TUỆ CHƯƠNG
Từ ngàn xưa, người Việt Nam
tin trời, Phật.
Từ ngàn xưa là từ
lúc nào, do đâu có sự
xuất hiện của trời và Phật.
Người Việt theo tam giáo đồng nguyên (Nho, Phật, Lão), nhưng không phải từ khi người
Tàu qua đô hộ nước ta, truyền bá tam giáo,
người
Việt mới tin vào trời, Phật.
Ông trời
trong đạo Nho và ông
trời trong tín ngưỡng tổ tiên người
Việt có nhiều điểm rất giống nhau, nhưng không phải ông trời của người Việt do từ ông trời
trong đạo
Nho mà ra.
Thoạt kỳ thủy,
ông trời Việt Nam
không có máu lai Tàu.
Ông là
người
Việt trăm phần trăm.
ảnh: "Thần Mặt Trời"
Ai ai cũng công
nhận hai điều: Thứ nhất, trống đồng của người Việt xuất hiện trước ba thời kỳ Bắc thuộc (tính chung cả
ba thời kỳ là hơn
một ngàn năm, từ năm 111 trước Tây lịch đến 939 sau TL) và thứ hai,
những hình vẽ trên trống
đồng chứng
tỏ cho thấy ít ra,
từ khi có trống đồng, người
Việt đã biết thờ trời.
Trên mặt trống đồng Ngọc Lũ chẳng hạn, có hình
Chim Lạc, Nhà Sàn, Hươu
Nai, Thuyền là những hình vẽ nói
về đời sống người Việt thời kỳ đó: Săn bắn, đánh cá, ở nhà sàn. Những
hình Chim Lạc, Nhà Sàn, Thuyền nầy nằm chung quanh,
giữa là mặt trời. Như vậy, mặt trời là Trung
tâm, cũng có nghĩa là
nguồn gốc của sự sống, là Trung tâm sự
sinh hoạt của con người.
Ý niệm về trời, hoặc có thể nói
dân gian biết thờ trời là có
từ thời kỳ đó; nó cũng có
nghĩa là người Việt biết về trời, có ý niệm về trời, về sự sống, về sự sáng tạo, phát sinh, sự
phát triển, nảy nở là đã có
từ trước khi người Tàu qua đô hộ người Việt Nam.
Tuy nhiên, có thể
sau khi
người
Tàu qua đô hộ, họ đem cái văn
hóa Tàu
mà
truyền thụ sang
ta thì
quan
niệm về trời của ta có thể
có lai
giống
ít nhiều với ông trời
của Tàu.
Nhìn chung, ông trời
là tạo hóa, người Trung Hoa còn
gọi là hóa công, có
nghĩa là trời sinh ra muôn loài
muôn vật, ban cho con người cái nầy, con vật kia cái
kia, mỗi con người, mỗi loài vật có những cái đặc tính của nó. Cái đó,
người Việt
gọi là trời sinh, có nghĩa là
trời sinh con người, con vật tự nó có
được cái trời cho như vậy.
Ví dụ:
Con mèo, con chó có lông
Ống tre có mắt, nồi đồng có quai.
Có người nói: Mèo, chó có lông, cây tre có mắt là đúng, do
trời sinh. Còn nồi đồng là do con người làm ra. Như vậy, cái quai nồi là cái
sáng chế của con người, đâu phải trời sinh. Cũng có người cải lại: Cái quai nồi
là do người làm ra được là nhờ con người có trí khôn. Trí khôn là do ông trời
cho. Thành ra, cái quai nồi dù con người làm, tựu chung cũng là từ cái trí khôn
của trời cho, đại khái như truyện cổ tích “Trí khôn tao để ở nhà vậy.”
Để rõ hơn, tôi xin kể câu chuyện tiếu lâm như sau:
Một ông nhà giàu nọ, có hai anh con rể. Một anh thì quê
mùa chất phát, học hành cầm chừng, một anh thì học giỏi, khôn ngoan, hay lý
luận, giải thích. Một hôm ông nhà giàu đi dạo mát, gọi hai anh rể đi theo, cũng
nhằm mục đích thử tài hai anh nầy.
