NGUYÊN CẨN
Lời người viết: Sự kiện 17 cơ sở sản xuất
nước tương vi phạm về hàm lượng 3-MCPD đã làm xôn xao dư luận những ngày
qua. Người tiêu dùng hoang mang, các giới chức quản lý lúng túng, doanh nghiệp
rơi vào tình trạng khủng hoảng. Rồi đến việc thị trường tràn ngập hàng Trung
Quốc mà có người kết luận rằng hàng nào cũng độc, cũng hại (!), đặc biệt là đồ
chơi trẻ em. Vì đâu nên nỗi! Tự bao giờ chúng ta đã quên mất đạo đức trong kinh
doanh và làm sao để vực dậy hay đánh thức lương tri những nhà sản xuất?
Ai cũng hiểu chỉ… người mua không hiểu?
ảnh minh họa
Chuyện
này thật ra chẳng có gì mới. Báo cáo khoa học tại Hội
nghị Khoa học kỹ thuật y tế công cộng tháng 10-2006, trong tham luận “Khảo
sát hàm lượng 3-MCPD trong nước chấm bằng phương pháp sắc ký ghép khối
phổ” do cô Nguyễn thị Lan Anh và các cộng sự của Viện Vệ sinh Y tế công cộng
tiến hành đã đưa ra những con số giật mình khi chỉ có 8 trong số 41 mẫu được
kiểm là không phát hiện 3-MCPD, trong đó 5 mẫu là hàng nhập khẩu. Tỷ lệ ghi nhận
là khoảng 80,5%. Một số tham luận khác trong Hội nghị
trên đưa ra những kết quả cũng “rùng rợn” không kém: trong số 90 mẫu chả lụa và
mì sợi tươi được kiểm, có đến 84.2% chả lụa và 53.5% mì sợi có hàn the; trong số
các loại nước uống bán trên đường phố có đến 72% là không đạt tiêu chuẩn vi sinh;
các loại thực phẩm bày bán đều bị nhiễm Coliform và E.coli với tỷ lệ cao, thậm chí có mẫu gấp 40 lần mức cho phép. (Nguồn:
Y học Tp. Hồ Chí Minh số 4. tháng 10, 2006).
Thế nhưng kiến nghị của
những người làm khảo sát và báo cáo chỉ là:
-
tăng cường tuyên truyền giáo dục về tác hại của hàn the và...
- tổ chức các buổi tuyên truyền tác hại của hàn the và… cho phù
hợp với các đối tượng(?)
-
tăng cường kiểm tra, giám sát.
- giới thiệu và cung cấp các chất phụ gia thay thế hàn the và…
Nghịch
lý ở chỗ là theo khảo sát có đến 70% nhà sản xuất biết
hàn the gây tác hại và biết có phụ gia thay thế với giá cao hơn, nhưng do muốn
hạ gíá thành, tăng lợi nhuận nên họ không ngần ngại sử dụng.
Đạo đức kinh doanh?
Khi bước
chân vào lĩnh vực kinh doanh, ai nấy đều tâm niệm, dù có qua trường lớp hay
không, là sớm ổn định mọi hoạt động, gầy dựng tên tuổi để có thể gặt hái thành
công và lợi nhuận một cách vững bền và tạo đà phát triển. Để tạo uy tín không gì bằng con đường chất lượng
và sự phục vụ tận tình đối với khách hàng.
Ta đọc trong giáo trình
rằng:
“Đạo
đức kinh doanh gồm những nguyên tắc và những chuẩn mực có tác dụng hướng dẫn
hành vi trong mối quan hệ kinh doanh, chúng được những người hữu quan (nhà đầu
tư, khách hàng, nhà quản lý, đại diện cơ quan pháp luật…) sử dụng để phán xét
một hành động là đúng hay sai, hợp đạo đức hay vô đạo đức” (Giáo trình của trường Đại
học KT Quốc dân).
