Einstein khuyên ta nên học và giữ đạo đức như thế nào

Einstein khuyên ta nên học

 

  • Nguyễn Xuân Xanh
    R
    út từ sách Einstein: Chương X : Con người giải phóng

Đừng lo về những khó khăn về toán của bạn;
tôi có thể  khẳng định với bạn rằng những khó khăn của tôi còn lớn hơn.
1

Einstein, được ví như “bộ óc thế kỷ”,  cho rằng mình không thông minh hơn người thường và rằng thông minh không phải là yếu tố quyết định cho thành công. Mà sự tò mò thiêng liêng (die heilige Neugier) mới là yếu tố quyết định. Einstein đương thời nói: “Tôi không có sự thông minh đặc biệt nào, tôi chỉ tò mò một cách đam mê” và “Quan trọng là người ta không ngừng hỏi”. Chúng ta hãy nghe ông trả lời khi được hỏi vì sao ông đã tìm thấy thuyết tương đối: “Nếu tự hỏi từ đâu tôi đã thiết lập nên lý thuyết tương đối, thì câu trả lời dường như nằm ở điều sau đây: người lớn bình thường hầu như không suy nghĩ về những vấn đề thời gian và không gian. Anh ta nghĩ rằng mình đã làm điều đó từ nhỏ rồi. Tôi ngược lại phát triển chậm về mặt trí tuệ đến nỗi  tôi bắt đầu ngạc nhiên về không gian và thời gian khi tôi đã lớn rồi. Một cách tự nhiên, tôi đã thâm nhập vào toàn bộ vấn đề sâu hơn những đứa trẻ có năng khiếu phát triển bình thường khác. 2  

Ông trả lời người bạn Bucky của gia đình khi ông này hỏi về sự thông minh: “Tôi không thông minh hơn người thường nào. Tôi đơn giản chỉ tò mò hơn một người trung bình, và tôi không bỏ cuộc trước một vấn đề cho đến khi tôi tìm được giải đáp. […] Ông có thể xem tôi là kiên nhẫn hơn những người trung bình trong việc theo đuổi các bài toán. […] Không phải thông minh hơn là quan trọng, mà là tò mò hơn và có lẽ kiên nhẫn hơn trong vấn đề tìm giải đáp cho một bài toán. 3  Nhiều người khác có thể có chỉ số thông minh hơn Einstein nhiều. Họ có thể suy nghĩ nhanh hơn, phát triển nhanh hơn, có thể là ‘thần đồng’. Khi có người muốn điều tra về sự thông minh di truyền trong dòng họ ông, Einstein đã trả lời ngay: “…Ngoài ra tôi biết chắc rằng bản thân tôi không có một sự thông minh nào đặc biệt. Óc tò mò, sự đam mê và sự kiên nhẫn một cách bướng bỉnh, cộng với sự tự phê bình, đã đưa tôi đến những suy nghĩ của tôi. Tôi không có một sức mạnh tư duy đặc biệt mạnh (‘cơ bắp não’) nào, dù chỉ trong mức độ khiêm tốn. Nhiều người có thứ đó nhiều hơn nhiều mà không mang lại một cái gì đáng để ngạc nhiên.” 4

"Là một sự thiếu sót nếu chỉ dạy cho con người một ngành chuyên môn. Bằng cách đó anh ta trở thành một loại máy có thể sử dụng được. Nhưng quan trọng là anh ta phải có một cảm giác sinh động về cái gì đáng giá để phấn đấu. Anh ta phải có một cảm giác sinh động về cái gì đẹp và tốt về mặt đạo lý. Nếu không anh ta với kiến thức chuyên môn hoá sẽ giống như một con chó được huấn luyện tốt, hơn là một con người phát triển hài hoà. Anh ta phải hiểu biết về động cơ của con người, những ảo tưởng và đau khổ của họ, để có được một thái độ đúng với người đồng loại và với cộng đồng." 5

Óc tò mò của tuổi thơ không bao giờ mất ở ông, và luôn là động cơ của các khám phá. Ai không còn tò mò, người đó như đã chết. Einstein vì thế chống lại những ảnh hưởng có thể giết chết hay làm giảm hại óc tò mò của học sinh từ ghế nhà trường: đó là những cách giáo dục với lối huấn luyện khắc nghiệt, nhồi nhét cho thật nhiều kiến thức, học nhưng không phải để hiểu, để khõi tư duy, sáng tạo; hoặc tinh thần cạnh tranh vô tâm của chủ nghĩa tư bản như ông thường kết án, từ cách giáo dục làm cho con người trở thành lệ thuộc hay nô lệ, đến độ con người có thể đâm ra oán ghét cái học. Tài năng non trẻ phải được che chở và nuôi dưỡng như một cây con mới mọc. Bản thân ông là một thí dụ phản biện sinh động nhất và đã từng trải nghiệm những cách giáo dục khác nhau. “Biết dạy học có nghĩa là dạy một cách thú vị, là giảng bài, kể cả một bài trừu tượng, sao cho những dây đàn cộng hưởng trong tâm hồn của học sinh cùng rung lên và óc tò mò vẫn mãi sinh động”.6  “Kiến thức tự nó là khô cứng. Cần phải có người thầy giỏi và trường tốt để làm sống nó lại”.7   

