Đạo đức là gì? Điều đó có ăn nhập gì
hay có ý nghĩa gì đối với vấn đề phải hành xử đúng đắn của chúng ta hay không?
Mới thoạt nghe qua, chúng ta tưởng như có vẻ dễ hiểu, dễ làm, nhưng quả
tình thì không dễ thực hành đâu.
Trong cái thế giới thực tiễn thực dụng này, nói một cách trắng trợn, thẳng thừng
và phũ phàng là chúng ta đã khó hiểu hay hình dung ra nổi những qui tắc, khuôn
mẫu luân lý, đạo đức xã hội, huống chi là áp dụng thực hành chúng. Vì thế, chúng ta thường bị vấp ngã và
thất bại trên đường đời.
Đức Phật thường vấn nạn đệ tử với những câu hỏi đạo đức. Với trí tuệ siêu việt, Phật yêu cầu những
đệ tử thuần thành, tinh cần của Ngài phải biết và thực hành đạo đức.
Chúng ta có rất nhiều câu hỏi về đúng hay sai và Đức Phật cũng đã thuyết giải
bao nhiêu lần những thắc mắc đó của chúng ta. Ngài đã giảng dạy về ý nghĩa, lợi ích và
phải áp dụng thế nào ‘chánh nghiệp’, ‘chánh ngữ’, và ‘chánh mạng’, những bước
căn bản đầu tiên trong Bát Chánh Đạo (Tám Con Đường Thánh) vào đời sống tu tập
của người đệ tử Phật.
Những qui tắc đúng đắn này đã hình thành con đường tu đạo và áp dụng cho hàng đệ
tử tại gia của Phật hơn là cho Tăng Ni. Tăng Ni phải tuân thủ và thực hành triệt
để những giới luật riêng của hàng tu sĩ xuất gia.
Còn chúng ta, những người cư sĩ tại gia, chỉ cần phải giữ đúng năm giới
cấm đã lãnh thọ với trọn vẹn lòng thành kính và tự nguyện thực hành theo lời
Phật dạy.
Chương Năm của quyển sách nhỏ này sẽ giúp chúng ta tìm thấy những qui tắc sống
cho chính chúng ta, dựa trên những khuôn phép mà Đức Phật đã chỉ bảo cho hàng đệ
tử của Ngài. Những chương khác nêu ra nhiều câu hỏi đạo đức luân lý nhưng ở
chương Năm này, chúng ta sẽ nhìn thẳng, nhìn trực tiếp vào những vấn đề luân lý
cá nhân, xã hội và toàn cầu. Ở chương này, chúng ta sẽ hỏi Đức Phật để
hướng dẫn chúng ta biết hành xử đúng đắn và đi đúng hướng.
Đức Phật phải
làm gì để săn sóc người bệnh?
Bất kỳ ai, nếu muốn phụng sự Ta, hãy nên phụng sự, chăm sóc người bệnh.
Kinh Phạm Võng 25. 3
Thật là một câu nói tuyệt hảo! Câu nói đó khiến chúng ta nhớ đến những
tín đồ của Chúa Giê Su hỏi Ngài là khi nào họ có thể phụng sự Chúa. Chúa Giê Su đã trả lời, “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi
làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn này của anh em ta, ấy là
làm cho chính mình ta vậy” (Matthew 25: 40).
Những bậc đại đạo sư này ngụ ý muốn gì? Những ngôi đền, những ngôi chùa hay những thánh đường hoành tráng,
lộng lẫy chăng? Phẩm vật cúng tế sung mãn chăng?
Không, lẽ dĩ nhiên là không. Những
lời cầu xin chân thành chăng? Hay sự
tung hô vạn tuế, vinh danh sự cao thượng vĩ đại của họ chăng? Không, ngàn lần không. Đối với các đấng đạo sư, tất cả những
điều đó đều vô nghĩa, rỗng tuếch. Những gì các đấng đạo sư thực sự muốn
chúng ta làm, đó chỉ là: chúng ta hãy mở rộng tấm lòng, ban rãi tâm Từ ra đến
tất cả những ai cần đến chúng ta trên thế giới này, không phân biệt, không giới
hạn. Sự tương trợ, cứu giúp, chia sẻ
hoạn nạn, đau khổ cùng nhau, cho nhau, không bao giờ cùng tận.