Đi một đỗi, thấy có con ngỗng đang kêu. Ông nhà giàu hỏi:
- “Này hai con! Tại sao con ngỗng kêu to thế.”
Anh rể khờ (tạm gọi như thế), không biết trả lời sao. Anh
rể thông (cũng tạm gọi như thế), trả lời:
- “Thưa cha! Sở dĩ con ngỗng kêu to là vì “Trường cảnh tắc
đại thanh”, có nghĩa là vì nó có cái cổ dài nên nó kêu to.”
Ông nhà giàu gật gù khen phải.
Đi một đỗi, lại thấy con vịt đang lội trên hồ, ông nhà
giàu hỏi:
“Này hai con! Tại sao con vịt lại nổi?”
Anh rể khờ chưa biết nói sao thì anh rể thông đã nhanh
nhảu:
- “Thưa cha! “Đa vũ tiểu nhục tắc phù.” Có nghĩa là vì có
lông nhiều, thịt ít nên con vịt nổi.”
Ông nhà giàu gật gù khen giỏi.
Anh rể khờ nảy giờ tức mình lắm rồi, bấy giờ mới nói:
- “Chú nói tầm bậy không! “Trường cảnh tắc đại thanh”. Thế
con ễnh ương cổ có dài đâu mà nó kêu cũng to vậy, chiếc thuyền có nhục có vũ đâu
mà nó cũng nổi. Con ngỗng nó kêu to, chiếc thuyền nó nổi, là
tại trời sinh nó ra như thế, chú không nên bày đặt giải thích
không trúng đâu vào đâu.”
Tại trời sinh nó ra như thế. Đó là quan điểm ông trời là
tạo hóa của người Việt Nam.
Vì ông trời sinh ra, nên ông trời chịu trách nhiệm về sự
sống của muôn loài do trời sinh. Ví dụ như câu tục ngữ: “Trời sinh voi, trời
sinh cỏ”. Nếu ông trời sinh ra con voi thì ông trời phải sinh ra cỏ để voi có
thức ăn. Nói chung trời sinh thức nầy thức kia là để làm lương thực cho con vật
nầy, con vật kia. Trời sinh ra cây lúa là để con người có lương thực. Truyện cổ
tích nói về sự tích con trâu như sau:
Một hôm, ông trời sai một ông thần
trên thiên đình cầm hai nắm hạt, một là giống hạt lúa, hai là giống hạt cỏ. Trời
dặn:
- “Nhà ngươi xuống hạ giới, trước hết là gieo nắm hạt lúa
trước. Sau đó, nhà người sẽ gieo nắm hạt giống cỏ.”
Vị thần nhận lệnh xong ra đi. Vốn đãng trí nên khi xuống
tới hạ giới, thay vì gieo nắm hạt lúa trước, ông ta lại gieo nắm cỏ. Vì vậy, cỏ
mọc trước, tràn lan, không còn chỗ cho lúa mọc. Thiếu gạo ăn, dân gian kêu réo
thấu trời. Trời bèn cho xem lại, biết rằng ông thần thiên đình làm sai lời dặn
nên trời đày ông ta xuống trần làm con trâu ăn cỏ và giúp dân cấy cày làm ruộng.
Hai cái sừng trâu là hai cánh chuồn của mũ quan biến dạng mà thành.
Hồi tôi còn nhỏ, một hôm bàn bạc chơi với bạn về việc ăn
chay. Một người nói:
- “Chúa sinh ra heo bò gà vịt là để cho người làm thịt ăn.
Vì vậy không nên ăn chay.”
Hồi đó, tôi không tin lời bạn, càng ngày càng lớn tuổi, đi
học, đọc sách, v.v… Tôi thấy bạn tôi nói sai. Sau nầy, khi đọc sách bàn về các
nền văn minh trên thế giới, tôi thấy có sự khác biệt về xã hội ăn rau và xã hội
ăn thịt mà tôi đã có bàn một lần. Xã hội Á Đông thiên về trồng trọt nên ăn rau
nhiều hơn ăn thịt, xã hội Tây phương, nhất là vùng Trung Đông, thiên về chăn
nuôi nên ăn thịt nhiều hơn ăn rau. Từ cách sinh hoạt như thế mới nảy sinh những
tư tưởng ăn rau, ăn thịt.