Những ấn tượng của một năm giáo dục phóng khoáng ở trường Aarau không bao giờ phai mờ trong tâm trí ông: “Trường ở Aarau, bằng tinh thần phóng khoáng và sự nghiêm túc bình dị của những vị thầy không dựa vào quyền lực bên ngoài nào cả, đã để lại một ấn tượng không phai trong tôi; khi so sánh với sáu năm học ở một trường trung học Đức gia trưởng, tôi mới ý thức thấm thía một nền giáo dục nhằm khuyến khích hành động tự do và tính tự trách nhiệm hơn hẳn như thế nào một nền giáo dục dựa trên lối huấn luyện khắc nghiệt, lên quyền lực bên ngoài và tinh thần hiếu thắng. Dân chủ đích thực không phải là một lời nói sáo rỗng” như ông nhớ lại trong bài Tự thuật lúc sinh nhật 70 tuổi.8

Ông nói mục đích của nhà trường là “phải để con người trẻ phát triển lên trong một tinh thần mà những nguyên tắc này (sự phát triển tự do và tự trách nhiệm của cá nhân) trở thành tự nhiên như không khí người đó thở. Chỉ có dạy thôi thì không đạt được gì cả”. 9   

Về việc học nhồi nhét, ông nói: “Tôi nghĩ người ta có thể làm mất đi tính háo ăn của một con thú ăn thịt sống nếu cứ bắt nó phải ăn dưới roi vọt, ngay cả khi nó không đói, đặc biệt khi người ta tự chọn cho nó những thức ăn dưới áp lực đó.” 10  

Trong chuyến đi Mỹ năm 1921, tại Boston, ông được đưa cho bảng câu hỏi Edison để trả lời để người ta xem ông trả lời đúng đến đâu như một trắc nghiệm thông minh. Đến câu hỏi về vận tốc âm thanh ông trả lời: “Điều đó tôi không biết. Tôi không muốn làm nặng nề trí nhớ của tôi với những sự kiện như thế, những thứ mà tôi có thể tìm thấy dễ dàng trong bất cứ tự điển bách khoa nào.” 11  

Ông cũng không đồng ý với quan điểm của Edison cho rằng kiến thức quan trọng hơn giáo dục đại học. Ông trả lời: “Đối với con người, kiến thức không quan trọng lắm. Để có kiến thức con người không cần đến đại học. Cái đó người ta có thể học từ sách. Giá trị của giáo dục đại học không nằm ở chỗ học thuộc lòng thật nhiều kiến thức mà ở chỗ tập luyện tư duy, cái mà người ta không bao giờ học được từ sách giáo khoa”. 12  

Nghiêm trọng nhất đối với ông là khi “trường học chủ yếu dùng những phương tiện gây sợ hãi, cưỡng bách và chuyên chính giả tạo. Phương pháp đó huỷ diệt tình cảm lành mạnh của sự sống, sự chân thật và sự tự tin của học trò. Nó tạo ra một loại thứ dân ngoan ngoãn”. 13  

Con người không thể bị xem như một công cụ chết. Một người trẻ khi rời trường học không nên là một chuyên viên mà là một “nhân cách hài hoà”, một “cá nhân biết tự tư duy và hành động”, nắm vững những phương pháp khoa học của ngành mình để có thể thích nghi một cách sáng tạo với mọi thay đổi, tiến bộ, hơn là chỉ được đào tạo bằng sự tích luỹ kiến thức. “Sự phát triển khả năng tổng quát nhằm tư duy và phán đoán tự lập nên luôn luôn được đặt lên hàng đầu chứ không phải sự tích luỹ của kiến thức chuyên môn”.14  

Hệ thống cạnh tranh, sự chuyên môn hoá quá sớm, gánh nặng của nội dung học, của hệ thống điểm là những thứ đe doạ khả năng tư duy và phán đoán tự lập của học sinh, dẫn đến sự hời hợt và “vô văn hoá” (Kulturlosigkeit). “Khắp nơi, sự siêng năng đắc lực, sự thành công được tôn sùng chứ không phải giá trị của sự việc và con người theo quan điểm của cứu cánh  đạo đức của nhân loại. Thêm vào đó là ảnh hưởng rất tai hại về mặt đạo đức của cuộc chiến đấu kinh tế không khoan nhượng.15  

Einstein cho rằng tệ nạn xấu nhất của chủ nghĩa tư bản là “làm què quặt cá nhân… Cả hệ thống giáo dục chúng ta đau khổ vì tệ nạn này. Một thái độ cạnh tranh quá đáng được khắc sâu vào sinh viên, anh ta được huấn luyện để tôn thờ sự thành công hám lợi như một sự chuẩn bị cho sự nghiệp tương lai.”16  

Đạo đức đối với ông là tiêu chuẩn hàng đầu: “Một tính cách tốt và vững vàng có giá trị hơn khả năng hiểu biết và sự uyên bác”. 17  Nền tảng của tất cả mọi giá trị của con người là đạo đức. Mục tiêu (của nhà trường) phải là sự đào tạo nên những cá nhân tự hành động và tư duy nhưng biết nhìn thấy trong việc phục vụ xã hội nhiệm vụ cao cả nhất của cuộc đời. 18

Tôi tin rằng sự sa sút khủng khiếp trong tư cách đạo đức của con người trước nhất có liên quan đến sự máy móc hoá và sự làm mất đi tính chất cá nhân của cuộc sống của chúng ta - một sản phẩm phụ bất hạnh của sự phát triển tinh thần khoa học-kỹ thuật. Lỗi của chúng ta… Con người nguội lạnh đi nhanh hơn hành tinh nó đang ngồi trên đó. 19