Đức Phật đã thực hành hạnh Từ Bi từ vô lượng kiếp – tại sao chúng ta không giúp
được cho một ai đó?
Tôi nhớ lại một người đàn ông mệt mỏi lê bước, leo lên những bậc thang dài đến
nhà của tôi. Anh ta đang đau đớn vì bệnh AIDS (bệnh
liệt kháng) và chỉ muốn xin một cái gì đó để ăn.
Anh ta là hiện thân của Chúa Giê Su. Ăn uống chung với anh ta, săn sóc anh ta
một chút ngay lúc đó, tôi đang thực hành Bồ Tát hạnh.
Tôi là một vị Bồ Tát. Nếu thực có sự
phán xét cuối cùng sau cuộc đời này, tôi hy vọng anh ta sẽ được ban thưởng xứng
đáng vì đã cho tôi cơ hội được chăm sóc anh ta. Anh ta đã ban cho tôi một ân
sủng, một đặc ân được chăm sóc, phụng sự anh vì cúng dường, phụng sự chúng sinh
tức cúng dường, phụng sự chư Phật, phụng sự Chúa.
Đức Phật phải
làm gì đối với những người vô gia cư?
Trong đời có đói khát, hiện làm đò ăn uống,
Trước cứu đói khát họ, sau giảng dạy Phật pháp,
Chỗ nào có kẻ nghèo, hiện làm kho vô tận,
Nhân đó khuyên dạy họ, khiến phát Bồ Đề Tâm.
Kinh Duy Ma
Cật (phẩm Phật Đạo 8)
Riêng cá nhân tôi, tôi nhận thấy vấn đề những người vô gia cư
quả thật khó mà trực diện hay hành xử thế nào cho đẹp, cho đúng.
Tôi không muốn đối diện hay loay hoay lúng túng, khó xử chung quanh cảnh tình
khốn cùng, tuyệt vọng đó của họ. Khi
gần họ, tôi luôn tự hỏi liệu mình có nên tiếp tục cho họ tiền không khi mình
thực không biết là số tiền hay món quà mình biếu họ đó sẽ được họ sử dụng thế
nào, ra sao, làm gì, v.v.?
Phật nhắc nhở tôi là ‘khi bụng đói meo thì không thể nuốt trôi Pháp vị được.’
Đơn giản vì đó là bản chất tự nhiên của con người là thế, và chúng ta phải tập
làm quen với điều đó. Như nhà soạn
kịch Bertolt Brecht nói, “Trước hết hãy cho ăn hết sạch đi, sau đó hãy nói tới
đạo đức.” Đúng vậy, bậc trí tuệ cho
kẻ lang thang nghèo khó kia ăn trước đã, ngay cả cho hắn nhậu no say bí tỉ.
Một khi đã no ứ bụng rồi, kẻ nghèo khó kia mới sẵn sàng nghe những gì bậc trí
nhân kia nói, và hắn sẽ thay đổi theo lời dạy bảo khuyến khích của bậc trí nhân.
‘Có thực mới vực được đạo’, nếu bụng đói meo cồn cào, thì dù Phật có hiện thân
trước mặt thuyết pháp, kẻ khốn cùng cũng chẳng thèm để ý tới.
Vì thế nếu một kẻ lang thang vô gia cư nào đó xin bạn một đồng, nếu được, hãy
cho họ đi, đừng phẩm bình chê bai quá đáng. Một khi chính bản thân họ có thể thay đổi
cuộc sống, họ sẽ hướng dẫn những người khác thay đổi, đừng lo.
Hãy tích cực nghĩ tới tương lai và những điều tốt đẹp, còn bây giờ, ở đây, hãy
ban rãi lòng từ bi đến mọi người.
Sáng đem vui đến người,
Chiều giúp đời bớt khổ.