Người ta thường hay lẫn lộn
khi sử dụng cụm từ đạo đức kinh doanh với trách nhiệm xã hội.
Thật ra, “trách nhiệm xã hội là những nghĩa vụ một doanh nghiệp hay cá nhân
phải thực hiện đối với xã hội nhằm đạt được những tác động tích cực nhiều nhất
và giảm tối thiểu các tác động tiêu cực đối với xã hội.”
(Sách đã dẫn).
Trách
nhiệm xã hội có thể được coi là cam kết của doanh nghiệp hay cá nhân đối với xã
hội; trong khi đạo đức kinh doanh đề cập đến những qui tắc ứng xử, những chuẩn
mực hướng dẫn hành vi
trong kinh doanh.
Về căn bản, trách nhiệm xã
hội bao gồm những nghĩa vụ về kinh tế, pháp lý, đạo đức và nhân văn.
Những nhà sản xuất đang
được nêu tên trên báo chỉ là một nhóm nhỏ đại diện cho hàng trăm hàng ngàn những
cơ sở chưa hoặc sẽ được kiểm tra mà chắc chắn ngoài nghĩa vụ kinh tế ra, các
nghĩa vụ còn lại đều chưa được chu toàn. Họ đã không tuân thủ những qui định về
pháp lý đối với các tổ chức hữu quan, họ đã coi thường tính mạng và hậu quả gây
ra cho những người sử dụng sản phẩm của mình, và họ không hướng đến sự tốt đẹp
cho xã hội, dù vô tình hay hữu ý.
Đức trị hay pháp trị?
Tư
tưởng đức trị
Khổng Tử nghĩ gì khi con
cháu ông giờ đây đang nhanh chóng đánh mất uy tín thương hiệu truyền thống của
mình khi sản xuất những mặt hàng mà khi nghe xuất xứ từ Trung Quốc người ta đã
nghĩ đến loại “hàng thứ cấp” (second-class). Đơn cử như mặt hàng đồ chơi trẻ em mà hàng loạt
bài viết trên báo gần đây đã đánh giá là: “cực rẻ và cực độc”, độc ở nguy cơ
chứa virus gây bệnh, thậm chí là ung thư; độc ở tính chất bạo lực, gây sát
thương, hoặc gieo vào tâm hồn trẻ thơ những tâm thức hung hãn, như những loại
súng bắn máu, mặt nạ đầu lâu…
Ngày xưa, Khổng Tử phân
biệt rõ ràng giữa Nhân (đạo lý) và Lợi (lợi ích) “Người quân tử hiểu rõ về
Nghĩa, kẻ tiểu nhân hiểu rõ về Lợi”. “Giàu sang là điều ai cũng muốn, nhưng nếu
được giàu sang mà trái đạo lý thì người quân tử không thèm; nghèo hèn là điều ai
cũng ghét nhưng nếu sự nghèo hèn mà không trái đạo lý thì người quân tử không
bỏ.” Tư tưởng đức trị của Khổng Tử gần với thuyết Y của Mc.Gregor.
Tư
tưởng pháp trị
Ngược với Khổng Tử, Hàn Phi
Tử chú trọng pháp trị, nhấn mạnh đến mặt “ác” và coi hình phạt là cách hữu hiệu
nhất để trấn áp và xây dựng một nhà nước pháp quyền. Ông không tin rằng phải vun
trồng tính thiện nơi con người. Ví như không thể nói rằng ông đóng xe vì lòng nhân mà mong người ta mua xe cho có tiện nghi, còn
anh thợ đóng hòm mong cho có nhiều người chết là ác. Theo ông,
người ta thường giải quyết mâu thuẫn về lợi
trước danh dự và uy tín. Thế nên nếu áp dụng tư tưởng của ông, ta tin
rằng những kẻ đi chệch luật pháp ắt sẽ bị trừng trị thích đáng
theo quan điểm cai trị đất nước trên ba phương cách: thế (quyền lực) pháp
(công cụ luật pháp) và thuật (cách thức sử dụng). Quan điểm ấy
rất gần với thuyết vị lợi (utilitarianism) trong triết lý kinh doanh phương Tây
ngày nay. (Đừng hiểu lầm vị lợi với vị kỷ (egoism) vì chủ nghĩa vị lợi
hoạt động theo phương châm “mang lại tổng lợi ích
hay nhiều điều tốt nhất cho một số lượng người lớn nhất”, hay nói
cách khác là phong cách WIN-WIN. (Một ví dụ như công ty Pepsi Cola có thời gian đã đưa ra khẩu hiệu
“Uống Pepsi ủng hộ bóng đá Việt Nam” với mỗi lon được quy ra vài chục đồng cho
đội tuyển).