Einstein chứng kiến trong thế kỷ 20 vô số cá nhân phải chịu số phận nghiệt ngã trước sự khước từ của xã hội, của số đông, của chính quyền đại diện họ. Chính số đông đã để mình chịu khuất phục dễ dàng trước các quyền lực chính trị, để đẩy nhau vào nỗi bất hạnh, trong khi “một số ít người không tham gia vào cách suy nghĩ thô bạo của số đông, vẫn sống theo lý tưởng tình yêu con người, không bị ảnh hưởng bởi những đam mê của họ, thì phải chịu một số phận bi thảm: họ bị ném ra khỏi xã hội và bị đối xử như những kẻ bị hủi nếu họ không chịu làm những hành động mà lương tâm họ chống lại, và im lặng hèn nhát về những gì họ thấy và cảm nhận.” 20 

Trong quan hệ giữa cộng đồng và cá nhân, Einstein đặt nặng vai trò của cá nhân: “Bởi vì tất cả những gì vĩ đại và cao cả đều được tạo ra bởi cá nhân trong sự phấn đấu tự do. 21  Chính cá nhân tạo ra tài sản văn hoá cho nhân loại. Ông nói: “Có thể dễ dàng nhận thấy rằng tất cả những tài sản vật chất, tinh thần và đạo đức mà chúng ta nhận được từ xã hội xuất phát từ những nhân cách đơn lẻ qua vô số thế hệ.[…] Chỉ cá nhân đơn lẻ mới tư duy và qua đó mới tạo ra những giá trị mới cho xã hội.22

Ông diễn tả trong “Thế giới quan của tôi”: “Chỉ cá nhân riêng lẻ mới có thể tư duy và qua đó tạo ra những giá trị mới, tạo ra cả những tiêu chuẩn đạo đức mới mà dựa theo đó cuộc sống của cộng đồng phát triển. Không có những cá nhân sáng tạo, tự biết tư duy và phán đoán thì khó hình dung một sự phát triển cao của cộng đồng cũng như khó hình dung sự phát triển của các cá nhân riêng lẻ mà không có miếng đất nuôi dưỡng của cộng đồng. Một xã hội lành mạnh được gắn liền với tính tự chủ của các cá nhân cũng như với sự gắn bó xã hội sâu sắc của họ. Người ta nói một cách chính đáng rằng chính nền văn hoá Hy lạp-Châu Âu-Mỹ, đặc biệt tinh hoa văn hoá của thời Phục Hưng Ý, cái đã chấm dứt giai đoạn trì trệ của thời trung cổ ở châu Âu, là dựa lên sự giải phóng và sự tách biệt tương đối của cá nhân.23  

Sự sản xuất hàng loạt những con người giống nhau sẽ không làm giàu mà làm nghèo đi xã hội: “Một xã hội của những cá nhân được tiêu chuẩn hoá không có sắc thái và mục tiêu riêng sẽ là một xã hội nghèo nàn mất khả năng phát triển”.24

Không có đầy đủ tự do, đủ lượng khoan dung của xã hội, bắt đầu từ nhà trường, thì không thể có những nhân cách vượt trội để làm giàu cho xã hội. Có lẽ bao nhiêu tài năng đã bị mai một hoặc biến dạng trên con đường họ phải đi qua, nếu các tài năng không đủ mạnh để giữ vững cho mình một loại tự do thứ hai - tự do nội tâm - để tiếp tục phát triển đến đích: “Để phát triển khoa học và hoạt động sáng tạo nói chung cần phải có một thứ tự do khác, người ta có thể gọi là tự do nội tâm. Đó là cái tự do của tinh thần thể hiện qua sự độc lập của tư duy trước các trói buộc của thành kiến, của quyền lực và xã hội, cũng như trước những trói buộc của suy nghĩ lệ thường và thói quen không phê phán. Tự do nội tâm này là một món quà hiếm có của thiên nhiên ban cho và là một mục tiêu đáng giá cho cá nhân. Cộng đồng cũng có thể đóng góp rất nhiều vào việc giáo dục tự do nội tâm này, bằng cách cộng đồng ít nhất không ngăn cản sự phát triển của nó. Trường học, bằng  ảnh hưởng gia trưởng và bằng gánh nặng trí óc thái quá cho những cá nhân trẻ, có thể ngăn cản sự phát triển của tự do nội tâm, hoặc ngược lại bằng khuyến khích tư duy độc lập, sẽ tạo thuận lợi cho nó. Chỉ khi tự do nội tâm và tự do bên ngoài được vun xới một cách có ý thức và lâu dài thì mới có được điều kiện cho sự phát triển tinh thần, cho sự hoàn thiện và cải thiện đời sống nội tâm và bề ngoài”. 25