Đức Phật phải
làm gì về vấn đề sát sanh?
Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng lấy chính mình . . . Không phải
do bạo lực hay giết được nhiều địch thù mà người ta được nổi tiếng. Chính vì không phải dùng đến bạo lực mà người
ta trở thành thánh thiện và nổi tiếng.
Kinh Pháp Cú 103 & 270
Đối với những người không phải là
Phật tử, Đức Phật không thể ngăn cấm họ không được sát sanh, nhưng riêng đối với
Tăng đoàn và tín đồ Phật giáo thì sát sanh là một giới cấm nghiêm ngặt. Theo Phật giáo, Tăng đoàn là một đoàn thể gồm
có Tăng và Ni. Họ là những người nguyện sống trọn đời
thanh tịnh và thánh thiện. Lẽ dĩ
nhiên họ không được sát sanh, dù một con vật nhỏ nhít như côn trùng.
Họ không được phép khởi lên trong tư tưởng bất cứ một tà niệm xấu ác nào
dù chỉ là một phút giây thôi.
Chúng ta đây, dù không phải là Tăng Ni, cũng phải tuân thủ theo lời dạy cấm sát
sanh của Phật. Có thể chúng ta có
rất nhiều kẻ thù hay có thể chúng ta tức giận, oán ghét một ai đó đến nỗi chúng
ta muốn đánh kẻ đó một trận tơi tả cho hả cơn tức giận trong lòng, thậm chí có
thể chúng ta còn muốn giết kẻ đó nữa, nhưng đã là người con Phật, chúng ta không
thể và cũng không nên, không được hành động hung bạo mà trái lại, chúng ta cần
phải tìm cách điều phục, chế ngự ngọn lửa sân hận đang bùng nổ như hỏa diệm sơn
trong lòng mình bằng giới luật Phật dạy, bằng giọt nước Từ Bi tưới tẩm lên ngọn
lửa sân hận và dập tắt nó.
Chúng ta phải chiến thắng chính mình. Chúng ta không thể để mặc cho hận thù phá
hoại thiêu hủy cuộc đời chúng ta. Vì
thế, thay vì trả thù hay chinh phục kẻ thù, trước hết chúng ta cần phải chiến
thắng chính bản thân của mình. Nếu
chúng ta không thể tự thân phục hồi lại được dòng sống tâm linh thanh lương của
chúng ta, thử hỏi chúng ta sẽ tìm ai bây giờ để thực hiện việc đó?
Cấm sát sanh là giới luật nghiêm trọng cho tất cả người con Phật, vì chúng sinh
ai ai cũng có Phật tánh, cũng đều ham sống sợ chết, cũng đều mong ước được sống
an vui và hạnh phúc. Người con Phật
phải tôn trọng mạng sống linh thiêng đó của vạn loại chúng sinh.
Đức Phật phải
làm gì khi thấy sự bất công phi lý?
Người nào nhờ vào bản tánh nhu hòa và sức mạnh của vũ khí Nhẫn Nhục để có thể
chịu đựng được mọi nhục mạ, đòn roi, và gông cùm, Như Lai gọi người ấy là vị Tịnh hạnh!
Kinh
Pháp Cú 399
Đức Phật, lẽ dĩ nhiên, đứng về phía của uất ức và đau khổ,
nhưng Ngài không chấp nhận hay thỏa thuận với sự ngu si, tham dục và hận thù. Là
bậc thánh nhân của thời đại Ngài còn tại thế, Phật đã chống đối lại
những chính sách, chủ trương, triết thuyết và hệ thống của các tôn giáo và xã
hội ngày đó bằng cách thâu nhận tín đồ không phải qua giai cấp xã hội của họ, mà
chính vì niềm tin tâm linh với lòng khẩn thiết được giải thoát luân hồi đau khổ
của họ, và bằng chính tình thương vô phân biệt, vô quải ngại của Phật.