Ông trời sinh ra con người và để cho con người sống được
với nhau, ông trời giữ gìn mọi sự công bằng, hợp lý. Con người ta sống với nhau
được là nhờ có công bằng, hợp lý, lẽ phải. Do đó, tục ngữ có câu: “Không trời
ai ở với ai.” Không có ông trời người ta không thể ở với nhau được. Nó có
nghĩa rằng sở dĩ con người ở với nhau được là nhờ công lý, công bằng; nếu không
có nó, con người sẽ trở thành loài thú dữ, cáu xé, tàn hại lẫn nhau.
Vì trời cầm cân nảy mực, là tượng trưng cho sự công bằng.
Vì vậy, khi con người thấy có điều gì không hợp lý, bất công thì bèn kêu trời:
Trời sao trời ở không cân
Kẻ ăn không hết người lần không ra!
Cũng có khi người ta cho rằng sở dĩ có người nghèo khổ,
đói rách, vất vả, nặng nhọc là vì người ấy có tội, là người ấy bị “trời đày”
(đày ải). Đày còn là nhẹ, người nặng tội hơn thì bị “trời đánh”. Ví dụ như con
Cám và bà mẹ ghẻ độc ác, cuối cùng bị “trời đánh chết” và đày xuống địa ngục
trong truyện “Tấm Cám” vậy.
Người ta có thể thấy vài điểm đồng nhất về trời của Trung
Hoa và người Việt. Người Tàu nói: “Nhất ẩm nhất trác sự giai tiền định” (Việc ăn
việc uống đều do trời định). Tương tự như thế, Nguyễn Du viết trong truyện Kiều:
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Có đâu thiên vị người nào
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.
Thật ra, thuyết tài mệnh tương đố cũng không hẳn là hoàn
toàn quan điểm của người Việt. Nó bắt đầu trong tư tưởng của người Trung Hoa.
Cũng khi tôi còn trẻ, có lần đi nghe
một tu sĩ giảng về thượng đế, ông ta cho rằng người Việt thờ trời, tôn giáo của
ông thờ thượng đế, vậy nên người Việt Nam nên thờ chúa vì chúa cũng là trời.
Ngay từ đó, tôi thấy ông ta nói sai. Sự cách biệt giữa thượng đế hay thánh Allah
của đạo Hồi và việc thờ trời của người Việt khá xa.
Thượng đế hay thánh Allah là độc tôn. Ông trời của người
Việt chúng ta cũng độc tôn vậy. Nhưng thượng đế hay thánh Allah có một sự cách
biệt hẳn với con người. Trước thượng đế con người là nhỏ bé, chỉ quỳ lạy và xin
xỏ. Không có ai, dù là các vị thánh, không thể ngang bằng với thượng đế, với đức
chúa trời. Tất cả quỳ xuống và tôn vinh thượng đế. Trước trời, người Việt Nam
hay con người, thậm chí cả loài vật, không phải quỳ lạy, van xin và có rất nhiều
khi chống lại trời, nếu trời làm điều bất công, làm sai, vì trời là công lý,
tượng trưng cho công lý.
Chúng ta có thể dẫn chứng bằng chuyện cổ tích “Con cóc là
cậu ông trời” chẳng hạn.
Một năm trời hạn khá lâu, dưới trần thế đâu đâu cũng thiếu
nước, muôn loài muôn vật đều kêu than. Một hôm, cóc nói: “Tôi phải lên thiên
đình xin ông trời mưa xuống cho trăm họ được nhờ.”
Thế rồi cóc tìm đường lên trời. Đi một đỗi, cóc gặp bầy
ong. Ong hỏi cóc đi đâu, cóc nói đi kiện trời vì trời không mưa. Ong cũng nói vì
trời không mưa, hoa không nở, ong cũng đói nên cùng đi theo cóc lên kiện trời.
Đi một đoạn gặp chú gà trống. Gà đang há hốc thở vì trời không mưa, thiếu nước.