Nếu Comenius, một nhà sư phạm nổi tiếng thế kỷ 17, đã có những lời nói như một bản tuyên ngôn của giáo dục đứng hẳn về phía học sinh: “Bản chất con người là tự do, yêu quyền tự quyết và ghét bắt buộc. Cho nên nó muốn được chỉ đường đến nơi nó phát triển, và không phải bị kéo đi, đẩy đi, hay ép buộc26  thì Einstein chính là hiện thân cao nhất, rõ nét nhất của bản chất yêu tự do sâu sắc đó của con người. Phải có đầy đủ tự do, con người mới ý thức được cái khao khát từ bên trong nội tâm của nó và mới sáng tạo được những giá trị bền vững cho xã hội. Einstein ý thức được “sứ mệnh” (Berufung) vật lý của mình vào lúc áp lực của bộ máy giáo dục lên ông giảm đi, nghĩa là khi tìm lại nhiều tự do hơn để tự ý thức: Khi dọn về Aarau ở Thuỵ Sĩ năm 1896 và vào trường đại học bách khoa kỹ thuật, tôi lần đầu tiên mới ý thức rằng tôi không thích như thế nào cách nhồi nhét và học thuộc lòng, cách dạy của môn toán. Tôi tin rằng sở thích vật lý của tôi hình thành vào thời điểm này.”  27

Điều đó nói lên rằng khi có đủ tự do, bớt chịu áp lực hàng ngày của chế độ học nhồi nhét thuộc lòng, ông bắt đầu sáng tạo một cách ý thức. Chính trong thời gian tại Sở sáng chế ở Bern, không bị áp lực và sự lôi cuốn của bộ máy hàn lâm, ông mới có đủ sự yên tĩnh và bình tĩnh để phát triển, kiến tạo những ý tưởng mới của ông. Ông không bị nhiễu bởi vô số ý tưởng thường xuyên xâm chiếm của bộ máy hàn lâm có thể làm cho người ta chỉ “thấy cây mà chẳng thấy rừng”. Chúng ta nhớ lại những bộ óc toán học hạng nặng như Hilbert, Minkowski của đại học Göttingen đã theo dõi và nghiên cứu đề tài điện động lực học của các vật thể chuyển động một cách hệ thống chỉ vài năm trước Einstein nhưng không tìm thấy dấu vết của thuyết tương đối. Mặc dù thuyết tương đối hẹp đã “nằm trong không khí” nhưng chưa ai trong bộ máy hàn lâm phát hiện ra. Einstein không chỉ suy nghĩ một lúc về một, mà về ba đề tài lớn nhất của thời đại. Chỉ có thể được như thế khi một người có được sự độc lập cần thiết làm tiền đề, không phải bị bắt buộc chạy theo “thành tích chiều ngang” để giữ được cái ghế hay hy vọng được tiến thân. Ông nói: “Bởi vì nghề nghiệp hàn lâm đặt một người nghiên cứu trẻ vào một loại tình huống bắt buộc là phải sản xuất các bài nghiên cứu khoa học với số lượng gây ấn tượng - một sự cám dỗ dẫn đến sự hời hợt mà chỉ có những cá tính mạnh mới có khả năng cưỡng lại được.” 28

Mọi áp lực có tác dụng làm hại cho sự phát triển. Trong thời học của tôi, ngay khi ngày thi được công bố, tôi bị dồn vào một áp lực đến nỗi tôi có cảm giác tôi không phải bước vào một kỳ thi mà bước lên một đoạn đầu đài. 29  

Nhân danh thi cử, sinh viên bị bắt buộc phải học thuộc lòng quá nhiều thứ không cần thiết. Trí óc của tôi sau những kỳ thi (cử nhân) hoàn toàn bị tắt nghẽn một thời gian cho hoạt động nghiên cứu và phân tích khoa học. Khả năng trí óc của tôi hoàn toàn bị cạn kiệt, bởi vì tôi phải học thuộc lòng những thông tin vô bổ. 30  

Sau một năm ông mới bắt đầu lại công việc khoa học. Giáng sinh năm 1917 tờ Berliner Tageblatt đăng một bài báo của Einstein, tựa đề “Cơn ác mộng”. Thi cử đối với ông là ác mộng. Ông đã đề nghị xoá bỏ các kỳ thi tú tài, vì nó vô ích và có hại. Khi thầy cô đã biết học lực của một học sinh trong nhiều năm liền thì không cần thiết phải thi nữa, để khỏi gây sự sợ hãi trong học sinh và để học sinh khỏi phải học thuộc lòng một số lượng quá lớn những nội dung chỉ để trả bài.

Trong đời thường chúng ta cũng đã từng có những giây phút giống như thế: khi trở về với tự do, với chính mình, chúng ta mới thấy những ý tưởng sáng tạo được hình thành trong không gian rộng lớn và lắng đọng, mới thấy mình có những khao khát mà mình có lẽ chưa biết đến.

Van Gogh là người mà hàng triệu người trên thế giới ngưỡng mộ các tác phẩm tranh ấn tượng của ông nhưng có lẽ ít ai biết rằng, ông trước nhất là một người thất bại, một ‘Versager’, năm năm sống lang bạt không một nơi cố định, không tiền để sống. Vào tháng 7 năm 1880, khi xuống đến tột cùng của nỗi thất vọng sau khi làm đủ nghề nhưng đều thất bại, không được xã hội chấp nhận, trong những giờ phản tỉnh khi trở lại với chính mình, ông mới sực tỉnh thấy mình là con người của hội hoạ. Ông liền cầm bút lên để vẽ, vẽ về cuộc đời, để thoả mãn một tình yêu mãnh liệt với cuộc đời trong trái tim ông. Ông hồi sinh như cây khô gặp nước.