Phật cũng không quan tâm đến chính trị (theo nghĩa bây giờ), Phật cũng gần giống
như Chúa Giê Su: ‘Hãy trả những gì của Xê Gia (Caesar) lại cho Xê Gia’, thì Phật
cũng muốn sự bình đẳng với tất cả mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc
hay tôn giáo. Tấ cả mọi chúng sinh
đều có Phật tánh, đều có khả năng thành Phật, đều bình đẳng như nhau.
Ở đây, Phật hay chúng ta
đều ngưỡng mộ không những chỉ là công cuộc giải phóng bất công mà cả người nào
dám đứng lên chống đối lại bất công trong nhẫn nhục, chịu đựng, chấp nhận mọi
nguy hiểm và bất bạo động. Hàng trăm, hàng ngàn năm sau, chúng ta
vẫn tiếp tục đi theo con đường tranh đấu chống lại bất công của Phật nhưng theo
phương cách mới, chẳng hạn như Rosa Parks, người phụ nữ da đen dẫn đầu phong
trào Nhân Quyền (ở Hoa Kỳ), vẫn ngồi yên bất động trên xe buýt, cương
quyết không nhường chỗ ngồi phía trước để phản đối lại chính sách kỳ thị da
màu của người da trắng đối với người da đen hay người thanh niên can đảm đứng
trước đầu chiếc xe tăng ở Thiên An Môn.
Riêng chúng ta, những người mệnh danh đệ tử
Phật, phải làm gì để truyền bá được lời dạy về bình đẳng giai cấp, về công lý xã
hội của Phật?
Đức Phật phải làm gì về vấn đề quyền phụ nữ?
Bạn
là một con người với những chất liệu tứ đại giống như tất cả những người đàn ông
khác. Bạn cũng là một vị Phật như tất cả những vị Phật quá khứ hay tương lai. Vì thế không cần phải chứng minh hay tìm
sự ủng hộ nào để tuyên bố rằng tất cả phụ nữ đều có khả năng trở thành Phật.
Thi hào Bankei
Mặc dù nguồn gốc đạo Phật xuất phát từ xứ cổ Ấn Độ, một đất
nước có nền văn hóa phong tục kỳ thị giới tính và giai cấp rất nặng, triết
thuyết giáo lý của tôn giáo này, qua kinh điển, đều chứng minh rằng người nữ có
khả năng giác ngộ và thành Phật như nam giới.
Trong một tác phẩm Phật giáo nổi tiếng,
một thiện nam tử đã chuyển giới tính để trở thành một người phụ nữ. Sự việc đó phản ảnh thật sâu xa rằng: không có
một sự phân biệt giới tính đây là đàn ông, đây là đàn bà, đây là giống đực, đây
là giống cái . . . Không những chỉ có loài người mà mọi loài hữu tình chúng sinh
nào cũng đều bình đẳng về bản chất, về thể tính, về khả năng giác ngộ như
Đức Phật.
Đức Phật giáo hóa phụ nữ và chấp thuận cho họ tham gia vào Tăng đoàn.
Tất cả những sự tích, chứng cớ về sự giác ngộ liễu đạo của người nữ đều
được ghi chép trong Trưởng Lão Ni Kệ.
Hai nghìn năm sau, thi hào Bankei, theo gót chân Phật và Thánh Chúng đệ tử Phật,
luôn lên tiếng qua văn thơ biểu lộ rõ tư tưởng của ông về bình đẳng giới tính.
Và cho đến ngày nay, bất cứ ở đâu, Phật giáo cũng đều lên tiếng chống lại sự kỳ
thị giới tính. Cuộc đấu tranh trường
kỳ đó vẫn còn tiếp tục và luôn luôn được sự gia hộ và tiếp sức bởi chính tình
thương và năng lực của Phật.
Vì thế nếu người nữ có đầy đủ khả năng thành Phật thì thiết nghĩ chúng ta cũng
không cần phải bàn cãi nhiều là họ có thể được thăng chức làm linh mục hay không
được? Họ có thể đắc cử thành tổng thống hay
không?
Đức Phật phải làm gì để xưng tán một việc làm tốt?
Hãy tán thán tất cả những
ai luôn nói thật.