Tư
tưởng tâm trị
Còn theo
quan điểm nhà Phật, như đã viết trong một bài báo gần đây về doanh nhân và tam
đức.
Trong đó đoạn đức là phẩm chất đầu tiên mà doanh nhân hay
doanh nghiệp cần có vì “Một tâm thức nhiễm ô sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm
trọng.” Lúc ấy cách sinh kế của người ấy hay doanh nghiệp ấy không
còn là chánh mạng. Một khi chạy theo lợi nhuận, con người nhắm mắt trước những khổ đau gây ra
cho đồng loại và bất chấp những hậu quả mai sau. Khi người ta
không còn giữ được chánh tư duy, thì mong chi tạo thành chánh nghiệp. Dù
rằng giờ đây các cơ quan chức trách đã vào cuộc, tổn hại cho các doanh nghiệp đã
sản xuất những sản phẩm ấy sẽ là rất lớn, thậm chí phá sản nhưng còn những người
tiêu dùng đã sử dụng bấy lâu và nỗi lo về bệnh tật còn đấy, nặng nề và ám ảnh
với bao nhiêu loại thực phẩm khác chưa bị nêu lên báo (?). Trái tim các nhà sản xuất không ngủ yên vì:
“Không phải bay lên trời cao, lặn xuống biển sâu, hay chui vào hang núi mà ta có
thể tìm được nơi nào trên thế giới này để lẩn tránh quả dữ của Nghiệp xấu.” (Kinh Pháp cú-127).
Trái tim
của ai trong chúng ta có thể ngủ yên trước những hiểm họa chực chờ trong mâm cơm
trưa nay, bữa tiệc tối nay… và rồi thế hệ mai sau… với những bệnh viện ngày đêm
chen chúc…??? Ngần ấy câu hỏi liệu có làm lương tâm những đối tượng hữu quan –
những công chức quản lý, những nhà sản xuất,
băn khoăn với những động cơ thiếu trong sáng, mục đích
dường như chỉ được lợi cá nhân trước mắt mà hậu quả lâu dài là giết lần mòn cả
xã hội đang tiêu thụ. Họ có nghĩ đến thế hệ con cháu họ cũng sẽ phải gánh lấy
tác hại vì chúng cũng phải tiêu thụ bao nhiêu là mặt hàng thứ cấp hôm nay… Hàng chuỗi những câu hỏi ấy chính là algorithm đạo đức giúp họ
xác định hành vi của mình trong hoàn cảnh hiện nay.
Gấp bản báo cáo khoa học
lạnh lùng lại, trái tim
ta vẫn chẳng thể nào yên.
“Phước
và tội mà con người tạo ra là những gì con người làm chủ, những gì đưa con người
đi, từ nơi này… Là những gì bén gót chạy theo con người
như bóng theo hình.
Vậy, từ đây con người hãy tích trữ cái tốt để đem đi nơi khác, trong
tương lai. Hãy tạo một nền tảng vững chắc cho thế gian ngày
mai.” (Lời Phật dạy -
Trích trong Kindred Sayings).