Tuệ Sỹ
Bằng tất cả kinh nghiệm phong phú về cuộc sống, bằng tất sự hiểu biết bao la
mang đến từ chất liệu của cuộc sống, và với một trái tim luôn luôn rung động
trước nỗi thống khổ của chúng sinh, bằng tất cả chứng nghiệm tâm linh ấy, cho
đến lúc Bồ tát trực nhận ra rằng trong ta tồn tại bất biến Pháp thân của Như
Lai; Pháp thân được nhận thức cùng với bốn phẩm tính siêu việt là thường
ba-la-mật, lạc ba-la-mật, ngã ba-la-mật, tịnh ba-la-mật; thì cũng chính lúc ấy
Bồ tát tự xác nhận ta là con đích thực của Như Lai, là người thừa kế sự nghiệp
của Như Lai.
Rồi từ đó, trở lại với nhận thức thường nghiệm của chúng sinh, Bồ tát cũng
xác nhận rằng hạnh phúc là bản chất, là tự thể của Như Lai tạng. Ở đây quy chiếu
Như Lai tạng vào tự tánh thanh tịnh. Nói một cách đơn giản tự tâm của mỗi chúng
sanh là nguồn hạnh phúc vô biên cho chính đời sống của nó. Hạnh phúc không phải
là những cảm nghiệm có được do đuổi bắt các hưởng thụ từ thế giới bên ngoài. Cứu
cánh của nhất thừa, hay mục đích cao cả và cuối cùng của mọi lẽ sống, là sự an
lạc, là hạnh phúc tuyệt đối chân thật, thì hạnh phúc ấy đã có sẵn tự tâm.
Như vậy, triết lý Nhất thừa và Như Lai tạng của Thắng Man đã được xác
lập một cách cụ thể; phát xuất từ tâm tình dung tục, từ tâm tư còn vương mắc
nhiều hệ lụy. Nhưng cũng chính từ những hệ lụy đó, từ những ràng buộc của ân ái
đời thường đó mà Thánh thai được gieo phôi, được nuôi dưỡng, được chăm sóc với
vô cùng thận trọng, với vô cùng trân trọng và yêu thương.
Quá trình nuôi lớn Thánh thai của Bồ tát trải dài theo thời gian và những
nhịp sóng trầm luân của sinh tử, và Thánh thai ấy chính là tự tâm của mỗi chúng
sanh, được cưu nang ngay chính trong tự tâm của mỗi chúng sinh, tự tâm vốn thanh
tịnh không ô nhiễm. Với bản chất của tự tâm như vậy, sự ô nhiễm hay không ô
nhiễm của nó là điều vượt ngoài khả năng suy luận của trí tuệ. Nó chỉ có thể
được cảm nghiệm bằng tình yêu chân thật, bằng tâm lượng bao dung của bà mẹ. Tình
yêu đi liền với sự tin tưởng. Người có thể thực hành Bồ tát đạo theo Thắng
Man phải là hạng người có đức tin nhiệt thành và vững chắc. Đức tin còn dao
động là vì tình yêu chưa sâu đậm. Nơi nào có gốc rễ bền chắc của tín tâm, nơi đó
được biết là có sự tác động của tình yêu.
Gốc rễ tín tâm càng lúc càng bền chặt; tình yêu càng lúc càng tỏa rộng bóng
mát. Từ một tâm tư nhỏ hẹp, từ tâm thức thường nghiệm đuổi bắt hình ảnh hư ảo
của thực tại, dần dần được thăng hoa, được chuyển hóa. Thức tự biến đổi bản
chất, chuyển y thành trí tuệ vô phân biệt, thì tình yêu từ những rung động vị
kỷ, tự lợi hẹp hòi, cũng được chuyển hóa để trở thành tâm đại bi rộng lớn, như
tấm lòng bao dung của mẹ hiền ôm tất cả đàn con trẻ dại vào lòng mình.
Nhân cách của Thắng Man, hay sự xác định hạng người có xu hướng như thế nào
có thể thực hành trọn vẹn Bồ tát đạo theo Thắng Man như thế được tìm thấy
trong hai chương cuối cùng của kinh : «chương xiv. Con đích thực của Như Lai»,
và «chương xv. Thắng Man phu nhân sư tử hống.» Chẳng khác nào sư tử con bị mẹ
sẩy thai vào giũa đàn nai; lớn lên cùng be-be với đàn nai ngơ ngác. Nhưng khi
phát hiện ra nòi giống đích thực của mình, sư tử con bắt đầu cất tiếng rống, làm
khiếp sợ đàn nai. Từ đó, sư tử con không còn cảm giác mơ hồ như mất mẹ, tuy bấy
giờ không còn mẹ bên cạnh; không còn cảm giác mơ hồ như là lạc lõng bơ vơ giũa
đàn nai tuy gần nhưng xa lạ.
Chương xiv là sự khẳng định của Phật về tín căn như là động lực chủ yếu của
Bồ tát đạo. Trong Chương xv Thắng Man phu nhân triển khai ý nghĩa đó. Phu nhân
nói: «Hoặc có thiện nam hay thiện nữ nào không thể tự mình thấu suốt được, nhưng
ngưỡng mộ Thế tôn, tự nghĩ rằng: đây không phải là cảnh giới của mình, chỉ Phật
mới biết được. Đây gọi là những thiện nam hay thiện nữ ngưỡng mộ Như Lai.»
Nói một cách khác, cảnh giới của Phật thừa vốn cao cả, tuyệt đối, vượt ngoài
tầm mức trí tuệ của con người, nhưng bằng vào đức tin nhiệt thành thì có thể
nương theo đức tin đó mà bước vào Bồ tát đạo. Thiếu tình yêu và đức tin thì mọi
sự nghiệp trên thế gian dù hết sức nhỏ cũng là điều khó khăn vượt ngòai khả
năng, nhưng với một tình yêu rộng lớn, với một đức tin kiên cố, thì tất cả không
có gì là khó khăn và nặng nhọc cả.
Ý nghĩa này được khai triễn thực tế trong phần kết của kinh. Sau khi đức
Phật biến mất khỏi hư không. Thắng Man phu nhân trở vào nội cung, bằng tình yêu
mà cảm hóa được chồng mình là vua Hữu Xứng, và cũng bằng tình yêu ấy mà cảm hóa
nhân dân trong phạm vi lãnh thổ của mình, thậm chí con nít mới lên bảy cũng có
thể thực hành Bồ tát đạo.
Thế giới chưa bao giờ thiếu vắng tình mẹ. Nhưng có bao giờ Bà Mẹ Thắng
Man xuất hiện trong đời thường giữa đàn con dại đang lạc đường trong sa mạc
sinh tử nóng bỏng này?