Cái gì làm cho ngục tù mà ông đang sống trong đó biến mất? Đó là “Mỗi một tình yêu sâu sắc và đích thực. Là người bạn, anh em và yêu mến – cái đó mở cửa ngục tù với sức mạnh vô biên, huyền bí. Ai không có điều đó, người đó vẫn ở trong cõi chết”.31 Ông vẽ một mạch tám năm liền cho đến khi ngã xuống một cách bi thảm.

Nếu Van Gogh là một nghệ sĩ vẽ cuộc đời bằng hình ảnh và màu sắc, vì một tình yêu sâu đậm đối với cuộc đời, thì Einstein là một nghệ sĩ vẽ vũ trụ bằng khái niệm, công thức, nguyên lý, vì một tình yêu sâu đậm đối với vũ trụ. Nếu đối với Van Gogh, ai không có tình yêu đích thực người đó như sống trong thế giới đã chết, thì đối với Einstein, ai không biết rằng cái đẹp nhất là cái bí ẩn nhất của tạo hóa, nếu ai “không còn khả năng ngạc nhiên, sửng sốt trước nó, người đó coi như đã chết, ánh mắt đã tắt lịm đi.32  Cả hai người đều cần tự do như không gian rộng mở để mộng tưởng của nghệ thuật bay bổng. Không có tự do, tài năng họ sẽ tàn lụn. Cả hai đã vượt lên khỏi cuộc đời. Hai ông không còn biết sợ hãi trước bất cứ cái gì của cuộc đời, kể cả trước “cọp và tê giác”, như một chương trong Đạo Đức Kinh của Lão tử (Sự sống và Cái chết). Van Gogh tin vào câu nói “Ai muốn giữ cuộc đời mình, người đó sẽ đánh mất nó. Ai mất đời mình vì một cuộc đời cao hơn, người đó sẽ giữ được nó 33  và đã sống như thế: ông đánh mất cuộc đời của mình, để rồi được một cuộc đời cao cả hơn. Einstein cũng sống như thế, ông không bám víu vào một cuộc đời hàn lâm, dám chấp nhận cuộc sống bên lề, để rồi cuối cùng ông đạt đến một cuộc đời cao cả hơn. Tôi đặt niềm tin vào trực giác 34

Einstein là một con người tự do và tự lập. Mười lăm tuổi ông đã tự ý bỏ trường và bỏ nước ra đi trước sự thất kinh của bố mẹ. Mười sáu tuổi ông đã nghĩ mình sẽ là một nhà vật lý lý thuyết. Nhưng sau một thời gian vào đại học ông thấy mình không phải là sinh viên giỏi, có lúc nghĩ đến việc nối nghiệp bố đi xây dựnng các nhà máy điện. Ông đã từng đi thăm các nhà máy điện của bố xây ở Bắc Ý. Ông đã đăng ký học những môn phụ thống kê và quản trị kinh doanh để chuẩn bị có thể bước vào nghề kinh doanh. Chính những kiến thức về thống kê sau này đã được ông đem sử dụng vào việc giải thích các định luật chuyển động Brown và thuyết lượng tử năm 1905, thay vì vào việc kinh doanh. Ông cũng tính đến việc làm nhà giáo trung học sau khi tốt nghiệp, nghề ông ngưỡng mộ và thích thú, tấm bằng cử nhân sẽ cho phép ông làm nhà giáo để theo chân vị thầy khả kính Winteler ở Aarau. Ông đã đi kèm trẻ, dạy thêm. Rồi khi được tin Mileva mang thai ông chấp nhận từ bỏ các dự tính hàn lâm để đi tìm bất cứ một nghề gì dù có thấp hèn để cưới và lo cho nàng, ngược với ý muốn của cha mẹ. Thêm vào đó là sự trả lời của Drude, chủ biên tờ báo Niên Giám Vật lý của Đức, tờ báo mà không lâu sẽ công bố những bài nghiên cứu làm thay đổi thế giới của ông, về việc Einstein phê phán lý thuyết electron của ông làm Einstein thêm nãn lòng, Drude trả lời một cách ‘độc tài’ hơn là khoa học. Từ đó Einstein mới có câu nói: “Sự ngạo mạn của quyền lực là kẻ thù lớn nhất của chân lý”.

Nhưng rồi tình yêu và sự đam mê khoa học, cùng với sự tự tin đã đưa Einstein vượt qua những khó khăn trước mắt đế tiếp tục đi lên trong sự nghiệp khoa học của mình. Bên cạnh Habicht và Solovine trong “Hàn lâm viện Olympia” ông còn gặp một người bạn quan trọng khác trong đời: Michele Besso. Chính Besso đã lưu ý Einstein về những tác phẩm của Mach, và giúp Einstein đào sâu thêm nhiệt động học. Cũng chính Besso đã lưu ý Einstein về “chuyển động Brown” đã được quan sát từ trước mà Einstein đang nghiên cứu các định luật của nó. Besso và những người bạn khác của Einstein đều là những chiến sĩ “nghiệp dư” trong vật lý, nhưng vì thế mà thoát khỏi ảnh hưởng của bộ máy hàn lâm để vươn lên những ý tưởng hoàn toàn mới.

