QUẢNG THÔNG
“Ai làm việc lui cui ở dưới đó vậy?” -“Bác đạo
hữu già nào ấy.” -“Hình như
bác ấy đang làm cỏ
vườn thì phải.” - “Có thấy Thầy,
chú mô
đâu,
đi học đâu cả hết rồi ấy.” -“Để
mình xuống dưới đó hỏi bác ấy
coi.”
Đó là một cuộc trò chuyện của
một nhóm ba bốn bác đạo hữu ở vườn trên. Họ vừa mới đến chùa, hình như đã vào
chánh điện lễ Phật rồi thì phải. Họ đang đi vãng cảnh, tìm xem có chú điệu nào
không. “Quái lạ, sao chùa viện mà vắng hoe thế không biết”-Câu chuyện lại tiếp
tục. “Chùa thì phải vậy chứ. Thanh tịnh, yên lắng, sạch sẽ, ngăn nắp là nếp sống
của nhà chùa mà.” - Một vị trả lời.
Hòa thượng
(sư thúc của Thầy tôi) và hai
anh em
tôi
đang lặng lẽ làm cỏ
trong vườn mai. Có lẽ người
ta chỉ nhìn chợt thấy Hòa thượng trong bộ đồ chiếc áo mi-dô giản dị
lui cui trong vườn nên họ tưởng là bác đạo
hữu nào đó đang làm công quả.
Tôi bảo sư đệ tôi lên coi
tiếp khách giùm, còn Hòa
thượng và tôi
tiếp tục làm cỏ. Cỏ
trong vườn mai không nhiều
lắm, chỉ là những cây con mới mọc, nhưng phải làm ngay vì để
lâu ngày cây mọc lớn,
sinh hạt nhiều, ngôi vườn sẽ thêm bê bối,
lôi thôi lắm. Hòa thượng bảo làm vườn như chăm sóc ngôi vườn
tâm của mình vậy, đừng để cho nó quá
bê bối. Hòa thượng ngày nào cũng
ra làm cỏ
vườn, cái cuốc nhỏ, cái bay, cái
xúc
rác luôn có trên tay. Mấy cây mai tốt phủ xanh um che phủ
trên đầu.
Muốn
nhìn lên, chúng tôi phải
đứng dậy, nhón chân cho
tầm mắt vượt khỏi mấy lùm mai
mới thấy rõ người ở vườn trên; còn những người ở trên sân phải khom người xuống, che mắt nhìn vào những gốc mai mới
mong thấy được có bóng người nào trong đó.
Thế là đôi khi
chúng tôi với khách thập phương như đang chơi trò ú tìm với nhau.
Nhưng chúng tôi thì chẳng
cần đứng dậy bao giờ,
chỉ lắng tai một chút
là nghe
được
tiếng người
ta đang nói gì trên
đó. Nhiều người đến
lễ Phật, đi đạo quanh chùa, nói
nói cười cười vài tiếng, thưởng thức hoa cỏ phong cảnh chùa một chốc, rồi ra về.
Thỉnh thoảng có
vài người có công việc
cần đến sự giúp đỡ
của quý Thầy, hoặc cần gặp Thầy chúng tôi, họ mới
tìm gặp quý Thầy quý chú để
hỏi thăm.
Khi cần chúng tôi mới tiếp
khách ở nhà khách, ngoài ra
chúng tôi đều dành thời gian cho sự thanh
tịnh vốn có của chùa.
Mỗi tháng chùa có một
kỳ thọ Bát Quan Trai,
và các
dịp
Tết, lễ lớn, còn lại thì không
khí thiền viện vẫn yên lắng thanh tịnh như thế đó.