Hãy nói với họ rằng: “Tất cả những gì qúi vị nói đều hay, đúng, tốt đẹp cả!” Khi một người nào đó hành xử đúng đắn, đúng Chánh Pháp, hãy nói với họ
rằng, bạn luôn luôn ca ngợi, ủng hộ, và khuyến khích họ.
Kinh Bồ Đề
Hành 5.75
Bây giờ đã đến lúc cũng nên nói về một cái gì hay, cái gì đúng thêm vào trong
quyển sách nhỏ này, có phải không các bạn? Thực ra thì cũng không hẳn là tất cả
những gì chúng ta chạm trán, đối mặt trong cuộc đời chúng ta đều rắc rối, khó
giải quyết, dễ sợ hay kinh khủng cả. Đây là một câu nói bất hủ mà Đức Phật
luôn sử dụng để khuyến khích, ủng hộ đệ tử là: “Hãy cố gắng lên!
Hãy tiến lên! Đừng nản chí, e sợ, rụt rè!”
Phật cũng tin là chúng ta không bao giờ khen tặng kẻ nào hay trau chuốt lời ăn
tiếng nói, rào đón trước sau, màu mè nịnh hót, bợ đỡ để lấy lòng thiên hạ, nhưng
nếu có ai thực tâm hành xử đúng đắn, chính chắn thì chúng ta cũng không ngại
ngần gì mà không khen tặng, khuyến tấn, ủng hộ người đó hết lòng để tăng thêm
sức mạnh tinh thần cho người đó vững bước và tiến nhanh hơn trên con đường lập
nghiệp hay tu học của họ.
Nói ra những lời trung thực (dù chính là để xây dựng, góp ý) có thể sẽ gây rất
khó chịu cho người nghe vì cổ nhân thường nói ‘trung ngôn nghịch nhĩ’, nhất là
chúng ta lại không có được một giọng nói dịu dàng, êm ái.
Vì thế nếu chúng ta (hay bất cứ người nào) được nghe một giọng nói nhẹ nhàng,
ngọt ngào rót vào tai lại còn mang chất liệu tích cực, khen tặng thì
chắc chắn sẽ chẳng có một ai thấy khó chịu chút nào, đúng không?
Tôi hỏi các bạn có muốn giọng nói của các bạn sẽ là nốt nhạc đầu tiên thật du
dương trong tuyệt khúc hòa tấu làm đẹp lòng người hay không? Do đó, chúng ta cần
nên biết khen tặng, khuyến khích, ủng hộ mọi người đúng thời, đúng vị trí, đúng
sự việc, đúng chánh pháp. Hãy nên giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống
thêm hài hòa, vui tươi, an lạc và hạnh phúc.
Đức Phật phải
làm gì khi phải và trái không rõ rệt?
Đức Phật luôn dạy đệ tử phải cân nhắc, suy nghĩ kỹ càng từ một
hành động nhỏ, không được xem thường, không được hấp tấp, lơ là, đại khái.
Việc nhỏ không làm xong, làm sao thành tựu được việc lớn?
Một đốm lửa nhỏ có thể gây ra trận cháy rừng. Một hành động thiếu suy nghĩ có thể
sẽ tiêu hủy luôn cả một đời người trong tù tội hay đau khổ ăn năn.
Chánh Nghiệp là một chi trong Bát Chánh Đạo (Tám Con Đường Thánh). Chúng ta cần phải luôn gìn giữ Chánh
Nghiệp trong mọi trường hợp hoàn cảnh, dù có thể xảy ra bất cứ trạng huống nào,
chúng ta vẫn phải vững tâm mà tiến bước, không bị lay động. Có khi chúng ta gặp phải những trạng
huống lập lờ, nửa tối nửa sáng, không rõ rệt phân minh, có khi chúng ta chạm
trán với những con người tráo trở, xảo quyệt mưu mô chuyên lừa dối người, thích
luờng gạt . . . dù bất cứ tình cảnh nào, chúng ta cần phải sử dụng ngay lập tức
lý trí để phân tích, để nhận định thật sắc bén, rõ ràng, để phân minh cụ thể sự
việc hầu giữ vững tâm trí và lập trường của chính chúng ta. Chúng ta phải đi đúng hướng, không để cho
tình cảm riêng tư cá nhân xen lẫn khiến cho lập trường khuynh hướng của chúng ta
bị dao động, nghiêng ngã theo một chiều lệch lạc nào.