Biết cóc đi kiện trời không mưa, gà bèn đi theo. Lại đi thêm một đỗi, cóc gặp
con cọp. Cọp đang nằm dài vì đói. Trời không mưa, làm sao thú vật sống được để
có thịt cho cọp ăn. Biết cóc đi kiện trời lâu ngày không mưa, cọp bèn đi
theo.
Tới cổng nhà trời, cóc đánh ba hồi trống. Trời bèn sai
thần ra xem kẻ nào dám làm náo động thiên đình. Thần vừa mở cửa, cóc liền nhảy
vào bên trong, ong, gà, cọp bèn vào theo. Thấy trời cùng quần thần đang ngồi
đánh bài, cóc liền nhảy vào giữa, trách cứ trời sao không ngó xuống nhân gian mà
ham mê cờ bạc. Trời giận cóc sao quá hỗn láo, bèn sai quân lính vào bắt cóc. Cóc
nhảy ra khỏi đám binh lính, rồi gọi ong vào đánh nhau với lính. Bị ong đánh đau,
bọn lính bèn chạy trốn. Trời bèn gọi thần sấm vào nhưng chợt thấy gà trống được
lệnh cóc vào chiến đấu, thần sấm bỏ chạy mất. Bấy giờ trời gọi chó ngao vào để
bắt gà ăn thịt. Gà trống sợ quá, bỏ chạy. Cóc gọi cọp vào tiếp chiến, cọp liền
xé thịt chó ngao. Thấy thua, trời sợ quá bèn gọi cóc vào dàn xếp, hỏi cóc muốn
gì?
Cóc nói:
- “Muôn tâu, đã lâu trời không mưa, hạ giới khô hạn, muôn
loài khốn khổ, xin trời mưa mau.”
Trời liền sai thần mưa xuống trần, mưa liên tiếp ba ngày
khắp nơi lụt lội khốn khổ. Cóc lại kiện trời. Trời bèn thỏa thuận với cóc từ nay
hễ cóc kêu thì trời mưa, cóc kêu to thì mưa nhiều, kêu nhỏ thì mưa ít.
Cóc làm y lời cam kết nên hạ giới mưa
thuận gió hòa, nhà nhà an vui, mùa màng tốt tươi. Do đó, trong dân gian có câu
ca dao:
Con cóc là cậu ông trời
Hễ ai đánh nó thì trời đánh cho.
Trong quan điểm về thượng đế của người Tây phương, thượng
đế là tuyệt đối, không bị phê bình chê trách bao giờ. Người Việt cũng như người
Tàu khác đi, nhiều khi trách cứ ông trời cắc cớ. Ví dụ như trong Cung Oán ngâm
khúc, sau khi trách trời “mà để phận bạc nằm trong má đào” thì lại chê
trách ông trời “Chết đuối người trên cạn mà chơi.” (Chết đuối người trên
cạn, Tàu gọi là lục trầm). Người Việt thì gọi trời là trẻ tạo “Chẳng ngờ trẻ
tạo đành hanh, trách người chi mấy tá” (Quê Người – Tô Hoài-). Trẻ tạo đành
hanh là thành ngữ người Việt thường dùng. Người Tàu gọi trời là hóa công, nhưng
cũng gọi trời là “Hóa nhi”. Về quan điểm nầy có lẽ người Tàu và người Việt đồng
nhất với nhau.
Xem ra, ông trời rất gần gũi với người dân, biết lắng nghe
tiếng người, nghe muôn loài muôn vật, và rất dân chủ, không độc đoán. Người ta
thường vẽ ra một hình ảnh thiên đình, là một triều đình như của vua chúa. Khác
với thượng đế và cũng như các vị vua Á Đông, trời có nhiều vị thần vị quan phụ
tá vì trời không làm hết việc, và cũng khác với thượng đế, lắm khi trời cũng sai
lầm, biết lắng nghe, hối lỗi. Trời cũng có vợ. Vợ trời là bà Tây Vương Mẫu ở núi
Tây Thiên. Trời cũng có con cái. Trời rất thương con nhưng cô nào phạm lỗi sẽ bị
trời phạt, đày xuống dương thế, như bà chúa Liễu Hạnh hay công chúa Tiên Dung
chẳng hạn. Con trai của trời là các vị vua, nên vua được gọi là thiên tử (con
trời).³