Hòa thượng và hai anh em tôi lại
tiếp tục công việc của mình. Không khí của một buổi sáng đẹp trời như thế thật
trong lành, dễ chịu. Hòa thượng thường bảo, “Le travail est un trésor d’or.” Ôn
nói bằng tiếng Pháp rồi dịch ra tiếng Việt cho chúng tôi hiểu: “Làm việc là một
kho vàng.” Đây là câu nói đầu miệng và cũng là phương châm của Ôn. “Nhờ làm việc
mình mới khỏe ra được và có niềm vui. Làm việc cũng niệm Phật”-Ôn nói. Ôn niệm
Phật Dược Sư. Ôn là dược sĩ nên Ôn có niềm tin sâu sắc nơi Đức Dược Sư. Ôn bảo,
hồi Ôn còn làm việc cho bệnh viện, khám chữa bệnh bằng thuật châm cứu cho người
ta, Ôn đều nhất tâm niệm danh hiệu Đức Dược Sư. Nhờ sự gia hộ của Ngài mà Ôn đã
cứu chữa thành công được nhiều trường hợp bệnh nặng. Ôn nói, “mình chỉ là phương
tiện để cho lòng Từ bi của Đức Phật biểu lộ, chỉ phương tiện thôi.” Có nhiều lần
Ôn gặp bệnh nguy lắm, không có người chăm sóc, vì tính Ôn vẫn thích tịch mặc,
sống một mình, không có đệ tử, không có bổn đạo, không có một trú xứ nhất định
nào hết. Thế mà nhờ niệm Dược Sư, Ôn đã qua được nhiều khúc quanh một cách lạ
lùng. Cố nhiên, không phải Đức Phật hiển linh thần biến gì đâu, mà do cảm ứng
thế nào ấy, nên bất thình lình, không hẹn, mà cũng có các vị bác sĩ, dược sĩ
tình cờ gặp được tình trạng của Ôn và kịp thời cứu chữa. “Thật kỳ diệu! Mình tin
Phật thì không có gì làm không được”- Ôn thường nói. Cho đến bây giờ đã 83 tuổi
rồi nhưng Ôn vẫn siêng năng làm vườn, vẫn vẽ tranh Phật, nắn tượng Phật khéo léo
lắm. Ôn bảo đó là nhờ long thần Hộ pháp giúp đỡ chứ thực sự mình không làm gì
hết.
Làm việc là một kho vàng,
quả là Ôn đã đổi được kho báu vô giá đó vì đến tuổi này mà Ôn cũng không bị đau
yếu gì nhiều. Ngày nào cũng giản dị ra vào, làm việc. Ăn uống thì cực kỳ đạm bạc
và cố tránh những thức ăn có nhiều hóa chất. Ôn bảo nó không tốt cho cơ thể. Có
lẽ nhờ cách sống đó mà Ôn vẫn khỏe được như thế.
Điệu chùa Thiên Mụ chấp tác, ảnh Hải Trang
Câu châm
ngôn của Ôn làm tôi nhớ đến câu châm ngôn đã làm nguyên tắc sống của Ngài Bách
Trượng Hoài Hải, một Đại thiền sư Trung Hoa sống vào khoảng 720-814. Bộ Bách
Trượng Thanh Quy của ngài đã được lưu truyền làm cương lĩnh cho sinh hoạt
thiền viện trong nhiều thế kỷ trước. Tuy nay đã mất nhưng nó cũng được sao soạn
lại với nội dung tương tự tiếp tục làm nguyên tắc cho đời sống thiền viện. Trong
đó lưu truyền một câu nói nổi tiếng của chính ngài Bách Trượng. Ngài nói: “Nhất
nhựt bất tác, nhất nhựt bất thực” (một ngày không làm, một ngày không ăn). Có
một giai thoại, một câu chuyện đẹp, về câu châm ngôn này của Tổ. Chuyện kể rằng,
có lần các vị đệ tử của Ngài thấy Ngài tuổi đã già mà vẫn lam lũ với những công
việc vườn tược, họ đã giấu hết dụng cụ làm vườn của Ngài sau khi đã hết sức
khuyên ngăn mà Ngài chẳng nghe, vẫn nhất quyết phải làm vườn, làm ruộng như bao
thiền sinh khác. Cuối cùng Ngài quyết định không ăn uống gì cho đến khi các đệ
tử hiểu ra và trả lại dụng cụ làm vườn cho Ngài.