Lẽ dĩ nhiên hành xử được như vậy không phải là dễ. Ai nói với bạn là dễ đâu?
Nhưng Phật đã hành xử được như vậy, và Phật tin là đệ tử Phật sẽ nghe theo lời Phật dạy, sẽ giữ vững, thực
hành đúng được Chánh Nghiệp. Vâng,
chúng ta có thể làm được và ngày hôm qua, ngày hôm nay chúng ta đã và đang làm
đúng được như thế thì ngày mai, ngày mai, mai nữa chúng ta sẽ tiếp tục giữ đúng
được như thế mãi mãi.
Đức Phật phải làm gì đối với những tội ác vì thù
hận?
Tham,
Sân, Si là ba chất độc cực mạnh tàn phá hủy diệt toàn bộ thế giới loài người. Nếu phân tách tỉ mỉ ra thì Tham và Si có
thể nói là chủng tử vốn có, tự nhiên của loài người chúng ta hay có thể nói đó
là Câu Sanh chủng tử. Khi chúng ta
vừa sanh ra đời thì chúng đã hiện hữu ngay theo chúng ta rồi.
Là con người, ai mà chẳng tham, tham đủ thứ.
Thôi thì người nghèo khó thì sanh lòng tham lam cũng đành chấp nhận đi; ai lại
kẻ giàu nứt đố đổ vách ra cũng sanh máu tham, còn tham hơn nữa chứ ! Tại sao con người lại tham đến thế?
Vì con người si mê, ngu muội, không thẩm thấu được định lý Vô Thường, Vô Ngã của
vạn sự vạn vật nên mới gây ra nhiều tội nghiệp, ác nhân.
Do đó, lầm lỡ chính là con người, lầm lỡ vì tham và si.
Nhưng sân hận không phải là tự nhiên : sân hận sanh khởi là vì có tác động, là
vì có duyên do; sân hận được con người hay hoàn cảnh tạo ra, và sự hiện diện của
sân hận chính là sự hiện diện của sự hủy diệt, tàn phá, sụp đổ.
Vì sân hận không phải là tự nhiên nên những hành động gây ra do lòng thù hận là
phi nhân tánh, vô luân, vô đạo đức.
Những hành động chúng ta gây ra do tham và si có thể bị lên án là trái
luân thường đạo đức, nhưng không tai hại bằng những hành động phi nhân bản, đầy
thú tánh thúc đẩy bởi hận thù, chất chứa lòng sân giận. Những hành động chất
chứa hận thù sẽ gây tạo ra những sụp đổ toàn diện về luân lý đạo đức, niềm tin,
và tình thương. Những hành động chất chứa hận thù sẽ gây
tạo ra chiến tranh, phân tán và chết chóc.
Những hành động chất chứa hận thù sẽ đem đến đau thương, bạo tàn và nguyền rủa
thù hận triền miên giữa loài người với nhau.
Lòng sân hận mù quáng sẽ tiêu diệt đi cuộc sống, sẽ hủy phá đi thế giới loài
người, sẽ làm đen tối đi vũ trụ tình thương giữa những dân tộc, sẽ che mờ đi lý
trí và chân lý. Đức Phật là bậc đại
từ đại bi, Ngài luôn giáo hóa chúng sinh hãy sống trong Trí Tuệ và Từ Bi, nhưng
đối với những hành động phi nhân tính vì thù hận, Phật không bao dung và chúng
ta cũng không thể khoanh tay đứng nhìn được. Công lý sẽ nghiêm khắc xử trị hơn những
kẻ nào gây tạo sóng gió và đau khổ cho người khác vì thù hận.