Vì sao Einstein rút ra được những kết luận mà các bậc thầy như Lorentz, Planck không đạt tới được? Vì ông  nhìn những kết quả của Lorentz, Planck không phải với con mắt của người trong một trường phái tư duy hàn lâm truyền thống, mà bằng con mắt của người ngoài cuộc. Sự tự học có tính cách tổng hợp có một không hai như là một cuộc ‘phiêu lưu’ trí tuệ đã giúp cho Einstein có khả năng nhìn các kết quả của các bậc thầy dưới một ánh sáng  hoàn toàn khác.

Ông yêu, rồi sợ “ngộp thở” trong tình yêu. Ông thương cha mẹ nhưng rồi sợ phải đi theo dấu chân của cha mẹ. Ông sử dụng thực chứng luận để khám phá trong thuyết tương đối hẹp, nhưng rồi là người giải phóng khoa học và triết học khỏi ảnh hưởng cố hữu trăm năm của nó. Ông đọc tác phẩm của nhiều bậc thầy, bước vào các thế giới của họ nhưng không bao giờ dừng lại ở đâu cả. Ông là lữ hành đi mãi, một loại “sói đồng hoang”, chiêm ngưỡng, chia sẻ, tham gia vào các thế giới khác nhau, nhìn thấy chúng như những lăng kính sặc sỡ dưới những góc cạnh khác nhau, nhưng không bao giờ thuộc về  thế giới nào, mà vượt ra khỏi chúng để thấy những cái mà người trong những thế giới kia không thấy. Đó là tính cách của Einstein. 35 Những khám phá của ông năm 1905 là những khám phá nằm ở ranh giới của các ngành khoa học khác nhau: Chuyển động Brown giữa Cơ học và Nhiệt động học, Lượng tử quang học giữa Nhiệt động học và Điện động học, Thuyết tương đối giữa Cơ học và Điện động học.

Ông không khép mình vào bộ máy hay một thế giới cố định nào. Wilhelm Ostwald sau khi đúc kết những nghiên cứu của mình về lịch sử các thiên tài khoa học đã đi đến kết luận: “Những người khám phá của tương lai đều là các học sinh tồi hầu như không ngoại lệ! Chính những con người trẻ có năng khiếu nhất chống đối lại hình thức phát triển tinh thần mà nhà trường áp đặt lên chúng! Trường học vẫn lại luôn tỏ ra là một kẻ thù dai dẳng và khắc nghiệt của tài năng thiên phú! 36  Con người khoa học không chỉ sống bằng sự kiện, kiến thức, con số hay lô gích, còng lưng học thuộc lòng - những thứ đó cộng lại mãi cũng không bao giờ đưa con người lên đỉnh cao của khoa học, đến các vùng xa xôi của vũ trụ, hay sâu thẳm của vật chất - mà con người còn sống bằng óc tưởng tượng, “phantasie”, những ý tưởng sáng tạo táo bạo. Đằng sau mớ công thức hỗn độn mới chính là những ý tưởng khai sinh chúng ra. Ông nhìn lại: “Nếu suy nghĩ lại về tôi và về cách tư duy của mình, tôi gần như đi đến kết luận rằng khả năng tưởng tượng đối với tôi quan trọng hơn năng khiếu của tôi trong việc tiếp thu kiến thức tuyệt đối”.37  Óc tưởng tượng là đôi cánh của trực giác dẫn đường của ông, và trực giác như một ngọn đèn dẫn lối cho ông đi trong cuộc khám phá.

Einstein vốn sống cô đơn. Bất cứ ở nơi nào, Thuỵ Sĩ, Prag, Berlin hay Princeton ông đều có cảm giác là người xa lạ và ngoài cuộc. Cô đơn là quy luật khắc nghiệt dành cho những nhà khoa học hay hoạt động trí óc đam mê. Không có cô đơn hầu như không có khoa học. “Đó hầu như là định luật mà hầu như tất cả những người bề tôi của vị thần khắc nghiệt là Khoa học phải tuân theo, rằng cuộc đời họ kết thúc trong sự đau buồn, càng đau buồn khi họ càng hết lòng với nhiệm vụ của họ.” 38  như Oswald bình luận sau cái chết tự vẫn của Boltzmann. Hay như Freud nói: “Khoa học chính là sự khước từ trọn vẹn nhất của nguyên lý ham muốn (Lustprinzip) có thể có được cho hoạt động tâm lý chúng ta.” 39  Ngoài cái cô đơn do khoa học Einstein còn nỗi cô đơn riêng của một người không lúc nào thuộc hẳn vào thế giới này. Năm hai mươi hai tuổi ông đã có cảm giác luôn có một bức tường ngăn cách giữa ông và thế giới của những người khác. Einstein nói “Tôi ngược lại càng luôn có khuynh hướng cô đơn, một nét càng tăng lên với tuổi càng cao. Thật là lạ khi người ta nổi tiếng rộng rãi như thế mà lại cô đơn. Nhưng sự thật là loại nổi tiếng này, như nó đã được sắp đặt ở tôi, đẩy đương sự vào thế phòng thủ để rồi dẫn đến sự cô lập.” 40  Ông quan sát đời như một khúc phim đi qua trước mặt: “Quả là khó hiểu cái gì đã thúc đẩy con người khiến cho người đó xem công việc quan trọng kinh khủng như thế? Cho ai? Cho người đó? - Người ta sắp ra đi kia mà. Cho cộng đồng? Cho hậu thế? Không, đó vẫn là điều khó hiểu.” 41

Cuối đời ông phải chứng kiến nhiều người thân của ông lần lượt ra đi: Năm 1936 Grossmann mất, người đã giúp đưa Einstein vào Sở Sáng chế và giúp ông đến với hình học Riemann; Elsa, người vợ thứ hai mất, năm 1948 người vợ thứ nhất Mileva mất, 1951 em gái Maja mất, tháng 3.1955 Besso mất, người bạn đã giúp Einstein tinh luyện các ý tưởng mình cho thuyết tương đối hẹp; Paul Ehrenfest, bên cạnh Maja có lẽ là người thân nhất của ông, đã tự kết liễu cuộc đời vào năm 1933.