Chấp lao phục dịch, làm những
công việc lặt vặt tay chân là điều cần thiết để thực hành thiền định trong đời
sống hàng ngày của thiền giả. Nó làm khí huyết lưu thông, tránh được sự trì trệ
của tâm trí rất dễ phát sinh do thói quen thiền định. Đồng thời từ những sinh
hoạt lao động tay chân đó giúp hành giả kiểm nghiệm các bài học qua những giờ
thiền quán và học được một cách trực tiếp từ đời sống thực tế, mà không chỉ
thuần túy qua sách vở. Vai trò của việc chấp lao phục dịch, xách nước, chẻ củi,
làm việc tay chân quan trọng như thế trong nếp sống thiền môn nên người hành
thiền không từ nan bất cứ công việc nào, dù công việc đó có vẻ không thích hợp
với một người có văn hóa, có học thức. Không công việc gì hạ thấp nhân phẩm của
họ cả. Cầm bút chép kinh hay cầm chổi quét vườn, chùi cầu tiêu, tất thảy đều
bình đẳng như nhau, đều được coi như nhau mà người hành thiền đều có thể làm
được hết những chuyện đó.
Ở đây, cũng không phải không
nghĩ đến chuyện, một người thọ cơm đàn na tín thí thì phải làm cái gì đó cho Tam
Bảo, nếu không thì cơm tín thí sẽ trở nên khó tiêu lắm (tín thí nan tiêu). Nhưng
với ý nghĩa trên thì chuyện làm việc trong thiền môn đã vượt qua khỏi ý nghĩa
luẩn quẩn, mà dân gian thường nói là, “làm làm ăn ăn, ăn ăn làm làm” để vươn đến
một mục đích thiền định cao hơn nhiều.
Hòa thượng làm cỏ, quét sân,
tưới cây, đắp tượng, nhưng chỉ một niệm duy nhất là niệm Phật nên công việc tuy
có đó mà như không, làm đấy mà như không làm, tạo ra thành quả lao động đó nhưng
rồi quên mất. Ý nghĩa “kho vàng” của Ôn cũng đâu có kém phần triết lý và sinh
động của nó.
Ôn đã tìm được kho vàng vô giá
nên những thứ khác đâu còn giá trị gì nữa. Đó là niềm vui. Làm việc đúng là một
nguồn vui.
Ôn quét sân nhưng không coi mình
là Hòa thượng đang quét sân trong khi đó nghĩ đến chú tiểu đang ngon giấc ở
trong kia. Chỉ có việc quét sân là tồn tại trong giờ phút đó mà thôi. Chú tiểu
ngủ nhưng sau đó chú có công việc của chú, có bổn phận trách nhiệm của chú. Thế
nhưng quét sân lại cũng chẳng phải là một bổn phận hay trách nhiệm gì cả, nó
thuần túy là một công việc. Nó là niềm vui. Đẹp như thế đó.
Năm nay mùa xuân về, đời lại
chất lên thêm cho Ôn một tuổi nữa. Tuổi đời cao dần và quy luật thì cái nào cao
là cái sẽ sụp đổ trước. Ngả trước hay ngả sau, sớm hay muộn, đối với Ôn không gì
quan trọng. Quan trọng là Ôn đã tìm được niềm vui trong nếp sống thanh cao đạo
hạnh, nếp sống trong hiện tại với những công việc hết sức bình dị và khỏe khoắn.
Mặc cho tuổi đời lên cao, mặc cho mùa xuân đến rồi đi, mặc cho bao lo toan của
cuộc sống, tất cả chỉ là giấc mộng, đều chỉ là hôm qua mà thôi và nó mãi đã qua
rồi.
Ôn đứng đó giữa khu vườn xưa cũ
nhưng mới tinh thêm, rực rỡ thêm với những nụ mai vàng lung linh trong nắng xuân
tươi sáng và nụ cười hiền hòa vẫn nở rạng trên môi.
“Le travail est un trésor d’or.”±