vì nói như tác giả Thế Hùng vào thời điểm những năm 1950 thì… “Cũng
như bọn xâm lăng tàn nhẫn khéo dùng chính sách ngoại giao quỷ quyệt để lừa bịp
kẻ ngu si bỏ mất Nhân quyền của mình chẳng dám nhận, đem thân làm nô lệ, làm tay
sai, làm bù nhìn cho chúng thủ lợi rồi chúng lại thủ tiêu…” và kết luận: “Nếu
ta nhìn nhận được Tự tính Bồ-đề của ta, tức là nắm vững được quyền Đại tự tại
ngã, được Nhân quyền của ta thì mồi phú quý chẳng mê, uy vũ chẳng khuất phục
được ta, ta chẳng phải là Trượng Phu, là Phật, là người dân của một nước hùng
cường,
thì là gì?”
Bài học nào cho hôm
nay?
Cách đây hơn 55 năm, tác giả đã khéo léo mượn lời Phật dạy
để khẳng định nhân quyền,
trong bản Tuyên Ngôn ngày 4 tháng 7, năm 1776 khẳng định:
“tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu
cầu hạnh phúc, là những điều tôn quý trong mọi quyền tôn quý bất khả nhượng.”
Còn nền Cộng hòa Pháp thì đề cao “Bình đẳng, Tự do, Bác ái.”
(Nhưng không áp dụng đối với nhân dân các thuộc địa?!).
Ngày nay, nhân quyền trên thế giới vẫn có những nơi bị xâm
phạm và thậm chí chà đạp. Ta hãy nhìn sang
Rwanda,
Myanmar
hay một số nước thuộc thế giới thứ ba. Tuy nhiên, quan điểm
Phật giáo vẫn trước sau hơn hai ngàn năm như một.
Hãy nghe đức Đạtlai Lạt-ma phát biểu khi được phỏng vấn về trường hợp đất nước
của Ngài: “… Chúng ta đều là những con người và đều có chung ước vọng bẩm
sinh là xa lánh khổ đau và tìm kiếm hạnh phúc. Hơn thế nữa, con người đều có
quyền được sinh ra để sống hạnh phúc và giải phóng mọi khổ đau.” Do vậy,
Ngài không tán đồng dùng bạo động để giành lấy Nhân quyền dù là cho đất nước Tây
Tạng của mình. “Tôi tin vào bản tánh của con người là thiên lương và từ ái.
Thế nên vì lợi ích của chính chúng ta, phải khuyến khích bản tánh này và tạo cơ
hội cho nó phát triển, nảy nở trong mỗi con người… Trong bất kỳ tình huống nào, một khi bạo động thắng thế, người ta sẽ
không còn kiểm soát được tình cảm. Đây là một điều rất nguy hiểm và nó sẽ dẫn đến những thảm kịch. Đó là những gì đã xảy ra tại
Bosnia
hiện nay. Phương thức bạo động chỉ tạo nên những vấn
nạn mới.”(Dalai Lama- Beyond Dogma)
Vậy là đã rõ, ngã tâm hay nhân quyền luôn
phải được tôn bất kỳ ở đâu và lúc nào, dưới bất kỳ chế độ chính trị nào.
Những vấn nạn xã hội và nguy cơ xung đột sẽ giảm đi rất nhiều nếu người ta biết
tôn trọng quyền sống của con người. Ngay chính trên đất nước chúng ta, hãy nhìn
lại những quyết sách kinh tế xã hội, nếu không xuất phát từ lợi ích căn bản của
nhân dân chắc chắn sẽ thiếu sự đồng thuận và tiềm ẩn sự đổ vỡ từ niềm tin cho
đến bản thân chính sách ấy. Chúng ta đã có nhiều bài học từ những phong trào
“kinh tế mới”, và gần đây là “thu hẹp đất nông nghiệp vì công nghiệp hóa hay vì
“du lịch sinh thái” hoặc vì phong trào mở sân golf. Hãy tôn trọng nhân quyền vì
nó có từ khi con người chưa sinh ra. Phật đã nói từ ngàn xưa “Duy Ngã độc tôn”. Đấy vẫn còn là bài
học cho hôm nay và cho cả mai sau.■