Nếu Einstein trong đời không bám víu vào một bến đỗ nào, cho dù đó là quê hương, quốc gia, bạn bè hay gia đình, ông luôn luôn là một “người lữ hành cô độc”, ông chẳng thuộc vào đâu với tất cả trái tim, luôn luôn có một cảm giác không bao giờ dứt của sự xa lạ và cô đơn, thì trong tư duy khoa học cũng thế, ông cũng không bám víu vào một phương pháp khoa học hay một triết lý nào, ông vẫn là người “lữ hành cô đơn” không bến đỗ trên đường đi tìm chân lý của mình, cho dù con đường ông đi sẽ đưa ông về một chân trời vô định và chỉ còn một mình ông trên đó. Ông là người khai phá, người của tiền tuyến, không bao giờ biết bám víu vào miếng đất mình đã chinh phục, khai phá, và tiếp tục đi tìm những vùng đất hoang mới, với trái tim luôn rộng mở, bỏ lại phía sau tất cả quảng đường mình đã đi cho dù nó đã được trải bằng hoa vinh quang. Ông cũng không xây dựng một “trường phái” nào, không muốn áp đặt tư duy cho ai. Ông nói với tư cách là người thầy với trái tim rộng mở :Tôi không bao giờ dạy học sinh; tôi chỉ cố gắng tạo ra những điều kiện để chúng có thể học.” 42 

Oppenheimer viết năm 1965 lúc kỷ niệm 10 năm ngày mất của Einstein: “Ông dĩ nhiên có nhiều khủng khiếp những môn đệ, theo nghĩa những người, qua việc đọc các tác phẩm của ông hay nghe ông dạy, đã học hỏi từ ông và có một cái nhìn mới về vật lý, về triết lý của vật lý, của bản thể của thế giới chúng ta sống trong đó. Nhưng ông không có, theo thuật ngữ kỹ thuật, một trường phái nào cả.” 43

Khi mất, Einstein để lại di chúc yêu cầu đem tro của mình rải vào không gian ở nơi không ai biết. Ông trở về vũ trụ mà ông hằng chiêm ngưỡng, ông không muốn thấy có những chuyến “hành hương” của hậu thế, hoặc không muốn gây sự ‘quan tâm’ cho những kẻ có thể vẫn còn thù hằn ông mặc dù không hiểu ông như đã từng xảy ra lúc đương thời. “Cái đắng và cái ngọt đến từ bên ngoài, cái vất vả đến từ bên trong,  từ sự phấn đấu của chính mình. Tôi làm việc chủ yếu do bản tính tự nhiên của tôi thúc đẩy. Xấu hổ vì qua đó đã nhận được quá nhiều sự kính trọng và yêu thương. Cũng có những mũi tên của sự thù địch bắn về tôi; nhưng chúng không bao giờ  trúng đích, bởi có thể nói chúng thuộc về một thế giới khác mà tôi không ở trong đó. Tôi sống trong sự cô đơn, sự cô đơn mà trong thời trẻ là đau khổ, nhưng trong những năm của sự chín mùi lại ngọt ngào.” 44 Không phải nỗi cô đơn chỉ luôn luôn “ngọt ngào” như ông nói, mà có những lúc nó như một lời than trách ở tuổi bảy mươi: “Tôi hầu như chưa bao giời cảm thấy xa lạ với con người như hiện tại, hay đó là một ảo giác của sự lãng quên?45

Einstein là người đã sống trọn vẹn theo phương châm và lý tưởng của Immanuel Kant: “Bầu trời đầy sao trên tôi và quy luật đạo đức trong tôi , đúng theo ý tưởng triết học và đạo đức của Kant để lại mà ông đã hằng có ấn tượng: “Cái (thế giới) thực không phải để tặng cho ta, mà được đặt ra như một điều bí ẩn cho ta giải” (Das Wirkliche ist uns nicht gegeben, sondern aufgegeben).

Có lẽ những lời sau đây của Schleiermacher, nhà thần học tin lành của Phổ thế kỷ 19, tưởng nhớ đến Spinoza, cũng có thể dùng để tưởng nhớ Einstein: “Linh hồn vũ trụ chiếm ngự ông, cái Vô hạn là sự khởi đầu và kết thúc của ông, Vũ trụ là tình yêu duy nhất và vĩnh cửu của ông. Trong sự hồn nhiên thánh thiện và sự khiêm nhường sâu sắc, ông nhìn thấy chính mình trong thế giới vĩnh hằng, và biết rằng mình là hình ảnh trung thực thân yêu nhất của nó đến dường nào. Ông là con người đầy tín ngưỡng, và tràn đầy Linh hồn vũ trụ. Ông đứng đó, một mình và vượt lên tất cả, và không có gì sánh được, một bậc thầy của nghệ thuật, nhưng cao cả vượt lên khỏi đám đông trần tục, một ánh lửa dẫn đường có một không hai mãi mãi chiếu sáng.” 46

Đó là Einstein - nhà vật lý trên ngọn hải đăng. Hiểu được một phần cái huyền bí của vũ trụ mà Einstein đã khám phá, hiểu được cái vĩ đại, rộng lớn và cao cả  của ông, đó là một niềm hạnh phúc lớn - và cũng để hiểu được một phần của chính mình và của những gì đang diễn ra xung quanh.

 

Chưa kết thúc được quyển sách này nếu không đặt được hai câu hỏi thời sự cho thế giới hôm nay: thứ nhất, với xã hội hôm nay, liệu có thể có một Einstein thứ hai khi mà nền giáo dục khắp nơi càng ngày càng chất thêm những gánh nặng cho học sinh, sinh viên, biến thanh thiếu niên thành những chú ‘ngựa thồ’ cho nền kinh tế ngày càng cạnh tranh quyết liệt, khi thước đo của xã hội ngày càng dựa trên tiền, bằng cấp, tên tuổi của đại học, khi áp lực công bố báo cáo lên nhà nghiên cứu ngày càng nặng thêm chứ không nhẹ bớt đi, khi “publish or perish” (công bố hay tiêu vong)? Thứ hai, nếu có, các quốc gia sẽ hành xử thế nào với một Einstein mới? Einstein đương thời không phải là con người ‘dễ chịu’, ngoan ngoãn, như chúng ta đã biết. Liệu ông có được để yên đi theo con đường của ông, được tự do để tư duy, bày tỏ suy nghĩ, tín điều, kể cả tín điều chính trị và những suy nghĩ xã hội, giáo dục, tư tưởng mà không phải sợ phải bị theo dõi, chụp mũ, phân biệt đối xử, trù dập hay bị trục xuất ra khỏi nước? Ở mức độ nào “Những kinh nghiệm xấu luôn lập lại một cách mới” như ông nói? Ở mức độ nào con người học được từ quá khứ: “Nhưng rồi tôi biết con người chung quy thay đổi ít, cho dù cái mốt mà họ chạy theo làm cho họ xuất hiện vào những thời khác nhau như thể khác nhau, và cho dù khi những xu thế thời đại như xu thế hiện nay có mang đến cho họ vô số đau khổ. Chẳng có cái gì còn lại hơn là một trang giấy nghèo nàn trong các sách sử, trong đó những sự ngu dại của cha ông sẽ được phơi bày cô đọng lại trước mắt cho tuổi trẻ của các thế hệ sau”? 47  Hy vọng thế kỷ 21 sẽ ra khỏi đêm dài của những thế kỷ trước. Nhưng ai biết đâu được. Thế kỷ 20 cũng tưởng đã chia tay với những thế kỷ trước, nhưng đã trở thành thế kỷ khủng khiếp nhất của nhân loại. Năm 2005 được công nhận là năm Einstein hay năm vật lý hàm chứa ý nghĩ chúng ta phải nhìn lại mình qua tấm gương của Einstein và học hỏi ở con người đặc biệt này. Cuộc đời của Einstein hơn là một tấm gương, có lẽ là một sự khải thị,  ‘Offenbarung’ hay “revelation”, và một ‘tin lành’ cho nhân loại. Kỷ niệm Einstein là để nhớ và suy ngẫm lại tin lành ấy.

Một hoạ sĩ Đức bang Bayern đã từng vẽ Einstein năm 1927 cho phòng triển lãm mỹ thuật của thành phố Nürnberg, năm 1938 phải bỏ xứ chạy trốn mật vụ Đức Gestapo, một lần hỏi một cụ già vì sao ông ngưỡng mộ Einstein khi mà ông không hiểu gì về lý thuyết của Einstein. Ông nhận được câu trả lời thành khẩn như sau: “Ông biết không, khi nghĩ đến giáo sư Einstein, tôi luôn cảm thấy tôi không còn hoàn toàn một mình nữa!” 48  

Năm nay hàng triệu triệu con người trên quả đất khi tưởng nhớ đến Einstein chắc chắn cũng không cảm thấy mình lẻ loi, cho dù sự tồn tại của họ như thế nào, nó có được một phần như Einstein đã sống hay không. Einstein vừa là ngọn hải đăng luôn rọi sáng chúng ta vừa là một người đồng hành của chúng ta, một ‘đồng minh’,  như giáo sư Jürgen Renn, Viện trưởng Viện Max Planck Lịch sử Khoa học Berlin, người chủ trì chương trình tưởng niệm lớn Einstein tại Đức đã nói. Ông viết: ”Chính hôm nay chúng ta cần sự tưởng niệm Einstein như một nhà khoa học dấn thân, luôn đồng cảm, để định hướng cho chúng ta, khi ta gặp những vấn đề thời sự của khoa học, chẳng hạn  trách nhiệm của khoa học cho một trật tự thế giới hoà bình, hay sự khắc phục những ranh giới của sự yếu hèn, hoặc sự mở rộng khoa học với yêu cầu đem kiến thức của nó đến  với mọi người”. 49 


 

Nguyễn Xuân Xanh

© http://vietsciences.org   và  http://vietsciences.free.fr
Nguồn: http://vietsciences.free.fr/biographie/physicists/einstein/einstein-giaoducvadaoduc.htm

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle